C
uộc sống có một mô thức nội tại và sẽ rất có ích nếu bạn hiểu mô thức này. Theo các nhà sinh lý học, cứ bảy năm một lần, cơ thể và tâm trí sẽ trải qua một cơn khủng hoảng và một sự thay đổi. Cứ mỗi bảy năm, tất cả tế bào trong cơ thể sẽ thay đổi, sẽ được thay mới hoàn toàn. Trên thực tế, nếu bạn sống đến bảy mươi tuổi, tuổi thọ trung bình của con người, cơ thể của bạn trải qua mười lần chết đi. Mọi thứ thay đổi sau mỗi bảy năm - giống như sự thay đổi của các mùa trong năm. Một vòng đời như vậy hoàn tất trong bảy mươi năm. Từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, vòng đời đó được hoàn thành trong bảy mươi năm và bao gồm mười giai đoạn.
Trên thực tế, không nên phân chia đời người thành giai đoạn tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già - sự phân chia đó rất không khoa học bởi vì sau mỗi bảy năm, một thời kỳ mới sẽ bắt đầu, một bước đi mới sẽ được thực hiện.
Trong bảy năm đầu đời, đứa trẻ coi bản thân mình là trung tâm, như thể nó là trung tâm của thế giới này. Cả gia đình đều xoay quanh đứa trẻ. Mọi nhu cầu của nó đều được đáp ứng ngay lập tức, nếu không, nó sẽ ăn vạ, giận dữ, la hét. Nó sống như vua, như một vị hoàng đế thật sự - cha mẹ, người giúp việc và cả gia đình tồn tại chỉ vì nó. Và tất nhiên, nó nghĩ thế giới rộng lớn ngoài kia cũng diễn ra theo cách như vậy. Mặt trăng lên vì nó, mặt trời mọc vì nó, các mùa thay đổi vì nó. Đứa trẻ vẫn vị kỷ, vẫn coi mình là trung tâm trong suốt bảy năm đầu đời. Nếu bạn hỏi các nhà tâm lý học, họ sẽ nói rằng trong bảy năm đầu đời, đứa trẻ luôn ở trong trạng thái tự thỏa mãn bản thân, tự hài lòng với chính mình. Nó không cần bất cứ thứ gì khác và cùng không cần ai khác. Nó cảm thấy trọn vẹn.
Sau bảy năm đầu đời, có một sự đột phá. Đứa trẻ không còn coi mình là trung tâm nữa; nó trở nên lệch tâm, theo đúng nghĩa đen của từ này. Lệch tâm có nghĩa là “đi lệch khỏi tâm điểm”. Đứa trẻ hướng tới những người khác. “Người khác” này trở thành một hiện tượng quan trọng - bạn bè, đồng đội… Giờ đây, đứa trẻ không quan tâm quá nhiều đến bản thân; nó hứng thú với người khác, với một thế giới rộng lớn hơn. Nó bước vào cuộc phiêu lưu để biết “người khác” này là ai. Hành trình đi tìm câu trả lời bắt đầu.
Sau bảy năm đầu đời, đứa trẻ trở thành một người chất vấn tuyệt vời. Nó thắc mắc về mọi thứ. Nó trở thành một người đầy hoài nghi vì hành trình đi tìm câu trả lời của nó đã bắt đầu. Nó đặt ra hàng triệu câu hỏi. Nó khiến cha mẹ đau đầu muốn chết với mớ câu hỏi của nó, nó trở thành nỗi phiền toái. Nó cảm thấy hứng thú với người khác, và mọi thứ của thế giới này đều khiến nó tò mò. Tại sao cây cối lại có màu xanh? Tại sao Thượng đế tạo ra thế giới? Tại sao chuyện này lại thế này chứ không thế khác? Nó ngày càng trở nên giống một triết gia hơn - đặt câu hỏi, hoài nghi và không ngừng tìm hiểu mọi thứ.
Đứa trẻ mổ xẻ một con bướm để xem có gì bên trong, tháo bung một món đồ chơi chỉ để xem cách hoạt động của nó, ném vỡ một chiếc đồng hồ chỉ để biết tại sao nó phát ra tiếng tích tắc và đổ chuông - điều gì đang diễn ra bên trong những thứ đó? Đứa trẻ bắt đầu quan tâm tìm hiểu người khác - nhưng những người khác đó vẫn cùng giới tính với nó. Nó không quan tâm đến các bé gái. Nếu các bé trai khác quan tâm đến các bé gái, nó sẽ nghĩ chúng là bọn ẻo lả. Các bé gái không quan tâm đến các bé trai. Nếu bé gái nào đó quan tâm và chơi đùa cùng các bé trai, bé gái đó là một cô bé nam tính, không bình thường, không phổ biến; có điều gì đó không đúng. Các nhà phân tâm học và tâm lý học gọi giai đoạn bảy năm thứ hai này là giai đoạn chỉ quan tâm tới người cùng giới tính.
Sau mười bốn năm, cánh cửa thứ ba mở ra. Các bé trai không còn quan tâm đến các bé trai khác; các bé gái cũng không còn quan tâm đến các bé gái khác. Chúng lịch sự nhưng không quan tâm. Đó là lý do tình bạn nảy sinh từ năm bảy tuổi đến mười bốn tuổi là tình cảm sâu sắc nhất, bởi vì tâm trí khi đó chỉ quan tâm tới người đồng giới và tình bạn như vậy sẽ không bao giờ xảy ra một lần nào nữa trong đời. Những người bạn đó sẽ mãi là bạn của nhau, đó là một mối liên hệ sâu sắc. Bạn cũng sẽ thân thiện với người khác, nhưng đó sẽ chỉ là mối quan hệ quen biết chứ không phải là một hiện tượng sâu sắc như những gì xảy ra trong giai đoạn từ năm bảy tuổi đến năm mười bốn tuổi.
Tuy nhiên, từ mười bốn tuổi trở đi, bé trai sẽ không còn hứng thú với các bé trai khác. Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, nếu đứa bé không bị mắc kẹt ở đâu đó, nó sẽ quan tâm đến các bé gái. Lúc này, nó sẽ trở thành dị tính - không chỉ quan tâm đến người khác, mà còn quan tâm đến người thật sự khác với mình - bởi vì khi một bé trai quan tâm đến những bé trai khác, những cậu bé đó có thể là “người khác” nhưng vẫn là một người có cùng giới tính với nó chứ không thật sự là nửa còn lại của thế giới. Khi một bé trai bắt đầu bị thu hút bởi các bé gái, lúc này nó mới thật sự quan tâm đến người khác giới, những người thật sự khác với nó. Khi một bé gái quan tâm đến một bé trai, lúc này, cả thế giới xuất hiện.
Năm mười bốn tuổi là một bước chuyển mang tính cách mạng. Bản năng giới tính trở nên chín muồi, đứa trẻ bắt đầu suy nghĩ theo năng lượng tình dục; những mơ tưởng về tình dục bắt đầu hiện rõ trong giấc mơ. Cậu bé sẽ trở thành một Don Juan, bắt đầu tán tỉnh. Trong nó xuất hiện thơ ca, tình cảm lãng mạn. Nó đang bước vào thế giới.
Ở tuổi hai mươi mốt, nếu mọi thứ diễn ra bình thường và chàng trai trẻ không bị xã hội ép buộc làm điều gì đó phi tự nhiên, nó bắt đầu quan tâm đến tham vọng hơn là tình yêu. Nó muốn sở hữu một chiếc Rolls Royce, một dinh thự. Nó muốn thành công, muốn trở thành một Rockefeller1, một nguyên thủ quốc gia. Các tham vọng trở nên nổi trội; toàn bộ mối bận tâm của thiếu niên là nỗi khát vọng tương lai, ước muốn thành đạt, làm thế nào để thành công, để cạnh tranh và để vượt lên giữa cuộc tranh đấu.
