Trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, kể chuyện là một cách hay để ứng viên thể hiện thế mạnh của bản thân. Hãy tận dụng cơ hội này để chạm tay tới công việc mà bạn luôn mơ ước
1
GIỚI THIỆU BẢN THÂN BẰNG CÂU CHUYỆN
Giới thiệu bản thân bằng câu chuyện giúp mọi người hiểu khái quát về bạn và nhớ đến bạn
Phương pháp giới thiệu bằng cách kể chuyện
Trong buổi gặp gỡ hay phỏng vấn, chúng ta thường cần giới thiệu về bản thân, thông thường sẽ trình bày chung chung về tên tuổi, nghề nghiệp, tính cách... Trên thực tế, chúng ta giới thiệu bản thân là để người khác hiểu một cách khái quát về mình, nhưng quan trọng hơn là để mọi người nhớ đến mình.
Trong quá trình này, mấu chốt là làm cho đối phương cảm thấy hứng thú với bạn. Phương pháp tự giới thiệu thông qua câu chuyện có thể khơi dậy sự quan tâm của đối phương và thôi thúc họ giao tiếp với bạn. Một ưu điểm khác của phương pháp này là nó có thể giúp giảm thiểu sự phản cảm của người nghe nhiều nhất có thể, nới rộng sự kiên nhẫn và họ sẽ sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của bạn. Sự tò mò và nhẫn nại của mọi người đối với những câu chuyện luôn nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Thay vì những lời giới thiệu rập khuôn và khô khan, những câu chuyện ngắn và đơn giản lại trở nên đặc biệt và có thể thu hút sự chú ý của người khác.
Giới thiệu bằng câu chuyện không phải là kể chuyện theo kiểu thao thao bất tuyệt, mà là giới thiệu bản thân một cách chân thực, chuyển hóa những trải nghiệm cá nhân thành một câu chuyện, thể hiện tính cách hoặc khả năng một cách phù hợp để đối phương nhận ra ưu điểm của mình. Mặc dù phương pháp tự giới thiệu này là một hành vi có mục đích, nhưng sau khi chúng ta “thêm mắm dặm muối” bằng một mạch truyện hợp lý sẽ tạo ra một đường dẫn đi thẳng vào tâm trí đối phương, người nghe sẽ không cảm nhận được điều này, và chúng ta sẽ đạt được mục đích giới thiệu của mình.
Câu chuyện trong đơn ứng tuyển
Các sinh viên đại học thường có tâm lý sợ tìm việc, vừa không muốn thất nghiệp nhưng lại cũng không dám nộp đơn ứng tuyển vào các công ty. Thực chất “săn việc” không đáng sợ như vậy, nó chỉ là một phương thức để giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng, để họ biết về bạn và năng lực của bạn. Nếu thể hiện tốt thì bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội, nếu không tốt thì bạn sẽ biết mình còn thiếu sót ở đâu để kịp thời sửa chữa.
Sử dụng những câu chuyện để giới thiệu về bản thân sẽ là một điểm cộng, bạn có thể trình bày về năng lực và tính cách của mình theo cách thật mới lạ, từ đó giành lấy sự công nhận của đối phương.
Đơn ứng tuyển là viên gạch lát đường cho bất cứ ai muốn tìm việc. Một chiếc CV cho thấy kỹ năng của bạn phù hợp với yêu cầu của công việc, với văn hóa của công ty, đồng thời thể hiện sự khác biệt của bạn sẽ mang về cho bạn cơ hội phỏng vấn tiếp theo. Những đơn ứng tuyển theo kiểu rập khuôn “nghìn cái như một” thường sẽ bị các nhà tuyển dụng bỏ qua đầu tiên.
Khi kể một câu chuyện trong đơn ứng tuyển, bạn cần chú ý những điểm sau:
1. Thông tin cá nhân cơ bản là rất cần thiết, có thể giúp công ty hiểu sơ bộ về ứng viên.
2. Câu chuyện trong đơn ứng tuyển cần phản ánh năng lực của ứng viên và đóng vai trò là những thông tin giới thiệu thêm. Vì vậy, bạn có thể chọn một câu chuyện nhỏ trong công việc hoặc cuộc sống để thể hiện năng lực làm việc hoặc tính cách của mình.
3. Câu chuyện trong đơn ứng tuyển nên đơn giản, đây là điểm quan trọng nhất. Bộ phận nhân sự phải tiếp nhận rất nhiều đơn ứng tuyển mỗi ngày, họ không có thời gian để đọc những chi tiết dài dòng, vì vậy câu chuyện của bạn phải càng ngắn gọn càng tốt.
4. Sử dụng câu từ độc đáo hoặc cách diễn đạt phù hợp trong câu chuyện để tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng.
Câu chuyện trong cuộc phỏng vấn
Sau khi đơn ứng tuyển được thông qua, công ty sẽ thông báo để bạn đến phỏng vấn trực tiếp. Nếu đơn ứng tuyển là viên gạch lát đường thì buổi phỏng vấn chính là chìa khóa mở cánh cửa bước chân vào công ty. Đây có thể là lần đầu tiên công ty thực sự nhìn thấy bạn, một vẻ ngoài chỉn chu và phong thái điềm tĩnh, tự tin sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt đối phương.
Có rất nhiều câu hỏi mà bạn cần chú ý trong buổi phỏng vấn, nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết ở đây. Thông thường, đầu tiên các công ty sẽ yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân, hoặc đặt câu hỏi dựa trên đơn ứng tuyển.
Khi giới thiệu bản thân, bạn có thể tiếp tục sử dụng câu chuyện trong đơn ứng tuyển. Đừng đọc nguyên văn. Hãy tóm lược ngắn gọn những gì bạn đã đề cập, sau đó kể diễn biến tiếp theo của nó để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh và mạch lạc, từ đó khắc sâu ấn tượng của nhà tuyển dụng đối với bạn. Ngoài ra, bạn có thể tùy biến câu chuyện trước đó hoặc kể thêm những câu chuyện ngắn gọn khác cho phù hợp với câu hỏi phỏng vấn.
