S
ự xuất sắc của một người điều binh khiển tướng rất ít khi được thể hiện trong thời bình mà thường phát huy ở thời loạn. Huấn luyện viên Ferguson có quan điểm như vậy và ông thường nhìn vào đồng nghiệp Guy Roux như là một tấm gương. Ông ngưỡng mộ Guy Roux vì đã tồn tại được trên băng ghế chỉ đạo của Auxerre trong một quãng thời gian dài kỷ lục của bóng đá hiện đại.
Năm 1990, bàn thắng của tiền đạo Mark Robins giúp Manchester United thắng 1-0 trên sân của Nottingham Forest ở vòng 3 FA Cup đã cứu vớt sự nghiệp của huấn luyện viên Ferguson tại Old Trafford. Nhờ trận thắng mang tính bước ngoặt đó, “Quỷ đỏ” đã đi đến trận chung kết FA Cup và vượt qua Crystal Place để giành cúp. Giám đốc điều hành Edwards sau đó đến gặp ông huấn luyện viên người Scotland để nói chuyện với giọng rất thảo mai rằng, ông luôn tin tưởng Ferguson và luôn đảm bảo chiếc ghế huấn luyện viên của ông vững như bàn thạch, bất chấp kết quả thi đấu của Manchester United có như thế nào. Dù vậy, áp lực vẫn đè nặng lên huấn luyện viên Ferguson.
Năm 2002, ba năm sau khi Manchester United giành cú ăn ba vĩ đại, tương lai của ông Ferguson lại một lần nữa bị đặt dấu hỏi. Bởi kết thúc mùa giải 2001/02, “Quỷ đỏ” xếp thứ 3 ở Premier League sau Arsenal và Liverpool. Đó là vị trí thấp nhất của Manchester United trong kỷ nguyên Premier League. Đội bóng của ông Ferguson chỉ thắng được 2 trong 7 vòng đấu đầu tiên. Và sau 14 vòng đấu, họ tụt xuống tận vị trí thứ 5 tại bảng xếp hạng với tổng cộng 6 thất bại.
“Khi các cầu thủ Manchester United nhìn lại thất bại trước Bolton và Leeds, họ sẽ nhận ra rằng, mặc dù không đội nào có thể giành chức vô địch Premier League ngay từ tháng 11, nhưng chắc chắn họ đã để tuột mất cơ hội đăng quang từ thời điểm đó”, Alan Hansen viết trên tờ Daily Telegraph. “Huấn luyện viên Alex Ferguson tự nhận thức được rằng, ông sẽ phải bước vào một mùa giải mới với rất nhiều thách thức mà kết quả chung cuộc sẽ quyết định việc đi hay ở của ông. Rất may Manchester United đã tìm lại sự thăng hoa và giành chức vô địch Premier League mùa giải 2002/03 với 5 điểm hơn Arsenal.”
Đến mùa hè năm 2006, triều đại của Ferguson lại một lần nữa bị lung lay bởi những quyết định kỳ lạ của ông trên thị trường chuyển nhượng, do tác động của gia đình nhà Glazer trên cương vị chủ sở hữu của Manchester United. Phóng viên Rob Smyth của tờ The Guardian là người đã dành cho ông Ferguson những lời lẽ nặng nề nhất: “Tôi dám khẳng định rằng, sự nghiệp của Ferguson đang xuống dốc. Tôi có cảm giác ông ấy giống như một võ sĩ đã cảm thấy thỏa mãn với bản thân sau những thành công vang dội. Ông ấy dường như không còn đủ khát khao và nhiệt huyết để truyền cảm hứng cho đội bóng như ông ấy đã từng thể hiện.” Smyth buộc tội huấn luyện viên của Manchester United đã tự tay phá hủy đi những công trình mà ông đã dày công xây dựng ở Old Trafford. Nhưng vượt qua những thời khắc khó khăn đó, Ferguson dẫn dắt “Quỷ đỏ” giành liên tiếp 2 chức vô địch Premier League sau đó và 1 chức vô địch Champions League năm 2008.