1 John D. Rockefeller (1839-1937), ông trùm kinh doanh người Mỹ. Ông được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Giờ đây, chàng trai trẻ không chỉ đang bước vào thế giới tự nhiên, mà còn đang dấn thân vào thế giới con người, vào chốn thương trường. Giờ đây, nó đang bước vào thế giới cuồng điên. Giờ đây, thương trường trở thành thứ nổi trội nhất. Toàn bộ bản thể của nó hướng về thương trường - tiền bạc, quyền lực, địa vị.
Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi - tôi đang nói về một hiện tượng tự nhiên trong điều kiện tuyệt đối, chứ thực tế không bao giờ diễn ra như vậy - vào năm thứ hai mươi tám, con người không bao giờ cố bước vào một cuộc sống mạo hiểm. Từ năm hai mươi mốt đến hai mươi tám tuổi, anh ta sống trong một cuộc phiêu lưu; từ năm hai mươi tám tuổi trở đi, anh ta nhận thức rõ hơn rằng không phải mọi khao khát đều được đáp ứng. Anh ta hiểu hơn về việc một số ham muốn là bất khả thi. Nếu là một gã ngốc, bạn có thể tiếp tục theo đuổi những ham muốn đó, nhưng người thông minh sẽ bước qua một cánh cửa khác ở tuổi hai mươi tám. Họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sự đảm bảo và thoải mái, ít quan tâm đến những cuộc phiêu lưu và tham vọng. Họ bắt đầu ổn định. Hai mươi tám tuổi là thời điểm kết thúc giai đoạn sống như một tay chơi ngông nghênh.
Ở tuổi hai mươi tám, các tay chơi trở thành người nệ cổ, những nhà cách mạng không còn là nhà cách mạng nữa; họ bắt đầu ổn định, họ tìm kiếm một cuộc sống thoải mái, có chút số dư trong tài khoản ngân hàng. Họ không muốn trở thành nhà tài phiệt nữa - khao khát đó đã lụi tàn, thôi thúc đó không còn nữa. Họ muốn có một ngôi nhà nhỏ nhưng vững chãi, một mái ấm để dừng chân, một sự đảm bảo, sao cho ít nhất thì họ luôn có một số dư nho nhỏ trong tài khoản ngân hàng. Ở độ tuổi hai mươi tám, họ tìm đến công ty bảo hiểm. Họ bắt đầu ổn định cuộc sống. Giờ đây, kẻ lêu lổng không còn lêu lổng nữa. Anh ta mua nhà và bắt đầu sống trong đó; anh ta trở thành một công dân văn minh. Từ văn minh trong tiếng Anh là civilization, có nguồn gốc từ chữ civis, nghĩa là công dân. Giờ đây, anh ta trở thành một phần của một thị trấn, một thành phố, một thể chế. Anh ta không còn là một kẻ lang bạt. Giờ đây, anh ta không còn tìm đến Kathmandu và Goa1. Anh ta không đi đâu nữa - anh ta đã phiêu du đủ rồi, cũng đã biết đủ rồi; giờ đây, anh ta muốn ổn định cuộc sống và nghỉ ngơi một chút.
1 Kathmandu là thủ phủ của Nepal, còn Goa là một tiểu bang của Ấn Độ. Cả hai đều là những điểm đến nổi tiếng về các hoạt động tôn giáo và hành hương.
Vào năm ba mươi lăm tuổi, năng lượng cuộc sống đạt đến đỉnh điểm. Vòng đời của con người đã hoàn thành một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Lúc này, anh ta không chỉ quan tâm đến sự đảm bảo và thoải mái, anh ta còn trở thành một Tory - người theo chủ nghĩa truyền thống. Anh ta không những không hứng thú với cách mạng, mà còn trở thành một người phản đối cách mạng. Giờ đây, anh ta kháng cự mọi sự thay đổi, anh ta trở thành người tuân thủ. Anh ta phản đối mọi cuộc cách mạng; anh ta muốn giữ nguyên hiện trạng bởi vì anh ta đã ổn định cuộc sống và nếu có bất kỳ sự thay đổi nào diễn ra thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Giờ đây, anh ta không đồng tình với những gã ngông, cự tuyệt những kẻ nổi loạn; giờ đây, anh ta thật sự trở thành thành viên của một thể chế.
Và chuyện này rất tự nhiên - nếu mọi sự không đi lệch hướng, không ai mãi là một tay chơi. Đó chỉ là một giai đoạn mà ai cũng nên trải qua nhưng không nên kẹt lại, vì như vậy nghĩa là bạn cứ chững lại ở một giai đoạn nhất định. Không có gì bất ổn khi chỉ quan tâm đến người cùng giới vào giai đoạn từ bảy tuổi đến mười bốn tuổi, nhưng nếu một người vẫn chỉ quan tâm tới người cùng giới trong suốt cuộc đời mình thì điều đó có nghĩa là anh ta vẫn chưa trưởng thành, anh ta không phải là người lớn. Anh ta cần phải tiếp xúc với phụ nữ, đó là một phần của cuộc sống. Người khác giới với bạn cần trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời bạn bởi vì chỉ khi đó bạn mới biết được sự hòa hợp của các cực đối lập, của xung đột, của đau khổ và niềm hân hoan - cả nỗi đau cực độ lẫn niềm hạnh phúc vô bờ. Đó là một quá trình rèn luyện, một quá trình rèn luyện cần thiết.
Vào năm ba mươi lăm tuổi, con người phải trở thành một phần của thế giới truyền thống. Anh ta bắt đầu tin vào truyền thống, vào quá khứ, vào Kinh Vệ Đà, Kinh Koran, Kinh Thánh. Anh ta tuyệt đối chống lại sự thay đổi bởi vì mọi sự thay đổi đều đồng nghĩa với việc cuộc sống của anh ta sẽ bị xáo trộn; giờ đây, anh ta có nhiều thứ để mất. Anh ta không thể tham gia cách mạng - anh ta muốn bảo vệ… Anh ta ủng hộ luật pháp, tòa án và chính phủ. Anh ta không còn là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ nữa; anh ta hết lòng ủng hộ chính phủ, các quy tắc, điều lệ, kỷ luật.
Đến năm bốn mươi hai tuổi, đủ loại bệnh về thể chất và tâm thần bắt đầu phát ra, bởi vì lúc này, sự sống đang suy giảm. Năng lượng đang di chuyển về phía cái chết. Nếu như ở giai đoạn khởi đầu, năng lượng của bạn gia tăng và bạn ngày càng trở nên sống động, tràn đầy năng lượng và mạnh mẽ thì giờ đây, trạng thái đối lập đang diễn ra, bạn trở nên ngày một suy yếu. Nhưng các thói quen của bạn vẫn được duy trì. Bạn vẫn luôn ăn đủ lượng thức ăn đến năm ba mươi lăm tuổi; giờ đây, nếu vẫn duy trì thói quen đó, bạn sẽ bắt đầu tích tụ chất béo. Ở giai đoạn này, bạn không cần nhiều thức ăn đến như vậy. Bạn đã từng cần lượng thức ăn đó nhưng bây giờ thì không cần nữa bởi vì cuộc sống của bạn đang di chuyển về phía cái chết, nó không cần nhiều thức ăn đến như vậy. Nếu cứ tiếp tục lấp đầy bụng như trước kia, bạn sẽ đối mặt với đủ loại bệnh tật như cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, viêm loét - tất cả đều xảy ra ở độ tuổi bốn mươi hai; bốn mươi hai tuổi là một trong những cột mốc nguy hiểm nhất. Tóc bắt đầu rụng và bạc dần. Sự sống đang chuyển thành cái chết.