Trong các cuộc phỏng vấn, kể chuyện là một cách hay, nhưng bạn phải trả lời rõ ràng và đúng trọng tâm các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nếu người phỏng vấn đã đưa ra tất cả các câu hỏi mà không có chỉ dẫn gì thêm, bạn có thể xin phép họ để kể câu chuyện của riêng mình, tận dụng mọi cơ hội để gây ấn tượng và nắm lấy chiếc chìa khóa ứng tuyển thành công.
Giới thiệu bản thân tại nơi làm việc
Sau khi chính thức trở thành nhân viên của công ty, bạn sẽ phải đối mặt với tình huống tự giới thiệu bản thân tại nơi làm việc.
Ngày đầu tiên đến cơ quan, chắc chắn bạn sẽ có một màn chào hỏi các đồng nghiệp mới. Có thể mỗi người đều đang bận rộn giải quyết công việc riêng, vì vậy lúc này bạn không nên làm mất thời gian của họ, chỉ cần giới thiệu chung chung và mong mọi người giúp đỡ, chỉ bảo là được. Một tình huống khác là khi trò chuyện với đồng nghiệp để họ hiểu hơn về bạn. Kiểu giao lưu này thường xoay quanh các chủ đề “công ty cũ”, “kinh nghiệm sống”, “lý do chuyển sang công ty hiện tại”… Bạn có thể giới thiệu vắn tắt những điểm này qua một câu chuyện ngắn gọn, không phiến diện để nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp và môi trường làm việc mới.
Trong lần đầu gặp gỡ đồng nghiệp, có thể là một khung cảnh tương đối sang trọng, sẽ thật không phù hợp nếu chúng ta tự giới thiệu thông qua câu chuyện, bởi như vậy dễ khiến mọi người thấy phản cảm, nghĩ rằng bạn thích thể hiện và nịnh bợ lãnh đạo.
2
CÂU CHUYỆN NHỎ, THƯƠNG VỤ LỚN
"Câu chuyện tuy nhỏ nhưng giúp các nhãn hàng mang về doanh thu không hề nhỏ"
Tại sao lại là câu chuyện nhỏ?
Trong marketing, các chi tiết nhỏ càng có thể gây ấn tượng mạnh. Trong những bộ phim hay quảng cáo, chính những tình tiết nhỏ mới thực sự chạm đến cảm xúc của người xem. Những câu chuyện nhỏ tuy không hấp dẫn như câu chuyện thương hiệu, nhưng lại rất dễ khơi gợi cảm xúc của người tiêu dùng, từ đó giúp chúng ta hoàn thành những thương vụ lớn.
Ví dụ về câu chuyện nhỏ
Trong chương trình giải trí Thử thách cực hạn đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình Trung Quốc vài năm trở lại đây, khách mời phải chơi trò chơi “Dùng đồ đổi đồ”. Ban đầu, chương trình chỉ cung cấp cho khách mời một cây tăm, cuối cùng thông qua rất nhiều cuộc trao đổi, khách mời đã mang về vật phẩm có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần. Tuy đây chỉ là một trò chơi đã được lên kịch bản, nhưng trong kinh tế học lại thực sự tồn tại những thực tế tương tự.
Một chai nước khoáng thường được bán với giá 2 nhân dân tệ. Nếu bạn có một câu chuyện ngắn để quảng cáo lợi ích của nước đối với cơ thể con người, bạn có thể bán nó với giá 5 nhân dân tệ. Nếu thêm vào đó câu chuyện của người đại diện thương hiệu và nhắm đến đối tượng mua hàng là người hâm mộ của họ, thì một chai nước có thể bán với giá 10 nhân dân tệ.
Những thương vụ tưởng chừng không hề có xảo thuật nào trong đó, thực tế lại có rất nhiều chiêu trò. Việc sử dụng một câu chuyện ngắn để nâng cao giá trị của sản phẩm chắc chắn là một giải pháp kinh doanh đơn giản và hiệu quả, vì câu chuyện tuy nhỏ nhưng giúp các nhãn hàng mang về doanh thu không hề nhỏ.
Đặc điểm của câu chuyện nhỏ
Trước hết, câu chuyện nhỏ sẽ tập trung vào các chi tiết, và các chi tiết được chọn phải mang tính đại diện, có thể thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong quá trình tiếp thị sản phẩm. Câu chuyện tiếp thị thì lại sử dụng các tình tiết lớn hoặc nội dung tổng thể để gây ấn tượng với người tiêu dùng. Dù là bức tranh lớn hay vấn đề nhỏ, các điểm nhấn trong câu chuyện cũng có sự khác biệt.
Thứ hai, câu chuyện nhỏ không cần dàn dựng những tình tiết kịch tính hay có nội dung phong phú như câu chuyện tiếp thị, mà chỉ cần có tính chân thực. Câu chuyện nhỏ tập trung vào sự thật nhưng không hoàn toàn mô tả lại thực tế cuộc sống, nó đề cập đến những việc có thể xảy ra trong đời thực, có tính lô-gíc và không mâu thuẫn. Tuyệt đối đừng phóng đại sự thật, điều này làm cho câu chuyện mất đi tính thuyết phục và gây hại cho người tiêu dùng.
Thứ ba, những nội dung trong câu chuyện nhỏ phải phù hợp với tình huống mà nó đang diễn tả, nghĩa là đáp ứng được thế giới quan và các giá trị của xã hội hiện thực.
