Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp và nhu cầu của khán giả, chúng ta nên thay đổi và điều chỉnh câu chuyện của mình để nó phù hợp với từng đối tượng người nghe, từ đó tạo ra hiệu ứng kể chuyện tốt hơn
1
KỂ CHUYỆN THEO CÁCH CỦA BẠN
"Hãy kể câu chuyện bằng giọng điệu của riêng mình, với cách diễn đạt sáng tạo hơn để “cây cũ nở hoa mới”, giúp người nghe không cảm thấy nhàm chán"
Có rất nhiều câu chuyện kinh điển, nhưng không có nhiều câu chuyện thường xuyên được nhắc tới. Khi kể chuyện, chúng ta không ít lần gặp phải tình huống “Câu chuyện này đã được kể đến phát chán rồi”, nhưng lại không tìm ra nội dung nào phù hợp hơn để thay thế. Lúc này, bạn hãy kể câu chuyện ấy bằng giọng điệu của riêng mình, với cách diễn đạt sáng tạo hơn để “cây cũ nở hoa mới”, giúp người nghe không cảm thấy nhàm chán.
Mô tả cụ thể
Bối cảnh, thời gian, mối quan hệ giữa các nhân vật và diễn biến tình tiết đều là những yếu tố cố định, nhưng chúng chỉ tạo nên cái khung của câu chuyện, còn “máu thịt” sẽ do người kể bổ sung vào. Việc kể chuyện đa phần bắt đầu từ một dàn ý sơ lược, sau đó tiến hành thêm thắt các ý tưởng để hình thành bối cảnh cơ bản, cuối cùng là bổ sung nội dung để làm phong phú câu chuyện. Đối với một bối cảnh mà nhiều người đã biết và không thể thay đổi, hãy bắt đầu từ những tình tiết nhỏ, tìm kiếm những chi tiết phù hợp với chủ đề câu chuyện của bạn mà hiếm khi được người khác nhắc tới, từ đó bắt đầu sáng tạo thêm, như vậy bạn sẽ có thể tạo nên một câu chuyện khác biệt.
Đi ngược dự đoán của khán giả
Khi đọc hay nghe một câu chuyện, khán giả thường có xu hướng dự đoán tình tiết sẽ xảy ra tiếp theo. Đây là hành vi tự phát một cách vô thức, và người nghe thường mong chờ phần nội dung kế tiếp để kiểm chứng xem suy luận của mình đúng hay sai.
Nếu muốn câu chuyện của mình gây bất ngờ cho người nghe, bạn có thể đi ngược lại lô-gíc phát triển của mạch truyện, phá vỡ dự đoán của khán giả. Sự phát triển thông thường của câu chuyện là bắt đầu từ một hành động khởi phát tư duy rồi mới nảy sinh tác động, khi ngừng tác động thì coi như câu chuyện đã kết thúc.
Khi Trịnh Chấn Đạc và Cao Quân Châm kết hôn ở Thượng Hải, họ đã tổ chức một đám cưới kiểu mới.
Mãi tới trước ngày cưới, họ mới nhớ ra là phải dùng con dấu trong hôn lễ, nhưng mẹ của Trịnh Chấn Đạc lại không có con dấu. Trong lúc gấp rút, Trịnh Chấn Đạc chợt nghĩ đến Cù Thu Bạch, liền viết thư và dặn người gửi đến tận tay anh ta, nhờ anh ta làm giúp một con dấu. Cùng ngày hôm đó, Cù Thu Bạch trả lời: “Con dấu bằng đá là 2 nhân dân tệ cho mỗi ký tự, mất một tuần để làm xong. Nếu cần gấp ngay trong ngày thì tiền công phải trả gấp đôi. Riêng khoản tiền công sẽ thu thêm 2 nhân dân tệ, chưa tính số chữ. Con dấu bằng ngà voi, bằng thủy tinh hay bằng đồng thì sẽ tính sau.”
Trịnh Chấn Đạc nghĩ rằng Cù Thu Bạch không chịu giúp mình, nên đã nhờ người khác khắc hộ một con dấu phụ. Sang ngày hôm sau, khi hôn lễ diễn ra, Cù Thu Bạch gửi tới một phong bì màu đỏ có dòng chữ “Kỷ niệm ngày cưới của ông Chấn Đạc và bà Quân Châm, số tiền mừng 50 nhân dân tệ”. Trịnh Chấn Đạc mở phong bì và phát hiện bên trong không có tiền mặt hay đồng bạc nào, chỉ có đúng ba con dấu bằng đá: một con của mẹ Trịnh Chấn Đạc, một con của chú rể và một con của cô dâu. Con dấu của mẹ của Trịnh Chấn Đạc lớn hơn một chút, còn con dấu của cô dâu và chú rể có thể khớp lại làm một, trên đó có khắc chữ “Trường lạc” với ý nghĩa chúc đôi trẻ bên nhau đến bạc đầu răng long. Trịnh Chấn Đạc và Cao Quân Châm đều là người Trường Lạc, Phúc Kiến nên hai chữ này còn đại diện cho quê hương của họ.
Sau khi nhìn thấy con dấu, Trịnh Chấn Đạc hiểu ngay ý nghĩa của “50 nhân dân tệ” được viết bên ngoài chiếc phong bì. Cù Thu Bạch đã tặng quà theo một cách hài hước, tăng thêm niềm vui cho hôn lễ của Trịnh Chấn Đạc. Về sau, rất nhiều người nổi tiếng đã học theo cách chúc phúc này.
Trong câu chuyện trên, bằng việc sáng tạo một cái kết nằm ngoài dự đoán của khán giả, chúng ta có thể tạo ra sự tương phản mạnh mẽ khiến câu chuyện trở nên thú vị hơn.
Bổ sung những chi tiết mà người nghe yêu thích
Những câu chuyện phù hợp để kể hàng ngày thường có tình tiết ngắn gọn, nếu chúng ta thêm thắt một số chi tiết mà người nghe yêu thích thì có thể giúp diễn giải câu chuyện tốt hơn và tăng sức hấp dẫn cho nó.
Mọi người thường thích chứng kiến và nghe về những điều ấm áp trong cuộc sống. Những câu chuyện cá nhân cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa người kể và khán giả, tạo sự đồng điệu giữa đôi bên. Hay những bí mật về người nổi tiếng cũng có thể thỏa mãn sự tò mò của mọi người. Những câu chuyện như vậy thường thu hút rất nhiều người nghe, nhưng bạn phải có một giới hạn nhất định, và càng không nên tùy tiện bịa đặt những tình tiết không có thật.
Một lần nọ, khi Tổng thống Obama có bài phát biểu tại một sự kiện, một nữ sinh viên đứng bên cạnh đã vô tình làm đổ sữa chua lên quần áo của ông. Obama không hề tức giận, ông nói với giọng hài hước: “Ồ, nhìn kìa, bạn ngắm trúng mục tiêu rồi này! Tôi đùa thôi, không sao đâu. Ai có khăn giấy không? Đây là sữa chua của ai? Bạn làm đổ sữa chua lên người Tổng thống đấy, chắc chắn sẽ có chuyện hay để kể rồi.”
Sau đó, Obama lau sạch sữa chua trên người, nữ sinh viên đại học vẫn rất xấu hổ và tiếp tục xin lỗi: “Tôi rất xin lỗi, tôi đã vô tình làm đổ sữa chua lên người ngài. Tôi hy vọng ngài có thể chấp nhận lời xin lỗi của tôi.” Obama tiếp tục đùa: “Tôi biết bạn rất vui mừng và phấn khích khi được gặp Tổng thống, vì vậy bạn đã làm đổ sữa chua lên người tôi, hoặc bạn vốn định đổ nó lên người nhân viên Sở Mật vụ vì họ đang nhìn bạn.”
Trong ví dụ trên, Obama đã dùng sự hóm hỉnh để giải quyết một tình huống xấu hổ. Câu chuyện này thỏa mãn hai yếu tố, vừa nói về người nổi tiếng lại vừa có chi tiết hài hước – một điểm cộng cũng rất được khán giả ưa thích.
2
KỂ CHUYỆN BẰNG CẢM QUAN
"Mô tả bằng cảm quan giúp câu chuyện trở nên sống động hơn, người đọc dễ dàng hình dung ra bối cảnh và thấu hiểu cảm xúc của nhân vật"
Nguồn gốc của mô tả bằng cảm quan
Tương truyền, khi quan sát mọi người nếm rượu, người Hy Lạp nhận thấy rằng có những thay đổi tinh tế xảy ra trên ngũ quan của họ. Trước hết, mắt có thể nhìn thấy màu sắc, mũi có thể ngửi thấy mùi hương, lưỡi có thể cảm nhận hương vị, tai thậm chí có thể nghe thấy tiếng rót rượu và tiếng va chạm của ly rượu, và tay có thể cảm nhận sự dao động và dòng chảy cũng như nhiệt độ của rượu. Nhờ sự việc này, người ta phát hiện ra rằng việc miêu tả sự vật bằng cảm nhận của các giác quan có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho chúng.
