Mọi câu chuyện đều bắt nguồn từ cuộc sống, nhưng một câu chuyện hấp dẫn là một biểu hiện của nghệ thuật. Nó có thể mô tả cuộc sống theo một cách kỳ diệu, cho phép bạn khám phá những điều phi thường trong một cuộc sống rất đỗi giản đơn
1
NHỮNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN HAY TRONG MẮT CHÚNG TA
"Những người biết cách kể chuyện có một điểm chung: Họ đọc rất nhiều"
Vai trò của nghệ thuật kể chuyện
Nhiều người cho rằng kể chuyện hay có vẻ là một kỹ năng chẳng mấy hữu dụng, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Biết cách kể một câu chuyện hay có thể giúp chúng ta đơn giản hóa rất nhiều vấn đề khó khăn và dễ dàng hóa giải những tình huống bối rối. Mỗi khi rơi vào tình cảnh khó xử, không có giải pháp nào tốt hơn là kể một câu chuyện hài hước. Ngoài ra, cuộc sống của chúng ta được dệt nên từ vô vàn câu chuyện, thông qua các câu chuyện đó, mọi người có thể dần dần giảm bớt những cảm xúc lo lắng, tìm ra cách giải quyết vấn đề và học hỏi những kỹ năng để cải thiện bản thân. Câu chuyện không chỉ là một cách giao tiếp hiệu quả, mà còn là một kỹ năng để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Rất nhiều người đã phát hiện ra sức hút độc đáo của các câu chuyện. Nghệ thuật kể chuyện cũng dần trở thành một kỹ năng quan trọng, do đó những người biết cách kể chuyện sẽ có thể gặt hái nhiều thành công hơn.
Câu chuyện sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và thiết thực hơn. Trong những câu chuyện, chúng ta có thể tìm thấy sự đồng cảm và cảm giác quy thuận. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến chuyển của thời đại và thế cuộc, sức hấp dẫn của việc kể chuyện chưa từng suy giảm, và ngày nay thậm chí nó còn trở thành xu hướng chính.
Trên các nền tảng truyền thông mới như Weibo và WeChat, những blogger có nhiều người theo dõi chắc chắn phải là người biết cách kể chuyện. Một bộ phim được đánh giá cao chắc chắn phải là bộ phim kể được một câu chuyện hay. Và một bài diễn giảng chất lượng cao thì nội dung của nó chắc chắn cũng phải chứa đựng những câu chuyện bình dị, đời thường...
Tại “Diễn đàn đổi mới toàn cầu 2015: Đổi mới hướng đến tương lai”, Du Mẫn Hồng1 đã kể một câu chuyện ngắn của bản thân. Đó là một trải nghiệm du lịch đến thảo nguyên Hulunbuir với hơn chục doanh nhân khác từ bốn năm trước. Trong hành trình đó, họ đi ngang qua một đồng cỏ xanh ngút ngàn, tiếc là quanh chân núi đã dựng một hàng rào thép gai. Để tận hưởng khung cảnh tốt hơn, Du Mẫn Hồng quyết định trèo qua hàng rào và tiến vào bên trong. Một doanh nhân đã kéo lấy anh và nói rằng phía trong đó chắc chắn là khu đất riêng của hộ chăn nuôi gia súc, nếu tự tiện trèo vào có thể sẽ bị họ lầm tưởng là trộm cắp và đuổi đánh.
“Tôi nghĩ rằng những người chăn nuôi gia súc cũng là những người có hiểu biết, không thể nào có chuyện hễ nhìn thấy người lạ là họ liền vác súng ra bắn được.” Du Mẫn Hồng nói.
Cuối cùng anh vẫn leo lên đỉnh núi, nhìn thấy cả bầu trời trong xanh, những đám mây trắng muốt, cỏ xanh mơn mởn và đàn dê, cừu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Quả là khung cảnh tuyệt đẹp. Thấy Du Mẫn Hồng vẫn bình yên vô sự, các doanh nhân khác cũng băng qua hàng rào, leo lên sườn đồi để thưởng lãm phong cảnh.
Qua câu chuyện này, Du Mẫn Hồng cảm khái rằng: “Thực ra đây là bước đột phá của riêng chúng tôi, nhưng cũng chỉ là một chuyện nhỏ nhặt. Có lẽ hàng rào dây thép gai trước mặt không phải dùng để ngăn chặn chúng tôi, mà là để ngăn chặn gia súc, không cho chúng chạy sang đất của người khác, tuy nhiên chúng tôi lại coi đó là thứ đang ngăn trở chính mình. Nói rộng hơn, hãy thử nghĩ xem trong tâm trí có những gì đang hạn chế chúng ta?”
1 Du Mẫn Hồng: Tỉ phú người Trung Quốc, nhà sáng lập Tập đoàn New Oriental chuyên giảng dạy tiếng Anh.
Thông qua một câu chuyện nhỏ hết sức bình thường, Du Mẫn Hồng đã đi thẳng vào một vấn đề hệ trọng, đó là: Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người có vô số ranh giới về mặt tư tưởng, và thứ đang giới hạn chúng ta không phải là người khác mà là chính bản thân ta. Sử dụng những câu chuyện ngắn như vậy chắc chắn sẽ giúp cho quan điểm của bạn hấp dẫn người nghe hơn nhiều so với việc thuyết giáo, rao giảng. Dùng một sự việc nhỏ lẻ để thể hiện quan điểm của mình, từ đó dẫn dắt tới nhận thức lớn lao hơn, từng bước đưa người nghe vào các lớp lang sâu sắc hơn, tất cả những điều đó đã cho thấy kỹ năng diễn giảng tài ba của Du Mẫn Hồng.
Kể từ thời viễn cổ, con người đã bắt đầu sáng tạo ra những câu chuyện. Sau hàng ngàn năm lịch sử, khả năng ấy vẫn không hề suy giảm. Thay vào đó, ngày càng có nhiều câu chuyện đặc sắc và thú vị hơn được tạo ra, điều đó cho thấy sức hấp dẫn của những câu chuyện.
Mặc dù thần thoại Hy Lạp kể câu chuyện về các vị thần, nó lại vốn bắt nguồn từ những điều hết sức thân thuộc trong cuộc sống của con người. Cũng giống như vậy, mọi câu chuyện đều lấy chất liệu từ cuộc sống, nhưng một câu chuyện hấp dẫn đã trở thành một biểu hiện của nghệ thuật. Nó có thể mô tả cuộc sống theo một cách kỳ diệu, cho phép chúng ta khám phá những điều phi thường trong một cuộc đời rất đỗi giản đơn.
Đặc điểm của câu chuyện
Có rất nhiều chỉ tiêu “cứng” để chúng ta đánh giá chất lượng và sự hay-dở của một câu chuyện. Có cả một bộ tiêu chuẩn về tất cả các khía cạnh như cách dùng từ, tạo câu, kết cấu nội dung, cách diễn đạt chủ đề... Có hằng hà sa số những câu chuyện đáp ứng các tiêu chuẩn này và được coi là kiệt tác với khả năng khơi gợi những cảm xúc sâu sắc nhất trong tâm khảm của người nghe. Tất nhiên trong số đó vẫn có những câu chuyện tồn tại một vài khuyết điểm. Một câu chuyện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chưa chắc đã là một câu chuyện hay, nhưng đại đa số những câu chuyện không được đánh giá cao thì thường không đem lại giá trị lớn.
Có thể thấy, một câu chuyện hay cần đảm bảo cả khía cạnh lý tính và khía cạnh cảm tính. Các tiêu chuẩn lý tính là những chỉ số đánh giá chất lượng của câu chuyện, và cũng là những yếu tố cơ bản mà một câu chuyện hay cần phải có. Các khía cạnh cảm tính thì lại mang nhiều màu sắc chủ quan. Đôi khi phá vỡ những quy tắc thông thường cũng có thể giúp chúng ta có được một câu chuyện hay, đặc biệt là một câu chuyện có cá tính.
