Tích lũy những đề tài phong phú, học cách kể chuyện sao cho thu hút và chân thành sẽ giúp bạn cải thiện hoàn cảnh của bản thân. Hãy áp dụng những kỹ năng này vào cuộc sống và cuộc sống sẽ đối xử tốt với bạn. Hãy nhìn vào câu chuyện, nhìn vào cuộc đời bằng con mắt đầy sáng tạo của trẻ thơ, bạn sẽ thấy cuộc đời tỏa sáng ở khắp mọi nơi
1
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÂU CHUYỆN VÀ TIỂU THUYẾT
"Một cuốn tiểu thuyết có thể được đơn giản hóa thành một câu chuyện, và một câu chuyện cũng có thể được mở rộng thành một cuốn tiểu thuyết"
Dường như không có sự khác biệt giữa câu chuyện và tiểu thuyết, nhưng thực tế không phải vậy. Chúng khác nhau về chất liệu, cách thể hiện và chủ thể. Bên cạnh đó, tiểu thuyết và câu chuyện cũng có sự kết nối với nhau. Một cuốn tiểu thuyết có thể được đơn giản hóa thành một câu chuyện, và một câu chuyện cũng có thể được mở rộng thành một cuốn tiểu thuyết.
Sự khác biệt về chất liệu
Câu chuyện thường ngắn gọn và hàm súc, trong khi tiểu thuyết lại có dung lượng lớn hơn. Tiểu thuyết được chia ra thành trường thiên (dài), trung thiên (trung bình) và đoản thiên (ngắn), còn câu chuyện ngắn có thể chỉ gồm một, hai câu, và thường không dài quá 10.000 từ. Sự khác biệt chủ yếu giữa câu chuyện và tiểu thuyết là ở ý nghĩa cốt lõi. Câu chuyện là sản phẩm của tình tiết, và tình tiết là cốt lõi của câu chuyện. Tất cả nội dung và nhân vật của câu chuyện đều sẽ xoay quanh cốt lõi ấy để phát triển. Thường thì chỉ có một cốt truyện. Khi cốt chuyện được tiết lộ thì câu chuyện cũng sẽ kết thúc.
Sự khác biệt về hình thức thể hiện
Tiểu thuyết chú trọng vào mô tả, và thường tập trung mô tả chân dung nhân vật, cảnh vật, hành động... Đối với tiểu thuyết, những câu văn mô tả làm nên sức sống của một tác phẩm và cũng làm nổi bật kỹ năng của tác giả.
Một đêm nọ, Lincoln lên giường đi ngủ sau một ngày hết sức bận rộn. Khi ông chuẩn bị thiếp đi thì bỗng chuông điện thoại reo lên. Người gọi là một gã ưa nịnh hót và đang cố tìm cách thăng tiến. Hóa ra một lãnh đạo hải quan vừa qua đời, thế nên gã ta muốn biết liệu mình có được ngồi vào chiếc ghế của người đó hay không. Lincoln không trực tiếp từ chối, chỉ nói rằng: “Nếu phòng tang lễ không có ý kiến, tôi chắc chắn sẽ không phản đối.”
Rất rõ ràng, đây là phương pháp trần thuật sử dụng trong câu chuyện. Nếu là tiểu thuyết thì dù cùng là những sự kiện ấy nhưng vẫn có cách dẫn dắt rất khác biệt.
Một đêm nọ, Lincoln cuối cùng cũng xử lý xong xuôi mọi công việc trong ngày. Ông day day thái dương và chuẩn bị nghỉ ngơi. Ngay khi vừa chìm vào giấc ngủ, ông bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Ông miễn cưỡng nhấc điện thoại lên nghe, thì ra người gọi tới là một gã rất giỏi đi “cửa sau”. Gã ta hay tin một lãnh đạo hải quan vừa mới qua đời nên muốn nhân cơ hội này dấn thân vào con đường quan lộ, bèn gọi điện dò hỏi xem thái độ của Lincoln ra sao. Lincoln hơi khó chịu, nhưng cũng không tiện biểu lộ trực tiếp thái độ của mình, vì vậy ông cất lời bông đùa: “Nếu nhà tang lễ không có ý kiến, tôi chắc chắn sẽ không phản đối.” Câu nói của Lincoln khiến gã kia không nói nên lời, chỉ biết cười ngượng rồi cúp máy.
Đây là hai cách diễn đạt khác nhau, và chúng ta có thể thấy rõ đoạn đầu tiên là câu chuyện, còn đoạn thứ hai là tiểu thuyết. Ngôn ngữ của câu chuyện sẽ mang tính bình dân hơn, giải thích một cách ngắn gọn diễn tiến của tình huống, còn ngôn ngữ của tiểu thuyết thường bay bổng và mang tính văn học. Cùng một nội dung, dùng những phương thức khác nhau để diễn đạt sẽ mang lại những hiệu ứng khác nhau, và từ đó phù hợp với các tình huống khác nhau.
Câu chuyện chủ yếu được dùng trong việc biểu đạt trực tiếp, đa phần sẽ sử dụng ngôn ngữ nói; trong khi tiểu thuyết được sử dụng cho các hình thức viết, ứng dụng ngôn ngữ viết nhiều hơn.
Sự khác biệt về chủ thể
Tiểu thuyết phần lớn viết về nhân vật, và các tình tiết trong đó sẽ được sử dụng để tạo dựng hình tượng cho nhân vật, vì vậy tất cả các yếu tố như ngôn ngữ, hành động, tâm lý... đều phải được xây dựng sao cho phù hợp với thiết lập hình tượng của nhân vật chính. Tiểu thuyết cũng thường sử dụng tính cách của nhân vật chính để thúc đẩy sự phát triển của tình tiết câu chuyện. Khi tiểu thuyết chưa hoàn thành, ngay cả chính tác giả cũng không thể sắp đặt diễn biến cốt truyện sau đó. Còn trong quá trình sáng tác tiểu thuyết, các tình tiết này sẽ có xu hướng thay đổi theo sự chuyển biến của các nhân vật. Một cuốn tiểu thuyết xuất sắc phải có những nhân vật khiến độc giả khó quên, những nhân vật đó phải có một mặt chân thực, nhưng cũng phải có một mặt lý tưởng.
Còn câu chuyện lại là sự thể hiện lại nội dung sẵn có, sự sáng tạo chỉ được phản ánh trong quá trình thực hiện và kết quả thường không thay đổi. Mỗi câu trong truyện đều là lời của chính người kể chuyện, chỉ cần nêu ý nghĩa và quan điểm, không cần suy xét hoặc chắt lọc quá cẩn thận. Mọi tình tiết trong câu chuyện đều được phát triển xoay quanh cốt truyện, không quá chú ý đến việc thiết lập hình tượng nhân vật.
2
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG KÍCH HOẠT KHẢ NĂNG KỂ CHUYỆN
Trí tưởng tượng sẽ kích hoạt sự sáng tạo, và sự sáng tạo chính là nguồn tài nguyên cho mọi câu chuyện
Mối quan hệ giữa câu chuyện và trí tưởng tượng
Từ cổ chí kim, con người vẫn luôn làm việc vào ban ngày và nghỉ ngơi lúc trời tối. Khi ngồi bên đống lửa để ăn cơm, họ thường sẽ kể về những loài thú vật và những trải nghiệm kỳ lạ mà mình đã gặp trong ngày. Có rất nhiều điều vượt quá phạm vi nhận thức của con người khi ấy, thế nên trong câu chuyện của họ sẽ có nhiều phần phóng đại và tưởng tượng. Đây chính là nguồn gốc của thần thoại. Trí tưởng tượng sẽ kích hoạt sự sáng tạo, và sự sáng tạo chính là nguồn tài nguyên cho mọi câu chuyện.