Con người cảm nhận những thay đổi của thế giới bên ngoài thông qua thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác, từ đó nảy sinh trải nghiệm và suy nghĩ của riêng mình. Nếu thiếu đi những cảm quan này, con người sẽ trở nên tê liệt, không có cảm xúc.
Vì vậy, người ta thường sử dụng phương pháp mô tả cảm quan trong các câu chuyện để khán giả có thể hiểu được tình cảnh cũng như cảm xúc của nhân vật. Khi nhân vật chính đối mặt với một tình huống khó khăn, sẽ thuyết phục hơn nếu thay thế những lời nói của anh ta bằng những câu mô tả cảm quan khác nhau.
Mô tả đa giác quan
Các mô tả cảm quan xuất hiện sớm nhất trong thơ ca. Tân Khí Tật đã sử dụng tất cả các giác quan để diễn tả cảm xúc của mình trong bài thơ Tây Giang Nguyệt.
Minh nguyệt biệt chi kinh thước,
Thanh phong bán dạ minh thiền.
Đạo hoa hương lý thuyết phong niên,
Thính thủ oa thanh nhất phiến.
Thất bát cá tinh thiên ngoại,
Lưỡng tam điểm vũ sơn tiền.
Cựu thời mao điếm sạn lâm biên,
Lộ chuyển khê kiều hốt kiến.
Dịch thơ:
Cành đậu sáng trăng thước hoảng
Đêm khuya gió mát ve rên
Hương đưa bông lúa nói phong niên
Tiếng ếch kêu vang một phiến
Sao bảy, tám vì le lói
Mưa hai, ba điểm tạnh liền
Lầu tranh quen thuộc cạnh rừng bên
Xoay bước khê kiều liền hiện
(Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn - Tuyển tập từ Trung Hoa - Nhật Bản, NXB Văn hoá - Thông tin, 1996)
Trong bài thơ trên, “thước kêu”, “ve rên” và “ếch kêu” biểu thị cảm nhận bằng thính giác, “gió mát” biểu thị cảm nhận bằng xúc giác, “sáng trăng”, “đêm khuya”, “hương lúa”, “sao le lói”, “lầu tranh”, “rừng bên”, “mưa tạnh” và “khê kiều” biểu thị cảm nhận bằng thị giác, và “hương” biểu thị cảm nhận bằng khứu giác.
Kỹ thuật viết huy động nhiều giác quan này còn được gọi là mô tả đa giác quan, giúp ghi lại khách quan màu sắc, hình dạng, âm thanh và trạng thái của sự vật. Kỹ thuật này thường áp dụng cho những câu chuyện viết về động vật hoặc thực vật. Mô tả đa giác quan có thể tái hiện trong tâm trí người nghe bối cảnh của tác phẩm, giúp tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Làm thế nào để miêu tả sinh động và chân thực cảm quan của con người cũng là một niềm lạc thú trong quá trình kể chuyện.
Cảnh vật bốn mùa khác nhau, mỗi loài vật cũng có đặc điểm riêng. Muốn khắc họa sinh động những điều này thì chúng ta phải lồng vào đó những cảm nhận của riêng mình với tiền đề là sự quan sát tỉ mỉ, để thổi hồn cho cảnh vật và sự vật. Những câu chuyện mà chúng ta kể vốn dĩ đã chứa đựng cảm xúc của chính người sáng tác. Làm sao để đan xen hai cảm xúc này mà không làm rối loạn câu chuyện cũng là một kỹ năng mà chúng ta cần rèn luyện. Thông thường, trải nghiệm và hoàn cảnh của các nhân vật trong câu chuyện sẽ được người kể miêu tả bằng cảm quan, trong khi quan điểm riêng của tác giả thường thẳng thắn, cho phép người đọc phân biệt rõ ràng hai dạng cảm xúc.
Mô tả bằng cảm quan ảo
Cảm quan của người kể chuyện không phải là những gì họ nhìn thấy tận mắt, mà là những gì họ tưởng tượng và mô tả dựa trên kinh nghiệm sống, đó là sự mô tả ảo. Khi lắng nghe câu chuyện, khán giả sẽ tưởng tượng ra khung cảnh đang được nhắc đến dựa trên sự mô tả của người kể. Đầu tiên khán giả sẽ hình thành ấn tượng thị giác, sau đó sẽ tự thêm vào các nội dung cảm quan khác, đây cũng là một quá trình hư cấu, hay còn gọi là cảm quan ảo. Loại cảm quan ảo này sẽ tạo ra các cảm xúc tương ứng, hoặc vui sướng, hoặc tức giận, hoặc sợ hãi.
Trong tác phẩm Đào hoa nguyên ký của Đào Uyên Minh, có một đoạn miêu tả cảm quan về rừng hoa đào như sau: “Bỗng dưng lạc lối vào rừng hoa đào, hai bên bờ rộng vài trăm bước, ở giữa không có cây tạp, dưới đất cỏ thơm tươi tắn, trên trời hoa bay xào xạc.” Câu này miêu tả nhân vật chính đi lạc vào một rừng hoa đào rộng lớn, hai bên bờ hoa đang kỳ nở rộ, tạo nên một biển hoa sắc hồng. Xung quanh là hương hoa đào thơm ngát khiến người ta mê mẩn, khi cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa tung mình giữa không trung, cả đám cỏ xanh tươi bên dưới cũng lác đác những chấm đỏ hồng.
Khi đọc những dòng mô tả cảm quan này của tác giả, trong đầu chúng ta sẽ bất giác hình dung ra quang cảnh ở Đào hoa nguyên. Chúng ta như được thực sự nhìn thấy cảnh hoa đào bay trong gió, nghe thấy tiếng suối chảy róc rách, cảm nhận được làn gió nhẹ, ngửi thấy hương hoa thơm dịu nhẹ. Trí não ta sẽ vô thức sản sinh ra cảm giác hưởng thụ, như thể chúng ta đang đắm say trong tiên cảnh đó.
Ứng dụng của cảm quan
Có thể nói rằng mô tả bằng cảm quan là một phương pháp tái hiện và sáng tạo bối cảnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng cảm quan trong kể chuyện chỉ mang tính bổ trợ và không có tác dụng trực tiếp. Chất lượng của một câu chuyện, xét cho cùng vẫn phải phụ thuộc vào chính bản thân nó, muốn thu hút khán giả thì không được “xả bản trục mạt1”. Mô tả cảm quan thường được sử dụng trong các câu chuyện dài, còn những câu chuyện ngắn về cơ bản sẽ hấp dẫn người nghe nhờ tình tiết. Ngoài ra, trong mỗi câu chuyện, cần cân nhắc ứng dụng kỹ thuật mô tả bằng cảm quan sao cho phù hợp, đừng nên lạm dụng quá nhiều, nếu không sẽ khiến khán giả có cảm giác “vẽ rắn thêm chân”.
1 Xa bản trục mạt: Chỉ tập trung vào những yếu tố phụ mà quên đi những yếu tố cốt lõi.
3
KỂ NHỮNG CÂU CHUYỆN MÀ AI CŨNG CÓ THỂ THEO DÕI
"Chúng ta phải đứng ở vị trí của khán giả, cố gắng hết sức để tạo ra một câu chuyện dành riêng cho họ"
Với người nào kể chuyện ấy
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp và sở thích của khán giả, chúng ta nên thay đổi và điều chỉnh câu chuyện của mình, để nó phù hợp với từng đối tượng người nghe và tạo ra hiệu ứng kể chuyện tốt hơn.
Từng nhóm người khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau, và câu chuyện của bạn nên đáp ứng những nhu cầu đó. Các sinh viên đại học cần sự động viên, khích lệ. Những bài diễn giảng nhắm tới đối tượng này nên là những câu chuyện truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm, để tiếp thêm cho họ niềm hy vọng vào tương lai. Còn khi các lãnh đạo phát biểu trước nhân viên, những câu chuyện họ kể nên dựa trên thực tế, là những vấn đề trong công việc mà họ gặp phải và đã giải quyết thành công, hoặc nêu lên những tấm gương tốt để khích lệ nhân viên. Còn giữa những người bạn thì nên chia sẻ về những câu chuyện thường nhật của mình, để đôi bên có thể hiểu nhau và dễ dàng trao đổi tâm tình.