Một số tiểu thuyết thịnh hành trong những năm gần đây như Đạo mộ bút ký hay Ma thổi đèn, mặc dù chủ đề, nội dung và thậm chí cách thiết lập nhân vật có phần giống nhau, nhưng hai bộ tiểu thuyết này thể hiện được phong cách cũng như nét quyến rũ hoàn toàn khác nhau, nhờ vậy đã đạt được thành công rất lớn.
Những người khác nhau sẽ kể cùng một câu chuyện theo những cách khác nhau. Giống như câu nói nổi tiếng của Shakespeare: “Trong mắt một ngàn người sẽ có một ngàn Hamlet”, cùng đọc một câu chuyện nhưng những người khác nhau sẽ có những cảm xúc khác nhau. “Võ vô đệ nhị, văn vô đệ nhất”, mỗi người trong số chúng ta đều sẽ đánh giá câu chuyện dựa trên quá trình học tập và cảm ngộ đối với cuộc sống của chính mình, vì vậy cảm nhận về mỗi câu chuyện sẽ không có đúng hay sai.
Tùy thuộc vào quan điểm, cảm quan của độc giả, một câu chuyện sẽ được nhìn nhận theo những cách khác nhau. Điều này cũng hình thành nên sự quyến rũ và cá tính độc đáo của câu chuyện. Chúng ta thường dựa vào phán đoán của bản thân để lựa chọn câu chuyện mà mình thích, theo dõi những thăng trầm của diễn biến nội dung, sau đó mới có những cảm ngộ của riêng mình.
Ai là người kể chuyện hay?
Những người biết cách kể chuyện có một điểm chung: Họ đọc rất nhiều. Nếu muốn viết hoặc kể một câu chuyện tuyệt vời, bạn phải trau dồi một khối lượng kiến thức nhất định.
Người xưa có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”, khi có nền tảng là một số lượng lớn những câu chuyện thú vị thì ngay khi rơi vào trạng thái chẳng biết nói gì, trong đầu chúng ta sẽ có sẵn những chủ đề dự phòng. Trên thực tế, có rất nhiều khoảnh khắc mà chúng ta cảm nhận được một điều gì đó lóe lên trong tâm trí, đó là khi ký ức đang hoạt động. Chúng ta đã đưa câu chuyện vào trong tiềm thức nên khi ta cần, chúng sẽ tự động xuất hiện.
Trong quá trình sáng tạo câu chuyện, chúng ta có thể vay mượn những hình tượng trong cuộc sống. Một hình tượng thú vị có thể giúp gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của câu chuyện.
Các nhân vật nam chính trong hai bộ phim Tên cậu là gì? và 5cm/s của đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Shinkai Makoto đều có những nét rất giống với ông. Nhờ vậy, những nhân vật đó càng được khắc họa một cách cụ thể và chi tiết hơn.
Nhà ở, trường học và cách tương tác với bạn bè của các nhân vật nam, nữ chính trong bộ phim Tên cậu là gì? đều rất giống với cuộc sống hằng ngày của chúng ta, khiến ta có cảm giác mình đang thực sự hiện diện trong câu chuyện đó. Chính điều ấy đã giúp câu chuyện của Shinkai Makoto thành công, và bộ phim này thậm chí còn trở thành á quân phòng vé của thể loại phim hoạt hình Nhật Bản.
Các tác phẩm của Shinkai Makoto không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được công chúng đón nhận và yêu mến. Ở Nhật Bản, người ta thậm chí còn coi ông là “người kế vị của Miyazaki1”. Vì vậy, có thể nói rằng Shinkai Makoto chắc chắn là một người biết cách kể chuyện.
Mặc dù không phải ai cũng sở hữu trí tưởng tượng phong phú, nhưng đọc nhiều có thể giúp bạn nâng cao năng lực này một cách hiệu quả. Người xưa có câu: “Độc thư bách biên kỳ nghĩa tự kiến2” chính là nói về đạo lý ấy.
1 Miyazaki Hayao: Nhà làm phim hoạt hình, họa sĩ truyện tranh, nhà biên kịch và là người đồng sáng lập xưởng phim hoạt hình Studio Ghibli của Nhật Bản.
2 Độc thư bách biên kỳ nghĩa tự kiến: Đọc sách trăm lần là có thể hoàn toàn lĩnh hội những ý nghĩa sâu xa của nó.
Có rất nhiều nhà văn, nhà báo có những khoảnh khắc mà trí tưởng tượng và cảm xúc của họ đột nhiên biến mất, trong Tâm lý học, hiện tượng này còn gọi là sự “tước đoạt cảm xúc”. Đây không phải là điều mà chúng ta có thể tự khắc phục, mà buộc phải nhờ đến “ngoại lực”, và ngoại lực đó chính là việc đọc và ghi nhớ.
Những người có thể dễ dàng kể chuyện thường là những người tích cực và lạc quan. Họ có thể chia sẻ những câu chuyện từ sâu thẳm đáy lòng với mọi người mà không hề cảm thấy căng thẳng hay lo lắng. Có thể chúng ta không được sinh ra với sự lạc quan thiên bẩm, nhưng chúng ta có thể biến bản thân trở nên tích cực và dũng cảm hơn thông qua rèn luyện, và khả năng kể chuyện cũng vậy.
Kể chuyện hay là một khả năng thiên bẩm, nhưng nó cũng là một kỹ năng mà chúng ta có thể đạt được nhờ luyện tập. Đọc nhiều hơn, xem nhiều hơn và quan sát nhiều hơn – đó là nền tảng để trở thành một người kể chuyện giỏi, và cũng là nền tảng để trở thành một người được mọi người yêu mến.
2
TIỀN ĐỀ CỦA MỘT CÂU CHUYỆN HAY
Trở thành một người kể chuyện giỏi chưa bao giờ là chuyện đơn giản, nó đòi hỏi sự khổ công rèn luyện, và những câu chuyện hấp dẫn luôn là kết quả của sự “chuẩn bị từ trước”
Chuẩn bị trước câu chuyện
Đối với bất kỳ loại hình câu chuyện nào, nội dung cốt lõi của chúng đều phản ánh trạng thái của con người và có liên quan chặt chẽ đến cuộc sống. Chỉ khi lý giải và thấu hiểu cuộc sống, bạn mới có thể phản ánh và biểu đạt về nó.
Cuộc sống được miêu tả trong câu chuyện chưa chắc đã là một cuộc sống chân thực, mà là một cuộc sống có đặc điểm riêng. Câu chuyện không phải là sự ghi chép lộn xộn, cũng không phải là phương tiện để thuật lại cuộc sống, mà là để tiến hành tái sáng tạo dựa trên cơ sở của cuộc sống.
Ngoài ra, việc sáng tạo một câu chuyện không đơn giản là cầm bút lên thì câu chữ sẽ tuôn ra ào ào, mà nó cần phải được chuẩn bị đầy đủ. Trước hết, bạn phải có vốn sống nhất định, phải biết sẽ kể câu chuyện như thế nào. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đọc các tác phẩm yêu thích của mình rồi học tập cách kể chuyện của các tác giả. Ngay trong những dòng đầu của cuốn sách Chuẩn bị cho sáng tác, tác giả Mao Thuẫn đã chỉ ra rằng: “Những tác phẩm bất hủ của những cây đa cây đề trong lịch sử văn học thế giới, cùng với những kinh nghiệm cả đời của họ trong sự nghiệp văn học, chính là lời giải đáp hoàn hảo nhất cho tựa đề của cuốn sách này.”
Mao Thuẫn cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách. Ông cho rằng trước khi kể chuyện, chúng ta nên rèn luyện năng lực biểu đạt của bản thân: “Đối với một nhà văn mới chập chững theo nghiệp viết lách, tốt hơn hết hãy bắt đầu với các bài tập cơ bản. Đừng vội viết những thể loại tiểu thuyết thông thường, đừng vội mong rằng mình sẽ viết ngay được một tác phẩm để đời.” Trở thành một người kể chuyện giỏi chưa bao giờ là chuyện đơn giản, nó đòi hỏi sự khổ công rèn luyện, và những câu chuyện hấp dẫn luôn là kết quả của sự “chuẩn bị từ trước”.