Nhưng tất cả những khó khăn, căng thẳng mà huấn luyện viên Ferguson phải trải qua suốt bao nhiêu năm đều không là gì so với tình thế ở mùa hè năm 1995. Do chẳng thể nói trước gì về phong độ và sự tái hòa nhập của Cantona sau khi trở lại thi đấu vào tháng 10, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, huấn luyện viên người Scotland nên đề cao tính ổn định của đội bóng. Rằng ông nên giữ nguyên bộ khung chính đang có, bổ sung thêm một vài nhân tố để tạo ra một đội hình Manchester United đủ sức lật đổ Blackburn Rovers, giành lại ngai vàng.
Ferguson đã làm điều ngược lại với số đông. Nhiều trụ cột của Manchester United đã bị huấn luyện viên người Scotland bán đi trong mùa hè năm 1995. Đội bóng thành phố Manchester cũng gần như không có bản hợp đồng nào ra tấm ra món để tăng cường lực lượng. Điều đó khiến cổ động viên của Manchester United bi quan cho rằng, đội nhà sẽ bước vào mùa giải 1995/96 với đội hình có chất lượng thậm chí còn thua kém các mùa trước.
Nhưng đúng là “ngược gió diều bay”, Ferguson đã tạo được ba điểm nhấn ở mùa giải này khiến danh tiếng của ông càng nổi như cồn: Thứ nhất, ông đã giúp Cantona có sự trở lại rất thành công; thứ nhì, ông giới thiệu một lứa cầu thủ trẻ rất tài năng cho Manchester United; và cuối cùng, ông đã chứng minh cho tất cả thấy rằng, chỉ cần gieo niềm tin, con người ta có thể gặt được phép màu. Có thể khẳng định rằng, những bước đi táo bạo trong mùa hè năm 1995 là minh chứng hùng hồn nhất cho sự vĩ đại của huấn luyện viên Ferguson và là bước ngoặt lịch sử để Manchester United thống trị bóng đá Anh và sau đó gặt hái thành công ở đấu trường châu lục.
Khi mùa giải 1995/96 khởi tranh, cầu thủ chạy cánh Andrei Kanchelskis rời Old Trafford, dù thông tin này đã được Manchester United xác nhận từ trước đó. Manchester United ban đầu chơi “hai mang” khi đồng ý đàm phán với cả Middlesbrough lẫn Everton vào cùng ngày 20/07. Nhưng sau đó, đội bóng thành phố Manchester bất ngờ “hủy kèo”. Nguyên do bắt nguồn từ việc đội bóng cũ Shakhtar Donetsk của Kanchelskis đòi ăn chia 1,1 triệu bảng Anh (theo thỏa thuận hợp đồng lúc đội bóng này bán Kanchelskis cho Manchester United). Everton vẫn kiên trì theo đuổi với niềm tin sẽ giành được ngôi sao của Manchester United. Ngày 25/08, đội bóng thành phố Merseyside hoàn tất thương vụ Kanchelskis. Ngoài phí chuyển nhượng 5 triệu bảng trả cho Manchester United, Everton còn phải gánh thêm một nửa trong số tiền 1,1 triệu bảng mà đội bóng hàng đầu nước Anh phải “lại quả” cho Shakhtar Donetsk.
Không có bất kỳ cơ hội nào giúp cho Kanchelskis có thể trụ lại Manchester United ở mùa giải năm đó. Anh ta đã tự tay đóng mọi cánh cửa để tách biệt mình khỏi Old Trafford. Trong cuốn tự truyện Managing My Life, ông Ferguson đã dành rất nhiều lời lẽ không hay để nói về cậu học trò cũ. Ông gọi Kanchelskis là đồ rác rưởi khi đề cập đến việc cầu thủ này đã nói xấu ông trên các tờ báo lá cải trong quãng thời gian ông phải gồng mình lên để che chắn cho Cantona. Huấn luyện viên người Scotland gọi Kanchelskis là một gã trẻ trâu, hay đố kỵ và sống bất mãn.
Mối quan hệ giữa ông Ferguson với Kanchelskis trở nên xấu đi bắt đầu từ khi cầu thủ người Nga phàn nàn về việc anh không thường xuyên được đá chính. Huấn luyện viên Ferguson đáp lại bằng giọng mỉa mai rằng, tốt hơn hết là Kanchelskis nên tự trách cái bụng của anh không đủ tốt để xứng đáng với một suất đá chính trong đội hình Manchester United. Sự căng thẳng đó khiến nguy cơ bị bật khỏi Old Trafford của Kanchelskis là rất cao. Sau khi ông Ferguson quyết định phạt cầu thủ người Nga một tuần lương vì những lời lẽ không đúng mực trên các phương tiện truyền thông về cú kung-fu của Cantona ở Selhurst Park, anh đã chủ động đề nghị được ra đi, nhưng nguyện vọng đó lập tức bị gạt sang một bên.