Từng nhóm người khác nhau cũng có những mối quan tâm khác nhau, vì vậy bạn cũng cần điều chỉnh câu chuyện của mình sao cho phù hợp. Một số người quan tâm đến các vấn đề thời sự, một số người hứng thú với những câu chuyện về người nổi tiếng, một số người thì thích nghe tin tức về điện ảnh, âm nhạc. Đối với từng nhóm đối tượng, chỉ khi chúng ta đề cập tới những vấn đề mà họ quan tâm thì mới có thể khiến họ mở lòng và tập trung vào cuộc trò chuyện. Kể chuyện cũng giống như bán một sản phẩm, nó phải dựa trên sự thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu, sở thích của đối phương.
Hãy linh hoạt khi lựa chọn câu chuyện tùy theo đặc điểm của từng đối tượng, như vậy mới có thể đạt được mục đích của bản thân.
Đối với những khán giả khác nhau, chúng ta phải đứng ở vị trí của họ, cố gắng hết sức để tạo ra một câu chuyện dành riêng cho họ. Về lâu về dài, các mối quan hệ của bạn sẽ được mở rộng và gắn kết hơn.
Một câu chuyện, nhiều góc nhìn
Cùng một câu chuyện nhưng mỗi người lại có góc nhìn và cách hiểu khác nhau. Đây chính là nét hấp dẫn riêng của các câu chuyện.
Sáng tạo không chỉ giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào, mà các câu chuyện cũng có thể được làm mới.
Chúng ta đã rất quen thuộc với câu chuyện Hoa Mộc Lan, bất cứ ai cũng có thể kể ra vài tình tiết. Trong những năm gần đây, khá nhiều bộ phim chuyển thể về nhân vật này đã được trình chiếu, bao gồm cả phim người đóng và phim hoạt hình. Nhiều người cho rằng sẽ rất khó để một câu chuyện đã quá đỗi quen thuộc với mọi người có thể đạt được thành công lớn như vậy. Tuy nhiên, những người đã xem qua vài bộ phim đều nhận xét rằng dù các nhân vật chính và phụ của mỗi phim đều giống nhau, nội dung cơ bản cũng tương tự, nhưng dường như chúng không có chung một câu chuyện. Phiên bản Hoa Mộc Lan của Triệu Vy tập trung vào thế giới tình cảm của nữ chính. Hoa Mộc Lan phiên bản Kinh kịch của Thường Hương Ngọc lại đề cao lòng hiếu thảo và tinh thần trượng nghĩa của nữ chính khi đi tòng quân thay cha. Còn Hoa Mộc Lan phiên bản hoạt hình do Mỹ sản xuất thì ngợi ca tinh thần anh dũng chiến đấu với kẻ thù, trung quân báo quốc của Mộc Lan. Mặc dù cùng nói về một nhân vật, nhưng mỗi câu chuyện của mỗi bộ phim lại toát lên sức hấp dẫn riêng biệt.
Đây chính là điểm kỳ diệu của kỹ thuật sử dụng nhiều góc nhìn khác nhau cho cùng một câu chuyện.
4
CÁC VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý KHI XÂY DỰNG CÂU CHUYỆN
"Một câu chuyện hay phải có cấu trúc mạch lạc, giá trị tinh thần tích cực và hệ thống nhân vật thích hợp"
Cấu trúc của câu chuyện
Tiểu thuyết gia người Thụy Điển, Lagerlöf từng nói: “Một câu chuyện dù nhỏ đến đâu cũng cần có một cấu trúc tinh tế và hoàn chỉnh.”
Về bố cục, câu chuyện bao gồm từ, câu, đoạn; về yếu tố gồm nhân vật, sự việc, địa điểm, thời gian, bối cảnh; về kết cấu gồm mở đầu, diễn biến và kết thúc. Các phương pháp phân loại khác nhau có thể chia câu chuyện thành nhiều phần khác nhau, nhưng về cơ bản là không thay đổi. Sử dụng các kỹ thuật khác nhau cho các thể loại khác nhau có thể làm cho câu chuyện trở nên đặc sắc, giàu sức sống hơn.
Trong quá trình kể chuyện, chúng ta thường gặp phải tình trạng cấu trúc câu chuyện không lô-gíc, khiến cho mạch truyện phân tán, người nghe khó theo dõi. Một câu chuyện không chỉ bao gồm những tình tiết được mô tả bên ngoài, trong suy nghĩ của người kể phải có sẵn một cấu trúc hoàn chỉnh để vạch ra dàn ý của toàn bộ câu chuyện, càng mạch lạc càng tốt, như vậy sẽ giúp cho chủ đề của câu chuyện trở nên rõ ràng, đầy đủ.
Khi Chaplin đang tham dự một cuộc họp, một con ruồi bỗng nhiên bay đến và liên tục vo ve quanh đầu ông. Không thể chịu đựng nổi, Chaplin tìm một chiếc vợt, muốn đập con ruồi nhưng mãi mà không trúng. Cuối cùng, khi con ruồi dừng lại trước mặt ông, Chaplin giơ chiếc vợt lên, chuẩn bị đập mạnh một cái. Đột nhiên, ông dừng lại, mắt chăm chú nhìn vào con ruồi ấy. Thấy ông chưa “hạ thủ”, có người hỏi: “Sao ông không giết con ruồi đi?” Chaplin nhún vai, cười nói: “Đây không phải con ruồi lúc nãy quấy rầy tôi!”
Đây là một câu chuyện ngắn có kết cấu tương đối hoàn chỉnh, phần mở đầu giải thích thời gian, bối cảnh và nhân vật chính, sau đó tính cách nhân vật được thể hiện qua các sự kiện và hành động.
Kết cấu của một câu chuyện điển hình là như vậy: phần mở đầu sẽ giới thiệu sơ lược về câu chuyện, thể hiện tính cách các nhân vật, đồng thời giấu sẵn những manh mối của câu chuyện – sự mâu thuẫn. Trong quá trình phát triển và cao trào, bối cảnh sẽ được thiết lập, các tuyến nhân vật sẽ bắt đầu hành động, câu chuyện dần đi vào các tình tiết cụ thể và sau đó sẽ xuất hiện một xung đột kịch tính, mạnh mẽ. Trong câu chuyện ngắn phía trên, đó là quá trình Chaplin chiến đấu với con ruồi. Thường thì đây là phần hấp dẫn nhất của câu chuyện, với những khúc mắc khiến người đọc phải suy ngẫm. Phần cuối của câu chuyện sẽ đưa ra cái kết cho những sự kiện cao trào trước đó, đồng thời đây cũng là lúc tác giả diễn giải ý đồ riêng của mình.
Giá trị cốt lõi của câu chuyện
Một câu chuyện không được phân tán về hình thức hay tinh thần. Hình thức là cấu trúc đã đề cập ở trên, còn tinh thần chính là cốt lõi (nội hàm) của câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều có giá trị cốt lõi, tác giả sẽ xây dựng câu chuyện dựa trên cái cốt lõi này, sắp xếp các tình tiết sao cho phù hợp, giới thiệu các nhân vật có liên quan, biểu đạt tư tưởng của mình, để độc giả có thể hòa mình vào đó và có những trải nghiệm riêng.
Chúng ta thường gặp phải tình huống nhiều câu chuyện không có chủ đề rõ ràng, nội dung phân tán, không thể biểu đạt quan điểm của tác giả, rất nhiều tình tiết không có sự liên kết với nhau.
Cốt lõi câu chuyện có sự tập trung chính là tiền đề của một câu chuyện hay. Cốt lõi này rất đơn giản, chẳng hạn như các chủ đề về anh hùng, mặt trái của xã hội, tình yêu đôi lứa, sự cô đơn… Nếu cốt lõi của câu chuyện đòi hỏi tác giả phải tiến hành diễn giải dài dòng thì câu chuyện đó rất khó có thể thu hút khán giả.
Xây dựng nhân vật cho câu chuyện
Câu chuyện càng ngắn thì số lượng nhân vật càng ít, ngay cả những câu chuyện dài cũng không nên có quá nhiều nhân vật. Trong một câu chuyện, việc thiết lập nhân vật đóng vai trò rất quan trọng, chỉ đứng sau việc thiết lập tình tiết. Đôi khi để giải thích một tình tiết nào đó, tác giả sẽ cho một nhân vật phụ bất ngờ xuất hiện mà không hề có bất kỳ lời giới thiệu nào – đây là điều tối kỵ trong kể chuyện.
Tác giả nên hoàn thiện hệ thống nhân vật trước khi xây dựng nội dung câu chuyện, không nên bổ sung-cắt bớt nhân vật theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, vì như vậy sẽ dễ phá vỡ cấu trúc ban đầu và khiến câu chuyện kém mạch lạc. Có thể thiết lập sự cân bằng giữa các nhân vật bằng các cách sau:
1. Tập trung vào nhân vật chính, xây dựng bối cảnh và vai trò cho nhân vật này. Một số câu chuyện sẽ chỉ có một nhân vật chính, và câu chuyện cũng chỉ xoay quanh người này; một số câu chuyện khác thì có hai nhân vật chính, hai người này sẽ có vị trí đối lập, tạo ra xung đột và mâu thuẫn, khiến câu chuyện trở nên đặc sắc, thú vị.