Trong cuốn sách Sơn hải kinh có mô tả rất nhiều loài sinh vật kỳ lạ. Đó đều là những loài sinh vật chúng ta chưa từng thấy trước đây, nhưng lại cảm thấy có phần quen thuộc, bởi vì chúng được tạo ra dựa trên trí tưởng tượng của con người trong thực tiễn cuộc sống. Câu chuyện cũng vậy, chúng ta có thể sử dụng thực tế như một bản thiết kế để trí tưởng tượng thỏa sức bay xa, biến nó thành một câu chuyện mới.
Mỗi câu chuyện là một lần hiện thực hóa mơ ước của người kể chuyện, có thể đưa người đọc, người nghe đi qua thế giới hiện thực và tưởng tượng, khiến họ lưu luyến không muốn rời.
Xây dựng thế giới giả tưởng trong câu chuyện
Nhân vật chính của các câu chuyện hầu hết là con người. Nếu bạn có thể vận dụng trí tưởng tượng của mình, thiết lập động vật hoặc quái vật làm nhân vật chính, thiết kế lại tình tiết câu chuyện dựa trên chất liệu sẵn có và làm cho cốt truyện phù hợp với hình tượng của các nhân vật kia, thì câu chuyện này chắc chắn sẽ khiến mọi người cảm thấy thú vị, mới mẻ. Thế giới giả tưởng này khác xa với thế giới của chúng ta. Đó là một thế giới hoàn toàn mới, như vậy mới có thể khiến cho trí tưởng tượng của người đọc, người nghe được bay xa vô hạn.
Tác phẩm Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh kể về những câu chuyện ma quỷ, kỳ dị dựa trên trí tưởng tượng đặc sắc của tác giả. Mặc dù tất cả đều là hư cấu nhưng chúng lại không khiến người đọc cảm thấy khiên cưỡng, gượng gạo.
Những câu chuyện trong Liêu trai chí dị đều rất phổ biến trong xã hội loài người, nhưng việc bổ sung thêm những hồn ma và quái vật đã tạo nên một thế giới giả tưởng đầy thú vị. Đây chính là giá trị của trí tưởng tượng.
Tưởng tượng dựa trên thực tế
Ngoài thế giới khoa học viễn tưởng, võ hiệp, ma mị, ma thuật, những câu chuyện đời thường cũng không thể tách rời khỏi trí tưởng tượng. Đại văn hào Gorky từng nói: “Khi các nhà khoa học nghiên cứu về cừu đực, họ không cần phải tưởng tượng rằng mình cũng là một con cừu đực. Nhưng các nhà văn thì phải làm như vậy.”
Tưởng tượng và thực tế dường như là hai con đường hoàn toàn khác biệt, nhưng tất cả những sự vật được tưởng tượng ra đều dựa trên thực tế, mọi thứ xung quanh chúng ta đều là nguyên liệu của sự sáng tạo. Khi chúng ta tưởng tượng ra một thế giới hoàn toàn mới, thế giới ấy sẽ được xây dựng dựa trên thực tế.
Tham vọng của trí tưởng tượng
William Faulkner là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử văn học Mỹ, ông đã dành cả cuộc đời để kể câu chuyện về York Napatafa. Đây là một địa điểm hư cấu do Faulkner sáng tạo nên, những câu chuyện mà ông viết đều diễn ra ở đó và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ông từng nói rằng: “Tôi có tham vọng của Balzac, tôi muốn đặt cả thế giới vào trong một cuốn sách.” Ông đã làm điều đó bằng cách ghi lại những câu chuyện trong thực tế, sử dụng trí tưởng tượng để nhào nặn và sau đó sắp xếp chúng vào trong York Napatafa. Ông tạo ra một thế giới mang tên York Napatafa để diễn giải lại tất cả những câu chuyện mà người khác từng kể, tạo thành những nét đặc sắc riêng và thể hiện tham vọng về trí tưởng tượng của ông.
Khai thác trí tưởng tượng
Khai thác trí tưởng tượng đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức và tố chất văn học, sau đó tiến hành sáng tạo dựa trên những nguyên liệu này. Khi xây dựng một câu chuyện, chúng ta có thể vận dụng trí tưởng tượng để tạo ra những nhân vật kỳ lạ, khác thường, khiến sức sống của nhân vật tồn tại còn lâu hơn cả câu chuyện, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Năm 1986, đạo diễn người Mỹ Mel Brooks đã viết kịch bản và làm đạo diễn cho bộ phim hài The Producers (tạm dịch: Nhà sản xuất) và giành giải Oscar cho “Kịch bản phim hay nhất”. Vì cốt truyện rất đặc sắc nên kịch bản này sau đó đã được chuyển thể thành nhạc kịch.
Nhân vật chính của The Producers là một thanh tra thuế của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, một người luôn mơ mộng làm giàu. Lần nọ khi đang trò chuyện với người quản lý của một rạp hát ở Broadway, anh ta nảy ra một ý tưởng, và hai người đã viết một vở nhạc kịch có tên Mùa xuân của Hitler. Đây là một tác phẩm theo mô-típ “kịch trong kịch”.
Để ra mắt vở nhạc kịch này, việc đầu tiên hai người cần làm là huy động vốn. Trước tiên họ tìm tới một nhóm các cụ già đã nghỉ hưu. Để nâng cao tỉ lệ thành công, họ hứa sẽ chia cho những người này 50% cổ phần. Khi đã có đủ vốn, họ lại hứa sẽ chia thêm 50% cổ phần nữa. Không còn cách nào khác, họ chỉ có thể tìm biên kịch, diễn viên, đạo diễn chấp nhận mức thù lao rẻ để giảm chi phí. Có thể nói kế hoạch của hai người đã thất bại, 50% cổ phần đồng nghĩa với 50% lợi nhuận, vốn đầu tư trước đó không sinh lời, họ không những chẳng kiếm được tiền mà còn lỗ rất lớn.
Không ngờ rằng, sau khi công chiếu, vở nhạc kịch Mùa xuân của Hitler đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và yêu thích của rất nhiều khán giả. Nhưng vấn đề nan giải cũng ập đến, đó là số tiền kiếm được không đủ để trả cổ tức cho các nhà đầu tư. Sau khi sự việc bại lộ, thanh tra thuế và người quản lý rạp hát phải vào tù. Khi ở trong tù, cả hai lại bắt đầu bán cổ phần cho các tù nhân, hứa chia cho mỗi người 50% lợi nhuận.
Câu chuyện mà Mel Brooks kể trong vở kịch quả thực rất giàu trí tưởng tượng, và hình thức “kịch trong kịch” đã mang lại cho chúng ta một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Hóa ra trí tưởng tượng có thể được phát huy theo cách này. Mặc dù hình tượng của hai nhân vật chính có vẻ hoang đường, nhưng lại mang hình bóng hết sức mạnh mẽ của thực tế. Họ đã nêu lên một chủ đề phổ biến, khơi dậy suy nghĩ của mọi người về xã hội hiện đại.
3
THÊM MỘT CHÚT HẤP DẪN CHO CÂU CHUYỆN
"Nếu bạn muốn thu hút nhiều khán giả hơn, thì cần phải tăng tính hấp dẫn cho câu chuyện"
Một số người rất giỏi kể chuyện và có thể kể những câu chuyện nhàm chán một cách sinh động và thú vị, đây là “công lực nội tại” của người kể chuyện. Ngoài ra, bản thân một số câu chuyện có cách xây dựng hết sức lý thú, nên dù ngôn từ rất đơn giản vẫn tràn đầy sức hấp dẫn. Đây đều là những điểm thú vị vốn có của câu chuyện, điểm thứ nhất phụ thuộc vào cách “gia công nghệ thuật” của người kể và điểm thứ hai dựa vào cấu trúc của chính câu chuyện.
