Khi con lên hai tuổi, vào ngày sinh nhật của con, chú Sato cho chị Minami đến nhà mình chơi. Con và chị chạy đùa vui, cười như nắc nẻ. Rồi bỗng dưng, con dừng lại, chạy về phía mẹ, lấy chiếc khăn tay mẹ đang cầm và tiến về phía chị. Con lóng ngóng đưa khăn lên lau cằm cho chị, vừa lau vừa ngọng nghịu: “Nước giáiiiii, nước giáiiii”. Cái giọng ngọng líu ngọng lô và cách phát âm nhầm lẫn tai hại giữa thanh ngã và thanh sắc làm cả nhà cười đến chảy cả nước mắt. Chị Minami thấy mọi người cười cũng lỏn lẻn cười theo, đón nhận bàn tay vụng về luệch nguệch cùng cái khăn đưa lên lau mặt của con. Sau đó mỗi lần gặp lại bố con chú Sato, cả hai nhà đều nhắc lại kỉ niệm này và cười sảng khoái.
Một lần, con được bố cho đi siêu thị gần nhà. Siêu thị đông người, tấp nập. Bố mải mua sắm, lát sau nhìn lại không thấy con đâu. Bố ngơ ngác tìm con trong dòng người đông đúc thì thấy con đang lũn cũn chạy theo một xe đẩy hàng. Ban đầu bố tưởng con nhầm xe đó là của bố nhưng nhìn kĩ thì thấy, con đang đẩy xe giúp người lạ. Xe hàng to nặng cồng kềnh. Người đẩy hàng là một bà mẹ với hai em bé trên tay. Con hăm hở đẩy xe, mồ hôi đầm đìa mà đôi mắt thì long lanh. Bố đứng lặng người!
Khi con lên ba tuổi, bố đưa con về Việt Nam nghỉ phép. Bố lấy xe máy đèo con dạo khắp phố phường. Bố chỉ cho con thấy một người phụ nữ bán bóng bay đang vất vả mưu sinh giữa trời nắng, giữa phố đông ồn ào, bụi bặm. Bố nói nhỏ: “Bóng đẹp quá! Nhưng con nhìn xem, cô ấy vất vả quá, mệt và nóng lắm đấy con à!” Con đập tay vào lưng bố ra hiệu cho bố dừng xe. Rồi vẫn bằng cái giọng ngây thơ, thỏ thẻ, lẫn lộn giữa các âm tắc cuối, con khẩn khoản: “Bố mua hết bóng của cô ấy đi, mua hết để cô còn về đi họng (đi học)”. Lúc ấy, con cứ nghĩ là tất cả mọi người đều đi học mỗi ngày, cả người lớn, cả trẻ em. Bố dốc túi mua đến từng đồng bạc cuối cùng mẻ bóng bay. Rồi hai bố con ngửa mặt thả bóng lên trời trong niềm vui nhẹ nhõm. Con reo: “Đẹm quá, đẹm quá!” Nhưng trong mắt con, bố biết có những điều còn vui hơn cả đẹp.
Khi con lên bốn tuổi, vào ngày 20/10 của mẹ, bố bị ốm và toan chần chừ tính chỉ tặng mẹ cái gì thật đơn giản, khỏi mất công đi mua. Nhưng con buồn và con nài nỉ: “Hai bố con mình đi mua quà cho mẹ nhé!” Bố dắt xe ra, vô ý để cái chân chống chọc vào chân con. Con nhăn mặt khẽ kêu: “Ái đau quá!” Bố hốt hoảng: “Có sao không, có sao không con?” Con xua tay: “Không sao, không sao, bố con mình lên đường thôi”. Con líu lo, con tính toán mua cái này, cái này bố nhé. Cả hai bố con hồ hởi chọn quà, gói quà. Con náo nức, náo nức, mặt tươi ngần. Về đến nhà, con chạy ùa vào tặng quà cho mẹ. Bố nhìn theo, thấy vệt máu trên chân con vẫn còn rỉ ra, rơi theo từng bước chạy. Bố sững người, tựa như có bàn tay bóp nghẹn tim mình. Niềm vui sướng mua được quà cho mẹ đã át cái đau nơi bàn chân con rớm máu.
Khi con lên năm tuổi, con đi học mẫu giáo. Một hôm đón con về, mẹ than phiền là con để quên áo khoác ở lớp. Mẹ dặn bố hôm sau khi đưa con đi học thì nhớ nhờ cô nhắc con cho áo khoác vào trong ba lô. Hôm sau đến, bố chưa kịp dặn cô, cô đã đưa cho bố cái áo khoác gấp gọn gàng, thơm tho của con. Cô dịu dàng nói: “Hôm qua, bạn An bị ho trong giờ ngủ trưa, thế là Nam lục lọi trong ba lô của mình chiếc áo khoác đưa cho bạn.
