C
ây cổ thụ cạnh nhà tôi đang nhảy múa trong mưa và những chiếc lá già đang rơi xuống thật duyên dáng, thật xinh đẹp. Không chỉ thân cây đang nhảy múa giữa gió mưa, mà cả những chiếc lá đang rời cành cũng nhảy múa; sự chúc tụng đang diễn ra.
Trong toàn bộ sự hiện hữu chỉ có con người là đau khổ bởi tuổi già; trên thực tế, sự hiện hữu không biết về tuổi già. Nó biết về sự chín muồi; nó biết về sự trưởng thành. Nó biết rằng có những lúc cần nhảy múa, sống mãnh liệt và trọn vẹn nhất trong khả năng có thể, và có những lúc cần nghỉ ngơi.
Những chiếc lá già của cây hạnh đào cổ thụ cạnh nhà tôi không chết; chúng chỉ đơn giản nghỉ ngơi, tiêu biến và hòa vào lòng đất nơi chúng được sinh ra. Không có buồn rầu, không có khóc thương, chỉ có sự bình yên vô ngần trên con đường đi vào cõi vĩnh hằng. Có lẽ, một ngày nào đó, một thời điểm nào đó, chúng sẽ quay trở lại dưới một hình hài khác, trên một thân cây khác. Chúng sẽ lại nhảy múa; chúng sẽ lại ca hát; chúng sẽ tận hưởng khoảnh khắc đó.
Sự hiện hữu chỉ biết về một vòng tuần hoàn từ sinh đến tử, từ tử đến sinh, và đó là một vòng tuần hoàn bất diệt. Trong sinh có tử, trong tử có sinh. Trước mỗi lần chào đời đều là cái chết, và sau mỗi cái chết là một lần chào đời. Do đó, sự hiện hữu không sợ hãi. Nỗi sợ không hiện diện ở bất cứ nơi nào ngoài tâm trí của con người.
Con người dường như là giống loài ốm yếu duy nhất trong toàn vũ trụ. Sự ốm yếu này là do đâu? Lẽ ra phải khác… Lẽ ra con người nên tận hưởng nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, sống trọn mỗi khoảnh khắc nhiều hơn. Không quan trọng dù là tuổi thơ, tuổi trẻ hay tuổi già, dù là sinh hay tử. Bạn vượt lên trên tất cả những giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi này.
Bạn đã trải qua hàng ngàn lần chào đời và hàng ngàn lần chết đi. Và những ai có thể nhìn thấy rõ sẽ càng hiểu điều này một cách sâu sắc hơn, như thể nó đang xảy ra mỗi khoảnh khắc. Có điều gì đó trong bạn chết đi trong mỗi khoảnh khắc và có điều gì đó trong bạn được tái sinh. Sinh và tử không quá cách xa, không bị tách rời bởi bảy mươi năm. Sinh và tử giống như đôi cánh chim, tồn tại đồng thời. Có sinh mới có tử, có tử mới có sinh. Hiển nhiên, chúng không đối lập mà bổ trợ cho nhau. Chúng cần có nhau để tồn tại, chúng phụ thuộc lẫn nhau. Chúng là một phần của toàn vũ trụ.
Nhưng bởi vì con người không tỉnh thức, vẫn còn say ngủ nên mới không thể nhìn thấy một sự thật đơn giản và hiển nhiên. Chỉ cần một chút nhận thức, không cần nhiều, là bạn có thể nhận thấy mình đang thay đổi trong từng khoảnh khắc. Và sự thay đổi đó có nghĩa là có điều gì đó đang chết đi - điều gì đó đang được tái sinh. Khi đó, sinh và tử sẽ hợp nhất; khi đó, tuổi thơ và sự ngây thơ của nó sẽ hợp nhất với tuổi già và sự ngây thơ của tuổi già. Chúng khác biệt nhưng không đối lập với nhau. Sự ngây thơ của đứa trẻ rất nghèo nàn, bởi vì nó gần giống như dốt nát. Người già - người đã chín muồi theo năm tháng, người đã trải qua mọi buồn vui, sướng khổ, yêu ghét, người đã trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn - đã đạt đến trạng thái mà ở đó, anh ta không còn tham gia vào bất kỳ trải nghiệm nào nữa. Khi đau khổ xuất hiện, anh ta quan sát. Khi hạnh phúc đến, anh ta quan sát. Anh ta đã trở thành một người quan sát đang đứng trên đồi. Mọi thứ trôi qua dưới thung lũng tăm tối, nhưng anh ta vẫn đứng trên đỉnh sáng chói, chỉ lặng lẽ quan sát.