Thứ tư, hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu cùng cung cấp một loại sản phẩm, vì vậy người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn. Đối với hai sản phẩm có chất lượng, giá cả, mẫu mã tương tự nhau, khách hàng thường có xu hướng mua sản phẩm của các thương hiệu lớn, đây chính là hiện thân của giá trị gia tăng trong marketing. Giá trị gia tăng có thể đáp ứng cả nhu cầu vật chất và tâm lý của người tiêu dùng, đồng thời cũng đại diện cho danh tính và địa vị của họ. Vì vậy việc sử dụng những câu chuyện nhỏ để gia tăng giá trị cho thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp mở ra các cơ hội tiêu thụ sản phẩm mới.
Cuối cùng, với tư cách là một phương pháp tiếp thị thông qua câu chuyện, việc gắn những câu chuyện nhỏ vào sản phẩm cũng phải nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu câu chuyện không thể thỏa mãn nguyện vọng của khách hàng, thì doanh nghiệp sẽ không thể khơi gợi mong muốn mua hàng của họ.
Câu chuyện nhỏ là phần mở rộng của câu chuyện thương hiệu
Các lãnh đạo thường sử dụng câu chuyện để giải thích các quy tắc và truyền tải tinh thần của doanh nghiệp, đồng thời các nhân viên cũng có thể vận dụng nó để tìm kiếm mục tiêu và thúc đẩy đội ngũ. Mục đích của câu chuyện thương hiệu là tạo dựng hình ảnh thương hiệu, làm nổi bật cá tính của thương hiệu và kết nối với người tiêu dùng. Còn câu chuyện tiếp thị sẽ định hướng người tiêu dùng, khiến họ cân nhắc và sẵn sàng móc hầu bao mua sản phẩm.
Rất tuyệt là câu chuyện nhỏ thể hiện tinh thần doanh nghiệp trên mọi khía cạnh, đồng thời nó là sự tiếp nối của tinh thần doanh nghiệp và câu chuyện thương hiệu. Tinh thần doanh nghiệp và câu chuyện thương hiệu mang tính vĩ mô, truyền tải đến người tiêu dùng hình tượng và văn hóa doanh nghiệp, đồng thời cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Còn mục đích của câu chuyện nhỏ là thúc đẩy gia tăng giá trị của sản phẩm.
3
XÂY DỰNG CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU CỦA RIÊNG MÌNH
"Giữa vô vàn sản phẩm cùng chủng loại, chính câu chuyện thương hiệu sẽ giúp cho sản phẩm của một doanh nghiệp trở nên nổi bật và gây ấn tượng với người tiêu dùng"
Mỗi công ty đều có thương hiệu riêng và được pháp luật bảo vệ. Hiệu ứng thương hiệu là chỉ số đo lường mức thành công của doanh nghiệp, hiệu ứng thương hiệu càng lớn thì khả năng bán được sản phẩm càng cao. Nhiều doanh nghiệp xuất sắc đã sử dụng câu chuyện thương hiệu để tạo dựng hình ảnh của họ, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mua hàng.
Hiệu ứng của câu chuyện thương hiệu
Dạo quanh một vòng các trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều loại sản phẩm khác nhau đến từ vô số thương hiệu. Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt nên sở thích của người tiêu dùng sẽ quyết định vận mệnh của các doanh nghiệp. Giữa vô vàn sản phẩm cùng chủng loại, làm thế nào để sản phẩm của mình trở nên nổi bật đã trở thành vấn đề chung của rất nhiều công ty. Để có được đáp án cho câu hỏi này, hãy tham khảo câu chuyện thương hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng và tìm ra câu trả lời cho công ty của bạn.
Câu chuyện thương hiệu của công ty Coca-Cola có thể coi là một ví dụ điển hình.
John Pemberton là một người lính Mỹ. Khi tham gia chiến tranh, ông bị thương và phải sử dụng rất nhiều morphine để giảm đau. Dần dần, ông bị phụ thuộc vào thuốc. Vốn xuất thân là dược sĩ, sau khi giải ngũ, Pemberton quyết định vận dụng kiến thức y học của mình để sáng chế một chất giảm đau khác có thể thay thế morphine. Ông làm ra một loại rượu từ cocain có trong lá cây coca và quả của cây cola rồi bày bán trên thị trường với cái tên “Rượu Coca Pháp của Pemberton”. Loại rượu này được quảng cáo là tốt cho thần kinh, hỗ trợ tinh thần và chữa đau đầu, đồng thời là một phương pháp chữa trị chứng nghiện morphine, vì vậy rất nhiều người đã ráo riết săn lùng nó.
Tuy vậy, một thời gian sau, chính quyền thành phố Atlanta ban hành luật hạn chế đồ uống có cồn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công việc kinh doanh của Pemberton, buộc ông phải điều chỉnh công thức để biến sản phẩm của mình thành một loại nước uống không chứa cồn. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông cho ra đời phiên bản thay thế của “Rượu Coca Pháp của Pemberton”, là một thức uống kết hợp giữa xi-rô và nước có ga. Pemberton quyết định bán nó như một loại nước giải khát chứ không còn là một loại thuốc nữa. Frank Robinson, nhân viên kế toán và là đối tác của Pemberton, đặt tên cho công thức mới này là Coca-Cola, với Coca lấy từ tên của lá cây coca và Cola lấy từ tên của hạt cola. Về sau, John Pemberton bán công thức cho đối tác kinh doanh, và Coca-Cola trở thành một thứ thức uống phổ biến như hiện nay.
Câu chuyện thương hiệu Coca-Cola đại diện cho hình tượng không chịu chùn bước và “dục hỏa trùng sinh1” của nước Mỹ, là cầu nối từ thời đại này sang thời đại khác. Cho đến ngày nay, Coca-Cola vẫn thể hiện tinh thần độc lập tự chủ giống như câu chuyện thương hiệu của chính họ.