Sức hấp dẫn ngoại tại và chi tiết phụ trợ của câu chuyện
Có những câu chuyện mà bản thân nó không hề có sức hút, vì vậy chúng ta có thể thêm thắt những yếu tố hấp dẫn cho các chi tiết phụ trợ để giúp câu chuyện thêm phần thú vị.
Chi tiết phụ trợ là những tình tiết đề cập tới địa vị xã hội, hoàn cảnh sống và những lựa chọn mà nhân vật phải đối mặt. Những chi tiết này rất cần thiết để một câu chuyện trở nên hoàn chỉnh, chúng giúp khán giả hiểu được bối cảnh và làm phong phú thêm nội dung câu chuyện. Tuy nhiên, việc thuyết minh quá nhiều sẽ khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi và rối rắm.
Thay vào đó, nếu thêm thắt các chi tiết phụ trợ hợp lý để giải thích các vấn đề hoặc tình huống khó xử mà các nhân vật trong câu chuyện gặp phải, tạo ra một cuộc xung đột kịch tính, thì có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện. Sức hút này không đến từ câu chuyện mà do người kể chuyện thêm vào.
Chi tiết phụ trợ thường có nhiệm vụ giải thích trải nghiệm của các nhân vật trong câu chuyện, vì vậy chỉ cần một vài từ đơn giản hoặc một câu ngắn gọn là đủ. Chi tiết phụ trợ cũng có thể được sử dụng để giới thiệu tính cách của nhân vật, thường là một, hai từ ngắn gọn. Vai trò quan trọng nhất của các yếu tố này là mô tả tình cảnh khó khăn mà nhân vật gặp phải hoặc mức độ khó khăn của nhiệm vụ cần hoàn thành, để khán giả hiểu được tính cấp thiết của vấn đề. Sự đồng cảm với nhân vật mà chúng ta hay nhắc đến chính là do các chi tiết phụ trợ mang lại.
Phim hài cũng thường xuyên sử dụng những chi tiết phụ trợ để tạo dựng xung đột và gây cười. Ví dụ như trong bộ phim Lost on Journey (tạm dịch: Lạc lối), anh chàng thợ vắt sữa bò Ngưu Cảnh là một người chuyên đi đòi nợ và hết sức coi trọng của cải. Anh này trót mang theo một bình sữa lớn khi ra sân bay, mà theo quy định là không được mang chất lỏng lên máy bay, để không phải đổ bỏ, Ngưu Cảnh chỉ có thể uống cạn bình sữa.
Trong câu chuyện trên, “thợ vắt sữa” và “người đòi nợ” chính là chi tiết phụ trợ cho Ngưu Cảnh, hai yếu tố này đã xây dựng nên hình tượng nhân vật của anh ta, vì vậy tình tiết uống cạn bình sữa sau đó vừa hợp lý, vừa tạo ra bất ngờ, từ đó tạo nên hiệu quả hài hước rõ rệt. Nếu không có các chi tiết phụ trợ thì sự xuất hiện của các tình tiết sau đó sẽ trở nên đột ngột và khó hiểu.
Sự kết hợp giữa sự thú vị ngoại tại và sự thú vị nội tại có thể giúp cho tổng thể câu chuyện trở nên lô-gíc. Ngoài ra, các chi tiết phụ trợ nên phục vụ cho câu chuyện, chứ không nên là những câu thuyết minh vô thưởng vô phạt. Nếu câu chuyện không yêu cầu có các chi tiết phụ trợ thì có thể lược bỏ, nếu các chi tiết này là yếu tố không thể thiếu thì nhất định phải bổ sung.
Sức hấp dẫn của phần mở đầu câu chuyện
Trong phần mở đầu, chúng ta cần dựa vào các tình tiết để hình dung xem tính thú vị của câu chuyện là ngoại tại hay nội tại.
Phần mở đầu, diễn biến và kết thúc của câu chuyện đều có chức năng và phương thức tường thuật riêng. Mục đích của phần mở đầu là thu hút khán giả, phần diễn biến cần làm rõ tình tiết câu chuyện, phần kết thúc cần nêu lên ý đồ của người kể chuyện. Ở mỗi giai đoạn, tùy từng phần mà chúng ta sẽ bổ sung thêm những điểm thú vị để thu hút khán giả. Nhưng ở phần mở đầu, chúng ta cần phải có một điểm nhấn bao quát toàn bộ câu chuyện. Điểm nhấn này có thể xây dựng dựa trên những chi tiết hấp dẫn được bổ sung thêm. Vai trò lớn nhất của sức hút ngoại tại là khơi dậy trí tò mò của khán giả và dẫn dắt họ hòa mình vào tình tiết câu chuyện.
Mặc dù đa số các chi tiết phụ trợ là những thông tin cứng nhắc và nhàm chán, nhưng việc kết hợp chúng vào phần đầu câu chuyện lại là một điểm hấp dẫn rất tốt. Những chi tiết này càng khác lạ thì khán giả càng cảm thấy thú vị. Việc dựa vào các chi tiết phụ trợ để nêu lên bối cảnh của câu chuyện cũng sẽ tạo cơ sở cho các tình tiết phía sau.
Sức hấp dẫn của phần diễn biến và kết thúc câu chuyện
Có thể nói, sức hấp dẫn của câu chuyện sẽ kéo dài từ đầu đến cuối, vì vậy các chi tiết phụ trợ cũng cần có mặt xuyên suốt. Trong phần diễn biến, các chi tiết này có nhiệm vụ chỉ ra những điểm mấu chốt của tình tiết, tạo ra bước ngoặt của câu chuyện, đồng thời dẫn dắt đến nội dung tiếp theo, tức là mở đường cho phần kết thúc. Phần kết thúc cũng chiếm một nội dung lớn, các chi tiết phụ trợ cần có cũng không hề ít. Ngoài ra, có những câu chuyện sẽ dừng lại đột ngột ở điểm mấu chốt, phần kết chỉ tường thuật hay mô tả một cách mơ hồ, và chi tiết phụ trợ có thể chỉ là một, hai từ để nêu ra quan điểm của người kể.
Các chi tiết phụ trợ có liên quan trực tiếp đến tính thú vị của câu chuyện, cho dù là được sử dụng ở phần mở đầu, phần diễn biến hay phần kết thúc, đều có thể mang lại hiệu quả bất ngờ. Một số câu chuyện có cốt truyện đặc sắc và cách dẫn dắt khéo léo nhưng lại không hấp dẫn người nghe, đó là do nó thiếu tính thu hút. Không dễ để tạo dựng sức hấp dẫn nội tại của một câu chuyện, nhưng sức hút ngoại tại có thể được bồi đắp và củng cố thông qua rất nhiều các chi tiết phụ trợ khác nhau. Nếu sử dụng tốt nguyên liệu này, chúng ta sẽ xây dựng thành công tính thú vị của câu chuyện, đồng thời thu hút thêm ngày càng nhiều khán giả.
4
CUỘC SỐNG LÀ CHẤT LIỆU CỦA CÂU CHUYỆN
"Hãy tích cực khám phá vẻ đẹp của mọi tạo vật xung quanh, không chỉ để sáng tạo câu chuyện mà còn để trải nghiệm những cảm xúc khác nhau trong cuộc sống"
Những câu chuyện đều bắt nguồn từ cuộc sống. Cuộc sống luôn có rất nhiều câu chuyện. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ việc đọc và quan sát các tình huống thực tế rồi sáng tạo ra các câu chuyện của riêng mình.