2. Thiết lập nhân vật phụ. Một câu chuyện không nên có quá nhiều nhân vật phụ, họ chỉ có vai trò hỗ trợ cho nhân vật chính mà thôi.
3. Thiết lập tính cách rõ ràng cho mỗi nhân vật.
Trong một số câu chuyện, các nhân vật sẽ trải qua quá trình trưởng thành và họ sẽ có sự thay đổi tương ứng về mặt tính cách. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tác giả đề cao tính cách của nhân vật, điều này có thể làm giảm tính tự sự của nhân vật và nâng cao cảm giác hòa nhập vào tập thể.
4. Phong cách trần thuật của câu chuyện cần phù hợp với bối cảnh của nhân vật.
5
TRỞ THÀNH NGÔI SAO TRÊN SÂN KHẤU – RÈN LUYỆN KỸ NĂNG KỂ CHUYỆN NHANH
"Khả năng “ứng biến tức thời” khi kể chuyện sẽ giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề"
Trong một số trường hợp, chúng ta cần sáng tác nhanh một câu chuyện, có thể là để “giải vây” cho bản thân hoặc để làm dịu bầu không khí xung quanh. Khi đó, kỹ năng ứng biến sẽ quyết định màn thể hiện trực tiếp của bạn. Rèn luyện kỹ năng này có thể giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề.
Sáng tác một câu chuyện ngẫu hứng
Có rất nhiều cách khác nhau để ứng biến ra một câu chuyện, bạn có thể tham khảo các phương pháp dưới đây:
1. Phát triển một câu chuyện hoàn chỉnh từ một từ khóa. Nội dung của nó không nên quá dài và cốt truyện không quá phức tạp, tránh cho tình tiết bị lê thê, khó có sự liên kết và lô-gíc. Kiểu câu chuyện mở rộng từ một từ khóa này được xây dựng chủ yếu dựa vào tư duy phát tán, nhờ đó giúp phát huy trí tưởng tượng của người kể chuyện.
2. Sáng tạo câu chuyện từ một câu, tức là sử dụng một cụm từ hoặc một câu văn làm mệnh đề để tạo thành câu chuyện. Yêu cầu cơ bản của nó cũng giống với hình thức sáng tác câu chuyện từ từ khóa.
3. Kết nối từ ngữ, tức là tiến hành sáng tác câu chuyện bằng cách liên kết những cụm từ không liên quan đến nhau. Đây là một phương thức sáng tạo rất khó, nếu thiết kế không hợp lý có thể khiến câu chuyện rời rạc, chắp vá.
4. Sáng tác dựa trên tư liệu sẵn có, tức là tạo ra câu chuyện mới dựa trên những nhân vật, tình tiết hay sự kiện đã có. Đây là phương pháp sáng tác tương đối đơn giản, trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể tiến hành cải biên thành một câu chuyện mới sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
5. Tiếp nối, nghĩa là mở rộng câu chuyện dựa trên một nội dung đã biết. Mặc dù có sẵn nhân vật, các sự kiện cơ bản và các thông tin khác, không dễ xuất hiện sai sót, tuy nhiên khó có thể khiến câu chuyện trở nên đặc sắc hơn nữa. Với nhiều trường hợp, hình thức này không thể giải quyết vấn đề hiện tại của người kể chuyện.
6. Viết lại, thường áp dụng cho việc phóng tác các bài văn và bài thơ cổ để tạo thành một tác phẩm khác với bản gốc. Có thể tiến hành sáng tác theo kiểu mở rộng hoặc viết lại toàn bộ.
7. Ghép nối tình tiết. Đôi khi một số tình tiết hoặc phân đoạn bất ngờ xuất hiện trong tâm trí, bạn có thể định hình và kết nối chúng lại với nhau để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Phương pháp này có phần giống với hình thức kết nối từ ngữ, tuy rằng rất khó thực hiện nhưng có thể giúp bạn rèn luyện khả năng kể chuyện.
8. Kết hợp âm nhạc. Rất nhiều loại hình nghệ thuật có sự liên kết với nhau, âm nhạc và câu chuyện cũng vậy. Một số giai điệu có thể khiến người nghe nảy sinh sự liên tưởng, vì vậy chúng ta có thể vận dụng khi kể chuyện để tạo ra những câu chuyện có âm hưởng độc đáo.
Trong tất cả các hình thức “ứng biến tức thời” nói trên, khi sáng tác một câu chuyện, chúng ta phải chú ý đến tính mạch lạc của mạch truyện và tính hấp dẫn của tình tiết để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh.
Ví dụ về hình thức sáng tác câu chuyện bằng cách kết nối các cụm từ
Một giáo viên đưa ra các cụm từ “tàu điện ngầm”, “công nhân”, “đồng hồ điện tử” và yêu cầu các học sinh ứng biến chúng thành một câu chuyện. Một học sinh đã sáng tác câu chuyện có tên “Chuyến tàu đi tới mùa xuân” như sau:
Tòa nhà cao tầng sừng sững giữa mây trời, con đường thẳng tắp và khu vườn tươi tốt quanh năm, tất cả đều đã trở thành những điều rất đỗi bình thường trong mắt chúng ta, do vậy ta đã quên mất việc phải nâng niu chúng. Tuy nhiên, trong thành phố này, vẫn có một nhóm người khác biệt. Họ nhìn những tòa nhà đang ngày một cao lên, đếm những tuyến đường cao tốc đang ngày một dài thêm, ngắm những bông hoa đang đến mùa hé nở, dù đổ biết bao mồ hôi công sức họ cũng cảm thấy xứng đáng. Họ yêu thành phố này hơn tất cả chúng ta!
Nhà của Mạnh Phi cách công ty không xa, nhưng tuyến đường đi làm luôn kẹt cứng vào giờ cao điểm nên ngày nào anh cũng phải mất cả tiếng đồng hồ di chuyển.
May thay, ga tàu điện ngầm gần nhà anh mới đi vào hoạt động cách đây không lâu, trước đây phải đi xe buýt hơn nửa tiếng, nhưng bây giờ chỉ ngồi tàu vài phút là đến công ty. Thật quá tiện lợi!
Sáng nay, khi Mạnh Phi vừa đến ga tàu điện ngầm thì cách đó không xa bỗng vang lên một tiếng động lớn. Anh trông thấy một chàng trai tóc dài đang tranh cãi với một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Người đàn ông mặc bộ đồ vải thô và đi đôi giày vải, vừa nhìn đã biết là một công nhân.
Người đàn ông chỉ tay vào bức tường của ga tàu điện ngầm và nói: “Chàng trai, bức tường này đang sạch đẹp như thế. Tại sao cậu lại vẽ bậy lên đó?” Gã tóc dài nhìn anh khinh khỉnh, nói: “Này đồ nhà quê, không biết cái này gọi là graffiti1 sao?” Người đàn ông vén tay áo lên và lau chùi bức tường: “Tôi chẳng cần biết đó là cái gì, tôi chỉ thích nhìn bức tường màu trắng thôi!” Gã tóc dài thấy vậy thì nổi điên, xông tới vặn tay người đàn ông.
1 Graffiti: Các bức tranh phun sơn được vẽ trên các bức tường trên đường phố.
Thấy hai người sắp xảy ra xô xát, Mạnh Phi vội vàng bước tới dàn hòa: “Thôi được rồi, được rồi, mới sáng sớm, các anh đừng nóng nảy thế!” Anh kéo gã tóc dài ra một bên, quay đầu hỏi người đàn ông: “Hôm nay là ngày đầu tiên anh làm ở đây phải không? Ga tàu điện ngầm ở nước ngoài vẫn thường có người đến vẽ mấy cái hình như thế này.” Mạnh Phi tưởng rằng anh chàng công nhân kia được đơn vị vận hành tàu điện ngầm thuê tới để dọn dẹp vệ sinh, nhưng anh ta lắc đầu, giọng dõng dạc: “Tôi chỉ là người đi ngang qua đây, thấy chướng tai gai mắt thì lên tiếng thôi.” Nói xong anh lại quay ra tiếp tục lau tường, cho đến khi sạch bong thì mới thở phào thoải mái.
Lúc này, tàu điện ngầm sắp tới, mọi người lần lượt giải tán, nhưng người đàn ông vẫn đứng ngây ra, trông rất căng thẳng. Mạnh Phi thấy lạ bèn hỏi: “Anh này, anh lại gặp rắc rối gì nữa sao?” Người đàn ông ngượng ngùng nói: “Tôi cũng muốn đi tàu điện ngầm một lần, nhưng không biết đi như thế nào.” Mạnh Phi chợt nhận ra đi tàu điện ngầm quả thực phức tạp hơn đi xe buýt, phải mò mẫm hồi lâu mới thành công.