Và ở độ tuổi bốn mươi hai, lần đầu tiên, bạn bắt đầu thấy tôn giáo trở nên quan trọng. Trước đây, có thể bạn đã có vài trải nghiệm với tôn giáo, nhưng lúc này, lần đầu tiên trong hành trình của bạn, tôn giáo bắt đầu có ý nghĩa quan trọng bởi tôn giáo có mối liên hệ sâu sắc với cái chết. Giờ đây, cái chết đang đến gần và trong bạn nảy sinh khao khát đầu tiên đối với tôn giáo.
Carl Gustav Jung đã viết rằng từ kinh nghiệm cả đời của mình, ông nhận thấy những người tìm đến ông ở độ tuổi bốn mươi đều là những người cần đến tôn giáo. Nếu họ phát điên, bị tâm thần hoặc loạn thần, không ai có thể giúp được họ trừ khi tôn giáo đã bắt rễ sâu trong họ. Họ cần đến tôn giáo; tôn giáo là nhu cầu cơ bản của họ. Nếu sống trong một xã hội trần tục và chưa từng được dạy về tôn giáo, bạn sẽ đối mặt với chặng đường gian nan nhất đời mình ở độ tuổi bốn mươi hai - bởi vì xã hội không trao cho bạn một con đường, cánh cửa hay chiều hướng nào.
Xã hội đó ổn khi bạn mười bốn tuổi, vì nó mang đến cho bạn đủ tình dục - toàn bộ xã hội đó đều chứa đựng tính dục; tình dục dường như là món hàng duy nhất ẩn giấu trong mọi mặt hàng. Nếu muốn bán một chiếc xe tải mười tấn, bạn phải sử dụng hình ảnh một phụ nữ khỏa thân. Hoặc nếu bạn bán kem đánh răng thì cũng phải dùng cách thức cũng tương tự. Không có gì khác biệt dù đó là xe tải hay kem đánh răng: luôn có một người phụ nữ khỏa thân mỉm cười đằng sau. Trên thực tế, người ta đang bán người phụ nữ đó. Người ta không bán xe tải, người ta không bán kem đánh răng, người ta bán người phụ nữ đó. Và bởi vì người phụ nữ xuất hiện, nụ cười của cô ấy xuất hiện cùng với kem đánh răng, bạn phải mua luôn cả tuýp kem đánh răng. Tình dục được chào bán khắp nơi.
Vậy nên xã hội này, xã hội trần tục này, rất tốt cho những người trẻ tuổi. Nhưng họ đâu thể trẻ mãi không già. Khi bước sang tuổi bốn mươi hai, họ đột nhiên bị xã hội này bỏ quên. Lúc này, họ không biết phải làm gì. Họ rối loạn bởi vì họ không biết, họ chưa từng được rèn luyện, xã hội này không trang bị cho họ những điều cần thiết để đối mặt với cái chết. Xã hội này đã giúp họ sẵn sàng cho cuộc sống, nhưng không ai dạy họ cách chuẩn bị cho cái chết. Họ cần được dạy về cái chết cũng nhiều như họ cần được dạy về cuộc sống.
Nếu được phép, tôi sẽ chia các trường đại học thành hai nhóm: một nhóm cho người trẻ tuổi và một nhóm khác cho người già. Người trẻ tuổi sẽ đến trường để học về nghệ thuật sống - tình dục, tham vọng, tranh đấu. Sau đó, khi già đi và chạm cột mốc bốn mươi hai tuổi, họ sẽ quay lại trường để học về cái chết, Thượng đế, thiền - bởi vì lúc này, những gì họ đã học trước đó không còn giúp ích gì cho họ. Họ cần một chương trình đào tạo mới, một phương pháp rèn luyện mới để có thể vững vàng vượt qua một giai đoạn mới, giai đoạn đang diễn ra với họ.
Xã hội này đẩy họ vào trạng thái bơ vơ; đó là lý do tại sao ở phương Tây có quá nhiều chứng bệnh tâm thần. Phương Đông không có nhiều chứng bệnh như vậy. Tại sao? Bởi vì ở phương Đông, con người vẫn được học đôi chút về tôn giáo. Tôn giáo không bị biến mất hoàn toàn; dù giả dối, dù không chân thật đến mức nào đi nữa, tôn giáo vẫn ở đó, vẫn tồn tại trong những góc nhỏ. Nó không còn xuất hiện ở nơi họp chợ, không còn hiện diện nơi tâm điểm của cuộc sống mà chỉ ở ngay bên lề, nơi có một ngôi đền. Nó nằm ngoài sự huyên náo của cuộc sống nhưng nó vẫn còn đó. Bạn phải bước thêm vài bước để tới được với nó và bạn có thể tới được với nó, nó vẫn tồn tại.
Ở phương Tây, tôn giáo không còn là một phần của cuộc sống. Ở độ tuổi bốn mươi hai, người phương Tây bắt đầu gặp phải các vấn đề tâm lý. Hàng ngàn chứng bệnh thần kinh xuất hiện - và cả các chứng viêm loét. Chứng viêm loét là dấu vết của tham vọng. Một người tham vọng thường bị viêm loét dạ dày, bởi vì tham vọng cắn xé và ăn mòn cơ thể của bạn. Chứng viêm loét không có gì khác với tự ăn mòn chính mình. Bạn căng thẳng tới mức bắt đầu ăn mòn thành dạ dày của mình. Bạn quá căng thẳng, dạ dày của bạn quá căng thẳng tới mức nó không bao giờ có thể thả lỏng được. Mỗi khi tâm trí căng thẳng, dạ dày cũng căng thẳng.
Viêm loét là dấu vết của tham vọng. Nếu bạn mắc các chứng viêm loét, điều đó cho thấy bạn là một người rất thành đạt. Nếu không bị viêm loét, bạn là người nghèo khó; cuộc sống của bạn là một thất bại, bạn thất bại hoàn toàn. Nếu bị đau tim lần đầu tiên ở độ tuổi bốn mươi hai, bạn là một người thành công trong cuộc sống. Tệ nhất thì bạn cũng là một bộ trưởng, một nhà tư bản giàu có hay một diễn viên nổi tiếng, nếu không, làm sao bạn lý giải được cơn đau tim đó? Một cơn đau tim đồng nghĩa với thành công.
Những người thành đạt đều bị đau tim, họ phải bị như vậy. Toàn bộ cơ thể của họ trĩu nặng các chất độc như tham vọng, ham muốn, tương lai, ngày mai…, những thứ không bao giờ có ở hiện tại. Bạn đã sống trong những giấc mơ; giờ đây, cơ thể của bạn không thể chịu đựng thêm được nữa. Và bạn cứ mãi căng thẳng nghĩ về tương lai, đến mức sự căng thẳng đã trở thành lối sống của bạn. Lúc này, nó là một thói quen đã ăn sâu trong bạn.
Ở tuổi bốn mươi hai, một sự đột phá lại xuất hiện. Con người bắt đầu suy nghĩ về tôn giáo, về thế giới khác. Cuộc sống dường như trở nên quá sức và khoảng thời gian còn lại quá ít ỏi - vậy thì làm sao bạn có thể chạm đến Thượng đế, đạt được niết bàn, giác ngộ? Do đó mới có thuyết luân hồi: “Đừng sợ. Bạn sẽ được sinh ra một lần nữa, hết lần này đến lần khác, và bánh xe cuộc sống sẽ không ngừng di chuyển. Đừng sợ. Bạn có đủ thời gian, có đủ sự vĩnh hằng - bạn có thể hoàn thành mục tiêu”.
