Từ xưa, chiến tranh đã là đề tài của nhiều kiệt tác văn chương thế giới, còn với văn học Việt Nam đây là đề tài đặc biệt. Tuy nhiên, phương thức khai thác đề tài và tiếp cận hiện thực chiến tranh có sự thay đổi theo các thời kỳ lịch sử. Thời chiến, văn học là tiếng nói tinh thần của cộng đồng dân tộc, hướng tới phản ánh hiện thực sự kiện với những nhân vật sử thi. Sau giải phóng, biên độ hiện thực được mở rộng. Đặc biệt, thời kỳ đổi mới đã mở ra bầu không khí dân chủ, khuyến khích mọi cá tính sáng tạo và cùng với độ lùi thời gian, chiến tranh được phản ánh một cách đa diện, đa sắc, đa âm hưởng.
Với đề tài này, nhà văn Chu Lai cho rằng: “Càng khám phá càng thấy những độ rung không mòn nhẵn, miễn là người viết biết tìm ra một lối đi riêng”1. Nhìn lại từ sau năm 1975 đến nay, văn học viết về chiến tranh đã có cuộc chuyển mình mạnh mẽ hướng tới khắc hoạ chiến tranh một cách toàn diện. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ XX, văn học về chiến tranh in đậm không khí chiến trường, bom đạn bởi chiến tranh giải phóng vừa kết thúc lại tiếp tục chiến tranh biên giới. Tuy nhiên, tiếp cận đề tài chiến tranh qua số phận con người cá nhân với cả những góc khuất, bi kịch đã trở thành xu hướng mới với Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nắng đồng bằng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Em bé câm trước đền Ăngko (Lê Lựu), Mùa khô này có một dòng suối trong (Nguyễn Chí Trung), Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu)... Đến những năm 90 kết tinh nhiều truyện ngắn về chiến tranh: Chiều vô danh (Hoàng Dân), Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), H’Noanh, chị tôi (Trung Trung Đỉnh)... Sang đầu thế kỷ XXI, dòng mạch văn học về chiến tranh vẫn tiếp tục một cách bền bỉ, mãnh liệt song hành với tâm thế sáng tạo mới. Có thể kể đến tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức), Thượng Đức (Nguyễn Bảo), Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), và nhiều truyện ngắn như: Mười ba bến nước (Sương Nguyệt Minh), Chú lùn thứ bảy (Lưu Sơn Minh), Hồn cát (Nguyễn Hiệp), Âm thanh của ký ức (Doãn Dũng),... Những tác phẩm thành công về chiến tranh cho thấy sự tiếp nối, làm mới về cảm xúc, phong cách, thế hệ khi viết về đề tài này.
I. SỰ ĐỔI MỚI QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI
1. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật và cảm hứng sáng tác
Quan niệm nghệ thuật được giải thích theo Từ điển thuật ngữ văn học là “nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”, “là sự miêu tả hữu hạn của thế giới vô hạn là cuộc đời, hình tượng nghệ thuật phải được mở đầu và kết thúc ở đâu đó, con người và cảnh vật phải được nhìn ở giác độ nào đó”2. Quan niệm nghệ thuật tạo nên “cái mô hình nghệ thuật về thế giới và con người bao quát mà tác giả xuất phát để khắc họa hình tượng của những con người và số phận cụ thể, tổ chức quan hệ của các nhân vật, giải quyết xung đột, xây dựng kết cấu tác phẩm”. Quan niệm nghệ thuật “thể hiện cái giới hạn tối đa trong cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật, thể hiện khả năng, phạm vi, mức độ chiếm lĩnh đời sống của nó”; thể hiện ở “điểm nhìn nghệ thuật, ở chủ đề cảm nhận cuộc sống, được hiểu như những hằng số tâm lý của chủ thể, ở kiểu nhân vật và biến cố mà tác phẩm cung cấp, ở cách xử lý các biến cố và quan hệ nhân vật”3.
Quan niệm nghệ thuật về hiện thực là cách nhìn nhận, miêu tả hiện thực cuộc sống của người viết trong tác phẩm văn học. Nhà văn không đưa vào tác phẩm mọi vấn đề của hiện thực mà chọn cho mình một lát cắt riêng, làm cho vấn đề mình xây dựng mang một giá trị nhất định, vấn đề hiện thực đã được hệ tư tưởng quy chiếu. Phản ánh góc độ hiện thực nào và qua đó thể hiện điều gì là cả một quá trình tìm tòi, suy nghĩ của người viết. Còn quan niệm nghệ thuật về con người là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lý giải về con người của nhà văn. Quan niệm đó được nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm, gắn liền với chủ quan sáng tạo của mình. Quan niệm nghệ thuật mang tính lịch sử nên mỗi giai đoạn khác nhau, quan niệm nghệ thuật có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại.
Sau năm 1975, sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người đã mở ra trang mới trong văn học Việt Nam nói chung và truyện ngắn nói riêng. Trong văn học 1945 - 1975, hiện thực được quan niệm là cuộc sống kháng chiến và xây dựng đất nước với mục tiêu độc lập thống nhất đất nước. Hiện thực ở đây rộng lớn mang tính lý tưởng, lạc quan, được nhìn qua góc độ các sự kiện, vấn đề trong số phận cộng đồng. Theo cách nói của Nguyễn Minh Châu: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước”4. Hiện thực được miêu tả trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng “đôi khi tráng lên một lớp men trữ tình hơi dày”. Cuộc sống thời chiến tranh còn “ẩn náu” nhiều vấn đề chưa được khai thác hết, thiếu đi tính phức tạp - đa diện của cuộc sống con người.
Nhận ra được những hạn chế của văn học giai đoạn trước, sau giải phóng, cùng với sự đổi mới tư duy, quan niệm về hiện thực cũng thay đổi. Sự chuyển hướng của văn học từ góc nhìn hiện thực qua góc độ các sự kiện, vấn đề trong số phận cộng đồng sang soi chiếu từ góc độ con người với tất cả những trạng huống sinh động, phức tạp vốn có. Hiện thực chiến tranh và hậu quả của nó được nhìn nhận một cách toàn diện, sâu sắc. Trên tinh thần phản ánh khách quan lịch sử, lớp nhà văn sau giải phóng có sự thống nhất ở quan điểm: để đạt được tính chân thực thì trước hết, hiện thực được phản ánh trong tác phẩm phải là hiện thực toàn diện, đầy đủ. Nhà văn không được làm biến dạng hiện thực bằng bất cứ phương thức nào như: tô hồng, bôi đen, bóp méo hay né tránh. Không chỉ trong truyện ngắn, các thể loại khác cũng mang tinh thần “nhìn thẳng vào hiện thực”, “nhận thức lại hiện thực”, “đối thoại với hiện thực” khi miêu tả sự “va đập” của chiến tranh với số phận con người. Đồng thời, văn học phải lấy con người làm đối tượng trung tâm và qua mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh để chỉ ra những quy luật khách quan của cuộc sống. Quan niệm của Nguyễn Minh Châu - nhà văn phải “bằng ngòi bút, đào sâu cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồn cơn của con người” cũng là tâm thế, tư tưởng chung của nhà văn thời kỳ này. Đây là yếu tố kim chỉ nam tạo nên những thay đổi trong nghệ thuật truyện ngắn. Quan niệm ngày càng sâu sắc dẫn đến nghệ thuật thể hiện con người trong tác phẩm ngày càng đa dạng hơn. Nhìn lại giai đoạn 1945 - 1975, văn học bị chi phối bởi quy luật bất thường của chiến tranh, văn học hướng tới cộng đồng và những vấn đề lớn lao của dân tộc, thiên về ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cái cao cả của cuộc sống. Hoàn cảnh lịch sử đó chi phối quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn nói chung và trong truyện ngắn nói riêng. Con người được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, lịch sử. Cá nhân chiếm một vị trí khiêm tốn, gần như được ẩn khuất, hoà vào con người công dân, chính trị. Vì vậy, xuất hiện trong văn học hình tượng con người cách mạng thống nhất giữa cái riêng và cái chung, người anh hùng mang tầm vóc sử thi. Văn học thời kỳ này chưa xem xét con người như một cá nhân mà thể hiện con người tập thể.
Sau giải phóng và kết thúc các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị đã mở ra thời kỳ đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học theo tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật. Có thể nhận thấy rằng, sự tiếp xúc cởi mở với văn hóa, văn học nước ngoài (chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại của phương Tây) tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong văn học. Giai đoạn này chịu chi phối của quy luật đời sống thời hậu chiến và đời thường. Quan niệm nghệ thuật về con người có những thay đổi linh hoạt và ngày càng toàn diện, dần chuyển từ con người công dân, chính trị sang con người cá thể được khai thác ở nhiều bình diện (con người tự nhiên, con người tâm linh, con người tự nhận thức…). Vì vậy, trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, nhân vật xuất hiện với số phận, diện mạo phong phú, sinh động. Đặc biệt, bi kịch đời tư của con người sau chiến tranh được quan tâm thể hiện ở nhiều góc độ. Nếu trong giai đoạn trước quan niệm con người theo kiểu lý tưởng hoá, con người sử thi “luôn trùng khít với địa vị xã hội của mình” nên đơn chiều, dễ hiểu thì giai đoạn này có sự trỗi dậy mạnh mẽ tiếng nói cho số phận cá nhân. Vì vậy, xuất hiện những con người “không trùng khít” với phận vị xã hội của mình, phức tạp, đa chiều. Xu hướng chung là miêu tả với mọi trạng thái vốn có, văn học dần thoát khỏi lối mòn tư duy của thời chiến, tiệm cận với quan niệm đầy đủ, khách quan. Trong truyện ngắn về chiến tranh nói riêng, không có nhân vật thánh thiện, hoàn hảo, nhất thành bất biến mà xuất hiện những nhân vật đậm chất đời thường, tồn tại các mặt đối lập: tốt - xấu, thiện - ác, cao cả - thấp hèn, hạnh phúc - bất hạnh, tự nhiên - xã hội... đan xen. Đó là hệ quả của sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của nền văn học sau giải phóng. Bên cạnh đó, xuất hiện quan niệm mới về đề tài chiến tranh, coi đó là hiện thực đa chiều cần “nhận thức lại”, “phải viết sao cho bên đối phương, bên bại trận cũng thấy hay, thấy nể phục”… mang lại sự mới mẻ, tinh thần đối thoại khi viết về đề tài này.
Cùng với việc xác lập quan niệm nghệ thuật mới, cảm hứng lãng mạn trong văn học thời chiến dần thay đổi. Viết về chiến tranh, trong giai đoạn 1945 - 1975, cảm hứng lãng mạn gắn liền với khuynh hướng sử thi (khác với cảm hứng lãng mạn của văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1945). Mạch cảm hứng này ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Thơ văn thấm đượm chất trữ tình. Trong văn xuôi, mạch cảm nghĩ của tác giả, hướng cốt truyện, số phận nhân vật đều vận động từ bóng tối đến ánh sáng, hiện tại đến tương lai, gian khổ đến niềm vui. Vì vậy, truyện ngắn về chiến tranh giai đoạn này miêu tả những nhân vật thể hiện tinh thần lạc quan trong sản xuất và chiến đấu, tràn đầy nghị lực và quyết tâm vượt qua mọi trở ngại của hoàn cảnh. Nhân vật chính diện trong Giấc mơ ông lão vườn chim (Anh Đức), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Màu tím hoa mua (Nguyễn Thị Như Trang), Đêm trong làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú)... đều được miêu tả với đặc điểm này. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám mở ra không khí xây dựng xã hội mới và đấu tranh giải phóng miền Nam tạo nên môi trường tốt để con người cống hiến và thi đua. Cảm hứng lãng mạn làm nổi bật sự “đổi đời”, sức cảm hoá của hoàn cảnh mới với mọi người, không khí tươi vui của công cuộc dựng xây và chiến đấu.