Ferguson đã vô cùng giận dữ khi Kanchelskis đòi ra đi ngay trong tháng 2, thời điểm mà Manchester United đang rất khó khăn do án treo giò của Cantona và cần đến sự đồng cam cộng khổ của các cầu thủ. Vì lý do đó, ông không bao giờ tha thứ cho cầu thủ người Nga.
Tháng 05/1995, người đại diện Grigory Essaoulenko của Kanchelskis tuyên bố rằng, cầu thủ người Nga muốn chuyển sang thi đấu cho một đội bóng khác do những bất đồng không thể hóa giải với huấn luyện viên Ferguson. Trung tuần tháng 7, đến lượt đích thân Kanchelskis tuyên bố rằng, anh không muốn thi đấu cho Manchester United thêm bất kỳ trận đấu nào nữa. Và thực tế là tiền vệ này cũng không trở lại tập luyện cùng Manchester United vào tháng 8, sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè. Sau cùng, huấn luyện viên Ferguson phát hiện thêm một lý do khiến Kanchelskis nằng nặc đòi ra đi. Đó là một điều khoản hợp đồng cho phép cầu thủ này được hưởng một phần ba số tiền mà Manchester United thu được từ việc bán anh cho Everton.
Trường hợp tiền đạo Mark Hughes rời Old Trafford ít gây ngạc nhiên hơn so với Kanchelskis, một phần vì huấn luyện viên Ferguson đã ngầm báo trước cho tuyển thủ xứ Wales bằng việc chiêu mộ Andy Cole hồi đầu năm. Hughes đã có hai giai đoạn thi đấu cho Manchester United, nhưng anh từng suýt bị đẩy sang Everton, thời điểm trước khi Cantona phải nhận án treo giò dài kỷ lục.
Báo chí Anh từng đưa tin Hughes đã ký hợp đồng mới có thời hạn 2 năm với Manchester United, nhưng hóa ra đó là một sự nhầm lẫn. Giữa Manchester United với ngôi sao người xứ Wales không tìm được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán hợp đồng mới. Ferguson chỉ muốn ký thêm 1 năm hợp đồng với Hughes. Huấn luyện viên người Scotland cho rằng, tiền đạo này đã có tuổi và khó lòng đạt phong độ tốt ở một giải đấu ngày càng khốc liệt và căng thẳng như Premier League.
Ngay từ tháng 12/1994, Ferguson đã bày tỏ sự nghi ngờ về phong độ của Hughes, đồng thời cũng dự đoán được phản ứng dữ dội của cầu thủ này nếu anh phải ra đi:
“Mark đã trải qua hơn một thập kỷ thi đấu với phong độ đỉnh cao và tôi không nghĩ rằng cậu ta có thể tiếp tục duy trì sự ổn định đó thêm một thời gian dài. Để chơi bóng ở một giải đấu khắc nghiệt như Premier League, bạn cần phải có một nguồn năng lượng khổng lồ. Vấn đề đối với tôi là, Hughes luôn được xem là người hùng ở Old Trafford và cổ động viên của Manchester United không chấp nhận một thực tế rằng, người hùng của họ rồi cũng có lúc hết thời và sẽ phải ra đi. Trong khi công việc của tôi là phải tìm ra những cầu thủ có phong độ tốt nhất để duy trì thành công của đội bóng.”
Bước sang năm mới, chính xác là hai tuần trước khi xảy ra chuyện của Cantona ở Selhurst Park, ông Ferguson đã có một cuộc trao đổi cởi mở với Hughes. Huấn luyện viên người Scotland nói thẳng tuột rằng, ông không muốn nhìn thấy cảnh Hughes phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị của Manchester United ở mùa giải kế tiếp. Mọi chuyện trở nên vô cùng rõ ràng, ngôi sao người xứ Wales tốt nhất nên tự tìm cho mình một bến đỗ mới trong mùa hè năm 1995 để có thể thường xuyên được ra sân chơi bóng.
