Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 được đánh giá là một thể loại vượt trội với sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nhiều tìm tòi trong cách tiếp cận hiện thực và đổi mới về thi pháp thể loại. Trong đó, chiến tranh nói chung, chiến tranh cách mạng nói riêng là một đề tài lớn, tiếp tục được các nhà văn quan tâm, khai thác. Đây là một đề tài khó, không dễ để có những sáng tác xứng tầm với hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Vì vậy, lớp nhà văn từng trải qua cuộc chiến cảm thấy còn “mắc nợ” với quá khứ, còn thế hệ trưởng thành sau chiến tranh thì coi đó là một thách thức.
Có thể thấy, đề tài chiến tranh đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới sáng tác, phê bình. Sau năm 1975, văn học đề tài chiến tranh không chỉ viết về kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn viết về cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong văn học thế giới, chiến tranh là nguồn cảm hứng lớn sản sinh ra những kiệt tác. Đề tài này đến nay vẫn mang tính thời sự khi nhân loại đang ở thế kỷ XXI.
Trong những năm qua, luận đàm đề tài chiến tranh với vị trí, vai trò, giá trị, sự dịch chuyển trong văn học hiện đại Việt Nam có lẽ là một vấn đề “đặc biệt” thu hút giới nghiên cứu phê bình. Đề tài chiến tranh được nhìn nhận là vùng thẩm mĩ đặc biệt cho sáng tác văn học. Ở mảng truyện ngắn, các nhà phê bình đã chỉ ra sự vận động từ tư tưởng đến nội dung và hình thức biểu hiện thông qua một số khía cạnh hoặc điểm qua vài nét về đặc điểm của truyện ngắn sau năm 1975 về chiến tranh, chưa đi sâu khai thác một cách có hệ thống về thể tài này. Những bài viết và công trình đó cũng là sự gợi dẫn cho chúng tôi lựa chọn nghiên cứu và giới thiệu về “Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh”. Nghiên cứu truyện ngắn về chiến tranh từ sau năm 1975 dưới các góc độ: hướng tiếp cận hiện thực mới mẻ, các kiểu loại nhân vật đa dạng, phương thức nghệ thuật kế thừa truyền thống và mang hơi thở văn chương đương đại, chúng tôi hy vọng sẽ đem lại cái nhìn tương đối toàn diện về mảng truyện ngắn này với nhiều giá trị đặc sắc còn tiềm ẩn.
Nếu như nói đến toàn bộ truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh thì sẽ là một con số rất lớn và rải rác xuất hiện trong sáng tác của nhiều nhà văn, các sách, báo, tạp chí. Chính vì vậy, công trình giới hạn đối tượng khảo sát chủ yếu là những tác phẩm đã được các nhà văn uy tín tuyển chọn trong các tuyển tập truyện ngắn hay về chiến tranh, truyện ngắn hay và đoạt giải Tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1975 đến năm 2016. Bên cạnh đó là truyện ngắn được viết và công bố sau năm 1975 về chiến tranh của một số tác giả tiêu biểu đã thành công với đề tài này được dư luận quan tâm luận bàn - trong phạm vi mà người viết cập nhật được.
Văn học sau năm 1975 nói chung, truyện ngắn nói riêng viết về chiến tranh là viết về kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào, Campuchia khi cuộc chiến đã qua. Trong khuôn khổ cuốn sách này, số lượng truyện ngắn đề cập đến mỗi cuộc chiến tranh này là con số ngẫu nhiên của đối tượng khảo sát - chúng tôi gọi chung là Truyện ngắn sau năm 1975 viết về chiến tranh hoặc truyện ngắn về chiến tranh.
Tiếp cận truyện ngắn phân theo mảng đề tài cũng là một trong nhiều hướng nghiên cứu. Truyện ngắn về chiến tranh vừa có nét khu biệt vừa mang nét chung của văn học sau năm 1975. Từ đó có thể tìm ra những thay đổi trong nội dung và thi pháp của truyện ngắn viết về chiến tranh theo sự vận động của thể loại và độ lùi thời gian. Viết về đề tài này khi đất nước hoà bình và hội nhập có gì khác biệt với khi đang ở thời chiến. Những kết quả khảo sát, phân tích sẽ là cơ sở phác thảo đặc điểm, xu hướng của truyện ngắn về chiến tranh… Từ đó đưa ra cái nhìn toàn diện, hệ thống về tiến trình của truyện ngắn từ sau năm 1975, đề tài chiến tranh đặt trong tương quan chiều dọc với truyện ngắn về chiến tranh giai đoạn trước và chiều ngang là dòng chảy chung của truyện ngắn Việt Nam đương đại, khẳng định sự tiếp nối có tính sáng tạo của truyện ngắn mảng đề tài này.
Có thể nói, truyện ngắn viết về chiến tranh sau năm 1975 là một đề tài lớn, vì vậy, mặc dù đã rất cố gắng, song việc lựa chọn tác phẩm để nghiên cứu trong cuốn sách này có phần mang yếu tố cảm tính, chủ quan nên sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Xin trân trọng cảm ơn!
TÁC GIẢ