Khám phá mọi người và mọi thứ xung quanh
Những câu chuyện trong cuộc sống không hề bình thường, nhạt nhòa như mọi người vẫn nghĩ, có rất nhiều kiệt tác được đúc kết từ thực tế cuộc sống. Chúng ta thường bỏ qua những cái đẹp xung quanh mình. Bất luận là những điều thú vị, tươi mới hay buồn bã, đen tối, chúng đều có thể trở thành chất liệu cho sự sáng tạo.
Mặc dù những màn tấu nói1 giữa Quách Đức Cương2 và Vu Khiêm3 có chút khoa trương, nhưng nội dung chính của nó vẫn bắt nguồn từ cuộc sống. Mỗi lần lên sân khấu, thầy Quách luôn chế nhạo tên của thầy Vu, gọi thầy ta là “con lừa”4. Thầy Quách đã lợi dụng hiện tượng đồng âm để chơi chữ, nhờ đó chọc cười khán giả thành công.
1 Tấu nói: Một hình thức nghệ thuật dân gian của Trung Quốc phát triển trên nền tảng truyện tiếu lâm gây cười, phần lớn dùng để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt trong cuộc sống.
2 Quách Đức Cương: Nam diễn viên, danh hài nổi tiếng người Trung Quốc.
3 Vu Khiêm: Người dẫn chương trình, diễn viên tấu nói, diễn viên điện ảnh và truyền hình người Trung Quốc.
4 Cách gọi chệch âm từ “Yu” (Vu) thành “Lu” (con lừa).
Chúng ta cần dụng tâm khám phá vẻ đẹp xung quanh, không chỉ để sáng tạo những câu chuyện mà còn để trải nghiệm những cảm xúc khác nhau trong cuộc sống.
Một người thợ máy chỉ biết làm việc sau những cánh cửa đóng kín sẽ không bao giờ có thể chế tạo ra một chiếc ô tô. Người này chỉ có thể làm ra ô tô sau khi nhìn thấy, biết và hiểu rõ về loại phương tiện này. Việc tích lũy những câu chuyện cũng vậy.
Đọc nhiều để tích lũy thêm tư liệu
Cách dễ nhất và cơ bản nhất để tích lũy tư liệu giúp sáng tạo câu chuyện là đọc. Đừng chỉ chọn những loại sách báo, tài liệu mà bạn muốn đọc, hãy mở rộng đề tài và loại hình tiếp cận.
Có hàng ngàn hàng vạn các loại sách báo, tài liệu khác nhau, sau một thời gian dài tìm đọc, chúng ta sẽ hình thành nên một mô hình tư duy nhất định. Qua đó, chúng ta có thể tăng tốc cho công đoạn thu thập tư liệu, chắt lọc thông tin, giúp cho quá trình viết truyện từ phức tạp trở nên đơn giản, từ chậm chạp trở nên nhanh chóng.
Đọc một lượng lớn sách báo, tài liệu có thể không phải là một trải nghiệm thú vị, đặc biệt là khi bạn gặp phải những tác phẩm văn học nghiêm túc, cứng nhắc và những bài báo khoa học phổ thông khô khan, nhàm chán, nhưng chúng đều có thể trở thành nội dung câu chuyện của bạn trong tương lai. Đây là con đường mà bạn bắt buộc phải đi qua nếu muốn trở thành một người kể chuyện tài ba.
Quá trình đọc nghe có vẻ nhàm chán, vô vị, nhưng nếu xem xét thật kỹ từng cuốn sách đang cầm trên tay, bạn sẽ thấy thể loại nào cũng có giá trị riêng của nó. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần chú ý khi đọc. Ngoài việc tích lũy thêm tư liệu phong phú, chúng ta cũng phải tìm hiểu kỹ ý đồ của tác giả và hiểu được ý nghĩa đằng sau từng câu chữ của họ.
Mặc dù bây giờ là thời đại của thói quen đọc nhanh, nhưng nếu muốn thực sự học hỏi kiến thức, bạn phải ổn định tâm thái của bản thân, đọc nghiêm túc và đọc kỹ thật nhiều tài liệu khác nhau. Đây là quá trình tích lũy tư liệu, nhưng cũng là quá trình rèn luyện văn phong của chúng ta. Văn phong không chỉ được viết ra, mà còn được nhìn thấy, nó là một dạng tài sản vô hình cần trau dồi từng chút một.
Trí nhớ tốt không bằng ngòi bút kém
Ghi chép xem ra còn rườm rà hơn cả việc đọc. Một số người sẵn sàng dành thời gian đọc sách báo, tài liệu nhưng chưa chắc đã muốn cầm bút lên. Tuy nhiên, việc ghi chép luôn có những ưu điểm riêng. Một mặt nó giúp chúng ta ghi nhớ kiến thức, mặt khác lại giúp chúng ta dễ dàng tra cứu tư liệu đã tích lũy.
Hầu hết thông tin mà con người tiếp xúc đều được lưu trữ trong não, mỗi phần ký ức sẽ có một vị trí đặc thù riêng, khi muốn sử dụng nó tức là bạn đang tiến hành một quá trình truy xuất thông tin trong não. Mặc dù thông tin đã được lưu trữ ở đó nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể truy xuất thành công.
Nếu muốn việc ghi chép phát huy hiệu quả tốt hơn, bạn thậm chí có thể nhóm các thông tin quan trọng thành các bản tóm tắt rồi phân loại chúng.
Ngoài việc ghi lại những quan điểm thú vị và các thủ pháp hành văn cao siêu trong các câu chuyện đã đọc, bạn cũng có thể viết ra nguồn cảm hứng của chính mình. Khi một ý tưởng nảy ra trong đầu bạn, đừng mặc định rằng lần sau nếu muốn thì nó sẽ tự khắc xuất hiện để bạn sử dụng. Cảm hứng thường nhanh đến mà cũng nhanh đi, chỉ khi cầm bút ghi lại thì bạn mới không bỏ lỡ nó.
Ghi chép chỉ là bước đầu tiên. Ghi nhớ và xem lại mới giúp những thông tin này thực sự phát huy tác dụng.
Mỗi người đều có thói quen ghi chép khác nhau, nhưng để thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng sau này, tốt nhất bạn nên ghi chép một cách có hệ thống để sử dụng hiệu quả hơn. Một số phương pháp tuy có vẻ kỳ quặc, vụng về, nhưng lại là cách tốt nhất để phân loại thông tin, và cũng có thể giúp cho tư liệu của bạn “có đất dụng võ”.
Ngoài ra, bạn có thể thiết lập một bản ghi nhớ cho cùng một thể loại truyện để nhắc nhở bản thân về nội dung và những điểm nổi bật của tác phẩm đó, như vậy thì ngay cả khi thời gian gấp rút, bạn vẫn có thể nhanh chóng tra cứu. Việc phân loại này ban đầu sẽ rất khó thực hiện, nhưng sau khi đã quen và tích cực sử dụng, bạn sẽ thấy tác dụng kỳ diệu của nó và chính nó sẽ giúp bạn tích lũy tư liệu được nhiều và nhanh hơn.
Những câu chuyện và tư liệu có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Nếu bạn gia tăng lượng đọc, tích cực ghi lại những câu chuyện hay và suy nghĩ của riêng mình thì dần dần theo thời gian, bạn sẽ nhận ra kể chuyện không phải là một việc khó.