Đó là lý do cho sự ra đời của ba tôn giáo tại Ấn Độ - Kỳ Na giáo, Phật giáo và Hindu giáo - và cả ba không đồng tình với nhau về bất cứ quan điểm nào trừ sự luân hồi. Cả ba tôn giáo này đều theo đuổi các học thuyết khác nhau, thậm chí còn không thống nhất những nền tảng cơ bản về Thượng đế, bản chất của tự ngã… nhưng lại đồng tình với nhau về thuyết luân hồi - hẳn phải có lý do cho chuyện này. Tất cả đều cần có thời gian, bởi vì để đạt đến Brahman - linh hồn vũ trụ trong cách gọi của người Hindu giáo - họ cần có nhiều thời gian. Đó là một tham vọng rất lớn, và chỉ khi bước sang độ tuổi bốn mươi hai thì bạn mới thấy nó thu hút. Bạn chỉ còn lại hai mươi tám năm.
Và đây chỉ là khởi đầu cho sự hứng thú đó của bạn. Trên thực tế, ở tuổi bốn mươi hai, bạn trở lại làm một đứa trẻ trong thế giới tôn giáo và bạn chỉ còn hai mươi tám năm. Khoảng thời gian dường như quá ngắn, không hề đủ để đạt được những tầm cao đó - Brahman, như cách gọi của người Hindu. Kỳ Na giáo gọi đó là moksha, trạng thái hoàn toàn thoát khỏi mọi nghiệp quả của quá khứ. Nhưng trong quá khứ có đến hàng ngàn và hàng triệu kiếp sống; làm sao bạn giải quyết hết trong vòng hai mươi tám năm? Làm sao bạn tháo gỡ hết những nút thắt trong toàn bộ quá khứ của mình? Quá khứ rộng lớn như vậy, có cả nhân quả tốt lẫn nhân quả xấu - làm sao bạn tẩy sạch toàn bộ tội lỗi của mình trong vòng hai mươi tám năm? Như vậy có vẻ không công bằng! Thượng đế đang đòi hỏi quá nhiều, chuyện này là bất khả thi. Bạn sẽ cảm thấy thất vọng nếu chỉ được cho hai mươi tám năm. Và các Phật tử cũng tin vào luân hồi, dù họ là những người không tin vào Thượng đế, không tin vào linh hồn bất tử. Niết bàn, sự trống rỗng sau cùng, sự trống rỗng tuyệt đối… khi bạn đã bị nhồi nhét với quá nhiều rác rưởi trong quá nhiều kiếp sống như vậy, làm sao bạn có thể trút bỏ hết gánh nặng đó trong vòng hai mươi tám năm? Đó là việc quá sức và dường như bất khả thi. Vì vậy, tất cả đều đồng ý là cần có nhiều tương lai hơn, cần nhiều thời gian hơn.
Mỗi khi có tham vọng, bạn đều cần thêm thời gian. Và theo tôi, một người có đạo là người không cần thời gian. Anh ta đã tự do tại đây và ngay lúc này, anh ta đã đạt được Brahman tại đây và ngay lúc này, anh ta được giải phóng, giác ngộ, tại đây và ngay lúc này. Một người có đạo không hề cần thời gian bởi vì tôn giáo xảy ra trong một khoảnh khắc phi thời gian. Nó xảy ra ngay lúc này, nó luôn xảy ra ngay lúc này; nó chưa từng xảy ra vào lúc nào khác. Nó chưa từng xảy ra theo cách nào khác.
Ở tuổi bốn mươi hai, thôi thúc đầu tiên nảy sinh, mơ hồ, không rõ ràng, khiến bạn bối rối. Bạn thậm chí còn không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, nhưng bạn bắt đầu nhìn vào ngôi đền với sự quan tâm sâu sắc. Thỉnh thoảng khi tiện đường, bạn cũng ghé qua nhà thờ. Thỉnh thoảng, khi có thời gian rảnh rỗi, bạn bắt đầu nhìn quyển Kinh Thánh bám bụi trên bàn. Bạn thấy nó thật mông lung, thật không rõ ràng, giống một đứa trẻ mơ hồ về chuyện tình dục, tò mò muốn tìm hiểu nhưng không biết bản thân đang làm gì. Đó là một sự thôi thúc mơ hồ… Có đôi khi, bạn ngồi lặng yên một mình, bỗng cảm thấy bình yên mà không biết mình đang làm gì. Có đôi khi, bạn bắt đầu lẩm nhẩm một câu nói mình rất hay nghe được từ thuở ấu thơ. Bà của bạn từng thường xuyên lẩm nhẩm câu nói đó; giờ đây, khi căng thẳng, bạn cũng bắt đầu lặp đi lặp lại nó. Bạn bắt đầu tìm kiếm, tìm một người thầy, ai đó có thể dẫn dắt mình. Bạn bắt đầu tìm hiểu, bắt đầu học một câu châm ngôn hay mật ngữ nào đó, thỉnh thoảng lẩm nhẩm về nó, sau đó quên đi trong vài ngày, rồi lại lẩm nhẩm nó… Đó là một sự tìm kiếm mơ hồ.
Khi con người bước sang tuổi bốn mươi chín, cuộc tìm kiếm trở nên rõ ràng; phải mất bảy năm để cuộc tìm kiếm trở nên rõ ràng. Lúc này, lòng quyết tâm trỗi dậy. Anh ta không còn quan tâm đến người khác, đặc biệt là nếu mọi thứ đều thuận lợi - và tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này vì mọi thứ không bao giờ thuận lợi - thì ở tuổi bốn mươi chín, anh ta không còn quan tâm đến phụ nữ. Phụ nữ cũng không còn quan tâm đến đàn ông - tuổi bốn mươi chín là độ tuổi mãn kinh. Người đàn ông không cảm thấy thích hoạt động tình dục nữa. Lúc này, tình dục có vẻ hơi trẻ con, hơi thiếu chín chắn.
Nhưng xã hội có thể gây sức ép… Ở phương Đông, tình dục đã bị phản đối và bị kìm nén. Khi một cậu bé đến tuổi mười bốn, người ta ngăn cấm nó nghĩ đến tình dục, người ta muốn tin rằng cậu bé đó vẫn là một đứa trẻ và rằng nó không nghĩ gì về các bé gái. Mấy đứa bé trai nhà hàng xóm thì có thể có những suy nghĩ đó, nhưng con trai của bạn thì chắc chắn không; cậu bé nhà bạn ngây thơ như một đứa trẻ, như một thiên thần. Và nó trông rất vô tư, nhưng sự thật không phải như vậy - nó mơ tưởng. Bé gái đã xâm nhập vào ý thức của nó, phải như vậy, đó là việc tự nhiên - và nó phải che giấu điều đó. Nó bắt đầu thủ dâm và phải che giấu việc đó. Nó có những giấc mơ ướt át và phải che giấu chuyện đó.
Ở phương Đông, một cậu bé mười bốn tuổi sẽ cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Có điều gì đó sai trái đang xảy ra - chỉ với riêng nó, bởi vì nó không thể biết là mọi người ở khắp nơi đều đang như vậy. Và người ta kỳ vọng quá nhiều ở nó - rằng nó phải mãi là một thiên thần, một đứa trẻ trong trắng, không suy nghĩ về các bé gái, thậm chí không mơ về các bé gái. Nhưng nó bắt đầu quan tâm đến tình dục, và xã hội đang kìm nén nó.
Ở phương Tây, sự kìm nén này đã biến mất nhưng một kiểu kìm nén khác lại xuất hiện - và có một điều bạn cần phải hiểu, vì đây cũng là cảm nhận của tôi, đó là xã hội này không bao giờ có thể thôi kìm nén. Nếu xã hội xóa bỏ một sự kìm nén nào đó, ngay lập tức sẽ xuất hiện một kiểu kìm nén khác. Giờ đây, tại phương Tây, sự kìm nén đó xuất hiện ở độ tuổi bốn mươi chín: người ta buộc phải duy trì hoạt động tình dục bởi vì họ được dạy rằng “Anh đang làm gì vậy? Đàn ông có thể duy trì khả năng tình dục cho tới chín mươi tuổi!”. Những nhân vật lớn đều nói vậy. Và nếu bạn không có khả năng tình dục và không hứng thú với tình dục, bạn bắt đầu mặc cảm tội lỗi. Ở tuổi bốn mươi chín, người đàn ông cảm thấy mặc cảm tội lỗi vì anh ta không làm tình nhiều như trước.
