Một câu chuyện xuất sắc là một câu chuyện có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả, khiến họ chuyển biến tâm lý theo chu trình “nghe-tò mò-theo dõi”
1
CÁC PHƯƠNG PHÁP KỂ CHUYỆN
"Một người kể chuyện tài năng cần biết vận dụng các phương pháp kể chuyện phù hợp để giúp cho câu chuyện ghi dấu ấn trong lòng khán giả"
Câu chuyện, đúng như cái tên của nó, sẽ tập trung vào việc kể sự việc chứ không phải miêu tả con người. Trong rất nhiều nhân tố, tình tiết là quan trọng nhất. Muốn kể chuyện một cách sinh động, đặc sắc, chúng ta cần sử dụng các thủ pháp và cấu trúc trần thuật khác nhau.
Phương pháp hồi tưởng
Tình tiết hồi tưởng nên được đặt ở ngay phần mở đầu, đây sẽ là yếu tố bất ngờ và chi phối toàn bộ cốt truyện. Một câu chuyện diễn tiến bình thường là chưa đủ để thu hút người nghe. Nếu bạn đi ngay vào giải thích bối cảnh ngay khi bắt đầu, câu chuyện sẽ mất đi tính bất ngờ. Thay vào đó, bạn hãy thiết kế một phần mở đầu sao cho thật hấp dẫn để khán giả có hứng thú tiếp tục theo dõi các nội dung đằng sau.
Một người bạn từng kể cho tôi câu chuyện như sau: Một lần nọ, cậu ta đi tàu ra ngoại tỉnh. Khi ấy đã là nửa đêm, cậu ta trông thấy một người đàn ông kỳ quặc bước lên tàu. Lúc đầu, người này có vẻ hơi thất thần, nhưng vài phút sau anh ta đã hồi tỉnh và bắt đầu quan sát xung quanh, thậm chí còn quay ra hỏi bạn tôi: “Năm nay cậu 28 tuổi phải không?”
Cậu ta cảm thấy rất lạ, nhưng vẫn thành thật trả lời: “Đúng vậy, tại sao anh biết điều này?” Anh ta không trả lời mà tiếp tục đoán tuổi của những hành khách khác. “Bạn 32 tuổi?” “Vâng.” “Chú 65, đúng không?” “Đúng, không sai.”
Hành khách này dường như có khả năng nhìn được tuổi của người khác. Khi tới lượt một người phụ nữ, anh ta hỏi: “Chị 45 tuổi phải không?” Cô ấy cười và trả lời: “Đúng vậy, nhưng tôi sẽ 46 tuổi sau năm phút nữa.” Người đàn ông nghe vậy rất kinh ngạc, sắc mặt lập tức trở nên nhợt nhạt.
Bằng cách mô tả hành vi kỳ lạ của người đàn ông, phần mở đầu câu chuyện này đã khơi gợi sự chú ý của người nghe. Việc anh ta có thể đoán đúng tuổi của từng người khiến khán giả cảm thấy rất đỗi bất ngờ. Ngay cả câu mô tả cuối cùng khi anh ta thay đổi sắc mặt lúc nghe người phụ nữ trả lời: “Đúng vậy, nhưng tôi sẽ 46 tuổi sau năm phút nữa” cũng là một điểm làm dấy lên sự tò mò của khán giả. Nghe xong phần đầu câu chuyện này, chắc chắn người nghe sẽ nóng lòng muốn biết tình tiết tiếp theo. Đây là phần mở đầu có yếu tố hồi hộp và là cách mở đầu theo phương thức hồi tưởng.
Hồi tưởng là một kiểu tường thuật ngược, bắt đầu từ phần cuối hoặc các điểm chính của câu chuyện, sau đó mới quay lại kể lần lượt từ tình tiết mở đầu. Phương pháp và kỹ thuật tường thuật của nó khác hẳn với tường thuật theo trình tự thời gian. Đây là phương thức kể chuyện tiết lộ các sự kiện quan trọng trước, sau đó mới đề cập đến đến quá trình và nguyên nhân. Phương pháp này được sử dụng rất phổ biến, chúng ta cũng có thể vận dụng nó để tăng sức hút cho câu chuyện của mình trong giao tiếp hàng ngày. Hãy tránh cách tường thuật và xây dựng cấu trúc cốt truyện đơn điệu.
Phương pháp “ngoài dự liệu nhưng rất đỗi hợp lý”
Vua hề Chaplin từng nói: “Tôi luôn cố gắng tạo ra những điều bất ngờ theo nhiều cách khác biệt. Ví dụ như khán giả nghĩ rằng tôi sẽ xuất hiện trên đường phố thì tôi sẽ nhảy lên xe ngựa.”
Các bộ phim và màn trình diễn của Chaplin luôn khác thường. Khi kể chuyện cũng vậy, những yếu tố bất ngờ sẽ để lại dấu ấn rất khó phai trong lòng khán giả. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tình tiết diễn biến phải trở nên vô lý, rời rạc Ngược lại, một câu chuyện phát triển hợp lý nhưng có kết quả nằm ngoài dự liệu sẽ càng khiến người nghe ấn tượng sâu sắc.
Các nhân vật trong chuyện cũng cần như vậy, mỗi lời nói, hành vi của họ đều phải dựa trên tính cách đã được xây dựng từ trước, đồng thời phải phù hợp với quy luật khách quan và lô-gíc của cuộc sống.
Truyện ngắn The Gift of the Magi (tạm dịch: Món quà của nhà thông thái) của nhà văn nổi tiếng O. Henry là ví dụ điển hình cho phương pháp này. Trong truyện, vào ngày lễ Giáng sinh, hai vợ chồng nhân vật chính chuẩn bị quà cho nhau. Nhưng thật bất ngờ, người vợ đã bán đi mái tóc quý giá của mình để lấy tiền mua cho chồng một chiếc dây đeo đồng hồ, trong khi người chồng lại bán đồng hồ của mình và mua cho vợ một chiếc kẹp tóc đính đá quý. Cả hai đều bất ngờ khi nhìn thấy món quà của đối phương và đồng thời cũng rất xúc động.