1 Dục hỏa trùng sinh: Khát khao tái sinh mạnh mẽ như lửa.
Không khó để nhận thấy việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một doanh nghiệp. Hãy nhớ rằng, câu chuyện thương hiệu chính là thứ gắn kết khách hàng với doanh nghiệp. Một câu chuyện ấn tượng có thể thu hút người tiêu dùng bước đến và đồng hành cùng doanh nghiệp. Câu chuyện ấy phải gửi đến khách hàng một thông điệp thể hiện văn hóa và giá trị của doanh nghiệp, từ đó khơi gợi cảm xúc của khách hàng và thôi thúc họ muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm của doanh nghiệp.
Sức sống của câu chuyện thương hiệu
Ai cũng thích những câu chuyện, đôi khi một câu chuyện bình thường lại gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng và thúc đẩy sức mua của họ. Bản thân câu chuyện thương hiệu thậm chí còn quan trọng hơn cả chính thương hiệu ấy. Qua khảo sát, người ta nhận thấy rằng mỗi doanh nghiệp thành công đều có một câu chuyện nào đó kể về thương hiệu của mình. Câu chuyện này không bao giờ dừng lại mà sẽ diễn tiến theo sự phát triển của doanh nghiệp và của thời đại.
Câu chuyện thương hiệu giúp người tiêu dùng hiểu rõ tinh thần của thương hiệu, đồng cảm với văn hóa của doanh nghiệp, từ đó công nhận sản phẩm và trở thành những khách hàng trung thành.
Doanh nghiệp cũng cần sử dụng câu chuyện để truyền tải tư duy, tầm nhìn của thương hiệu mình đến khách hàng. Một thương hiệu tốt không chỉ cần một sản phẩm tốt mà còn cần một câu chuyện tốt để hỗ trợ nó.
Sức sống của câu chuyện thương hiệu được phản ánh qua sức mua của khách hàng và thời gian tồn tại của nó. Một câu chuyện đảm bảo các yếu tố độc đáo, dễ nhớ và dễ lan tỏa sẽ giúp cho thương hiệu tỏa sáng trên thị trường.
Yêu cầu khi xây dựng câu chuyện thương hiệu
Trước hết, câu chuyện thương hiệu cần tạo được tiếng vang đối với người tiêu dùng và định hướng họ mua sắm sản phẩm của thương hiệu. Các thương hiệu cũng nên tăng cường tương tác với khách hàng, cho phép họ tham gia vào câu chuyện và trở thành một phần của câu chuyện.
Thứ hai, bạn có thể truyền bá câu chuyện thương hiệu thông qua mạng xã hội, báo chí, truyền hình… Nội dung câu chuyện càng có tính nhất quán cao thì hiệu quả quảng bá càng lớn và liên tục tăng lên, giúp người tiêu dùng không nhầm lẫn với thương hiệu khác. Tạo ảnh hưởng chỉ là bước đầu tiên trong quá trình quảng bá thương hiệu, bước tiếp theo là thiết lập ý thức nhận diện lâu dài và biến nó trở thành một “lá cờ” của thương hiệu.
Cuốn sách Make Marketing Sexier (tạm dịch: Khiến công việc Marketing trở nên hấp dẫn hơn) đã đề cập: “Ngay cả khi một thương hiệu không phải là tốt nhất trên thị trường thì nó cũng phải được cá tính hóa ở mức tối đa. Nếu bạn không thể tìm thấy sự khác biệt ở cấp độ sản phẩm, thì hãy tìm kiếm nó ở cấp độ cảm xúc (tức là sự đồng cảm) hoặc phương thức kinh doanh, đồng thời đầu tư tất cả các nguồn lực vào một chiến dịch quảng cáo được cá tính hóa và có mục tiêu cụ thể.”
4
TIẾP THỊ CHÍNH LÀ BÁN NHỮNG CÂU CHUYỆN
"Tiếp thị thông qua câu chuyện có sức thuyết phục mạnh mẽ, giúp chuyển hóa khách hàng từ trạng thái “không mua” thành “mua” dễ dàng hơn"
Câu chuyện là công cụ không thể thiếu đối với hoạt động tiếp thị
Kể chuyện là một phương pháp tiếp thị rất hiệu quả, đặc biệt là khi người tiêu dùng tiếp xúc trực tiếp với nhân viên bán hàng. Tiến hành tiếp thị thông qua nhân viên bán hàng là một phương thức truyền thông có mục đích khơi gợi mong muốn mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại có ấn tượng tiêu cực đối với công việc tiếp thị. Câu chuyện có thể phá vỡ tình trạng này, giúp những lời giới thiệu, tư vấn của nhân viên tiếp thị có sức thuyết phục hơn rất nhiều.
Câu chuyện có thể làm nổi bật giá trị của sản phẩm và giúp thương hiệu đạt được mục đích tiếp thị. Tiếp thị bằng câu chuyện dễ dàng tạo ra làn sóng hiệu ứng. Các đánh giá tốt sẽ được lan truyền từ khách hàng này sang khách hàng khác thông qua tiếp thị truyền miệng. Điều tương tự cũng áp dụng cho các đánh giá tiêu cực.
Những tín đồ công nghệ hẳn không còn xa lạ với cái tên Xiaomi. Thành công của họ trên thị trường khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc quảng bá truyền miệng. Trong giai đoạn đầu thành lập, Xiaomi đã tìm hiểu về các tính năng của các thiết bị điện tử mà người tiêu dùng mong muốn trải nghiệm trên các diễn đàn. Khách hàng của họ cũng thường xuyên khoe các sản phẩm Xiaomi mới lên diễn đàn hoặc kể những câu chuyện liên quan đến sản phẩm đó.