Mạnh Phi hỏi anh ta muốn đi đâu, thật trùng hợp, hai người cùng muốn tới một địa điểm, vì vậy anh dẫn người đàn ông đến máy bán vé tự động và dạy anh ta cách nạp tiền vào thẻ ra vào. Người đàn ông bám sát theo Mạnh Phi như đứa trẻ sợ bị lạc. Sau khi Mạnh Phi quẹt thẻ để vào nhà ga, người đàn ông do lúng túng nên bị cửa soát vé chặn lại. Người xếp hàng phía sau cảm thấy sốt ruột, bèn bước lên quẹt thẻ của mình, xong xuôi còn buông lời chê bai: “Sao anh ngốc thế cơ chứ!” Người đàn ông sờ lên đầu, cười ngượng.
Khi cuối cùng cũng vào được sân ga, người đàn ông tiến lên đầu hàng, hào hứng nhìn về hướng đoàn tàu. Một nhân viên nhà ga kéo anh ta lại và nghiêm giọng nói: “Đừng vượt quá vạch vàng, cẩn thận kẻo bị tàu đâm.” Đúng lúc ấy đoàn tàu vụt tới, người đàn ông lo lắng cúi đầu.
Cửa tàu vừa mở ra, đám đông chen chúc cuốn cả người đàn ông vào trong khoang tàu, anh ta nhanh chóng đứng sát vào cửa. Người đàn ông kéo tay Mạnh Phi, chỉ vào ghế ngồi, lịch sự nói: “Người anh em tốt, cậu ngồi đi.” Mạnh Phi không nỡ từ chối nên đành ngồi xuống cạnh anh ta, còn anh ta thì bám vào tay nắm trên đỉnh đầu. Đoàn tàu lặng lẽ khởi động, trong toa tàu sáng sủa, sạch sẽ, còn người đàn ông thì ăn mặc quê mùa, khiến ai nấy đều chú ý. Một người phụ nữ ăn vận sang trọng đứng bên cạnh vô tình vấp chân lảo đảo, người đàn ông tốt bụng thấy vậy liền giang tay ra đỡ, nhưng người phụ nữ lại vội vàng né tránh anh ta.
Người đàn ông đành quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, vẻ mặt không khỏi thất vọng. Đột nhiên, anh ta vỗ đầu nói: “Ây dà, trí nhớ của mình tệ quá. Suýt chút nữa thì quên mất chuyện chính.” Nói đoạn, anh ta lấy ra một chiếc đồng hồ điện tử, hỏi Mạnh Phi: “Nghe nói tàu điện ngầm rất nhanh, đoạn đường đi bộ mất cả tiếng thì chỉ mất vài phút là tới. Điều đó có thật không?” Mạnh Phi gật đầu xác nhận, người đàn ông lại hỏi: “Chuyến tàu này đi qua công viên Lục Cảnh và khách sạn Tân Thành không?” Mạnh Phi hơi ngạc nhiên: “Không đi qua trước mặt, nhưng có ga tàu điện ngầm ở gần đó.”
Người đàn ông giải thích rằng anh ta chỉ muốn tính toán thời gian đi tàu điện ngầm từ công viên Lục Cảnh đến khách sạn Tân Thành mà thôi. May mắn thay, Mạnh Phi đã quen thuộc với những tòa nhà trên mặt đất, ước chừng sắp đến công viên Lục Cảnh, bèn thông báo với người đàn ông: “Đã đến công viên Lục Cảnh rồi!”
Người đàn ông căng thẳng bấm đồng hồ điện tử, nhìn chằm chằm vào những con số trên màn hình. Một lúc sau, Mạnh Phi lại nói: “Đến khách sạn Tân Thành rồi.” Ngón tay cái của người đàn ông lại bấm xuống, anh ta nhìn những con số hiển thị trên đồng hồ điện tử và thốt lên như một đứa trẻ: “2 phút 13 giây. Trời ạ, chúng tôi đã mất ba tháng để đào thông đoạn đường này đấy!”
Mạnh Phi nghe thế liền hỏi: “Anh là công nhân đào đoạn đường này à?” Người đàn ông gật đầu, vẻ đắc ý. Mạnh Phi thầm ngạc nhiên, vì địa chất của đoạn đường này rất phức tạp, thành phố đã tính đến chuyện bỏ xây ngầm mà thay bằng cầu cạn, nhưng sau khi bên thi công chứng minh được tính khả thi, nó đã được chuyển từ “lên trời” về lại “dưới đất”.
Những công nhân xây dựng đó đã góp phần hoàn thành công trình tàu điện ngầm này một cách suôn sẻ. Sau khi biết thân phận của người đàn ông, những người xung quanh nhìn anh ta bằng ánh mắt tán thưởng, khiến anh công nhân có chút ngượng ngùng. Chẳng mấy chốc tàu đã đến ga, người đàn ông vẫn còn bỡ ngỡ, tiếp tục bám theo phía sau Mạnh Phi, Mạnh Phi giả vờ như không biết và “dẫn” anh ta ra khỏi sân ga.
6
TRĂM HAY KHÔNG BẰNG TAY QUEN
"Kể chuyện là kỹ năng không quá khó, nhưng muốn thành thạo thì cần phải rèn luyện thường xuyên"
Kể chuyện là một kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên. Có nhiều cách để luyện tập kỹ năng này, bao gồm học cách cá nhân hóa câu chuyện, ý nguyện hóa câu chuyện, rèn luyện khả năng nhạy bén, tư duy đa dạng, tính mạo hiểm và cách điều hòa sự tập trung.
Cá nhân hóa câu chuyện
Một câu chuyện không phải là tập hợp gồm các từ và các câu, nó là một tác phẩm sáng tạo có chủ đề và nội dung cụ thể. Cùng một chủ đề nhưng cách diễn giải của mỗi người sẽ tạo nên những câu chuyện hoàn toàn khác biệt, điều này cũng hình thành nên tính cá nhân của câu chuyện. Điều quan trọng nhất đối với cách diễn đạt cá nhân hóa là phải gần gũi với cuộc sống, ví dụ: có thể sử dụng phương ngữ Bắc-Nam, bối cảnh châu Á-châu Âu... để tạo nên nét độc đáo cho câu chuyện. Tính cá nhân hóa của câu chuyện còn thể hiện ở kỹ năng kể chuyện và phong cách trần thuật của mỗi người.
Trong lĩnh vực điện ảnh, các tập phim Điệp viên 007 với các nam diễn viên chính khác nhau mang lại cho người xem những cảm giác hoàn toàn khác biệt. Bond do Pierce Brosnan thủ vai là một quý ông lịch lãm và đầy quyến rũ, trong khi Bond do Daniel Craig thủ vai lại mạnh mẽ và oai phong. Cũng như vậy, mỗi người đều là đạo diễn và diễn viên cho câu chuyện của riêng mình, và mỗi cá nhân sẽ kể câu chuyện theo những cách khác nhau.
Khi cá nhân hóa câu chuyện, bạn phải gây ấn tượng với khán giả bằng những cảm xúc chân thực. Mặc dù khán giả lắng nghe câu chuyện bằng tai, họ cũng đang quan sát biểu hiện và hành động của bạn. Ngay cả khi họ đọc câu chuyện, họ cũng đang soi xét cách hành văn của bạn, vì vậy bạn phải lồng ghép vào đó những cảm xúc của chính bạn.
Ý nguyện hóa cho câu chuyện
Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều có những ý nguyện và mong muốn riêng. Xuyên suốt diễn tiến câu chuyện, sẽ có một số nhân vật đạt được ý nguyện, nhưng cũng có một số khác phải từ bỏ mong muốn, từ đó tạo nên xung đột và tương phản. Tất nhiên, trong quá trình kể chuyện, ý nguyện của nhân vật chính phải được nêu lên trước tiên.
Tương tự như vậy, người kể chuyện cũng mang sẵn ý nguyện của riêng mình, và ý nguyện đó thường liên quan đến khán giả. Trong quá trình trần thuật, người kể đang thỏa mãn ý nguyện của bản thân và đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
Rèn luyện tính nhạy bén
Kể chuyện đòi hỏi tính nhạy bén, không chỉ để hiểu thấu nội dung mà còn để nhập tâm vào câu chuyện, từ đó cảm nhận được tác động của sự kiện và những thay đổi trong tình tiết, đồng thời có thể trải nghiệm những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật chính.