Lựa chọn câu chuyện
Một câu chuyện phù hợp với thời đại mới có thể thu hút độc giả. Mặc dù không có giới hạn về chủ đề và bối cảnh của câu chuyện, nhưng rõ ràng sẽ rất không phù hợp nếu chúng ta dùng các tiêu chuẩn thẩm mỹ và đạo đức thời cổ đại để mô tả xã hội hiện đại. Một số sự vật sẽ không thay đổi theo biến chuyển của thời gian, nhưng rất nhiều sự vật khác luôn không ngừng phát triển. Một câu chuyện hay trước tiên phải phù hợp với những giá trị quan chủ đạo của thời đại ngày nay. Khi tiến hành chọn lựa câu chuyện, đầu tiên chúng ta nên ưu tiên những câu chuyện phù hợp với thẩm mỹ của công chúng và xu hướng của thời đại.
Thứ hai, câu chuyện nên có hiệu ứng “chi tiết nhỏ tạo nên thông điệp lớn”. Trong cuộc sống, những câu chuyện mà chúng ta kể thường ngắn gọn và trực diện. Chúng không giống như những cuốn tiểu thuyết đồ sộ, vì vậy nội dung chắc chắn sẽ không thể “bao la vạn tượng”, mà chỉ phản ánh một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Nhưng nếu bạn muốn giải thích về vấn đề nào đó thì không nên giới hạn câu chuyện, dù ngắn gọn nhưng nó vẫn phải mang tính đại diện. Câu chuyện phải bắt đầu từ chi tiết nhỏ, lựa chọn các nhân vật, tình huống mang tính tiêu biểu, sau đó đi từ nông đến sâu, rồi tăng lên tới tổng thể, như vậy mới đạt được hiệu quả bùng nổ “tứ lạng bạt thiên cân”.
Cuối cùng, bạn nên chọn chủ đề sở trường của bản thân. Một số người có khả năng kể chuyện kinh dị, một số khác thì thích hợp kể chuyện trữ tình, nhưng cũng có những người lại phù hợp kể chuyện lịch sử. Chỉ khi tìm ra chủ đề mà mình giỏi, bạn mới có thể khuếch đại lợi thế và che đi khuyết điểm của bản thân.
Lựa chọn đề tài là một công đoạn không thể thiếu đối với việc kể chuyện. Bằng cách so sánh và tìm ra loại hình câu chuyện mà bạn phù hợp, sau này mỗi khi cần kể chuyện, bạn chỉ cần chọn kể cùng một loại hình câu chuyện đó nhưng với nội dung khác nhau là được.
Hiểu khán giả
Chúng ta kể chuyện đều nhằm một mục đích nhất định, vì vậy “nhìn mặt mà cất lời” chính là phương thức tốt nhất. Dựa theo các đặc điểm và nhu cầu của người nghe, chúng ta có thể kể những câu chuyện dành riêng cho họ, thu hút sự hiếu kỳ và quan tâm của họ, như vậy hiệu quả sẽ càng tốt hơn.
Một người nông dân trong huyện đến một công ty bảo hiểm để đòi bồi thường, nói rằng mưa lớn đã làm sập một bức tường trong nhà anh ta, gây thiệt hại hơn 5.000 nhân dân tệ. Sau khi nhận được thông tin và tiến hành điều tra, công ty bảo hiểm đồng ý giải quyết khiếu nại, nhân viên bảo hiểm chuẩn bị các tài liệu và báo cáo cho người quản lý phê duyệt. Người quản lý đã không kiểm tra cẩn thận thông tin trong tài liệu mà trực tiếp ký tên luôn.
Sau đó, người nông dân đến lĩnh tiền. Sau khi nhận được tiền, anh ta tự hào khoe khoang với nhân viên bảo hiểm rằng mình chỉ mua một năm bảo hiểm, nhưng lại nhận được tiền bồi thường cho hai năm. Nhân viên này ngay lập tức kiểm tra lại chứng từ bảo hiểm và phát hiện ra mình đã sơ suất ghi thời hạn bồi thường từ một năm thành hai năm. Một nhân viên bảo hiểm khác ngay lập tức tiến hành truy vấn những khoản bồi thường này. Sau khi thu thập bằng chứng, anh ta đã chứng minh rằng người nông dân kia đã bày mưu nhằm trục lợi từ công ty bảo hiểm, và bức tường trong nhà là do chính anh ta phá đổ.
Đây là một câu chuyện gian lận bảo hiểm rất đơn giản liên quan đến người nông dân và công ty bảo hiểm.
Nếu chúng ta kể câu chuyện này với những người nông dân thì sẽ không phù hợp, bởi lẽ hình ảnh của anh nông dân trong câu chuyện trên không có tính tích cực, sau khi nghe xong đối phương sẽ cảm thấy không thoải mái. Tương tự, câu chuyện này cũng không thích hợp để kể cho các nhân viên bảo hiểm. Họ chắc chắn sẽ thấy phản cảm vì nhân viên bảo hiểm trong câu chuyện trên đã để xảy ra sai phạm lớn do bất cẩn.
Một câu chuyện hay phải kể cho đúng người, như vậy mới có thể đạt được hiệu quả tốt đẹp.
3
KỸ NĂNG KỂ CHUYỆN QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÂU CHUYỆN
"Câu chuyện được lan truyền thông qua việc thuật lại, và việc thuật lại là sinh mệnh của câu chuyện"
Trên thực tế, quá trình kể một câu chuyện là quá trình bạn trình bày những suy nghĩ trong đầu mình cho người khác biết. Câu chuyện được lan truyền thông qua việc thuật lại, và việc thuật lại là sinh mệnh của câu chuyện. Chất lượng của câu chuyện phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng của người kể chuyện.
Câu chuyện cần có chủ đề cụ thể
Với tư cách là một phương thức trần thuật, một câu chuyện nhất định phải có chủ đề rõ ràng. Chủ đề này có thể mang tính vĩ mô hoặc vi mô. Một câu chuyện có thể nhằm mục đích kể lại một thời đại, đây là chủ đề vĩ mô; hoặc có thể tập trung kể rõ một sự kiện, đây là chủ đề vi mô.
Cả hai chủ đề vĩ mô và vi mô đều có những ưu điểm riêng, chúng ta sẽ phải lựa chọn dựa trên mục đích của việc kể chuyện. Nếu bạn muốn sử dụng những câu chuyện để đề cập tới các vấn đề trong xã hội ngày nay, thì tầm vĩ mô có vẻ thuyết phục hơn; nếu bạn muốn kể với bạn bè về những điều mắt thấy tai nghe, một góc nhìn vi mô sẽ là tốt nhất.
Chủ đề là sợi dây dẫn dắt của câu chuyện, giúp nó đi thẳng vào trọng tâm mà không bị rườm rà, gây xao nhãng.
Thời báo Phố Wall là một trong những tờ báo nổi tiếng nhất thế giới. Khả năng theo dõi và bám sát các điểm nóng tin tức của họ luôn vượt xa các phương tiện truyền thông khác. Trong một môi trường nghiêm ngặt như vậy, hầu hết các sự kiện được các phóng viên báo cáo là những câu chuyện kích thích tư duy và khiến độc giả phải mày mò, suy ngẫm.
Một lần nọ, một phóng viên đã báo cáo về hoạt động phẫu thuật thắt ống dẫn tinh đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận, sau đó viết một bài báo ngắn gọn, dễ hiểu, giúp công chúng nắm được thông tin đầy đủ về lợi ích cũng như các mối nguy hiểm của loại phẫu thuật này. Tuy nhiên, biên tập viên đã xóa các phần mô tả liên quan đến bộ phận nhạy cảm kia mà không có sự đồng ý của phóng viên. Điều này khiến bài báo trở nên hết sức khó hiểu.
Đây là kết quả của việc phóng viên và biên tập viên không xác định chủ đề của bài báo ngay từ đầu, một người muốn giải thích hiện tượng, một người lại chỉ muốn giới thiệu tổng quan; một người mô tả câu chuyện ở cấp độ vi mô, còn một người thì nhấn mạnh sự kiện ở cấp độ vĩ mô.
