Có tư liệu hay nhưng lại không chịu luyện tập thì không thể kể được một câu chuyện thú vị. Những tư liệu mà chúng ta tích lũy chỉ là bước đệm cơ bản, tuyệt đối không được vì đã có nền tảng mà buông lỏng, chủ quan
1
THÓI QUEN 1: ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG LÀ CÔNG CỤ MANG ĐẾN NHIỀU TIỆN ÍCH
"Sự xuất hiện của điện thoại di động và các ứng dụng di động đã giúp cho việc đọc và tích lũy tư liệu trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn, qua đó việc kể chuyện cũng trở nên thuận lợi hơn"
Kỷ nguyên của điện thoại di động
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cách con người tiếp nhận thông tin cũng thay đổi. Điện thoại di động đã trở thành một trong những phương tiện chính để gửi-nhận thông tin và nó đang thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Hiện nay, sự tiện lợi của điện thoại di động đã mang lại cho con người rất nhiều cơ hội. Chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua điện thoại di động, thu thập và công bố thông tin bằng điện thoại di động. Thiết bị điện tử này đã trở thành một kênh giao tiếp hoàn toàn mới. Điện thoại di động cũng đang thuận theo xu hướng và trải qua những thay đổi chóng mặt, không chỉ thiết kế phong phú mà còn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.
Đối với dân văn phòng, điện thoại di động lại càng là vật dụng không thể thiếu. Tại nơi làm việc, họ dùng điện thoại di động để phục vụ công việc, và sau giờ làm việc, họ sử dụng điện thoại di động để liên lạc với bạn bè và gia đình. Điện thoại di động đã mang lại sự tiện lợi lớn, giúp chúng ta tận dụng mọi khoảng thời gian để khám phá và tìm hiểu thế giới.
Các ứng dụng trên điện thoại di động
Một trong những phương pháp giúp rèn luyện kỹ năng kể chuyện chính là đọc sách. Nếu điện thoại di động giúp việc đọc sách trở nên thuận tiện hơn thì hệ thống ứng dụng chính là công cụ mang đến sự tiện lợi này.
Sự xuất hiện của vô số ứng dụng phục vụ việc đọc đã đáp ứng nhu cầu tận dụng các khoảng thời gian nhỏ lẻ trong ngày để đọc sách của rất nhiều người dùng, biến những cuốn sách nặng trịch trở thành những trang giao diện đơn giản và trực quan. Khối lượng sách khổng lồ trong các ứng dụng có thể phục vụ đầy đủ nhu cầu đọc của mọi đối tượng, nếu bạn muốn lưu trữ tài liệu thì việc sử dụng các ứng dụng này là lựa chọn không thể tốt hơn.
Ngoài hỗ trợ đọc sách, các ứng dụng cũng giúp việc ghi chép trở nên đơn giản hơn. Người dùng có thể lưu lại ghi chú về ý tưởng chợt nảy ra khi đọc đến một tình tiết nào đó hay thông tin tra cứu được về một sự kiện, nhân vật có trong sách.
Một số ứng dụng đọc sách cũng cung cấp chức năng đánh dấu. Người dùng có thể đặt một hoặc một số dấu trang mỗi khi đọc tới phần nội dung nào đó, ngoài ra còn có thể chỉnh sửa, tăng giảm dấu trang tùy ý.
Nhiều ứng dụng đọc sách còn có chức năng ghi âm. Nếu nảy ra cảm nghĩ khi đang hoặc đã đọc xong một cuốn sách, người dùng có thể thu lại lời nói của mình bằng chức năng này.
Một ưu điểm khác của việc sử dụng ứng dụng để ghi lại ý tưởng, cảm nhận là bất kể khi nào và ở đâu, ngay cả khi điện thoại bị mất, bạn vẫn sẽ tìm lại được các bản ghi này. Chúng được lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây, cho phép người dùng truy cập trên các thiết bị khác nhau.
Sự xuất hiện của điện thoại di động và các ứng dụng đã giúp cho việc đọc cũng như tích lũy tư liệu của chúng ta trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Không cần đến sách vở dày nặng hay giấy bút cồng kềnh, chúng ta cũng có thể đọc hàng nghìn cuốn sách và xây dựng một kho tư liệu cho câu chuyện của riêng mình.
Mặc dù việc lưu trữ và tích lũy tư liệu là rất quan trọng, nhưng chúng chỉ là những viên đá phục vụ cho quá trình xây kim tự tháp, chưa đủ để dựng nên một tòa tháp to lớn. Việc kể chuyện cũng vậy, bạn không thể kể một câu chuyện hay nếu không luyện tập. Những tư liệu mà chúng ta có chỉ đóng vai trò nền tảng cho việc luyện tập sau này, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan mà lười biếng.
2
THÓI QUEN 2: WEIBO – MÔI TRƯỜNG SÁNG TÁC MỚI
"Sử dụng Weibo để kể chuyện là một cách tuyên truyền hiệu quả, áp dụng cho cả Weibo cá nhân và Weibo của doanh nghiệp"
Weibo là gì?
Weibo là một mạng xã hội chia sẻ thông tin, hình ảnh và video trong thời gian thực. Là một nền tảng để chia sẻ và giao tiếp, Weibo đặc biệt chú trọng đến tính kịp thời. Mỗi tài khoản Weibo có thể bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, và bạn bè của họ cũng có thể ngay lập tức nhìn thấy thông tin đó. Thành công của Weibo đã thay đổi cách mọi người giao tiếp cũng như giải trí.
Weibo thường giới hạn một bài đăng trong 140 ký tự, và giới hạn này đã dẫn đến sự ra đời của thể loại “tiểu thuyết Weibo” rất phổ biến hiện nay.
Weibo - nơi tập hợp những câu chuyện
Kể từ khi ra đời vào năm 2008, Weibo đã thay đổi nhận thức của mọi người về các nền tảng mạng xã hội và nhanh chóng được đón nhận.
Có rất nhiều bài viết khác nhau được đăng tải trên Weibo mỗi ngày, bao gồm cả những tin tức xã hội và những câu chuyện đời thường hài hước. Nhiều người viết được đánh giá cao nhờ quan điểm và câu chuyện độc đáo, sau đó trở thành blogger và có rất nhiều người hâm mộ.
Những ai thường xuyên lướt Weibo chắc hẳn đều biết đến blogger Chốn nhỏ dành cho ký ức, anh có nuôi một chú chó Samoyed tên Nữu Nữu và một chú mèo tên Đoan Ngọ. Blogger này thường xuyên chia sẻ những câu chuyện thú vị về hai em thú cưng trên Weibo và thu hút rất nhiều người theo dõi.
Các doanh nhân cũng nhìn thấy sức ảnh hưởng to lớn của Weibo và tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác ở đây. Nhiều doanh nghiệp hợp tác với các blogger, mời họ viết và chia sẻ những câu chuyện hài hước, thú vị hoặc tình cảm có lồng ghép nội dung quảng cáo để giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.
Các “thương gia Weibo” – chủ của những cửa hàng online, cũng có cách quảng cáo đơn giản và hiệu quả hơn so với các thương gia sở hữu cửa hàng thực. Người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm yêu thích của mình, tìm hiểu tính năng và đặt mua ngay trên Weibo mà không cần rời khỏi nhà. Toàn bộ quá trình này được thực hiện chỉ bằng vài lần nhấp chuột.