Điểm đặc biệt của tiếp thị thông qua câu chuyện
Tiếp thị thông qua câu chuyện rất khác với tiếp thị thông thường, nó cung cấp cho khách hàng một cái nhìn hoàn toàn khác biệt, khiến họ cảm thấy bất ngờ và từ đó nảy sinh hứng thú đối với sản phẩm. Sự khác biệt này cũng là một lý do chính đáng để khách hàng chia sẻ câu chuyện về sản phẩm.
Lôi Quân – nhà sáng lập Công ty Công nghệ Xiaomi, từng nói rằng quá trình tiếp thị thông qua câu chuyện là cơ hội để các công ty có được những thông tin quý giá về nhu cầu của khách hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm của họ. Ông cho rằng: “Hầu hết những người yêu thích công nghệ đều có rất nhiều ý tưởng cho chiếc điện thoại di động hoàn hảo, nhưng thật khó để tự sản xuất một chiếc như vậy nên nhiều người không thể hiện thực hóa ý tưởng của mình. Họ đưa ra nhận xét về tính năng mà họ muốn có và điều này giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm của mình. Khi chúng tôi có thể áp dụng và triển khai các tính năng này, họ sẽ rất vui mừng chia sẻ tin tốt đó với bạn bè và người thân của họ.”
Chia sẻ của Lôi Quân cũng chứng minh tính hiệu quả “một truyền mười, mười truyền trăm” của phương thức tiếp thị thông qua câu chuyện. Đồng thời, ông cũng có rất nhiều ý tưởng “vượt trên cả mong đợi của người dùng”, thể hiện đúng bản chất của tiếp thị thông qua câu chuyện, cũng là thế mạnh cốt lõi của sản phẩm. Chính mô hình tiếp thị này đã giúp Xiaomi trở nên nổi bật giữa rất nhiều thương hiệu điện thoại khác nhau trên thị trường.
Rất nhiều doanh nhân nghĩ rằng rất khó để tiến hành tiếp thị thông qua câu chuyện. Điều này quả thực không đơn giản, và không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với cách tiếp cận này, nhưng các bạn hãy nhớ rằng: Một chiến lược tiếp thị thông qua câu chuyện tốt sẽ thực sự mang lại những kết quả tốt.
Ưu điểm của tiếp thị thông qua câu chuyện
Tiếp thị thông qua câu chuyện có sức thuyết phục rất mạnh mẽ. Đối tượng của phương pháp tiếp thị này thường là những người có quen biết với nhau. Nhân viên tiếp thị sẽ kể câu chuyện cho người tiêu dùng và người này sẽ truyền lại cho những người xung quanh. Phương thức truyền thông này vừa nhanh chóng vừa hiệu quả.
Tiếp thị thông qua câu chuyện có sức lan truyền rộng rãi. Qua nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng nếu một người biết và muốn chia sẻ về một sản phẩm thú vị nào đó thì họ thường kể về nó với sáu người xung quanh, sáu người này lại nói với năm người khác, cứ như vậy tạo thành một vòng thông tin rất lớn. Một nhân viên tiếp thị người Mỹ là Joe Gillard đã quan sát và phát hiện ra “Định luật 250”, tức là có khoảng 250 người khác liên quan đến một người tiêu dùng, nếu bạn có thể gây ấn tượng với người này bằng một câu chuyện, nghĩa là bạn có thể thu hút 250 khách hàng tiềm năng. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ hiện nay, thông tin lan truyền đi rất nhanh, vì thế sức lan tỏa của tiếp thị truyền miệng sẽ còn lớn hơn nữa.
Phương thức tiếp thị thông qua câu chuyện có thể thúc đẩy mong muốn mua hàng của người tiêu dùng ngay trong quá trình diễn tiến câu chuyện, để họ không tốn nhiều thời gian suy nghĩ, giúp chuyển hóa từ trạng thái “không mua” thành “mua” dễ dàng hơn.
5
CÂU CHUYỆN DOANH NGHIỆP VÀ TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ
"Thông qua các câu chuyện, nhân viên sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa và quy định của công ty, đồng thời được truyền cảm hứng để phát huy năng lực của bản thân và cống hiến cho doanh nghiệp"
Các câu chuyện có thể trở thành phương tiện truyền thông nội bộ
Mô hình quản lý doanh nghiệp đang dần nâng cấp từ cứng nhắc sang linh hoạt. Ngày càng có nhiều doanh nhân tin rằng phương pháp quản lý linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ngược lại, các quy định quá đỗi khắt khe có thể gây ra tác dụng ngược.
Mặc dù vẫn có những nhân viên chưa đủ tận tâm, không cống hiến đúng với tinh thần của doanh nghiệp, vi phạm các quy định đã đặt ra, nhưng đó không phải hệ quả của mô hình quản lý linh hoạt, mà đây là vấn đề bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải.
Có nhiều phương pháp quản lý linh hoạt khác nhau, và cách hiệu quả nhất là truyền đạt các nguyên tắc, quy định của công ty thông qua câu chuyện. Nhiều công ty nổi tiếng sử dụng phương pháp này để trau dồi tính chủ động và tự giác cho nhân viên, một số công ty còn bổ sung vị trí “nhân viên kể chuyện”, chuyên đào tạo và hướng dẫn các nhân viên mới bằng những câu chuyện.
Thông qua các câu chuyện, nhân viên sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa và quy định của công ty, nhờ đó họ sẽ tuân thủ và cống hiến đúng theo tôn chỉ, mục đích của doanh nghiệp.
Khi nhắc đến văn hóa doanh nghiệp, Google là một trong những tấm gương điển hình. Họ đã tạo nên một môi trường làm việc mà rất nhiều công ty và người tìm việc mơ ước. Trong một lần làm việc nhóm, một kỹ sư đến từ Mexico mắc một sai lầm lớn, phá hủy cả quá trình nỗ lực của toàn đội, khiến không khí giữa các thành viên trong nhóm trở nên căng thẳng. Trưởng nhóm dự án nhận thấy tình huống này không có lợi cho quá trình hợp tác nên quyết định kể cho các thành viên nghe câu chuyện khởi nghiệp của Google.