Do chủ đề và mục đích khác nhau, bài báo trước và sau khi được biên tập đã có sự tương phản rõ rệt, khi đọc lên có cảm tưởng đó hai bài báo riêng biệt. Bởi vậy, tùy thuộc vào chủ đề được lựa chọn, chúng ta có thể kể vô vàn những câu chuyện khác nhau.
Sau khi xác định rõ chủ đề, quá trình kể chuyện cần liên kết chặt chẽ với chủ đề ấy. Một câu chuyện chỉ có thể gắn liền với một chủ đề, quá nhiều sẽ dẫn đến hỗn loạn, hỗn loạn sẽ dẫn đến thất bại.
Xác định phạm vi và nội dung câu chuyện
Trước khi kể một câu chuyện, cần phải giới hạn phạm vi của nó và xem liệu chúng ta có thể giải thích đầy đủ câu chuyện trong phạm vi đó hay không. Một số người giải thích câu chuyện theo những cách hết sức đơn giản. Sau khi kết thúc, người nghe vẫn chưa thể phác họa lại thế giới trong câu chuyện, vẫn nửa hiểu nửa không. Mặc dù không thể nói rằng đây là một câu chuyện thất bại, nhưng nó chắc chắn là một câu chuyện không vẹn toàn.
Ngay cả với những câu chuyện nhỏ mà chúng ta thường kể, mặc dù nội dung không dài nhưng vẫn cần chú ý đến tính toàn diện. Thông thường, ở phần mở đầu, chúng ta có thể dùng một, hai câu để giới thiệu bối cảnh và giới hạn phạm vi của câu chuyện.
Nội dung của một câu chuyện xuất sắc có thể rộng hoặc hẹp, nhưng nó không được vượt quá phạm vi chủ đề của câu chuyện.
Ví dụ, đối với một câu chuyện mô tả cuộc sống của các loài động vật trong rừng, nếu phạm vi đề cập vượt quá giới hạn về chủ đề và thêm thắt các yếu tố khoa học viễn tưởng thì câu chuyện sẽ trở nên lộn xộn, hỗn loạn. Đầu tiên, đời sống động vật hoàn toàn không liên quan đến khoa học viễn tưởng, nghĩa là phạm vi của nội dung mâu thuẫn với phạm vi câu chuyện thực tế. Phạm vi của nội dung là cuộc sống trong rừng, trong khi phạm vi của câu chuyện lại mở rộng ra tận không gian vũ trụ. Đây là sai lầm nhiều người thường mắc phải khi kể chuyện, vì vậy chúng ta cần lưu ý.
Ngoài ra, sự phát triển của nội dung và hành vi, biểu cảm, lời thoại của các nhân vật phải phù hợp với bối cảnh của câu chuyện, không nên tạo cho người nghe cảm giác vượt thời gian và không gian. Ví dụ, việc kể về người xưa theo cách nói của người hiện đại là không hợp lô-gíc, khiến người nghe không nhận biết được bối cảnh cụ thể mà người kể muốn đề cập.
Sự liên kết giữa các mốc thời gian
Thời gian trong câu chuyện là một chi tiết dễ bị bỏ qua. Khi chúng ta tường thuật, cần đảm bảo sự nhất quán về thời gian để giữ cho phong cách của câu chuyện thống nhất. Trước tiên, thời gian sẽ quyết định các tình tiết và đóng vai trò then chốt trong bối cảnh của câu chuyện.
Cuối năm 1938, danh sách 10 nhân vật nổi tiếng hàng đầu ở Mỹ được công bố. Thật bất ngờ, trong danh sách xuất hiện một chú ngựa. Tên của nó là “Bánh quy biển”, nó có thân hình nhỏ thó và nhiều khuyết điểm. Huấn luyện viên Tom Smith đã mua chú ngựa này vào năm 1936. Mặc dù thân hình của nó không hề nổi bật, Smith luôn tin rằng: “Bánh quy biển luôn toát lên vẻ tự tin đích thực.”
Với niềm tin đó, Smith và Bánh quy biển đã cùng nhau nỗ lực rèn luyện, nhờ vậy chú ngựa đã cải thiện được các kỹ năng của mình. Bánh quy biển đã về nhất trong một cuộc đua ngựa vào năm 1937, kiếm được 144 nghìn đô-la trong một năm, trở thành chú ngựa đua mang lại lợi nhuận cao nhất. Năm 1938, Bánh quy biển cũng đánh bại Chiến tướng – chú ngựa được mệnh danh là Vua ngựa đua.
Thật không may, vào ngày 14 tháng 2 năm 1939, dây chằng chân trái của Bánh quy biển bị rách và tay đua ngựa cũng bị gãy chân tới lần thứ ba. Anh buồn bã nói: “Bánh quy biển và tôi đều đã rệu rã thân xác, thực sự hết hy vọng rồi.” Chưa đầy mấy tháng sau, Smith vẫn kiên gan tuyên bố: Vào ngày 2 tháng 3 năm 1940, Bánh quy biển sẽ thử thách với Santa Anita – cuộc đua ngựa có trị giá giải thưởng lên tới 100 nghìn đô-la, đây là cuộc đua mà nó chưa từng giành chiến thắng. Tay đua ngựa cũng muốn tham gia, nếu lần này lại bị gãy chân, anh sẽ chịu cảnh tàn phế suốt đời, nhưng anh nói rằng: “Tôi và Bánh quy biển cộng lại sẽ có bốn chân lành lặn, như vậy là đủ.”
Toàn bộ cộng đồng đua ngựa đều đổ dồn sự chú ý đến giải đấu này. Kết quả chung cuộc đã gây sốc cho tất cả người Mỹ: Bánh quy biển đã giành được thành tích tốt nhất trong giải đua Santa Anita.
Vào thời điểm đó, Mỹ đang lâm vào thời kỳ Đại suy thoái, thế nên đua ngựa gần như là trò giải trí duy nhất của người dân nước này. Đối với một quốc gia đang chìm trong lo lắng và hoảng loạn, câu chuyện của Bánh quy biển giống như một liều thuốc cổ vũ hết sức mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho người dân cả nước. Người Mỹ đã nhìn thấy sức mạnh từ tinh thần tiến thủ hết sức tích cực, cùng với đó là niềm hy vọng cho tương lai. Thông qua câu chuyện này, Bánh quy biển đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng, giúp cho vô số người Mỹ thoát khỏi nỗi trăn trở, do dự của họ.
Câu chuyện về Bánh quy biển không đề cập đến bất kỳ bối cảnh nào của cuộc Đại suy thoái, mà chỉ mô tả cuộc sống của chú ngựa đua huyền thoại. Nhưng những cột mốc thời gian đã giúp chúng ta nắm bắt được thời điểm diễn ra câu chuyện, liên tưởng đến hiện trạng của xã hội Mỹ khi đó và sức ảnh hưởng của Bánh quy biển, từ đó hiểu rõ hơn về ý nghĩa nội hàm của câu chuyện.
Nếu chúng ta bỏ qua các dấu mốc thời gian, câu chuyện về Bánh quy biển sẽ mất đi giá trị, người đọc sẽ không thể hiểu về sức mạnh truyền cảm hứng của nó. Một khi thêm vào các yếu tố thời gian cụ thể, những vấn đề này sẽ lập tức tiêu tan.
Một câu chuyện sẽ bao gồm nhiều mốc thời gian, sau đó chúng ta sẽ kết nối các mốc này theo một quỹ đạo phát triển nhất định. Một phương pháp thường được sử dụng là liên kết các ký ức về quá khứ, tình huống trong hiện tại và trí tưởng tượng về tương lai bằng ba mốc thời gian tương ứng. Trên thực tế, các mốc thời gian sẽ thể hiện yếu tố nhân-quả của câu chuyện, là dòng tường thuật ẩn chứa nguyên nhân, quá trình và kết quả.
Khi kể chuyện, bạn nên gia tăng số lượng câu trần thuật về các sự kiện quan trọng, và giảm thiểu số lượng câu trần thuật về các mốc thời gian khác, tuyệt đối không nên đảo ngược vị trí này. Tỉ lệ câu chữ mô tả về một mốc thời gian có thể chứng minh tầm quan trọng của từng phân đoạn trong câu chuyện.