Đạo diễn nổi tiếng Chu Khả cũng đồng ý với quan điểm này: “Tôi có sẵn một dàn ý đại cương trong đầu, nhưng xưa nay tôi chưa bao giờ biết mình muốn nói gì, bởi tôi thích thu hút khán giả.” Ông giải thích: “Khi đặt câu hỏi cho khán giả, bạn có thể nhận lại một câu trả lời khác hẳn với kỳ vọng của bản thân, và bạn sẽ phải giải quyết nó. Một số ý tưởng hay nhất của tôi thường đến từ khán giả.”
Rèn luyện tư duy đa dạng
Diễn dịch cùng một nội dung thành các câu chuyện khác nhau, tức là đa dạng hóa câu chuyện, chính là phương pháp làm phong phú và nâng cao kỹ năng kể chuyện. Khi kể chuyện, chúng ta không chỉ cần dùng lời nói để dẫn dắt người nghe mà những biểu cảm, hành động nhỏ hay một vài món đạo cụ cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình truyền đạt câu chuyện và thu hút khán giả.
Ngắt nghỉ cũng là một phương thức để tiến hành đa dạng hóa, ngắt nghỉ câu chuyện ở những phân đoạn khác nhau sẽ có chức năng và tác dụng khác nhau. Việc thay đổi giọng điệu và âm lượng khi kể chuyện cũng là một biểu hiện của sự đa dạng.
Rèn luyện tính mạo hiểm
“Mạo hiểm” ở đây có nghĩa nghĩa là “nằm ngoài dự liệu”, có thể là nội dung câu chuyện hoặc hành động của nhân vật có yếu tố bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của khán giả.
Màn tấu nói với chủ đề Tôi muốn chống lại Tam tục1 giữa Quách Đức Cương và Vu Khiêm cũng có thể coi là một câu chuyện thuộc thể loại mạo hiểm. Hai bên đã mạnh dạn đề cập đến vấn đề “tam tục”, dùng cái tốt để hình dung cái xấu, dùng sự thô tục để miêu tả sự tao nhã, tạo nên một màn thử nghiệm thành công. Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp này để kể chuyện.
1 Tam tục: Phong trào chống Tam tục là cuộc vận động chống lại những yếu tố văn hóa mang tính dung tục, hủ tục và thô tục được phát động ở Trung Quốc từ năm 2010.
Rèn luyện cách điều hòa sự tập trung
Khi phải kể chuyện trước nhiều người, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy lo lắng và khó có thể nói năng trôi chảy. Trong tình huống này, bạn hãy thả lỏng bản thân, nghỉ ngơi một chút rồi quay trở lại với câu chuyện. Nhưng cần lưu ý rằng, việc ngắt nghỉ tạm thời này không phải để bạn dừng câu chuyện lại giữa chừng, mà là để giúp bạn thư giãn khi kể đến những phân đoạn không quan trọng và không cần phải theo dõi phản ứng của khán giả. Đây là một kỹ năng khó nhưng lại rất hữu ích để giảm thiểu căng thẳng.
Nếu đây là một câu chuyện dài, khán giả khó có thể liên tục tập trung vào nó. Vì vậy, việc thả lỏng ở những tình tiết không mấy quan trọng cũng có lợi cho sự tương tác với khán giả và phần tường thuật tiếp theo của bạn.
7
BỐN “QUY TẮC 30 GIÂY” GIÚP CÂU CHUYỆN CỦA BẠN TỎA SÁNG
"Nắm vững “quy tắc 30 giây”, bạn có thể tạo ra đột phá trong cách kể chuyện của mình"
“Quy tắc 30 giây” cho phép bạn kể chuyện một cách dễ dàng, trôi chảy hơn mà không cần lo lắng về những gì người nghe đang suy nghĩ, bởi vì họ đã đắm chìm trong thế giới mà bạn dựng nên.
“Quy tắc 30 giây” gồm bốn phần như sau: 30 giây đầu tiên, thu hút sự chú ý của khán giả; 30 giây thứ hai, khơi dậy sự quan tâm của khán giả; 30 giây thứ ba, lan tỏa sức hấp dẫn của câu chuyện; 30 giây cuối cùng, dẫn dắt khán giả hành động. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện quy tắc này thì lại không hề giản đơn. Nó đòi hỏi bạn phải biết sắp xếp ý tưởng và nhanh chóng đưa ra hành động, đồng thời phải có khả năng ứng biến tốt để kịp thời phản hồi khi người nghe muốn biết thêm thông tin. Kỹ thuật này có thể giúp bạn “thêu hoa trên gấm”, khiến câu chuyện của bạn thêm phần sinh động hơn, nhưng sẽ không thể “đưa than ngày tuyết”1, thay bạn kể câu chuyện của mình.
1 “Thêu hoa trên gấm”, “đưa than ngày tuyết”: “Thêu hoa trên gấm” thì không bằng “đưa than ngày tuyết”, ý muốn nói hành động tặng thêm đồ tốt khi một người đang xuân phong đắc ý không ý nghĩa bằng bằng hành động giúp đỡ lúc đối phương gặp khó khăn.
30 giây đầu tiên - sức hấp dẫn luôn chiếm vị trí quan trọng
Trong 30 giây đầu tiên, bạn cần phải thu hút sự chú ý của người nghe. Cũng giống như trong một bộ phim, phần mở đầu kịch tính, hồi hộp sẽ thành công hấp dẫn một lượng lớn khán giả. Ngay cả khi nội dung phía sau còn một vài điểm thiếu sót thì bộ phim cũng đã có được ánh hào quang nhất định. Chính vì vậy, bạn cũng nên áp dụng nguyên tắc này khi kể chuyện.
Khán giả phải tiếp xúc với một lượng lớn thông tin mỗi ngày, và họ cũng đang xử lý những thông tin này một cách vô thức. Nếu phần mở đầu câu chuyện của bạn đơn giản và chẳng có điểm gì nổi bật thì rất dễ bị khán giả tự động lọc ra khỏi tâm trí, và mặc cho sau đó bạn có nỗ lực đến mấy cũng chẳng thể gây ấn tượng với họ được nữa. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, 30 giây là thời gian để não bộ tiếp nhận tín hiệu, hình thành phản hồi và đưa ra phản ứng. Trong 30 giây đó, khán giả sẽ đánh giá xem câu chuyện của bạn có đáng để tiếp tục lắng nghe hay không. Đôi khi, dù chưa bỏ đi, nhưng tâm trí của họ đã chuyển sang chú ý đến một vấn đề khác rồi.
Ngoài ra, nếu trong vòng 30 giây đầu tiên bạn không thể gây ấn tượng với khán giả thì ngay cả khi họ đang lắng nghe rất kỹ câu chuyện của bạn, thời gian nó lưu trữ trong tâm trí họ sau đó cũng ngắn hơn nhiều so với những thứ khác. Đây là một yếu tố rất khó kiểm soát, phụ thuộc vào việc thông tin đã bị lọc bỏ hay được đưa đến vỏ não.
Richard Branson là người có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người.
Ông là một doanh nhân nổi tiếng và giàu có. Năm 2007, tờ Times ước tính tài sản cá nhân của Richard Branson đã vượt quá 3 tỉ bảng Anh. Tuy nhiên, điều làm nên con người ông lại chính là tình thần độc lập và khát khao sáng tạo. Richard Branson luôn xuất hiện với những hình ảnh ngoài dự đoán: cưỡi voi trắng đọc diễn văn tại Quốc hội Ấn Độ, lái xe tăng đến quảng trường New York để tuyên truyền, vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu... Những câu chuyện về ông luôn mở đầu theo một cách hết sức bất ngờ, vì ông tin rằng như vậy sẽ để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng.
Tuy phần mở đầu mới lạ là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của khán giả, nhưng những hành động không phù hợp có thể gây ra những tác động tiêu cực, vì vậy bạn cần hết sức thận trọng. Kể chuyện bằng giọng điệu hài hước là một lựa chọn an toàn, nó giúp câu chuyện của bạn có ý nghĩa hoặc mang màu sắc riêng, đồng thời giúp khán giả dễ dàng chấp nhận câu chuyện ấy.
30 giây thứ hai - câu chuyện khiến người nghe không thể rời đi
Trong 30 giây thứ hai, bạn cần khơi dậy sự quan tâm của khán giả. Sau khi câu chuyện của bạn đã thành công thu hút sự chú ý của mọi người, bước tiếp theo là đừng làm họ thất vọng. Tạo ấn tượng không phải là kết thúc mà là điểm bắt đầu. Thành công của câu chuyện còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng tham gia của khán giả, bạn cần thu hút người nghe để họ bám sát diễn biến của câu chuyện.
Nhiều câu chuyện có phần mở đầu rất hấp dẫn nhưng nội dung sau đó lại khô khan, nhàm chán, khiến người nghe lần lượt rời đi, đây là điều mà khán giả không muốn nhưng chẳng còn cách nào khác. Mã Vân – người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khi phát biểu. Ngoài hào quang của chính bản thân ông, còn có một đặc điểm khác trong cách diễn thuyết của Mã Vân khiến mọi người sẵn lòng lắng nghe ông – đó là luôn bắt đầu từ những câu chuyện xung quanh mình.