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, nước ta còn tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cảm hứng lãng mạn ngợi ca không còn là âm hưởng chủ đạo mà chuyển dần sang cảm hứng nhân bản, nhân văn. Những truyện viết về chiến tranh biên giới Tây Nam xuất hiện nhiều vào những năm 80, 90 thế kỷ XX, không khí chiến tranh vẫn còn khá “nóng hổi”. Tuy nhiên, trung tâm của những tác phẩm này tình người, tình đồng bào, tình hữu nghị giữa người lính Việt Nam và quân dân Campuchia, những mất mát, hy sinh, tội ác của quân Pôn Pốt cũng được đề cập: Anh ấy không đơn độc (Văn Lê), Biển Hồ yên tĩnh (Mai Ngữ), Mùa khô này có một dòng suối trong (Nguyễn Chí Trung), Chuyến xe đêm (Ma Văn Kháng),... Khoảng thời gian từ 1975 - 1985 là bước đệm cho những thay đổi tư duy nghệ thuật nói chung. Vốn là thể loại nhạy bén, linh hoạt, trên văn đàn sớm xuất hiện những truyện ngắn về chiến tranh có cái nhìn mới về con người với tính cách, số phận, diễn biến phức tạp trong tâm hồn như Trí, Mây (Hai người trở lại trung đoàn - Thái Bá Lợi), họa sĩ (Bức tranh) và Quỳ, Hòa (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) của Nguyễn Minh Châu...
Từ năm 1986, làn gió “đổi mới” tràn qua địa hạt văn học trên tất cả các thể loại. “Sự thức tỉnh ý thức cá nhân trên cơ sở tinh thần nhân bản là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo, bao trùm của nền văn học từ sau năm 1975” (Nguyễn Văn Long). Nếu trong văn học kháng chiến, các vấn đề cộng đồng, dân tộc trở thành trung tâm, con người được soi chiếu qua lịch sử thì sau giải phóng, cảm hứng nhân bản, nhân văn hướng văn học soi ngắm đến số phận cá nhân. Việc lấy con người làm gốc, coi trọng con người với thực thể hiện hữu của nó - sự sống còn và bản chất người (bao gồm cả bản năng vốn có và những giá trị khác) cũng là biểu hiện sự vượt thoát khỏi “chủ nghĩa đề tài” để trở về với đặc trưng thẩm mĩ của văn học.
Văn học sau chiến tranh ngày càng chú trọng đến con người trong tương quan đa chiều với cộng đồng, môi trường văn hóa, với chính bản thân mình, con người hiện lên “như nó vốn có” chứ không là “cần phải có” trong thời chiến. Như vậy, chiều sâu bản thể và tâm hồn con người được khai thác với trí tuệ, tư tưởng, tình cảm, con người tự nhiên, con người xã hội... Trước một hiện thực mới liên tục biến đổi, cũng là bước vào một cuộc chiến mới vì quyền sống của mỗi con người, tinh thần nhân bản là nơi neo đậu vĩnh cửu của văn chương.
Với cách nhìn đó, con người trong tác phẩm đậm chất đời thường với sự ích kỷ cá nhân, những đặc tính phức tạp đầy biến động trong mỗi người chịu tác động của chiến tranh. Vì vậy, có thể thấy nhiều nhân vật hiện lên như một cá thể mang trong nó nhiều mặt tính cách... Đó là Lâm (Truyền thuyết về Quán Tiên) lấy nơi ác liệt để trừng phạt cấp dưới, Lực (Cỏ lau) vì tự ái mà đẩy Phi vào cái chết vô nghĩa; Xuân (Chuyện lạ trong ngôi mộ - Bùi Thanh Minh) bị thương ở Campuchia, khi về nước làm giàu bằng việc làm giấy tờ cho thương binh giả; “hắn” (Họ đã trở thành đàn ông) chiếm đoạt người phụ nữ cùng đơn vị dù chị cự tuyệt và đang mang thai... Thời thế có thể tạo nên những anh hùng và cũng là nơi xuất hiện khoảnh khắc yếu hèn, “tiểu nhân”, tầm thường trong mỗi con người. Môi trường thời chiến và khi vừa kết thúc chiến tranh như thứ “nước rửa” làm hiện lên “khuôn hình” chân dung con người rõ nét nhất. Đó cũng là một thực tế gắn với bản chất con người mà trong chiến tranh, văn học hạn chế đề cập đến. Khi được nhìn nhận là một thực thể phức tạp thì việc chỉ ra những “mặt tối”, phần khuất lấp không phải là sự “bôi đen” mà là sự phản chiếu một cách chân thực, góp phần đấu tranh để con người hướng thiện và sống đẹp hơn.
Rất nhiều truyện ngắn dành một cái nhìn nhân văn cho những người lính phía bên kia, không còn mặc định đã bên “địch” là xấu… Họ có thể là những binh lính trong đội quân của Pháp - Mỹ, có thể là lính ngụy hay là con em sĩ quan ngụy; người dân bị bắt vào lính Pôn Pốt, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh vì không có sự lựa chọn.
Viết về cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ ở Đông Dương, những tác phẩm văn chương nghiêm túc trên chính hai quốc gia này cũng đề cập đến sai lầm của cuộc chiến và số phận của những người lính. Nhiều người bất đắc dĩ bị đẩy vào tham chiến, họ thấy mình “bị lừa”, thấy “sự khủng khiếp của chiến tranh và sự hoài nghi tột cùng”. Họ cũng phải chịu những chấn thương tinh thần ghê gớm khi bước ra khỏi chiến tranh. Có thể điểm đến những tác phẩm tiêu biểu như: Nghệ thuật chiến tranh Pháp (2011) của Alexis Jenni, Thành công riêng của đại úy Peter Rossille (1983) của F. Woodray, Tất cả những thứ chúng ta có (1981) của A. Skelltole, Những cánh đồng bốc cháy (1978) của J. Weeffer, Đếm xác (1973) của W. Hughet... Để có một cái nhìn đa diện, văn học về chiến tranh của Việt Nam cũng đưa vào trường phản ánh những vấn đề này. Đã có một thời gian dài trong thế kỷ XX, nhân vật được phân tuyến rạch ròi, đối lập, thiếu tính đa phức và cả những vẻ đẹp nhân tính mà dân tộc nào cũng có. Truyện ngắn đương đại về chiến tranh đã mở rộng hướng tiếp cận đề tài, bổ sung vào khoảng trống những hình tượng người lính phía bên kia nhưng gợi lên sợi dây tình cảm vô hình giữa người với người. Dù phải làm nhiệm vụ trong hàng ngũ địch nhưng họ cũng có cảm xúc, tình cảm, lòng trắc ẩn... như mọi con người bình thường. Đây là “vùng khuất” mà trong truyện ngắn giai đoạn trước không soi rọi đến. Đó là Uman - lính Pôn Pốt (Ranh giới một vùng - Nguyễn Bảo), xả một băng đạn vào đại đội trưởng của mình vì hành động man rợ của hắn rồi bỏ chạy; là Duy (Lá thư từ Quý Sửu - Bảo Ninh) viết thư cho người Việt cộng trước trận đánh mong cẩn trọng và thông cảm như một người anh em; là Benla (Cây số 42 - Dũng Hà) từng là tù binh trận Điện Biên Phủ, sau sự việc được Hồng - thanh niên xung phong xin tha giúp thì đã hứa sẽ làm điều có ích cho tổ quốc anh và quay lại đón cô. Xuất hiện gần đây là Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa) với Philip - viên lính Mỹ dành tình yêu thương cho bà mẹ đơn thân làm tiếp viên quán bar - Diễm Thúy, trong hỗn loạn của những ngày cuối chiến tranh vẫn thể hiện là người trọng lời hứa về đón mẹ con cô đi cùng; là Paul de’ Alzon - người lính Pháp như có sự kết nối linh hồn với cô bé Sa từ nhỏ đến lớn và cô trở thành cầu nối đưa hài cốt anh trở về quê hương (Hoa oải hương ven sông Sương - Nguyễn Thu Hằng)...
Cùng với đó là nhiều nhân vật ngụy quân trong Tiếng chuông chiều (Lê Hoài Lương), Loay xoay thuyền thúng (Lê Nguyên Ngữ), Những đứa con của mẹ (Thiên Di), Hoài vọng (Văn Xương), Sóng gió Ô Cấp (Trịnh Sơn)... Đằng sau cái sai, cái ác khi đứng vào hàng quân phản cách mạng là những cảnh ngộ riêng và nhiều khi cuộc sống đưa đẩy, dồn ép họ vào vị trí đó để bảo toàn cho bản thân và gia đình, có người mang danh lính ngụy nhưng cố tránh làm điều ác. Hầu hết họ đều có sự hướng thiện khi chiến tranh qua đi hoặc sau khi trải nghiệm thực tế đối diện với người lính cách mạng thì họ có sự thay đổi... Và người day dứt sau chiến tranh không chỉ là những người bên kia chiến tuyến mà còn có cả những người đứng trong hàng ngũ cách mạng như nhân vật “tôi” (Hồn cát - Nguyễn Hiệp), Lực (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu), ông Hoán (Người không đi qua hoàng cung - Chu Lai)... Ở tọa độ tham chiếu này, truyện ngắn về chiến tranh cất lên tiếng nói đa thanh. Là con người, không phải ai ở phía kẻ thù của ta cũng xấu và con người có sự thay đổi do tác động của hoàn cảnh theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Ở đây có sự gặp gỡ với hướng đi của nhiều nhà văn Mỹ đương đại khi viết về chiến tranh Việt Nam với nỗ lực tìm “những bút pháp mới có khả năng diễn tả cái hiện thực đa phương đa tầng của lịch sử và cái tâm cảm cực kỳ phức tạp của con người trong cuộc chiến ấy” (nhận định của Nguyễn Hồng Dũng trong bài Chiến tranh Việt Nam trong văn học Mỹ, từ sự thật đến tác phẩm).
Cảm hứng nhân bản cũng làm tôn lên vẻ đẹp nhân tính, trân trọng phần tốt đẹp của mỗi con người không phân biệt chiến tuyến đồng thời thể hiện tinh thần đối thoại khi viết về con người chịu tác động của cuộc chiến. Tình người, tình đồng bào khi cận kề cái chết xuất hiện trong nhiều tác phẩm làm nổi bật những vấn đề mang tính nhân loại về con người trong dòng thác lịch sử. Đây là thông điệp lớn và sâu sắc mà truyện ngắn đương đại về chiến tranh chạm đến. Ở góc độ này, có thể thấy sự gần gũi giữa văn học về chiến tranh Việt Nam với sáng tác của nhiều nhà văn Mỹ. Trong bài nghiên cứu “Văn học Mỹ viết về chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam”, Jeffrey Walsh cho thấy khi viết về cuộc chiến Mỹ gây ra trên hai quốc gia này, nhiều nhà văn Mỹ viết với tinh thần phê phán chiến tranh và xoáy sâu vào thân phận con người. The Manchuran Candidate (Ứng viên Mãn Châu) của Richard Condon viết về chiến tranh của Mỹ ở Triều Tiên đã phản bác tư tưởng của chính trị gia Mc. Carthy “thông qua việc miêu tả thủ thuật tẩy não để từ đó chứng minh sự lầm lạc của giới chính trị tinh hoa Mỹ”. Còn Dog Tags (Thẻ nhận dạng) của Becker lại “tập trung xây dựng hình tượng nhân vật trầm tư, đầy cuốn hút - một con người có đời sống tâm linh và lòng nhân đạo bao la, vượt lên trên hẳn tính phi nhân vốn vẫn được xem là chủ đề trung tâm của loại hình văn học tù binh”. Viết về chiến tranh ở Việt Nam, In Distant Ground (Ở vùng đất xa xôi) là một trong những tác phẩm của Robert Olen Butler “đề cập đến ý niệm về sự chuộc tội cho những hành động mà Mỹ đã gây ra cho Việt Nam”. Với Paco’s Story (Chuyện của Paco), “Heinermann đã khắc họa một bức chân dung tăm tối về người cựu chiến binh, một người đã phải hứng chịu quá nhiều vết thương và hiện vẫn đang trong tình trạng tàn tật nặng nề. Nhà văn không thông báo cho người đọc về đời sống riêng tư của Paco để tập trung miêu tả cái thân thể què quặt của anh, xem nó như một dấu hiệu cho những di chứng của chiến tranh”. Sự tàn bạo của chiến tranh, những hành vi vô nhân đạo cũng là chủ đề của nhiều tác phẩm văn học Mỹ. Close Quarters (Giáp lá cà, 1977) của Larry Heinemann “vẫn khẳng định một vài đức tính của người lính, nhưng hơn cả, là tập trung vào sự ghê rợn kinh người của chiến tranh và của đời sống quân ngũ tại một miền đất cô lập, nơi con người thường hành động theo bản năng đầy thù hận và man dã”. The Short - Times (Đời lính ngắn ngủi) và The Phantom Blooper (Tiếng nổ ma quái) của Gustav Hasford “đưa vào những lời bình luận bóng gió về sự tàn bạo của Mỹ như vụ thảm sát khét tiếng ở Mỹ Lai”. Dog Soliders (Lính phủi) của Robert Stone “là một sự lên án đầy phẫn nộ đối với sự can dự của Mỹ trong chiến tranh cũng như chính sách ngoại giao tàn hại của nước Mỹ. Những miêu tả của tác phẩm về việc buôn lậu heroin, bạo lực tràn lan và tình trạng suy đồi đạo đức là một ẩn dụ kinh hoàng về cuộc chiến”.