Bên cạnh đó còn có các giáo viên không ngừng dạy bảo: “Thật vô lý. Bạn có thể làm tình, bạn có thể làm tình cho đến chín mươi tuổi. Hãy tiếp tục làm tình”. Và họ nói nếu không làm tình, bạn sẽ bị liệt dương; nếu bạn duy trì việc làm tình, các bộ phận trong cơ thể sẽ tiếp tục hoạt động. Nếu bạn dừng làm tình, các bộ phận sẽ dừng vận hành, và một khi bạn ngừng hoạt động tình dục, năng lượng sống của bạn sẽ suy yếu, bạn sẽ chết sớm. Nếu người chồng dừng làm tình, người vợ sẽ truy hỏi: “Anh đang làm gì vậy?”. Nếu người vợ dừng làm tình, người chồng sẽ trách cứ: “Chuyện này đi ngược lại với những gì các nhà tâm lý học đã nói và có thể gây ra sự lệch lạc nào đó”.
Ở phương Đông, chúng ta đã làm một việc ngu ngốc, và ở phương Tây cũng vậy, họ đã làm chuyện ngu ngốc tương tự vào những ngày xa xưa. Thời đó, một đứa trẻ trở nên quan tâm đến tình dục ở tuổi mười bốn sẽ bị xem là chống lại tôn giáo - nhưng đó là quá trình phát triển tự nhiên. Đứa trẻ không thể làm gì khác, chuyện đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của nó. Nó có thể làm gì? Làm bằng cách nào? Những lời dạy về cuộc sống độc thân ở tuổi mười bốn thật ngu ngốc, bạn đang kìm nén đứa trẻ đó. Nhưng các định chế cũ, các truyền thống cũ, các bậc thầy, các nhà tâm lý học cũ và các tín đồ tôn giáo thời xưa đều chống lại tình dục, toàn bộ thể chế đều chống lại tình dục. Đứa trẻ bị kìm nén, mặc cảm tội lỗi nảy sinh. Bản chất tự nhiên đã không được phép bộc lộ.
Giờ đây, tình trạng ngược lại đang xảy ra ở phương Tây. Ở tuổi bốn mươi chín, các nhà tâm lý học thôi thúc mọi người tiếp tục làm tình, vì nếu không, bạn sẽ đánh mất cuộc đời. Và vì ham muốn tình dục trỗi dậy một cách tự nhiên ở độ tuổi mười bốn, nên ở tuổi bốn mươi chín, nó cũng tự nhiên suy yếu. Nó phải như vậy, bởi vì chu kỳ nào cũng phải có điểm kết thúc.
Đó là lý do tại Ấn Độ, chúng tôi đã quyết định rằng ở tuổi năm mươi, đàn ông bắt đầu trở thành một vanprasth1, người có đôi mắt hướng về núi rừng, lưng quay về phía chợ. Vanprasth là một từ thật đẹp; nó có nghĩa là một người đang bắt đầu nhìn về phía dãy Himalaya, về phía khu rừng. Lúc này, anh ta quay lưng lại với cuộc sống, tham vọng, ham muốn và tất cả những thứ tương tự - những thứ đó đã kết thúc. Anh ta bắt đầu hướng tới sự cô độc, hướng tới việc làm chính mình.
1 Một từ có nguồn gốc từ Hindu giáo, nghĩa đen là người hướng về núi rừng, dùng để chỉ những người bước vào giai đoạn thứ ba trong số bốn giai đoạn của đời người theo triết lý Hindu giáo.
Trước giai đoạn này, cuộc sống là một gánh nặng quá lớn và anh ta không thể ở một mình; anh ta có nhiều trách nhiệm phải hoàn thành, có những đứa con phải nuôi nấng. Giờ đây, những đứa trẻ đã trưởng thành. Chúng đã lập gia đình - đến năm bạn bốn mươi chín tuổi, con cái của bạn bắt đầu kết hôn, ổn định cuộc sống. Chúng không còn là những tay chơi nữa, hẳn là chúng đang chạm ngưỡng hai mươi tám tuổi. Chúng sẽ ổn định cuộc sống, lúc này, bạn có thể xáo trộn cuộc sống của mình. Lúc này, bạn có thể tiến xa hơn mái ấm của mình, bạn có thể trở thành không gia đình. Ở tuổi bốn mươi chín, con người bắt đầu nhìn về phía khu rừng, hướng vào bên trong, trở thành người hướng nội, ngày càng trở nên thiền định hơn và thường cầu nguyện hơn.
Ở tuổi năm mươi sáu, một sự thay đổi khác lại xuất hiện, một cuộc cách mạng. Lúc này, việc nhìn về phía dãy Himalaya không còn đủ nữa; người đó phải thật sự lên đường, anh ta phải đi đến đó. Cuộc sống dần đến hồi kết, cái chết đang đến gần. Ở tuổi bốn mươi chín, người đó không còn quan tâm đến người khác giới. Ở tuổi năm mươi sáu, người đó không còn quan tâm đến người khác, xã hội, các nghi thức xã giao, các đội nhóm. Ở tuổi năm mươi sáu, người đó rời khỏi mọi đội nhóm, mọi câu lạc bộ; lúc này, những thứ đó trông ngốc nghếch, thật trẻ con. Đến các câu lạc bộ và gặp gỡ mọi người, ăn diện, thắt cà vạt và những việc tương tự đều có vẻ thiếu chín chắn, có vẻ thật trẻ con. Họ đang làm gì vậy? Câu lạc bộ mang tên “Những chú sư tử” kia nghe thật ngốc nghếch. Cái tên đó phù hợp với trẻ con - giờ thì họ có câu lạc bộ “Sư tử con” cho con nít, câu lạc bộ “Sư tử cái” cho phụ nữ. Trẻ con tham gia một câu lạc bộ như vậy thì hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng những người phụ nữ và đàn ông trưởng thành ư…? Việc đó chỉ cho thấy tâm trí của họ thật tầm thường.
Ở tuổi năm mươi sáu, con người phải trưởng thành đến mức không còn vướng bận các nghi thức xã giao. Những chuyện đó đã kết thúc! Người đó đã sống đủ, đã học đủ; lúc này, anh ta nói lời cảm ơn mọi người và thoát ra khỏi các vướng bận đó. Năm mươi sáu tuổi là thời điểm người đó trở thành sannyasin1 một cách tự nhiên. Người đó đón nhận tinh thần sannyas - tinh thần khất sĩ - người đó buông bỏ, quá trình này diễn ra tự nhiên, như có vào thì phải có ra. Cuộc sống có một lối vào và cuộc sống cũng phải có một lối ra, nếu không, nó sẽ ngột ngạt. Bạn bước vào và không bao giờ bước ra, sau đó, bạn lại nói rằng mình bị ngạt thở, bị khổ sở. Có một lối ra, và đó là sannyas - bạn thoát ly xã hội. Bạn thậm chí không còn quan tâm đến người khác khi bước sang độ tuổi năm mươi sáu.
1 Khất sĩ, thầy tu hành khất trong Hindu giáo, dùng để chỉ những người bước vào giai đoạn thứ tư, giai đoạn cuối trong bốn giai đoạn của đời người theo triết lý Hindu giáo.