Trên Weibo từng lưu truyền một bài viết như sau: “Khi số lượng người hâm mộ của bạn vượt quá 100, bạn giống như một cuốn tạp chí lưu hành nội bộ; nếu vượt quá 1.000, bạn là một bảng tin; nếu vượt quá 10.000, bạn là một cuốn tạp chí phát hành rộng rãi; nếu vượt quá 100 nghìn, bạn là một tờ báo đô thị; nếu lên đến hơn 100 triệu, bạn đã trở thành một đài truyền hình.”
Đoạn văn trên đã giải thích sinh động mối quan hệ giữa blogger và người hâm mộ của họ, đồng thời cũng ngầm ẩn ý về tầm ảnh hưởng của Weibo. Phương thức tiếp thị này rất đáng được quan tâm, bởi vì chúng ta kể chuyện cũng là để quảng bá bản thân tốt hơn. Chúng ta sẽ học cách kể những câu chuyện ngắn và có nhịp độ nhanh với sự trợ giúp của Weibo, không chỉ để thu hút người hâm mộ mà còn đưa khả năng sáng tạo của bản thân lên một tầm cao mới.
Kể chuyện trên Weibo
Đại đa số mọi người thường không có lượng người hâm mộ lớn như vậy, nhưng Weibo sẽ cung cấp một nền tảng hiệu quả để chúng ta phát triển trong lĩnh vực sáng tác câu chuyện.
Nếu muốn kể một câu chuyện, bạn có thể bắt đầu từ việc chia sẻ cuộc sống của mình trên Weibo, tích lũy tư liệu thông qua câu chuyện của người khác và luyện tập sáng tác bằng các ghi chép của bản thân. Hãy đăng các bài viết ghi lại cảm xúc của bạn về cuộc sống và những suy nghĩ thoáng qua, xem xem hình thức nào nhận được nhiều sự chú ý hơn, từ đó biết được thế mạnh của mình. Hãy khuếch đại lợi thế này, bạn sẽ có nhiều người hâm mộ hơn và khả năng kể chuyện của bạn cũng sẽ được cải thiện. Sử dụng Weibo để kể chuyện là một cách tuyên truyền hiệu quả, áp dụng cho cả Weibo cá nhân và Weibo của doanh nghiệp.
“Tiểu thuyết Weibo” là một thể loại văn học mới nổi, được phát triển thông qua Weibo. Do giới hạn về số lượng từ cho mỗi bài viết, nên tiểu thuyết Weibo sẽ yêu cầu trình độ sáng tác cao hơn, đồng thời yêu cầu cách diễn đạt và sắp xếp nội dung chính xác hơn.
Không khó để tạo ra một “tiểu thuyết Weibo”, nhưng không dễ để có một “tiểu thuyết Weibo” hấp dẫn. Tuy không cần một câu chuyện theo kiểu “thiên trường địa cửu”, nhưng số lượng từ rất ít cũng khiến cho việc sáng tác thể loại này gặp rất nhiều hạn chế.
Trong quá trình sáng tác “tiểu thuyết Weibo”, việc giới thiệu bối cảnh của câu chuyện và danh tính của các nhân vật thường được bỏ qua và trực tiếp đi vào mạch truyện chính. Những trải nghiệm và tâm tư, tình cảm của nhân vật chính được sử dụng để khơi dậy sự tò mò, đồng cảm hoặc thương xót của độc giả. Một “tiểu thuyết Weibo” thành công là tác phẩm có thể khơi gợi cảm xúc của độc giả và tạo chủ đề cho các cuộc thảo luận.
Chúng ta có thể kể những câu chuyện của bản thân hoặc “làm mới” một câu chuyện thú vị thành một “tiểu thuyết Weibo”, từ đó cải thiện kỹ năng kể chuyện của mình.
Weibo cung cấp phương thức giải trí và làm việc thuận tiện nhất cho công chúng, và chúng ta cũng có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới nổi này để rèn luyện khả năng kể chuyện của mình. Mặc dù viết trên Weibo là một việc tùy hứng, nhưng bạn cũng phải kiên trì nỗ lực, liên tục đăng tải bài viết để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Rất có thể một trong những câu chuyện của bạn sẽ giúp bạn nổi tiếng.
3
THÓI QUEN 3: QQ VÀ WECHAT – MỘT CÂU ĐƠN GIẢN, TRUYỀN ĐẠT TIẾNG LÒNG
"QQ và WeChat giúp người dùng chia sẻ quan điểm của bản thân, giao lưu, tương tác với bạn bè, người quen và cập nhật tin tức xã hội"
Vai trò lớn của QQ và WeChat
Hầu hết chúng ta đều kể các câu chuyện của mình cho những người thân quen. Cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè và người yêu là những khán giả đầu tiên của chúng ta. Khi có những câu chuyện, cuộc sống sẽ thoát khỏi sự buồn tẻ, nhàm chán, vơi bớt căng thẳng và có thêm nhiều điều thú vị.
Dù vậy, chúng ta vẫn thường cảm thấy mệt mỏi và đau khổ vì không có đối tượng để chia sẻ. Cuộc sống bận rộn khiến cho việc liên lạc giữa người thân, bạn bè vốn đã ít nay càng trở nên ít hơn. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã cho ra đời QQ và WeChat nhằm hỗ trợ các công dân của xã hội hiện đại giao tiếp với nhau. Các chức năng phụ của QQ và WeChat là vòng bạn bè và chữ ký cá nhân còn giúp người dùng chia sẻ quan điểm của bản thân, giao lưu, tương tác với bạn bè, người quen và cập nhật tin tức xã hội.
Vòng bạn bè trên QQ và WeChat
Vòng bạn bè của mỗi người sẽ thể hiện cảm xúc và quan điểm nội tâm của riêng họ, vì vậy dựa vào các thông tin có trong đó, chúng ta có thể hiểu được trạng thái của người khác và chính bản thân mình.
Đầu tiên là danh mục thông tin hiển thị, bạn có thể tìm hiểu tất cả các thông tin về đối phương ở phần này. Một số người rất thích chia sẻ về cuộc sống của mình. Bạn có thể tìm thấy thông tin về các chuyến công tác, công việc và cuộc họp của bạn bè ở đây. Đôi khi trên QQ của một người bạn xuất hiện trạng thái “bận”, bạn nên hiểu rằng khi ấy mình không nên làm phiền đối phương. Một số người cũng thích đăng yêu cầu trợ giúp lên mạng, nếu ai có khả năng thì có thể sẵn sàng giúp một tay. Những thông tin này giúp mọi người hiểu nhu cầu của họ và giúp giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.
Loại thông tin cá nhân thứ hai thường xuất hiện là thông tin liên quan đến tình cảm. Một số người đăng tải trạng thái cảm xúc là để nhắm tới người khác, nhưng đa phần là để thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của chính họ. Loại thông tin này thường chứa đựng quan điểm và trải nghiệm của chủ tài khoản, là biểu hiện của trạng thái tinh thần của người đó.