Điểm giống nhau của nhiều tác phẩm văn học đề tài này là nói lên sự tác động tiêu cực của chiến tranh đến mỗi số phận và cộng đồng. Những chấn thương, xáo trộn tâm lý, đời sống của con người và những hệ lụy dai dẳng của nó là vấn đề muôn thuở đằng sau mỗi cuộc chiến tranh. Dù ở phía chiến tuyến nào, tác phẩm văn chương chân chính gặp nhau ở tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa với những hậu quả của nó.
Dù là dân tộc, quốc gia nào, tinh thần nhân đạo, nhân bản là thứ thanh âm chạm đến lương tri con người để văn học lên tiếng. Cùng viết về cuộc chiến, tùy vị thế, góc độ của nhà văn có thể đưa lại những cách cảm nhận và sản phẩm khác nhau. Người ta nói đến đặc trưng của văn học tù binh của Mỹ mang “tính phi nhân”. Trong nền văn học Mỹ nói chung, “cuộc chiến được khắc họa rất nhiều trong các diễn ngôn văn học, nhưng cũng rất thường xuyên, nó được xem như là một hành động vô nghĩa, hay nói cách khác, thường đặt ra những câu hỏi truy tìm ý nghĩa thực sự của cuộc chiến”5. Những câu hỏi và tinh thần truy vấn hoài nghi đó hầu như không có trong văn học Việt Nam bởi khát vọng giành độc lập thống nhất, xây dựng một tương lai mới là mục đích, lý tưởng của mọi người dân yêu nước trong kháng chiến. Điểm khác biệt và luôn là chân lý lịch sử là với người Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quân xâm lược biên giới, hải đảo là sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “tất cả những người cầm bút viết về chiến tranh không bao giờ được lãng quên là: tính chất chính nghĩa của chiến tranh của chúng ta”. Đó là tâm niệm của lớp nhà văn thế hệ ông và cả sau này đều xác định rõ tâm thế khi viết về cuộc kháng chiến của dân tộc.
Cái nhìn nhân bản, nhân văn cũng hướng đến khai thác những tầng sâu trong thế giới bản năng, tâm hồn để biểu đạt con người toàn diện, đầy đủ hơn và chiến tranh được soi chiếu dưới góc nhìn mở. Đó là sự bủa vây của chiến tranh đã dồn những cô gái vào cảnh sống cô đơn, kìm nén bản năng giữa rừng già, mắc bệnh “thiếu đàn ông” trong Truyền thuyết về Quán Tiên. Căn bệnh đáng sợ hơn cả cái chết phác thảo gương mặt méo mó, man dại của chiến tranh. Đó là những anh “con trai” với khát khao giới tính tuổi thanh niên, mong được làm “đàn ông” trước khi vào trận đánh sinh tử và sự dâng hiến cao thượng của “chị” (Họ đã trở thành đàn ông). Hành động “bất thường” đó là biểu trưng của bản năng hy sinh đến tận cùng, đầy tính nhân văn. Đó còn là mong mỏi được gần nhau của những cặp vợ chồng, đôi lứa dù chỉ là khoảnh khắc “tranh thủ”, ước mơ giản đơn là có một đứa con an ủi nhưng chiến tranh đã đặt họ vào nhiều tình huống éo le, tuyệt vọng. Có khi chồng tranh thủ về qua nhà chốc lát mà vợ đi vắng nên chẳng thể gặp nhau (Hai người đàn bà xóm Trại - Nguyễn Quang Thiều); phải tính ngày dễ thụ thai để rủ nhau đi thăm chồng ở nơi đóng quân, khó khăn lắm mới có con thì chồng hy sinh (Đi thăm chồng - Dạ Ngân); để đảm bảo hoạt động bí mật mà phải nhờ người khác đóng kịch cho vợ mình làm vợ bé và sinh bốn người con trong chiến tranh (Người chồng của vợ tôi - Vũ Hạnh); hy vọng rồi vô vọng khi không thể sinh được đứa con lành lặn do ảnh hưởng chất độc chiến tranh (Người sau cùng trở về làng Vọc - Hoàng Phương Nhâm; Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh)... Qua những câu chuyện đó, nhu cầu bản năng đời thường, chân chính của con người bị chiến tranh xâm phạm, tước đoạt, giam cầm là tình trạng phản nhân văn đáng suy ngẫm. Từ điểm nhìn này, truyện ngắn để lại nhiều dư âm, chiêm nghiệm, bất ngờ và tạo được ấn tượng độc đáo. Truyện ngắn đương đại đem đến thông điệp nhân văn xung quanh những câu chuyện con người trong sự tác động của chiến tranh đầy ám ảnh. Chiến tranh gây ra những biến động to lớn ở tầm vĩ mô nhưng dấu vết của nó thường được cảm nhận sâu sắc qua những mảnh đời nhỏ bé. Do vậy, nhân vật hiện lên đầy bất ngờ, bí ẩn, khó nắm bắt. Đó cũng là nét mới của truyện ngắn về chiến tranh gắn với cảm hứng nhân bản, nhân văn, tạo nên sự khác biệt với giai đoạn trước. Mạch cảm hứng này cũng hiện diện trong tiểu thuyết và các thể loại văn học khác sau năm 1975.
Văn chương được coi là tiếng nói phản chiến đầy “quyền uy”, như một phương thuốc hữu hiệu để lay thức, phản tỉnh, xoa dịu, hàn gắn vết thương chiến tranh, để thông hiểu, hoà hợp dân tộc, khép lại quá khứ... Chính vì vậy, truyện ngắn Việt Nam về chiến tranh đã và đang nỗ lực vận động về phía thẳm sâu nhân bản này.
2. Từ khuynh hướng sử thi chuyển sang khuynh hướng thế sự, đời tư
Sau hơn ba mươi năm kháng chiến giành độc lập và hơn mười năm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam dần có sự chuyển mình cho phù hợp với công cuộc khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh. Đặc biệt là sau năm 1986, những dự cảm, tiên tri, trăn trở của những nhà văn tài năng đã ấp ủ từ thời chiến có dịp được phát lộ. Từ nhu cầu “nhìn thẳng, nói thật” đã mở ra cái nhìn hiện thực đa chiều trong sáng tác văn học. Cảm hứng, quan niệm nghệ thuật thay đổi dẫn đến sự thay đổi trong đề tài, chủ đề, ngôn ngữ, giọng điệu, nhân vật... Sau một thời gian ảnh hưởng bởi “quán tính” của tư duy thời chiến và chiến tranh chưa thực sự kết thúc, văn học Việt Nam bước vào một quỹ đạo mới. Riêng trong truyện ngắn, độ lùi thời gian đã đem đến cho người viết nhãn quan trầm tĩnh, bớt tính lãng mạn để có cái nhìn toàn diện hơn về quá khứ chiến tranh, về cả hai cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt đầy gian khổ hy sinh. Cùng với đó, tâm thế con người thời bình - thời mở cửa hội nhập, sự tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới đã đưa vào văn học đề tài chiến tranh cảm quan mới. Truyện ngắn có sự thích ứng nhanh chóng trên nhiều phương diện, trong đó phải kể đến sự chuyển hướng từ cái nhìn “sử thi” sang cái nhìn “phi sử thi” khi khai thác đề tài chiến tranh. Trong nền văn học nói chung, nhà văn hướng ngòi bút nhiều hơn về những điều phía sau chiến thắng, đậm chất thế sự, đời thường. Như Nguyễn Minh Châu trong bài Người lính chiến tranh và nhà văn chỉ ra rằng nhà văn Việt Nam mới chỉ nói được một phần rất nhỏ về những cuộc đời con người bình thường nhưng chứa đựng cả số phận đất nước. “Ngoài ra, việc viết về chiến tranh cho đến ngày hôm nay, đã cho phép đề cập tới những mặt trái của chiến tranh, những toan tính cá nhân, những dục vọng và giây phút yếu hèn của con người, cả những số phận cuộc đời đổ vỡ hoặc thành đạt vì tính toán cá nhân”… Qua đó, ông khẳng định “mảnh đất chiến tranh mà các nhà văn quân đội đang đứng thật bao la và có một chiều sâu vô tận cho sự khám phá và sáng tạo”. Điều này là hệ quả tất yếu, đáp ứng nhu cầu hiện thực khách quan và tự thân của văn học và trong tương tác, ảnh hưởng của văn học đương đại thế giới.
a) Từ khuynh hướng sử thi trong truyện ngắn thời chiến
Trong đời sống văn chương nói chung, sử thi ra đời và tồn tại ở những thời điểm lịch sử đặc biệt. Cùng với thời gian, những đặc điểm cơ bản của thể loại cổ xưa được “di truyền” và tái tạo trong văn học hiện đại một cách linh hoạt. Giai đoạn kháng chiến (1945 - 1975) ở Việt Nam cũng là thời điểm đặc biệt để cảm hứng sử thi lan toả tạo nên nền văn học sử thi. “Đó là lúc mà vấn đề lịch sử - dân tộc được đặt lên hàng đầu, vấn đề vận mệnh Tổ quốc, danh dự quốc gia khiến người ta quan tâm hơn là các vấn đề thuộc về quan hệ và số phận cá nhân” và “ở đâu, lúc nào xuất hiện sự thức tỉnh, trỗi dậy của ý thức cộng đồng thì ở đó có sử thi”6.
Có nhà nghiên cứu đã đánh giá về ba mươi năm văn học cách mạng: “Quy mô sử thi và tính chất anh hùng ca phát triển trong văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa là do nhu cầu phải có những bức tranh với tầm khái quát rộng lớn nhằm miêu tả công cuộc đấu tranh cách mạng, nhằm phản ánh sự nghiệp sáng tạo tập thể và những chiến công anh hùng của hàng chục triệu quần chúng”7. Khoảng thời gian cam go, hào hùng và bi tráng này đã trở thành mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng nền văn học sử thi, góp phần tạo nên tiếng nói tinh thần của thời đại. Không thể phủ nhận rằng, cái nhìn sử thi chi phối giai đoạn văn học này trên tất cả các thể loại trong đó có truyện ngắn. Tính chất sử thi của văn học thể hiện ở cái nhìn hướng đến những sự kiện lịch sử, vấn đề mang tính “vĩ mô”, cái chung, số phận của toàn dân tộc với cảm hứng “sử thi hóa” khi nhìn nhận đánh giá hiện thực và con người. Điều đó bắt nguồn từ “tư duy sử thi” mà như giới nghiên cứu nhận định là nó khẳng định sự tất định, tách biệt chủ thể và khách thể, bên trong và bên ngoài, xấu và tốt, nói rộng ra, đó là sự phân cực và lưỡng giá, khẳng định một chân lý đúng, chân lý độc tôn.