Sau khi Cantona phải nhận án treo giò 8 tháng, huấn luyện viên Ferguson lẽ ra nên vui mừng giữ lại Hughes. Nhưng ông không làm vậy. Ông hiểu rằng, cầu thủ người xứ Wales, với tinh thần của một chiến binh không bao giờ chịu khuất phục, sẽ không bao giờ chấp nhận việc phải thường xuyên ngồi ghế dự bị. Hughes sẽ không còn là Hughes, nếu như anh phải xuống chơi ở đội trẻ hay chỉ được đá ở League Cup...
Ferguson là một người rất thực dụng. Ông luôn đặt lợi ích của Manchester United lên trên tất cả. Cuối ngày hôm đó, ông tuyên bố: “Manchester United không có Mark vẫn có thể chơi tốt. Và cậu ấy cũng vẫn có thể tiếp tục chơi bóng đá đỉnh cao mà không cần phải ở lại Old Trafford. Manchester United đã trả cho cậu ấy rất nhiều tiền, đủ để cậu ấy sống tốt mà không cần phải làm việc sau khi rời câu lạc bộ. Vì thế, có thể khẳng định là chúng tôi không hề phụ Mark!”
Hughes đá chính 18 trong tổng số 19 trận còn lại ở mùa giải 1994/95. Nhưng anh chỉ ghi được 8 bàn thắng ở Premier League. Thế nên khi Chelsea đưa ra lời đề nghị mua anh với giá 1,5 triệu bảng Anh vào tháng 6, Ferguson không ngần ngại khuyên lãnh đạo Manchester United bán anh ngay lập tức. Đáng chú ý, dù sau đó có thêm 7 mùa giải nữa thi đấu ở Premier League, nhưng không mùa nào cầu thủ người xứ Wales vươn tới được cột mốc ghi 10 bàn thắng.
Ngôi sao thứ ba rời Old Trafford, cũng là vụ chuyển nhượng gây tranh cãi nhất trong mùa hè năm 1995, đó là Paul Ince. Ferguson đã được một người bạn ở Hà Lan cảnh báo rằng, Ince đang có ý rời Manchester United. Người này khẳng định với huấn luyện viên của Manchester United rằng, người đại diện của Ince đã tìm cách móc nối với một vài đội bóng của Italia. Có lẽ cũng cần phải nhắc lại rằng, cầu thủ người Anh (cùng với Cantona) từng được Chủ tịch Moratti của Inter Milan hỏi mua hồi đầu năm.
Ferguson bắt đầu tìm kiếm lý do chính đáng để đẩy Ince khỏi Old Trafford. Huấn luyện viên người Scotland vốn dĩ rất dị ứng với cái kiểu luôn tỏ ra “bố đời” của Ince. Ông từng nghĩ rằng nên bỏ qua tính cách đó của cậu học trò do anh còn trẻ người non dạ. Nhưng rồi ông lại lo ngại thói xấu đó sẽ làm hỏng Ince. Sau này, ông viết về cầu thủ người Anh: “Cái thói bố đời của Paul thật là vớ vẩn. Lẽ ra cậu ta nên cất hẳn nó vào trong hộp đồ chơi.”
Nhưng Ferguson còn có một mối lo khác về Ince, đó là phong độ không ổn định của anh. Huấn luyện viên lão làng này cho rằng, cậu học trò của mình thường có xu hướng chơi dâng cao. Vì thế, nhiều khi anh không kịp lùi về để hoàn thành vai trò của một tiền vệ trung tâm. Trong những lúc như vậy, Ince thường mất phương hướng và thể hiện rất rõ sự ích kỷ, cá nhân.
Quãng thời gian Cantona phải nhận án treo giò càng giúp huấn luyện viên Ferguson có cơ hội kiểm chứng những suy nghĩ của mình về Ince. Ông từng cho rằng, người có khả năng lấp khoảng trống trên sân của cầu thủ người Pháp chính là Ince. Nhưng rồi ông cũng phải chấp nhận một sự thật là không thể đặt niềm tin vào cầu thủ này. “Sự thành công làm con người ta thay đổi”, Ferguson chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên tờ The Observer vào tháng 08/1995. “Khi Paul mới gia nhập Old Trafford, cậu ấy còn rất nhiều vấn đề cần phải được hoàn thiện. Nhưng thành công quá dễ dàng khiến cậu ta đã đánh mất mình. Một số người chỉ cần một kỳ nghỉ ở Glasgow là đủ. Nhưng một số khác lại muốn phải trải qua kỳ nghỉ ở Pháp mới cảm thấy thỏa mãn.”