Suy nghĩ và hành vi của hai vợ chồng đều phù hợp với bối cảnh của câu chuyện, nhưng cái kết lại hết sức bất ngờ và khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Phương pháp “tường thuật có lồng ghép cảm xúc”
Tường thuật là phương thức mà chúng ta hay vận dụng trong quá trình kể chuyện. Trên thực tế, việc bổ sung thêm một số yếu tố gợi mở có thể làm tăng sức hấp dẫn của câu chuyện lên đáng kể. Tường thuật có lồng ghép cảm xúc thích hợp để kể những câu chuyện về trải nghiệm cuộc sống, giúp khơi gợi cảm xúc, khiến trải nghiệm ấy trở nên đặc biệt với khán giả.
Cách kể chuyện này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy, làm thế nào để lồng ghép cảm xúc vào những câu từ trần thuật thuần tuý đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo: thứ nhất, câu chuyện phải gần gũi với đời sống; thứ hai, nó phải có tính phổ quát; cuối cùng, nó phải có điểm lay động lòng người và tạo dựng được bầu không khí.
Phương pháp “một câu chuyện với nhiều lớp lang”
Một người kể chuyện tài năng là người có thể sử dụng các nhân vật hay sự vật có sẵn để truyền tải câu chuyện theo một cách thú vị hơn. Một hình tượng nhỏ cũng có thể đóng một vai trò lớn. Phương pháp kể chuyện này thường gài gắm sẵn các chi tiết trong nội dung truyện, rồi sau đó liên tục củng cố và bộc lộ vai trò của chúng xuyên suốt câu chuyện.
Các tình tiết được thêm vào không chỉ xoay quanh nhân vật chính mà còn có thể liên quan đến tất cả các nhân vật trong truyện, làm phong phú thêm nội dung, tránh cho câu chuyện trở nên đơn điệu. Trong tác phẩm Đồng bạc 20 shilling, 20 shilling là một chi tiết trong câu chuyện, và các nhân vật chính, phụ đều liên quan đến nó. 20 shilling trở thành biểu tượng cho toàn bộ câu chuyện, giúp nội dung kết nối hoàn chỉnh hơn.
2
THU HÚT KHÁN GIẢ BẰNG 500 TỪ ĐẦU TIÊN
"Một phần mở đầu hấp dẫn sẽ chiếm tới 50% thành công của câu chuyện"
Vai trò của 500 từ mở đầu
Dù câu chuyện được truyền tải dưới hình thức nào thì phần mở đầu cũng đặc biệt quan trọng. 500 từ đầu tiên sẽ quyết định sức sống của một câu chuyện. Nếu không thể khiến khán giả cảm thấy mới lạ trong 500 từ này thì sẽ rất khó để thu hút sự chú ý của đối phương về sau. Một phần mở đầu hấp dẫn sẽ chiếm tới 50% thành công của câu chuyện.
500 từ ở phần mở đầu sẽ quyết định bối cảnh, nội dung và các nhân vật của câu chuyện, đồng thời đó cũng là căn cứ tham chiếu quan trọng để khán giả phán đoán hướng đi trong tương lai của tình tiết. 500 từ này thường thể hiện phương thức sáng tạo của người kể chuyện, tạo hình nhân vật và thiết lập tình tiết.
Dẫn dắt câu chuyện một cách đơn giản
Có một số vấn đề thường nảy sinh khi diễn đạt câu chuyện bằng lời: một là tư duy quá mới mẻ, khán giả khó theo kịp nên dễ bị bỏ qua; hai là chưa làm rõ nội dung chính của câu chuyện, chưa mô tả sự việc, nhân vật mà chỉ đề cập đến bối cảnh, bỏ lỡ thời cơ quan trọng; ba là các tình tiết không có sự gắn kết, cần xây dựng một mạch truyện mạch lạc, nối tiếp nhau.
Những câu chuyện chúng ta kể không phải là những tác phẩm triết học, không cần giải thích những vấn đề quá cao siêu, cũng chẳng nên chứa đựng những khái niệm triết lý và giáo dục quá sâu xa. Những điều này sẽ thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả và rất dễ khiến họ chán chường.
Bổ sung một vài đặc điểm cho nhân vật
Khi kể một câu chuyện, tốt nhất nên để nhân vật chính xuất hiện trong 500 từ đầu tiên.
Có một cách đơn giản để xây dựng các nhân vật trong câu chuyện, đó là tạo thêm đặc điểm nhận dạng cho họ, chẳng hạn như một người phụ nữ chỉ mặc đồ trắng, một người đàn ông luôn mang theo một quyển lịch bên người, một ông cụ không bao giờ ngẩng đầu khi bước đi. Bổ sung một vài đặc điểm cho nhân vật và liên tục đề cập tới nó trong suốt câu chuyện có thể làm tăng thêm sự tò mò và mức độ nhận diện của khán giả đối với người này. Nhân vật chính phải khiến người nghe có cảm giác mong đợi, liên tục củng cố cảm giác đó và cuối cùng là giải tỏa nó ở phần cuối câu chuyện.
Mặc dù nhân vật chính của nhiều câu chuyện là những người bình thường và không có nét gì đặc biệt, nhưng việc tác giả bổ sung thêm một đặc điểm nào đó có thể giúp các nhân vật này trở nên nổi bật và khác biệt. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này để hấp dẫn khán giả.
Không vội hé mở những tình tiết thu hút
Cốt truyện là một điều rất khó nắm bắt, một câu chuyện phải có những tình tiết phức tạp nhưng hợp lý để hấp dẫn đám đông. Trong phần mở đầu, chúng ta chỉ nên “kể ba phần”, có nghĩa là giữ lại một phần cốt truyện để thu hút khán giả, không nên liền một lúc kể hết tình tiết phát triển của câu chuyện.
Câu chuyện có thể có nhiều tình tiết, nhưng tất cả phải khớp nối một cách trọn vẹn với nhau. Khán giả sẽ không chú ý tới một số kẽ hở trong nội dung, nhưng nếu để lộ sơ hở ngay từ phần mở đầu thì trong tâm trí đối phương sẽ xuất hiện rào cản, khiến người ta không muốn nghe tiếp. Hay nếu ngay từ phần mở đầu đã kể cho khán giả một kết thúc có hậu thì sẽ rất ít người muốn tiếp tục theo dõi nội dung phía sau. Nhấn mạnh tới cảm xúc sẽ giúp câu chuyện trở nên thu hút hơn.
