Đ
ó là một trong những đội hình trẻ trung nhất của Manchester United trong lịch sử tham dự Premier League. Trong trận ra quân của mùa giải mới 1995/96 trên sân Villa Park, đội hình của “Quỷ đỏ” có 4 cầu thủ đá chính không quá 20 tuổi. Đó là Paul Scholes, Gary Neville, Phil Neville và Nicky Butt. Hai cầu thủ trẻ cùng độ tuổi đó được tung vào sân từ băng ghế dự bị ở trận này là David Beckham và John O'Kane, trong đó Beckham vào sân ở hiệp 2. Hôm đó, đội bóng của Ferguson thi đấu hoàn toàn lép vế trước Aston Villa và bị đội bóng từng vật lộn trụ hạng ở mùa giải trước đó vùi dập với tỉ số 3-1.
Trong chương trình bình luận bóng đá Match of the Day rất nổi tiếng của kênh BBC sau đó, người dẫn chương trình Des Lynam đã miêu tả đội bóng của Ferguson trong thất bại trước Aston Villa là “Đội bóng thiếu cá tính nhất của Manchester United mà ông từng biết trong vài mùa giải gần đây”. Rồi ông quay sang hỏi cựu danh thủ Alan Hansen về cảm nhận của ông sau trận đấu của Manchester United trên sân Villa Park. Hậu vệ huyền thoại người Scotland, trong bộ complet cà vạt lịch lãm đã thẳng thừng tuyên bố: “Tôi nghĩ là đội bóng có vấn đề. Tôi không thể tự dối lòng mà nói không, thậm chí vấn đề của họ là rất nghiêm trọng. Họ đã chia tay ba trụ cột trong mùa hè vừa qua. Ông Ferguson cần phải lập tức mua cầu thủ để tăng cường lực lượng. Manchester United sẽ chẳng thể làm được gì với những đứa trẻ. Hãy nhìn vào đội hình ra sân của Manchester United hôm nay mà xem, họ còn quá non nớt và thực sự là họ đã thua Aston Villa chỉ sau 30 phút thi đấu. Kết quả đó cho những đứa trẻ của Ferguson cũng là dễ hiểu. Tóm lại, tôi thấy Manchester United rất cần phải tăng cường lực lượng.”
Câu nói “Manchester United sẽ chẳng thể làm được gì với những đứa trẻ” của Hansen sau này trở thành kinh điển, và được đánh giá là một trong những phát biểu đáng nhớ nhất trong kỷ nguyên Premier League. Thậm chí, nó còn nổi tiếng hơn cả câu nói “Hải âu đi theo tàu cá” của Cantona. Trong một cuốn sách viết về lịch sử của Premier League qua những phát ngôn nổi tiếng, tác giả còn lấy chính câu nói của Hansen ra làm tựa đề. Trong khi một cuốn sách khác xuất bản cùng thời điểm, với tác giả là phóng viên Jim White của tờ The Independent, cũng được mang tên “Bạn sẽ chẳng thể làm được gì với những đứa trẻ”.
Nhiều người nói rằng, câu nói để đời của Hansen về những đứa trẻ của ông Ferguson chỉ xếp sau dự đoán khủng khiếp của Michael Fish năm 1987. Trong một chương trình dự báo thời tiết, Fish đã thao thao bất tuyệt về sự vô hại của cơn bão được dự báo là sắp xảy ra ở Anh. Tuy nhiên, cơn bão kinh hoàng đó đã làm chết 22 người và quật đổ 15 triệu cây xanh ở Home Counties. Có lẽ nhận xét tiêu cực mà Hansen dành cho đội bóng của Ferguson cũng một phần xuất phát từ thực tế ông là một huyền thoại Liverpool - kình địch của Manchester United và từng có nhiều lần va chạm với huấn luyện viên người Scotland. Tuy nhiên, Hansen luôn phủ nhận điều đó.