Ở tuổi sáu mươi ba, bạn lại trở thành một đứa trẻ, chỉ quan tâm đến chính mình. Đó chính là mục tiêu của thiền - hướng vào bên trong, như thể mọi thứ khác đã rời xa và chỉ còn bạn hiện hữu. Một lần nữa, bạn trở lại làm một đứa trẻ - tất nhiên, lúc này bạn đã có rất nhiều trải nghiệm sống rất phong phú, rất trưởng thành, hiểu biết với trí thông minh vượt trội. Lúc này, bạn lại trở nên ngây thơ. Bạn bắt đầu hướng vào bên trong. Chỉ còn lại bảy năm, bạn phải chuẩn bị cho cái chết. Bạn phải sẵn sàng chết.
Vậy như thế nào mới là trạng thái sẵn sàng chết? Chết trong trạng thái hân hoan nghĩa là bạn đã sẵn sàng chết. Chết trong hạnh phúc, trong sự hân hoan, sẵn lòng chào đón cái chết chính là trạng thái sẵn sàng chết. Thượng đế đã trao cho bạn cơ hội học hỏi, cơ hội sống, và bạn đã học hỏi. Giờ đây, bạn muốn nghỉ ngơi. Giờ đây, bạn muốn đến với ngôi nhà sau cùng của mình. Đó là một kỳ nghỉ. Bạn đã lang thang trong vùng đất lạ, bạn đã sống với những người xa lạ, bạn đã yêu thương những người xa lạ và bạn đã học hỏi được nhiều điều. Giờ đây, thời khắc đã điểm: hoàng tử phải quay về vương quốc của mình.
Sáu mươi ba tuổi là thời điểm một người hoàn toàn khép mình. Toàn bộ năng lượng di chuyển vào bên trong, hướng vào bên trong. Bạn trở thành một vòng năng lượng, không hướng về bất kỳ nơi nào ngoài chính mình. Bạn không đọc, cũng không trò chuyện nhiều. Bạn ngày càng im lặng hơn, ngày càng trở về với chính mình hơn, hoàn toàn tách khỏi mọi thứ xung quanh. Năng lượng của bạn dần suy yếu.
Ở tuổi bảy mươi, bạn đã sẵn sàng. Và nếu bạn theo đúng trình tự tự nhiên này thì ngay trước khi chết - chín tháng trước khi chết - bạn sẽ nhận biết cái chết đang đến. Giống như đứa trẻ phải trải qua chín tháng trong bụng mẹ, chu kỳ tương tự cũng được lặp lại một cách trọn vẹn, hoàn chỉnh, tuyệt đối. Trước thời điểm cái chết xuất hiện, chín tháng trước đó, bạn sẽ nhận thức được nó. Lúc này, bạn đang bước vào tử cung một lần nữa. Tử cung này không còn ở trong bụng mẹ mà ở bên trong chính bạn.
Người Ấn Độ gọi điện thờ ở nơi trong cùng của một ngôi đền là garbha, nghĩa là tử cung. Khi bạn đến một ngôi đền, nơi trong cùng của ngôi đền được gọi là tử cung. Cách gọi đó rất hình tượng, rất có chủ ý; người ta phải bước vào nơi gọi là tử cung. Trong giai đoạn cuối - chín tháng cuối - người đó bước vào chính mình, cơ thể của người đó trở thành tử cung. Người đó di chuyển vào điện thờ sâu kín nhất bên trong, nơi ngọn lửa luôn rực cháy, nơi ánh sáng luôn soi chiếu, nơi ngôi đền hiện hữu, nơi thần linh hằng sinh sống. Đây là một quá trình tự nhiên.
Đối với quá trình tự nhiên này, tương lai là không cần thiết. Bạn phải sống trọn khoảnh khắc này một cách tự nhiên. Khoảnh khắc tiếp theo sẽ tự xuất hiện từ khoảnh khắc này. Giống như đứa trẻ lớn lên và trở thành thanh niên - không cần có kế hoạch nào cho việc đó, đứa trẻ chỉ đơn giản là trở thành như vậy; đó là quá trình tự nhiên, nó đơn giản là diễn ra như vậy. Như dòng sông tuôn chảy và đổ ra biển lớn, bạn cũng xuôi dòng và đi đến điểm tận cùng, đến với đại dương. Nhưng con người phải luôn tự nhiên, xuôi dòng và sống trong từng khoảnh khắc. Một khi bắt đầu nghĩ về tương lai, về tham vọng và ham muốn, bạn sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc này. Và khoảnh khắc bị bỏ lỡ này sẽ gây ra sự lệch lạc, bởi vì bạn sẽ luôn thiếu mất điều gì đó; một khoảng hở sẽ xuất hiện.
Nếu đứa trẻ không sống một tuổi thơ đúng nghĩa, tuổi thơ không được sống đúng nghĩa đó sẽ xâm nhập vào tuổi trẻ của đứa bé - bởi nó còn có thể đi đâu nữa? Tuổi thơ đó phải được sống đúng. Khi một đứa trẻ bốn tuổi chạy nhảy, múa hát, hái hoa bắt bướm, chuyện đó thật đẹp. Nhưng khi một thanh niên hai mươi tuổi đuổi theo những cánh bướm, anh ta bị điên - khi đó, bạn phải đưa anh ta vào bệnh viện, anh ta là một ca tâm thần. Không có gì sai khi đứa trẻ bốn tuổi làm việc đó; đó là hành động tự nhiên, là việc một đứa trẻ cần làm. Đó là việc làm đúng đắn - nếu đứa trẻ không hái hoa bắt bướm, chắc hẳn phải có điều gì đó bất ổn, nó phải được kiểm tra tâm thần. Đó là hành động phù hợp với thời thơ ấu - nhưng khi một người hai mươi tuổi mà vẫn đuổi bắt bướm, bạn nên nghi ngờ có điều gì đó không ổn, người đó chưa trưởng thành. Cơ thể của anh ta đã lớn nhưng tâm trí vẫn tụt lại phía sau. Nó phải nằm lại đâu đó trong thời thơ ấu - đứa trẻ đã không được sống một tuổi thơ trọn vẹn. Nếu sống trọn tuổi thơ của mình, đứa trẻ sẽ trở thành một thanh niên bảnh bao, tươi trẻ, không bị vẩn đục bởi thời thơ ấu. Nó sẽ bước ra khỏi tuổi thơ như một chú rắn lột bỏ lớp da cũ. Nó sẽ bước ra với một năng lượng tươi mới. Nó sẽ có trí thông minh của một chàng trai trẻ và sẽ không mang dáng vẻ của người chậm phát triển.
Hãy sống trọn vẹn tuổi trẻ của bạn. Đừng lắng nghe những mệnh lệnh xưa cũ, hãy gạt chúng qua một bên. Đừng lắng nghe những mệnh lệnh đó, bởi vì chúng đã giết chết tuổi trẻ, chúng đã vùi dập tuổi trẻ. Những người đưa ra mệnh lệnh đó chống lại tình dục và nếu xã hội chống lại tình dục, tình dục sẽ lan ra khắp cuộc đời bạn, nó sẽ trở thành chất độc. Hãy sống với tình dục! Hãy tận hưởng nó!
Từ mười bốn đến hai mươi mốt tuổi, đứa trẻ đạt đến đỉnh điểm của tính dục. Trên thực tế, khoảng độ tuổi mười bảy hoặc mười tám, nó đạt đến đỉnh điểm của tính dục. Tính dục của nó sẽ không bao giờ sung mãn hơn lúc này, và nếu bỏ lỡ những khoảnh khắc đó, nó sẽ không bao giờ đạt được trạng thái cực khoái tuyệt diệu mà lẽ ra nó có thể đạt được ở tuổi mười bảy, mười tám.
