I. NHÂN VẬT VÀ CÁC LOẠI HÌNH NHÂN VẬT
1. Nhân vật
Nhân vật là một đơn vị nghệ thuật thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người và cuộc sống. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một nhân cách nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định”.
Theo từ điển 150 thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân: nhân vật “là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người”. Nhân vật là nơi ký thác gửi gắm cái nhìn riêng về thế giới và con người của nhà văn, là linh hồn của tác phẩm, là phương thức để tác giả hiện thực hóa quan niệm nghệ thuật về con người. Mỗi nhà văn có phong cách thường sở trường ở một số kiểu nhân vật nhất định. Trong truyện ngắn, nhân vật dẫn dắt sự phát triển cốt truyện. Có thể hiểu là, nếu nhân vật trong tiểu thuyết được miêu tả trọn vẹn cả cuộc đời thì nhân vật trong truyện ngắn chỉ xuất hiện với những đặc điểm rõ ràng trong một thời điểm nhất định. Nhân vật được thể hiện như một “lát cắt” cuộc đời điển hình. Điểm khác biệt cơ bản nhất của truyện ngắn là nhân vật của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật của truyện ngắn chỉ là “một mảnh nhỏ” của thế giới. Với đề tài chiến tranh, nhân vật tiểu thuyết dẫn người đọc đến với mảng hiện thực rộng với nhiều số phận con người. Truyện ngắn chỉ tập trung vào một vài nhân vật trong những thời điểm “đặc biệt” để từ đó gây những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời và con người trong mối tương quan với chiến tranh.
Có thể thấy, tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, một nét tính chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người - nhân vật tâm trạng. Theo Tsekhov, nhân vật truyện ngắn phải được hiểu theo nghĩa rộng, có khi là người, có khi là vật. Cho dù là tồn tại dưới dạng nào thì tất cả các nhân vật đều hướng tới con người. Trong văn học Việt Nam từ sau năm 1975, truyện ngắn tiếp tục phát huy vai trò của thể loại “nhỏ gọn”, “nhạy bén”, “xung kích” hướng đến mọi đề tài của bối cảnh hiện thực mới. Truyện ngắn về chiến tranh cũng góp phần tô đậm mảng màu thể loại trong bức tranh nền văn học, nhân vật đóng vai trò hạt nhân giúp truyện ngắn khẳng định vị thế của mình.
2. Các loại hình nhân vật
Việc nghiên cứu theo loại hình đã trở thành phương pháp được sử dụng rộng rãi trong các ngành khoa học từ thế kỷ XX. Trong văn học, nghiên cứu theo loại hình nhằm quy về “các nhóm hiện tượng giống nhau theo một tiêu chuẩn nào đó” hoặc chứng minh cho “một loại hình văn học nào đó”. Cách thức này hữu hiệu trong việc phân tích, phân loại “một thực tại phức tạp”. Trên thực tế, loại hình được sử dụng như một công cụ để đạt mục tiêu nghiên cứu đề ra và cũng có tính tương đối. Bởi vì “khi nghiên cứu bổ dọc một vấn đề bằng phương pháp loại hình, thì chính là để nhằm mục đích chứng minh cho vấn đề cần nghiên cứu chứ không phải là để chứng minh rằng có một loại hình văn học chuyên về vấn đề này hay vấn đề khác, bởi vì trên thực tế, các vấn đề có thể chồng chéo lên nhau”10.
Phương pháp tiếp cận vấn đề văn học theo loại hình giúp khu biệt một cách tương đối các hiện tượng trong mối quan hệ với hệ thống, tổng thể, từ đó đưa ra những nhận định theo nhóm có chung đặc điểm. M.B. Khravchenko cho rằng: “cách nghiên cứu văn học theo phương pháp loại hình không tìm hiểu tính đặc thù cá biệt của những hiện tượng văn học và cũng không tìm hiểu những nét đơn thuần giống nhau của chúng, những mối liên hệ vốn có giữa chúng, nó tìm hiểu những nguyên tắc và những cơ sở cho phép nói tới tính cộng đồng nhất định về mặt văn học - thẩm mĩ, tới việc một hiện tượng nhất định thuộc về một kiểu, một loại hình nhất định. Tính cùng loại hình này không hiếm trường hợp bộc lộ ra ngay cả khi những sự kiện văn học không nằm trong mối liên hệ trực tiếp với nhau”11. Và khi nói đến sự thống nhất về mặt loại hình trong văn học, “đó không phải là một dây xích đóng kín gồm những mắt xích như nhau, nó là một thứ quang phổ của những màu sắc khác nhau và nằm trong một tương quan nhất định”. Như vậy, điểm cốt yếu nhất ở phương pháp loại hình là việc phân tích khoa học những nguyên tắc, cơ sở của những hiện tượng thuộc về một kiểu nhất định. Việc phân định theo loại hình văn học vẫn bảo toàn cái cá biệt trong cái chung.
Với vấn đề nhân vật trong truyện ngắn về chiến tranh, chúng tôi chọn hướng tiếp cận này. Dù thực tế nhân vật là sáng tạo độc đáo không trùng lặp nhưng trong cùng một đề tài, thời gian lịch sử, trên một số khía cạnh nào đó có thể thấy hiện tượng nhiều nhân vật có nét tương đồng, có thể xếp vào cùng một kiểu loại. Lựa chọn cách phân chia này cũng là một cách thức để chúng tôi đưa ra những kiến giải về các kiểu nhân vật trong truyện ngắn đương đại về chiến tranh mặc dù có ý kiến cho rằng sự quy gọn nhân vật vào một số loại hình có thể làm giảm đi sự phong phú của nhân vật trong tác phẩm. Trong thế giới nhân vật đa sắc màu của văn học, phương pháp loại hình cũng được sử dụng phổ biến để nghiên cứu. Tuỳ theo tiêu chí phân loại khác nhau mà có thể tìm thấy những loại nhân vật có sự tương đồng về một mặt nào đó.
Xét theo tiêu chí vai trò của nhân vật trong kết cấu tác phẩm, nhân vật thường được chia thành ba loại: nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ (có những nhân vật đồng thời là nhân vật chính và trung tâm). Nếu dựa trên mối quan hệ với lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn thì lại có thể phân loại thành nhân vật chính diện và phản diện. Từ phương diện cấu trúc nhân vật, thường chia thành mấy kiểu chính như: nhân vật chức năng - thực hiện một số chức năng cố định nào đó trong thể hiện đời sống; nhân vật loại hình - thể hiện tập trung nét đặc trưng phẩm chất, tính cách của loại người nào đó trong một thời đại nhất định (yếu tố cốt lõi là loại hình chứ không phải tính cách); nhân vật tính cách - có cấu trúc phức tạp, luôn vận động trong sự tương tác với hoàn cảnh; nhân vật tư tưởng - hạt nhân cấu trúc là một ý thức, tư tưởng của nhà văn về đời sống... Còn có nhiều loại hình nhân vật được phân chia ở cấp độ chi tiết hơn nữa. Tuy nhiên, không có sự phân loại nào là ưu việt tuyệt đối. Các kiểu nhân vật trong tác phẩm đương đại thường có sự giao thoa, nhân vật loại này có thể chứa đựng yếu tố gần với loại khác.
Với truyện ngắn đề tài chiến tranh, chúng tôi chọn cách phân loại dựa trên vị trí vai trò trong tác phẩm kết hợp với đặc điểm phẩm chất tính cách, lứa tuổi của nhân vật trong tương quan chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Từ đó tập trung khảo sát một số kiểu loại nhân vật chủ yếu được khắc hoạ nhằm chuyển tải tư tưởng về chiến tranh của nhà văn đương đại.
II. CÁC LOẠI NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU NĂM 1975 VIẾT VỀ CHIẾN TRANH
Nếu văn học Việt Nam 1945 - 1975 xây dựng hầu hết nhân vật theo hướng ổn định, “bất biến về tính cách”, tạo nên hệ thống nhân vật “đơn tính cách” thì sau năm 1975 nhân vật có sự thay đổi theo cách nhìn nhận, phản ánh con người. Chính vì vậy, nhân vật xuất hiện đa tính cách, “không nhất quán”. Trong truyện ngắn sau năm 1975 về chiến tranh, thế giới nhân vật rất phong phú đa dạng với trẻ em, nam giới ở các lứa tuổi - không tham gia chiến tranh, phụ nữ, người lính... Con người trong đời sống đa dạng, phức tạp như thế nào thì hiện diện trong truyện ngắn về chiến tranh như vậy.
Truyện viết khi chiến tranh biên giới chưa kết thúc hay khi các cuộc chiến tranh đã chấm dứt có nhiều nhân vật ở mọi lứa tuổi, giới tính là con người của cuộc sống hoà bình, thường ngày. Họ hầu như không tham gia hoặc không chịu ảnh hưởng của chiến tranh mà xuất hiện trong truyện với tư cách người kể chuyện, nhân vật phụ làm bối cảnh cho tuyến truyện chính. Đó là người chồng (Hai người bạn - Lê Minh Khuê), “tôi” (Người ở bến Sông Châu - Sương Nguyệt Minh), “tôi”, Phụng, Vịnh (Có một đêm như thế - Phạm Thị Minh Thư ), “tôi” (Chuyện ở bản Piat - Vũ Xuân Tửu), “tôi” (Trên núi Tưk-cot - Hồ Kiên Giang)... Đây là những nhân vật chỉ có trong truyện ngắn giai đoạn này khi viết về chiến tranh còn trong thời chiến, mỗi con người đều là một thành tố của hậu phương hay tiền tuyến, thuộc trường ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh. Điều dễ nhận ra là các nhân vật này không được tập trung miêu tả mà thường chỉ đóng vai trò dẫn dắt truyện hoặc làm tôn lên nhân vật chính, thông điệp chủ đạo của truyện.
