N
hận thức mang lại tự do. Tự do không chỉ có nghĩa là tự do làm điều đúng; nếu đó là ý nghĩa của tự do thì đó là kiểu tự do gì vậy? Nếu bạn chỉ được tự do làm đúng, vậy thì bạn không tự do. Tự do chứa đựng cả hai: tự do làm đúng và tự do làm sai. Tự do chứa đựng quyền được nói “có” và quyền được nói “không”.
Bạn cũng cần hiểu một điểm tinh tế này, đó là nói “không” mang lại cảm giác tự do hơn so với nói “có”. Và tôi không triết lý hóa chuyện này, đó là sự thật đơn giản mà bạn có thể quan sát ở chính mình. Bất cứ khi nào nói “không”, bạn sẽ cảm thấy tự do hơn. Mỗi khi nói “có”, bạn không cảm thấy tự do bởi vì câu trả lời “có” nghĩa là bạn đã vâng lời, nghĩa là bạn đã nhượng bộ - vậy thì tự do ở đâu? “Không” có nghĩa là bạn vẫn có quyền bướng bỉnh, vẫn giữ khoảng cách; “không” có nghĩa là bạn đã tự khẳng định mình, nghĩa là bạn sẵn sàng chiến đấu. “Không” định nghĩa rõ về bạn hơn “có”. “Có” là thứ mơ hồ, giống như một đám mây. “Không” rất rõ ràng và có thực chất, giống như một tảng đá.
Đó là lý do các nhà tâm lý học nói rằng từ bảy tuổi đến mười bốn tuổi, đứa trẻ nào cũng bắt đầu học nói “không” nhiều hơn. Bằng cách nói “không”, nó bắt đầu thoát khỏi tử cung của người mẹ về mặt tâm lý. Ngay cả khi không cần thiết, nó vẫn nói “không”. Ngay cả khi muốn nói “có”, nó vẫn nói “không”. Có quá nhiều rủi ro nên nó phải học cách nói “không” nhiều hơn. Vào năm mười bốn tuổi, thời điểm trưởng thành về tính dục, nó sẽ nói “không” với người mẹ - nó sẽ phải lòng một cô gái. Đó là câu trả lời “không” triệt để của nó với người mẹ, nó quay lưng với người mẹ. Nó nói: “Con và mẹ đã xong rồi, con đã chọn một cô gái. Con đã trở thành một cá thể có quyền tự chủ. Con muốn sống cuộc đời mình, con muốn làm việc riêng của mình”. Và nếu cha mẹ cương quyết “Hãy cắt tóc ngắn”, nó sẽ để tóc dài. Nếu cha mẹ nói “Hãy để tóc dài”, nó sẽ cắt tóc ngắn. Cứ chờ mà xem… khi những đứa trẻ bướng bỉnh này trở thành cha mẹ, chúng sẽ thấy cảnh con cái của chúng cắt tóc ngắn để học cách nói “không”.
Nếu cha mẹ nói “Hãy giữ nhà cửa sạch sẽ”, bọn trẻ sẽ bắt đầu sống nhếch nhác đủ kiểu. Chúng sẽ ở bẩn, chúng sẽ không tắm gội; chúng sẽ không vệ sinh cá nhân, chúng sẽ không dùng xà phòng. Thậm chí chúng sẽ tìm lý lẽ để chứng minh sử dụng xà phòng là không thuận tự nhiên, không tốt cho da và không có loài vật nào sử dụng xà phòng. Chúng tìm đủ mọi lý do nhưng tận sâu trong lòng, đó chỉ là sự che đậy. Điều mà chúng thật sự muốn nói là “không”. Và tất nhiên, khi muốn nói “không”, bạn phải tìm lý do.
Do đó, việc nói “không” mang lại cho bạn cảm giác tự do; không chỉ có vậy, nó còn khiến bạn cảm thấy mình thông minh. Bạn đâu cần thông minh để nói “có”. Khi bạn nói “có”, chẳng ai hỏi bạn lý do tại sao. Khi bạn đã nói “có”, ai còn bận tâm hỏi tại sao? Không cần bất kỳ lý lẽ hay sự tranh luận nào vì bạn đã nói “có”. Nhưng khi bạn nói “không”, người ta chắc chắn sẽ hỏi “Tại sao?”. Điều đó giúp mài dũa trí thông minh của bạn, mang đến cho bạn một sự sắc bén, phong cách và tự do.
Hãy quan sát cơ chế tâm lý của việc nói “không”. Con người rất khó đạt được trạng thái hòa hợp, và đó là do ý thức. Ý thức đem lại tự do, tự do đem lại khả năng nói “không”, và bạn có nhiều khả năng nói “không” hơn là nói “có”. Tuy nhiên, nếu không có câu trả lời “có” thì sẽ không có sự hòa hợp; câu trả lời “có” chính là sự hòa hợp. Nhưng bạn cần thời gian để lớn lên, trưởng thành, trở nên đủ chín chắn để có thể nói “có” mà vẫn tự do, vẫn là một cá thể duy nhất và vẫn không trở thành nô lệ.
Tự do mà câu trả lời “không” mang lại là thứ tự do rất trẻ con. Nó chỉ phù hợp với đứa trẻ từ bảy tuổi đến mười bốn tuổi. Nhưng nếu một người bị mắc kẹt trong đó và suốt đời nói “không”, anh ta đã ngừng phát triển.
Mức độ trưởng thành cao nhất là nói “có” với niềm hân hoan giống như một đứa trẻ nói “không”. Đó chính là tuổi thơ thứ hai. Và nếu con người thể nói “có” với sự tự do và niềm vui vô ngần, không chút do dự, không ràng buộc, không điều kiện - một niềm vui đơn giản và thuần khiết, một câu trả lời “có” đơn giản và thuần khiết - khi đó, anh ta đã trở thành nhà hiền triết. Anh ta lại sống trong sự hòa hợp, và sự hòa hợp của anh ta sẽ thuộc về một chiều hướng hoàn toàn khác so với sự hòa hợp của cây cỏ và chim muông. Cây cỏ và chim muông sống trong sự hòa hợp bởi vì chúng không thể nói “không”, còn nhà hiền triết sống trong sự hòa hợp bởi anh ta không nói “không”. Ở giữa chim muông và nhà hiền triết là con người, những con người chưa khôn lớn, chưa trưởng thành, vẫn còn mắc kẹt đâu đó, vẫn cố gắng nói “không” để có được đôi chút cảm giác tự do.
Tôi không bảo rằng đừng nói “không”. Tôi nói rằng hãy biết nói “không” khi cần nhưng đừng mắc kẹt trong đó. Dần dần, bạn sẽ nhận ra là có một tự do cao hơn và một sự hòa hợp đẹp đẽ hơn khi bạn trả lời “có”.