Nhịp độ và tiết tấu kể chuyện ở các mốc thời gian khác nhau cũng tạo nên nhiều điều khác biệt. Rất nhiều người thích tường thuật theo trình tự thời gian, đối với các sự kiện không quan trọng thì mô tả với nhịp độ chậm rãi, ngược lại, với các sự kiện trọng yếu thì tăng tốc độ nói để tạo cảm giác gấp gáp, căng thẳng cho người nghe. Trong cuốn Aspects of the Novel (tạm dịch: Các khía cạnh của tiểu thuyết), nhà văn Forster từng nói rằng: “Trong tiểu thuyết, sự trung thành đối với thời gian là cực kỳ cần thiết, và không có bất cứ cuốn tiểu thuyết nào có thể thoát khỏi quy luật này.”
Điều này cho thấy vai trò quan trọng của thời gian trong tiểu thuyết, và điều đó cũng đúng khi chúng ta kể những câu chuyện thông thường.
Sự thay đổi về nhịp điệu
Trong quá trình phát triển của câu chuyện cần có sự thay đổi về nhịp điệu của các tình tiết. Một câu chuyện không có diễn tiến sẽ chỉ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, nhạt nhẽo. Muốn xây dựng thành công một câu chuyện đầy thú vị cần phải có sự nhanh-chậm-gấp-nhàn về mặt tiết tấu diễn biến để thu hút người nghe. Trong những tình huống mấu chốt hoặc bước ngoặt, người kể cần phải đẩy nhanh tình tiết để tạo bầu không khí phù hợp. Trước và sau khi bắt đầu hay kết thúc những tình tiết có tính điểm nhấn, quyết định, chúng ta phải làm chậm nhịp điệu để tạo nên sự tương phản với nhịp điệu nhanh, đột ngột của chính những tình huống ấy. Mạch truyện cũng không thể chỉ là một đường thẳng, phải có những ngã rẽ bất ngờ, phải có sự thay đổi, nhấn nhá đối với những đoạn trần thuật cơ bản, để khiến khán giả chợt bừng tỉnh ngộ hoặc không thể đoán trước diễn biến tiếp theo. Đó mới được coi là một câu chuyện hay.
Sự linh hoạt của mạch truyện
Khán giả thường có xu hướng thích những câu chuyện đầy tính nhịp điệu, việc mô tả hành động sẽ giúp người đọc, người nghe dễ bề liên tưởng, đồng thời gia tăng cảm giác “nhập vai” vào nhân vật. Sự lay động lý tưởng nhất của câu chuyện chính là để nó phát triển tự nhiên theo cốt truyện. Trong quá trình mô tả, lúc thì dẫn dắt sự tập trung của khán giả vào môi trường hoặc hoàn cảnh, lúc thì khéo léo hướng sự chú ý của họ vào nhân vật, hình thành nên tính linh hoạt của câu chuyện. Việc chuyển đổi các đối tượng mô tả cũng có thể giúp giảm thiểu một cách hiệu quả cảm giác mệt mỏi của khán giả.
Cho dù đó là sự linh hoạt của cốt truyện hay sự linh hoạt trong cấu trúc, đều có thể giúp khán giả tưởng tượng ra một khung cảnh cụ thể và hình thành nên một cảm xúc cụ thể. Ngoài ra, nó sẽ giúp khơi dậy cảm xúc tương tự mỗi khi khán giả nhớ lại chi tiết đó, hoàn tất hiệu ứng “kể lại lần hai” của câu chuyện.
4
NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT CỦA MỘT CÂU CHUYỆN LÔI CUỐN
"Cùng một câu chuyện, cùng một người kể nhưng lời văn khác nhau sẽ mang đến cho người nghe những cảm xúc hoàn toàn khác biệt"
Một câu chuyện được cấu thành bởi từ ngữ, câu cú và đoạn văn. Bất cứ câu chuyện nào cũng như vậy, không có ngoại lệ.
Từ ngữ
Rất nhiều người nghĩ rằng sở dĩ họ kể chuyện không hay là vì họ chưa thành thạo các kỹ năng kể chuyện. Trên thực tế, đây là một hiểu lầm về nghệ thuật kể chuyện. Sức hấp dẫn của câu chuyện không chỉ thể hiện qua cấu trúc của nó, mà còn biểu hiện ở sự cuốn hút của lời văn.
Mặc dù kết cấu nội dung rất quan trọng, nhưng để chạm đến trái tim người nghe, khi kể câu chuyện còn cần sự hỗ trợ của các yếu tố phụ. “Nền tảng kinh tế quyết định cấu trúc thượng tầng”, nguyên tắc này cũng được áp dụng trong việc kể chuyện. Những từ ngữ cơ bản sẽ quyết định hình thái và nội hàm của câu chuyện, đồng thời cũng xác định vị thế của nó. Cùng một câu chuyện, cùng một người kể nhưng sử dụng các kiểu từ ngữ khác nhau sẽ mang đến cho người nghe những cảm xúc hoàn toàn khác biệt, qua đó có thể thấy lời văn đặc sắc sẽ giúp nâng tầm câu chuyện.
Khi dùng từ để tạo câu, bước đầu tiên cần làm là hiểu được hàm nghĩa và cách sử dụng của từ ấy. Với những từ có đặc điểm nào đó tương tự nhau thì chúng ta cần chú ý đến sự khác biệt giữa chúng để không sử dụng sai ngữ cảnh. Ví dụ, trong tiếng Trung, hai từ “tham vọng” và “trả thù” có cách phát âm giống nhau, khi kể chuyện dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt cẩn thận nếu cần sử dụng hai từ này, tránh dùng sai khiến người nghe hiểu sai.
Mặc dù không phải là chuyên gia về ngôn ngữ, nhưng chúng ta vẫn nên nắm vững cách dùng của một số từ ngữ phổ biến. Nếu muốn trở thành một người kể chuyện xuất sắc, bạn phải chú ý đến việc tích lũy vốn từ vựng, có như vậy câu chuyện mà bạn kể mới càng đặc sắc và thú vị.
Từ ngữ không chỉ là từng từ, từng chữ riêng lẻ mà còn bao gồm cả những câu nói ngắn. Để diễn đạt câu chuyện một cách rõ ràng, bạn phải sử dụng từ ngữ một cách chính xác. Những từ này tốt nhất nên là những từ có nghĩa cụ thể, minh xác, chứ không được mơ hồ và trừu tượng. “Một chiếc tàu hơi nước vừa dài vừa sang trọng chạy qua ngay trước mắt” và “một chiếc tàu hơi nước cao ba tầng, dài 200 mét chạy qua ngay trước mắt, những hình trang trí tinh tế trên thân tàu đã cho thấy sự sang trọng của nó”. So sánh các cụm từ trong hai câu trên, có thể thấy rõ rằng câu sau thu hút hơn hẳn.
Trong quá trình diễn đạt, bạn không nên quá chú tâm vào việc chau chuốt cho ngôn từ mà cần có sự cân nhắc hợp lý. Đối với mỗi tình huống hay sự kiện, chúng ta cần sử dụng các từ ngữ phù hợp để tái hiện bối cảnh câu chuyện sao cho sống động nhất.
Để giúp cho câu chuyện của mình luôn duy trì một tiêu chuẩn nhất định, với tư cách là người kể chuyện, chúng ta vừa là người sáng tạo vừa là nhà phê bình. Đồng thời chúng ta cũng chính là những độc giả đầu tiên của những câu chuyện mà mình viết ra, vì vậy cần phải xem xét chúng một cách nghiêm túc, tìm ra những thiếu sót trong đó và sửa đổi để cải thiện khả năng kể chuyện của bản thân.
Câu cú
Trong ngữ pháp hiện đại, cấu trúc câu hoàn chỉnh bao gồm chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, định ngữ, trạng ngữ và bổ ngữ, nhưng không phải tất cả các câu đều chứa các thành phần này và có những câu chỉ có một thành phần.
Để nhận xét tính hay-dở của một câu thì chúng ta có những tiêu chuẩn cụ thể như: tính hoàn chỉnh, tính liên kết, tính súc tích, tính nhấn mạnh và tính đa dạng.
