J
ohann Carl Friedrich Gauss, nhà toán học nổi tiếng người Đức, từ nhỏ là một cậu bé cần cù, chăm chỉ, thế nhưng gia cảnh rất nghèo khó, thậm chí để tiết kiệm điện, bố mẹ ông không dám bật đèn vào buổi tối. Tuy vậy, Johann lại rất hiếu học, ông nghĩ ra một cách làm sáng tạo: Khoét một lỗ trên thân củ cải, nhét miếng mỡ lợn vào lỗ, sau đó nối sợi bấc đèn vào miếng mỡ lợn, thế là ông đã chế tạo ra được một chiếc “đèn dầu”. Nhờ ánh sáng le lói của chiếc đèn, ông có thể học đến tận khuya.
Điều đáng để chúng ta học tập ở Johann chính là khả năng tập trung nghe giảng của ông. Trên lớp, ông viết rất nhiều trang “Nhật ký toán học”, ghi chép lại những phát hiện mới và cách giải mới khi làm toán. Nhờ có cơ sở kiến thức vững chắc này mà năm 17 tuổi, ông đã phát hiện ra một số định lý toán học và trở thành một nhà toán học trẻ nổi tiếng.
Khi nghe cô giáo giảng bài, Johann có một thói quen rất tốt, đó là ghi chép lại tất cả những ý quan trọng của bài giảng, sau đó, đối chiếu những nội dung ghi chép ấy thông qua việc làm bài tập. Thói quen này đã giúp ích cho ông rất nhiều. Thời đó, các bạn của ông chỉ học qua loa cho hết giờ, còn ông thì chăm chú nghe từng lời thầy cô giảng.
Một lần, khi giáo viên dạy toán đang giảng bài, bỗng có một chú chim từ đâu bay vào lớp học. Chú chim nhỏ sợ hãi, vỗ cánh bay loạn khắp phòng tìm lối thoát. Cô giáo vẫn chăm chú giảng bài như không hề có chuyện gì xảy ra, thế nhưng cả lớp lại bị thu hút bởi chú chim vô tình bay lạc kia, các bạn khác nhốn nháo chỉ trỏ, ngó ngang ngó dọc nhìn chú chim. Lúc đó, chỉ có một mình Johann vẫn đang chăm chú nghe cô giảng bài.
Giảng bài xong, cô đi xuống mở cửa để chú chim bay ra ngoài, sau đó, quay xuống hỏi cả lớp: “Các em có hiểu bài cô vừa giảng không?”
Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau, bởi nãy giờ họ chỉ tập trung vào chú chim kia.
Duy chỉ có Johann giơ tay: “Thưa cô, em hiểu ạ!” Cô giáo nhìn về phía ông, mỉm cười, sau đó nghiêm khắc nói với cả lớp: “Chỉ một chú chim nhỏ đã khiến các em phân tâm như thế, thử hỏi sau này làm sao các em có thể tập trung vào những việc lớn hơn được chứ?”
Nghe xong, cả lớp xấu hổ cúi gằm mặt.
Năm 1795, Johann 18 tuổi, theo học toán tại trường Đại học Gottingen danh tiếng. Chẳng bao lâu sau ông đã vụt lên trở thành một ngôi sao sáng trong giới toán học thế giới thời đó. Có người từng hỏi ông: “Bí quyết nào giúp ông có nhiều phát hiện mới về toán học như vậy?” Johann đáp: “Nếu mọi người ai cũng kiên trì, tập trung suy nghĩ về một định lý toán học, thì họ cũng sẽ giống tôi thôi.”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Tâm trí và sức lực của chúng ta là có hạn. Nếu muốn làm tốt một việc, cách tốt nhất là chuyên tâm vào nó, khi đó chúng ta sẽ tập trung được toàn bộ thời gian, sức lực và trí tuệ vào việc mà mình muốn làm, từ đó phát huy tối đa sự tích cực, chủ động và sáng tạo của bản thân, cuối cùng sẽ hoàn thành được mục tiêu. Nếu bạn muốn phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, trước tiên, hãy rèn thói quen nâng cao khả năng tập trung. Đây là cơ sở để bạn học tập ngày một tiến bộ hơn.