Chúng ta cần quản lý cuộc sống một cách gọn gẽ, tích lũy nguồn tư liệu dồi dào, học cách kể chuyện thú vị. Kể chuyện bằng cả trái tim có thể giúp bạn cải thiện hoàn cảnh của chính mình, bởi lẽ nếu tích cực sử dụng những khả năng này trong cuộc sống, cuộc sống chắc chắn sẽ đối xử với bạn tốt hơn. Dùng con mắt đầy sáng tạo của trẻ thơ để nhìn nhận những câu chuyện và cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống đang tỏa sáng muôn nơi.
5
SỰ ĐỒNG CẢM CỦA KHÁN GIẢ TẠO NÊN GIÁ TRỊ CỦA CÂU CHUYỆN
Sự đồng cảm của khán giả sẽ củng cố giá trị của câu chuyện
Sự dẫn nhập cảm xúc
Sự dẫn nhập cảm xúc có thể dẫn dắt khán giả hòa mình vào câu chuyện, khiến khán giả cảm thấy như bản thân đang ở trong chính bối cảnh đó, nảy sinh những cảm xúc tương ứng với sự phát triển của tình tiết câu chuyện, khơi dậy sự cộng hưởng về mặt cảm xúc. Mặc dù những cảm xúc này được kích phát từ một câu chuyện hư cấu, nhưng chúng lại hết sức chân thực, là tình cảm thực sự của khán giả. Cảm xúc nảy sinh từ sự dẫn nhập cảm xúc có thể củng cố giá trị của câu chuyện một cách hiệu quả.
Sự dẫn nhập về cảm xúc là điều không thể thiếu trong việc kể chuyện. Đây là cách đơn giản và trực tiếp để tạo nên sự đồng cảm, và cũng là cách dễ được khán giả chấp nhận nhất.
Một số dạng thức của sự đồng cảm
1. Sự đồng cảm theo dạng dẫn nhập hoàn toàn. Tức là khiến cho khán giả hoàn toàn đắm chìm vào câu chuyện, nảy sinh cảm xúc dựa theo tình tiết và diễn biến của câu chuyện, từ đó đạt đến sự đồng cảm.
2. Sự đồng cảm theo dạng hữu ái. Tức là kể chuyện một cách chân thành, gây ấn tượng với khán giả bằng thiện chí. Nhờ đó, khán giả sẽ nảy sinh hứng thú đối với câu chuyện, chìm đắm vào nó và đạt đến sự đồng cảm. Đây là một phương pháp quan trọng để tạo nên sự đồng cảm mà không cần tới sự dẫn nhập cảm xúc, và nó cũng là tiền đề của tất cả các câu chuyện. Khi chúng ta sáng tạo và kể lại câu chuyện một cách chân thành thì dù câu chuyện không mấy xuất sắc cũng sẽ giành được những tràng pháo tay. Sự đồng cảm theo dạng hữu ái thường xuất hiện ở một vai trò hoặc một yếu tố nào đó. “Yêu nhau yêu cả đường đi lối về” chính là một biểu hiện của dạng thức này. Khi thích một người, bạn sẽ thích mọi thứ ở người ấy.
3. Sự đồng cảm theo dạng tò mò. Thường do các nhân vật trong câu chuyện tạo nên. Khi các nhân vật được xây dựng một cách chân thực và hấp dẫn thì câu chuyện sẽ dễ dàng tạo nên sự cộng hưởng. Ngược lại, nếu nhân vật không đủ tính chân thực thì sẽ rất khó nảy sinh sự dẫn nhập về cảm xúc.
4. Sự đồng cảm theo dạng đánh giá. Dạng thức này thường xuất hiện ở phần cuối câu chuyện. Khi chủ đề được tiết lộ, nó sẽ kích hoạt suy nghĩ và cảm nhận của khán giả, sự đồng cảm này có thể tồn tại trong một thời gian dài và khiến khán giả công nhận tác phẩm. Đạt được sự đồng cảm theo dạng đánh giá là điều không hề dễ dàng. Ngoài việc câu chuyện cung cấp một giá trị nào đó, chúng ta còn phải giành được sự công nhận của người khác, cách kể chuyện cũng phải khéo léo và giàu tính thuyết phục.
5. Sự đồng cảm theo dạng cùng chung ước muốn. Nghĩa là câu chuyện hay nhân vật chính của nó và khán giả đều có chung một nguyện vọng, ước muốn nào đó, khiến khán giả có ấn tượng tốt về câu chuyện hoặc nhân vật chính, từ đó tạo nên sự đồng cảm.
Làm thế nào để khiến khán giả nảy sinh sự đồng cảm?
1. Đề cao tính xác thực. Tình tiết chân thực, nhân vật đáng tin cậy thì sự dẫn nhập cảm xúc sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Ngược lại, cốt truyện và nhân vật được xây dựng một cách thiếu lô-gíc, xa vời thực tế thì sẽ khó có thể khiến khán giả đồng cảm.
2. Nhân vật chính có hình tượng bình dị. Khán giả có thể tìm thấy điểm tương đồng giữa mình và nhân vật chính thông qua những chi tiết về tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách và đặc điểm gia đình được đề cập trong câu chuyện, từ đó nảy sinh sự đồng cảm.
3. Sức mạnh của sự vay mượn. Trong giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, chúng ta đã tiếp xúc với nhiều câu chuyện, truyền thuyết và sự tích. Những câu chuyện này mang lại những cảm xúc, giá trị quan và thế giới quan tương đối gần gũi với mỗi người. Vận dụng những điều này khi sáng tạo câu chuyện của chính mình sẽ giúp người kể chuyện nhanh chóng khơi dậy sự đồng cảm của khán giả.
6
CÁCH CHỈNH LÝ CÂU CHUYỆN
"Sửa đổi là một môn học bắt buộc đối với người kể chuyện. Thông qua việc chỉnh lý câu chuyện, chúng ta có thể nhận ra những thiếu sót của bản thân, rèn luyện để kể chuyện tốt hơn, hay hơn"
Ý nghĩa của việc chỉnh lý
Đại đa số các tác giả nổi tiếng từ cổ chí kim đều rất coi trọng việc chỉnh lý. Lữ Thúc Tương1 từng nói: “Từ xưa đến nay, có rất nhiều nhà văn nổi tiếng cả trong và ngoài nước đều phải chỉnh sửa tác phẩm của mình ba lần, năm lần, thậm chí hơn chục lần trước khi hoàn thiện. Đó là một lời khuyên hữu ích khi sáng tác văn học. Chúng ta nên học hỏi từ họ.”
1 Lữ Thúc Tương (1904-1998): Nhà ngôn ngữ học và nhà giáo dục nổi tiếng người Trung Quốc.
Hồng Lâu Mộng đã từng trải qua bao lần “cắt xương xẻ thịt” trước khi trở thành tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc. Hãy tưởng tượng xem, nếu như không tiến hành sửa đổi, chỉnh lý thì câu chuyện tình duyên trong Hồng Lâu Mộng sẽ khó có thể khiến người ta cảm thán đến như vậy.
Điều này cũng đúng với tác phẩm Vi thành của Tiền Chung Thư1, nó đã được tác giả sửa đi sửa lại nhiều lần trước khi có diện mạo như hiện tại. Tương truyền, Tiền Chung Thư đã chỉnh sửa tới hơn 1.000 chi tiết so với bản thảo gốc, điều đó cho thấy ông đã phải rất hao tâm tổn sức để hoàn thiện tác phẩm này.