Không ai muốn làm bạn với những người tiêu cực, vì vậy khi đăng những bài viết bày tỏ cảm xúc, hãy cố gắng tránh việc phàn nàn, tức giận, chê bai…, hoặc hãy thể hiện chúng một cách tế nhị hơn. Một câu “Hôm nay cảm thấy hơi chán nản” chắc chắn tốt hơn một câu chửi thề. Mặc dù cảm xúc thể hiện tương tự nhau, nhưng câu trước sẽ có lợi hơn đối với việc thiết lập hình tượng của bạn.
Loại thông tin thứ ba thường thấy là những thông tin tạo động lực cho bản thân. Nhiều người thường chia sẻ những câu nói truyền cảm hứng trong vòng bạn bè. Thực tế, đây cũng là một cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành động lực tích cực để khích lệ bản thân và người khác, đồng thời an ủi những người bạn đang có tâm trạng tồi tệ.
Khi nhìn thấy một câu chuyện đầy cảm hứng được một người bạn đăng trong vòng bạn bè, chúng ta hẳn sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, yêu đời hơn và làm việc tích cực hơn.
Chú trọng việc thiết kế chữ ký cá nhân
Các tính năng như chữ ký cá nhân và vòng bạn bè trên nền tảng WeChat tất nhiên cũng là nơi rất tốt để bạn chia sẻ những câu chuyện tuyệt vời và những câu nói truyền cảm hứng. Khi thiết kế chữ ký cá nhân, bạn nên lưu ý những điểm sau:
1. Thứ nhất, bạn nên thể hiện phong cách riêng của mình. Bạn cũng có thể sử dụng những câu nói của người nổi tiếng để bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Hãy điều chỉnh từ ngữ, câu cú và nội dung sao cho phù hợp, đồng thời lồng ghép thêm cảm xúc của bạn, như vậy sẽ dễ thu hút người khác hơn.
2. Thứ hai, hãy cập nhật thường xuyên. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự chú ý của con người không phải là yếu tố tĩnh, nó chịu giới hạn về mặt thời gian. Vì vậy, hãy thay đổi chữ ký của bạn sau một khoảng thời gian nhất định để tạo sự mới mẻ, tránh gây nhàm chán.
3. Cuối cùng, trong xã hội hiện đại, chữ ký cá nhân và vòng bạn bè được coi như hình tượng thứ hai của một người, vì vậy bạn nên đăng những câu chuyện tích cực và có ý nghĩa để thể hiện khía cạnh tốt của bản thân. Nhiều người sẽ đánh giá một người dựa trên những gì họ nhìn thấy trong vòng bạn bè.
Trong thực tế cuộc sống, mọi người thường sử dụng những câu chuyện để xây dựng một hình tượng cá nhân nhằm gây ấn tượng với người khác. Chúng ta cũng có thể sử dụng chữ ký cá nhân và vòng bạn bè để kể câu chuyện của mình và mở rộng mạng lưới quan hệ.
4
THÓI QUEN 4: HỌC CÁCH CHIA SẺ
"Tiền đề quan trọng nhất của hoạt động chia sẻ chính là sự chân thực, vì điều mà mọi người muốn tìm hiểu là con người thật của bạn"
Vai trò của hoạt động chia sẻ trong cuộc sống
Con người sẽ trở nên gần gũi với nhau hơn nhờ sự chia sẻ, và thế giới cũng trở nên rực rỡ sắc màu khi mọi người sẵn lòng sẻ chia. Giữa bạn bè cũng cần có sự chia sẻ: một câu chuyện vui có thể truyền tải tinh thần tích cực đến mọi người; bài thi điểm cao có thể nhận được lời khen ngợi, đồng thời truyền cảm hứng, thúc đẩy bạn bè cùng chăm chỉ học tập; và một thất bại sẽ nhận được sự động viên, cổ vũ để vực dậy tinh thần, một lần nữa dong thuyền ra khơi.
Chia sẻ là một hoạt động tích cực, nó như mặt trời chiếu sáng cho cuộc sống của chúng ta. Những người không biết sẻ chia sẽ không thể cảm nhận sự ấm áp đang lan tỏa giữa các cá nhân trong một cộng đồng.
Chia sẻ bao gồm cả chia sẻ vật chất lẫn chia sẻ tinh thần. Khi bạn tìm thấy những bộ phim hay, những cuốn sách thú vị và những món ăn ngon, hãy chia sẻ chúng với bạn bè. Ngoài ra, bạn cũng có thể tâm sự những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của mình với bạn bè, để họ tư vấn và cùng bạn giải quyết vấn đề. Tuy đây chỉ là một hành động đơn giản nhưng nó có thể tạo nên những tác động tích cực rất lớn. Đừng để bị mắc kẹt hay âm thầm dồn nén cảm xúc của bản thân, hãy mạnh dạn nói lên câu chuyện và tâm trạng của mình, bạn sẽ nhận ra rằng bạn bè luôn ở cạnh bên, và bạn cũng có thể kết giao thêm nhiều người bạn mới.
Học cách chia sẻ cũng có thể giúp bạn thu về phản hồi của những người xung quanh. Bất kể là làm gì, chúng ta cũng đều đang thu thập đánh giá, nhận xét của mọi người một cách vô thức. Nếu chúng ta chia sẻ thêm thông tin, lời phản hồi cũng sẽ tăng lên và khả năng ứng phó linh hoạt của bản thân sẽ được cải thiện. Chúng ta cũng có thể nhanh chóng đưa ra phản ứng khi đối diện với người khác.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng tiền đề quan trọng nhất của hoạt động chia sẻ chính là sự chân thực, điều mà mọi người muốn tìm hiểu là con người thật của bạn chứ không phải một cá nhân đã được ngụy trang một cách kỹ lưỡng. Những chia sẻ của chúng ta cũng cần thể hiện suy nghĩ thật của mình. Nếu chỉ là những lời nói ngụy tạo thì sẽ không đủ sức thuyết phục cũng như không truyền tải được sự nhiệt tình của bạn.
Trong công việc cũng cần có sự chia sẻ
Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thành công đều luôn sẵn lòng chia sẻ. Điều này cho thấy họ là người giỏi giao tiếp và có thái độ thân thiện.
Bằng cách chia sẻ những câu chuyện và những điều tâm đắc, các lãnh đạo xây dựng được hình tượng hài hước và thông thái, điều này giúp cho việc quản lý đội nhóm dễ dàng hơn, thu hẹp khoảng cách giữa sếp với nhân viên. Các lãnh đạo thành công có phong thái giao tiếp thân thiện, hòa nhã. Họ không cần duy trì hình tượng độc tôn, lạnh lùng. Ngược lại, lãnh đạo sẽ gần gũi với nhân viên, đi sâu tìm hiểu nhu cầu và công việc của họ, chia sẻ thành công với họ, giải quyết vấn đề và thúc đẩy họ làm việc. Chỉ những công ty có lãnh đạo như vậy mới xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh và tạo ra nhiều giá trị hơn.
Sự chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp có thể giúp nhân viên thiết lập tư duy làm việc đúng đắn, và sự chia sẻ giữa các nhân viên có thể giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Đối với bản thân một nhân viên, những chia sẻ của họ cũng giúp chính họ rèn luyện khả năng hùng biện, kể chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều bối cảnh khác nhau, và họ sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai. Sự chia sẻ trong công việc cũng giúp đội nhóm đoàn kết và cộng tác một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho các thành viên giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đạt kết quả tốt.