3
MỘT CÂU CHUYỆN TỐT CẦN PHẢI CÓ MỘT NỀN MÓNG TỐT
"Một câu chuyện tốt cần một nền tảng tốt, giống như một ngôi nhà vững chắc cần một nền móng tốt"
Đề tài bắt kịp thời đại
Một chủ đề mới lạ có thể làm giảm bớt cảm giác mệt mỏi, nhàm chán của độc giả một cách hiệu quả. Trên thực tế, không phải là đề tài bắt kịp thời đại, mà chính sự phát triển của đề tài mới mang tính thời đại. Trong thế giới của Internet, những câu chuyện đời thường đã có sẵn sức hấp dẫn, bởi nó gần gũi với cuộc sống của cư dân mạng.
Có một câu nói trong ngành truyền thông là: “Một người bình thường + cuộc sống bình thường = 0; một người bình thường + một người vợ bình thường = 0; một người bình thường + một chiếc xe hơi + một khẩu súng + một vại rượu = tin tức; nhân viên giao dịch ngân hàng + vợ + bảy đứa con = 0; nhân viên giao dịch ngân hàng + 100 nghìn đô-la + nữ minh tinh = tin nóng hàng đầu.” Câu nói này có nghĩa là những sự vật bình thường thì không hấp dẫn, nhưng thông qua các cách kết hợp khác nhau, ngay cả một thứ không có gì đặc biệt cũng có thể trở nên thu hút. Những sự vật trông thì có vẻ là những thứ bình thường, không thú vị và cũng chẳng có gì liên quan đến nhau, nhưng chính sự không liên quan này lại tạo ra dấu ấn khác biệt.
Một cái tên thu hút
Mặc dù hoạt động kể chuyện không có yêu cầu nghiêm ngặt về việc đặt tên, nhưng nó lại rất quan trọng khi chúng ta viết một câu chuyện. Nếu như phần mở đầu của câu chuyện quyết định độc giả có tiếp tục đọc nó hay không, thì tên của câu chuyện sẽ quyết định độc giả có bắt đầu đọc nó hay không.
Tuy một cái tên chỉ gồm vài chữ nhưng nó có vai trò “thống lĩnh toàn văn”. Một cái tên tốt có thể bổ sung nhiều điểm đặc sắc cho câu chuyện, khơi dậy hứng thú của người đọc, gợi cho họ liên tưởng và từ đó có hứng thú với câu chuyện.
Một cái tên tốt thường ngắn gọn, bao gồm động từ, hiếm khi sử dụng tính từ và hư từ. Ngoài ra, không nên dùng câu phức để đặt tên, nhưng vẫn phải thể hiện được chủ đề để người đọc có thể biết sơ qua nội dung câu chuyện.
Sanlian Life Week, tiền thân là tạp chí Life Week, có đa dạng các chuyên mục, đề cập đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Không chỉ có nội dung xuất sắc, tiêu đề của các bài viết trong tạp chí này cũng rất cuốn hút. Sanlian Life Week số 920 có tiêu đề trang bìa là “Tại sao chúng ta yêu thích triều đại nhà Tống”. Đây là một tiêu đề đơn giản và rõ ràng, nó trực tiếp chỉ ra rằng nội dung của số này sẽ liên quan đến các triều đại phong kiến, đồng thời cũng thể hiện chủ đề mà tác giả muốn đề cập – niềm yêu thích.
Trong thời đại Internet, các tác giả thường đăng tải câu chuyện mà mình sáng tác lên mạng, và tên của câu chuyện cũng phải phù hợp với đặc điểm của thế giới ảo. Điều mà một tiêu đề cần chú trọng chính là nghệ thuật nắm bắt tâm lý trong quá trình giao tiếp trên mạng, chứ không phải nghệ thuật phi ngôn ngữ. Thu hút sự chú ý là mục đích lớn nhất, ngôn từ mới lạ là chìa khóa của tiêu đề, và ngắn gọn là tiền đề thiết yếu.
Xây dựng các tình huống then chốt
Nếu bạn đã tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn ở phần mở đầu câu chuyện, cài cắm những chi tiết gây tò mò và hấp dẫn mà vẫn không thể khơi dậy hứng thú của người đọc, vậy thì hãy xem lại cách sắp xếp các tình tiết của câu chuyện. Muốn có một cốt truyện hợp lý, thú vị thì phải sắp xếp tình tiết theo tuần tự thông suốt để người đọc có thể nhanh chóng nhập tâm vào câu chuyện và cảm nhận được vấn đề nan giải mà nhân vật đang gặp phải. Để giúp cho hành vi của nhân vật chính thêm phần thuyết phục, bạn có thể sắp xếp một tình huống khó khăn cho anh ta. Làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh nguy nan sẽ trở thành vấn đề chung của nhân vật chính và người đọc. Hãy thúc đẩy hành động tiếp theo của nhân vật chính thông qua việc tạo ra các vấn đề khó khăn và tình huống tiến thoái lưỡng nan, đồng thời sử dụng điều này làm mục tiêu cuối cùng của câu chuyện để củng cố các tình tiết dẫn dắt.
Bên cạnh đó, trong bất kỳ câu chuyện nào, xung đột luôn là yếu tố rất cần thiết, và sự hồi hộp có thể giúp câu chuyện tăng thêm sức hút. Xung đột là tiền đề cần có để phát triển câu chuyện, xung đột càng lớn thì câu chuyện càng hấp dẫn. Ngoài ra, tạo dựng cảm giác hồi hộp không chỉ áp dụng cho các câu chuyện kịch tính, mà bất cứ thể loại truyện nào cũng có thể sử dụng và sẽ mang lại hiệu quả.
4
TÍNH LIÊN KẾT CỦA CÂU CHUYỆN
"Muốn thu hút người đọc, một câu chuyện nhất định phải có tính liên kết về nội dung"
Có phần chuyển tiếp
Khi kể chuyện hay viết truyện đều cần có sự chuyển tiếp nhịp nhàng từ tình tiết này sang tình tiết khác. Trong một đoạn văn, câu đầu tiên thường đóng vai trò dẫn dắt và xác định bối cảnh của nội dung phía sau. Câu này không nên quá ngắn gọn, cũng không nên giải thích quá nhiều, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn và làm mất đi tính liên kết của câu chuyện.