Tính hoàn chỉnh là yếu tố đánh giá đầu tiên đối với câu, nhưng nó không phải là điều kiện thiết yếu nhất trong câu chuyện. Một câu hoàn chỉnh có thể diễn đạt ý nghĩa rõ ràng và đầy đủ, có lợi cho việc truyền đạt thông tin, nhưng khi phục vụ cho câu chuyện thì nó cần phải tôn trọng đặc tính và tiến hành biểu đạt câu chuyện theo từng tình huống cụ thể.
Các bộ phận cấu thành của câu nên duy trì tính liên kết, và giữa các câu cũng phải đảm bảo tính liên kết. Từng phần có mạch lạc và liên quan đến nhau thì câu chuyện mới được kết nối chặt chẽ. Các câu không đảm bảo được yêu cầu này thường xuất phát từ các nguyên nhân: cấu trúc câu lủng củng, sử dụng đại từ mơ hồ, sử dụng từ bổ nghĩa không đúng cách, nhầm lẫn về nhân xưng, thời gian, giọng điệu...
Tính súc tích của câu cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình kể chuyện. Với tiền đề thể hiện đầy đủ quan điểm, sử dụng từ ngữ càng ít thì càng chính xác, câu càng ngắn thì càng hay. Dùng quá nhiều từ ngữ sẽ khiến người nghe cảm thấy hoa mày chóng mặt.
Tính nhấn mạnh có nghĩa là câu từ đảm bảo diễn đạt được nội dung trọng tâm. Người kể chuyện có thể nhấn mạnh trọng tâm thông qua giọng điệu, ngữ điệu, âm lượng và giải nghĩa.
Nhưng khi viết ra câu chuyện thì phải dùng từ ngữ và câu để nhấn mạnh.
Tính đa dạng của câu cũng là một yếu tố không thể thiếu khi kể chuyện. Một câu chuyện không thể chỉ sử dụng một kiểu câu duy nhất mà nên kết hợp các mẫu câu với nhau để nâng cao hiệu quả mong muốn.
Đoạn văn
Các câu kết hợp với nhau sẽ tạo thành một đoạn văn. Thông thường, một đoạn văn gồm ba phần: phần chủ đề, phần mở rộng và phần kết thúc.
Mỗi đoạn văn sẽ có một vai trò cụ thể, hoặc là để tạo bầu không khí, hoặc để định hình nhân vật, hoặc để thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện.
Câu chuyện sẽ bao gồm nhiều đoạn văn khác nhau. Những đoạn văn dường như không có bất cứ sự liên kết nào thực ra lại được kết nối hết sức chặt chẽ.
5
MÔ TẢ KHI KỂ CHUYỆN – ĐÔI KHI “KHÔNG NÓI GÌ” LẠI TỐT HƠN “NÓI NHIỀU”
"Bất kỳ mô tả nào đều phải phục vụ cho câu chuyện, là phương tiện để người kể truyền tải thông tin cho mục đích nào đó"
Mô tả là gì?
Mô tả là hoạt động thể hiện rõ nhất tài năng của người kể chuyện nhưng cũng là nơi dễ xảy ra nhiều vấn đề nhất.
Mô tả giúp gia tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đây không phải là hoạt động liệt kê “từng chồng từng đống” từ vựng, mà cần phải làm sao để thể hiện được nhân vật, bối cảnh và sự kiện một cách cụ thể nhất.
Không phải cứ mô tả càng nhiều thì sẽ càng tốt. Mô tả quá nhiều sẽ làm câu chuyện trở nên rời rạc và cũng làm mất hiệu quả của nó.
Vai trò của mô tả
Thông qua việc mô tả, người kể chuyện có thể dịch chuyển trọng tâm của câu chuyện mà không làm gián đoạn suy nghĩ của người nghe và giúp mạch truyện chuyển tiếp suôn sẻ. Mô tả cũng có thể cung cấp dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm đã đề cập trong những phần trước đó.
Mô tả có thể giúp tăng hiệu ứng cho sự tương phản. Hãy đọc bài báo được đăng trên Thời báo Phố Wall dưới đây:
Nhìn bề ngoài, đây là một vùng quê rất đỗi yên bình. Ẩn mình trên những ngọn đồi thoai thoải là những trang trại và vườn cây ăn quả. Dòng sông Columbia đang cuồn cuộn vun dưỡng vùng đất này. Núi Adams trắng xóa và núi Rainier tựa như hai người lính gác cao lớn, canh giữ sông Columbia đang từ từ cuộn sóng về phía tây. Nhưng chính khung cảnh bình dị và an yên như vậy lại là một cơn ác mộng đối với các nhà thầu khai thác dầu mỏ – địa hình đất bazan dài hơn 3.000 mét, một vùng đá núi lửa màu đen với những tín hiệu địa chấn đã biến những mũi khoan sắc nhọn thành sắt gỉ.
Trong phần mở đầu của câu chuyện, người ta đã mô tả các khung cảnh khác nhau để giới thiệu vẻ đẹp của vùng nông thôn nọ. Điều này dường như chẳng liên quan gì đến phần nội dung phía sau, nhưng chính sự tương phản giữa cảnh thiên nhiên yên bình và khó khăn trong công việc của những người khai thác dầu mỏ đã khiến câu chuyện trở nên đầy kịch tính.
Trên thực tế, có rất nhiều sự mô tả dù rất chính xác về mặt từ ngữ, uyển chuyển về mặt câu cú và rõ ràng về mặt nội dung, thế nhưng chúng lại không thể áp dụng cho tất cả các câu chuyện. Bất kỳ mô tả nào đều phải phục vụ cho câu chuyện, là phương tiện để người kể truyền tải thông tin cho mục đích nào đó. Một người kể chuyện xuất sắc sẽ không tiêu tốn năng lượng ở mọi nơi mọi chỗ, họ chỉ tập trung dốc sức cho những việc trọng yếu.
Mô tả là mảnh đất cho trí tưởng tượng tuôn trào
Mô tả là việc khắc họa lại một hình ảnh xác định. Người viết, người kể cần tưởng tượng trước những gì bản thân cần mô tả. Một hình ảnh được mô tả sẽ giới hạn rất nhiều nội dung của câu chuyện. Vì vậy, mô tả là mảnh đất cho trí tưởng tượng tuôn trào. Để làm cho đoạn văn mô tả thêm kỳ ảo và phong phú, chúng ta cần sử dụng trí tưởng tượng của mình và dành nhiều không gian hơn cho hoạt động này.
Bạn có thể rèn luyện trí tưởng tượng của mình bằng các phương pháp sau:
1. Khi đọc một câu chuyện nào đó, hãy áp dụng phương pháp “đọc lướt”. Đối với những phần chưa kịp đọc, bạn hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình để đoán và thêm thắt nội dung một cách hợp lý. Theo thời gian, việc này không chỉ giúp trui rèn trí tưởng tượng mà còn cải thiện khả năng kể chuyện của bạn.
2. Cố gắng liên tưởng nhiều hơn. Bắt đầu từ một chi tiết trong câu chuyện, hãy liên tưởng cho đến khi bạn không thể liên kết nó với sự vật hay sự kiện nào nữa. Phương pháp rèn luyện này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, khiến não bộ mệt mỏi, nhưng sau một vài lần luyện tập, trí tưởng tượng của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện.
3. Sử dụng thời gian nhàn rỗi để giải phóng tư duy của bạn. Không có điểm bắt đầu cũng chẳng có kết thúc, cứ mặc cho trí tưởng tượng được tự do.
Mô tả nhân vật
Đây là hoạt động mô tả hết sức phổ biến. Nó giúp người kể khắc họa một cách rõ nét về nhân vật và cho phép người đọc hiểu sơ bộ về các nhân vật của câu chuyện. Mô tả nhân vật bao gồm: mô tả ngoại hình, lời nói, hành động và tâm lý.