Xã hội buộc bạn phải duy trì cuộc sống không có sinh hoạt tình dục cho đến ít nhất là hai mươi mốt tuổi - như vậy nghĩa là cơ hội tốt nhất để đạt được khoái cảm tình dục, học hỏi, tham gia vào hoạt động tình dục sẽ bị bỏ lỡ. Đến năm hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, xét về khía cạnh tình dục thì bạn đã già rồi. Ở độ tuổi mười bảy, bạn ở đỉnh cao - sung sức, mạnh mẽ đến mức khoái cảm, cơn cực khoái tình dục sẽ lan tỏa vào từng tế bào của bạn. Toàn bộ cơ thể của bạn sẽ được tắm trong phúc lạc vĩnh hằng. Và hãy nhớ khi nói tình dục có thể trở thành samadhi, siêu ý thức, tôi không nói điều đó cho người bảy mươi tuổi. Tôi nói điều đó cho những người mười bảy tuổi. Những người đàn ông lớn tuổi đọc quyển From Sex to Superconsciousness (tạm dịch: Từ tình dục đến siêu ý thức) của tôi và hỏi: “Chúng tôi đã đọc sách của ông nhưng chưa từng đạt được điều gì giống như vậy”. Làm sao bạn có thể đạt được? Bạn đã bỏ lỡ thời điểm và không gì có thể thay thế được thời điểm đó. Tôi không chịu trách nhiệm cho chuyện đó; xã hội của bạn chịu trách nhiệm và bạn đã nghe theo nó.
Nếu từ mười bốn đến hai mươi mốt tuổi, đứa trẻ được phép tự do hoạt động tình dục, tự do tuyệt đối, nó sẽ không bao giờ bận tâm đến tình dục. Nó sẽ hoàn toàn tự do. Nó sẽ không đọc tạp chí gợi tình. Nó sẽ không giấu những bức ảnh khiêu dâm xấu xí trong tủ hay nhét trong quyển Kinh Thánh. Nó sẽ không xúc phạm phụ nữ, nó sẽ không trở thành kẻ hạ cấp. Những việc đó xấu xí, hoàn toàn xấu xí - nhưng bạn cứ mãi chịu đựng chúng và không cảm nhận được điều gì đang diễn ra, tại sao mọi người đều loạn thần kinh.
Một khi bạn có cơ hội để động chạm vào cơ thể phụ nữ, bạn sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đó - thật là một hành động xấu xí! Động chạm vào một cơ thể ư? Điều đó chứng tỏ có gì đó vẫn chưa được thỏa mãn trong bạn. Và khi một ông già nhìn ai đó với ánh mắt đầy dục vọng, không điều gì có thể xấu xí hơn; khi một ông già nhìn ai đó với ánh mắt đầy dục vọng, đó là thứ xấu xí nhất trần đời. Lẽ ra ánh mắt của ông ấy lúc này phải ngây thơ, lẽ ra lúc này mọi nhục dục trong ông ấy đã không còn nữa. Hãy nhớ, thứ xấu xí không phải là tình dục - tôi không nói tình dục xấu xí. Tình dục đẹp vào đúng thời điểm của nó và tình dục xấu xí khi xuất hiện không đúng thời điểm. Tình dục là một căn bệnh khi nó xảy ra với một ông già chín mươi tuổi. Đó là lý do người ta gọi “lão già dơ dáy”. Đúng là dơ dáy.
Một chàng trai trẻ thật đẹp khi thể hiện tính dục. Anh ta toát ra sinh lực, sức sống. Một ông già thể hiện tính dục chỉ cho thấy một cuộc đời không được sống, một cuộc đời trống rỗng, chưa trưởng thành. Ông ấy đã bỏ lỡ cơ hội và giờ đây, ông ấy không thể làm gì mà chỉ có thể nghĩ mãi đến tình dục, tâm trí luôn bị ám ảnh về tình dục và mộng tưởng về nó.
Hãy nhớ, một xã hội đúng đắn sẽ cho phép những người từ mười bốn đến hai mươi mốt tuổi được tự do tình dục tuyệt đối. Rồi sau đó, xã hội sẽ tự khắc ít tính dục hơn; qua một thời điểm nhất định sẽ không còn tình dục nữa. Căn bệnh sẽ không còn ở đó - hãy sống với tình dục khi thời khắc chín muồi và quên nó đi khi thời điểm đã trôi qua. Nhưng bạn chỉ làm được chuyện đó nếu đã thật sự sống, nếu không, bạn không thể quên được và không thể tha thứ được. Bạn sẽ níu kéo, nó sẽ trở thành một vết thương lòng.
Ở phương Đông, đừng nghe lời những chuyên gia có thẩm quyền, cho dù họ nói gì. Hãy lắng nghe bản chất tự nhiên - khi bản chất tự nhiên nói đã đến lúc yêu, hãy yêu. Khi bản chất tự nhiên nói đã đến lúc buông bỏ, hãy buông bỏ. Đừng nghe những nhà phân tâm học và những nhà tâm lý học ngớ ngẩn ở phương Tây. Cho dù có những công cụ tinh vi đến mức nào và bất kể đã thử nghiệm với bao nhiêu âm đạo thì họ - Masters và Johnson1 và những nhân vật tương tự - vẫn không biết gì về cuộc sống.
1 Masters và Johnson là một nhóm nghiên cứu gồm William H. Masters và Virginia E. Johnson, tiên phong nghiên cứu về bản chất phản ứng tình dục của con người, chẩn đoán và điều trị các chứng rối loạn chức năng tình dục từ năm 1957 đến những năm 1990.
Trên thực tế, tôi nghi ngờ những Masters và Johnson hay những Kinsey2 này đều là những kẻ nhìn trộm. Bản thân họ yếu kém về tình dục, nếu không, sao họ phải bận tâm xem xét âm đạo bằng các công cụ thử nghiệm, quan sát xem điều gì đang diễn ra bên trong một người phụ nữ đang làm tình? Ai quan tâm tới chuyện đó? Thật vô nghĩa! Nhưng khi mọi thứ trở nên lệch lạc thì những việc như vậy xảy ra. Lúc này, các Masters và Johnson trở thành chuyên gia, những người có tiếng nói quyết định sau cùng. Nếu bạn gặp phải một vấn đề nào đó về tình dục, họ là những chuyên gia mà bạn tìm đến. Và tôi nghi ngờ họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của họ, họ đã không trải nghiệm đời sống tình dục đúng cách. Họ vẫn còn thiếu điều gì đó ở đâu đó và họ dùng chiêu trò để bổ khuyết.
2 Alfred Charles Kinsey (1894-1956), nhà sinh vật học người Mỹ, giáo sư về côn trùng học và động vật học. Năm 1947, ông thành lập Học viện Nghiên cứu Tình dục, Giới và Sinh sản tại Đại học Indiana, ngày nay là Viện nghiên cứu Kinsey về Tình dục, Giới và Sinh sản. Ông có nhiều nghiên cứu có giá trị nhưng cũng gây tranh cãi về tình dục loài người.
Và khi một thứ được đặt dưới danh nghĩa khoa học, bạn có thể làm mọi điều với nó. Giờ đây, họ đã tạo ra những dương vật giả hoạt động bằng điện và để cho chúng không ngừng rung lắc bên trong âm đạo thật, và họ tiếp tục cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra bên trong đó, xem cơn cực khoái thuộc về âm vật hay âm đạo, hay những hormone nào đang tuôn chảy, những hormone nào không hoạt động, và xem một người phụ nữ có thể làm tình trong bao lâu. Họ nói rằng phụ nữ có thể làm tình đến cuối đời, trên giường bệnh của cô ấy.