Rất nhiều người nghĩ rằng phải có một đoạn chuyển tiếp giữa hai phần nội dung, nhưng thực tế chúng có thể được nối liền mạch mà không cần giải thích gì thêm. Một câu chuyện hay sẽ có phần chuyển tiếp khéo léo, hoặc thậm chí không cần đến đoạn chuyển tiếp này. Kể một câu chuyện theo dàn ý có sẵn thì không cần phải chú ý đến việc chuyển tiếp, cứ tiến hành sao cho tự nhiên nhất, trừ khi dàn ý quá lộn xộn, cẩu thả hoặc mạch truyện chưa khoa học.
Có một số câu chuyện sẽ cần những đoạn chuyển tiếp để thúc đẩy tình tiết phát triển. Trong những phần này, người kể nên miêu tả chi tiết về nhân vật hoặc sự việc, từ đó gây tò mò cho người nghe. Hãy ưu tiên sự cụ thể thay cho trừu tượng, chi tiết thay cho tổng thể.
Một người nổi tiếng đã kể câu chuyện sau trong bài phát biểu của mình:
Một nam thanh niên muốn tự tử vì trục trặc trong quan hệ tình cảm nên leo lên sân thương một tòa nhà cao tầng. Ngay sau đó rất nhiều người tập trung ở phía dưới, và cảnh sát cũng đã đến hiện trường. Khi cảnh sát lên tới sân thượng, người thanh niên đã đe dọa rằng: “Các anh mà tiến thêm một bước, tôi sẽ nhảy xuống!” Hai bên rơi vào thế bế tắc, những người ở dưới bắt đầu mất kiên nhẫn và hét lên: “Này, nếu anh muốn nhảy thì nhảy nhanh lên, tôi còn phải đi làm việc khác nữa!”
Đám đông quả thực tàn nhẫn và vô tình, và hẳn là họ chưa từng xem bộ phim Titanic.
Titanic kể về một con tàu cùng tên của Anh đã va chạm với một núi băng khi vượt Đại Tây Dương vào năm 1912.
Khi tàu sắp chìm, một cặp vợ chồng đưa con lên chiếc xuồng cứu sinh đã quá tải, còn hai người họ thì ở lại trên tàu. Người mẹ đau đáu nhìn con và bắt đầu khóc. Lúc này, một người phụ nữ trên thuyền cứu hộ bước xuống nhường chỗ cho bà, chỉ để lại một câu: “Đứa trẻ không thể sống thiếu mẹ!” Vài chục phút sau, Titanic chìm và 1.503 hành khách trên tàu thiệt mạng, trong đó có cả người phụ nữ đã nhường chỗ cho bà mẹ ngồi xuồng cứu sinh.
Sau đó, người nổi tiếng kia bày tỏ quan điểm của mình, ca ngợi người phụ nữ dũng cảm và vị tha trong bộ phim Titanic, đồng thời vạch trần sự ích kỷ và nhẫn tâm của người qua đường trong câu chuyện chàng thanh niên tự tử.
Người nổi tiếng kia đã sử dụng câu “Đám đông quả thực tàn nhẫn và vô tình, hẳn là họ chưa từng xem bộ phim Titanic” để liên kết hai câu chuyện hoàn toàn không liên quan đến nhau, hình thành sự tương phản rõ rệt giữa các nhân vật, từ đó truyền tải điều anh muốn nói.
Ở giai đoạn chuyển tiếp, nhất định phải tránh dài dòng, nhàm chán, chỉ cần một câu ngắn gọn hoặc một tình tiết nào đó để nối hai phần nội dung.
Giới thiệu, giải thích càng ít càng tốt
Khi kể câu chuyện, chúng ta sẽ có lúc sử dụng đến các từ chuyên ngành, và khi người nghe không hiểu, chúng ta bắt buộc phải giải thích cho họ. Nhưng hãy lưu ý rằng, phần giải thích này sẽ làm gián đoạn mạch truyện. Vì vậy, chúng ta cần cố gắng tránh sử dụng những từ ít thông dụng hoặc từ chuyên ngành trong câu chuyện.
Đối với tên nhân vật và chức danh, cũng nên càng ít càng tốt, càng đơn giản càng hay. Những cái tên và tiêu đề quá dài sẽ không đóng vai trò gì trong câu chuyện và có xu hướng khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi.
Tên của các tổ chức và đoàn thể cũng là một trong những yếu tố cần phải đơn giản hóa. Tuy nhiên, đối với một số tổ chức có tên đặc biệt hoặc dễ bị hiểu lầm, chúng ta cần cân nhắc đến tác động của việc này. Nếu có yếu tố tiêu cực thì tốt nhất là nên giữ nguyên. Hoặc đối với một số cái tên không thể đơn giản hóa, chúng ta có thể lược bỏ nếu như chúng không ảnh hưởng đến tình tiết của câu chuyện.
Trong quá trình kể chuyện, nhiều người thường mắc một sai lầm là sa đà vào giới thiệu mà quên mô tả tình tiết vì lo rằng khán giả sẽ không hiểu câu chuyện của mình. Phần giải thích này không những không giúp khán giả hiểu thêm về nội dung mà còn phá hỏng mạch truyện và làm gián đoạn nhịp kể chuyện, khiến khán giả mất đi hứng thú với câu chuyện.
Muốn kể chuyện hay, chúng ta cần chú ý đến tính liên kết của câu chuyện, khi giới thiệu tình huống thì nên truyền đạt nội dung câu chuyện. Phần giới thiệu hay giải thích không phải là không được cho vào, mà là phải sử dụng ở những chỗ thích hợp, để khán giả có thể nhập tâm vào tình tiết câu chuyện, thay vì mất thời gian cho những chi tiết chẳng có mấy giá trị.
5
CÂU CHUYỆN CẦN CHÂN THỰC HAY KỊCH TÍNH?
"Cả hai yếu tố chân thực và kịch tính đều bổ sung cho giá trị của câu chuyện, đều cần thiết có mặt để tăng sức hấp dẫn của câu chuyện đối với khán giả"
Tác động của yếu tố chân thực và kịch tính đến câu chuyện
Câu chuyện bắt nguồn từ cuộc sống mà mọi người vốn đã quen thuộc, nhưng chúng ta vẫn có thể kể lại theo cách hấp dẫn hơn. Vậy thì khi kể chuyện, chúng ta nên lựa chọn bao nhiêu phần chân thực và bao nhiêu phần kịch tính?