Bên cạnh đó, những nhân vật là trẻ em, thiếu niên chịu ảnh hưởng ít nhiều của chiến tranh cũng xuất hiện trong một số truyện. Một nhà văn nước ngoài đã từng nói “phụ nữ và trẻ em là những người bất hạnh nhất trong chiến tranh. Phải chăng đó là bất hạnh của xung đột giữa hủy diệt và sinh nở, bạo lực và yếu đuối, nhơ bẩn và trong trắng, thô bỉ và cái đẹp, có phải vì vậy mà tiếng nói của họ có sức nặng tố cáo hơn cả”12. Mỗi nhân vật góp phần nói lên sự tàn khốc của chiến tranh làm tổn thương những mảnh đời trẻ thơ trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là cô cháu gái (Ngôi sao vô danh - Bảo Ninh), những đứa trẻ được gửi cho nhân vật “chị” nuôi do hoàn cảnh chiến tranh (Trên mái nhà người phụ nữ - Dạ Ngân), cậu bé (Sám hối - Phùng Văn Khai), ấu hồn (Bến đàn bà - Nguyễn Mạnh Hùng), em bé (Em bé câm trước đền Ăngko - Lê Lựu), Nguyên (Mặt trời bé con của tôi - Thùy Linh), bé trai (Bí ẩn của làn nước - Bảo Ninh)....
Những nhân vật này thường xuất hiện với tư cách là nhân vật thứ chính hoặc nhân vật phụ, là điểm nhấn trong truyện ngắn về chiến tranh. Nếu nhân vật thiếu nhi trong văn học thời kháng chiến thường là những “mầm non cách mạng”, “chiến sĩ nhỏ” anh dũng thì trong truyện ngắn sau chiến tranh thường xuất hiện là những nạn nhân chiến tranh. Họ có thể bị chiến tranh cướp đi tính mạng (Sám hối, Mặt trời bé con của tôi), vì ảnh hưởng chất độc chiến tranh mà không thể chào đời lành lặn (Bến đàn bà, Tiếng lục lạc), vì chiến tranh mà trở thành trẻ mồ côi (Trên mái nhà người phụ nữ, Thanh minh trời trong sáng), phải trải qua cú sốc tinh thần khủng khiếp (Em bé câm trước đền Ăng-ko - Lê Lựu)... Ở đây thể hiện sự thay đổi trong tư tưởng sáng tạo của người cầm bút. Nhân vật trẻ thơ được quan tâm miêu tả như một đối tượng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng thì lại phải rơi vào những bi kịch bởi chiến tranh. Từ đó cho thấy tính chất phi nhân đạo của hành động phát động chiến tranh xâm lược. Nó không chỉ hủy diệt môi trường sống an bình mà còn đe dọa cả tương lai con trẻ.
Nhân vật ông già cũng xuất hiện trong nhiều truyện ngắn tạo nên những “điểm nhấn” về con người trong và sau chiến tranh. Đó là ông già người Gia Rai trong Đêm nguyệt thực (Trung Trung Đỉnh) - người cứu sống, làm điểm tựa cho anh thương binh rồi sau này trở thành bố vợ của anh. Là nhân vật kỳ ảo - cụ già râu tóc bạc phơ (Bến trần gian - Lưu Sơn Minh) có thể tạo nên phép màu đưa linh hồn anh lính về quê; là ông Vui (Vịt trời lông tía bay về - Hồng Nhu) xưa trốn đi lính quốc gia và nay không cho con đi bộ đội nhưng trước quyết tâm của vợ con, ông cũng yên lòng. Đó còn là người ông với sở thích trồng hoa là lời nhắn nhủ, tâm niệm, thông báo gián tiếp về chiến tranh của người cháu - anh lính biền biệt ở chiến trường (Người trồng địa lan - Dương Duy Ngữ). Nhân vật ông lão trong truyện Ngôi sao vô danh (Bảo Ninh) vẫn ngỡ đang còn chiến tranh dù hoà bình đã về, nhất định sống ở vùng đất xưa với công việc “gác ghi” dù thực tế ga tàu đã không còn từ lâu... Mỗi nhân vật xuất hiện trong truyện để lại những ấn tượng, ám ảnh bởi họ là người “đặc biệt” hoặc qua nhiều trải nghiệm sống nên điềm tĩnh, quyết đoán, sâu sắc, bảo lưu cách sống - lẽ sống của riêng mình trước những biến động của thời cuộc. Những nhân vật này thường được miêu tả như đại diện của một lớp người giàu vốn sống, để lại một dấu ấn, kỷ niệm đặc biệt nào đó trong cuộc đời người lính.
Chúng tôi chọn và đi sâu khảo sát hai kiểu nhân vật tiểu biểu, xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong tác phẩm, đó là người lính và người phụ nữ. Trong đó nhân vật lại được thể hiện rất đa dạng với nhiều kiểu loại tính cách, phẩm chất. Xét trong mối tương quan với chiến tranh, những người lính là lực lượng trực tiếp hoạt động trên mặt trận nên họ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, dai dẳng nhất. Chính vì vậy, họ là nguyên mẫu, nhân vật chính và trung tâm của nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó, một bộ phận đông đảo phụ nữ là những người bà, người mẹ, người vợ, người yêu... phải chia biệt người thân vì chiến tranh. Họ có thể không trở về hoặc trở về trong thương tật, đổi thay nên có thể nói phụ nữ là đối tượng thứ hai chịu ảnh hưởng nặng nề, lâu dài bởi chiến tranh. Nhân vật phụ nữ xuất hiện trong truyện ngắn về chiến tranh với mật độ lớn, nhiều số phận bị vòng xoáy chiến tranh tác động. Đặc biệt, một số trường hợp phụ nữ cũng là người lính nhưng trong cách phân loại này, chúng tôi xếp vào hệ thống nhân vật phụ nữ. Bởi dù là người lính, họ cũng mang những đặc trưng thiên tính nữ và nét riêng của người phụ nữ Á Đông. Điều đó quy định hành vi, tính cách, số phận của nhân vật trong tác phẩm.
1. Nhân vật người lính
Sau năm 1975, truyện ngắn miêu tả về người lính trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới với thiếu thốn, hy sinh bằng nhãn quan thực tế. Đặc biệt, sau năm 1986, nhân vật là nơi thể hiện tập trung, rõ nét nhất thay đổi quan điểm nghệ thuật về con người. Nhà văn Batsarop cho rằng: “mô tả chiến tranh mà chỉ giữ lại cái anh hùng, vứt bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi rất nhiều bài học chiến tranh”. Giới sáng tác Việt Nam đã có những nỗ lực vượt qua lối viết còn nhiều phiến diện của giai đoạn trước. Nhân vật xuất hiện không còn “đơn phiến” mà “đa diện” với nhiều gương mặt khác nhau bên trong một con người ở những thời điểm khác nhau. Sau khi chiến tranh kết thúc đã xuất hiện những nhân vật “đa trị”, “lưỡng diện”, mang nhiều gương mặt, khó phân định và đoán biết như hoạ sĩ (Bức tranh - Nguyễn Minh Châu), Trí (Hai người trở lại trung đoàn - Thái Bá Lợi) sớm đề cập đến những phức tạp trong cuộc sống thời chiến và diễn biến tâm trạng người lính khi vừa bước sang hoà bình. Càng về sau, truyện ngắn càng bổ sung thêm nhiều nhân vật như: vị tướng (Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu? - Văn Chinh), Lâm (Truyền thuyết về Quán Tiên - Xuân Thiều), hắn (Họ đã trở thành đàn ông - Phạm Ngọc Tiến)... gợi mở trường phản ánh rộng hơn về con người trong chiến tranh. Không còn là sản phẩm của tinh thần lý tưởng hoá cao độ, họ hiện lên với trạng thái đời thường nhất của con người, có sai lầm, thiên kiến cá nhân, khoảnh khắc hèn nhát, bản năng lấn át lý trí... Những con người đầy “bí ẩn”, bất ngờ, không thể đoán biết. Việc nhà văn “đặc tả” con người ở nhiều chiều kích một cách khách quan dẫn đến sự xuất hiện của nhân vật “lưỡng diện” trong văn học nói chung và truyện ngắn về chiến tranh nói riêng. Người lính vì vậy mang diện mạo, tính cách, hành vi ứng xử đa dạng, gần gũi, sắc nét và chân thực hơn.
Không phủ nhận những mặt tích cực, phẩm chất cao đẹp, truyện ngắn bổ sung vào bức chân dung người lính cái nhìn toàn cảnh đồng thời nhấn mạnh điểm cá biệt để mỗi nhân vật trở nên sống động và tạo những hiệu ứng thẩm mĩ sâu sắc. Đây cũng là nét mới trong miêu tả người lính khác với giai đoạn trong chiến tranh. Do sự chi phối của ý thức hệ thời chiến, diễn ngôn trung tâm của văn học là ngợi ca, nêu gương, cổ vũ nên người lính thường được miêu tả thuần chất, con người của cộng đồng và lý tưởng, con người đổi đời nhờ cách mạng. Sau giải phóng, dù còn phải tiếp tục chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, diễn ngôn về số phận cá nhân trở thành trung tâm nên nhân vật được soi ngắm từ những góc độ tinh vi, phức tạp vốn có. Điều đó thể hiện tư duy khách quan lịch sử của nhà văn đương đại, khát vọng phản ánh một cách đầy đủ trên tinh thần xây dựng về hiện thực và con người trong sự tác động của chiến tranh.
a) Nhân vật người lính tự ý thức
Gắn với cảm quan mới về chiến tranh, sự hy sinh, đau thương là một mặt khác của những chiến công, anh hùng. Vì thế, truyện ngắn thời kỳ này viết về người lính với nhiều mất mát, hy sinh và những nỗi đau hết sức con người (điều này ít thấy trong văn học giai đoạn trước). Chính vì vậy, quan tâm đến những vết thương chiến tranh của mỗi con người là cảm hứng lớn của truyện ngắn thời kỳ này. Người lính được xây dựng trong tâm thế tự ý thức về mình để sống và vượt lên nghịch cảnh sau chiến tranh. Không ít người trong hàng quân hào hùng, say mê lý tưởng năm xưa nay rơi vào bi kịch, bế tắc... Nói như Nguyễn Minh Châu: “Xưa nay, đất dưới chân những người thắng giặc có bao giờ nở sẵn đầy hoa… Bước ra khỏi cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh” (Miền cháy).