Do đặc điểm của lối tư duy này biểu hiện một “khoảng cách lý tưởng” giữa chủ thể và đối tượng, nói như M.Bkhtin là “khoảng cách sử thi” thể hiện tâm thế của lớp hậu sinh với thế hệ đi trước. Vì vậy, việc xây dựng hình tượng thường gắn với những phạm trù cái cao cả, cái đẹp với tâm thế ngưỡng mộ, sùng kính, lý tưởng hoá, con người có tính đại diện, hình tượng nhân vật phù hợp với địa vị xã hội mà nó đảm nhiệm. Bên cạnh đó, văn học sử thi cũng hướng đến đời sống tinh thần của thực thể xã hội với ý nghĩa đối lập với cái chủ quan, cái bên trong, cái thực thể cá nhân. Vì vậy, trong văn học sử thi hầu như không xuất hiện tiếng nói cá nhân mà được thống nhất, hoà chung vào tiếng nói của cộng đồng, của dân tộc trước giai đoạn đặc biệt của lịch sử. Điều đó cũng quy định nhân vật trung tâm không phải là đại diện cho con người cá nhân mà là những người con ưu tú, kết tinh những phẩm chất cao quý, đại diện cho cộng đồng, giai cấp, dân tộc, thời đại. Và chính sự tìm tòi con người mới trong đời sống cách mạng là cơ sở để văn xuôi khẳng định vai trò cũng như thể hiện sự đổi mới, trưởng thành của thể loại.
Khuynh hướng sử thi gắn với cái nhìn ở tầm rộng, bao quát, điểm nhìn sử thi phóng chiếu hiện thực ở “chiều kích vĩ mô” và “tư duy sử thi đòi hỏi một tinh thần làm cốt lõi”. Trong thời gian kháng chiến, đó chính là tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính đặc trưng của lối tư duy sử thi tạo nên cái nhìn phân cực rõ ràng thành hai tuyến: tốt - xấu; địch - ta, thắng - thua... trong văn học thời chiến nói chung và truyện ngắn nói riêng. Sau Cách mạng Tháng Tám, với sự thay đổi mọi mặt đời sống chính trị, xã hội và trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, diện mạo nền văn học cách mạng dần hình thành theo xu hướng “sử thi hoá” là chủ đạo. Thành công của lối tư duy này là đã kết tinh thành những truyện ngắn làm nổi bật chân dung những anh hùng, người con ưu tú và cộng đồng với lý tưởng chung như: Về làng (Phan Tứ), Mảnh trăng cuối rừng, Những vùng trời khác nhau (Nguyễn Minh Châu), Phù sa, Ráng đỏ (Đỗ Chu), Tiếng đêm (Cao Tiến Lê), Đất (Anh Đức), Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)...
Truyện ngắn tập trung khẳng định con đường làm cách mạng giành độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là con đường lý tưởng, đúng đắn. Mỗi người dân yêu nước đều là một nhân tố làm nên thành công của cách mạng. Vì vậy xuất hiện kiểu nhân vật phổ biến là “nhân vật tập thể” như trong các tác phẩm: Một lần tới Thủ đô (Trần Đăng), Mường Giơn (Tô Hoài), Mùa lạc (Nguyễn Khải), Người hậu phương (Nguyễn Thị Ngọc Tú), Con chị Lộc (Anh Đức), Quán rượu người câm (Nguyễn Quang Sáng), Bức thư làng Mực (Nguyễn Chí Trung), Lửa đêm (Phan Tứ), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)... Nhân vật trung tâm trong những tác phẩm này thường là đủ mọi tầng lớp, thành phần quần chúng nhân dân, là một đơn vị chiến đấu, một cơ quan, nhân dân một vùng kháng chiến, nhóm thanh niên xung phong... Truyện ngắn gắn với cái nhìn sử thi hướng đến hiện thực rộng lớn, bao quát con người trong cách mạng và kháng chiến, từ đó xây dựng những “nhân vật sử thi”.
Bên cạnh đó, nhân vật cá nhân điển hình đại diện cho các tầng lớp “công - nông - binh”, mang những phẩm chất, tính cách tiêu biểu của cộng đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là trong truyện ngắn về chiến tranh thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Những nhân vật này là điển hình cho xu thế vận động của lịch sử - người dân đổi đời và hoà vào dòng thác cách mạng. Phẩm chất chính trị của nhân vật được tập trung miêu tả, trở thành tiêu chuẩn đánh giá con người. Đó có thể là những người lính biết gạt những thiên kiến riêng tư vì mục tiêu chung của dân tộc (Những vùng trời khác nhau - Nguyễn Minh Châu), là ông Tám Xẻo Đước (Đất - Anh Đức) thà hy sinh chứ kiên quyết không chịu rời làng, là ông chủ quán (Quán rượu người câm - Nguyễn Quang Sáng) trong lòng chỉ thường trực nung nấu quyết tâm vì ngày chiến thắng... Hầu hết nhân vật chính diện trong truyện ngắn thời kỳ này đều xây dựng trong mối quan hệ rộng lớn với nhân dân, lịch sử. Câu chuyện của mỗi cá nhân dường như được đặt ra để nói lên vấn đề, quy luật nào đó của cộng đồng và cuộc sống. Cũng bởi vậy, nhân vật được xây dựng đơn giản, gần gũi, đại diện cho phẩm chất của tập thể... làm sao để đến với công chúng như sự lan toả, cổ vũ, nêu gương những chân dung tiêu biểu. Chính vì vậy mà các phương diện góc độ phản ánh, nghệ thuật biểu đạt không phải là vấn đề trọng tâm trong đời sống văn học. Nền văn nghệ cách mạng cùng chung một khí thế, tinh thần và mọi yếu tố cá nhân, cá tính sáng tạo của nghệ sĩ tạm thời được đặt sang một bên. Và như một lẽ tất yếu, lối kể chuyện, cốt truyện, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ thường giản dị, đơn tuyến, chưa có sự đa dạng về phong cách.
b) Sự dịch chuyển theo khuynh hướng đời tư, thế sự trong truyện ngắn sau năm 1975
Sau năm 1975, hiện thực tồn tại ở trạng thái mới, nhu cầu của đời sống và văn học đòi hỏi có những bước chuyển so với thời chiến. Dù đất nước vẫn phải tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới, nhà văn không chỉ hướng đến những vấn đề lịch sử chính trị mà còn bước vào khai phá những mảng hiện thực mới đặt ra của cuộc sống sau giải phóng. Vì vậy, sự thay đổi tư duy, khuynh hướng phản ánh là điều tất yếu. Văn học đương đại Việt Nam về chiến tranh thiên về khai phá những mặt còn khuất lấp, những vấn đề đời tư - thế sự, chiến tranh hiện lên qua số phận con người với thế giới bên trong phức tạp, những vết hằn ám ảnh. Bên cạnh diễn ngôn ý thức hệ, cộng đồng, văn học về chiến tranh còn là diễn ngôn về số phận cá nhân, nhân tính, bản năng của con người, là cuộc thể nghiệm lối viết, góc nhìn mới.
Khác với tư duy sử thi, tư duy tiểu thuyết “không khẳng định sự hoàn tất khép kín, từ đó không khẳng định sự phân cực, biệt lập các giá trị mà xem các giá trị chỉ có tính chất tương đối, do đó đưa đến quan niệm tính đa chân lý, hay tính đa nguyên”8. Lối tư duy này hướng đến phản ánh cái “hiện thực chưa hoàn thành” nên không có “khoảng cách” như trong tư duy thời kỳ trước. Vì vậy, ý thức cá nhân, tinh thần dân chủ được khích lệ và xuất hiện sự đa dạng trong phong cách sáng tạo, mở rộng đề tài, chủ đề trong tác phẩm văn học… Nhà văn hướng đến trần thuật ở điểm nhìn hiện tại, giọng điệu và ngôn ngữ đa thanh, thể hiện những dự cảm của tác giả về cuộc đời “bất định”. Từ đó tự do tạo dựng kết cấu mở, tạo hiệu ứng đồng sáng tạo với độc giả. Sự thay đổi hệ hình tư duy ảnh hưởng đến nhiều thể loại trong đó có truyện ngắn - thể loại mang những đặc tính của tư duy tiểu thuyết (sự tiếp cận thực tại, vai trò của hư cấu tự do, của kinh nghiệm sống trực tiếp của tác giả). Truyện ngắn về chiến tranh đã có sự chuyển mình cùng đời sống chung của văn học và đem lại diện mạo mới khi viết về đề tài này.
Thực tế, từ trước năm 1975, đã xuất hiện một số truyện ngắn mang cảm hứng bi kịch với những trăn trở về số phận con người và nỗi đau chiến tranh như Anh thương binh Hiền (Nguyễn Đình Thi), Im lặng (Nguyễn Ngọc Tấn)... Sau giải phóng, hàng loạt truyện ngắn: Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Bức tranh, Mùa trái cóc ở miền Nam (Nguyễn Minh Châu), Có một thời yêu (Vũ Thị Hồng), Đêm nguyệt thực (Trung Trung Đỉnh), Mã Đại Câu - người quét chợ Mường Cang, Thím Hoóng (Ma Văn Kháng), Truyện rất khó viết (Nguyễn Đông Thức)... đặc tả con người với cuộc chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và cuộc sống thường ngày mang theo “vết thương” từ chiến tranh. Sự thay đổi tư duy nghệ thuật thôi thúc người viết phát huy sức sáng tạo và có ý thức “vượt qua chính mình” để tìm tòi những lối viết mới.
Trên tinh thần dân chủ, truyện ngắn về chiến tranh cũng hướng đến cuộc sống đa trị và qua đó thể hiện cảm quan của nhà văn. Không còn đơn thuần là những câu chuyện về anh hùng, truyện ngắn chiêm nghiệm về các cuộc chiến tranh đã qua một cách khách quan về cả hai chiến tuyến với những vấn đề nhân bản. Cuộc sống đang từng ngày đối diện với hậu quả chiến tranh để lại cũng là mảng hiện thực nhức nhối được giới sáng tác “đào xới”. Chiến tranh và con người được đặt trong cái nhìn đa chiều, đa diện với sự phức tạp, phía khuất lấp, những dang dở chìm nổi của số phận cá nhân.
Sự dịch chuyển có tính chất bước ngoặt này bắt nguồn từ sự thay đổi của đời sống, từ nhu cầu của chính những người cầm bút và công chúng. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “...ngòi bút của chúng ta sẽ trở nên phản bội người chiến sĩ nếu chỉ biết cái lúc họ vác súng ra mặt trận với một tâm hồn phơi phới mà không biết cái lúc buồn bã, đau đớn, những lúc đói rét, những lúc nằm giữa đồng đội chết và bị thương trong bùn lầy, trong mưa bom và bão đạn”. Ông cho rằng: “phải có cách nhìn đầy đủ hơn, không phải chỉ một mặt mà trên tất cả các mặt của cuộc sống kháng chiến vô cùng quyết liệt và đa dạng như nó vốn có”.