Bạn không chịu mặc, Nam để áo bên cạnh. Khi bạn ngủ, Nam dậy trùm áo lên người bạn và nói với cô: “Làm thế cho bạn khỏi ho”. Mẹ bạn đến đón, cô kể cho mẹ bạn nghe. Mẹ bạn cảm động quá nên mang áo về nhà giặt rồi mang trả. Bố ôm con vào lòng trong niềm vui thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Năm con học lớp Một, nhà có thêm em Ngọc lên học đại học ở cùng. Buổi tối nào lúc em học bài con cũng lọc cọc leo lên tầng, đứng chắp tay đằng sau và nhắc: “Em bật đèn lên cho sáng, học tối thế này thì hỏng hết cả mắt”. Rồi con nhắc bố lắp thêm đèn bàn cho em, mua cho em cái bàn học để em ngồi học chứ không nằm bò ra giường. Con bảo: “Ngồi học như thế vừa nghiêm chỉnh lại đỡ buồn ngủ”. Biết em mới xa nhà, hay buồn nên thi thoảng con lại viết một đoạn văn để em đọc cho vui, kiểu như: “Em Ngọc có đôi mắt đen láy, tròn xoe như hai hạt nhãn. Em Ngọc hơi béo, hơi tồ nhưng rất xinh. Em rất thích chơi với em Ngọc”. Những đoạn văn ấy giờ bố vẫn còn giữ. Mỗi lần đọc lại lòng bố vui mà mắt cứ cay xè.
Rồi những năm con học tiểu học, hễ năm nào lớp con học có cô giáo mang bầu là y như bố mẹ bị căng thẳng. Ngày nào về con cũng thông báo tình hình sức khỏe, rằng em bé trong bụng cô được mấy tháng rồi, cô có khỏe không, rằng cô đi lại, ăn uống thế nào. Con nơm nớp lo mỗi lần thấy cô đi xe máy, thấy cô trèo cầu thang. Con cảm thấy bứt rứt không yên khi nhìn cô phải vất vả với cái bụng to kềnh. Bố mẹ cứ quay cuồng trong những câu chuyện về em bé, về phụ nữ khi có thai. Cái ái ngại, lo lắng, áy náy của con lây sang cả bố mẹ. Bố mẹ bồn chồn, bố mẹ lo và bố mẹ vui.
Rồi gần đây là khoảng thời gian con du học xa nhà, mỗi lần để cô chủ nhà phải đón đưa đi học là một lần con áy náy. Skype với bố mẹ, con luôn tâm sự: “Cô vất vả quá, lẽ ra khoảng thời gian đưa đón con cô có thể nghỉ ngơi thêm”. Hôm nào cô đón con về đến nhà là con thở phào rồi chạy lên phòng riêng thông báo cho bố mẹ rằng bây giờ thì cô có thể nghỉ ngơi rồi, rằng con yên tâm rồi. Cái líu lo, cái náo nức, lí lắc, cái điệu bộ chun mũi đáng bật cười của con làm bố mẹ xao xuyến, tim cứ chùng đi trong nhịp yêu thương thao thiết.
Những ngày ở Ấn Độ, con say sưa mải miết với việc chụp ảnh. Nhưng khi xem album ảnh con chụp, bố rất ngạc nhiên vì thấy toàn ảnh chụp các nhân viên an ninh, vệ sĩ, bảo vệ, trên khắp mọi nẻo đường, góc phố New Dehli. Trước sự ngạc nhiên của bố, con tủm tỉm cười giải thích: “Con chụp thế này để yên tâm rằng đây là đất nước an toàn cho phụ nữ, không như một số báo chí đưa tin.” Bố à lên ngỡ ngàng. Con ơi! Con thấy an tâm còn bố thấy an vui.
Con của bố! Bố luôn gọi con là Chàng trai. Con luôn biết nghĩ đến những người phụ nữ, người đó là bà, là mẹ, là chị, là em, là cô giáo, là bạn bè... Con luôn nghĩ và tìm cách làm sao để những người phụ nữ quanh mình trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng, an toàn, thư thái. Điều đó thật tuyệt!
Bởi suy cho cùng, mỗi người đàn ông trong cuộc đời của mình đều chịu ơn ít nhất một người phụ nữ.
Hãy làm và hãy nghĩ những điều tốt đẹp nhất về phụ nữ, nghe con! Bố học được điều đó từ CON, CHÀNG TRAI bé nhỏ của bố!