Nhiều người tin rằng một câu chuyện hoặc là phải tôn trọng sự thật, hoặc là phải tăng cường sáng tạo, và rằng tính chân thực và kịch tính không thể đồng thời tồn tại. Thực chất không phải như vậy, cả hai yếu tố này đều bổ sung cho giá trị của câu chuyện, chứ không phải là mối quan hệ cạnh tranh theo kiểu “được cái này thì mất cái kia”.
Tính xác thực của câu chuyện
Tính xác thực của câu chuyện là sự chân thực về tính cách, phản ứng và cách xử lý tình huống của các nhân vật. Những câu chuyện lấy chất liệu từ cuộc sống sẽ có độ chân thực cao hơn.
Một câu chuyện sẽ không thể tách rời tính chân thực, chỉ có những tình huống thực tế mới có thể thu hút và khiến khán giả nảy sinh đồng cảm. Hiện nay có rất nhiều câu chuyện viết về Võ Tắc Thiên, và do những chính sách mà bà ban hành trong giai đoạn chấp chính, nên rất nhiều người khi kể chuyện về bà đều sẽ liên hệ Võ Tắc Thiên với sự sát phạt, giết chóc. Điều này là không chính xác. Võ Tắc Thiên không phải là người bẩm sinh đã độc ác, mà bản tính này hình thành sau một thời gian dài bà phải tranh đấu nơi cung đình. Rõ ràng sẽ là sai lầm nếu sử dụng những câu chuyện giết chóc, sát phạt khi kể về thời thơ ấu của bà.
Đối với những câu chuyện về thời thơ ấu của Võ Tắc Thiên, chúng ta nên dùng góc nhìn của một cô gái trẻ tuổi và tưởng tượng ra tình huống lúc đó, như vậy câu chuyện mới đáng tin cậy.
Yếu tố kịch tính của câu chuyện
Ngoài tính chân thực, câu chuyện còn phải có những tình tiết gay cấn, hồi hộp. Yếu tố kịch tính trong câu chuyện không hề xung đột với tính chân thực, mà nó sẽ được xây dựng trên cơ sở tính chân thực.
Sự kịch tính của câu chuyện thường được thể hiện thông qua những tình huống bất ngờ và ngẫu nhiên, chẳng hạn như một công tử rơi xuống vách núi tình cờ nhặt được bí kíp võ công; đôi tình nhân xa cách nhiều năm bất ngờ gặp lại nhau ở một nơi nào đó; một người tàn tật, ốm đau lâu ngày đột ngột bước xuống giường và đi lại sau khi nhận được tin vui... Nhờ vậy, câu chuyện sẽ càng trở nên hấp dẫn.
Ngoài ra, tính cách, hành vi và tâm lý của nhân vật chính cũng có thể được xây dựng để thể hiện yếu tố kịch tính, nhưng sự thật vẫn phải là tiền đề. Bởi vì cách sáng tạo của mỗi người kể chuyện là khác nhau, nên yếu tố kịch tính trong các câu chuyện sẽ khác biệt và đa dạng.
Một giáo sư tâm lý đến tham quan một bệnh viện tâm thần để tìm hiểu về điều kiện sống của các bệnh nhân. Sau một ngày ở đó, ông đã mở mang tầm mắt và thu được nhiều điều bổ ích. Kết thúc chuyến tham quan, khi chuẩn bị trở về, giáo sư phát hiện lốp xe của mình đã bị ai đó tháo mất. Ông tức giận nói: “Chắc bệnh nhân nào đó đã làm việc này.” Vị giáo sư đang định lắp lốp dự phòng thì phát hiện ra ốc vít trên xe cũng đã bị vặn mất.
Khi ấy, một bệnh nhân bất ngờ xuất hiện, miệng còn ngân nga một bài hát, thấy giáo sư mồ hôi nhễ nhại liền chạy đến hỏi. Vị giáo sư không tin rằng anh ta có thể giúp được mình, nhưng vì phép lịch sự nên ông đã kể cho anh ta nghe toàn bộ câu chuyện. Bệnh nhân này cười và nói với giáo sư rằng anh ta có một cách. Anh ta lấy từ mỗi chiếc lốp xe một con ốc vít, sau đó lắp ba con ốc đó vào chiếc lốp dự phòng kia. Vị giáo sư vô cùng sửng sốt, một bệnh nhân tâm thần lại có thể có một sáng kiến hay như vậy, bèn hỏi: “Sao anh lại nghĩ ra cách này?”
Anh ta khúc khích cười, đáp rằng: “Tôi bị điên chứ có bị ngốc đâu.”
Đây là câu chuyện giữa một giáo sư tâm lý và một bệnh nhân tâm thần, cho thấy mối quan hệ giữa tư duy bình thường và tư duy nhảy vọt. Bối cảnh trong câu chuyện có thể là thật nhưng nội dung lại đầy kịch tính. Suy nghĩ của vị giáo sư vô cùng máy móc, trong khi suy nghĩ của bệnh nhân lại đầy sáng tạo. Câu chuyện này không chỉ minh họa cho sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai người mà còn thể hiện sự đối lập giữa tính chân thực và sự kịch tính trong một câu chuyện. Những câu chuyện kịch tính thường xảy ra trong cuộc sống hiện thực, và những lựa chọn thực tế luôn ở khắp mọi nơi, nhưng kết quả lại thường đầy bất ngờ.
Một câu chuyện phải có cả tính chân thực và kịch tính. Tính chân thực tác động đến tinh thần và khiến khán giả nảy sinh sự đồng cảm; yếu tố kịch tính làm tăng sự gay cấn, hồi hộp cho câu chuyện để thu hút người nghe. Hai yếu tố này không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau và cùng thể hiện tính nghệ thuật của câu chuyện.
6
ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐẶC TẢ KHI KỂ CHUYỆN
Đặc tả phải dựa trên tiền đề là sự thật, nhưng khi ứng dụng trong việc diễn dịch câu chuyện thì có thể gia tăng mức độ hư cấu
Đặc tả là việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để diễn tả bối cảnh và bầu không khí, làm tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đặc tả phải dựa trên tiền đề là sự thật, nhưng khi ứng dụng trong việc diễn dịch câu chuyện thì có thể gia tăng mức độ hư cấu. Đặc tả trong các tác phẩm văn học cũng phải dựa trên sự thật, giúp khán giả có thể mường tượng lại cuộc sống hiện thực. Đặc tả chủ yếu được sử dụng trong các bản tin. Chúng bao gồm đặc tả mang tính thời sự, đặc tả mang tính thu hút và đặc tả mang tính thực tế, ngoài ra còn có đặc tả nhân vật và đặc tả sự kiện. Rất nhiều tính năng của phương pháp này có thể bổ sung cho tin tức các đặc tính “gây sốc”, sự sinh động và cuốn hút. Việc đặc tả khi kể chuyện cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự.