Dù gặp những mất mát, thiệt thòi, nghịch cảnh nhưng hình tượng người lính vẫn đem đến cho người đọc sự khâm phục, cảm động. Vẻ đẹp của người chiến sĩ bước ra khỏi chiến tranh được tôn lên khi họ biết vượt qua những bi kịch cá nhân để khẳng định phẩm chất - lý tưởng sống của mình. Sau chiến tranh, họ là những người bị đánh mất hạnh phúc hoặc không thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Tuy vậy, dù bị đặt vào những cảnh huống éo le, bất đắc dĩ trong đời sống cá nhân do chiến tranh đưa lại nhưng họ một lần nữa không gục ngã mà âm thầm đương đầu với nó một cách kiên cường.
Đó là Lực (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu) đã bị báo tử, cha già và vợ ở cùng chồng mới, sự trở về của anh đặt ra tình huống khó xử. Anh chọn cách chấp nhận thực trạng đó, sống với việc tìm hài cốt đồng đội. Người lính ấy một lần nữa hy sinh hạnh phúc cá nhân trong hoà bình vì người khác, quyết đoán và rộng lượng. Còn nhân vật “anh” (Đêm nguyệt thực - Trung Trung Đỉnh) bị thương nặng, không còn giấy tờ gì, anh sống lặng lẽ ở Tây Nguyên chứ không muốn trở về làm gánh nặng cho vợ và gia đình. Anh chấp nhận mọi sự an bài và bị ghi danh liệt sĩ khi đang còn sống. Thương tật, khó khăn đã đẩy anh vào cảnh tưởng chừng không lối thoát, chỉ sống qua ngày đoạn tháng nhưng hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười trước nghị lực sống và sự hy sinh thầm lặng.
Có thể thấy, nhà văn đã miêu tả trực diện thử thách với người lính trở về có khi như “sóng ngầm”, lúc lại như “lũ quét” mà chỉ có bản lĩnh và sự cao thượng cùng với những phẩm chất đã tôi luyện qua chiến tranh mới giúp họ vượt qua, tìm lại cuộc sống cân bằng. Kiểu nhân vật này chiếm số lượng lớn trong truyện ngắn sau năm 1975 về chiến tranh. Từ đó tiếp tục khẳng định một chân lý “con người có thể bị huỷ diệt chứ không chịu khuất phục”. Họ hiện diện trong nhiều truyện khác như Trần Năng (Tình yêu một đời - Nguyễn Ngọc Chụ), Thao (Miền cỏ hoang - Trần Thanh Hà), Toại (Ngủ giữa hoa sen - Nguyễn Anh Vũ), Năm Dũng (Những bóng người trên đất - Trịnh Sơn), Trung (Chuyện ở Pai-lin - Dạ Ngân)... Người lính được miêu tả đậm chất đời thường. Khác với thời bom đạn, họ được đặc tả trong một cuộc chiến mới âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt với những trớ trêu của hoàn cảnh khi trở về với cuộc sống thường ngày. Không được tập trung khắc họa ở những phẩm chất, tinh hoa của cộng đồng, người lính tự ý thức được khai thác ở bản lĩnh chấp nhận và vượt qua những điều nhỏ nhặt, tầm thường, tổn thương mà chiến tranh để lại.
Chính bởi vậy, hệ thống nhân vật này đem lại cho truyện ngắn về chiến tranh màu sắc lạc quan với hy vọng về tương lai được gây dựng lại từ đổ nát, tàn tích chiến tranh. Những phẩm chất đáng quý của người Việt Nam là cội rễ của tinh thần đó. Sự kiên trì, bền bỉ, đức hy sinh, lòng nhân ái, sợi dây kết nối tình thân gia đình, dòng họ, làng mạc... là sức mạnh nâng đỡ con người đi qua thăng trầm sau chiến tranh. Họ luôn ý thức vươn tới hoàn thiện và vượt qua nghịch cảnh. Trong mỗi câu chuyện về họ cũng chứa đựng nỗi đau không dễ nói thành lời của người lính sau chiến tranh. Gắn với cảm hứng bi tráng, nhân vật người lính được đặt vào tình cảnh sự trở về không thay đổi được gì cho số phận của mình nhưng lại làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người khác. Đó là sản phẩm tất yếu của sự đổi mới tư duy nghệ thuật và cảm thức người cầm bút đương đại. Nhân vật được xây dựng dựa trên những mâu thuẫn, xung đột giữa con người và hoàn cảnh, mong ước và thực tế. Điều này chỉ có ở nhân vật người lính trong văn học sau giải phóng. Qua đó, nhà văn thể hiện cách nhìn nhận, lý giải vấn đề theo cách riêng của mình.
Tự ý thức còn là trạng thái tinh thần để con người chiêm nghiệm, suy ngẫm lại hành động của mình. Từ đó có thể dẫn đến những thay đổi trong tư tưởng, hành vi với những người từng làm điều sai trái trong quá khứ. Chiến tranh mang gương mặt bạo tàn, không ít con người trong đó phải đóng vai trò công cụ thực thi tội ác hoặc “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Cảm thức tự thú, sám hối thường xuất hiện ở những người từng mắc sai lầm, tội lỗi - điều mà trong chiến tranh gieo rắc ở khắp nơi bởi khi môi trường sống đầy những bất trắc, khác thường của bom đạn, chết chóc, hành vi tàn sát vô nhân đạo hay ích kỷ cá nhân là chuyện thường ngày. Phải điềm tĩnh lại, người trong cuộc mới đủ lý trí để chiêm nghiệm lại và để cho tiếng nói chân chính cất lên từ sâu thẳm tâm hồn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để tự nhận thức và mong muốn tìm sự giải thoát, thanh thản sau hành vi sai trái của mình.
Những nhân vật này thể hiện con người có tính hướng thiện nên có sự cắn rứt lương tâm. Việc tự thú, sám hối có thể diễn ra trong chính tâm hồn hoặc biến thành hành động, lời nói bên ngoài. Phần lớn nhân vật mang cảm thức này là người lính bên kia chiến tuyến. Dù ý thức được mình làm việc phi lý nhưng có người tìm được ngã rẽ tốt đẹp hơn, có người không bao giờ còn cơ hội đó. Họ cũng chỉ là công cụ của kẻ xâm lược trong cuộc chiến, có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào vì toan tính của nhà cầm quyền, nhiều người bị xô đẩy vào cuộc chiến và rơi vào bi kịch. Đó là tên lính da trắng (Sám hối - Phùng Văn Khai) lạnh lùng, tàn nhẫn trong chiến tranh nhưng sau đó luôn tự giày vò vì hành động vô nhân đạo của mình và vì những đứa con không lành lặn do hắn bị nhiễm chất độc điôxin; Phúc (Thời tiết của ký ức - Bảo Ninh) sau khi lĩnh án tù vì làm việc cho Mỹ thì sống cuộc đời cô độc, biết vẫn còn con gái cũng không đủ can đảm gặp lại con; John Smith (Chú lùn thứ bảy - Lưu Sơn Minh) là kẻ trực tiếp thực hiện mệnh lệnh chiến tranh nhưng luôn hoang mang về lý do chiến đấu của mình, ám ảnh về sự man rợ của cuộc chiến, những mất mát và chấn thương của bạn bè... Đó còn là anh em Huỳnh và Phấn (Đất ấm - Đỗ Văn Nhâm), Thái (Giấc mơ ký ức - Phan Đức Nam), hắn (Hoài vọng - Văn Xương)... Những nhân vật này dẫn dắt độc giả đến với tư tưởng sâu sắc về chiến tranh: không phải ai ở hàng ngũ địch cũng hiếu chiến, khát máu, tàn ác. Dù ở chiến tuyến nào cũng là con người, cũng chịu tổn thương mất mát và bi kịch, nhiều khi không được phép lựa chọn. Ra khỏi chiến tranh, hầu hết họ sống trong cảm thức giằng xé, bất an - trạng thái tinh thần của con người còn có lương tri.
Bên cạnh đó, có cả nhân vật tự thú là người lính cách mạng. Đó là “người khách” - anh lính năm xưa trở về với sự “day dứt, luôn trách mình bạc tình bạc nghĩa”, tự nhận mình không phải là người cao thượng khi vì sự an toàn mà bỏ lại xác người yêu, người nuôi giấu mình, nhiều năm sau giải phóng mới quay lại vùng đồi cát này (Hồn cát - Nguyễn Hiệp). Còn Lực (Cỏ lau) quyết định “nói hết tất cả sự thật tôi là một con người của chiến tranh”, tự thú trước Phi Phi và đông đảo mọi người về cái chết của người yêu cô - cấp dưới của anh: “chỉ vì một cơn giận với người khác, lại một chút tư thù đầy nhỏ nhen với người lính mà tôi đã đưa người lính đi vào chỗ chết”. Người hoạ sĩ (Bức tranh - Nguyễn Minh Châu) tự thấy trong mình có cả “rồng phượng lẫn rắn rết”, ông Hoán (Người không đi qua hoàng cung - Chu Lai) mang theo sự áy náy trước cái chết của người lính bởi “suốt cuộc đời binh nghiệp, ông chưa bao giờ sai sót khi đứng trước kẻ thù nhưng lại để xảy ra lỡ lầm, lỡ lầm không thể tha thứ được với đồng đội”... Các nhân vật đều có chung đặc điểm là sự chiêm nghiệm về quá khứ, muốn “phơi bày” ra ánh sáng những bí mật xấu xa để hoá giải ám ảnh chiến tranh. Sám hối cũng là trạng thái nhân vật hướng đến “cởi trói” tâm hồn mình để sống đẹp hơn, cho thấy cảm thức này trở nên quan thiết hơn với con người trong và sau chiến tranh. Dù là ở chiến tuyến nào, hành động tự thú, sám hối sau những trải nghiệm trong và sau chiến tranh trở thành nhu cầu tự thân của con người khi biết soi mình vào quá khứ và cái thiện. Con người chỉ có thể tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn và cuộc đời khi dám đương đầu với cái ác và lỗi lầm trong quá khứ. Khác với những năm chiến tranh, chỉ trong truyện ngắn viết sau năm 1975 nhà văn mới tạo ra nhiều “quãng lặng” để người lính đối diện với chính bản thân mình nhiều hơn, bộc bạch, tự vấn về những điều còn - mất, đúng - sai, tự đối thoại và phản tỉnh.