Giai đoạn đầu thành lập là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với Google, vì một sai sót của người phụ trách nên tiến độ công việc đã bị chậm lại, ai nấy đều phàn nàn không ngớt. Người phụ trách sau đó cảm thấy rất có lỗi, vì vậy ngày nào cũng dọn dẹp văn phòng, lấy cơm hộp cho nhân viên, còn lén lút làm thêm giờ để bù tiến độ, cuối cùng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một câu chuyện vô cùng ngắn gọn nhưng đủ để khiến các thành viên trong nhóm hiểu ra rằng: Tập thể nào cũng sẽ gặp khó khăn, chỉ khi cùng nhau nỗ lực thì họ mới gặt hái được thành công cuối cùng. Thông qua câu chuyện này, các nhân viên hiểu sâu hơn về văn hóa của công ty. Từ đó về sau, người kỹ sư mắc lỗi kia càng làm việc chăm chỉ hơn để bù đắp cho những sai lầm trước đó.
Với vai trò là một phương tiện truyền thông, câu chuyện có thể giúp các nhân viên cảm nhận được tinh thần của công ty và kích thích sự nhiệt tình cống hiến trong họ.
Câu chuyện là phương tiện truyền động lực cho nhân viên
Câu chuyện không chỉ là phương tiện để đào tạo mà còn là phương thức để tạo động lực cho nhân viên.
Rất nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã cho thấy mối quan hệ giữa câu chuyện và khả năng phát triển của nhân viên.
Phương pháp kể chuyện đặc biệt hiệu quả trong việc tạo động lực cho nhân viên. Nó thúc đẩy nhân viên thể hiện và lan tỏa giá trị bản thân, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Một câu chuyện doanh nghiệp đầy cảm hứng có thể khơi dậy sức sáng tạo của nhân viên và khiến họ tràn ngập niềm tin vào tương lai. Những câu chuyện tích cực giúp các nhân viên biết nên tập trung tâm huyết vào mục tiêu quan trọng, thay vì lãng phí thời gian vào những thứ phù phiếm khác. Không còn những lời mô tả lan man và bất định, sẽ giảm bớt những rắc rối không mong muốn.
Câu chuyện là một công cụ quản lý kỳ diệu, nó có sức thuyết phục và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực tốt hơn nhiều so với các quy tắc và quy định. Nó mở ra cho các nhân viên một triển vọng phi thường và một không gian để nâng cao giá trị bản thân hơn nữa. Các công ty thành công rất giỏi trong việc sử dụng phương pháp này để định hình hình tượng của mình, và những nhân viên giỏi cũng vậy, họ có thể tìm ra cách để cải thiện bản thân thông qua câu chuyện.
Những nhân viên biết cách dùng câu chuyện để khéo léo thể hiện điểm mạnh của mình chắc chắn là những người có năng lực, tính tình khiêm tốn và hài hước.
Doanh nghiệp cũng nên khuyến khích các nhân viên phát huy năng lực của bản thân theo cách này, thay vì chỉ sử dụng những con số và bảng biểu để thể hiện hiệu quả công việc, góp phần tạo ra môi trường làm việc tràn ngập tính nhân văn và sự ấm áp.
6
KHỞI NGHIỆP BẰNG NHỮNG CÂU CHUYỆN
Câu chuyện có trước, sau đó mới đến doanh nghiệp
Trong ấn tượng của mọi người, câu chuyện luôn đứng phía sau doanh nghiệp và sản phẩm. Chính vì ấn tượng này, đội ngũ nhân viên vô tình vun đắp nên lầm tưởng rằng những câu chuyện được tạo ra dựa trên sản phẩm, chứ không phải là những điều có thật. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại.
Quá trình thành lập chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC chính là ví dụ điển hình cho việc câu chuyện có trước, sau đó mới đến doanh nghiệp.
Harland Sanders sinh năm 1890, và cuộc đời của ông là một huyền thoại. Ông mồ côi cha từ năm 5 tuổi, bỏ học năm 14 tuổi và bắt đầu lang bạt khắp nơi. Lúc đầu, ông được nhận vào làm trong một nông trại, sau đó chuyển sang làm nhân viên bán vé xe điện. Cả hai công việc này ông đều bỏ ngang vì không thấy hứng thú.
Năm 16 tuổi, ông khai gian tuổi để lên đường nhập ngũ, sau đó cũng lận đận nên xuất ngũ về quê mở tiệm rèn và lại tiếp tục thất bại.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, cuộc sống của Harland Sanders bắt đầu có sự chuyển biến và đi đúng hướng. Ông được nhận vào làm tại công ty Đường sắt Miền Nam và rất hài lòng với công việc này. Ông kết hôn năm 18 tuổi, và bị sa thải đúng vào lúc biết tin vợ mình mang thai. Gánh nặng trên vai đang ngày một nặng nề hơn, Sanders cố gắng tìm việc làm nhưng người vợ đã bán hết gia sản mà không nói cho ông biết và bỏ đi biệt tích.
Harland Sanders hoàn toàn trắng tay, nhưng ông không bỏ cuộc mà luôn tìm kiếm cơ hội, ông từng làm lính cứu hỏa, nhân viên bảo hiểm… nhưng đều kết thúc trong thất bại. Khi điều hành một trạm xăng ở Kentucky, ông nảy ra ý tưởng bán đồ ăn nhanh cho người đi đường để tăng thu nhập. Sau đó trạm xăng đóng cửa nhưng việc kinh doanh đồ ăn lại ngày càng thành công, nhiều người ở xa cũng đến mua để ăn thử. Trong những món mà ông bán, gà rán là món được nhiều người ưa chuộng nhất, người ta truyền tai nhau rằng nó thơm ngon và giòn rụm.