1 Tiền Chung Thư (1910-1998): Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc.
Sửa đổi là một môn học bắt buộc đối với người kể chuyện. Thông qua việc chỉnh lý câu chuyện, chúng ta có thể nhận ra những thiếu sót của bản thân, rèn luyện để kể chuyện tốt hơn, hay hơn.
Người xưa có câu: “Văn chương chớ ngại trăm lần sửa” và “Sửa giỏi còn hơn viết hay” đều minh họa cho vai trò quan trọng của việc chỉnh lý. Theo nghĩa rộng, việc chỉnh lý nói chung không chỉ bao gồm sửa đổi sau khi kết thúc việc sáng tác, mà còn có thể là chỉnh sửa ngay từ khi ý tưởng nhen nhóm trong đầu và câu chuyện được hình thành. Điều này có thể giảm bớt khối lượng công việc của các lần chỉnh lý tiếp theo, giúp tiết kiệm thời gian. Đối với một nhà văn, chỉnh sửa tác phẩm của mình cũng thể hiện thái độ có trách nhiệm đối với độc giả. Một tác phẩm hoàn thiện là tâm huyết của tác giả và cũng mang theo sự kỳ vọng của độc giả. Tác giả nên nhìn nhận thẳng thắn về công việc của mình, có mục tiêu rõ ràng, phát huy những ưu điểm và sửa chữa những thiếu sót. Khi đọc một tác phẩm, độc giả cũng nên đối xử với nó bằng thái độ đúng mực và đánh giá một cách lý trí.
Chỉnh sửa nội dung câu chuyện
Sau khi hoàn thành câu chuyện, bạn cần tiến hành chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung tổng thể một lần cuối. Việc đầu tiên bạn cần làm là dọn sạch tâm trí của mình, đọc lại bản thảo một lượt từ đầu đến cuối xem còn có vấn đề gì không. Sau đó mới chỉnh sửa nội dung cho câu chuyện, trong quá trình này, cố gắng chỉ tăng thêm chứ không xóa bớt các chi tiết.
Có rất nhiều phần của câu chuyện mà chúng ta nghĩ là tuyệt vời, nhưng sau khi đọc lại mới thấy rằng vẫn còn thiếu sót. Nên cải thiện kịp thời vấn đề này để hoàn thiện nội dung câu chuyện và hỗ trợ sự phát triển của mạch truyện. Ngay cả một câu chuyện được viết rất tốt nhưng lại thiếu đi một chút thú vị, chúng ta cũng có thể diễn giải tiếp các sự việc để giúp độc giả hiểu được các tình tiết và mạch truyện.
Chỉnh sửa cách hành văn
Mỗi câu chuyện đều hướng đến một mục đích, vì vậy việc chủ đề có được thể hiện rõ ràng hay không là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của câu chuyện. Ngay cả cách chọn lựa từ ngữ và câu cú cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ấn tượng đầu tiên của người đọc và sức sống của câu chuyện. Những câu văn hay có thể giúp một câu chuyện kém đặc sắc trở nên sống động, làm phong phú thêm tính cách và hình tượng của nhân vật.
Khi tiến hành chỉnh sửa cách hành văn, bạn nên kiểm tra từng câu từng từ để xác định xem lô-gíc của đoạn trên và đoạn dưới đã hợp lý hay chưa, việc chuyển tiếp giữa các đoạn có tự nhiên hay không, luận cứ, luận điểm có rõ ràng hay không, phần giới thiệu đã đầy đủ hay chưa… Nếu chưa đáp ứng được những yêu cầu này thì nên chỉnh lý kịp thời.
Việc chỉnh sửa cách hành văn có thể tiến hành từ việc giản lược cấu trúc câu. Ví dụ, câu “Anh ấy nghĩ rằng mình đang phải gánh vác một trách nhiệm lớn lao” có thể sửa thành “Anh ấy cảm nhận được một trách nhiệm lớn lao”. Cách diễn đạt trực tiếp, ngắn gọn có thể giúp tinh giản câu chuyện, để người đọc hiểu nó một cách trực tiếp và chính xác hơn. Việc lựa chọn từ ngữ phụ thuộc vào phương thức tường thuật mà bạn sử dụng cho câu chuyện, chỉ cần đảm bảo sự nhất quán về mặt tổng thể là được.
Hình thành phong cách sáng tác của riêng mình
Sau một số lần chỉnh sửa, về cơ bản câu chuyện đã hoàn thiện và có một phong cách riêng. Mỗi lần chỉnh sửa đều rất khó khăn, tuy nhiên hãy nhớ rằng chỉ có dày công chăm chút mới có thể giúp cho câu chuyện hay hơn, có sức hút với độc giả hơn. Không ai thành công mà không vất vả, ngay cả những nhà văn có tài năng thiên phú cũng cần tích cực sáng tác và chỉnh sửa câu chuyện của mình mới có thể mang đến cho độc giả những tác phẩm hay.
Cùng là một câu chuyện, nếu được chỉnh lý bởi những người khác nhau thì sẽ có những diện mạo khác nhau, đây chính là cái mà chúng ta gọi là “phong cách sáng tác”. Phong cách này sẽ hình thành một cách tự nhiên sau quá trình sáng tác và chỉnh sửa lâu dài, và không có con đường tắt nào cả.
Hai cuốn tiểu thuyết Đạo mộ bút ký và Ma thổi đèn đều kể câu chuyện khám phá lăng mộ, tuy diễn ra trong những thời điểm khác nhau nhưng địa điểm, mục tiêu và bối cảnh nhân vật có phần giống nhau, tình tiết cũng có nhiều điểm tương đồng. Nhưng chỉ cần đối chiếu một phân đoạn trích từ hai cuốn tiểu thuyết này cũng có thể thấy rằng đây là hai tác phẩm riêng biệt. Điều này là do hai tác giả có hai phong cách sáng tác khác nhau.
Đạo mộ bút ký chủ yếu mô tả mối quan hệ giữa các bối cảnh và nhân vật giả tưởng, trong khi đó Ma thổi đèn thì thiên về mặt lý thuyết nhiều hơn, giới thiệu chi tiết nguyên nhân bắt đầu và hướng phát triển của câu chuyện. Hai tác phẩm có trọng tâm khác nhau và phong cách viết khác nhau, một cuốn thiên về cảm xúc, cuốn còn lại thì thiên về lý trí.
Khi viết văn, nhất là khi sáng tác câu chuyện, chúng ta cũng phải chú ý xây dựng phong cách riêng. Dù là viết văn hay kể chuyện thì chúng ta đều phải có điểm riêng để phân biệt với người khác, từ đó gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
CÂU CHUYỆN
Kim chỉ nam dành cho những người có ước mơ: Không bao giờ là quá muộn để làm lại từ đầu
Khi nói đến cộng đồng thuộc Hội hành động, rất nhiều người thường xuyên sử dụng mạng xã hội đã quen thuộc với họ. Đây là một cộng đồng học tập, trưởng thành đang phát triển rất nhanh, với đại đa số thành viên thuộc thế hệ 8x và 9x. Kể từ khi thành lập, hội đã phát triển thành một tổ chức cộng đồng rất giàu triển vọng và chỉ sau hai năm đã hiện diện tại 61 thành phố trong nước và tám thành phố ở nước ngoài. Với mục tiêu “Học tập, hành động và chia sẻ”, họ khuyến khích các bạn trẻ “dám hành động thì ước mơ mới trở nên sống động”. Hội đang hoạt động tích cực trong các trường đại học.
Hội hành động do Uyển Bình và Kỳ Kỳ thành lập. Hai cô gái quen biết nhau trong một buổi giao lưu kết nghĩa dành cho phái nữ.