Xây dựng nhân vật kiểu này cũng thể hiện sự nhạy cảm của nhà văn về trạng thái tâm lý đầy ám ảnh của con người trong và sau chiến tranh, dù đó là ai, đứng ở vị trí nào. Đó cũng là hướng biểu đạt con người với chiều sâu phức tạp, người lính với những “chấn thương” tinh thần và số phận. Đồng thời thể hiện cái nhìn thẳng thắn, khách quan và nhân văn về con người. Loại hình nhân vật tự ý thức xuất hiện nhiều trong văn học sau năm 1975 nói chung gắn với cảm hứng nghiền ngẫm, nhận thức lại hiện thực, tái hiện con người phức điệu.
b) Nhân vật người lính cô đơn
Bên cạnh và đối lập với kiểu nhân vật vượt lên trên nghịch cảnh là nhân vật không dung hoà được với cuộc sống sau chiến tranh, trở nên lạc lõng trước thời cuộc. Nếu trong tiểu thuyết, người lính thường được miêu tả trọn vẹn hành trình cuộc đời cả trong và sau chiến tranh thì ở truyện ngắn chỉ tập trung vào một thời điểm của cuộc đời nhân vật. Vì vậy, sau năm 1975, bên cạnh một số tác phẩm viết cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 là viết về người lính trong chiến tranh biên giới, còn lại phần lớn khai thác số phận người lính sau chiến tranh, không khí chiến trận được tái hiện qua những hồi ức về quá khứ. Trong khúc ca khải hoàn của dân tộc, người lính bỏ lại sau lưng chiến trường khói lửa để trở về với cuộc sống thường ngày. Mang theo những điều còn - mất, nhiều người rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng giữa cộng đồng và thời cuộc. Đó là tướng Thuấn (Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp) bị chiến tranh định hình nếp tư duy, ứng xử khiến ông không thể sống hoà hợp với cuộc sống kinh tế thị trường mà các con, anh em đang trong guồng quay tính toán bằng mọi cách kiếm chác lợi lộc, tiền bạc. Ông đã phải thốt lên: “Sao tôi cứ như lạc loài?”. Cái chết của ông ở phần kết truyện là hồi chuông cảnh báo về một bi kịch mới của người anh hùng bước ra khỏi chiến tranh. Còn nhân vật người lính tên Châu (Bóng ma đói quê hương - Vũ Bão) trở về quê sau hai mươi năm xa cách nhưng phải sống vật vờ như một bóng ma bởi xương cốt của anh đã được chi kinh phí tìm về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ, vợ được dựng nhà tình nghĩa, con được đi lao động nước ngoài, anh không thể làm đảo lộn cuộc sống của mọi người vì sự hiện diện của mình. Đó là bi kịch của một bộ phận không nhỏ người lính bước ra khỏi chiến tranh được thể hiện trong truyện ngắn nói riêng và văn học thời kỳ này nói chung.
Ở một cảnh ngộ khác, nhân vật Mộc (Trại “Bảy chú lùn” - Bảo Ninh) khi chiến tranh kết thúc, anh ngỡ ngàng, cô độc, không còn người thân, gia đình. Anh mất thăng bằng trước thời bình, không thích nghi với cuộc sống ngoài khu rừng già, đến năm 1982 anh vẫn đang ở giữa cánh rừng vắng lặng, cô quạnh. Lời hẹn ở lại rừng để người phụ nữ anh thầm yêu có thể quay lại đón đứa con anh nuôi hộ là sự ràng buộc quan trọng nhất của anh với người khác. Rơi vào trạng thái cô đơn đến bế tắc, người lính (Vết chim trời - Nguyễn Ngọc Tư) lại mang nỗi oan ức khi hết chiến tranh trở về bị mẹ dằn vặt vì cho rằng chính anh đã bắn em trai ở bên kia chiến tuyến. Anh sống cô đơn cùng tiếng khóc hờ bởi nỗi đau mất con của mẹ và đứa cháu mất cha.
Còn có thể gặp kiểu nhân vật này trong rất nhiều truyện ngắn khác như: Tuất (Hai người trong thành phố - Kiều Vượng), đại tá Trần Năng (Tình yêu một đời - Nguyễn Ngọc Chụ), Kim (Tiếng chuông trôi trên sông - Vũ Hồng), Minh (Với biển - Đặng Văn Nhưng), người lính (Ngày đẹp trời - Ma Văn Kháng)... Điểm chung của họ là cảm thức cô đơn, thậm chí có người trở nên lạc lõng giữa cuộc sống sau chiến tranh. Trước hoàn cảnh éo le ngày trở về, họ sống lặng lẽ một mình trong thời gian dài. Phần lớn trong số họ dồn nén mọi xúc cảm để sống, dần quen với lối sống trầm mặc, không toan tính thiệt hơn. Họ mang theo “chấn thương” sau chiến tranh, không tìm thấy sự tương thích với cuộc sống hậu chiến nên ngày càng cô đơn, lạc lõng. Một số nhân vật dường như rơi vào bi kịch “lạc thời” dù hoà bình vốn là lý tưởng để họ chiến đấu (tướng Thuấn, Mộc). Mô típ người lính cô đơn đã trở thành mẫu hình phổ biến trong văn xuôi sau năm 1975 nói chung, làm phong phú bức tranh chân dung người lính. Có thể gặp những nhân vật này trong tiểu thuyết như: Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh), Đông (Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng ), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai)... Họ là sự phản chiếu đời sống sau chiến tranh thấm đẫm chất hiện thực và nhân bản bởi những con người này có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trên dải đất của những cuộc chiến tranh vệ quốc này. Khép lại thời gian chiến đấu đầy nhiệt huyết vì cộng đồng, nhiều người lính trở nên trầm lặng khi bước vào cuộc sống thời bình với những tâm tư riêng, phải “sống chung” với vết thương hữu hình và vô hình.
Con người cô đơn, nhỏ bé cũng là mô típ phổ biến trong văn học thế giới từ xưa đến nay. Điều đó thể hiện cảm quan của nhà văn trước hiện thực nhiều biến động, vị thế của con người trước cuộc đời rộng lớn ẩn chứa những bất ổn. Không chỉ trong truyện ngắn về chiến tranh, nếu giai đoạn trước năm 1975 loại nhân vật này hầu như không xuất hiện thì sau năm 1975 đánh dấu sự xuất hiện đa dạng và ám ảnh của kiểu nhân vật này trên mọi đề tài và thể loại. Đó không phải là vấn đề của một cá nhân mà là một hiện trạng của đất nước sau chiến tranh. Trạng thái cô đơn hiện diện với nhiều cung bậc, số phận khác nhau trên cơ sở trạng thái tâm lý bất an, không tìm được sự đồng điệu với xã hội và người khác. Nhân vật người lính cô đơn còn là một “sự lựa chọn có ý thức”, “giá trị của nhân cách”, là sự phản ứng trước thời cuộc. Qua đó cũng là sự cảnh báo về xã hội đương đại: “Mỗi con người là một mảnh vỡ, một thế giới khép kín, bất lực và cô đơn trong thế giới lớn đang lụi tàn, hỗn độn và phức tạp”13. Đằng sau chiến tranh là những mảnh đời cô đơn bị “phạt ngang” chia thành hai nửa không thể hàn gắn. Cùng với cảm thức về con người cô đơn, người lính được phác thảo với tổn thương, “lệch pha” trước thời cuộc, chọn cách sống âm thầm với những hồi ức còn ở các đề tài khác, nhân vật thường cô đơn trong kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống hiện đại và rơi vào bế tắc, tuyệt vọng.
c) Nhân vật tha hóa
Trong giai đoạn trước, do đặc thù thời chiến, loại nhân vật này hiếm khi xuất hiện. Tuy nhiên, trong văn học sau năm 1975, cùng với đổi mới tư duy và nhu cầu “nói thật”, vấn đề con người bị tha hóa được đề cập rộng khắp trên mọi thể loại trong đó có truyện ngắn. Đặc biệt, khi hiện thực dần dịch chuyển từ thời chiến sang hòa bình, bản lĩnh sống của con người đứng trước nhiều thách thức. Nhân vật tha hóa được miêu tả qua tái hiện quãng thời gian trong quá khứ chiến tranh và khi những con người bước ra từ chiến tranh, nay đối diện với những mưu cầu đời thường.
Chiến tranh không chỉ là nơi khẳng định của những anh hùng mà còn là nơi phân biệt những kẻ hèn nhát, phản bội, nhỏ nhen, như nhận định của Nguyễn Minh Châu thì “chiến tranh làm cho người ta hư đi hơn là làm cho người ta tốt hơn”. Khi bước ra khỏi cuộc chiến, nhiều người đã cố tình quên quá khứ với nghĩa tình đồng đội, vô ơn bạc nghĩa, ích kỷ và ngụy biện. Trong truyện ngắn về chiến tranh, sự biến chất, tha hoá này là vấn đề được khai thác như một vấn nạn cần phê phán và cảnh giác.