Khi có một nhân viên mới đến, nếu được nhân viên cũ tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, người này sẽ có thể nhanh chóng hiểu rõ cơ chế hoạt động của công ty cũng như yêu cầu công việc của bản thân, vượt qua tâm lý lo lắng và sẵn sàng cống hiến hết mình. Một câu chuyện hài hước cũng có thể giúp đối phương hòa nhập với tập thể và thiết lập mạng lưới quan hệ của riêng mình.
Tại chốn văn phòng, những nguyên tắc đao to búa lớn sẽ không hiệu quả bằng những câu chuyện chân thực đang hiện hữu xung quanh. Mặc dù công sở là mô trường rất cần sự nghiêm túc, nhưng những người hay chia sẻ, chuyện trò và không hay khoe mẽ chắc chắn sẽ được đồng nghiệp quý mến. Hãy thử nghĩ xem, liệu có ai muốn làm việc với những người trong ngoài bất nhất hay không?
5
THÓI QUEN 5: HỌC CÁCH KỂ CHUYỆN TỪ NHỮNG LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
"Các loại hình nghệ thuật truyền thống là một kênh tư liệu trực quan và sinh động giúp chúng ta học tập kỹ năng kể chuyện"
Với mức sống không ngừng nâng cao của người dân như hiện nay, các phương thức giải trí cũng dần được cải thiện, và các loại hình nghệ thuật truyền thống như tấu nói, bình thư, tiểu phẩm cũng đang phát triển mạnh mẽ theo bước chân thời đại. Những hình thức nghệ thuật này diễn giải sinh động và phóng đại những câu chuyện trong cuộc sống của con người hoặc trong các thư tịch cổ và tích truyện thời xưa. Chúng là một kênh không thể thiếu để chúng ta học tập phương pháp kể chuyện và truyền tải câu chuyện một cách tốt nhất.
Tấu nói - một loại hình nghệ thuật cổ xưa
Tấu nói là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, xuất hiện từ thời vua Hàm Phong của nhà Thanh và đến ngày nay vẫn được khán giả vô cùng yêu thích. Những màn biểu diễn của các nghệ sĩ tấu nói nổi tiếng như Hầu Bảo Lâm, Ma Tam Lập vẫn rất thú vị và không hề lỗi thời. Đây là một lợi thế mà các loại hình nghệ thuật khác khó có được.
Tấu nói có ba hình thức biểu diễn chủ đạo: tấu đơn, tấu đôi và tấu đoàn. Tấu đơn là hình thức biểu diễn cá nhân, tương tự như một buổi talk show, trong đó một người đứng trên sân khấu kể chuyện cười hoặc tấu hài. Tấu đôi gồm hai người đối đáp nhau, một người diễn vai “pha trò”, còn người kia sẽ “phụ họa”. Hình thức biểu diễn là người pha trò sẽ đưa ra những câu chuyện cười, người phụ họa sẽ hùa theo hoặc phản bác để tiếp nối chủ đề, và cả hai sẽ cùng tung hứng để tạo ra những tràng cười cho khán giả. Màn biểu diễn tấu nói có từ ba người trở lên gọi là tấu đoàn. Hình thức này thường sẽ có một người đóng vai pha trò, nhiều người phụ họa, và một người thường xuyên nói xen vào gọi là “phá bĩnh”.
Trong các màn tấu đôi, cuộc tranh luận giữa hai vai được gọi là “Tử mẫu ngân”; màn tấu nói mà trong đó người pha trò diễn chính còn người phụ họa hỗ trợ gọi là “Nhất đầu trầm”; màn tấu nói mà trong đó hai nhân vật hát xướng theo lối truyền thống gọi là “Quán khẩu hoạt”; màn tấu nói mang tính mô phỏng gọi là “Liễu hoạt”. Hình thức tấu đôi cũng là hình thức biểu diễn phổ biến nhất.
Nghệ thuật tấu nói chú trọng tới bốn yếu tố: nói, bắt chước, pha trò và hát. Bốn yếu tố này đòi hỏi người biểu diễn phải ứng khẩu lưu loát, có thể mô phỏng nhiều âm thanh khác nhau, giỏi pha trò, thành thạo ngũ âm và ghi nhớ nhiều giai điệu khác nhau. Nghe thì có vẻ dễ nhưng quá trình học tập bộ môn nghệ thuật này quả thực rất gian nan. Một người thường phải mất tới vài năm, thậm chí hơn mười năm luyện tập mới có thể trở thành một nghệ sĩ tấu nói chuyên nghiệp.
Tiếng cười của khán giả đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nghệ thuật tấu nói, và đó cũng là mục tiêu chính của các nghệ sĩ. Họ vận dụng thủ pháp “rũ bỏ gánh nặng”, tức là đi sâu vào chi tiết hài hước, để chọc cười khán giả.
Trong một tác phẩm tấu nói bao hàm rất nhiều yếu tố chuyển thể hoặc cải biên các sự kiện hiện tại để làm cho chúng trở nên thú vị hơn. Chúng ta có thể học hỏi phương pháp này để sáng tạo câu chuyện của riêng mình. Nghe và xem tấu nói không chỉ giúp chúng ta tích lũy những chủ đề hài hước, mà còn là cơ hội để học hỏi các kỹ thuật biểu đạt nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả. Ngoài ra, các yếu tố gây cười còn xuất phát từ chất giọng địa phương, cũng như các bài hát và điệu nhảy đã được dàn dựng lại, tất cả đều là tài liệu học tập rất hữu ích. Thông qua việc vận dụng nhiều hình thức ngôn ngữ, tấu nói đã thể hiện một thế giới hài hước. Chúng ta cũng có thể vận dụng lối kể chuyện này để làm cho câu chuyện của mình trở nên hình tượng và sống động hơn.
Bình thư - môn nghệ thuật tràn đầy trí tuệ
Nghệ thuật bình thư mang đầy tính câu chuyện và tính văn học. Nó cũng là một loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời và được nhiều người yêu thích.
Bình thư xuất hiện vào thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, hàng trăm học giả thuộc những trường phái khác nhau đã đi chu du khắp các nước để du thuyết về những vị quân vương. Họ trích dẫn các tác phẩm kinh điển và các câu chuyện lịch sử để minh họa và củng cố cho quan điểm của bản thân. Hình thức phân tích văn học này chính là bình thư vào thời kỳ đầu. Sau một thời gian dài phát triển, nó đã trở thành một môn nghệ thuật như ngày nay.
Nội dung của nghệ thuật bình thư chủ yếu dựa trên lịch sử và những câu chuyện kinh điển, trong đó nguồn tư liệu thường xuyên được trích dẫn là bốn đại kiệt tác của Trung Quốc, bao gồm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Thủy Hử của Thi Nại Am và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Vì tính đặc thù nên xem bình thư có thể giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử và tích lũy tư liệu để kể chuyện.
Cấu trúc tường thuật và cách xây dựng cốt truyện của nghệ thuật bình thư có thể nói là rất đặc biệt. Bình thư được cấu thành từ rất nhiều nội dung có dung lượng khác nhau, mỗi nội dung sẽ có nhiệm vụ riêng. Ngôn ngữ và động tác khi trình diễn các nội dung này kết hợp với phương thức kể chuyện có thể khơi dậy sự tò mò của khán giả và khiến họ đắm chìm theo từng tình tiết của câu chuyện.