Ban đầu cả hai đều thấy đối phương không có điểm gì đặc biệt, phong cách hoàn toàn trái ngược nhau, không ngờ sau này họ lại trở thành bạn thân, luôn sát cánh bên nhau. Tất cả bắt đầu từ một danh sách ước mơ mà cả hai cùng chia sẻ.
Buổi giao lưu kết nghĩa dành cho phái nữ vốn do Kỳ Kỳ đứng ra tổ chức. Mỗi cuối tuần, các cô gái sẽ gặp gỡ và cùng nhau trò chuyện về cuộc sống và ước mơ trong một quán cà phê. Ban đầu, Kỳ Kỳ chỉ muốn kết bạn để trò chuyện, nhưng sau đó, cô thấy rằng bên cạnh những cuộc giao lưu, họ cũng có thể cùng nhau làm điều gì đó thú vị, vừa để cải thiện bản thân vừa để kết nối tình cảm.
Đối với Uyển Bình, do đây là lần đầu tiên cô tham gia hoạt động này nên thấy có thật nhiều điều mới mẻ. Khi Kỳ Kỳ hỏi rằng “Năm ngoái cậu đã làm những gì?”, Uyển Bình chẳng biết phải trả lời ra sao, bởi lẽ cả năm qua không để lại ấn tượng nào sâu sắc trong tâm trí cô, như thể mọi kỷ niệm đã hoàn toàn biến mất. Thường thì cô chú trọng đến việc sống hết mình ở hiện tại, chưa bao giờ nghĩ về những gì mình đã làm hoặc phải làm.
Thấy Uyển Bình có vẻ thất thần, Kỳ Kỳ bèn khéo léo chuyển chủ đề: “Vậy cậu dự định làm gì trong năm tới? Cậu có danh sách ước mơ không?”
Uyển Bình lắc đầu, cô chưa hề suy nghĩ cẩn thận về những việc phải làm trong tương lai, và cũng chưa từng lên kế hoạch cho nó. Kỳ Kỳ mỉm cười nhìn cô, rồi bắt đầu chia sẻ về danh sách ước mơ của mình.
Danh sách ước mơ của Kỳ Kỳ gồm hai trang, trình bày chi tiết kế hoạch của cô trong năm tới. Uyển Bình rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy vẻ rạng ngời, tươi tắn của Kỳ Kỳ. Cô gái này có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi để lập kế hoạch chi tiết, biến cuộc sống của mình trở nên thú vị, ngoài ra cô ấy luôn kiên định thực hiện mơ ước của mình. Uyển Bình cảm thấy cô cũng nên soi xét lại cuộc sống của bản thân.
Danh sách của Kỳ Kỳ rất phong phú, bao gồm cả kế hoạch đi du lịch và phát triển các mối quan hệ, ngay cả những cuốn sách cô ấy muốn đọc, âm nhạc cô ấy muốn nghe và những kỹ năng cô ấy muốn thử thách cũng được liệt kê trong đó.
Trong danh sách này, có một ước mơ khiến hai mắt của Uyển Bình sáng rỡ.
Mặc dù là một cô gái nhút nhát, nhưng Kỳ Kỳ luôn muốn trở thành một diễn giả tài năng.
Cô ấy biết rằng điều này không hề đơn giản, và để đến gần ước mơ của mình, cô ấy phải lên kế hoạch và hoàn thành từng việc một. Kỳ Kỳ đã đề ra cho bản thân một bản kế hoạch như sau: Đọc thêm sách về các bài phát biểu, xem thêm các video về các buổi diễn giảng; ngoài ra, nếu muốn luyện diễn thuyết thì phải kết nối với nhiều người bạn khéo ăn khéo nói hơn. Khi đó, công việc của Uyển Bình là người dẫn chương trình, và hai người họ đã trở thành bạn một cách rất tự nhiên. Sau khi hoàn thành những mục tiêu này, Kỳ Kỳ đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ để bản thân có cơ hội phát biểu.
Sau một năm tham gia hội chị em, Kỳ Kỳ trở nên vui vẻ và hoạt bát hơn, cô dần trở thành một cô gái tự tin khi giao lưu, trò chuyện. Kỳ Kỳ đã có những tiến bộ vượt bậc trong bài diễn thuyết của mình. Khi lắng nghe những bài phát biểu khoa học, rõ ràng và chỉn chu của cô, mọi người không bao giờ đoán được rằng Kỳ Kỳ từng là một cô gái hay đỏ mặt khi nói chuyện với người lạ.
Kỳ Kỳ chia sẻ một cách hào sảng, thoải mái về những thay đổi của bản thân trong một năm qua, có thể nói cô đang hoàn thành danh sách mơ ước của mình bằng những hành động rất đỗi thiết thực.
Sau đó, các cô gái trong hội chị em cũng lần lượt chia sẻ danh sách ước mơ của mình. Một số người muốn làm việc chăm chỉ để được thăng chức; một số khác lại muốn mở xưởng may quần áo của riêng mình; một số muốn xuất bản cuốn sách của riêng họ... Cho đến hôm nay, tức là sau một năm, tất cả mọi người đều hoàn thành ước mơ của mình. Đây là những điều mà họ thậm chí không dám nghĩ tới trước khi tham gia hội chị em và viết ra danh sách ước mơ của bản thân.
Câu chuyện của Kỳ Kỳ và các chị em khiến Uyển Bình rất cảm động, cô bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống của bản thân, và cũng cố gắng lập một số kế hoạch cho tương lai, lên danh sách những ước mơ của mình. Cô tự hỏi: “Mình thực sự yêu thích điều gì? Có những lĩnh vực nào mình muốn thử sức nhưng lại chưa bao giờ nghĩ tới?”
Trong các buổi sinh hoạt sau đó, Uyển Bình cũng chia sẻ danh sách ước mơ của mình với hội chị em, trong đó một số mục giống với danh sách của Kỳ Kỳ.
Ước mơ chung của họ là thành lập công ty quan hệ công chúng của riêng mình. Nhờ công việc, Uyển Bình đã xây dựng được những mối quan hệ cộng tác, và dần dần theo thời gian, cô ấy nảy sinh ý tưởng này. Còn Kỳ Kỳ thì muốn trở thành một diễn giả giỏi, và vì đã có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giao lưu, nên cô ấy cũng có mong muốn này.
Họ nhận thấy tình hình phát triển của toàn bộ ngành quan hệ công chúng trong nước đang bị kìm hãm và không được coi trọng, ngược lại, tình hình của các công ty quan hệ công chúng ở Đài Loan lại khá hơn một chút. Một công ty quan hệ công chúng rất nổi tiếng ở nước bạn đã truyền cho họ rất nhiều cảm hứng, công ty này cung cấp cho khách hàng tỉ lệ đầu tư-lợi nhuận cao và được các khách hàng vô cùng yêu mến.
Cả hai nhận thấy rằng một hoạt động tốt chính là một ý tưởng tốt, một ý tưởng tốt rất dễ tạo ra một nội dung tốt, và một nội dung tốt có thể thu hút ánh mắt của giới truyền thông một cách tự nhiên. Nếu khách hàng chi 300 nghìn nhân dân tệ cho một sự kiện đầy tính sáng tạo, họ có thể nhận được 1 triệu lượt tiếp xúc với giới truyền thông thông qua sự kiện này. Đây vừa là cơ hội tốt, vừa mang lại lợi nhuận đáng kể. Hai cô gái muốn dùng cách này để giúp các nhà sáng tạo chân chính giành được sự công nhận và tôn trọng của thị trường.
