H
ồi ấy tôi mới 14 tuổi, nên còn non nớt, không mấy để tâm đến lời khuyên mà thầy Carl Ewald - thầy giáo dạy đàn piano đã từng nói. Nhưng sau đó ngẫm nghĩ lại, tôi thấy đó đúng là một chân lý, bởi nhờ có chân lý ấy mà tôi đã gặt hái được vô vàn lợi ích to lớn.
Một hôm, khi đang dạy nhạc cho tôi thì thầy hỏi:
“Mỗi ngày em dành ra bao nhiêu thời gian để tập luyện?”
Tôi trả lời:
“Khoảng ba hoặc bốn giờ gì đó ạ!”
“Thời gian cho mỗi lần luyện tập của em là bao nhiêu, có dài không? Có đến một tiếng đồng hồ không?”
“Em nghĩ là có.”
“Không, đừng làm như vậy!” - Thầy nói tiếp: “Sau này khi em lớn, em sẽ không có nhiều thời gian rảnh kéo dài như vậy đâu. Em có thể tạo thói quen tập luyện vài phút một, cứ có thời gian rảnh là lại luyện tập. Chẳng hạn như trước khi đi học, hoặc sau khi ăn trưa xong, hoặc trong giờ nghỉ giải lao khi đi làm, cứ thế luyện tập 5 phút, 10 phút một lần. Hãy dàn trải thời gian luyện tập trong một ngày ra, như vậy thì chơi piano sẽ trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của em.”
Khi giảng dạy ở trường Đại học Colombia, tôi muốn vừa dạy học vừa sáng tác nhạc. Tuy nhiên, việc đứng lớp, chấm bài, hội họp... đã chiếm hết thời gian trong ngày của tôi. Cũng phải đến gần 2 năm, tôi không hề động đến bút. Tôi lấy cớ là do không có thời gian. Rồi tôi lại nhớ đến lời dạy của thầy Carl Ewald khi xưa.
Một tuần sau đó, tôi đã bắt đầu làm theo lời dạy của thầy. Chỉ cần có 5 phút rảnh rỗi là tôi ngồi xuống để viết 100 từ hoặc thậm chí chỉ cần vài dòng cũng được.
Và thật không ngờ, trong ngày cuối cùng của tuần, tôi đã tích lũy được kha khá bản thảo chờ chỉnh sửa.
Sau đó, tôi cũng dùng chính cái cách tích tiểu thành đại đó để viết được những cuốn tiểu thuyết dài tập. Mặc dù công việc giảng dạy ngày một bận hơn nhưng ngày nào tôi cũng có những khoảng thời gian ngắn rảnh rỗi để viết lách. Tôi còn luyện cả đàn piano nữa. Nhờ thế, tôi phát hiện ra rằng, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi mỗi ngày cũng đủ để tôi có thể cùng lúc làm hai công việc sáng tác và chơi đàn.
Với việc tận dụng khoảng thời gian ngắn đó, tôi có một bí quyết, đó là: Thứ nhất, phải tiến hành việc cần làm thật nhanh, nếu như chỉ có 5 phút để sáng tác thì không thể dùng 4 phút để ngồi cắn bút được. Tôi luôn chuẩn bị sẵn mọi ý tưởng từ trước để khi có thời gian là lập tức tập trung vào việc cần làm. Thứ hai, nhanh chóng lấy được sự tập trung cao độ. Khi đã có sự chuẩn bị chu đáo thì mọi việc sẽ không hề khó như mọi người vẫn thường hay nghĩ.
Bản thân tôi luôn cố gắng hết sức, không để cho khoảng thời gian 5 phút, 10 phút kia bị trôi qua một cách vô ích. Các bạn cũng có thể gặt hái được những thành công nhất định từ những khoảng thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi đó như tôi. Thầy Carl Ewald đã có sự ảnh hưởng vô cùng to lớn trong cuộc đời tôi. Nhờ có thầy mà tôi phát hiện ra rằng, nếu như có thể tận dụng triệt để những khoảng thời gian ngắn ngủi thì cộng dồn lại, bạn sẽ có được khoảng thời gian dài mà mình cần. Hãy làm thử đi! Các bạn cũng có thể gặt hái được những thành công nhất định từ những khoảng thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi đó như tôi.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Bacon - nhà khoa học nổi tiếng người Anh đã từng nói: “Thói quen có sức mạnh phi thường có thể chi phối cuộc sống.” Sự thành công hoặc thất bại của mỗi người đều được quyết định bởi thói quen của chính người ấy.
Từ trước tới nay, hầu hết những người thành công đều tạo cho mình một vài thói quen tốt, trong số ấy chắc chắn không thể thiếu thói quen trân trọng, biết tận dụng và làm chủ thời gian. Lỗ Tấn đã từng nói: “Thời gian giống như nước trong miếng bọt biển, chỉ cần bạn muốn vắt, kiểu gì cũng có nước chảy ra.”
Nếu như bạn có thể tạo cho mình thói quen trân trọng, biết tận dụng và làm chủ thời gian thì cho dù mỗi ngày chỉ tận dụng được vỏn vẹn mấy phút, khi cộng dồn mười mấy năm lại, chắc chắn sẽ đem đến cho bạn một gia tài to lớn.