Đặc tả mang tính thời sự
Đặc tả mang tính thời sự đề cập đến các sự kiện xã hội mới xảy ra, đặc biệt là các sự kiện được dư luận quan tâm. Kiểu đặc tả này thường nhận được rất nhiều sự chú ý, hầu hết mọi người đều đã nghe nói về những sự kiện mà nó đề cập đến. Đặc tả mang tính thời sự không đơn thuần kể lại các sự kiện, mà còn tăng thêm tính hấp dẫn cho chúng, biến những điều đơn giản, quen thuộc trở nên khác biệt. Ngoài ra có thể thêm thắt hoặc nhấn mạnh một số yếu tố giật gân để câu chuyện thêm phần thu hút.
Ghi chú và mô tả là hai cách thức phổ biến nhất khi áp dụng phương pháp đặc tả mang tính thời sự trong câu chuyện. Mục đích là giúp khán giả hiểu rõ chi tiết của câu chuyện và đồng cảm với với những sự kiện được nhắc đến, từ đó nâng cao hiệu quả truyền tải mà người kể chuyện mong muốn.
Đặc tả mang tính thu hút
Tính thu hút của phương pháp đặc tả giúp thỏa mãn cảm xúc của khán giả đối với những sự kiện hấp dẫn và mới mẻ.
Cho dù đó là một sự kiện có thật mới xảy ra gần đây hay một thời gian dài trước đó, chúng ta đều có thể tiến hành chuyển thể nó thành câu chuyện bằng cách áp dụng phương pháp kể chuyện và biểu đạt mang tính đặc tả. Sự đặc tả này khác với việc tạo ra những câu chuyện ly kỳ, nó dựa trên tính xác thực, đồng thời cũng lồng ghép các chi tiết thu hút để không khiến người nghe cảm thấy nhàm chán.
Một điểm nữa là câu chuyện đặc tả mang tính thu hút sẽ có tác động lâu dài, không giống với câu chuyện đặc tả mang tính thời sự – sẽ mất đi tính hấp dẫn sau một thời gian. Phương pháp đặc tả mang tính thu hút thường sẽ kể câu chuyện theo trình tự thời gian và thứ tự đảo ngược. Phần mở đầu sẽ đề cập đến một sự kiện kỳ lạ hoặc hài hước, phần cuối có thể kết thúc bằng một quan điểm thú vị hoặc không có phần kết, để câu chuyện chấm dứt đột ngột, người nghe sẽ có không gian để suy nghĩ.
Đặc tả mang tính thực tế
Đặc tả mang tính thực tế của câu chuyện, đúng như cái tên của nó, là việc mô tả một cách chân thực các sự vật, sự việc. Đặc tính câu chuyện của nó không mạnh, chủ yếu là để giới thiệu thông tin đến khán giả, phát huy tác dụng cung cấp sự thật.
Đặc tả nhân vật
Đặc tả nhân vật chủ yếu tập trung kể lại câu chuyện của nhân vật, toàn bộ nội dung đều nhằm khắc họa nhân vật.
Phương pháp này thường xuất hiện trong những câu chuyện liên quan đến trải nghiệm của nhân vật. Trước tiên, nó phải nêu bật được các đặc trưng trong lời nói, hành động, trạng thái của nhân vật, đồng thời giúp câu chuyện truyền cảm hứng tới khán giả. Thứ hai, việc đặc tả nhân vật phải chân thực, mang lại cảm giác gợi mở, không sa đà vào hư cấu, phóng đại. Cuối cùng, cần sử dụng câu từ phù hợp để cá nhân hóa nhân vật, làm nổi bật tính cách và hình tượng của họ.
Đặc tả nhân vật không chỉ đơn giản là miêu tả một người, mà cần phải lồng ghép câu chuyện vào đó.
Đặc tả sự kiện
Phương pháp đặc tả sự kiện chủ yếu tường thuật về các sự việc, trong đó các sự kiện giàu tính nhân văn sẽ được diễn giải thông qua hình thức câu chuyện để thu hút sự chú ý của khán giả và kích thích sự quan tâm liên tục. Những câu chuyện này thường có chủ đề và văn phong đa dạng.
Cũng giống như đặc tả nhân vật, đặc tả sự kiện cần nhấn mạnh vào điểm đặc sắc của sự việc, càng nổi bật thì càng giúp câu chuyện dễ lan tỏa và có sức sống lâu dài. Cần giải thích ngắn gọn nguyên nhân dẫn đến tình huống, tường thuật chi tiết quá trình diễn ra sự kiện, còn kết quả có thể chỉ cần đề cập sơ qua. Kiểu đặc tả này giống như dàn ý của một sự kiện, người kể chuyện sẽ dựa vào đây để tường thuật lại toàn bộ câu chuyện. Vì quá trình diễn ra sự kiện là phần nội dung quan trọng nhất nên cần được mô tả cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, tập trung vào sự kiện không có nghĩa là chỉ mô tả về sự kiện. Việc mô tả nhân vật và mô tả bối cảnh cũng có thể giúp xây dựng câu chuyện. Nhưng cần lưu ý rằng nhân vật phải giúp làm rõ sự kiện, vì vậy chúng ta cần lựa chọn nhân vật phù hợp để xuất hiện trong từng bối cảnh. Ngoài ra, ngôn từ sử dụng trong câu chuyện cũng cần cô đọng, súc tích, không nên kể lể dài dòng.
7
BÍ QUYẾT RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIỮA NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ KHÁN GIẢ
"Một khoảng cách thích hợp sẽ giúp bạn diễn giải câu chuyện tốt hơn, trong khi điều ngược lại sẽ tác động xấu đến tâm lý của khán giả, khiến họ không tập trung vào câu chuyện"
Kiểm soát khoảng cách vật lý
Khi kể chuyện, ngoài việc chú ý đến bản thân câu chuyện, bạn còn phải lưu tâm đến khoảng cách giữa người kể và khán giả. Một khoảng cách thích hợp có thể giúp bạn diễn giải câu chuyện tốt hơn, trong khi điều ngược lại sẽ tác động xấu đến tâm lý của khán giả, khiến đối phương không tập trung vào câu chuyện của bạn.