Trên thực tế, họ đề xuất rằng sau giai đoạn mãn kinh - nghĩa là sau bốn mươi chín tuổi - phụ nữ có thể làm tình giỏi hơn bao giờ hết. Sao họ lại nói như vậy? Bởi vì theo lời họ, trước tuổi bốn mươi chín, phụ nữ luôn sợ mang thai. Ngay cả khi cô ấy đã uống thuốc ngừa thai thì cũng không có loại thuốc nào đảm bảo ngừa thai 100%; phụ nữ vẫn lo sợ. Ở tuổi bốn mươi chín, khi giai đoạn mãn kinh đến và kinh nguyệt kết thúc, nỗi sợ đó không còn nữa; phụ nữ hoàn toàn tự do. Nếu những lời này của họ lan truyền, phụ nữ sẽ trở thành ma cà rồng, và những phụ nữ lớn tuổi sẽ rượt đuổi đàn ông bởi vì giờ đây không còn gì phải e ngại nữa và các chuyên gia cho phép điều đó. Trên thực tế, họ nói đó là thời điểm thích hợp để tận hưởng mà không cần chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Và họ tiếp tục nói điều tương tự về đàn ông. Họ đã gặp những người đàn ông ngẫu nhiên nào đó - nên bây giờ họ nói không có tiêu chuẩn trung bình - chẳng hạn như họ ngẫu nhiên gặp một người đàn ông sáu mươi tuổi có thể làm tình năm lần một ngày. Người đàn ông này có vẻ là một kẻ dị biến. Có gì đó bất thường với hormone và cơ thể của ông ta. Ở tuổi sáu mươi ư! Ông ta không tự nhiên, bởi vì như tôi thấy - và tôi nói điều này từ trải nghiệm trong nhiều kiếp sống của mình, tôi có thể nhớ chúng - ở tuổi bốn mươi chín, một người đàn ông tự nhiên không còn quan tâm đến phụ nữ; mối quan tâm đó biến mất. Nó xuất hiện và nó biến mất.
Thứ gì xuất hiện cũng phải biến mất. Có mọc thì có lặn. Mọi con sóng cuộn trào đều phải rút xuống, chắc chắn sẽ đến lúc nó phải rút xuống. Nó xuất hiện ở tuổi mười bốn; nó ra đi vào khoảng tuổi bốn mươi chín. Nhưng một người đàn ông làm tình năm lần mỗi ngày ở tuổi sáu mươi thì có gì đó không ổn. Có điều gì đó rất sai trái; cơ thể của ông ta không hoạt động bình thường. Đó là cực đối lập của tình trạng liệt dương, một thái cực khác. Khi một cậu bé mười bốn tuổi không cảm nhận được bất kỳ nhu cầu tình dục nào, khi một thiếu niên mười tám tuổi không có bất kỳ ham muốn tình dục nào, có gì đó không ổn - đứa trẻ cần phải được chữa trị. Khi một người đàn ông sáu mươi tuổi làm tình năm lần một ngày, có gì đó không ổn. Cơ thể của ông ta đã mất kiểm soát; nó không hoạt động đúng, không hoạt động theo cách tự nhiên.
Nếu bạn sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại thì không cần phải lo lắng về tương lai. Một tuổi thơ trọn vẹn sẽ đưa bạn đến với tuổi trẻ chín muồi - tuôn chảy, sung mãn, sống động, với một đại dương năng lượng dồi dào. Một tuổi trẻ được sống trọn vẹn sẽ đưa bạn đến với một cuộc đời rất ổn định, trầm tĩnh và sâu lắng. Một cuộc sống trầm tĩnh và sâu lắng sẽ đưa bạn đến với một câu hỏi mang tinh thần tôn giáo: “Cuộc sống là gì?”. Chỉ sống thôi chưa đủ, con người phải đi sâu vào bí ẩn đó. Một cuộc sống trầm tĩnh và sâu lắng đưa bạn đến với những khoảnh khắc thiền định. Thiền định giúp bạn buông bỏ tất cả những thứ vô dụng lúc này, những thứ rác rưởi, không cần thiết. Toàn bộ cuộc sống trở nên vô giá trị, chỉ còn lại một thứ luôn có giá trị, mãi có giá trị, và đó chính là sự tỉnh thức của bạn.
Khi bước sang năm thứ bảy mươi, khi bạn sẵn sàng chết - nếu bạn đã sống đúng nghĩa, sống từng khoảnh khắc, không bao giờ trì hoãn sang ngày mai, không bao giờ mơ tưởng về tương lai, nếu bạn đã sống trọn vẹn trong khoảnh khắc bất kể nó như thế nào - chín tháng trước khi chết, bạn sẽ nhận thức được nó. Bạn đã tỉnh thức đến mức có thể thấy cái chết đang đến.
Nhiều thánh nhân đã tuyên bố trước về cái chết của họ, nhưng tôi chưa từng thấy ai làm vậy sớm hơn chín tháng. Đúng chín tháng trước khi chết, người tỉnh thức sẽ không còn vướng bận quá khứ… bởi vì người không nghĩ đến tương lai sẽ không bao giờ nghĩ về quá khứ. Quá khứ và tương lai song hành với nhau, chúng gắn kết với nhau. Khi bạn nghĩ đến tương lai, tương lai đó chỉ là sự phóng chiếu của quá khứ; khi bạn nghĩ về quá khứ, điều đó chỉ có nghĩa là bạn đang cố gắng lên kế hoạch cho tương lai - chúng đồng hành với nhau. Hiện tại không thuộc về cả quá khứ lẫn tương lai - người sống trong khoảnh khắc hiện tại sẽ không dính mắc với quá khứ và cũng không bận lòng về tương lai, anh ta không có gánh nặng. Anh ta không phải mang vác gánh nặng nào, anh ta di chuyển nhẹ như không. Trọng lực không ảnh hưởng đến anh ta. Trên thực tế, anh ta không bước đi, anh ta bay. Anh ta có một đôi cánh. Trước khi chết, đúng chín tháng trước khi chết, anh ta sẽ nhận thức được cái chết đang đến.
Và anh ta sẽ tận hưởng, sẽ mừng vui và nói với mọi người: “Chuyến tàu của tôi đang đến, tôi chỉ nán lại trên bờ bên này thêm một lúc nữa thôi. Tôi sẽ sớm trở về nhà của mình. Kiếp sống này là một trải nghiệm tươi đẹp, một trải nghiệm kỳ lạ. Tôi đã yêu, đã học, đã sống hết mình, đã nạp đầy dưỡng chất. Tôi đã đến đây với hai bàn tay trắng và sắp rời đi với thật nhiều trải nghiệm, thật nhiều sự trưởng thành”. Anh ta sẽ biết ơn mọi sự đã xảy ra - cả tốt lẫn xấu, đúng lẫn sai, bởi vì anh ta đã học hỏi từ mọi thứ. Anh ta không chỉ học từ cái đúng mà còn học từ cái sai - anh ta học hỏi từ cả những hiền nhân lẫn những tội đồ. Tất cả đều có ích. Những kẻ cướp anh ta gặp phải, những quý nhân anh ta gặp được, những người bạn, những kẻ thù… tất cả đều có ích. Mùa hạ và mùa đông, lúc no và lúc đói… tất cả đều có ích. Anh ta biết ơn tất cả.
Khi người ta biết ơn tất cả và sẵn sàng cho cái chết, chúc tụng cơ hội mà mình đã được nhận, cái chết trở nên đẹp đẽ. Khi đó, cái chết không phải là kẻ thù mà là người bạn tuyệt vời nhất bởi vì nó là đỉnh cao của sự sống. Nó là đỉnh cao nhất mà cuộc sống có thể đạt được. Nó không phải là sự kết thúc mà là cực đỉnh. Nó trông như kết thúc bởi vì bạn chưa từng biết về cuộc sống - đối với người đã biết về cuộc sống, nó trông như cao trào, đỉnh điểm, đỉnh cao nhất.
Cái chết là cực đỉnh, là sự viên mãn. Sự sống không kết thúc ở cái chết; trên thực tế, sự sống bung nở trong cái chết - nó chính là đóa hoa. Nhưng để biết được vẻ đẹp của cái chết, bạn phải sẵn sàng cho nó, bạn phải học được nghệ thuật của nó.