Bình thư là một hình thức diễn xướng tinh vi, vừa có tính hài hước mà vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Tìm hiểu về nghệ thuật bình thư có thể giúp chúng ta tích lũy những tư liệu lịch sử phong phú và nâng cao sức hấp dẫn cho các bài diễn thuyết và các câu chuyện.
Tiểu phẩm - môn nghệ thuật mới
Tiểu phẩm là một môn nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng với tấu nói và bình thư, nhưng nó lại chú trọng đến tính “diễn” nhiều hơn. Tiểu phẩm sân khấu thường được biểu diễn trong chương trình Gala Hội xuân của Trung Quốc, là một loại hình nghệ thuật mới và rất được khán giả yêu thích.
Tiểu phẩm Hôm qua, hôm nay, ngày mai do ba nghệ sĩ Triệu Bản Sơn, Tống Đan Đan và Thôi Vĩnh Nguyên biểu diễn, trong đó nhân vật người dẫn chương trình do Thôi Vĩnh Nguyên thủ vai đã yêu cầu cặp vợ chồng nông thôn do Triệu Bản Sơn và Tống Đan Đan đóng rằng hãy “nhớ về ngày hôm qua, bàn luận về ngày hôm nay và hướng tới ngày mai”. Triệu Bản Sơn đáp lời: “Hôm qua, tôi đã chuẩn bị suốt đêm ở nhà; hôm nay, tôi tham gia chương trình này; ngày mai, tôi sẽ quay về. Cảm ơn!” Khán giả ngay lập tức bật cười khi anh vừa dứt lời.
Trong tiểu phẩm này, các diễn viên đã sử dụng ngôn ngữ vừa đời thường vừa dung dị, cộng thêm những động tác cơ thể phù hợp với bối cảnh, tính cách nhân vật, giúp cho tiết mục tràn ngập tiếng cười và để lại dư âm trong lòng khán giả.
Mặc dù tiểu phẩm xuất hiện chưa lâu, nhưng loại hình nghệ thuật này mang nhiều nét riêng biệt.
Đầu tiên, nội dung của nó thường ngắn gọn, hàm súc, tình tiết không nhạt nhòa nhưng cũng không quá phức tạp, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa tiểu phẩm và các loại hình nghệ thuật khác. Tiểu phẩm không cần sự tinh tế một cách thái quá, nhưng cũng không được quá mức khô khan. Nó không có sự tùy ý và phóng khoáng như tấu nói, cũng không mang tính lịch sử như bình thư. Nó chỉ là một tác phẩm nhỏ giúp mang lại tiếng cười cho khán giả.
Thứ hai, hài hước và vui nhộn. Tiểu phẩm không có quá nhiều tình tiết, mục đích của nó là trình bày những câu chuyện thú vị để gây cười cho khán giả thông qua các chủ đề giản dị, thân thuộc. Nội dung của tiểu phẩm phần lớn là những câu chuyện thường nhật, gần gũi với cuộc sống, được thể hiện dưới góc nhìn mới lạ nên có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ.
Thứ ba, mặc dù ngụ ý của nghệ thuật của tiểu phẩm không sâu sắc như tấu nói hay bình thư, nhưng nó cũng đóng vai trò chỉ ra những thói hư tật xấu của con người và diễn tả cảnh đời bình dị. Nó châm biếm những hiện tượng xã hội xấu đang tồn tại dưới lăng kính hài hước, đây chính là yếu tố cốt lõi của tiểu phẩm.
Khi xem tiểu phẩm, chúng ta thường rất thích thú với những động tác và biểu cảm của nhân vật trong đó. Nếu lồng ghép những yếu tố này khi kể chuyện và sắp xếp lại một chút, chúng sẽ mang lại hiệu quả thị giác cho câu chuyện, giúp nó trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
6
THÓI QUEN 6: TẬN DỤNG SỰ TIỆN ÍCH CỦA POWERPOINT
"Một bản PowerPoint có thiết kế đẹp mắt có thể thu hút sự chú ý của khán giả, giúp truyền tải hiệu quả tinh thần và nội dung của bài thuyết trình hay câu chuyện"
PowerPoint - nhân tố góp phần tạo nên thành công của iPhone
Hiện nay, Apple chính là một trong những công ty công nghệ thành công nhất trên thế giới. Họ không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng như các công ty khác, mà họ còn theo đuổi một phong cách mới mẻ và cố gắng cung cấp cho người dùng những khả năng không giới hạn. Ở một vài khía cạnh, Apple đã làm được điều đó và doanh số của hãng đã tăng rất cao trong những năm gần đây. Mỗi khi một phiên bản mới của các sản phẩm Apple được ra mắt, bên ngoài các cửa hàng của hãng sẽ có một hàng dài người xếp hàng chờ mua, thậm chí còn có những người đã chờ từ đêm hôm trước.
Doanh số tăng vùn vụt của iPhone đã thu hút sự chú ý của thế giới, một tạp chí IT nổi tiếng của Mỹ đã có bài viết phân tích hiện tượng này, nhưng kết quả lại thật bất ngờ. Bài báo cho biết thành công của iPhone đến từ bốn lý do chính, bao gồm niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của Apple, hình tượng cá nhân của Steve Jobs với biệt tài diễn thuyết trước công chúng, thiết kế của iPhone và mức độ quan tâm của người dùng. Một nghiên cứu tương tự của Trung tâm Nghiên cứu Pew – một cơ quan thăm dò dư luận của Mỹ, cho thấy rằng Apple chiếm một số lượng lớn tin tức trên các kênh thông tin, hơn hẳn các công ty khác. Năm 2009, tin tức về Apple chiếm 15,1% tổng số tin tức về các công ty công nghệ của Mỹ, trong khi Google chiếm 11,4% và Microsoft chỉ chiếm 3%.
Hình tượng cá nhân của Steve Jobs với biệt tài diễn thuyết tưởng như chẳng hề liên quan đến doanh số sản phẩm của Apple, nhưng trên thực tế hai yếu tố này lại có mối quan hệ mật thiết.
Bất cứ khi nào Apple tổ chức họp báo ra mắt sản phẩm mới, Jobs luôn đích thân giới thiệu về sản phẩm và kể những câu chuyện về quá trình thiết kế, sản xuất nó, để công chúng hiểu một cách toàn diện về sản phẩm. Trong buổi họp báo, Jobs sẽ sử dụng PowerPoint để giới thiệu cụ thể các tính năng của sản phẩm, đồng thời lồng ghép vào đó những thông tin thú vị về nó. Chính nhờ những câu chuyện này, buổi họp báo của Apple lúc nào cũng rất cuốn hút và ấn tượng.
Ngược lại, trong các buổi họp báo ra mắt sản phẩm của các thương hiệu khác, hầu hết nhân viên kỹ thuật chỉ giải thích về chức năng, công nghệ của sản phẩm, chứ không giới thiệu về thiết kế và các câu chuyện hậu trường đằng sau. Chính điều này đã tạo cho công chúng cảm giác khô khan và buồn chán.