Khi kể chuyện hoặc phát biểu, chúng ta thường lo lắng về việc làm thế nào để xóa bỏ khoảng cách với khán giả và khiến họ dễ dàng hòa mình vào câu chuyện. Hãy xem cách Mã Vân giải quyết vấn đề này nhé:
Khi kể câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, Mã Vân không nói về khó khăn trong những ngày đầu thành lập Alibaba mà nói về người giúp việc của ông: “Tôi đã trả cho người giúp việc của gia đình 1.200 tệ/tháng, trong khi mức lương trung bình ở Hàng Châu vào thời điểm đó là 800 tệ. Cô ấy rất hạnh phúc vì cảm thấy được tôn trọng.” Sau đó ông cũng dùng cách tương tự để nhân rộng sự tôn trọng này trong công ty của mình. Những nhân sự cấp cao thường hưởng mức lương 40.000-50.000 tệ/tháng, cho dù bạn có trả thêm 10.000-20.000, cảm xúc của họ cũng chẳng có mấy đổi thay, nhưng nếu bạn tăng lương cho các nhân viên cấp thấp lên thêm một chút thì tinh thần cống hiến của họ sẽ tăng cao vùn vụt. Lời khuyên của Mã Vân là trong giai đoạn khởi nghiệp, đừng xây dựng một đội ngũ toàn ngôi sao, cũng đừng tuyển mộ những người từng thành công. Hãy tìm những người phù hợp nhất chứ không phải những người giỏi nhất.
Đây chỉ là một câu chuyện ngắn nhưng nhờ sự dẫn dắt của nó nên trước khi Mã Vân nêu ra quan điểm, khán giả đã đoán được suy nghĩ của ông, vì thế họ dễ dàng đón nhận chúng hơn. Mã Vân thường sử dụng phương pháp này trong các bài phát biểu để đưa ra lập luận của riêng mình, dùng những điểm khơi gợi nhỏ để dẫn dắt tới luận điểm tổng thể. Ngoài những câu chuyện cá nhân của mình, trình bày những ý tưởng mới lạ cũng có thể khơi dậy hứng thú của khán giả và khiến họ vô thức tham gia vào quá trình tư duy cùng với bạn. Không có thứ thuốc dẫn nào hữu hiệu hơn trí tò mò, và đây cũng là phương pháp được rất nhiều diễn giả nổi tiếng áp dụng trong các bài phát biểu của mình.
30 giây thứ ba - thể hiện trí tưởng tượng và sức sáng tạo
30 giây thứ ba lại là thử thách khó khăn hơn đối với người kể chuyện, đây là khoảng thời gian mà bạn phải lan tỏa sức hấp dẫn của câu chuyện. Bạn cần phải mang đến cho khán giả một câu chuyện hay, mở ra cả một thế giới “Đào hoa nguyên” ở đó.
Một câu chuyện hấp dẫn đòi hỏi một hệ thống tình tiết hoàn chỉnh, có lô-gíc, có sự liên kết, có ngôn ngữ diễn đạt và cách thức truyền đạt phù hợp. Ngoài ra, khi kể chuyện cũng cần chú ý đến giọng điệu, biểu cảm và động tác. Người kể chuyện cần sáng tạo một câu chuyện hoàn chỉnh có thể lay động lòng người, và câu chuyện ấy phải phù hợp với thực tế cuộc sống của khán giả. Nhân vật chính phải được diễn giải một cách hợp lý, bao gồm cả thân phận, trạng thái tinh thần, tính cách và môi trường sống của họ. Mặc dù những khía cạnh này không đòi hỏi bạn phải trình bày cụ thể, nhưng vẫn sẽ có một vài manh mối vô hình giữa những câu từ, dòng chữ.
Thông qua cách sử dụng ngôn từ của người kể, khán giả có thể tưởng tượng ra nhân vật trong tâm trí, từ đó nảy sinh sự đồng cảm với trải nghiệm của họ, đồng thời sẵn sàng theo bước nhân vật đối mặt với những sự kiện tiếp theo. Người kể phải khơi gợi khát khao lắng nghe của khán giả. Việc này dễ thực hiện hơn nhiều so với nỗ lực “đặt bẫy” khán giả.
Nhiều người thích “đào hố1” trong quá trình kể chuyện, thế nhưng những cái hố đó sẽ ngày càng nhiều thêm, nhiều đến mức không thể lấp đầy được nữa. Đây là kết quả của việc thiếu một hệ thống dàn ý cốt truyện hoàn chỉnh. Tuy ban đầu có thể gây ấn tượng với khán giả, nhưng lại không thể thu hút sâu hơn nữa. Đây là điều tối kỵ trong việc xây dựng câu chuyện. Nếu muốn biểu đạt quan điểm của mình, bạn buộc phải thiết lập một hệ thống dàn ý hoàn chỉnh để các nhân vật trở nên sống động hơn. Những khán giả dụng tâm lắng nghe câu chuyện của bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được điều này.
1 Đào hố: Ngôn ngữ mạng, chỉ việc tác giả sáng tác một câu chuyện mới hoặc cài cắm những nút thắt trong tác phẩm của mình.
Nam Phái Tam Thúc – nhà văn mạng nổi tiếng của Trung Quốc đã đào vô số “hố” trong tiểu thuyết Đạo mộ bút ký của mình, một vài trong số chúng vẫn chưa được lấp dù cho câu chuyện đã kết thúc. Anh đã bị chỉ trích suốt một thời gian dài vì lý do này. Mặc dù Đạo mộ bút ký đã tạo ra một đề tài tiểu thuyết mới, nhưng nó lại không hoàn hảo về nhiều phương diện. Nếu Nam Phái Tam Thúc có thể xây dựng một hệ thống tình tiết hoàn chỉnh hơn, kịp thời tháo gỡ những nút thắt ẩn giấu trong câu chuyện, đồng thời vẫn khiến độc giả cảm thấy hồi hộp khi theo dõi diễn biến truyện, vậy thì cuốn tiểu thuyết này chắc chắn sẽ thành công hơn nữa.
30 giây cuối cùng - dẫn dắt khán giả hành động
30 giây cuối cùng là thời gian để người kể chuyện dẫn dắt khán giả phản hồi. Bạn cần thúc đẩy người nghe hành động bằng chính năng lực của họ, để họ tự đáp ứng những điều mà mình cần – đây là cách mà nhiều chính trị gia và doanh nhân thường áp dụng trong các bài nói chuyện. Steve Jobs cũng vậy, bất cứ buổi ra mắt sản phẩm nào của Apple do ông chủ trì đều chật kín người tới tham dự. Ngoài sự có mặt của giới truyền thông, ông còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người tiêu dùng. Nếu so sánh với Jobs, sẽ thấy Tim Cook – giám đốc điều hành của Apple, còn nhiều thiếu sót ở khía cạnh này.
Các sản phẩm thường thể hiện thái độ của người dùng đối với cuộc sống. Jobs đã nắm bắt được điều này và biến các buổi ra mắt sản phẩm của Apple thành một câu chuyện – một câu chuyện hợp thời và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Trong câu chuyện đó, những người trẻ là nhân vật chính, và ai lại không muốn trở thành nhân vật chính cơ chứ?
Trong buổi ra mắt, Jobs đặt giả thiết rằng người tiêu dùng không biết họ muốn gì, nhưng Apple thì biết. Ông mang đến những thiết kế siêu việt hơn cho các sản phẩm điện tử và đưa những thiết kế chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng vào cuộc sống, để người tiêu dùng có thể trải nghiệm sự tiện lợi chưa từng có và mở ra cánh cửa của sự sáng tạo cho họ. Ông gọi mỗi buổi ra mắt sản phẩm là một câu chuyện, một giấc mơ về tương lai.
Nếu mỗi câu chuyện là một ngọn núi, thì bốn lần “30 giây” ở phần mở đầu là những nhiệm vụ khó khăn nhất cần thực hiện trước khi leo lên đến đỉnh núi. Thu hút sự chú ý của khán giả giống như công cụ hỗ trợ việc leo núi. Khơi dậy hứng thú của khán giả là bước chân đầu tiên sau khi vượt qua nỗi sợ hãi tâm lý. Lan tỏa sức hấp dẫn của câu chuyện là trùng trùng nguy hiểm tiềm ẩn trên con đường tiến lên đỉnh núi. Cuối cùng, dẫn dắt khán giả hành động giống như chặng về đích sau khi đã khắc phục khó khăn.