Nhân vật Quang (Cơn giông - Nguyễn Minh Châu) cơ hội, trục lợi và cá nhân, khi chịu thử thách của những gian khổ, sẵn sàng uốn mình như con sâu chạy sang hàng ngũ địch, “sự phản bội của hắn đã nằm ngay trong tính cách của hắn… Hắn cũng có thể là một con người tốt, thậm chí một nhà cách mạng kiên định nếu cách mạng thoả mãn được những thèm khát của hắn, nếu cách mạng đang trong bước thuận lợi, thuận buồm xuôi gió, nếu cách mạng là một ngày hội”. Còn nhân vật Lê Mãnh (Nanh sấu - Sương Nguyệt Minh) từng là một người lính kiên cường lập nhiều chiến công, sẵn sàng dầm mình xuống lòng sông để đánh giặc. Tuy nhiên, trong cuộc sống thời bình ông trở thành một đạo diễn sa đọa, đàng điếm, quên quá khứ hào hùng và rời xa người thân. Ông ta quan hệ với những cô gái đáng tuổi con mình và dùng cả những kỷ vật thiêng liêng thời chiến trận để giải nguy trong những cuộc mây mưa.
Sự thoái hoá nhân cách của nhân vật Sơn (Khoảnh khắc - Phạm Ngọc Tiến) tiêu biểu cho hiện tượng không vượt qua được những tham vọng cá nhân trong cuộc sống mưu sinh thời bình. Trong chiến tranh, anh sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình giải cứu đồng đội nhưng rời quân ngũ thì kiếm tiền bằng mọi giá rồi bị đi tù và sau này trở thành ông chủ của xã hội đen, chấp nhận cuộc sống hằng ngày chứng kiến sự thù hận và chém giết.
Kiểu nhân vật dễ bị biến chất này xuất hiện trong nhiều truyện khác như Xuân (Chuyện lạ trong ngôi mộ - Bùi Thanh Minh) từ một chiến sĩ say mê lý tưởng trở thành kẻ gian trá, trục lợi sau khi rời chiến trường Campuchia. Long (Thời gian - Cao Duy Thảo) là người lính trung thành trong mắt gia đình và đồng đội nhưng vào thời khắc có thể, đã trở thành người phía “bên kia”. Ngải (Xuân vọng - Phạm Ngọc Tiến) sau giải phóng về làm giám đốc công ty rồi bị cách chức sang làm nhiều nghề khác; Hanh (Âm thanh của ký ức - Doãn Dũng) tự làm mình bị thương bởi bộ xương hàm chó để được chế độ nghỉ chữa bệnh trong những ngày chiến tranh khốc liệt ở điểm cao biên giới...
Người anh hùng, người lính dưới góc nhìn của nhà văn trở nên chân thực, sinh động hơn, bởi nó gần với đặc tính cố hữu của con người, không phải là một chiều thánh thiện. Sau chiến thắng lịch sử là biết bao chuyện mặt trái đến đau lòng. Trước kia, sự thật nghiệt ngã đọng trong lòng người còn lịch sử là những áng văn trang trọng, sạch sẽ nhưng bây giờ điều đó đã có những góc nhìn mới. Chiến tranh được nhìn nhận là môi trường bộc lộ bản năng của con người, cũng là nơi sàng lọc, phân biệt phẩm chất anh hùng và sự biến chất, thói xấu của những con người. Những người lính say mê lý tưởng thời chiến tranh giờ được miêu tả không né tránh với cả những khoảnh khắc đớn hèn hoặc thay đổi một cách nhanh chóng trước cuộc sống hỗn tạp, xô bồ, không giữ được mình trước những cám dỗ, mưu cầu mới. Con người tha hoá cũng là vấn đề có tính biện chứng khi đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với hoàn cảnh. Nhà văn Khuất Quang Thụy đã triết lý: “Dù trong chiến tranh hay hoà bình, cái giá của nhân cách và lòng dũng cảm cũng đòi hỏi ở mỗi người một sự hy sinh cao cả”14. Và thực tế, không phải ai cũng giữ được bản lĩnh và sự kiên định trong khi hoà bình lại gợi mở nhiều ước muốn cho cá nhân, điều mà giai đoạn trước người ta phải tạm thời đặt sang một bên.
Cùng với việc xoáy sâu vào những nỗi đau, sự thiệt thòi, hy sinh của người lính, nhà văn sau năm 1975 nghiêm khắc cảnh tỉnh, phê phán những sự tha hóa, xuống cấp về nhân cách của con người trong và sau chiến tranh. Lý giải nguyên nhân của sự tha hoá, phơi bày những góc khuất trong tâm hồn con người và cuộc chiến được nhà văn coi là một trách nhiệm, sự đòi hỏi của ngòi bút trung thực là nguyên nhân ra đời của mẫu hình nhân vật này.
Xét trên tổng thể, hình tượng người lính trong và sau chiến tranh được khắc họa đa chiều. Đó là đặc điểm của truyện ngắn viết về chiến tranh và có nét tương đồng với tiểu thuyết chiến tranh đương đại, thể hiện nét mới trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Việc khu biệt thành các loại hình nhân vật trên đây có thể chưa bao chứa hết mọi nhân vật người lính nhưng cũng cho thấy thế giới nhân vật này ngày càng phong phú, đầy đủ. Qua đó có thể hình dung về người lính một cách sinh động và đời thường hơn. Mỗi kiểu nhân vật góp phần vào nỗ lực của truyện ngắn chuyên chở những thông điệp nhân văn sâu sắc về con người trong cuộc kháng chiến hào hùng và bi tráng của dân tộc.
2. Nhân vật người phụ nữ
Từ xưa, trong văn học dân gian, trung đại Việt Nam, người phụ nữ thường được xây dựng với vẻ đẹp tính nết, tâm hồn nhưng còn chịu nhiều truân chuyên, không tự định đoạt được cuộc đời mình, phải đấu tranh, oán thán trước những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Văn học hiện đại tiếp tục phản chiếu số phận người phụ nữ từng bước tự chủ, tham gia công cuộc kháng chiến. Trong văn học về chiến tranh, nhân vật phụ nữ được dành một sự quan tâm và vị trí đặc biệt. Bởi họ là hậu phương, cội nguồn, động lực, tình thương yêu của những người lính. Họ cũng trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng và chịu ảnh hưởng nặng nề khi chiến tranh đi qua. Nói như nhà văn Xôviết Boris Vasilyev: “Những cuộc chiến tranh có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt những người vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị thương”. Trải qua ba mươi năm kháng chiến trong thế kỷ XX và tiếp tục thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới, tư tưởng này càng trở nên thấm thía. Đặc biệt, với phụ nữ Việt Nam mang trong mình nếp sống Á Đông và theo truyền thống ngàn đời của dân tộc - giàu tình cảm, giàu đức hy sinh, thuỷ chung son sắt... Sau năm 1975 còn xuất hiện nhân vật phụ nữ Campuchia trong tác phẩm viết về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam với những phẩm chất tốt đẹp và cả sự tha hóa, bi kịch. Họ thường được khắc họa trong mối liên hệ đầy ân tình với người lính Việt Nam chiến đấu trên đất bạn. Nhìn chung, trong truyện ngắn Việt Nam đương đại, hình tượng người phụ nữ chiếm vị trí trung tâm, được nhiều tác giả lựa chọn ký thác tư tưởng về chiến tranh. Điều dễ nhận thấy là, các kiểu nhân vật này phong phú, mang diện mạo mới so với mẫu hình phụ nữ thời chiến.
Trong văn học trước năm 1975, nhân vật phụ nữ xuất hiện với hình dung khác. Họ là những người mẹ, người vợ, người yêu làm hậu phương vững chắc cho chồng con ra trận, họ cũng là những người tham gia cách mạng ở địa phương, đảm đang việc gia đình. Họ là con người của phong trào “thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”, để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, theo mẫu hình “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những người mẹ có chồng con ra trận là niềm tự hào, điều tất yếu. Các cô gái tiễn chồng hoặc người yêu ra trận, tham gia thanh niên xung phong với niềm lạc quan phơi phới, coi nhẹ gian khổ hy sinh. Những khó khăn, mất mát nếu có cũng trở thành cội nguồn nghị lực sống của họ. Đó là những người như má Bảy (Gia đình má Bảy - Phan Tứ), chị Nhặt (Vợ chồng xã đội - Lê Khánh), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi), chị Sứ (Hòn đất - Anh Đức)... Ở bối cảnh mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nhân vật phụ nữ cũng như mọi công dân của quốc gia bị xâm lược, đặt việc nước lên hàng đầu, hướng đến ngày giải phóng. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, họ rơi vào nhiều cảnh huống éo le, thương tổn, dở dang...