Năm 1935, Thống đốc bang Kentucky phong tặng Harland Sanders tước hiệu “Đại tá Kentucky” và vinh danh những đóng góp của ông. Sau đó, Sanders thành lập chuỗi nhà hàng KFC và có một cuộc sống hoàn toàn khác trước. Trong lòng người dân Mỹ, KFC và Đại tá Sanders là biểu tượng cho tinh thần quật cường, không bao giờ cúi đầu trước thất bại và sự kiên trì với ước mơ của mình – những phẩm chất rất cần thiết đối với nước Mỹ trong thời kỳ hậu Đại suy thoái. Câu chuyện của Harland Sanders đã truyền cảm hứng cho người dân Mỹ bước ra khỏi đống tro tàn, lấy lại tinh thần và xây dựng lại ngôi nhà của họ. Nhờ câu chuyện này, KFC trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng trên toàn thế giới.
Câu chuyện về Harland Sanders trở thành kim chỉ nam của tập đoàn KFC. Trong nội bộ tập đoàn, tất cả các nhân viên đều ghi nhớ câu chuyện về Đại tá Sanders và còn tích hợp tinh thần làm việc chăm chỉ và không bỏ cuộc của ông vào trong công việc của mình.
Dù đến bất kỳ chi nhánh KFC nào bạn cũng sẽ thấy các nhân viên đều làm việc chăm chỉ, nhiệt tình và luôn nở nụ cười, không quá lời khi nói rằng nhân viên ở đây luôn cảm thấy rất hạnh phúc. KFC là doanh nghiệp được tạo nên nhờ câu chuyện. Họ vừa bán đồ ăn nhanh, vừa truyền tải tinh thần của mình tới khách hàng.
Xây dựng văn hóa công ty dựa trên câu chuyện chắc chắn sẽ tạo ra mối gắn kết lâu bền hơn. Thông qua câu chuyện ấy, đội ngũ của doanh nghiệp sẽ đoàn kết chặt chẽ và trở thành những người xuất sắc nhất.
CÂU CHUYỆN
Sức mạnh của những viên gạch Lego
Người sáng lập Lego – Ole Kirk Christiansen sinh ra tại làng Filsgoff gần Billund, Đan Mạch. Ông vốn là một thợ mộc có tay nghề xuất sắc và có một căn xưởng của riêng mình.
Năm 1932, dưới ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái, những người thợ thủ công tại Billund không có việc để làm, cuộc sống của Ole Kirk cũng rất khó khăn nên ông phải sa thải toàn bộ nhân viên trong xưởng gỗ của mình. Cùng năm đó, vợ ông mất và để lại bốn người con, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi. Những chuyện tồi tệ cứ liên tiếp ập tới nhưng Ole Kirk vẫn cố gắng giữ thái độ lạc quan, điều này đã giúp ông và lũ trẻ vượt qua khó khăn.
Khi ấy, có người gợi ý cho ông chuyển sang sản xuất đồ gia dụng. Điều này đã truyền cảm hứng cho Ole Kirk và ông quyết định sản xuất đồ chơi. Ý tưởng này ngay lập tức bị gia đình và bạn bè phản đối, mọi người cho rằng ông đang lãng phí thời gian và công sức. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh rằng quyết định khi ấy của ông là cực kỳ đúng đắn.
Ole Kirk bắt tay vào chế tác những món dồ chơi tinh xảo, sống động. Đây đều là những thứ mà trẻ em rất yêu thích nhưng người lớn lại không đánh giá cao, vì vậy ban đầu ông nghĩ rằng doanh thu sẽ không được tốt. Cho đến khi “Yue Yue” trở thành món đồ chơi phổ biến thì doanh số của các món đồ chơi khác mới dần tăng lên.
“Yue Yue” chính là phiên bản đầu tiên của Lego. Ngày nay, món đồ chơi xếp hình này có hình viên gạch với hơn 1.300 thiết kế khác nhau và nhiều màu sắc đa dạng. Các viên gạch này khi ghép lại với nhau sẽ tạo ra những mô hình khác nữa. Vì vậy, Lego dần trở thành món đồ chơi không chỉ dành cho trẻ em mà cả người lớn cũng rất ưa thích. Phương châm kinh doanh của Ole Kirk là: “Chỉ những gì tốt nhất mới là đủ tốt.” Cho đến ngày nay, khẩu hiệu này vẫn là mục tiêu theo đuổi của Công ty Đồ chơi Lego.
Năm 1934, Ole Kirk tổ chức một cuộc thi trong nhà máy để đặt tên cho “Yue Yue”. Cái tên được chọn là Lego, viết tắt của Leg-Godt, trong tiếng Đan Mạch có nghĩa là “vui chơi”, Lego trong tiếng Latinh còn có nghĩa là “sự ghép nối”. Về sau, Lego trở thành tên của món đồ chơi và cả công ty của Ole Kink.
Ngày 9 tháng 4 năm 1940, Đan Mạch bị quân đội Đức chiếm đóng, nhưng sự kiện này đã mang lại cơ hội kinh doanh cho Lego. Khi chiến tranh nổ ra, chính phủ cấm nhập khẩu đồ chơi và quy định đồ chơi sản xuất trong nước không được chứa kim loại và cao su, vì vậy những món đồ bằng gỗ trở thành lựa chọn duy nhất của trẻ em trong một thời gian dài. Từ năm 1940 đến năm 1942, doanh số của Lego đã tăng gấp đôi.