Bài phát biểu của Jobs luôn tràn đầy sức hút và là hình mẫu để nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới học hỏi. Người ta đã phân tích và phát hiện ra rằng “vũ khí ma thuật” của Jobs chính là PowerPoint.
Khi có một ý tưởng hoặc muốn kể một câu chuyện, bạn có thể sử dụng PowerPoint để trình bày về nó. Công cụ này sẽ giúp bạn ghi nhớ những điểm chính, làm phong phú nội dung, đồng thời thu hút sự chú ý của khán giả. Đây là một công cụ hữu ích đối với người mới bắt đầu học kể chuyện. Nhưng PowerPoint không phải là phương pháp có thể áp dụng cho tất cả các tình huống, nó phù hợp nhất với những bài diễn giảng. Trong tình huống này, chúng ta có thể sử dụng PowerPoint để kể một câu chuyện, qua đó giúp những người tham dự cảm thấy thư giãn hơn.
Bí quyết thiết kế PowerPoint của Steve Jobs
PowerPoint là công cụ trình chiếu thông tin có tính trực quan, vì vậy cần đề cao yếu tố thẩm mỹ. Một bản PowerPoint có thiết kế đẹp mắt có thể thu hút sự chú ý của khán giả và giúp truyền tải hiệu quả tinh thần và nội dung của bài thuyết trình hay câu chuyện.
Bản PowerPoint giới thiệu sản phẩm của Steve Jobs thường ngắn gọn và có nội dung rõ ràng. Những màu sắc mà Jobs lựa chọn cũng cực kỳ khiêm tốn, ông thường sử dụng màu xanh xám làm màu nền – một sắc màu biểu tượng của iPhone, chữ màu trắng và chèn thêm hình ảnh.
Đây là phong cách thiết kế PowerPoint theo trường phái tối giản, cách phối màu đơn giản giúp nội dung chữ và hình ảnh trở nên nổi bật hơn. Một bản PowerPoint đơn giản sẽ mang tới cho khán giả không gian tưởng tượng rộng lớn hơn. Chỉ cần một vài dòng thuyết minh và một vài hình ảnh là có thể kích hoạt trí tưởng tượng không giới hạn và khơi dậy sự nhiệt tình của khán giả.
Người ta kể rằng trước khi tiến hành thiết kế bản PowerPoint giới thiệu sản phẩm, Steve Jobs sẽ lấy một tờ giấy trắng và viết ra tất cả những thông tin mà ông muốn đề cập. Bước này sẽ giúp các công đoạn tiếp theo của bạn trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Sau đó, hãy đặt mình vào vị trí của khán giả để suy luận những điều họ muốn, sử dụng những câu từ đơn giản nhất để giải thích nhu cầu của họ, từ đó thuyết minh cho quan điểm của bản thân, như vậy bài diễn thuyết của bạn sẽ đạt được hiệu quả gấp bội.
Trong quá trình thiết kế bản PowerPoint, nhiều người thường có thói quen trình bày rất nhiều luận điểm trong một trang, có khi là bốn, năm, thậm chí là bảy, tám gạch đầu dòng. Điều này rất dễ khiến khán giả bị choáng ngợp, vì vậy chúng ta cần cố gắng kiểm soát sao cho mỗi trang PowerPoint chỉ có khoảng ba luận điểm mà thôi.
Thông thường, một bản PowerPoint sẽ bao gồm hai phần: văn bản và hình ảnh. Văn bản phải ngắn gọn nhất có thể và sử dụng càng nhiều hình ảnh càng tốt. Đừng đánh giá thấp sức hấp dẫn của hình ảnh, khán giả thường chú ý đến hình ảnh hơn là lời nói, từ đó giúp bài diễn thuyết để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong lòng khán giả. Chúng ta nên tận dụng điều này để làm cho bản PowerPoint trở nên hấp dẫn hơn.
Số trang của PowerPoint không nên quá nhiều hoặc quá ít, trong khoảng mười trang sẽ mang lại hiệu quả trình chiếu tốt nhất. Trong quá trình diễn thuyết, không nên nhắc lại nội dung đã có trên PowerPoint mà nên sử dụng các câu chuyện khác để bổ sung cho nó.
Ví dụ: Lịch sử là một môn học tương đối khô khan. Ký ức của rất nhiều học sinh về bộ môn này chỉ là những nội dung mà các em phải học thuộc lòng, tuy nhiên sử dụng PowerPoint có thể giúp học sinh tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn. Các giáo viên có thể trình chiếu bản PowerPoint gồm những hình ảnh về một sự kiện lịch sử nào đó, mỗi hình ảnh kèm theo một chú thích ngắn gọn giải thích về tình huống đang xảy ra. Thông qua những thông tin và hình ảnh này, học sinh có thể dễ dàng hiểu và ghi nhớ các sự kiện lịch sử mà không cần phải học thuộc lòng bài học trong sách giáo khoa.
Với ngôn từ ngắn gọn và hình ảnh sinh động, những câu chuyện được kể theo cách này có sức sống hơn rất nhiều so với những lời thuyết minh dài dòng, khô khan. Trong nhiều trường hợp, một bản PowerPoint đơn giản có thể giúp bạn gặt hái những thành công bất ngờ.
7
THÓI QUEN 7: ĐẦU TƯ CHO NHỮNG CHI TIẾT GÂY CƯỜI
"Chi tiết gây cười là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một câu chuyện cười, nó là linh hồn và cũng là chìa khóa để làm nên câu chuyện ấy"
Truyện cười chính là những câu chuyện được yêu thích nhất và dễ dàng gây ấn tượng với khán giả nhất. Tiếng cười giúp giải tỏa cảm xúc, điều này rất có lợi đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Chi tiết gây cười là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một câu chuyện cười, nó là linh hồn và cũng là chìa khóa để làm nên câu chuyện ấy.
Chú ý đến những chi tiết gây cười
Tình tiết câu chuyện thường sẽ quanh co, phức tạp, khó ghi nhớ, ngược lại, những điểm gây cười thì ít hơn, đơn giản hơn và cũng dễ gây ấn tượng hơn. Những chi tiết này là điểm nhấn quan trọng nhất của câu chuyện, nó sẽ mang lại tiếng cười cho khán giả và khiến họ nhớ mãi về câu chuyện ấy.
Trong các câu chuyện hài hước, những chi tiết gây cười thường tập trung ở những câu cuối. Chúng được lồng ghép vào đó để thể hiện diễn biến bất thường của câu chuyện ở phần này. Khi kể chuyện, những chi tiết ấy được làm nổi bật bằng các biểu hiện như đột ngột tăng âm lượng, thay đổi giọng điệu, thay đổi tốc độ nói hoặc thậm chí diễn tả bằng hành động và ánh mắt. Điều này sẽ thu hút sự chú ý của khán giả, khiến họ bất ngờ và bật cười thích thú.
Phần kết của câu chuyện cười tuyệt đối không được sắp xếp một cách rườm rà, chỉ khi nào chúng ta thành công nắm bắt thời cơ để khơi gợi tiếng cười thì mới có thể khiến người nghe bật cười sảng khoái. Nên dành nhiều dung lượng cho những chi tiết gây cười, ngược lại, những tình tiết không có gì đặc sắc thì nên miêu tả càng ít càng tốt.