a) Nhân vật phụ nữ thuỷ chung chờ đợi
Từ trong văn học dân gian của nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, câu chuyện về hòn Vọng Phu được lưu truyền trở thành biểu tượng của người phụ nữ thuỷ chung chờ chồng bất chấp thời gian. Lịch sử của nước ta gắn với thời gian dài kháng chiến chống ngoại xâm. Trong bối cảnh ấy, biết bao thanh niên ra trận, dấn thân vào nguy hiểm, khổ cực. Vì vậy mà suốt chiều dài đất nước, ở đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người vợ bất hạnh đứng trông chồng, trở thành những “hòn Vọng Phu” từ thuở xa xưa đến thời hiện đại. Mô típ nhân vật phụ nữ thuỷ chung chờ đợi xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn về chiến tranh từ sau năm 1975. Nếu trong văn học kháng chiến, họ đợi chờ chồng trong hẹn ước đến ngày chiến thắng, lấy đó làm động lực để gắng sức ở hậu phương và tiền tuyến. Khi đó, cảm xúc, tình cảm cá nhân trong đợi chờ không được đề cập nhiều bởi chiến tranh ngày càng khốc liệt và kéo dài mới là mối bận tâm trước hết, “nước mất, nhà tan”. Hình tượng người phụ nữ hậu chiến được khai thác với những ám ảnh qua mô típ “góa phụ”. Chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ biên cương kết thúc nhưng cuộc chiến trong mỗi số phận vẫn đang tiếp diễn. Chiến tranh có thể cuốn những anh chồng hoặc người yêu đi không hẹn ngày trở về nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn lặng lẽ đợi chờ với vọng loé lên, vụt tắt rồi lại âm ỷ nhen nhóm. Mặc dù hoà bình đã lâu, họ cũng đã qua thời thanh xuân, có người vẫn nuôi hy vọng và cũng có người đã thôi không hy vọng. Điểm chung của họ là chờ đợi thời gian quá dài, thậm chí hơn nửa đời người, họ vẫn luôn giữ mối chung tình với người đi xa dù có thể còn chưa một lời thề nguyền hẹn ước. Qua những bức chân dung ấy, người đọc có thể cảm nhận: có lẽ ở đất nước này, nhiều người phụ nữ được trời phú cho đức tính thuỷ chung vô hạn và niềm hy vọng bất tận để họ có thể đợi chờ. Đó là Ân và Mật trong Hai người đàn bà xóm Trại trong Nguyễn Quang Thiều, đợi chồng từ lúc ngoài hai mươi tuổi đến khi trở thành hai bà lão. Dù chồng đã có giấy báo tử về nhưng họ vẫn giữ thói quen chờ đợi, hy vọng đến tết, nhỡ đâu họ về. Đất nước đi qua chiến tranh đã để lại biết bao nhiêu người phụ nữ sống trong chờ đợi như vậy. Họ trở thành mẫu hình nhân vật gợi nhiều chua xót và kỳ lạ về sức chịu đựng và tình cảm của con người. Đó còn là Hai Mật (Trên mái nhà người phụ nữ - Dạ Ngân), những người lính xuất hiện trong đời chị và ra đi vĩnh viễn như một quy luật tàn khốc của chiến tranh. Hai mươi năm đợi chờ, hy vọng, chị vẫn là con gái, vẫn lẻ bóng khi đứa con nuôi đã là thiếu nữ và hiểu trong đôi mắt mở hằng đêm nhìn lên mái nhà của má “chiến tranh chưa hề nguội lạnh”. Có thể nhận thấy nhiều nhân vật phụ nữ kiểu này trong truyện ngắn đương đại như chị Tuân (Những giấc mơ có thực - Vũ Thị Hồng) thậm chí còn đợi chờ và khi có chút hy vọng cũng đi tìm người chiến sĩ chị thầm thương mến mà cả hai chưa kịp ngỏ lời. Và rất nhiều nhân vật khác như Hiên (Dòng sông trinh nữ - Sương Nguyệt Minh), My (Hoa gạo tháng 3 - Trần Thanh Cảnh), cô gái ở làng chiến khu (Giếng trong - Lê Tuấn Hiển), Xoan (Tình yêu một đời - Nguyễn Ngọc Chụ)... đều dành gần trọn cuộc đời để đợi chờ người mình thương mến và hầu hết là kết thúc không có hậu.
Họ tạo thành hệ thống nhân vật “Vọng Phu” nhiều dáng vẻ, điển hình cho nhân cách, phẩm chất, cách ứng phó với cuộc sống sau chiến tranh của không ít phụ nữ Việt Nam. Kiểu nhân vật đợi chờ này không chỉ là biểu tượng của lòng thuỷ chung, kiên nhẫn mà còn là tiếng nói về hậu quả chiến tranh để lại với những con người nặng tình và sự khắc nghiệt của thời gian. Nhà văn thể hiện cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia về người phụ nữ Việt Nam đi qua chiến tranh, tô đậm bản sắc riêng của người phụ nữ Á Đông với những đặc trưng tính cách truyền thống và môi trường văn hoá.
b) Nhân vật phụ nữ với bi kịch chiến tranh
Khởi nguồn từ sự thay đổi cảm hứng sáng tạo như đã trình bày ở chương trước, cảm hứng bi kịch trở thành một trong những dòng mạch nổi bật trong văn học Việt Nam sau năm 1975. Bên cạnh những mâu thuẫn, cảnh huống trớ trêu do cuộc sống hiện đại, thời hậu chiến với nhiều phức tạp, bất cập là tiền đề xuất hiện cảm hứng này.
Truyện ngắn sau năm 1975 về chiến tranh đã khắc họa hình tượng những người phụ nữ từ góc độ đời tư, bi kịch cá nhân. Bởi đầu tiên, họ là nạn nhân chiến tranh cần được quan tâm khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc còn tiếp diễn hơn một thập kỷ và cuộc kháng chiến giải phóng vừa kết thúc. Tiếp cận con người ở từng số phận cá nhân, nhân vật phụ nữ hiện lên với bi kịch mất con, trở thành người đàn bà goá bụa hoặc chịu thương tật di chứng chiến tranh, không được làm mẹ... Viết về họ, dường như rất ít bom đạn, chiến trường, trận đánh... mà là những nỗi đau âm thầm, dữ dội qua nhiều năm tháng. Bi kịch của họ cũng là bi kịch chung của con người đi qua chiến tranh.
Nhiều nhân vật người mẹ xuất hiện trong truyện ngắn thời kỳ này với nỗi đau không gì khỏa lấp khi mất đi những đứa con. Họ tiễn con đi dù biết có thể không có ngày trở về nhưng thật khó khăn khi phải đối diện với sự thật đó. Không chỉ phải chịu đựng nỗi đau mất đi một phần máu thịt mà họ còn đau đáu tìm được hài cốt con về rồi bao nhiêu xúc cảm đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Nhân vật người bà (Nắng chiều - Thụy Anh) đã 80 tuổi, kiệt sức sau nhiều năm hỏi han tin tức cậu Bình, vẫn phấn chấn như hồi sinh khi tìm được người tổ chức đoàn đi tìm mộ con vào Quảng Ngãi rồi khi biết ngôi mộ đã có người chuyển ra Huế thì lại tiếp tục lần theo. Bà gặp một bà mẹ liệt sĩ khác và được đề nghị coi là con chung, không làm động đến mồ mả nữa. Chỉ có chiến tranh mới gây ra tình cảnh trớ trêu mà xúc động đến vậy. Ở đâu trên khắp Tổ quốc này đều có những người mẹ hiến dâng con mình và họ sẻ chia, đồng cảm cho người cùng cảnh ngộ với mình. Cũng rơi vào hoàn cảnh ấy là bà cụ Ngự - mẹ Lộc, đổ bệnh đã lâu mà hài cốt con vẫn chưa được quy tập dù đã mấy chục năm sau chiến tranh (Đất ấm - Đỗ Văn Nhâm). Có lẽ may mắn hơn, nhân vật bà cụ Lăng (Bến trần gian - Lưu Sơn Minh) được gặp lại con mình khi hồn ma anh trở về, trò chuyện với con và giấu nỗi thương nhớ để cho con đi thanh thản, không luấn quấn trần gian nữa. Bà thường khóc thầm khi nhớ con trong cảnh sống đơn độc nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ. Đó còn là người mẹ mà niềm tin mạnh hơn cả cái chết, không bao giờ vơi cạn dù mòn mỏi chờ con, tự dối lòng mình (Bà Thỏn - Trần Thanh Hà). Đặc biệt hơn, có người mẹ bày đồ cúng con trên máy bay trên vùng trời con mình là chiến sĩ phi công hy sinh gần ba mươi năm trước (Mây trắng còn bay - Bảo Ninh). Lặng lẽ âm thầm là người mẹ gần năm mươi tuổi đã mù lòa - người dì của Tư (Hữu khuynh - Bảo Ninh), phải sống nương nhờ vào cháu vì hai đứa con là những tên lính ngụy sát nhân khét tiếng đã chết trẻ. Và một người mẹ khác đau đáu tìm tung tích của con đến chết vì sự ra đi của nó còn có những lời đồn đoán không minh bạch (Thời gian - Cao Duy Thảo). Đó còn là người mẹ “như hóa dại”, “ngửa cổ thét lên một tiếng khóc dài” khi hai người con lần lượt hy sinh ở chiến trường biên giới phía Bắc (Chuyện Nguyên Phong - Doãn Dũng). Người Việt Nam vốn duy tình và tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đến mức người mẹ có thể hy sinh bản thân mình như câu tục ngữ “cá chuối đắm đuối vì con”. Vì vậy, có thể lý giải được tình cảnh người mẹ sức tàn lực kiệt vẫn bận lòng vì đứa con đã hy sinh dù chiến tranh tưởng chừng đã kết thúc.
Bên cạnh những người mẹ mất con là những người vợ tiễn chồng ra trận. Họ phải mang gánh nặng lo âu mất đi một nửa gia đình, đứt gánh giữa đường để sống trong đợi chờ. Bởi truyền thống và nếp nghĩ của phụ nữ Việt Nam giàu lòng thuỷ chung, đức hy sinh và niềm hy vọng vô bờ nên đa số nhân vật phụ nữ khi chồng thành liệt sĩ thì họ sống một mình nuôi con hoặc cô quạnh. Đó là nhân vật mẹ của tôi (Chuyện xưa kết đi, được chưa? - Bảo Ninh) ở vậy nuôi dạy ba con trưởng thành và được sự giúp đỡ của đồng đội chồng. Bà sống với sự khắc cốt ghi tâm tình nghĩa đó và dường như không còn nghĩ đến tình cảm riêng tư của bản thân mình. Còn người mẹ trẻ và đứa con gái - “hai cái bóng chơ vơ” đi thăm mộ chồng là liệt sĩ trong Thanh minh trời trong sáng của Ma Văn Kháng là cảnh ngộ của bao phụ nữ Việt Nam thời kỳ đó. Chồng tranh thủ đi phép ra Bắc cưới vợ rồi hy sinh sau đó không lâu, người vợ tần tảo nuôi con và tìm hài cốt chồng. Còn có thể gặp nhiều nhân vật phụ nữ mất chồng bởi chiến tranh như người em (Đi thăm chồng - Dạ Ngân) và rất nhiều phụ nữ trong Người sau cùng trở về làng Vọc (Hoàng Phương Nhâm). Họ mòn mỏi đợi người thân dù biết chắc không trở về nữa: “Họ giấu nước mắt trong vạt áo bạc, cất tuổi thanh xuân trong vóc dáng hao gầy, trong mái tóc ngày một mỏng đi và họ gọi những sợi tóc trắng trên đầu là tóc sâu”.