Cùng với những động thái từ người đại diện của Ince, Ferguson càng tin chắc rằng, bán tiền vệ này đi sẽ là một quyết định đúng đắn. Vì vậy, khi Inter Milan nâng mức giá đề nghị từ 4 triệu bảng lên thành 7 triệu bảng, đồng thời cam kết sẽ nhận lời đá hai trận giao hữu với Manchester United, Ferguson lập tức đồng ý để cầu thủ người Anh rời Old Trafford.
“Chính Alex là người quyết định việc chúng tôi có nên chấp nhận lời đề nghị từ phía Inter Milan hay không”, Giám đốc Điều hành Edwards tiết lộ với giới truyền thông của Anh. “Ông ấy phải đánh giá lại vai trò của Ince trong lối chơi của đội bóng và đưa ra giải pháp sẽ sử dụng số tiền thu được từ cậu ấy vào mục đích gì.” Edwards nói vậy mà không hề biết rằng, huấn luyện viên người Scotland đã quyết định xong tất cả từ rất lâu rồi.
Mặc dù vậy, Ince vẫn cảm thấy bị tổn thương khi biết Manchester United quyết định sẽ bán anh cho Inter Milan. Bởi trong thâm tâm, anh nghĩ rằng mình sẽ là người xứng đáng nhất thay thế vai trò trên sân của Cantona trong quãng thời gian cầu thủ người Pháp bị treo giò. Ince luôn nghĩ rằng, việc Manchester United không thể giành được chức vô địch Premier League và FA Cup ở mùa giải 1994/95 không phải bởi anh sa sút phong độ mà là bởi sự lãng phí cơ hội của hàng công Manchester United. Thậm chí, Ince còn ảo tưởng rằng anh đáng được Manchester United gia hạn hợp đồng thay vì dễ dàng chấp nhận để anh ra đi.
Với tính cách của Ince, Serie A là một điểm đến lý tưởng. Nếu anh muốn là người quan trọng, Chủ tịch Moratti và Inter Milan sẽ vui vẻ đáp ứng. Không những vậy, Moratti còn ca ngợi tuyển thủ Anh là “Frank Rijkaard mới” và hé lộ ý định sẽ trao băng thủ quân của Inter cho Ince. Nếu như ở Old Trafford, huấn luyện viên Ferguson không hài lòng với thói “bố đời” của Ince thì Inter Milan lại có khả năng chiều được tiền vệ này.
Cổ động viên của Manchester United đã nổi loạn khi Manchester United quyết định bán Ince. Nếu như việc Hughes phải ra đi là có thể dự đoán thì hành động đẩy Ince khỏi Old Trafford của lãnh đạo câu lạc bộ khiến cổ động viên cảm thấy thật tồi tệ. Phóng viên Ian Ross cũng đồng quan điểm với những người hâm mộ “Quỷ đỏ” khi viết trên tờ The Guardian: “Một đội bóng trong mơ đang từng bước bị hủy hoại!”
Còn Andy Walsh, thư ký của Hiệp hội Cổ động viên Manchester United thì bày tỏ sự tức giận của rất nhiều người hâm mộ “Quỷ đỏ”:
“Đáng buồn thay khi cổ động viên của Manchester United ngày càng phải cố học cách quen dần với những quyết định khó hiểu từ những người đang nắm giữ quyền lực ở Old Trafford. Lãnh đạo câu lạc bộ đã đến lúc cần phải trấn an tinh thần của các cầu thủ, đồng thời khôi phục lại niềm tin với cổ động viên nhà bằng cách giải thích chính xác, rõ ràng điều gì đã và đang xảy ra, và nguồn cơn là do đâu. Lúc này, chúng tôi có cảm nhận rằng, họ đang bắt cổ động viên phải trả thêm tiền vào sân để xem một đội bóng kém chất lượng hơn mùa trước thi đấu.”
Riêng về vấn đề của Ince, Walsh cũng tỏ ra vô cùng quyết liệt:
“Paul Ince được biết đến như là tiền vệ người Anh xuất sắc nhất ở Premier League. Vậy mà Ince đã bị Manchester United bán đi mà không hề quan tâm đến cảm nhận của anh ấy. Tôi cần một lời giải thích công khai từ ông Ferguson về quyết định khó hiểu này. Điều khiến chúng tôi bức xúc là trong toàn bộ quá trình xảy ra sự vụ này, không một thành viên nào trong ban lãnh đạo câu lạc bộ chịu nói ra sự thật.”