Người xưa luôn nói rằng: “Vạn sự khởi đầu nan”, một khởi đầu được chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn dễ dàng lan tỏa câu chuyện của mình hơn và kịp thời nhận được phản hồi từ khán giả. Ngược lại, nếu ngay từ đầu câu chuyện đã khiến khán giả cảm thấy buồn ngủ thì màn trình diễn của bạn dù có rực rỡ đến đâu cũng không mang lại kết quả mà bạn mong muốn. Đây là lý do tại sao các nhà diễn thuyết đặc biệt quan tâm đến phần mở đầu. Có tin đồn rằng trước mỗi buổi ra mắt sản phẩm của Apple, Steve Jobs luôn cân nhắc kỹ lưỡng phần mở đầu bài phát biểu của mình, thậm chí ông còn bắt đầu chuẩn bị từ trước đó sáu tháng.
Nếu muốn có một phần mở đầu thật tốt, bạn chỉ cần nắm vững bốn “quy tắc 30 giây” này và thực hiện từng điểm một, như vậy bạn sẽ có thể tạo ra đột phá trong cách kể chuyện của mình.
CÂU CHUYỆN
Cuộc đời vươn lên từ vũng bùn của Du Mẫn Hồng
Dù khi phát biểu trước nhiều người hay khi làm việc trong công ty, thậm chí lúc trò chuyện với bạn bè, Du Mẫn Hồng vẫn thường nhắc đến câu chuyện thời trẻ của mình để khích lệ mọi người.
Du Mẫn Hồng sinh ra ở vùng quê bên bờ sông Dương Tử. Từ nhỏ anh không giỏi bất kỳ môn thể thao nào ngoại trừ bơi lội. Thành tích học tập của anh cũng không xuất sắc, thậm chí đã từng thi đại học tới ba lần, cuối cùng đỗ vào Đại học Bắc Kinh. Đây là nơi đào tạo ra rất nhiều nhân tài, nhưng Du Mẫn Hồng lại kém xa các sinh viên khác và thường bị bạn học cười nhạo.
Đến năm thứ ba, Du Mẫn Hồng mắc bệnh lao và thường xuyên nôn ra máu. Anh phải nghỉ học một năm để dưỡng bệnh, điều này đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa anh với các bạn cùng lớp ngày một xa hơn. Đây là một cú sốc lớn đối với Du Mẫn Hồng. Bản thân anh đã miêu tả tâm trạng lúc đó của mình là: “Tôi chỉ nghĩ đến cái chết.”
Sau khi tốt nghiệp, các bạn cùng lớp đều chọn tiếp tục học cao lên ở nước ngoài. Du Mẫn Hồng cũng muốn đi du học, anh nộp hồ sơ vào rất nhiều trường, cuối cùng một trường đại học của Mỹ đã nhận anh, nhưng họ chỉ cấp cho anh 3/4 học bổng, học phí còn thiếu 5.000 đô-la Mỹ. Đối với Du Mẫn Hồng, đó là một khoản chi phí rất lớn. Chẳng mấy chốc, các bạn cùng lớp đã đi du học nước ngoài hết, người duy nhất còn lưu lại trường là anh.
Song song với việc đi làm ở trường, Du Mẫn Hồng quyết định đi dạy thêm. Bắt đầu từ cuối mùa hè năm 1989, anh làm giáo viên dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ, được trả lương 20 tệ/giờ.
Vào một buổi tối mùa thu của một năm sau đó, bên ngoài trời mưa gió mịt mùng, Du Mẫn Hồng và bạn của anh là Vương Cường đang uống rượu trong phòng thì tiếng loa của Đại học Bắc Kinh vang lên. Vương Cường dỏng tai lắng nghe, nội dung thông báo có liên quan đến Du Mẫn Hồng. Thông báo nói rằng Du Mẫn Hồng – giảng viên bộ môn tiếng Anh sẽ bị xử phạt vì dạy thêm ở bên ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nề nếp dạy học. Thông tin này được phát đi phát lại trong ba ngày liên tiếp, chiếu cả trên kênh truyền hình cáp của Đại học Bắc Kinh suốt nửa tháng và dán trên bảng thông báo của trường trong một tháng rưỡi. Trước khi xảy ra chuyện này, Du Mẫn Hồng chưa hề được nghe tin tức gì. Đối mặt với cú sốc bất ngờ này, anh cảm thấy mình đã mất hết thể diện khi đứng trước sinh viên, anh cũng biết rằng mình không thể ở lại Đại học Bắc Kinh nữa.
Ở tuổi 28, Du Mẫn Hồng rời khỏi Đại học Bắc Kinh – ngôi trường mà khó khăn lắm anh mới được nhập học. Ngày thứ hai sau khi rời đi, phòng ký túc xá của anh cũng bị trường lấy lại, anh đưa vợ con ra thuê nhà bên ngoài. Nơi ở trọ đầu tiên của gia đình là ngôi nhà của một nông dân. Anh nhận dạy kèm tiếng Anh, Toán và Ngữ văn cho con của chủ nhà để được miễn tiền thuê. Nhưng dường như luôn có biến cố nào đó xảy ra và làm đảo lộn cuộc sống của Du Mẫn Hồng, gia đình anh đã thay đổi chỗ ở tới bốn, năm lần mới có thể ổn định.
Vấn đề đầu tiên mà một người đang thất nghiệp như Du Mẫn Hồng phải đối mặt là tìm việc làm. Với kinh nghiệm làm giáo viên tiếng Anh trước đây, anh trở thành “lao động tự do”, đồng thời đứng ra hợp tác với Đại học Phương Đông để thành lập Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh, được quyền sử dụng thương hiệu của trường và chia cho trường 15% phí quản lý. Anh thuê một căn nhà mái bằng ở gần Trường Tiểu học Trung Quan Thôn số 2 để làm phòng học. Đây cũng chính là văn phòng của “Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh thuộc Đại học Phương Đông”, văn phòng chỉ có hai người là anh và vợ anh.
Mỗi sáng, Du Mẫn Hồng xách một xô hồ dán, đạp chiếc xe đạp hỏng đi dán quảng cáo, còn buổi chiều thì đến văn phòng ngồi chờ. Ngày đầu tiên có hai sinh viên đến đăng ký, họ đã rất sốc khi nhìn thấy căn phòng học đổ nát. Nhờ tài ăn nói của Du Mẫn Hồng, họ vẫn quyết định đăng ký nộp học phí cho lớp học của anh. Du Mẫn Hồng cầm tiền chưa được bao lâu, hai sinh viên nọ đã đổi ý và đòi lại học phí.
Vài ngày sau, có ba sinh viên khác tìm đến văn phòng, họ không hề do dự mà lập tức đóng học phí và đăng ký học. Khi đó Du Mẫn Hồng đã thở dài cảm thán: “Hơn 1.000 tệ đấy! Chỉ bỏ công sức có một ngày mà bằng tiền lương của tôi trong bốn tháng ở Đại học Bắc Kinh!” Buổi tối, khi trở về nhà, anh kể cho vợ nghe việc này. Vợ anh rất vui sướng, vội vàng chạy đi đếm học phí, miệng liên tục lẩm bẩm: “Vậy là có ba học viên rồi, có ba học viên rồi…”
Dù đã có ba học viên, nhưng rất nhiều sinh viên tìm đến văn phòng rồi lại bỏ đi sau khi xem sổ đăng ký. Vì vậy, Du Mẫn Hồng nảy ra một ý tưởng, đó là điền vào sổ đăng ký một số tên giả, vờ rằng có rất nhiều sinh viên đến nộp học phí và theo học. Kế sách này của anh đã phát huy hiệu quả, và số lượng học viên sau đó từ từ tăng lên. Nhưng kết quả này vẫn kém xa so với mong muốn của Du Mẫn Hồng, anh quyết định tổ chức những buổi giảng dạy miễn phí để thu hút học viên, ai đồng ý theo học thì mới phải đóng học phí. Nhờ hoạt động này, trung tâm của Du Mẫn Hồng đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người, và các khóa đào tạo của anh phát triển với quy mô ngày càng lớn cho đến tận ngày nay.
Câu chuyện của Du Mẫn Hồng đã truyền cảm hứng cho những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống, anh đã sử dụng trải nghiệm của chính mình để diễn giải thế nào là một cuộc đời “vươn lên từ vũng bùn”. Anh đã thu hút khán giả bằng những tình tiết tương phản ở phần đầu, liên tục nhấn mạnh vào tình cảnh bất đắc chí của mình, để khán giả không có thời gian phân tâm, phải bám sát theo diễn biến nội dung để lắng nghe câu chuyện của anh.
Ở phần kết, Du Mẫn Hồng đã thành công leo lên từ đáy vực. Cuộc đời anh đã có một sự bùng nổ sau quá trình dồn nén trước đó, điều này đã giúp khán giả trút bỏ cảm xúc của mình khi theo dõi câu chuyện, cuối cùng đạt được sự hài lòng và niềm cảm hứng.