Một cảnh ngộ trớ trêu và bi kịch khác của người phụ nữ sau chiến tranh là dù chồng họ có trở về cũng mang thương tích nặng hoặc không thể có những đứa con lành lặn. Mong ước giản đơn trong cuộc sống là có một gia đình đủ đầy bình thường cũng là điều ngoài tầm với của họ. Nhân vật Sao (Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh) là số phận đầy cám cảnh của cô gái lấy chồng xong chưa kịp quen hơi chồng đã đi xa, ngày sum họp lại bắt đầu chuỗi thời gian đầy tuyệt vọng khi sinh ra những thứ không mang hình hài con người. Bi kịch hơn là phải lấy vợ khác cho chồng rồi cũng không thoát ra khỏi sự đeo đẳng của chất độc chiến tranh. Hoà bình cũng ẩn chứa biết bao sóng ngầm, người phụ nữ ở đây chênh vênh trên bến tình người. Cũng rơi vào cảnh tương tự là nhân vật tôi (Người đàn bà sau chiến tranh - Từ Nguyên Tĩnh) bị giày vò khi nghĩ đến có một đứa con với Dũng và phải chia tay Phúc (cô yêu cả hai người hồi chiến tranh nhưng lấy Phúc vì được tin Dũng hy sinh). Sau chiến tranh đã 10 năm không có con vì chồng bị ảnh hưởng từ sóng điện từ và bảo vợ đi kiếm con và thấm thía “chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng những cuộc chiến tranh còn găm lại mãi trong lòng người”. Và cô khát khao rất đời thường, chỉ là một người đàn bà sau chiến tranh. Câu hỏi: “chẳng lẽ tôi không có quyền làm mẹ, sinh nở cho mình một đứa con, dẫu chúng hư hỏng cũng được, đằng nào tôi cũng biết mình là mẹ” như tiếng nói thống thiết về thiên chức của người phụ nữ bị chiến tranh đặt vào tình cảnh bất hạnh. Còn nhân vật “chị” (Bến đàn bà - Nguyễn Mạnh Hùng) trong mơ thường gặp hai ấu hồn con chị với câu hỏi mà chị không thể trả lời: “Sao chúng con lại không có hình hài con người hả mẹ?”. Và còn nhiều người phụ nữ khác gắn bó phần đời còn lại với người chồng thương tật nặng nề như nhân vật Thắm (Những bóng người trên đất - Trịnh Sơn), hết chiến tranh người chồng theo ngụy biền biệt không về, chị gá nghĩa với anh trai chồng là thương binh. Nhân vật người thương binh (Những giấc mơ có thực - Vũ Thị Hồng) bị thương nặng, tàn tật, không báo tin về nhà mà định sống hết đời trong trại an dưỡng nhưng người vợ biết và lặn lội tìm anh về đoàn tụ.
Mỗi người mỗi cảnh ngộ, nhân vật phụ nữ đối diện với bi kịch trong chiến tranh xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn. Nhân vật Chăn Tha trong truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai bị mất hết người thân bởi cuộc chiến đấu với quân phản động Pôn Pốt, sống trong nghịch cảnh, thiệt thòi, không hạnh phúc dù chiến tranh kết thúc. Người mẹ trong Sự sống còn lại (Trung Trung Đỉnh) sắp sinh nhưng muốn tự tử vì biết người thân sẽ bị quân Pôn Pốt giết và cuối cùng chính chị cũng bị bọn chúng sát hại sau khi sinh con. Thím Hoóng - người mẹ gốc Hoa trong truyện cùng tên của Ma Văn Kháng sống và chết trong bất hạnh bởi đứa con gái duy nhất làm việc ác, phản lại người dân Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Điểm chung của họ là bị chiến tranh đem đến những trái ngang, cướp đi người thân hoặc trả họ trở về không còn lành lặn, không thể hoặc ít khả năng có một gia đình đầy đủ với những đứa con. Lắng lại sau mỗi câu chuyện là nỗi đau, phần khuyết thiếu không thể bù đắp trong số phận của họ sau chiến tranh. Nhân vật được tô đậm ở đức tính hy sinh, tình cảm sâu nặng, nghị lực kiên cường và cả sự yếu đuối vốn dĩ của giới nữ.
Ở một khía cạnh khác, bi kịch của người phụ nữ sau chiến tranh còn là sự dang dở tình duyên, không có một tổ ấm cho riêng mình. Trong quan niệm của người Việt Nam, theo lẽ thông thường thì “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. Tuy nhiên chiến tranh đã thay đổi, xáo trộn từ những điều bình thường nhất ấy. Lớp lớp thanh niên tình nguyện xung phong ra chiến trường, hiến dâng tuổi xuân, xương máu và cả tính mạng của mình. Họ đi mang theo bao lời hẹn thề và cũng có người như trang giấy trắng chưa kịp viết lời yêu.
Sau khi cơn bão chiến tranh tràn qua, nhiều cuộc đời trở thành dang dở nhưng có lẽ khắc khoải nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chơi vơi, vô định trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tuổi trẻ, nhan sắc, sức sống đã hao mòn bởi thời gian và chiến tranh cùng với nếp sống tình cảm, sự chi phối của dư luận cộng đồng khiến họ gặp nhiều trắc trở tình duyên và nhiều người thậm chí sống đơn độc phần đời còn lại. Có thể kể đến Túc (Xưa kia chị đẹp nhất làng - Tạ Duy Anh) chờ đợi người yêu nhưng sau ngày giải phóng không ai về tìm, chị đã ba lăm tuổi. Chị đi tìm thư anh trên bưu điện hàng tháng, đến mười tám trại thương binh tìm không có. Người lính mang theo tình yêu tuổi trẻ của chị đã ngã xuống, kiếm tìm tới khi không còn hy vọng nữa thì chấp nhận thực tại. Chị định sống nương tựa vào anh thương binh tình cờ gặp nhưng chẳng bao lâu anh cũng ra đi vì vết thương tái phát nên đành trở về làng với đứa con trong bụng và sống câm lặng.
Đó còn là nhân vật Mây (Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh), cô y tá trở về với thương tật, người yêu đi lấy vợ. Cô lặng lẽ sống cùng cha già bên bến sông, tự trọng và hết lòng vì người thân cũng như bệnh nhân nhưng việc đến với ai để xây dựng thì còn nhiều mặc cảm. Chị H’Noanh (H’Noanh, chị tôi - Trung Trung Đỉnh) để lại thời thanh niên khoẻ mạnh, tươi vui, quen - thương - chia tay hàng ngàn chiến sĩ nhưng hoà bình, chị sống đơn độc và trầm lặng đến già. Là chị Mua (Người thọ nạn - Hoàng Đình Quảng), hết chiến tranh sống lẻ loi ở ven làng, người yêu về không cưới vì chị có giao du với tù binh ngụy (vài lần có hành động cảm ơn người tù binh cứu mình)... Những nhân vật này mang theo sự hụt hẫng, dang dở, mất phương hướng trong việc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc sau chiến tranh. Dường như có chung một lý do khách quan khiến họ rơi vào tình cảnh thích nghi với cuộc sống thiếu vắng người đàn ông và hầu như không còn hy vọng về tương lai. Cuộc đời nhân vật thường được đặc tả ở thời điểm hiện tại, khi nỗi cô đơn đã theo họ bước sang tuổi xế chiều. Họ góp thêm tiếng nói phản đối sự phi nhân tính của chiến tranh khi chia cắt những tình cảm thiêng liêng của con người. Đây cũng là một loại bi kịch của con người sau chiến tranh. Những nhân vật phụ nữ với những bi kịch sau chiến tranh cũng xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết chiến tranh. Đó là Thu (Nước mắt đỏ - Trần Huy Quang), hết chiến tranh nhưng không có cơ hội được làm vợ làm mẹ vì chất độc da cam; Quy (Chim én bay - Nguyễn Trí Huân) bị ám ảnh bởi những ký ức chiến tranh, bị mất khả năng làm mẹ và cuối cùng chết trong đơn độc; chiến tranh đi qua đã cướp đi của Phương - người yêu của Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh) niềm tin, tình yêu và hạnh phúc... Miêu tả người phụ nữ với nhiều bi kịch cũng thể hiện cái nhìn khách quan, tiếp cận đề tài qua số phận cá nhân của nhà văn sau giải phóng. Mỗi tác phẩm khép lại mang theo dư âm đượm buồn đầy khắc khoải về người phụ nữ.
Con người sau chiến tranh với thương tật về thể chất, mang theo khuyết thiếu, vết thương tâm hồn, tình cảm là một vấn đề cần quan tâm gắn với tinh thần nhân văn, nhân bản của văn học nói chung và truyện ngắn về chiến tranh nói riêng.
c) Nhân vật phụ nữ bị chiến tranh xô đẩy thành người không đoan chính
Trong cách tiếp cận ở cảm hứng bi kịch của truyện ngắn về chiến tranh sau năm 1975, người phụ nữ bị vòng xoáy của cuộc chiến tranh kéo dài đẩy vào tình cảnh éo le, biến họ trở thành người bội bạc, sa ngã, chung chạ với nhiều người. Kiểu nhân vật này không có trong văn học giai đoạn trước, đối lập với nhân vật phụ nữ thủy chung chờ đợi kể trên.