Ferguson dĩ nhiên có lý do chính đáng để bán Kanchelskis, Hughes và Ince, nhưng sự ra đi của họ đã để lại những khoảng trống lớn trong đội hình của Manchester United. Bộ ba này đã thi đấu 133 trận cho “Quỷ đỏ” ở mùa 1994/95, trong đó có 126 trận ra sân trong đội hình xuất phát. Hơn nữa, trong 110 bàn thắng mà Manchester United ghi được ở mùa giải đó có tới 33 bàn được đóng góp bởi Kanchelskis, Hughes và Ince. Mùa giải năm đó, Kanchelskis là chân sút số một của đội bóng thành phố Manchester, Hughes xếp thứ tư trong danh sách. Trong khi đó, Cantona - người ghi bàn hiệu quả thứ hai sau Kanchelskis lại phải chịu án treo giò đến tận tháng 10 và chẳng ai dám chắc cầu thủ người Pháp sẽ sớm tìm lại phong độ đỉnh cao.
Lãnh đạo Manchester United cho rằng, họ cần phải dùng số tiền bán Hughes và Ince để mua về Old Trafford những cầu thủ mới thay thế. Hristo Stoichkov và Matthew Le Tissier là những mục tiêu đã được Manchester United nhắm đến. Những tuần sau đó, cũng có rất nhiều tiền vệ trung tâm đã đánh tiếng muốn gia nhập Old Trafford.
Tuy nhiên, Ferguson lại có kế hoạch khác. Ông muốn đội bóng tự thân vận động. Trong quãng thời gian từ tháng 07/1994 đến tháng 06/1996, Cole là bản hợp đồng duy nhất của Manchester United. Trong mùa hè năm 1995, dù phải chịu sức ép rất nhiều từ cổ động viên đội nhà, Ferguson đã không mua bất kỳ cầu thủ nào về Old Trafford. Phải đến khi mùa giải 1995/96 đã trôi qua vài vòng đấu, vào ngày 25/09, huấn luyện viên người Scotland mới ký hợp đồng với thủ môn Nick Culkin từ câu lạc bộ York City với giá 250 nghìn bảng Anh. Tuy nhiên, trải nghiệm của Culkin ở Manchester United là vô cùng ngắn ngủi. Anh chỉ được một lần ra sân thay thế Raymond van der Gouw ở cuối một trận đấu thuộc khuôn khổ Premier League vào tháng 08/1999. Culkin xuất hiện đúng 2 giây trên sân trước khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu và anh không bao giờ có cơ hội ra sân lần thứ hai trong màu áo Manchester United.
Dù Ferguson bị hạn chế về tài chính để tăng cường lực lượng trong mùa hè năm 1995, nhưng Giám đốc Điều hành Martin Edwards lại phủ nhận điều đó, đặc biệt sau khi Manchester United bán Ince cho Inter Milan. “Không có chuyện Manchester United bán đi các cầu thủ trụ cột nhằm mục đích có thêm kinh phí cho việc nâng cấp sân Old Trafford. Đó hoàn toàn là những cáo buộc vô căn cứ”, Edwards đã tỏ ra giận dữ khi bị các phóng viên chất vấn. Nhưng rồi ngay sau đó, ngài giám đốc điều hành đáng kính của Manchester United lại phải thú nhận rằng, nếu ông Ferguson muốn tăng cường lực lượng, Manchester United phải tìm thêm nguồn kinh phí bằng việc thanh lý bớt cầu thủ trong đội hình hiện tại. Cũng không có gì ngạc nhiên về điều đó khi Manchester United đã chi khá nhiều để xây dựng thêm khu khán đài North Stand ở Old Trafford, đồng thời xây thêm một sân tập trị giá 5 triệu bảng Anh.