Năm 1942, công ty Lego chịu thiệt hại nặng nề do một trận hỏa hoạn, Ole Kirk bắt đầu xây dựng lại cơ sở kinh doanh của mình trên đống đổ nát. Việc tái thiết này giúp mối quan hệ giữa ông và các nhân viên của mình ngày càng sâu sắc hơn. Mỗi buổi sáng, ông đều tổ chức một buổi cầu nguyện với nhân viên để gắn kết tình cảm và cùng nhau hy vọng về một tương lai mới. Đồng thời, ông đặt ra khẩu hiệu mới cho công ty là: “Chúng ta luôn ở bên nhau.” Năm 1954, Lego chính thức hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu.
Ole Kirk có những yêu cầu rất khắt khe đối với nhân viên, thậm chí cả với con trai mình. Một lần nọ, Gotfred – con trai ông, làm xong một con vịt bằng gỗ, trong quá trình phun sơn đã bỏ sót một công đoạn. Khi biết chuyện, ông ngay lập tức chất vấn cậu ta: “Tại sao con lại làm thế này?” Gotfred giải thích rằng việc chỉ sơn hai lớp thay vì ba lớp sẽ tiết kiệm chi phí cho công ty. Ole Kirk rất tức giận và ra lệnh cho cậu con trai thu hồi món đồ chơi, sơn đủ ba lớp, sau đó gửi cho khách hàng. Ông cũng cảnh cáo cậu phải làm xong đúng thời hạn dù phải thức cả đêm. Dưới những yêu cầu khắt khe như vậy, Lego đã phát triển hết sức bền vững.
Thời kỳ đầu, đồ chơi Lego được làm từ gỗ, do hạn chế về nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất nên số lượng sản phẩm không nhiều, dẫn đến doanh số bán ra mãi không thể tăng lên. Cho đến năm 1949, Ole Kirk bắt đầu cho sản xuất đồ chơi bằng nhựa, tuy công nghệ còn nhiều thiếu sót nhưng vẫn đơn giản hơn nhiều so với đồ chơi bằng gỗ. Ole Kirk kiên trì lựa chọn nhựa làm nguyên liệu thô và khuôn cán để làm ra phiên bản đồ chơi Lego bằng nhựa. Ông tin rằng có thể tận dụng cơ hội này để quảng bá Lego ra thế giới. Các con trai khuyên ông không nên đầu tư quá nhiều vì tương lai của nhựa chưa rõ ràng, nhưng ông vẫn nhất quyết mua một chiếc máy ép phun đắt tiền. Kể từ đó, sản lượng của Lego tăng vọt và chẳng mấy chốc tên tuổi của công ty đã trở nên phổ biến ở châu Âu và châu Mỹ.
Ole Kirk tiếp tục phát triển dây chuyền sản xuất của Lego để đáp ứng nhu cầu của các lứa tuổi khác nhau. Ông thiết kế các viên gạch lắp ghép dành cho trẻ sơ sinh với kích thước lớn gấp tám lần viên gạch bình thường để trẻ dễ dàng cầm nắm và tránh nuốt nhầm.
Không dừng lại ở đó, Lego còn chuyển từ hoạt động trong lĩnh vực giải trí sang lĩnh vực giáo dục. Bắt đầu từ những năm 1980, Lego thành lập một bộ phận độc lập chịu trách nhiệm phát triển các bộ lắp ghép phục vụ cho việc giảng dạy tại các trường mẫu giáo và tiểu học, đồng thời thiết kế các bộ lắp ghép đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật. Hiện tại, nhóm này đã trở thành một trong ba bộ phận quan trọng nhất và có doanh thu cao nhất của Lego.
Lego dần trở thành trò chơi mà người lớn cũng có thể tham gia, sự đa dạng và phong phú của nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giải trí của đối tượng này. Năm 2008, kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và Lego đã hợp tác và cho ra đời một bộ lắp ghép “Lego Building” dành cho người lớn. Người chơi có thể tự lắp ghép tòa nhà theo trí tưởng tượng và bản thiết kế của mình, hoặc có thể sử dụng các viên gạch cho sẵn để ghép thành các tòa nhà nổi tiếng khác. Với sự giúp đỡ của 1.000 tình nguyện viên, James May – người dẫn chương trình xe hơi nổi tiếng Top Gear của đài BBC, đã lắp ghép thành công một ngôi nhà đồ chơi có kích thước tương đương một ngôi nhà thực tế bằng 3,3 triệu viên gạch Lego.
Đây là ước mơ thời thơ ấu của anh, và nó đã trở thành hiện thực.
Về sau, hoạt động kinh doanh của Lego không còn thuận lợi như trước. Với sự ra đời của Internet, ngày càng có nhiều trẻ em ngồi trước máy tính thay vì ngồi dưới đất chơi với các viên gạch lắp ghép nhiều màu sắc, điều này khiến doanh thu của Lego sụt giảm nghiêm trọng. Để thích ứng với sự phát triển của thời đại, Lego cũng bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực trò chơi trên máy tính.
Hiện tại, các bộ lắp ghép Lego đang được bày bán tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Các khảo sát chỉ ra rằng “hơn 300 triệu trẻ em sở hữu đồ chơi Lego và tổng thời gian trẻ em dành cho món đồ chơi này là khoảng năm tỉ giờ mỗi năm”. Lego đã trở thành một môn nghệ thuật, cung cấp không gian cho mọi người chơi thỏa mãn trí sáng tạo của mình. Ole Kirk cũng thành công hiện thực hóa ước mơ của mình – khối gỗ nhỏ mang đến năng lượng lớn.
Lego đã trở thành món đồ chơi rất quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta, không chỉ đối với trẻ em mà cả với người lớn. Đội ngũ nhân viên của Lego đã sử dụng câu chuyện thương hiệu để ghi dấu ấn với khách hàng về công ty, giúp Lego thành công trở thành một tên tuổi có chỗ đứng trên thị trường.