Tùy thuộc vào mối quan hệ giữa người kể chuyện và khán giả, chúng ta sẽ giữ khoảng cách phù hợp.
1. Khoảng cách thân mật: Tức là duy trì một khoảng cách ngắn, thường là 15-44 cen-ti-mét, thậm chí khi kể chuyện đôi bên có thể khoác vai, nắm tay, như vậy người kể có thể diễn giải câu chuyện thông qua tiếp xúc gần.
2. Khoảng cách cá nhân: Khoảng cách thông thường giữa bạn bè là 76-122 cen-ti-mét, đây là khoảng cách mang tính lễ nghi, những người chưa quen thân lắm thường duy trì khoảng cách này, còn khoảng cách giữa bằng hữu là 76 cen-ti-mét. Những người quen biết thường duy trì không gian trò chuyện trong khoảng 46-76 cen-ti-mét. Nếu một người lạ xuất hiện trong khoảng cách này sẽ khiến những người đang tham gia đối thoại có cảm giác bất an. Trong trường hợp này, khi kể chuyện, bạn phải chú ý đến nội dung câu chuyện cũng như ngôn từ diễn đạt sao cho phù hợp với các đối tượng. Thông thường, một câu chuyện làm dịu bầu không khí có thể giúp bạn xây dựng hình tượng tốt.
3. Khoảng cách xã giao: Thông thường, khoảng cách an toàn trong công việc và các dịp xã giao là 1,2-2,1 mét, còn các dịp trang trọng hơn sẽ duy trì khoảng cách xa hơn là 2,1-3,7 mét.
Trong phòng làm việc của lãnh đạo sẽ có một chiếc bàn làm việc lớn, thường rộng hơn 1,2 mét để giữ khoảng cách giữa lãnh đạo và khách hàng hay đối tác, không gây áp lực tâm lý cho đôi bên và duy trì phạm vi trò chuyện xã giao, trang trọng.
4. Khoảng cách công chúng: Đây là khoảng cách giữa người nói khi phát biểu, diễn giảng… với khán giả bên dưới, thường duy trì trên 3,7 mét. Lúc này, người nói cần chú ý xem tình tiết của câu chuyện có thu hút khán giả và động tác cơ thể của mình có góp phần truyền đạt nội dung cần thiết hay không. Bất kỳ hành động nhỏ nào cũng có thể được khán giả hiểu theo những hướng khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kể chuyện của bạn.
Thu hẹp khoảng cách tâm lý
Khoảng cách tâm lý giữa người kể và khán giả nên càng ngắn càng tốt, hãy để họ bước vào câu chuyện của bạn mà không bị ngăn trở bởi bất cứ rào cản nào. Để câu chuyện hấp dẫn người nghe đòi hỏi người kể phải vận dụng rất nhiều kỹ thuật, trong đó có hai cách sau vừa đơn giản vừa hiệu quả.
1. Sử dụng tốt biểu cảm khuôn mặt
Vị trí vật lý không đại diện cho khoảng cách về mặt tâm lý. Nhìn bề ngoài, khoảng cách vật lý chỉ là vài mét, nhưng khoảng cách tâm lý có thể vượt xa hơn rất nhiều. Trong các cuộc xã giao, chúng ta thường sử dụng các câu chuyện làm phương tiện để bày tỏ ý kiến và cảm xúc. Trong các trường hợp khác, bạn có thể dễ dàng truyền đạt ý kiến, nhưng không dễ thể hiện cảm xúc.
Biểu cảm khuôn mặt tốt có thể đóng vai trò ám thị về mặt tâm lý, khiến mọi người cảm thấy thoải mái và hiểu thấu quan điểm của bạn. Nếu bạn không giỏi vận động cơ mặt, không thay đổi nét mặt trong quá trình kể chuyện thì dễ gây ấn tượng cứng nhắc và thiếu nghiêm túc cho mọi người. Ngay cả khi câu chuyện bạn kể rất tuyệt vời và thú vị, nó sẽ không thể khơi dậy sự quan tâm của người nghe.
2. Sử dụng lợi thế tinh thần
Trong quá trình kể chuyện, chúng ta cũng đang thay đổi khoảng cách tâm lý giữa mình và người nghe. Khoảng cách tâm lý có thể tạo ra lợi thế tinh thần. Khi hai bên đều thoải mái giao lưu thì áp lực tâm lý và giao tiếp sẽ giảm xuống tối thiểu, còn khi một bên cảm thấy căng thẳng, khoảng cách giữa hai bên càng lớn thì áp lực tâm lý cũng càng lớn.
Khi kể chuyện, người kể có thể dùng lợi thế tinh thần để thay đổi khoảng cách về tâm lý giữa mình và khán giả. Nếu chỉ có bản thân người kể chuyện thấy tự tin, muốn thể hiện mình thì sẽ càng nới rộng khoảng cách với khán giả, điều này sẽ tạo áp lực tâm lý cho khán giả, và kết quả là khiến họ cảm thấy thất vọng, sau một thời gian, sự chú ý của người nghe cũng dần bị phân tán. Nếu bạn giảm bớt lợi thế tinh thần một cách hợp lý, đặt bản thân ở vị thế ngang hàng với khán giả thì bạn sẽ có thể rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa đôi bên, như vậy hiệu quả kể chuyện sẽ tăng lên rất nhiều.
Phương pháp “Thuận thế mà làm”
Trong quá trình kể chuyện, chúng ta cần thuận thế mà làm, chủ động dẫn dắt phản ứng của khán giả, giúp họ nhập tâm vào câu chuyện và tạo ra sự cộng hưởng về mặt cảm xúc. Thuận theo người nghe mới có thể giúp chúng ta phát huy tối đa tác dụng của câu chuyện. “Thuận thế mà làm” không phải là coi khán giả là trung tâm và làm theo ý của họ, mà là tận dụng tâm lý và hành động của khán giả để hướng họ trở lại câu chuyện của bạn. Mặc dù kể chuyện là một quá trình thể hiện bản thân, nhưng bạn phải luôn quan sát phản ứng của người nghe, đưa ra phán đoán và dẫn dắt tình họ dựa trên những phản ứng đó.