Vì vậy mà từ giữa những năm 80 đến 90 của thế kỷ XX xuất hiện ngày càng nhiều truyện ngắn với cảm hứng bi kịch, nhân bản khi viết về cuộc chiến đã qua và cuộc chiến biên giới như: Chuyện ở Pai-lin (Dạ Ngân), Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), Chiều vô danh (Hoàng Dân), Phố nhà binh (Chu Lai), Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long), Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Những giấc mơ có thực (Vũ Thị Hồng)... Văn học nói chung, truyện ngắn về chiến tranh nói riêng từ chỗ có lúc còn lãng mạn hoá, “né tránh” nói đến tổn thất hy sinh đã tìm đến cái nhìn cân bằng, dân chủ, thẳng thắn, coi trọng việc “viết như thế nào”. Không chỉ khẳng định tầm vóc, vị thế chính nghĩa của cuộc kháng chiến, những tổn thương mất mát không gì lấp đầy được tái hiện trong truyện ngắn.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, viết về số phận riêng đầy trắc trở với những “chấn thương” đeo đẳng trong cuộc sống thời bình tiếp tục là trăn trở của người cầm bút. Các cuộc chiến tranh trên mảnh đất Việt Nam trong thế kỷ XX đã kết thúc nhưng nhiều thế hệ vẫn còn chịu ảnh hưởng của dư chấn, thương tích âm thầm, dai dẳng. Nỗi niềm đó được các thế hệ nhà văn chuyển tải bằng nhiều câu chuyện, cách thức biểu đạt mang không khí lối viết đương đại. Có thể kể đến Người đàn bà không hóa đá (Nguyễn Thế Tường), Hoa gạo tháng 3 (Trần Thanh Cảnh), Chú lùn thứ bảy (Lưu Sơn Minh), Những đứa con của mẹ (Thiên Di), Chuyến đêm (Phong Điệp), Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa), Âm thanh của ký ức (Doãn Dũng)... Qua mỗi nhân vật lại là sự ánh chiếu biết bao cuộc đời trên đất nước suốt chiều dài lịch sử là những cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ đó tái hiện khoảng thời gian đã lùi vào quá khứ trong sự ứng chiếu với hiện tại và suy tưởng về tương lai. Có nhà văn từng nói những câu chuyện về chiến tranh không gì khác hơn là những câu chuyện về con người. Truyện ngắn viết về câu chuyện đời người với những cảnh ngộ rất riêng tư, lặng lẽ nhưng xét cho cùng cũng là câu chuyện của dân tộc, thời đại. Như Lê Thành Nghị trong bài Qua những cuốn sách gần đây viết về chiến tranh nhận định: “Càng ngày, chiến tranh càng được tái hiện chân thực với những quan niệm thẩm mĩ mới về con người tham gia chiến tranh. Nó cũng chứng tỏ bao điều về chiến tranh còn bị che khuất bởi nhiều lý do trong những năm tháng vừa qua… Nó cũng chứng tỏ hiện thực chiến tranh vẫn còn có thể đào xới, khám phá, bởi vì biết bao nhiêu vấn đề của cuộc sống hôm nay có nguyên nhân sâu xa từ chiến tranh, những vấn đề thuộc về kết quả cũng như thuộc về hậu quả của chiến tranh”.
Cùng với những bước đi của lịch sử, sự thay đổi cảm hứng sáng tác dẫn dắt nhà văn tìm đến địa hạt ngầm sâu của hiện thực, thâm nhập vào thế giới nhiều trắc ẩn của con người. Có thể nói, nhà văn khi viết về chiến tranh đang nỗ lực sáng tạo những tác phẩm phù hợp với tâm thế độc giả đương đại.
II. KHÁM PHÁ HIỆN THỰC, CON NGƯỜI TRONG TÍNH ĐA DẠNG, ĐA DIỆN
1. Biên độ hiện thực chiến tranh được mở rộng
Thể loại truyện ngắn với đặc trưng là “thể tài tự sự cỡ nhỏ”, sự kiện được “gọt tỉa và dồn nén”, là một “lát cắt” đời sống nhưng vẫn phản ánh một cách tinh tế và sâu sắc những vấn đề đời sống ở tầm khái quát rộng lớn nhất. Để phát huy tối đa ưu thế thể loại truyện ngắn sau năm 1975 thể hiện nhiều góc nhìn hướng vào hiện thực chiến tranh biên giới khi nó đang tiếp diễn, khi chiến tranh đã qua trong sợi dây kết nối với hiện tại, đặt ra và biện giải những vấn đề mang tính nhân bản. Với tâm thế của người viết đương thời, biên độ hiện thực chiến tranh được mở rộng.
Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ tiếp tục được chọn làm bối cảnh, tình huống cho nhiều truyện ngắn: Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), Chú lùn thứ bảy (Lưu Sơn Minh), Chiều vô danh (Hoàng Dân), Mười ba bến nước (Sương Nguyệt Minh), Hồn cát (Nguyễn Hiệp), Tiếng chuông chiều (Lê Hoài Lương), Giấc mơ ký ức (Phan Đức Nam), Truyền thuyết về Quán Tiên (Xuân Thiều)... Đây là hai cuộc chiến tranh kéo dài trong lịch sử hiện đại Việt Nam nên ký ức, ám ảnh về nó in đậm trong tâm khảm mỗi người và tàn tích mà nó để lại cũng nặng nề dai dẳng, điều đó hiện lên qua khả năng thấu thị của văn học.
Sau giải phóng, đất nước ta vẫn phải tiếp tục hơn mười năm nữa cuộc chiến giữ biên giới và biển đảo, chiến đấu ở chiến trường K với bao máu xương tiếp tục đổ xuống. Sự khốc liệt, tổn thất lớn lao và âm thầm trên trận tuyến này là những trang bi hùng của lịch sử dân tộc. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, trên văn đàn đã xuất hiện nhiều tác phẩm về các cuộc chiến tranh ở chiến trường K và biên giới phía Bắc. Trong tiểu thuyết phải kể đến Dòng sông của Xô Nét (Nguyễn Trí Huân), Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màu (Nguyễn Quốc Trung); Bên dòng sông Mê (Bùi Thanh Minh), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), và những năm gần đây là Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Hoang tâm, Xác phàm (Nguyễn Đình Tú)... Các nhà văn đã chọn những bối cảnh, cách tiếp cận khác nhau để cho ra đời những đứa con tinh thần được thai nghén, ấp ủ về một thời kỳ lịch sử tàn khốc không được phép lãng quên. Cùng với đó, truyện ngắn cũng thể hiện sự xung kích qua nhiều tác phẩm về thời gian cam go tiếp tục bảo vệ chủ quyền này. Có thể kể đến Mùa khô này có một dòng suối trong (Nguyễn Chí Trung), Sự sống còn lại (Trung Trung Đỉnh), Truyện rất khó viết (Nguyễn Đông Thức), Em bé câm trước đền Angko (Lê Lựu), Biển Hồ yên tĩnh (Mai Ngữ), Anh ấy không đơn độc (Văn Lê), Chuyện ở Pai-lin (Dạ Ngân), Khô Chănđara (Đỗ Viết Nghiệm), Chuyến xe đêm, Mã Đại Câu - người quét chợ Mường Cang, Thím Hoóng (Ma Văn Kháng), Người không đi qua hoàng cung (Chu Lai)... và gần đây là Mặt trời bé con của tôi (Thùy Linh), Trên núi Tưk-cot (Hồ Kiên Giang), Âm thanh của ký ức, Chuyện Nguyên Phong (Doãn Dũng)...
Truyện ngắn sau năm 1975 viết về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chiếm số lượng lớn bởi đây là cuộc chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà. Cho đến nay thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, biển đảo sau năm 1975 vẫn là được đánh giá là đề tài chưa được khai thác nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là điểm khác biệt của truyện ngắn sau năm 1975 viết về chiến tranh so với giai đoạn trước. Những sáng tác này là sự bổ sung làm nới rộng biên độ hiện thực của truyện ngắn về chiến tranh. Viết về một giai đoạn lịch sử mà sự hy sinh vô bờ bến để tiếp tục bảo vệ biên cương, người cầm bút cũng bộc lộ những suy tư, nung nấu về suốt chiều dài lịch sử dân tộc, về việc bảo vệ sự sống và những giá trị của con người. Cũng như các thể loại văn học khác, truyện ngắn về chiến tranh đã bằng tiếng nói nghệ thuật góp phần đem đến cho độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, về con người vùng biên ải và cả những năm tháng người lính trải qua trên đất bạn. Những sáng tác thành công về hai cuộc chiến tranh biên giới cũng là nơi lưu dấu những thông điệp về chiến tranh nói chung.
Nhìn từ một phương diện khác, hiện thực chiến tranh không chỉ là những thời điểm khốc liệt của các trận chiến - nơi bộc lộ cái cao cả và cái thấp hèn mà còn là hiện thực số phận con người cụ thể trong và sau chiến tranh. Mỗi truyện ngắn là một mảnh ký ức quá khứ chiến tranh gắn bó máu thịt với con người hiện tại. Chiến tranh được khắc họa không phải theo kiểu “tả trận”, với những “bản tin chiến sự”, là bối cảnh tôn vinh những anh hùng, con người của cộng đồng như trong văn học thời chiến và trước năm 1986. Có sự giãn cách không thời gian với hiện tại, con người có thể nghiền ngẫm và chiêm nghiệm về chiến tranh một cách sâu sắc, bao dung hơn. Bởi vậy, hiện thực lịch sử ấy được phác họa như là khung cảnh tô đậm con người với những khoảnh khắc số phận. Truyện ngắn về chiến tranh dần chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại: quyền con người và tình người với người. Chính vì vậy, xây dựng nhân vật trong truyện ngắn đương đại về chiến tranh cũng hướng tới một cái nhìn khách quan, nhân văn về con người cả từ hai chiến tuyến trong cuộc chiến ấy. Suy cho cùng, con người vừa là “chủ nhân” vừa là “nạn nhân” của lịch sử, là xuất phát điểm và cũng là đích đến của mọi giá trị. Sau năm 1975, văn học đương đại trở về với đặc trưng cốt tủy của nó: lấy số phận cá nhân con người làm trung tâm.
Chiến tranh còn được nhìn từ sự tác động đến số phận con người thời hậu chiến. Chiến tranh như ngọn núi lửa, dù đã tắt nhưng dòng nham thạch vẫn âm ỷ cháy và để lại vết tích lâu dài. Truyện ngắn về chiến tranh gần đây tiếp tục mạch cảm hứng đã được gợi ra từ sau giải phóng với Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu)... Thân phận con người với bi kịch thời hậu chiến được khắc họa đầy ám ảnh trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Ở đây, chiến tranh chỉ lướt qua như lời dẫn cuốn sách, còn dấu tích của nó được xoáy sâu qua những số phận con người, trang nọ tiếp trang kia. Có thể kể đến Người sau cùng trở về làng Vọc (Hoàng Phương Nhâm), Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu (Văn Chinh), Nắng chiều (Thụy Anh), Miền cỏ hoang (Trần Thanh Hà)... Từ đó, truyện ngắn về chiến tranh là tiếng nói lên án những cuộc chiến phi nhân tính đã làm “biến dạng” số phận biết bao thế hệ con người. Đây cũng là sự mở rộng hàm nghĩa của đề tài chiến tranh. Những trạng thái tâm lý, đời sống hậu chiến cũng là một phần không thể phủ nhận của chiến tranh.
Chiến tranh vốn là “nỗi buồn” của nhân loại dù nó diễn ra ở bất cứ nơi đâu. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược, áp đặt của một quốc gia, tổ chức nào đó đối với một đất nước, dân tộc có chủ quyền vẫn đang là vấn đề có tính thời sự và bị nhân loại yêu hòa bình lên án. Còn với những quốc gia kiên cường bền bỉ chống ngoại xâm đến hàng ngàn năm trong lịch sử xa xưa và hơn nửa thời gian thế kỷ XX như Việt Nam, đề tài chiến tranh đã và đang tiếp tục là sự thôi thúc mãnh liệt ấp ủ trong tâm thức người cầm bút nhiều thế hệ. Bởi văn học viết về chiến tranh từ kho tư liệu, ký ức tâm hồn của dân tộc còn là tiếng nói về quyền con người và nhắc nhở sự trân quý giá trị của nền hoà bình mà chúng ta đang có.
2. Khai thác đời sống đa diện của con người
Sau giải phóng và đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, không khí dân chủ, cởi mở, giao lưu văn hóa nghệ thuật đã mở ra trang mới cho văn học hiện đại Việt Nam - trong đó có truyện ngắn. Nhà văn như được chắp cánh thỏa sức sáng tạo, thể nghiệm, khẳng định bản lĩnh cá nhân và vượt lên trên những khuôn khổ, sáo mòn của giai đoạn trước đó. Bắt đầu với những đổi mới trong tư duy nghệ thuật, hiện thực và con người đã được phóng chiếu dưới nhiều góc độ, phương thức khác nhau đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đề tài chiến tranh cũng nằm trong dòng chảy đó. Khi không phải chú trọng việc văn học là một “tấm gương thuần túy”, văn chương tìm được những hướng tiếp cận hiện thực mới mẻ, táo bạo, biến hóa... đem lại diện mạo mới khi viết về đề tài “vĩnh cửu” này.