Nhưng thực tế là Ferguson cũng không có nhu cầu mua thêm cầu thủ. Ngay từ trước khi thương vụ bán Ince cho Inter Milan được hoàn tất, ông vẫn khẳng định trước giới truyền thông rằng, Ince phải rời Old Trafford bởi ông đã có một sự thay thế đáng tin cậy là Nicky Butt - cầu thủ mới được đôn lên từ lò đào tạo trẻ của Manchester United và đã được trao cơ hội thi đấu 11 trận ở mùa 1994/95. “Tôi dám mạnh dạn khẳng định rằng, cặp tiền vệ trung tâm Roy Keane và Nicky Butt sẽ thi đấu xuất sắc không thua kém bất kỳ bộ đôi tiền vệ nào ở Premier League”, huấn luyện viên của Manchester United hùng hồn tuyên bố. Ferguson cố thuyết phục rằng, cổ động viên của đội nhà cần phải đặt trọn vẹn niềm tin vào ông.
Ferguson đã có chút xem nhẹ phản ứng của cổ động viên đội nhà. Các cổ động viên của Manchester United, cùng với giới truyền thông ở Anh đã tạo ra hẳn một phong trào phản đối huấn luyện viên người Scotland. Tuy nhiên, Ferguson chẳng xem đó là chuyện nghiêm trọng. Trong cuốn tự truyện được Ferguson phát hành sau khi Manchester United giành cú ăn ba lịch sử, ông nhắc lại chuyện này bằng cách đặt tiêu đề cho một chương là: “Công chúng là kẻ thù số một”. Huấn luyện viên nổi tiếng này chưa bao giờ ngại ngần chỉ thẳng mặt những người đã nghi ngờ ông, trước và sau khi ông chứng minh được rằng họ đã sai.
Đầu tiên, Ferguson phải hứng chịu làn sóng phản đối từ cổ động viên nhà. Tờ Manchester Evening News còn đưa ra một khảo sát với độc giả về việc Manchester United nên hay không nên sa thải huấn luyện viên người Scotland. Ferguson đã tỏ thái độ bực bội với tờ báo này do họ đi tiên phong trong việc chống lại ông. Nhưng ông còn cảm thấy chán nản hơn nữa khi kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 53% số người tham gia mong muốn ông rời Old Trafford. Việc giá vé vào sân xem Manchester United tăng 20% chẳng liên quan gì đến Ferguson, nhưng ông lại trở thành kẻ phải “giơ đầu chịu báng”, phải hứng chịu cơn cuồng nộ từ những người yêu mến Manchester United.
Ferguson có thể gạt sự phản đối của cổ động viên nhà sang một bên, nhưng ông không thể không bận tâm đến việc lãnh đạo câu lạc bộ đang dần dần “bỏ rơi” ông. Trước khi quyết định bán Ince, huấn luyện viên này tin chắc rằng, Edwards là một người có cái đầu lạnh. Nhưng hóa ra, ngài giám đốc điều hành của Manchester United cũng bị dao động bởi đám đông dẫn đến tiền hậu bất nhất. Điều đó khiến Ferguson từng có suy nghĩ rằng có thể ông đã quá vội vàng và độc đoán khi đẩy Ince đi. Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua rất nhanh và không bao giờ quay trở lại trong đầu Ferguson.
Sau đó, giữa Ferguson với lãnh đạo Manchester United lại xuất hiện vấn đề liên quan đến hợp đồng của ông. Huấn luyện viên này cho rằng, ông được trả lương quá thấp. Khi ngồi lại với hai sếp Watkins và Smith cũng như các thành viên khác trong ban lãnh đạo câu lạc bộ để thảo luận, Ferguson chỉ ra rằng, khi huấn luyện viên George Graham rời Arsenal, số tiền mà ông ta kiếm được còn nhiều hơn. Huấn luyện viên của Manchester United khẳng định rằng, với những thành công mà ông mang lại cho “Quỷ đỏ”, ông xứng đáng trở thành huấn luyện viên được trả lương cao nhất ở Anh. Chủ tịch của Manchester United đã có những lời lẽ phản biện lại Ferguson. Ông hỏi thẳng huấn luyện viên này là có phải ông cảm thấy quyền lực của mình ở Old Trafford đang bị hạn chế dần và Manchester United đang càng lúc càng trượt dài hay không. Nhưng điều khiến một người đam mê công việc như Ferguson đau lòng hơn cả chính là câu hỏi sau đó của Smith, rằng liệu có phải đam mê mà ông dành cho Manchester United đã cạn? Sau này, Ferguson tiết lộ rằng, câu hỏi đó đã khiến ông bị ám ảnh và tổn thương. Qua vụ đó, ông cũng nhận ra rằng, giới chủ ở Old Trafford cũng bắt đầu bị lung lạc tinh thần bởi làn sóng phản đối ngày càng rầm rộ của cổ động viên nhà.