Sự ngây thơ của tuổi già rất phong phú. Nó phong phú nhờ trải nghiệm; nó phong phú nhờ những thành công và thất bại; nó phong phú nhờ những hành động đúng và những hành động sai; nó phong phú theo nhiều chiều hướng. Sự ngây thơ của tuổi già không thể nào đồng nghĩa với dốt nát. Sự ngây thơ đó chỉ có thể đồng nghĩa với sự thông thái.
Cả đứa trẻ và người già đều ngây thơ, nhưng mỗi sự ngây thơ đó lại chứa đựng một phẩm chất riêng. Đứa trẻ ngây thơ bởi nó chưa đi vào đêm tối của tâm hồn; người già ngây thơ bởi anh ta đã bước ra khỏi đường hầm. Một người đang đi vào đường hầm, còn một người đang ra khỏi đường hầm. Một người đang bắt đầu chịu đựng, còn một người đã chịu đựng đủ. Một người không thể nào né tránh địa ngục phía trước, còn một người đã bỏ lại địa ngục phía sau.
Dù vô tình hay hữu ý, trái tim của mỗi con người đều đang run rẩy: bạn đang già đi, và sau tuổi già là trận đại hồng thủy - sau tuổi già là cái chết. Và suốt hàng bao thế kỷ, bạn đã e sợ cái chết tới mức chính ý nghĩ đó đã ăn sâu trong vô thức của bạn; nó đã cắm rễ sâu trong máu của bạn, trong xương của bạn, trong tủy của bạn. Bản thân từ “chết” đã khiến bạn sợ hãi - không phải vì bạn biết cái chết là gì, mà chỉ vì bạn đã được dạy suốt hàng ngàn năm rằng chết là hết, và bạn lo sợ.
Tôi muốn bạn nhận thức rõ rằng chết không phải là hết. Trong sự hiện hữu, không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Hãy nhìn quanh mà xem… buổi tối không phải là kết thúc, buổi sáng cũng không phải là khởi đầu. Buổi sáng chuyển dần sang buổi tối và buổi tối chuyển dần sang buổi sáng. Mọi thứ chỉ đơn giản là đang chuyển sang những dạng thức khác.
Không có khởi đầu và không có kết thúc.
Vậy đâu có lý do gì chuyện lại khác đi với con người? Con người không phải là ngoại lệ. Chính trong ý nghĩ cho rằng mình vượt trội, rằng mình đặc biệt hơn các loài động vật, cây cối và chim muông khác, con người đã tạo ra địa ngục cho chính mình, tự tạo ra chứng hoang tưởng của mình. Chính ý nghĩ rằng chúng ta là giống loài vượt trội đã tạo ra sự rạn nứt giữa bạn và sự hiện hữu. Sự rạn nứt đó gây ra mọi nỗi sợ hãi và đau khổ của bạn, gây ra những phiền não và giận dữ không cần thiết trong bạn. Và tất cả những người được gọi là nhà lãnh đạo, dù thuộc tôn giáo, chính trị hay xã hội, đều nhấn mạnh vào tình trạng rạn nứt đó; họ khiến vết nứt thêm sâu. Không có một nỗ lực nào để hàn gắn, để đưa con người về lại với trái đất, để đưa con người về lại với chim muông, với cây cối và để khẳng định sự hợp nhất tuyệt đối với sự hiện hữu. Đó là sự thật về con người chúng ta - một khi hiểu được nó, bạn sẽ không còn lo lắng về tuổi già hay cái chết, bởi vì khi nhìn quanh, bạn có thể hoàn toàn thỏa mãn rằng không có gì bắt đầu, nó luôn ở đó; không có gì kết thúc, nó vẫn luôn ở đó.