Trong nỗ lực cách tân của truyện ngắn đương đại về chiến tranh, phải kể đến sự dũng cảm, nhạy bén khi vượt qua những rào cản, hạn hẹp của tâm thế sáng tác giai đoạn trước. Không thể viết mãi lối truyền thống theo tinh thần sử thi hào hùng lãng mạn nhưng tiếp cận đề tài này như thế nào để đưa lại hiệu quả thẩm mĩ cao, phù hợp với tầm đón đợi của độc giả đương đại là điều thường trực trong tâm thức của người cầm bút khi đứng trước đề tài này. Nếu chỉ dựa vào ký ức, vốn sống, vốn tư liệu về chiến tranh để nhào nặn theo cách viết mấy chục năm chiến tranh và hậu chiến thì vô hình trung đã sơ lược hóa, đơn điệu hóa một mảng đề tài. Trong vòng xoáy hội nhập, tiếp biến văn hóa, nhà văn đương đại Việt Nam đã có những thích ứng, tiếp thu, chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng sáng tạo thế giới để thổi vào đề tài này hơi thở đời sống văn chương đương đại. Đó cũng là hành trình chung của các thể loại khác trong thời đại mới.
Trong truyện ngắn sau năm 1975 viết về chiến tranh, nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực, con người thực với những điều hiện hữu, dễ nắm bắt, định danh mà còn “nghiền ngẫm” hiện thực để có được những tác phẩm giúp con người tự khám phá, chiêm nghiệm. Điều đó góp phần làm cho hiện thực được soi chiếu đa chiều, đa diện hơn.
Khảo sát truyện ngắn đương đại về chiến tranh, có thể thấy một bộ phận không nhỏ tác phẩm đã khai thác thế giới vô thức (giấc mơ), đan cài vào hiện thực là thế giới của những điều kỳ ảo và tâm linh để kiến tạo những ngả đường khác nhau đến với đề tài chiến tranh. Đây là điều trong chiến tranh hiếm khi xuất hiện, thậm chí đề cập tới những điều kỳ bí trong thế giới tâm linh không được chấp nhận, bị cho là “tuyên truyền mê tín dị đoan”.
Việc mở rộng phạm vi khám phá hiện thực hướng đến “thăm dò”, khơi mở những vùng sâu khuất, bí ẩn không cùng bên trong con người. Trong 159 truyện ngắn sau năm 1975 viết về chiến tranh được chúng tôi khảo sát, có khoảng 50 truyện xuất hiện cái kỳ ảo, giấc mơ, dấu hiệu của đời sống tâm linh. Tất nhiên, mức độ đậm nhạt, nhiều ít khác nhau tùy dụng ý của chủ thể sáng tạo nhưng hiệu quả đem lại là không thể phủ nhận. Truyện ngắn về chiến tranh như được thổi vào những cơn gió lạ có sức hút với độc giả. Những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật sau năm 1975 đưa văn học tìm đến con đường chiếm lĩnh hiện thực khác với trước đây. Hướng tiếp cận mới này cũng thể hiện bản lĩnh của người cầm bút trước một hiện thực đầy bí ẩn, không thể biết hết. Việc đào sâu và thế giới bên trong của tiềm thức, vô thức, tâm linh là một cách tiếp cận chiến tranh từ bình diện số phận con người, giúp nhà văn chuyển tải sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh một cách có chiều sâu. Bởi vì trong đời sống, con người ngoài ý thức còn có tiềm thức, vô thức, tâm linh, bản năng. Tiềm thức đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Với nhà văn sáng tác sau năm 1975 về chiến tranh, có thể là khi chiến tranh vừa kết thúc hay qua đi đã lâu, họ viết với sự thôi thúc của ký ức, tiềm thức, vô thức. S.Freud là người đã nêu lên những luận điểm đắt giá về vô thức và mối quan hệ giữa vô thức và sáng tạo nghệ thuật. Nhiều luận điểm được đánh giá cao và được giới nghiên cứu, sáng tác văn học đồng tình, vận dụng. Theo đó, vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của thế giới nội cảm không bao giờ có ở dạng tồn tại biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Giấc mơ và nghệ thuật đều phản ánh những ham muốn vô thức, mặc cảm sâu kín. “Người ta gửi vô thức vào giấc mơ như người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm những sự kiện sâu xa mà từ đó người đọc được gợi lên những kỷ niệm sâu xa của mình”9. Vô thức trong sáng tạo văn học còn là những điều ấn tượng đặc biệt từ thực tại khách quan mà nhà văn đã từng trải qua, điều đó tác động to lớn đến nhận thức của nhà văn, chèn ép đến nhận thức và khiến nhà văn ám ảnh. Những điều đó không tiêu biến mà có thể bị lãng quên tạm thời, chỉ chờ dịp trỗi dậy trong tiềm thức bằng những hình tượng biểu trưng. Chính vì vậy mà đề tài chiến tranh - một hiện thực khốc liệt chứa nhiều bi kịch của con người luôn là nỗi ám ảnh của người nghệ sĩ dù họ trực tiếp hay gián tiếp trải nghiệm. Vô thức cũng quy định đến cảm hứng chủ đạo của nhà văn, là phần khuất chìm của quá trình sáng tạo. Vì vậy mà nhà văn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh như một sự tri ân, một “món nợ vô hình” thôi thúc triền miên. Tất nhiên, vô thức là một “cõi riêng” trong cấu trúc tâm lý con người, có mối quan hệ tương tác với ý thức. Khi đó, nhà văn viết về những biến cố lịch sử của dân tộc như một trách nhiệm tự thân để tạo nên những tác phẩm hoàn thiện. Viết từ tiềm thức, ký ức bằng nhãn quan đương đại khiến cho văn học về chiến tranh nói chung và truyện ngắn về đề tài này nói riêng tiến xa hơn trên hành trình thâm nhập vào “tiểu vũ trụ” đầy những điều bí ẩn của mỗi con người.
Từ thế giới thực đến thế giới ảo
Không chỉ phản ánh hiện thực theo cảm quan thông thường, nhà văn sau năm 1975 đã mở ra phía sau đó là thế giới của điều kỳ ảo, phi thực, “cái bóng của hiện thực”. Trong truyện ngắn về chiến tranh cũng vậy. Yếu tố kỳ ảo (fantasicque) trong văn học sớm xuất hiện cùng với văn học dân gian các dân tộc. Đến thời kỳ hiện đại, yếu tố đó có sự tiếp nối, biến thiên tạo nên hiệu quả thẩm mĩ trong văn học ở cả phương Tây và phương Đông. Ở Việt Nam, đến thời kỳ đổi mới thì yếu tố này như được đánh thức, góp phần quan trọng trong việc thể nghiệm đổi mới tư duy nghệ thuật. Dù chưa tập trung, nổi bật để tạo thành một dòng văn học nhưng kỳ ảo ẩn hiện trong hàng trăm tác phẩm văn xuôi đương đại là một hiện tượng đáng chú ý. Yếu tố này chắp cánh cho sức tưởng tượng của nhà văn bay bổng hơn và ánh phản, mở rộng khả năng chiếm lĩnh hiện thực qua những điểm nhìn mới.
Trong nhiều truyện ngắn về chiến tranh, diễn biến truyện xuất hiện đan xen những yếu tố thực được gắn kết khéo léo những điều phi thực khiến độc giả cảm nhận cái ảo một cách tự nhiên, nhiều khi ranh giới hư và thực nhoè mờ. Tạo dựng những điều kỳ ảo với chi tiết đặc biệt, nhân vật, hình ảnh dị thường hoặc lồng vào một câu chuyện kỳ lạ đem lại cho truyện khả năng biểu đạt mới về chiến tranh. Đặt bên cạnh thế giới ảo, hiện thực và con người nhuốm màu huyền bí, phảng phất không khí liêu trai, thần thoại. Chiến tranh không chỉ giản đơn là dòng hồi ức hay khoảnh khắc khó quên nào đó mà là những câu chuyện trong thế giới nhiều chiều, khó đoán biết. Nhà văn nỗ lực tìm tứ truyện, tình huống độc đáo để con người trong và sau chiến tranh xuất hiện với dấu ấn riêng, toát lên tinh thần nhân văn. Mười ba bến nước (Sương Nguyệt Minh) vừa là câu chuyện của con người một làng quê trong và sau chiến tranh vừa là câu chuyện hư hư thực thực về cô gái - con thuồng luồng. Câu chuyện huyễn hoặc của thế giới phi thực là cầu nối để chuyển tải bi kịch kinh hoàng bởi chất độc chiến tranh. Trong Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến), kết truyện mở đưa người đọc đến với câu chuyện hoang đường về nhân vật “chị”: xác trôi về cuối nguồn và phải đóng bộ áo quan to nhất; treo mình lên cây cổ thụ và khi hạ được xác chị thì cây đổ xuống; bị bom toạ độ chia thành vạn mảnh và sau đó rừng tươi tốt không chất độc nào huỷ diệt? Đặt trong thế giới kỳ ảo, cái chết của cô thanh niên xung phong trở nên phi thường như trong truyện cổ. Tiếng vạc sành (Phạm Trung Khâu) được lồng trong truyền thuyết về loài chim - chính là hoá thân của người lính trở về không còn khuôn mặt lành lặn nên bị bắn chết vì hiểu lầm là quái vật. Đằng sau đó là cái nhìn chua chát về chiến tranh khắc nghiệt, người lính không còn trở về trong chiến thắng mà mang theo bi kịch không lối thoát, cũng như tiếng vạc sành, còn gợi nhắc và ám ảnh khôn nguôi cuộc sống hiện đại. Còn cô gái câm và cha hiện lên trước ống kính của nhân vật “tôi” trong cuối truyện Hồn cát (Nguyễn Hiệp) để trò chuyện và gửi lại thông điệp đầy triết lý. Nhà văn đặt vào hình ảnh kỳ ảo này sức nặng tư tưởng của truyện: quá khứ chiến tranh có hồn và phải sống xứng đáng với những người đã hy sinh. Nhân vật tên lính da trắng trong Sám hối (Phùng Văn Khai) luôn sống trong giày vò về chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh luồng sáng phát ra từ cậu bé bay ra khỏi căn hầm mà không bom đạn nào động đến được...
Khi ấy, nhân vật được phóng đại chiều kích vượt lên trên nền hiện thực trần trụi, khốc liệt, thô ráp trở thành đường truyền cho tư tưởng chủ đề của truyện. Điều này góp phần tạo nên sự hấp dẫn của truyện khi tạo ra những ngạc nhiên, bất ngờ, ly kỳ, vừa quen thuộc vừa mới lạ. Đặt thế giới kỳ ảo song hành với hiện thực, nhiều nhà văn đã thu được những hiệu ứng nghệ thuật khả dĩ trong các truyện ngắn về chiến tranh. Hiện thực và con người được soi ngắm ở một chiều khác. Thế giới không có thật đó vừa là hình ảnh phản chiếu vừa là nơi thể hiện tư tưởng, sự sáng tạo của nhà văn một cách phóng túng, vượt lên mọi giới hạn của đời thực.
Chính những điều này đã góp phần làm mở rộng biên độ hiện thực, nối dài khả năng biểu đạt của hình tượng và sức tưởng tượng của nhà văn, mở ra một góc nhìn khác về chiến tranh, đem lại cho truyện ngắn màu sắc biến ảo, ly kỳ và cuốn hút.
Từ ý thức đến vô thức, tâm linh
Lấy con người làm hệ quy chiếu, văn học đương đại nói chung và truyện ngắn về chiến tranh nói riêng khai thác chiều sâu bản thể con người với bản năng sống, trạng thái vô thức và tâm linh - điều mà giai đoạn trước xem nhẹ. Từ đây mở ra nhiều ngả đường vô tận phản ánh chiến tranh một cách mới mẻ, đa tầng. Bởi con người không chỉ “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” mà còn là một thực thể tự nhiên sinh động. Những yếu tố ngoài vùng kiểm soát của lý trí như trạng thái vô thức, đời sống tâm linh cũng có sự tác động không nhỏ đến mỗi cá thể người. Trong thời chiến, văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng miêu tả tập trung con người ở ý thức công dân, cộng đồng, dân tộc với trạng thái dễ nhận biết, nắm bắt. Sau năm 1975, đặc biệt là sau năm 1986, tinh thần dân chủ, cảm hứng nhân bản dẫn dắt văn học tìm kiếm những “con người bên trong” ẩn chứa bao điều bí mật. Đó cũng là con đường phản ánh chiến tranh qua tâm thức con người cá nhân đầy phức tạp và ám ảnh.