Cần lưu ý rằng ngoại hình và nội tâm của nhân vật luôn có sự liên quan với nhau, và hai yếu tố đó sẽ bổ sung cho nhau để phác thảo nên hình tượng của một người. Để viết được một đoạn mô tả nhân vật thật hay, trước tiên chúng ta cần phải chú ý quan sát. Để động tác, biểu cảm và trạng thái tâm lý của nhân vật phù hợp với thực tế cuộc sống, trước hết chúng ta cần bắt đầu từ những nét đặc trưng của nhân vật ấy, sau đó tổng kết và ghi chép lại những quan sát của bản thân, từ đó xây dựng nên phương pháp mô tả độc đáo và cuốn hút.
Nhân vật là một phần quan trọng của câu chuyện. So với các sự kiện và nội dung xuyên suốt, mọi người thường chú ý và đặc biệt yêu thích các nhân vật. Có rất nhiều câu chuyện để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai, và trong đó yếu tố đáng nhớ nhất thường là các nhân vật. Một câu chuyện hay trước tiên phải thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, một nhân vật chính với hình tượng độc đáo có thể bù đắp cho nhiều khuyết điểm của câu chuyện.
Chính vì những lý do đó, mô tả nhân vật là công việc mà các tác giả cần phải chú trọng nhất. Người đọc thường ít quan tâm đến các nhân vật tĩnh hơn nhiều so với các nhân vật động. Vì vậy chúng ta cần gia tăng cường độ mô tả hành động để người đọc có thể cùng trải nghiệm với các nhân vật.
Việc khắc họa lời nói của nhân vật thường được thể hiện dưới hình thức mô tả cuộc đối thoại.
1. Trước tiên, chúng ta cần chú ý làm cho ngôn ngữ của nhân vật phù hợp với trạng thái, môi trường và sự phát triển của họ. Đồng thời, cần thể hiện tính cách và tiết lộ các diễn biến tâm lý của nhân vật ở một mức độ nhất định. Những nhân vật có tính cách lạnh lùng và nhiệt tình sẽ có lời nói khác nhau và có những đặc điểm riêng biệt.
2. Thứ hai, khi mô tả các cuộc đối thoại, chúng ta cần đảm bảo sự phát triển của cốt truyện. Rất nhiều tình tiết của câu chuyện đều được thể hiện thông qua lời nói của nhân vật.
3. Cuối cùng, mô tả lời nói cần phải sinh động và súc tích, không nên quá văn chương, màu mè, cũng không nên quá tùy tiện. Tất nhiên, tiêu chuẩn này không cố định mà phụ thuộc vào tình huống cụ thể.
Mô tả cảnh vật
Mô tả cảnh vật chủ yếu tập trung vào cảnh quan và vật thể, giúp người đọc, người nghe hình dung được môi trường hoạt động của nhân vật, từ đó có cảm giác hòa mình vào câu chuyện.
Mô tả cảnh vật thường được thực hiện theo tuần tự không gian hoặc tuần tự thời gian.
Thông qua việc mô tả cảnh vật, độc giả có thể nắm được thời gian, địa điểm và bối cảnh niên đại của câu chuyện. Tác giả Diệp Thánh đã viết trong tác phẩm Đêm như sau: “Trong một con hẻm không mấy sạch sẽ, trong một ngôi nhà hai lầu, đèn dầu trên bàn tỏa ra một quầng sáng leo lét màu vàng, khiến cho tất cả các đồ vật dường như trở nên mơ hồ và ảm đạm, càng làm tăng thêm cái u ám của bóng đêm.” Bằng cách sử dụng các hình dung từ tinh tế trong đoạn văn, tác giả đã khắc họa rõ nét bầu không khí và phản ánh hiện trạng của xã hội trong câu chuyện.
Mô tả cảnh vật giúp chúng ta thể hiện tâm trạng, tính cách của nhân vật, ngoài ra nó còn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của tình tiết câu chuyện.
Mô tả cảnh tượng
Mô tả cảnh tượng thường áp dụng với những khoảng thời gian và hoạt động cụ thể, đây là một cách vận dụng tổng hợp của nhiều thủ pháp viết lách khác nhau. Mục đích là để vẽ nên một bức tranh sinh động và tràn đầy màu sắc cho người đọc. Mô tả cảnh tượng có vẻ giống với mô tả cảnh vật, nhưng thực tế lại rất khác. Mô tả cảnh vật chỉ nhằm diễn tả các sự vật trong môi trường tự nhiên và xã hội mà nhân vật đang có mặt, còn mô tả cảnh tượng lại có thêm hành vi, lời nói và hoạt động tâm lý của nhân vật trong chính các môi trường đó, khiến tình huống và nhân vật có sự kết nối với nhau.
Có một số điểm chính cần lưu ý khi mô tả cảnh tượng:
1. Trước hết, việc mô tả cảnh tượng sẽ không thể thiếu các nhân vật và cảnh vật, với các hoạt động của con người là chủ đạo và cảnh vật là yếu tố bổ trợ. Có thể có một hoặc một vài nhân vật xuất hiện trong tình huống, nhưng nhất định phải làm nổi bật hành động và tâm lý của nhân vật đối với các sự kiện hoặc cảnh tượng đó, tuyệt đối không nên giảm cấp độ xuống thành mô tả nhân vật.
2. Thứ hai, khi mô tả cảnh tượng nên giải thích các yếu tố như thời gian, địa điểm và môi trường diễn ra hoạt động hoặc sự kiện, để người đọc có thể hiểu bối cảnh của câu chuyện.
3. Thứ ba, các cảnh phải được mô tả một cách tổng thể, nhưng đồng thời cũng phải tập trung vào một số chi tiết cụ thể.
4. Thứ tư, cần khắc họa bầu không khí của sự kiện hay tình huống, ví dụ như căng thẳng, thư giãn hoặc bi thương… để người đọc cảm nhận được.
5. Cuối cùng, những đoạn mô tả cảnh tượng trong câu chuyện cần sắp xếp theo một trật tự nhất định, không được tả cảnh xong lại chuyển sang tả nhân vật, sau đó lại quay về tả cảnh, khiến câu chuyện trở nên lộn xộn. Cần phải hoàn tất nội dung mô tả này rồi mới tiến hành nội dung mô tả tiếp theo.
CÂU CHUYỆN
Lý Tĩnh:
Thuở thiếu niên ai chẳng có lúc điên cuồng
Nhắc đến Lý Tĩnh, trước tiên mọi người sẽ nhớ đến cô với tư cách là người dẫn chương trình. Trên thực tế, cô còn là một doanh nhân.
Bất cứ ai quen biết Lý Tĩnh đều nhận xét rằng cô luôn tỏa ra một nguồn năng lượng “điên rồ”. Người dẫn chương trình, ca sỹ, nhà văn Đới Quân thường xuyên nói đùa rằng cô ấy bị điên. Thực tế, sự “điên rồ” vốn luôn là một phần bên trong Lý Tĩnh. Cô là người Trương Gia Khẩu, Hà Bắc. Ở quê nhà, cô nổi tiếng gần xa với biệt danh “nữ thanh niên điên rồ”. Cô luôn khác biệt với mọi người, thường xuyên mặc quần áo sặc sỡ và phóng xe máy ầm ầm khắp đầu làng cuối xóm, và tất cả cư dân xung quanh đều biết về cô gái lòe loẹt này.
Ngược lại với sự ngổ ngáo bên ngoài, Lý Tĩnh lại học rất giỏi, thuận lợi tốt nghiệp đại học và vào làm việc tại Đài Truyền hình Bắc Kinh từ năm 1993 với vai trò là người dẫn chương trìnhChào buổi sáng, Bắc Kinh.
Năm 1995, Lý Tĩnh làm việc tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và dẫn các chương trình như Hân hoan tụ hội, Vòng xoay cuối tuần và Vô cùng đặc sắc. Cùng lúc đó, sự điên cuồng bản năng của cô bắt đầu trỗi dậy. Cô nộp đơn vào khoa Đạo diễn của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, nhưng tiếc là không vượt qua kỳ thi. Sau đó, cô chuyển sang thi vào khoa Văn học và bắt đầu học viết kịch bản. Sau một thời gian tạm biệt công việc để chuyên tâm học hành, cô tiếp tục sự nghiệp dẫn chương trình, trở thành nữ MC rất được mến mộ tại Trung Quốc.