Nhưng ý nghĩ về tuổi già khiến bạn vô cùng lo lắng. Ý nghĩ đó có nghĩa là giờ đây, những ngày tháng yêu thương, vui sướng, hạnh phúc của bạn sẽ kết thúc; giờ đây, bạn sẽ chỉ tồn tại thông qua tên gọi. Đó không phải là niềm hân hoan mà chỉ là quá trình lê bước về phía nấm mồ. Tất nhiên, bạn không thể vui với ý nghĩ rằng mình chỉ là gánh nặng của sự hiện hữu, chỉ đang đứng xếp hàng để tiến dần về phía cái chết. Một trong những thất bại to lớn nhất của mọi nền văn hóa và mọi nền văn minh trên thế giới là không thể trao cho người già một cuộc sống ý nghĩa, một sự tồn tại đầy sáng tạo; họ không thể trao cho người già và cái chết sự duyên dáng cùng vẻ đẹp tinh tế. Và vấn đề đó trở nên ngày càng phức tạp hơn bởi vì càng e sợ cái chết, bạn cũng càng e sợ cuộc sống. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, cái chết đến gần hơn… Người sợ chết không thể nào yêu cuộc sống, bởi vì cuối cùng, chính cuộc sống sẽ đưa bạn đến cửa tử. Như vậy làm sao bạn có thể yêu cuộc sống? Chính vì lẽ đó mà các tôn giáo đều bắt đầu chối bỏ cuộc sống - vì đó là cách duy nhất để chối bỏ cái chết. Nếu bạn không sống cuộc sống của mình, nếu bạn đã kết thúc việc sống, yêu thương, nhảy múa, ca hát, vậy thì lẽ tất nhiên là bạn không cần phải e sợ cái chết; bạn đã chết rồi.
Bạn gọi những người chết rồi này là thánh nhân; bạn tôn sùng họ. Bạn tôn sùng họ bởi bạn biết mình cũng muốn được giống như họ, mặc dù bạn không có nhiều can đảm đến vậy. Ít nhất thì bạn vẫn có thể tôn sùng và bày tỏ ý định của mình: “Nếu tôi có dũng khí hoặc một ngày nào đó gom đủ dũng khí, tôi cũng muốn được sống như ngài: chết hoàn toàn”. Thánh nhân không thể chết bởi vì ông ấy đã chết rồi. Ông ấy đã chối bỏ mọi lạc thú, mọi niềm vui; ông ấy đã từ chối tất cả những gì cuộc sống ban tặng. Ông ấy đã trả lại chiếc vé đến với sự hiện hữu và nói: “Tôi không còn là một phần của sân khấu này nữa”. Ông ấy đã nhắm mắt lại.
Một lần nọ, một người được gọi là thánh nhân đã đến thăm tôi. Tôi đưa ông ấy vào khu vườn đầy hoa thược dược và để ông ấy ngắm những bông hoa xinh đẹp đó dưới ánh nắng ban mai. Ông ấy nhìn tôi một cách rất kỳ lạ, hơi có chút bực bội, cáu kỉnh, và ông ấy không thể kìm được ý muốn phê bình tôi: “Tôi đã nghĩ anh là người có đạo… vậy mà anh vẫn hứng thú trước vẻ đẹp của những bông hoa ư?”. Ông ấy đúng ở một điểm, đó là nếu vẫn hứng thú ngắm nhìn vẻ đẹp của những bông hoa, bạn không thể không hứng thú trước vẻ đẹp của con người. Bạn không thể không hứng thú trước vẻ đẹp của phụ nữ; bạn không thể không hứng thú trước vẻ đẹp của âm nhạc và điệu nhảy. Nếu vẫn quan tâm đến vẻ đẹp của những bông hoa, bạn đã cho thấy là bạn vẫn quan tâm đến cuộc sống, bạn vẫn chưa thể từ bỏ tình yêu. Nếu vẫn nhận biết về vẻ đẹp, làm sao bạn có thể né tránh tình yêu?
Cái đẹp khơi dậy tình yêu; tình yêu lan tỏa cái đẹp.
Tôi nói với ông ấy: “Ông đúng ở điểm này, nhưng ông sai ở điểm thứ hai. Ai nói với ông rằng tôi là người có đạo? Tôi đã chết đâu! Yêu cầu cơ bản của một người có đạo là phải chết. Nếu còn sống, ông chỉ có thể là một kẻ đạo đức giả, ông không thể nào thật sự có đạo”.
Khi nhìn thấy một con chim đang bay, bạn không thể không thấy vui trong sự tự do của nó. Và khi bạn ngắm hoàng hôn với tất cả các sắc màu trải dài phía cuối trời, khi đó cho dù bạn nhắm mắt thì chính việc nhắm mắt đó cũng cho thấy bạn quan tâm đến cảnh hoàng hôn. Bạn đã choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó.
Cuộc sống là tên gọi khác của tình yêu, và tình yêu chính là sự nhạy cảm với cái đẹp.
Tôi nói với người được gọi là thánh nhân kia: “Tôi có thể từ bỏ tôn giáo chứ không thể từ bỏ cuộc sống, bởi vì cuộc sống đã được chính sự hiện hữu trao cho tôi. Còn tôn giáo là do con người tạo ra, do các linh mục, các chính trị gia sản xuất ra để tước đoạt niềm vui của con người, tước đoạt phẩm giá của con người, tước đoạt nhân tính của con người”.