Theo những nghiên cứu của nhà phân tâm học của Freud, ông chỉ ra sự can thiệp của vô thức vào đời sống. Giấc mơ tiềm ẩn trong nó một ý nghĩa nào đó cần được khai phá, thể hiện “miền sâu cảm xúc” của con người. Giấc mơ được Freud định danh là những “ký hiệu của ham muốn”, là “biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén” và giải thích mộng mị là “con đường vương giả để đạt đến hiểu biết lòng người” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới).
Trong văn học nói chung và truyện ngắn về chiến tranh nói riêng, nhà văn khám phá giấc mơ chất chứa những ám ảnh, khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn con người với những “sang chấn” mà chiến tranh gây nên. Những tích tụ trong tiềm thức, ký ức, muộn phiền do chiến tranh đem lại được giải phóng qua các “van tình cảm” là giấc mơ. Giấc mơ bộc lộ chấn thương tinh thần dai dẳng hiện về trong vô thức dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Giấc mơ trong truyện ngắn về chiến tranh có hiệu ứng như sự chuyển cảnh điện ảnh, qua đó nhà văn tái hiện ký ức hằn sâu trong tâm trí con người, vừa gợi mở những dự cảm mới về cuộc đời. Bước vào thế giới của giấc mơ, mọi trăn trở, suy tư, ẩn ức được tự do bộc lộ, vì vậy nhân vật hiện lên sống động, nhiều tầng bậc cảm xúc. Đó là Hakin - cựu binh Mỹ, 20 năm luôn mơ đến biến cố hồi tham chiến ở Việt Nam, căn cứ bị tấn công, hắn định bắt một người về “nghiên cứu” thì bị bắn trả và phải bỏ lại một chân ở mảnh đất xa lạ (Tiếng nổ ngoài kịch bản - Nguyễn Phan Hách). Người lính bên kia chiến tuyến sống với nỗi kinh hoàng, cay cú, hận thù thường xuyên hiện về trong cõi vô thức, khiến hắn bất an và “trả thù đời” bằng cách làm phim với hình ảnh trái ngược với thực tế đã xảy ra. Trong Giấc mơ ký ức (Phan Đức Nam), Thái là tên lính ngụy thường bị ác mộng chiến tranh bao vây, trầm uất triền miên. “Hắn mơ thấy những thi thể không vẹn toàn nhảy múa - trong cõi không gian nhầy nhụa toàn máu và lửa...! Thái không phân biệt được bên nào là Cộng sản, bên nào là Cộng hòa? Những người chết ấy nắm tay vui đùa bên nhau… phần cuối thế nào cũng rực sáng đôi mắt chàng Cộng quân, đôi mắt mở to nhìn Thái đăm đăm”. Giấc mơ về cuộc chiến phi nghĩa và người lính Việt cộng khiến hắn rệu rã cả thể chất, tinh thần, sống trong trạng thái giằng xé, sợ hãi, ăn năn. Hắn (Hoài vọng - Văn Xương) cũng thường mơ thấy những người lính đồng ngũ, mỗi người một bộ dạng gớm ghiếc... Họ trách hắn vô lương tâm, vô đạo, ôm mãi quá khứ mặc cảm hận thù mà quên họ. Giấc mơ giày vò viên lính ngụy, trở đi trở lại làm đầy thêm sự căm ghét chiến tranh. Có thể nói mô típ mộng mị của nhân vật tái hiện những câu chuyện kinh hoàng, nỗi ám ảnh khôn nguôi xuất hiện với số lượng nhiều nhất trong truyện ngắn về chiến tranh. Từ đó mở ra một vùng hiện thực thoát thai từ tiềm thức nối liền với xúc cảm hiện tại làm nổi bật trạng thái tinh thần của nhân vật. Dạng thức giấc mơ này có thể gặp trong nhiều truyện khác như: Rửa tay gác kiếm (Bảo Ninh), Bến đàn bà (Nguyễn Mạnh Hùng), Những giấc mơ có thực (Vũ Thị Hồng)... Giấc mơ cũng là cầu nối đưa nhân vật trở về với những câu chuyện chiến tranh trong quá khứ, khắc họa vết thương tinh thần do chiến tranh để lại. Nhiều tác phẩm tạo sự hoà trộn giữa mơ và thực khi nói về cơn ác mộng chiến tranh.
Chiến tranh “không phải trò đùa” nên dù không còn hiện hữu trước mắt nhưng mỗi người kinh qua chiến tranh đều đem theo một ký ức, vết hằn trong tâm trí. Giấc mơ là nơi phản chiếu đời sống nội tâm nhân vật, giải tỏa những muộn phiền phải kìm nén trong đời thực. Nhà văn qua đó thể nghiệm những triết lý, thu hút ấn tượng của độc giả bằng hình ảnh trở đi trở lại, gợi mở suy ngẫm, chiêm nghiệm. Những cơn ác mộng tràn trong giấc ngủ của con người đi qua chiến tranh trở thành biểu tượng ám gợi về chấn thương tinh thần dai dẳng.
Giấc mơ cũng là nơi phát lộ những ẩn ức của con người, “hiện thực hóa” khát vọng chưa thực hiện được trong đời thường. Giấc mơ hàm chứa cả cõi thực và cõi mộng, hé lộ những ham muốn, phần nhân bản nhất trong mỗi con người. Trong Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), suốt thời tuổi trẻ, Mật gặp giấc mơ lặp đi lặp lại thấy người lính chồng mình trở về và ngay đêm đó cô có mang, tỉnh dậy thấy người khang khác. Ước muốn được thực hiện thiên chức làm mẹ trong chiến tranh tưởng giản đơn mà thật xa vời khi những người chồng của họ bị cuốn vào lửa đạn, hiếm hoi lắm mới ghé về qua nhà thì không gặp được nhau. Chỉ có trong mơ họ mới được thỏa nỗi khao khát đó để tỉnh dậy đối diện với với nỗi lo sợ mơ hồ. Ngay cả khi hai người lính đều không trở về, hai người vợ vẫn đợi chờ và những ngày giáp tết họ mơ nhiều hơn “trong mơ có tiếng gà gáy và tiếng gõ cửa gấp gáp, có ngan ngát mùi lá dong xanh và hương âm đậm của gạo nếp đã vo sạch”. Đó là giấc mơ đoàn viên dù biết chắc không bao giờ trở thành hiện thực nhưng là niềm an ủi để họ bám víu và lặng lẽ sống, hy vọng.
Nhân vật Mùi (Truyền thuyết về Quán Tiên - Xuân Thiều) xa chồng vào chiến trường, cố gắng tìm vui trong công việc, cô mơ gặp chồng lẫn với đôi mắt vượn. Giấc mơ vừa là mong mỏi gần chồng vừa là sự ám gợi về con vượn kỳ lạ luôn đeo bám cô mới bị tiêu diệt. Hai sinh thể đó như hòa vào làm một để khi tỉnh dậy cô thấy nỗi cô đơn cùng cực hơn bao giờ. Nhân vật Dũng (Biển Hồ yên tĩnh - Mai Ngữ) mơ về nước và quê hương khi tìm đường về đơn vị, khát cháy giữa rừng đất bạn. “Trong cơn mơ, tôi không thấy gì khác ngoài nước. Nước, nước chỉ mơ thấy nước”. Còn Thiệt (Mùa khô này có một dòng suối trong - Nguyễn Chí Trung) mơ thấy người mẹ Campuchia gánh một gánh khổng lồ với đôi thúng đầy nước, đổ xuống các vùng đất và cho anh uống nước thốt nốt ngọt lành.
Giấc mơ không phải là mô típ mới nhưng được tái hiện trong truyện ngắn về chiến tranh đương đại dưới nhiều dạng thức, mang lại hiệu ứng nghệ thuật độc đáo. Từ đó góp phần tái hiện con người với mọi cung bậc cảm xúc gắn với những tiềm thức, ký ức chiến tranh.
Là thế giới của cái vô thức, giấc mơ là nơi chứa đựng nhiều ý nghĩa như trình bày ở trên và cũng là mảnh đất thuận lợi cho cái kỳ ảo. Những điều phi thường, kỳ lạ xuất hiện trong giấc mơ góp phần tạo nên cái nhìn mới về chiến tranh. Ở Tiếng chuông chiều (Lê Hoài Lương), người lính ngụy quân bị thương, trong cơn mê man thấy người Việt cộng vuốt vết thương và hắn nhanh hồi phục khiến bác sĩ ngạc nhiên mỗi lần đến khám. Cái thật và ảo đan xen lý giải cho sự thức tỉnh, chiêm nghiệm của người lính phía bên kia dẫn đến cái kết là anh chọn con đường lánh xa cuộc chiến. Nhân vật người thương binh mất chân và còn một tay trong Ngủ giữa hoa sen (Nguyễn Anh Vũ) mơ thấy vợ hôn lên vết thương và chân tay mọc lại đầy đủ. Phép màu đó chỉ có trong mơ nhưng điều kỳ diệu là có thực khi đứa con xuất hiện trong cuộc sống của họ. Đó là hiển hiện của chân lý khi có tình người, mọi điều phi thường đều có thể xảy ra.
Giấc mơ vừa là nơi giải phóng “ẩn ức” vừa là tín hiệu truyền dẫn tâm linh đem lại cho truyện ngắn màu sắc vừa hư vừa thực, chuyển tải khoảnh khắc dị biệt trong đời người. Khai thác cõi vô thức, tâm linh và thế giới kỳ ảo, người cầm bút vượt thoát khỏi sự câu nệ yếu tố “hiện thực đơn chiều” để hướng đến “hiện thực đa chiều”.
Nói đến đời sống tâm linh là một trạng thái tinh thần đầy bí ẩn, không thể phủ nhận của con người. Trong văn chương từ xưa đến nay, tâm linh là đối tượng quen thuộc trong phạm trù tinh thần được phản chiếu. Cùng với sự phát triển của khoa học thì niềm tin vào thế giới siêu nhiên giảm dần nhưng vẫn tồn tại vì cuộc sống vẫn còn nhiều điều bí ẩn, phi lý tính, yếu tố tâm linh vẫn là mối quan tâm của con người và văn học. Dạng thức xuất hiện của văn hoá tâm linh trong văn học rất đa dạng: là niềm tin vào thế lực siêu nhiên - một thế giới khác, phong thuỷ, cầu cúng, lễ bái, điềm báo, khả năng bí ẩn của con người... Tác giả Trần Đình Sử trong bài viết “Văn học và văn hoá tâm linh” đã nhận định: “Tâm linh là niềm tin vào thế giới bên kia, vào các sức mạnh siêu nhiên chi phối thực tế, hoặc các khả năng biến đổi số phận con người hoặc giải đáp trạng thái nhân sinh hiện hữu”. Người ta cho rằng, địa hạt tâm linh là nơi trú ngụ, nâng đỡ tâm hồn con người trong cuộc sống nhiều biến động, bất an, không như ý. Đằng sau chiến tranh là đầy rẫy những tàn tích, bi kịch nên việc phản ánh thế giới tâm linh trong truyện ngắn về chiến tranh ngày càng trở nên phổ biến. Hướng đi này cũng nằm trong xu thế chung của văn chương đương đại nhằm nắm bắt và biểu đạt trạng huống đầy phức tạp của con người. Tuy nhiên, việc miêu tả đời sống tâm linh và mê tín dị đoan là hai vấn đề khác nhau.
Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 chú trọng khai phá thế giới phía sau hiện thực, tái hiện những điều ẩn khuất, vô hình, khó lý giải vẫn đang hiện tồn. Con người tìm đến với thế giới tâm linh để sống “cân bằng”, an nhiên, khoan dung hơn. Ở mức độ nào đó, đời sống tâm linh mở rộng thêm cánh cửa khám phá bản thể con người. Bùi Việt Thắng trong bài viết Dấu ấn tâm linh trong văn học Việt Nam đương đại qua một số tiểu thuyết nhận định: “Tương lai của văn chương sẽ là những cuộc khám phá bất tận những bí ẩn của thế giới tâm linh trong đời sống của con người thời đại”. Nhiều nhà văn đương đại đặt nhân vật của mình trong vùng tâm linh để dẫn dắt độc giả đến những thông điệp ẩn sau đó. Đó cũng là nét mới khi viết về chiến tranh. Phùng Hữu Hải trong bài Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975 cũng cho rằng sự chuyển dịch của đề tài của văn học “không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã chuyển dần sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người - đặc biệt là những số phận vừa đi qua cuộc chiến. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kỳ ảo”. Trong truyện ngắn sau năm 1975 về chiến tranh có thể thấy sự xuất hiện của yếu tố tâm linh trong nhiều tác phẩm. Ở truyện Thanh minh trời trong sáng (Ma Văn Kháng), bé gái có cha là liệt sĩ khi theo mẹ đi viếng mộ đã nhìn thấy bố hiện về giữa khói hương. Thế giới của người chết và người sống dường như rất gần và có mối liên hệ “vô hình nhưng bất tử và thiêng liêng”. Bến trần gian (Lưu Sơn Minh) là hành trình của hồn ma phiêu dạt tìm về quê hương để thấu rõ hơn nỗi niềm âm - dương cách gợi nhiều cảm xúc về một thực tế phũ phàng không gì thay đổi được với người lính và thân nhân sau chiến tranh. Chuyến xe đêm (Ma Văn Kháng) viết về anh lính lái xe chở nhà báo phương Tây đến Campuchia, bị trúng đạn nhưng anh đã lái xe trong lúc gục trên vô lăng 10 ki-lô-mét là chuyện lạ kỳ không lý giải được theo cách thông thường. Tiếng chuông chiều (Lê Hoài Lương) là tâm sự của tên lính biệt động từng chôn cất bộ hài cốt Việt cộng và sau đó có sự linh thiêng phù hộ thoát chết, thậm chí khi bị lạc đội hình, không biết đi hướng nào thì đàn đom đóm tụ thành hình người “hộ mệnh” dẫn hắn đến chỗ chiến hữu. Niềm tin vào sự báo ứng của nhân vật bên kia chiến tuyến đã khuất đem đến nhận thức về tình người, tình đồng loại không giới hạn trong chiến tranh. Trong một số truyện ngắn, việc gợi ra những điều kỳ bí, khó lý giải tạo nên sự cuốn hút độc giả.
Cùng bàn về một vấn đề nhưng khác với Freud, Jung cho rằng giấc mơ chứa đựng cả chiều sâu tâm linh. Trong văn học đương đại, giấc mơ là cầu nối đưa nhân vật đến miền hư ảo, một thế giới mở đến vô cùng phản chiếu cả hiện thực và mọi điều kỳ lạ. Ở đó có thể giao cảm với linh hồn người đã khuất, nhận được điềm báo và dấu ấn để lại, nếm trải mọi cung bậc cảm xúc với những điều thầm kín phải che giấu trong đời thực. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng (Võ Thị Xuân Hà), nhân vật Diễm sống trong thế giới đan xen hiện thực và tâm linh, qua những giấc mơ, có sự giao cảm, ràng buộc khó lý giải với người anh chồng là liệt sĩ. Thậm chí cô nhận là người yêu để khấn gọi linh hồn khi đi tìm hài cốt anh. Nhân vật “tôi” trong Tiếng rừng (Hiền Phương) hằng đêm chờ đợi giấc mơ tình tự với người yêu đã hy sinh. Giấc mơ như rút cạn sinh lực và cô chỉ thoát ra khỏi đó khi chồng mời thầy về làm lễ trục hồn. Từ đó cô không còn nhìn thấy anh và khi sinh con ra, trên tay có vết bớt đỏ hình con thủy tức giống với người liệt sĩ kia. Sự đan cài nhuần nhị giữa thực và ảo khiến độc giả thấy dường như giấc mơ và thế giới tâm linh là có thật. Giấc mơ ở đây mang cả những điều kỳ bí, là một phần của đời thực làm nổi bật trạng thái cô đơn, cảm giác tù túng, hoang mang của con người trong cuộc sống sau chiến tranh. Còn trong truyện Trên núi Tưk-cot (Hồ Kiên Giang), Hiếu và đồng đội tìm đưa hài cốt liệt sĩ ở Campuchia về, anh gặp giấc mơ kỳ lạ, như là điềm báo về bà Mết - người trông coi mộ. Giấc mơ dường như là nơi mách bảo điều sắp xảy ra một cách linh thiêng. Hoa oải hương ven sông Sương (Nguyễn Thu Hằng) lại chứa đựng chuỗi giấc mơ lặp đi lặp lại từ hồi bé đến lớn của cô bé Sa về một người tóc vàng bịt mắt ở bến sông quê cô. Sau này Sa được biết đó là người lính Pháp với câu chuyện có thật và cô trở thành cầu nối đưa hài cốt anh về quê hương. Giấc mơ - tâm linh - hiện thực tạo thành vòng tròn nhập nhoè thực - ảo, quá khứ - hiện tại khiến câu chuyện sau chiến tranh chất chứa ám ảnh. Hướng đến đời sống tâm linh cũng là đáp ứng nhu cầu biểu lộ và đón nhận của con người đương đại vì đó là một bộ phận cấu thành đặc thù tinh thần nhân loại. Đặc biệt, với đề tài chiến tranh, vô vàn cảnh huống không dễ nắm bắt được theo cách trực quan. Việc tiếp cận con người từ đời sống tâm linh đem lại cảm thức trang nghiêm, dẫn dắt những điều phi thực, khả năng khó lý giải, nới rộng đường biên khám phá con người.
Trong nhiều tác phẩm văn học thế giới, tâm linh hiện hữu như một phần cuộc sống con người. Ở Việt Nam, sáng tác quan tâm đến đời sống tâm linh xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại những hiệu ứng thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới lạ. Qua đó góp phần biểu đạt con người tâm linh, tạo nên những ký hiệu, mô típ, diễn ngôn tâm linh. Đây không chỉ là hình thức phản ánh, một góc nhìn hiện thực mà còn thể hiện cảm quan, tư duy của nhà văn đương đại. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất để khai thác đề tài chiến tranh. Việc miêu tả thế giới với những điều kỳ ảo, vô thức, tâm linh cũng cần đến một nhãn quan tỉnh táo, chừng mực để tránh sa đà, dẫn tác phẩm tới “ly kỳ rùng rợn” hoặc cổ vũ mê tín dị đoan. Dù ở hướng tiếp cận nào, xuất phát điểm và đích đến của người viết vẫn là con người và mảnh đất hiện thực. Xét cho cùng, viết về chiến tranh ở thể loại nào, góc nhìn nào vẫn phải gắn với tư tưởng nhân bản, thể hiện khát vọng hoà bình, phê phán chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ những giá trị chân chính của con người.
Đi qua “lớp sương mù” kỳ ảo, sự chập chờn khó phân định của giấc mơ, người đọc sẽ đến được với thông điệp tư tưởng đầy trắc ẩn của tác giả về chiến tranh. Ở đây, hiện thực có sự khúc xạ, chứa đầy bí ẩn, thế giới tâm hồn con người trong và sau chiến tranh ngưng đọng nhiều điều khó lý giải, biến động. Với tinh thần nhận thức lại hiện thực, giải phóng những khát vọng bị bối cảnh đặc biệt của chiến tranh kìm nén, truyện ngắn về chiến tranh đã soi rọi đến góc khuất thẳm sâu trong đời sống tinh thần con người.
Như đã trình bày ở trên: vị trí, tâm thế của nhà văn, cách thức chiếm lĩnh hiện thực trong văn học và đề tài chiến tranh nói riêng đã có nhiều thay đổi so với văn học kháng chiến. Nhìn lại những trang sử oai hùng mà khốc liệt, viết khi ký ức vừa ghi nhận hay đã có sự lắng dịu bởi thời gian là một lựa chọn không dễ dàng và cũng không thể “dửng dưng” đối với người nghệ sĩ. Bởi vậy diễn ngôn văn học về chiến tranh cũng có những thay đổi theo hệ hình tư duy đương đại. Là sản phẩm của hư cấu nghệ thuật gắn với vô thức xã hội và sự sáng tạo độc đáo của nhà văn, diễn ngôn truyện ngắn về chiến tranh sau năm 1975 có sự dịch chuyển theo trường tri thức và sự chi phối của những tư tưởng chủ đạo của thời đại. Trong giai đoạn 1945 - 1975 với sự chi phối của ý thức hệ cách mạng, trung tâm diễn ngôn truyện ngắn là tuyên truyền cổ vũ, nêu gương, minh họa cho đường lối cách mạng, thể hiện lòng yêu nước và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Sau năm 1975, đặc biệt là sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, diễn ngôn về con người cá nhân trở thành trung tâm của đời sống văn học. Truyện ngắn về chiến tranh cũng nằm trong dòng chảy đó. Những số phận dang dở, “thương tích” do chiến tranh trở về với cuộc sống thường nhật được thể hiện đầy khắc khoải. Mỗi truyện ngắn phản chiếu cuộc sống ở một góc riêng để con người xuất hiện đa diện, đời thường, truân chuyên đầy nghịch cảnh, khó lường chứ không thuần nhất. Truyện ngắn về chiến tranh còn là “diễn ngôn chấn thương”, về những vấn đề nhân bản, nhân tính.
Lộ trình tìm kiếm những hướng đi mới để viết về cuộc kháng chiến của dân tộc thế kỷ XX đang tiếp diễn. Truyện ngắn dù nỗ lực cách tân đi xa đến đâu vẫn gắn với cội rễ là giá trị nhân văn, dân tộc, để độc giả không chỉ ở Việt Nam cảm nhận được tầm vóc của cuộc kháng chiến và hiểu về con người Việt Nam trong thời kỳ lịch sử đó.
* * *
Từ sau giải phóng, cùng với sự dịch chuyển, cách tân của nền văn học, truyện ngắn về chiến tranh đã có sự bứt phá, thay đổi để tìm đến những hướng tiếp cận mới. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu của hiện thực mà còn là tâm huyết của giới sáng tác trước đề tài vĩnh cửu này. Chính vì vậy, trong hai thời kỳ lịch sử khác nhau, truyện ngắn đề tài chiến tranh mang diện mạo riêng. Nhà văn đương đại đã chủ động tìm những ngả đường khác nhau mở rộng đường biên phản ánh hiện thực. Đề tài chiến tranh chủ yếu được viết từ ký ức và trải nghiệm gián tiếp không còn giới hạn trong phạm vi hẹp cả về tư tưởng và trường phản ánh. Văn học trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1985 được đánh giá là vận động theo quán tính của khuynh hướng sử thi. Truyện ngắn về chiến tranh đã sớm xuất hiện những tác phẩm thể hiện sự đổi mới tư duy, quan niệm nghệ thuật. Vì vậy, từ sau năm 1986, đặc biệt là những năm 90, tác phẩm “nở rộ” với sự phong phú về số lượng, đa dạng về phong cách, mới mẻ và khách quan trong tiếp cận đề tài chiến tranh. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay xuất hiện xu hướng tìm tòi, “lạ hoá” cách thức chiếm lĩnh và biểu đạt đề tài này.
1. Chu Lai, “Viết về chiến tranh đôi điều suy ngẫm”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 604, tr. 102 - 105.
2. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 273, 274
3. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 273, 274
4. Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 5, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 37.
5. Jeffrey Walsh (2009), “American writing of the wars in Korea and Vietnam”, The Cambridge companion to war writing, Cambridge University Press, New York, tr. 229.
6. Hoàng Mạnh Hùng, “Sử thi và tiểu thuyết sử thi”, Văn học và ngôn ngữ - những góc nhìn mới, Nxb. Đại học Vinh, 2004, tr. 58 - 65.
7. Phùng Ngọc Kiếm, Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945 - 1975, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.67.
8. Nguyễn Mạnh Hà, “Tư duy tiểu thuyết - khái niệm của hệ hình”, Tạp chí Non nước (147), Hà Nội, 2009, tr. 22 - 27.
9. Trần Khánh Thành, “Nền văn học với sứ mệnh thiêng liêng”, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005.