Tuy nhiên, cái nhìn trong truyện ngắn thời kỳ này với họ thường là bao dung bởi họ cũng là nạn nhân của chiến tranh, nhiều khi do hoàn cảnh, ai cũng có những khát khao rất đỗi thường tình của con người. Đó là nhân vật vợ Quang (Rửa tay gác kiếm - Bảo Ninh) bỏ chồng đi theo tiếng gọi tình yêu, không đợi được đến ngày anh trở về. Người chồng phản ứng bình tĩnh bao dung vì anh cưới bảy ngày đã đi B, để vợ đợi chờ gần một thập kỷ và nhà gần bến sông đông đúc người qua kẻ lại đã khiến người phụ nữ ngã lòng trong lúc cô đơn. Trong chiến tranh, không phải người phụ nữ nào cũng giữ được mình, đặc biệt giữa thiếu thốn, sự sống và cái chết gần nhau gang tấc. Có khi người phụ nữ không làm chủ được tình thế và trở thành người phản bội như Thoải (Thím Thoải - Hạnh Lê) trong lần đi dự đại hội trên Hà Nội đã ngã vào tay ông trưởng đoàn, cô không được chồng tha thứ. Đó là Lệ (Một quãng đời và cả cuộc đời - Phạm Duy Tương) lỡ phản bội chồng trong những năm dài chờ đợi. Sau khi ly hôn, người lính chồng cô đã tha thứ và chấp nhận cô. Cảnh ngộ tương tự là vợ Trung (Chuyện ở Pai-lin - Dạ Ngân) lăng nhăng với nhiều người trong thời gian chồng tiếp tục đi chiến trường K nhưng cuối cùng anh vẫn độ lượng... Gắn với cảm hứng nhân bản là nhu cầu nói lên những khát vọng bản năng, mưu cầu chính đáng của con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Họ sai lầm nhưng đầu tiên đáng được người chồng thấu hiểu bởi chiến tranh là tác nhân khắc nghiệt xô dạt những người phụ nữ cô đơn, yếu đuối. Đó còn là những cô gái chưa chồng như Diệu Nương (Gió dại - Bảo Ninh), cô ca sĩ Sài Gòn bị chiến sự cầm giữ trong vùng giải phóng. Những người lính dấm dúi tìm tới cô để thoả mãn, họ không thấy cô chỉ là một người đàn bà trong chiến tranh mà còn là một người đàn bà khao khát tình yêu, tự do thoát khỏi sự cầm giữ, hòa bình. Rơi vào cảnh ngộ tương tự, Diễm Thuý (Đỉnh khói - Nguyễn Thị Kim Hòa) đau đáu mong gặp lại mẹ và em mà làm việc cho bar rượu Ánh Sao, vì ở đó có cửa sổ luôn mở để nhìn thấy nơi mình bị bỏ lại. Cô trở thành người mua vui cho các hạng khách từ sang trọng đến bình thường, bị giày vò và trải qua những ngày náo loạn trước khi chiến tranh kết thúc nhưng vẫn kiên định bám trụ mảnh đất mình bị bỏ rơi, hy vọng ngày đoàn tụ. Đó còn là Trửng và các cô gái ở Xóm sở Mỹ của Thu Trân, sống nhờ công việc dọn dẹp và phục vụ khách ở sở Mỹ, bị mọi người khinh ghét. Chiến tranh kết thúc họ lo không biết sẽ sống ra sao. Chỉ có Trửng may mắn được sang Mỹ cùng Smith. Khi đó còn định kiến khá nặng nề với những người như họ nhưng họ vẫn phải tồn tại, thích nghi với hoàn cảnh và phần lớn chịu thiệt thòi, miệt thị.
Mỗi nhân vật một cảnh ngộ, họ đã bước vào những ngã rẽ hoặc dấn thân vào con đường không mong muốn. Về mặt nào đó, họ là những người đáng thương bởi bị thời cuộc, hoàn cảnh tạo ra những éo le. Họ cũng là những nạn nhân của chiến tranh, nhiều khi cả thời gian dài phải sống kìm nén, không còn được sống với bản tính thiên phú. Viết về người phụ nữ, Trần Huy Quang từng triết lý: “Chiến tranh - người ta đo tính ác liệt của nó bằng bao nhiêu bom đạn đổ xuống, bao nhiêu tỉ đô la bỏ ra, bao nhiêu lít máu đổ xuống, bao nhiêu thời gian. Hết tiếng súng - người ta gọi cuộc chiến tranh đã kết thúc. Nhưng đừng, hãy nhìn lại. Khi không còn tiếng súng nữa, đâu phải đã hết sự ác liệt của chiến tranh. Không ai tính số lượng, khối lượng nhan sắc, tinh hoa của các cô gái, của con người bị mài mòn trong chiến tranh ư?”15. Soi chiếu qua thân phận người phụ nữ, truyện ngắn sau năm 1975 hướng đến tận cùng khát vọng bản năng thầm kín, những vấp ngã đời thường. Họ hiện lên gần gũi với nhiều cung bậc tình cảm, số phận, và cũng thể hiện cái nhìn chiến tranh ở giác độ khác, sự mất mát không đo đếm được. Bên cạnh đó, nhân vật vẫn toát lên đặc trưng nếp nghĩ, phẩm chất của người phụ nữ Á Đông vừa có nét truyền thống vừa mạnh mẽ, dám sống hơn. Nhân vật, vì thế cũng được khai thác chiều sâu đời sống nội tâm, tính cách với những nét vẽ phức tạp chứ không còn thuần nhất như trong truyện ngắn giai đoạn trước. Nói như nhà văn Alexievich: “chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, đàn ông vốn sinh ra để tham gia và nói về chiến tranh nhưng còn có thể nhìn thấy một cuộc chiến tranh khác qua số phận người phụ nữ.
Trong thế giới nhân vật truyện ngắn về chiến tranh, tiêu biểu là người lính và người phụ nữ bộc lộ những nỗi đau riêng, không chỉ là hậu quả tàn khốc của chiến tranh để lại, tiếng nói phủ định cuộc chiến tranh phi nghĩa mà quan trọng hơn là khẳng định nghị lực, phẩm chất kiên cường của con người Việt Nam trong cuộc chiến mới. Việc hàn gắn những vết thương chiến tranh để lại trong cuộc đời của mỗi con người là vô cùng khó khăn, đó là thứ vết thương khó lành nhất nhưng không vì thế mà làm ảm đạm tâm hồn của cả một thế hệ bước ra từ chiến tranh. Truyện ám ảnh người đọc bởi chính những con người mang vết thương không thể liền được ấy. Họ đã tìm và chọn cho mình một con đường để sống thanh thản, họ không kêu ca oán trách hoàn cảnh mà dám đương đầu với những bất hạnh của mình.
Sự tàn phá của chiến tranh, cuộc đời phía sau của những con người làm nên chiến công đã được khắc họa với lòng trắc ẩn, mối suy tư về sự sống hòa bình. Nhìn về đại cục, cuộc kháng chiến đã đem lại thống nhất, độc lập cho dân tộc còn khi nhìn sâu vào từng cá thể con người sau cuộc chiến ấy là điều mà người cầm bút không thể thờ ơ, che giấu hay lãng mạn hóa bởi đó là vấn đề trung tâm của xã hội, cần được nhìn nhận, sẻ chia.
Hướng khai thác hiện thực ở những vấn đề phức tạp mà chiến tranh tạo nên làm cho chiến tranh được nhận thức một cách đầy đủ hơn. Những mất mát hy sinh, dang dở của biết bao cuộc đời có dịp được giãi bày để thấy một bức tranh đời sống nhiều mảng màu. Qua đó cũng thấy được nhiều mặt của chiến tranh, chiến công, của những tính cách trong dòng thác lũ chiến tranh. Dù nói nhiều đến những mất mát, tổn thất vì chiến tranh, nói đến cái xấu và cái ác nằm ngay trong đội quân cách mạng, trong mỗi con người nhưng những giá trị của hòa bình, của những tình cảm và đức tính tốt đẹp vẫn là động lực cho mỗi con người vượt lên bất hạnh để sống.
Tim O’Brien - nhà văn Mỹ cho rằng: “Các truyện viết về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”.
Nhân vật trong truyện ngắn về chiến tranh đương đại là nơi thể hiện tập trung cách nhìn chiến tranh với những hệ luỵ kinh hoàng, cuộc sống đầy chông chênh sau giải phóng. Đặc biệt là từ thập kỷ 90 trở đi, truyện ngắn về đề tài này nổi lên tiếng nói về những chấn thương, bi kịch, mất mát, ám ảnh bởi chiến tranh. Nhân vật đã chuyên chở thông điệp về những thương tổn, dư chấn trong số phận của biết bao người dân, thể hiện tư tưởng nhân bản, nhân văn khi nhìn chiến tranh từ hòa bình.
* * *
Mảnh đất hiện thực sau năm 1975 mở ra vùng thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới lạ với nhà văn. Những đổi mới trong tư duy sáng tạo và thị hiếu tiếp nhận của độc giả thời đại mới đem lại cho văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng những bước đi mới. Chính vì vậy, nhân vật trong truyện ngắn cũng biến hoá, được thêm vào những chân dung, kiểu loại gắn với nhãn quan khác, thiên về những giá trị con người.
Nhân vật người lính thời kỳ này đã được tập trung thể hiện với tinh thần khách quan, nhân bản. Người lính trong và sau chiến tranh được quan sát dưới nhãn quan khác. Bên cạnh đó, nhân vật phụ nữ hiện lên với những tổn thương đầy khắc khoải và cả những nhược điểm mang tính bảo thủ của người phụ nữ Việt Nam. Họ đáng được trân trọng, cảm thông bởi chiến tranh đi qua để lại những người phụ nữ với bi kịch lớn.
Mỗi nhân vật là nơi tập trung tư tưởng của nhà văn về cuộc chiến tranh khốc liệt và hậu quả của nó, thể hiện quan niệm cởi mở, khách quan về con người. Trong truyện ngắn về chiến tranh cũng như trong văn học thời kỳ này nói chung, nhân vật được phác họa với nhiều bất ngờ, bí ẩn, không thể đoán biết.
10. Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
11. Khrapchenkô, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, tr. 338, 340.
12. Đặng Quốc Nhật, “Mấy ý kiến về đề tài chiến tranh và sự chi phối của nó trong văn học Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Văn nghệ quân đội (12), Hà Nội, 1980, tr. 104.
13. Nguyễn Thị Bích Thu, Mai Thị Hương chủ nhiệm đề tài, Các kiểu nhân vật trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1975, Viện Văn học, Hà Nội, 2010, tr. 101.
14. Nhiều tác giả: Hồng Diệu, Lê Huy Hoà tuyển chọn, Truyện ngắn chọn lọc về hậu phương người lính - Chuyện quê ta, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 446.
15. Trần Huy Quang, Nước mắt đỏ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1994, tr.149.