Tôi không phải là người có đạo theo nghĩa đó. Tôi có một định nghĩa hoàn toàn khác về người có đạo. Đối với tôi, người có đạo là người hoàn toàn sống động, sống hết mình, yêu thương cháy bỏng, nhận thức được vẻ đẹp vô ngần xung quanh và có can đảm tận hưởng mọi khoảnh khắc của sinh và tử. Chỉ người nào có khả năng tận hưởng niềm vui của sự sống lẫn cái chết thì khúc ca của anh ta mới tiếp diễn. Cho dù cuộc sống đang diễn ra hay cái chết sắp đến, khúc ca của người đó vẫn không bị gián đoạn, điệu nhảy của người đó vẫn không dừng lại. Chỉ có tâm hồn phiêu lưu như thế, chỉ có sự hiện hữu mang tinh thần lữ khách như thế mới là có đạo. Nhưng nhân danh tôn giáo, con người đã phải nhận lấy những phiên bản nghèo nàn, giả mạo, vô nghĩa - những món đồ chơi rẻ tiền. Khi tôn thờ các bức tượng, tụng niệm những câu thần chú nhân tạo, tôn kính những kẻ hèn nhát và những kẻ trốn chạy, những kẻ không thể sống bởi vì e sợ cái chết, và gọi họ là thánh nhân, tôn giáo đã đẩy con người ra khỏi tinh thần tôn giáo chân chính.
Bạn không cần lo lắng về tuổi già. Và thậm chí càng đẹp hơn khi mọi người bắt đầu nghĩ về bạn như một người già. Điều đó có nghĩa là bạn đã đạt đến trạng thái siêu việt thật sự, bạn đã sống trọn mọi thứ; giờ đây, bạn trưởng thành. Bạn không chối bỏ bất cứ điều gì, bạn chỉ đơn giản đi xuyên qua mọi trải nghiệm. Bạn giàu kinh nghiệm đến mức lúc này, bạn không cần lặp đi những trải nghiệm đó nữa. Đây chính là sự siêu việt.
Bạn nên hân hoan, và tôi muốn cả thế giới hiểu rằng sự hân hoan đó là quyền bẩm sinh của chúng ta khi chấp nhận tuổi già với lòng biết ơn sâu sắc và tận hưởng những khoảnh khắc cuối cùng của tuổi già trước khi chết. Nếu bạn không biết ơn về điều đó, nếu bạn không thể cười vào điều đó - nếu bạn không thể biến mất vào thinh không và để lại tiếng cười phía sau - bạn đã không sống đúng cách. Bạn đã bị chi phối và thao túng bởi những con người sai trái. Họ có thể là những nhà tiên tri của bạn, những đấng cứu thế của bạn, những vị cứu tinh của bạn; họ có thể là hiện thân của các vị thần, nhưng tất cả họ đều là tội phạm vì đã tước đoạt cuộc sống của bạn và khiến trái tim của bạn ngập tràn nỗi sợ.
Mục đích của tôi là khiến trái tim của bạn ngập tràn tiếng cười. Mỗi tế bào trong bản thể của bạn nên yêu thích nhảy múa trong mọi tình huống, cho dù đó là ngày hay đêm, cho dù bạn đang vui hay buồn. Cho dù hoàn cảnh có ra sao, sự vui vẻ đó nên tiếp tục tuôn chảy. Với tôi, đó chính là tính tôn giáo đích thực.
Xin tặng bạn vài câu sutra1:
1 Lời giảng, bài giảng trong kinh sách Phật giáo.
“Người già là người đeo kính trên giường để ông ấy có thể nhìn rõ những cô gái trong giấc mơ của mình.”
“Người già là người chỉ tán tỉnh các cô gái trẻ tại các bữa tiệc để được vợ đưa về nhà.”
“Điều đẹp đẽ của tuổi già là vì bạn đã quá già để làm một tấm gương xấu nên có thể bắt đầu đưa ra những lời khuyên tốt.”
“Phụ nữ thích những điều đơn giản trong cuộc sống, chẳng hạn như mấy ông già. Một khi phụ nữ bắt đầu thích bạn thì bạn xong đời rồi! Họ không còn sợ bạn, bạn hoàn toàn được chào đón.”
“Bên trong mỗi người lớn tuổi đều có một người trẻ tuổi đang tự hỏi chuyện gì đã xảy ra.”