Sau nhiều cuộc thảo luận, Kỳ Kỳ và Uyển Bình quyết định biến ước mơ thành hành động. Cả hai lần lượt từ chức để thành lập công ty quan hệ công chúng của riêng mình tại Hạ Môn. Trong danh sách mơ ước tiếp theo, họ đã bổ sung thêm một mục nữa: Họ hy vọng sẽ mời được những nhà quản lý của các công ty quan hệ công chúng hàng đầu trong ngành tham gia một buổi chia sẻ. Cả hai đều nghĩ rằng nếu đã đặt chân vào ngành này mà chưa tiếp xúc với những chuyên gia trong ngành thì sẽ là một tổn thất lớn, như vậy công ty sẽ khó có chỗ đứng và gặt hái được thành công.
Mặc dù đã có ý tưởng nhưng để thực hiện vẫn là điều rất khó. Bước đầu tiên, hai cô gái cần xem xét làm thế nào để mời được những nhà quản lý này. Một công ty quan hệ công chúng vừa mới thành lập, chưa có tiếng tăm, thậm chí còn chưa đăng ký hoạt động, làm sao có thể tiếp xúc với các nhân vật đầu ngành?
Có một lần, khi Uyển Bình tìm mua sách ở Đài Loan, cô đọc được những tác phẩm của cô Lý Hân Tần, và đó chính là thứ họ cần trong tương lai. Cô đã mua cả bộ sách và nảy ra ý tưởng mời Lý Hân Tần đến diễn thuyết. Danh sách ước mơ của họ được bổ sung thêm một mục mới.
Và thật tình cờ, cơ duyên đã cho hai cô gái gặp gỡ Lý Hân Tần – người được mệnh danh là “nữ hoàng viết lách của châu Á” và có cơ hội mời cô tham gia buổi chia sẻ đầu tiên kể từ khi thành lập công ty.
Sau đó, Kỳ Kỳ và Uyển Bình tiếp tục tìm gặp những nhân vật “cây đa cây đề” trong ngành quan hệ công chúng. Thông qua mạng Internet, họ biết rằng ở Thượng Hải có một sự kiện tên là Giải thưởng Kim Đầu, hàng năm, các công ty quảng cáo, nhà sáng tạo và khách hàng đều được mời đến cùng tham gia giao lưu. Bốn công ty hàng đầu trong ngành quan hệ công chúng cũng luân phiên tổ chức các sự kiện đặc biệt của họ tại đây.
Cả hai cô gái đều thấy rằng đây là một cơ hội hiếm có và ngay lập tức đăng ký tham gia. Sự kiện này đã giúp họ mở mang tầm mắt, lần đầu tiên họ được gặp gỡ nhiều người đi trước và lãnh đạo trong ngành như vậy. Sự kiện này cũng đã khởi động dự án đầu tiên của họ kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp.
Trở lại Hạ Môn, cả hai đã thảo luận và quyết tâm mang Giải thưởng Kim Đầu về đây. Tại thành phố biển xinh đẹp này, họ sẽ mời những nhân vật hàng đầu trong ngành quan hệ công chúng đến phát biểu và chia sẻ kinh nghiệm trên sân khấu của chính họ.
Kỳ Kỳ là một người sống rất có mục đích, cô ấy bắt đầu miệt mài viết thư cho ban tổ chức của Giải thưởng Kim Đầu, gửi gắm những ý định của họ và lên kế hoạch tổ chức các hoạt động đó ở Hạ Môn. Nửa năm sau, nỗ lực của của hai cô gái được đền đáp. Hạ Hân Hạo – người sáng lập Giải thưởng Kim Đầu đã cảm động trước sự nhiệt tình và kiên trì của Kỳ Kỳ cùng Uyển Bình và quyết định giao cho họ chủ trì một diễn đàn phụ duy nhất của giải thưởng này.
Một năm sau, Giải thưởng Kim Đầu được tổ chức thành công ở Hạ Môn. Hai cô gái đã mời những người sáng lập phần mềm chỉnh sửa ảnh Meitu Xiuxiu và người sáng lập Lanshi Advertising, cùng một nhóm những nhà sáng tạo quảng cáo tài năng đứng trên sân khấu ngày hôm ấy. Sự kiện này có rất đông người đến tham dự và trở thành sự kiện gây tiếng vang nhất trong lịch sử của Giải thưởng Kim Đầu, ngay cả lối đi cũng chật cứng người đứng xem. Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của Uyển Bình và Kỳ Kỳ.
Cuối cùng, sự kiện đã kết thúc thành công mỹ mãn. Kết quả này đã củng cố niềm tin của Kỳ Kỳ và Uyển Bình về tương lai của công ty quan hệ công chúng đặc biệt mà họ thành lập.
Khởi đầu của tất cả những điều này đều bắt nguồn từ một danh sách ước mơ. Chính nó đã chứng kiến tất cả những ý tưởng khởi nghiệp của hai cô gái và giúp họ sống một cách trọn vẹn và hạnh phúc mỗi ngày. Thông qua danh sách ước mơ, họ đã can đảm thực hiện những bước đi đầy mới mẻ, động viên lẫn nhau và lần lượt thực hiện những khát vọng trong cuộc đời mình. Đây là một bản danh sách kỳ diệu, cũng là một bản danh sách đầy sáng tạo và bùng nổ. “Các cô gái có thể trở thành bạn thân của nhau nhờ có những sở thích và nguyện vọng giống nhau.” Uyển Bình đã khám phá ra điều này khi cùng Kỳ Kỳ thực hiện ước mơ của cả hai.
Đến nay, hai cô gái đã làm việc cùng nhau được sáu năm. Khi nói về những ngày đầu thành lập công ty, họ rất hào hứng và biết ơn chính mình vì đã không lùi bước và dũng cảm bắt đầu lại cuộc đời từ con số 0.
Đối với nhiều người, câu chuyện “làm lại từ đầu” của Uyển Bình và Kỳ Kỳ cách đây sáu năm khá mạo hiểm và tràn đầy rủi ro, bởi khi đó họ đang có một công việc tốt và một cuộc sống đáng ao ước. Nhưng hai cô gái không thỏa mãn với hiện tại mà chọn bắt đầu lại từ đầu và dấn thân vào cuộc hành trình mới. Thông qua danh sách ước mơ, họ đã hiện thực hóa nguyện vọng của mình và cùng nhau đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại từ đầu.
Câu chuyện khởi nghiệp của Kỳ Kỳ và Uyển Bình tựa như một hòn đá, dễ dàng phá tan mặt hồ phẳng lặng tường chừng như đang vô cùng yên bình. Hai cô gái muốn phá bỏ cuộc sống thường ngày và thay đổi bản thân, họ sẵn sàng quay trở lại vạch xuất phát và nỗ lực vì khát vọng của bản thân. Sự cố gắng hết mình ấy cuốn cùng cũng mang về quả ngọt cho họ.
Câu chuyện này không chỉ nói về ước mơ của Kỳ Kỳ và Uyển Bình, mà còn về ước mơ của chính chúng ta. Khi theo dõi câu chuyện của hai cô gái, chúng ta dường như đang đồng hành cùng họ trong cuộc phiêu lưu đến với bến bờ hạnh phúc. Sâu thẳm trong mỗi người luôn tồn tại những khao khát, những hy vọng, vì vậy chúng ta thấy đồng cảm với họ, và thấy được thúc giục, được cổ vũ đặt chân lên con đường hiện thực hóa những giấc mơ. Các câu chuyện luôn có sức mạnh kỳ diệu, có thể thay đổi cuộc sống bình thường của mọi người.