Làm chủ bản thân khi kể chuyện cười
Truyện hài khác với những thể loại truyện khác, do người kể đã biết trước cái kết nên họ thường hay để lộ những chi tiết gây cười, và thường tự bật cười trước khi khán giả kịp cảm nhận về chúng. Đây là điều tối kỵ khi kể truyện cười vì nó sẽ làm giảm tác dụng của các yếu tố gây cười đi rất nhiều.
Người kể chuyện nhất định phải quản lý biểu cảm của bản thân, không để biểu cảm tiết lộ trước cho khán giả tình tiết sắp tới của câu chuyện. Chúng ta cần để người nghe đón nhận yếu tố gây cười một cách tự nhiên, từ đó đưa ra những phản hồi chân thực nhất. Sau khi khán giả dứt cơn cười, người kể cũng nên phản hồi lại cho khán giả bằng một biểu cảm hài hước. Đây không chỉ là điểm quan trọng trong câu chuyện cười mà còn là một dạng “lễ nghi” của người kể.
Cười sau khi khán giả đã cười cũng là một kỹ năng kiểm soát tình huống. Người kể phải biết làm chủ hành động của bản thân và điều hướng tình huống. Nắm bắt tốt kỹ năng này có thể giúp bạn kích hoạt trí tò mò và nhiệt tình lắng nghe của khán giả.
Một trong những lý do giúp thầy Vu Khiêm trở thành một diễn viên tấu nói xuất sắc là bởi ông có khả năng kiểm soát tình huống rất tốt. Quách Đức Cương có kể rằng trước kia khi hai người đi diễn ở nước ngoài, lúc lên sân khấu biểu diễn tiết mục Anh phải hát lên, thầy Vu Khiêm đã đặt câu hỏi và truy vấn liên tục, cuối cùng mới vỡ lẽ rằng Quách Đức Cương từ đầu đến cuối toàn khoác lác, chi tiết này đã khiến khán giả bật cười ngặt nghẽo. Trên thực tế, tiết mục tấu nói này đã được biểu diễn rất nhiều lần trong những dịp khác nhau, nhưng thầy Vu Khiêm vẫn diễn như thể lần đầu tiên. Đây là kỹ năng làm chủ tình huống rất tốt, không tiết lộ yếu tố gây cười, cũng không thể hiện sự nhàm chán, như vậy sẽ khiến người xem càng cảm thấy thích thú hơn, và đó cũng là sự tôn trọng dành cho khán giả.
Không tiết lộ trước tình tiết gây cười cho thấy kỹ năng làm chủ sân khấu của người kể. Đây cũng là một thủ pháp “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, khiến khán giả háo hức lắng nghe toàn bộ câu chuyện và phá lên cười khi nghe tới chi tiết hài hước. Nếu làm được như vậy, sẽ không ai có thể từ chối câu chuyện của bạn.
Nguyên tắc xây dựng chi tiết gây cười
Mặc dù các câu chuyện cười thường ngắn gọn và đòi hỏi kỹ năng kiểm soát tình huống, nhưng điều đó không có nghĩa là người kể phải tự biên tự diễn một mình. Một số truyện cười có nhiều đoạn hội thoại để tung hứng với bạn bè, qua đó mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Khi có từ hai nhân vật trở lên, để bạn bè cùng tham gia cũng có thể giúp hình ảnh cá nhân của nhân vật trở nên khác biệt và sống động hơn.
Vị trí của chi tiết gây cười phải được bố trí sao cho phù hợp, nếu cứ giấu mãi sẽ khiến khán giả cảm thấy mất kiên nhẫn và bực bội, còn nếu khán giả chưa kịp hiểu tình tiết mà đã nhắc tới điểm gây cười thì cũng không thể có được hiệu quả như mong đợi. Giúp khán giả tự cảm nhận chi tiết hài hước và có thể bật cười ngay lập tức, đó mới được xem là một câu chuyện cười thành công.
Khi kể truyện cười, giọng nói của chúng ta cần phải rõ ràng, tốc độ vừa phải, không quá gấp gáp, cũng không quá chậm chạp. Cũng cần chú ý đến khả năng tiếp thu của khán giả, hãy kể một số câu chuyện cười gần gũi với cuộc sống của họ. Người kể chuyện cũng nên cố gắng hạn chế việc chế giễu người khác. Kể một câu chuyện cười lành mạnh, tích cực cũng là một phẩm chất mà chúng ta nên duy trì.
Ngoài ra, cần tuân thủ các quy tắc sau trong quá trình kể truyện cười:
1. Đầu tiên, đừng lặp lại chi tiết gây cười. Mặc dù một số tình tiết thực sự rất thú vị và hài hước, nhưng chỉ một lần là đủ. Những tiếng cười lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ chỉ khiến khán giả cảm thấy buồn tẻ, nhàm chán và mất đi sự hứng thú ban đầu.
2. Thứ hai, hãy kể chuyện sao cho khán giả có thể bật cười một cách tự nhiên. Những yếu tố hài hước mang tính khiên cưỡng chẳng những không thể khuấy động bầu không khí mà còn khiến bản thân người kể cảm thấy ngại ngùng. Nếu người kể không chú ý đến bối cảnh và khán giả, hiệu quả gây cười sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí còn khiến khán giả khó chịu.
3. Thứ ba, các đối tượng khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau. Một câu chuyện cười khiến người này cảm thấy thích thú thì chưa chắc đã khiến người khác thấy thú vị. Mỗi người đều có những mối quan tâm, phông kiến thức, khả năng lý giải và tiếp nhận khác nhau, vì vậy tất nhiên quan niệm về các yếu tố hài hước của họ cũng sẽ khác nhau. Đối với từng nhóm khán giả, học cách điều chỉnh những tình tiết gây cười sẽ giúp câu chuyện của bạn nổi bật hơn.
4. Thứ tư, truyện cười phải có tính sáng tạo. Chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những câu chuyện cười trong cuộc sống, nhưng lặp đi lặp lại một nội dung sẽ không thể khiến người nghe cảm thấy hài hước. Tính độc đáo là sức sống vĩnh viễn của một câu chuyện cười, và tiến hành cải biên một cách phù hợp cũng có thể khiến một câu chuyện cũ bừng lên sức sống mới.
5. Thứ năm, sự “sắp đặt có chủ đích” chính là điểm mấu chốt. Chìa khóa của một câu chuyện cười là chi tiết gây cười. Cố tình thả chậm giọng điệu khi kể chuyện có thể khuếch đại tác dụng của điểm gây cười này.
Truyện cười là gia vị thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và là một thủ pháp kể chuyện hiệu quả. Chúng ta nên học cách sử dụng những câu chuyện cười để điều tiết cuộc sống, thư giãn đầu óc và mang lại niềm vui cho khán giả.
CÂU CHUYỆN
Mary Mikel - nữ hoàng Internet
Mary Mikel được mệnh danh là nữ hoàng Internet. Bà khởi nghiệp ở Phố Wall, từ một nhân viên bình thường đã nỗ lực vươn lên và trở thành nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực Internet. Sau đó, vì sự thất bại của các công ty Internet, bà trở thành kẻ thù truyền kiếp của Phố Wall. Câu chuyện lập nghiệp của Mary Mikel có thể nói là hết sức thăng trầm, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều bài học quý giá.