Năm 2007, cô lại được trao một cơ hội khác để phát huy sự điên rồ của mình. Thẩm Nam Bằng, nhà đồng sáng lập người Trung Quốc của công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital, đã mời cô tham gia dự án xây dựng nền tảng mua sắm trực tuyến Lefeng.com và cô rất vui mừng đồng ý. Chính Lý Tĩnh cũng từng cảm thán về cơ duyên này: “Vào thời điểm đó, cả hai chương trình do tôi phụ trách đều nằm trong danh sách chương trình truyền hình thu về nhiều tiền nhất trong lịch sử của công ty. Chúng tôi không thiếu tiền, nhưng Thẩm Nam Bằng cứ quả quyết muốn rót vốn đầu tư. Ông ấy nói Sequoia luôn muốn tìm một gương mặt giống như Oprah Winfrey ở Trung Quốc. Tìm đi tìm lại suốt bấy lâu, cuối cùng họ đã tìm ra tôi.”
Thông qua sự hợp tác này, Lý Tĩnh đã gặp được một người bạn cùng chí hướng là Thẩm Nam Bằng. Theo lời Lý Tĩnh thì họ đều là “hai kẻ điên khùng”. Cô cho rằng “thế giới mà Thẩm Nam Bằng mô tả có một nửa tôi không thể hiểu được, nhưng lại có một nửa mà tôi đang khao khát”. Sự hợp tác giữa hai người ngày càng mật thiết hơn, và cũng giúp cả hai có một mối quan hệ cá nhân sâu sắc hơn.
Đối với cơ hội bất ngờ này, Lý Tĩnh cho rằng “đừng nên từ chối những tiếng gọi khác của cuộc sống”. Không lâu sau đó, Lefeng.com chính thức ra mắt, nhưng doanh số không mấy khả quan. Cô nhớ lại: “Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi lúc đó là không được để xuất hiện tình trạng hàng thật-hàng giả lẫn lộn. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải tới tận quầy hàng để kiểm tra. Đi đến Thế giới mới, đến Song An... về cơ bản là với những loại hàng hóa mà chúng tôi kiểm tra rồi bán đi thì đơn nào cũng lỗ. Nhưng khi ấy có rất nhiều đại lý mà chúng tôi không dám hợp tác với họ. Sang tới năm thứ hai, tôi ý thức được rằng công ty sẽ chẳng thể phát triển nếu cứ chào bán sản phẩm chính gốc, chính hãng.”
Sau khi tìm ra vấn đề, họ ngay lập tức giải quyết nó với 100% nhiệt huyết và năng lượng. Lý Tĩnh, Thẩm Nam Bằng và Vương Lập đã tổ chức hàng chục cuộc họp cả lớn lẫn nhỏ, lúc này cả ba đã nảy sinh bất đồng. “Thẩm Nam Bằng nói rằng thương mại điện tử sẽ không kiếm được tiền và trích dẫn một loạt các ví dụ. Sau đó tôi đặt ra một câu hỏi: Vậy kinh doanh là gì? Tôi nói rằng chúng ta đã đầu tư 2 triệu vào nền tảng này, và sau đó thu về 20 triệu. Tôi nói rằng tôi chưa bao giờ thấy kiểu làm ăn như vậy. Rồi tôi hỏi Thẩm Nam Bằng rằng bây giờ phải làm gì?”
Sau đó, Thẩm Nam Bằng đã đưa ra giải pháp: “Ông Thẩm nói rằng tốt nhất là chúng tôi hãy làm ra sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình. Tôi nói vậy thì làm thôi. Ông ấy hỏi rằng vậy cô sẽ làm gì? Tôi trả lời là làm tinh dầu, vì loại sản phẩm này chưa có thương hiệu nào là chủ đạo trên thị trường. Tinh dầu được coi như một dạng ‘thuốc Bắc’ của phương Tây, rất hữu ích cho cơ thể và tâm trí của mọi người. Chúng tôi truyền bá khái niệm về tinh dầu trong chương trình, sau đó sản xuất các loại tinh dầu và các sản phẩm chăm sóc da từ tinh dầu, như vậy sẽ tạo nên sự độc đáo của riêng mình. Thẩm Nam Bằng nói rằng vậy hãy làm thôi, tôi cũng bảo là được, vậy thì làm thôi.”
Ba người ngay lập tức tìm được tiếng nói chung và quyết định phương hướng phát triển của Lefeng.com sẽ là thương hiệu tự chủ. Sau đó, họ đã ngày càng đi xa hơn trên con đường sản xuất tinh dầu. Sự phát triển và đầu tư vào các sản phẩm tinh dầu đã giúp Lefeng.com trở nên nổi tiếng, tạo được dấu ấn riêng trong số các công ty thương mại điện tử.
Ý tưởng điên rồ này đã mang lại thắng lợi rất lớn. Lý Tĩnh rất vui mừng vì sự lựa chọn và sự kiên trì của Lefeng.com: “Chúng tôi cho rằng không nên tập trung toàn bộ khách hàng của trang Lefeng.com vào một thương hiệu duy nhất. Nếu chỉ toàn bán sản phẩm của các thương hiệu khác thì rất dễ thua lỗ, bởi lẽ chúng tôi không dám bán và cũng không bán được những sản phẩm không rõ chất lượng và nguồn gốc như vậy. Thế nên lựa chọn khi đó là bắt buộc phải phát triển một thương hiệu của riêng mình.”
Năm 2012, doanh thu hàng năm của Lefeng.com đạt 1,98 tỉ nhân dân tệ và thị phần của thương hiệu riêng chiếm tới 20%, trở thành một trong những mảng quan trọng nhất của Lefeng. Mặc dù Lefeng.com hiện đã sang tên đổi chủ, thế nhưng thái độ chuyên tâm hết mực và cách thức làm việc điên rồ của Lý Tĩnh trong quá trình phát triển Lefeng.com đã được đền đáp và công nhận, đằng sau thành công của Lefeng.com vẫn luôn có hình bóng của cô.
Câu chuyện về Lý Tĩnh hết sức thú vị, cá tính của cô được thể hiện một cách nổi bật qua từng quyết định của mình. Ngay từ phần đầu câu chuyện, qua đoạn mô tả “Cô luôn khác biệt với mọi người, thường xuyên mặc quần áo sặc sỡ và phóng xe máy ầm ầm khắp đầu làng cuối xóm” đã làm nổi bật tính cách kiêu ngạo và điên rồ của Lý Tĩnh, vừa giống như một cô gái ngoài đời nhưng vẫn có những nét khác biệt. Đây là phương pháp mô tả các nhân vật và sự kiện trong cuộc sống bằng những chi tiết khiến người ta cảm thấy ngạc nhiên, nhưng vẫn tồn tại những điều phi thường để chúng ta khám phá trong cuộc sống bình thường.
Toàn bộ câu chuyện áp dụng thủ pháp tường thuật một cách tuần tự, cộng với rất nhiều đoạn mô tả cho thấy sự “điên rồ” của Lý Tĩnh. Câu chuyện bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là quãng thời gian Lý Tĩnh mới bắt đầu đi làm, có những bước ngoặt nhưng không đi quá sâu vào chi tiết; giai đoạn thứ hai là khi thành lập Lefeng.com, câu chuyện bắt đầu có sự mở rộng; giai đoạn thứ ba là quá trình phát triển thương hiệu độc lập của Lefeng.com, vừa đi sâu vào chi tiết, vừa có sự mở rộng, đồng thời cũng diễn giải rõ ràng hơn về sự “điên rồ” của Lý Tĩnh.
Mặc dù tổng thể câu chuyện khá đơn giản, nhưng khi đọc vẫn không hề mất đi sự cuốn hút. Đặc biệt là cách mô tả hình ảnh của Lý Tĩnh rất sống động và ấn tượng. Những chi tiết nhỏ đan xen khéo léo xuyên suốt nội dung cũng giúp cho câu chuyện càng thêm thú vị, cách dùng từ ngữ, câu cú và đoạn văn đều có những điểm đáng chú ý và học hỏi.