Năm 1956, cựu Tổng thống Indonesia là Sukarno đến Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc để phát biểu. Ông đã gây chấn động ngay khi vừa bước vào cổng trường. Khi Sukarno bước lên sân khấu, ông không phát biểu ngay lập tức mà nói với các sinh viên: “Mời các bạn tiến lên vài bước, tôi muốn đến gần các bạn hơn.” Các sinh viên đang có mặt liền tiến lên trước vài bước. Sau đó Sukarno nói: “Tôi mong tất cả các bạn hãy nở một nụ cười, bởi vì chúng ta đang chào đón một tương lai huy hoàng.” Các sinh viên cười phá lên và bầu không khí trở nên sôi động hơn hẳn. Sự vui vẻ được duy trì cho đến tận cuối bài phát biểu.
Hai câu nói đầu tiên của Sukarno chính là điển hình của việc “thuận thế mà làm”. Ông đã tài tình điều chỉnh cảm xúc của khán giả, xóa bỏ cảm giác lạ lẫm và để họ hào hứng chào đón bài phát biểu của mình. Đồng thời, ông cũng thành công thiết lập hình ảnh dí dỏm của riêng mình và hóa giải bầu không khí khó xử.
CÂU CHUYỆN
Trận chiến giữa Gree Electric và Gome Electric
Cuộc đối đầu năm xưa giữa Gree Electric – công ty sản xuất thiết bị điều hòa có danh tiếng ở Trung Quốc và Gome Electric – một trong những nhà bán lẻ thiết bị điện tư nhân lớn nhất Đại Lục, có thể coi là một cuộc chiến hết sức kịch tính. Màn cạnh tranh giữa hai doanh nghiệp dần phát triển thành một cuộc đại chiến, có sự tham gia của rất nhiều công ty, đồng thời cũng tô đậm thêm những mảng màu trong lịch sử ngành đồ điện gia dụng của Trung Quốc.
Là cửa hàng bán lẻ thiết bị gia dụng đầu tiên của đất nước tỉ dân, Gome luôn có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Gree. Tuy nhiên, một sự việc xảy ra vào tháng 2 năm 2004 đã phá vỡ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Đối với các công ty sản xuất máy điều hòa không khí, thời gian sắp tới chính là mùa tiêu thụ cao điểm hàng năm, là giai đoạn quan trọng cho việc triển khai chiến lược quảng bá sản phẩm. Lúc này, Gree cũng đang ráo riết xây dựng kế hoạch bán hàng, chương trình khuyến mãi thì bất ngờ nhận được tin Gome đã âm thầm giảm giá điều hòa của mình.
Gree ngay lập tức liên hệ với phía Gome để xác nhận thông tin. Khi ấy, Gome đã không thể hiện một thái độ rõ ràng. Gree ngay lập tức tổ chức một cuộc họp để thảo luận phương án đối phó, họ quyết không thỏa hiệp. Đây là một quyết định cần rất nhiều can đảm, vì lúc bấy giờ Gome là một kênh tiêu thụ máy lạnh rất quan trọng, đồng thời họ cũng là một nhà bán lẻ lớn mà các nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng không dám “đắc tội”.
Nhưng tình hình lại rất khác với Gree, lúc đó họ đang xây dựng các kênh phân phối của riêng mình, tuy không mạnh như Gome nhưng vẫn có thể “quyết chiến một phen”. Sau khi hiểu rõ tình hình, Đổng Minh Châu – chủ tịch của Gree, đã ra lệnh ngừng cung cấp sản phẩm cho Gome, sau đó tính toán bước đi tiếp theo phù hợp với tình huống hiện tại. Gome bất ngờ với phản ứng của Gree, họ cũng lập tức ngừng nhận hàng từ công ty này, cuộc đại chiến giữa hai bên chuẩn bị bùng nổ. Ngày 9 tháng 3 năm 2004, Gome đã đưa ra văn bản thông báo ngừng bán máy điều hòa Gree trên phạm vi toàn quốc, đồng thời cho đóng cửa khu trưng bày sản phẩm của Gree, đại hạ giá tất cả số lượng máy điều hòa Gree còn lại.
Các nhà sản xuất lớn lần lượt chọn phe để tham chiến, giới truyền thông gọi cuộc đối đầu giữa hai bên là màn tranh chấp giữa các “hào môn”. Hai bên đối đầu quyết liệt và không bên nào chịu nhượng bộ, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Trên thực tế, hai công ty này đang cạnh tranh nhau để kiểm soát giá điều hòa.
Đổng Minh Châu đã có một cách tiếp cận khác biệt, đó là thu hút người tiêu dùng tìm đến “doanh trại” của mình, trong khi Gome thì nỗ lực lôi kéo nhiều nhà sản xuất để “thảo phạt” Gree. “Doanh trại” của cả hai bên đều đã dựng xong, nhưng tương lai thì không hề sáng sủa, dù vậy Gree vẫn dần chiếm thế thượng phong. Suy cho cùng, người tiêu dùng vẫn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Chỉ cần chất lượng điều hòa của Gree tốt thì dù không mua tại cửa hàng của Gome, người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua ở cửa hàng của các nhà bán lẻ khác.
Cuộc tỉ thí giữa Gree và Gome diễn ra trong một thời gian rất dài, và cho đến tận bây giờ nó vẫn thường được nhiều người nhắc đến. Đổng Minh Châu từng nói rằng, nếu năm xưa hai doanh nghiệp duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp thì hướng đi trong tương lai của thị trường thiết bị điện gia dụng sẽ rất khó đoán định và có thể rực rỡ hơn nhiều so với hiện nay.
Câu chuyện này kể lại toàn bộ quá trình diễn ra cuộc đối đầu giữa hai ông lớn trong ngành thiết bị điện gia dụng là Gree Electric và Gome Electric. Phần mở đầu, tác giả giải thích bối cảnh của tình huống, thu hút sự chú ý của khán giả, khiến họ tò mò về diễn biến tiếp theo, đồng thời xác lập bộ khung tổng thể của câu chuyện. Trong suốt quá trình tường thuật, tác giả không hề đi chệch chủ đề.
Câu chuyện đi theo trình tự thời gian, các tình tiết có sự liên kết một cách hoàn chỉnh, mô tả cụ thể thái độ và hành động của hai doanh nghiệp. Điều này tạo ra xung đột kịch tính trên cơ sở chân thực, giúp khán giả hiểu được quá trình phát triển của sự việc mà không cảm thấy khô khan, nhàm chán.