Năm 1982, Mikel trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới có máy tính riêng. Ở tuổi 33, bà trở thành nhà phân tích của ngân hàng đầu tư kiêm công ty chứng khoán Morgan Stanley tại Mỹ.
Đầu những năm 1990, Internet dần phát triển như vũ bão, các quốc gia liên tiếp ban hành nhiều chính sách và quy định về Internet, và Morgan Stanley cũng bắt đầu chú ý đến lĩnh vực này. Vào thời điểm đó, Internet vẫn là một điều xa lạ, và công chúng biết rất ít về nó.
Morgan Stanley đã tìm tòi và tích lũy được nhiều hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này, sau khi phân tích kỹ lưỡng và thảo luận về triển vọng nó, họ đã quyết định gia nhập ngành Internet và giao nhiệm vụ này cho Mary Mikel.
Vào ngày 7 tháng 5 năm 1994, Thời báo New York đã đăng một bài viết về việc công ty máy tính Netscape tập trung mũi nhọn kinh doanh vào lĩnh vực Internet. Từ bài báo này, Mikel biết đến Netscape, trong quá trình liên hệ với công ty, bà chú ý đến một sản phẩm do Netscape phát triển – trình duyệt đồ họa. Bằng trực giác của mình, bà tin rằng dự án này rất có khả năng thành công. Dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của bà, Morgan Stanley đã đầu tư vào Netscape và nhanh chóng giúp công ty này lên sàn chứng khoán.
Vào tháng 2 năm 1996, tập sách có tên Báo cáo về Internet bất ngờ trở nên phổ biến ở Phố Wall và Thung lũng Silicon. Báo cáo dày hơn 300 trang này chứa một số lượng lớn các biểu đồ và dữ liệu mô tả sự phát triển và triển vọng của Internet. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Internet ra đời, người ta phân tích nó một cách có hệ thống như đối với một ngành công nghiệp. Tác giả của tập sách này là Mary Mikel, và bản báo cáo này cũng được coi như “Kinh Thánh” của ngành Internet.
Trong bản báo cáo, Mikel đã đưa ra một dự đoán rất táo bạo, bà cho rằng trong vài năm tới, “số lượng người dùng Internet sẽ tăng với tốc độ trung bình cứ bảy giây lại có một người mới sử dụng. Đến năm 2000, Internet sẽ hình thành một thị trường khổng lồ với 150 triệu người dùng”. Trong báo cáo, Mikel đã sử dụng nhiều thuật ngữ mới để phân tích dữ liệu Internet.
Tập sách nhỏ này được độc giả săn lùng ráo riết và nó cũng giúp làm nên tên tuổi của Mikel. Bà được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ phận Phân tích Kỹ thuật Chứng khoán của Morgan Stanley, trở thành một nhà phân tích Internet nổi tiếng và tạo dựng một sự nghiệp mới ở Phố Wall.
Trong hai năm sau đó, Mikel không hề nhàn rỗi, bà tiếp tục nghiên cứu về Internet và lần lượt công bố hai báo cáo, một về quảng cáo trên Internet và một về thương mại điện tử. Trong các báo cáo, bà cũng dự đoán sự bùng nổ của rất nhiều trang web cũng như xu hướng tăng giá cổ phiếu của các công ty có nền tảng Internet như Amazon, Yahoo và eBay.
Năm 1998, tạp chí tài chính Barron’s gọi bà là “Nữ hoàng Internet”. Năm 1999, tạp chí Fortune đánh giá Mikel là “Nhà tiên tri của Internet” và liệt bà vào danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới với vị trí thứ ba. Thời báo Phố Wall so sánh bà với Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan và vị thần chứng khoán Warren Buffett, nhận định rằng ba người họ chính là “ba động lực chính” ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường thế giới. Kể từ đó, Mary Mikel thực sự trở thành nữ minh tinh trên Phố Wall.
Vào thời điểm đó, công việc gần như chi phối cuộc sống của Mikel, bà trở nên rất bận rộn và thường xuyên phải đi công tác. Doanh nhân nào muốn nói chuyện dù chỉ một, hai câu với Mikel trên máy bay cũng là điều xa xỉ, vì bà phải giải quyết công việc ngay tại đó. Khi tập đoàn truyền thông Viacom muốn mời Mikel tham gia phát biểu tại một hội nghị kéo dài 90 phút, họ đã phải điều một chiếc máy bay phản lực đưa bà tới điểm hẹn cũng như trở về nhà.
Mikel đã trở thành người phát ngôn của Internet, vô số công ty xếp hàng dài để nhờ bà chỉ đường dẫn lối. Thật không may, một lần nọ do thời gian quá gấp rút, Mikel đã đưa báo cáo của mình cho một nhà phân tích cấp dưới vẫn còn non tay, chính người này đã làm hỏng nhiều ý tưởng quý giá của bà. Ngoài ra, những năm gần đây, dù rất bận rộn nhưng chất lượng công việc của Mikel không được cải thiện cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bà.
Mãi cho đến khi bong bóng Internet phát nổ vào năm 2000, Mikel mới nhận ra rằng thế giới ảo đã thay đổi rất nhiều mà bà không hề hay biết. Trong cuộc khủng hoảng này, bà trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng và bị các nhà đầu tư Phố Wall kiện ra tòa. Mặc dù cuối cùng Mikel không bị xử tội, nhưng hình tượng của bà đã sụt giảm thê thảm, và những tin tức tiêu cực khác cũng liên tiếp ập tới.
Chỉ trong vòng vài năm, Mary Mikel đã từ một nhân viên bình thường trở thành “Nữ hoàng Internet”, để rồi cuối cùng đánh mất khả năng phán đoán nhạy bén trong mớ hỗn độn của công việc bận rộn. Câu chuyện của Mikel có nhiều bước ngoặt, khi mọi người nghĩ rằng bà sẽ trở thành một phép màu của Internet, thì bà lại phá vỡ mong đợi ấy. Mikel dựa vào Internet để đạt được thành tựu của riêng mình và giúp Morgan Stanley làm nên tên tuổi, nhưng bà đã quá chú ý đến lợi ích kinh doanh và bỏ qua danh tính là một nhà phân tích của mình. Do đó, bà đã vấp phải “sự kiện Waterloo1” trong sự nghiệp của mình.
1 Waterloo: Trận đánh diễn ra vào ngày Chủ Nhật 18-6-1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc nước Bỉ ngày nay. Đại quân Pháp (La Grande Armée) dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoléon I đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy, bao gồm quân Anh và đồng minh do Thống chế Arthur Wellesley, Công tước thứ nhất của Wellington chỉ huy và quân Phổ do Thống chế Gebhard von Blücher dẫn đầu. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch Waterloo và cũng là trận đánh cuối cùng của Napoléon. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và Vương triều 100 ngày của ông.
Trên thực tế, có rất nhiều câu chuyện tương tự như của Mikel, có những người tỏa sáng nhờ Internet, nhưng cuối cùng lại bị chính nó gạt ra ngoài lề. Sự phát triển của Internet đã mang đến rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, đồng thời cũng tạo điều kiện để chúng ta kể những câu chuyện của riêng mình. Với những công cụ này, kể chuyện đã trở thành một công việc đơn giản và thú vị.