Mối quan hệ giữa Ferguson với lãnh đạo của Manchester United đã trở nên rất xấu trong một khoảng thời gian. Trong cuốn tự truyện Managing My Life, ông nhắc lại câu nói mà Chủ tịch Smith đã nói với ông: “Người Manchester chỉ cảm thấy vui khi khiến người khác phải buồn. Họ cảm thấy khoái chí khi vùi dập người khác. Họ ghen tỵ với thành công của người khác.” Cách nói này khiến Ferguson hiểu rằng ông và cậu học trò Cantona không thuộc về thành phố Manchester, nên thành công của họ cũng chẳng liên quan gì đến Manchester.
Từ chuyện này, người Manchester lại suy diễn về mối quan hệ giữa Ferguson và Cantona. Họ cho rằng, ông đã thiên vị cầu thủ người Pháp dẫn đến sự bất bình của một số cầu thủ trong đội hình Manchester United. Ince vẫn luôn cảm thấy ấm ức vì cho rằng Manchester United đã trả phí tòa án cho Cantona nhưng lại không trả giúp anh. Còn Hughes cảm thấy bất bình khi Manchester United lập tức bỏ rơi anh khi anh bị chấn thương, nhưng lại không bao giờ làm như vậy với Cantona.
Có lẽ phần nào cả hai đều nghĩ đúng, nhưng dù sao họ cũng đã bị Manchester United bán đi. Nếu như cả Hughes và Ince đều tin rằng Cantona đã được hưởng lợi từ sự ưu ái vô điều kiện của ông thầy người Scotland, thì bản thân Ferguson cũng thấy chẳng cần phải giấu giếm. Đó là cách thể hiện có chủ ý của Ferguson, là một “tuyệt chiêu” trong cách quản lý nhân sự của Ferguson để khiến tự bản thân Cantona cảm thấy cần phải trổ hết tài năng của mình ra để đền ơn tri ngộ. Không phải đồng nghiệp nào cũng có thể làm được như huấn luyện viên của Manchester United. Càng về sau, Ferguson càng cho thấy ông mới là kẻ chiến thắng trong những cuộc tranh luận.
Trong mùa hè năm đó, Ferguson hiểu rất rõ rằng chiếc ghế huấn luyện viên của ông không hề vững như bàn thạch. Trong bối cảnh không nhận được nhiều sự ủng hộ của cổ động viên, lại phải chuẩn bị bước vào một mùa giải mới với đội bóng thậm chí chất lượng còn kém hơn ở mùa trước, ông biết rằng, mình đang ở thế “cửa dưới”. Đấu tranh để được ký hợp đồng mới, lại còn đòi tăng lương, đó chẳng khác nào hành động tự sát. Nếu làm căng thẳng quá, ông có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào.
Những lời buộc tội rằng Ferguson chỉ biết đến bản thân, không nghĩ cho đại cục hay việc lãnh đạo câu lạc bộ đặt nghi vấn về sự tận tâm của ông khiến huấn luyện viên người Scotland cảm thấy vô cùng đau xót. Nhưng với tính cách mạnh mẽ của mình, Ferguson hạ quyết tâm phải chiến đấu đến cùng. Quyết tâm chứng tỏ cho lãnh đạo Manchester United thấy rằng họ đã sai khi cứ cố thôi thúc ông. Ferguson vùi đầu vào guồng quay của công việc như một con thiêu thân cho đến khi ông chạm đến thành công. Sau mỗi chiến thắng, người ta lại phải lập tức bắt đầu cho một mục tiêu chinh phục khác.
“Chúng ta luôn là những người bị kẻ khác tấn công”, Ferguson trả lời phỏng vấn tờ The Observer trước thềm mùa giải mới. “Với tư cách là một huấn luyện viên, bạn cần phải tự bảo vệ mình, tự giải quyết mọi chuyện bằng chính nội lực của mình, cần phải quyết đoán, đặc biệt không để bị ảnh hưởng bởi những lời ong tiếng ve. Có như thế chúng ta mới có hy vọng mọi việc sẽ trôi chảy.”