Sau này, Hansen thường xuyên bị đem ra làm trò cười vì những nhận xét “không trúng phát nào” của ông về những đứa trẻ của Ferguson. Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy nhận xét đó của Hansen là ngốc nghếch và nực cười, nhưng ở thời điểm đó, hầu hết mọi người đều có chung suy nghĩ với cựu hậu vệ nổi tiếng này. Trong cuộc sống, chẳng ai nói trước được điều gì về tương lai. Bóng đá sở dĩ trở thành môn thể thao vua một phần bởi sức hấp dẫn của nó nằm ở tính bất ngờ, khó đoán, ngay cả những người trong cuộc cũng không thể nói trước được điều gì. Nói cách khác, bóng đá là một môn thể thao kỳ diệu, được bao phủ bởi một màu sắc huyền bí đến mức mỗi khi bạn đưa ra một dự đoán nào đó, bạn có thể lập tức trở thành một kẻ ngốc.
Ở giai đoạn khởi đầu mùa giải đó, Manchester United đã thực sự khủng hoảng. Lần đầu tiên trong quãng thời gian từ năm 1993 đến 2002, đội bóng của huấn luyện viên Ferguson không được góp mặt trong trận tranh Charity Shield. Và thất bại 1-3 trước Aston Villa mới là lần thứ hai kể từ tháng 12/1992, Manchester United để thủng lưới 3 bàn trong một trận đấu ở Premier League (trước đó là trận hòa 3-3 trên sân Anfield hồi tháng 01/1994).
Ngay chính huấn luyện viên Ferguson lúc bấy giờ cũng phải thú nhận rằng, ông cảm nhận rất rõ nguy cơ bị ban lãnh đạo Manchester United tống cổ khỏi Old Trafford. Huấn luyện viên người Scotland không tìm thấy bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho mình cả từ phía cổ động viên cũng như giới chóp bu của đội bóng. Nếu bạn phỏng vấn một nhóm cổ động viên bất kỳ nào đó của Manchester United bên ngoài sân Villa Park sau trận đấu, những gì bạn nghe được có lẽ cũng chẳng khác nào những bình luận của Hansen. Cổ động viên của đội bóng thành phố Manchester phàn nàn về việc đội nhà tăng giá vé vào sân, nhưng họ còn khó chịu hơn với việc Manchester United để ba trụ cột ra đi trong mùa hè vừa qua mà không có bản hợp đồng nào thay thế. Họ cảm thấy giống như là mình bị ông Ferguson và lãnh đạo đội bóng biến thành những kẻ đần độn.
Hansen có thể là đã đi quá xa, nhưng ông ấy không đơn độc trên con đường chống lại Manchester United. Phóng viên Martin Thorpe của tờ The Guardian đã gọi trận thua của thầy trò ông Ferguson trước Aston Villa là một thất bại toàn diện. “Có lẽ sau cơn ác mộng với Cantona và Kanchelskis, thất bại 1-3 ở Villa Park là đòn choáng váng tiếp theo giáng vào Ferguson”, Thorpe viết. “Cứ theo như cách nghĩ của ông ấy, trận đấu hôm thứ Bảy vừa rồi cũng chẳng đến nỗi tệ hại lắm. Ferguson đã nói rằng, mọi người có thể quên Ince, quên Kanchelskis và Hughes đi. Ông ta đã nói rằng chúng ta cần phải đặt trọn vẹn niềm tin vào đám trẻ. Và thành quả ban đầu của chính sách rẻ tiền đó là đây: Manchester United thua Aston Villa 1-3 và Ferguson thua 0-1 trước những người đã từng cảnh báo ông.”
Thực tế chứng minh, Hansen đã lầm khi không tin vào khả năng Manchester United có thể vô địch Premier League mùa giải 1995/96, và khăng khăng cho rằng Ferguson cần phải mua sắm ngay. Trong trận đấu ở Villa Park, Manchester United đã không có Ryan Giggs, Steve Bruce và Andy Cole - bộ ba thi đấu ít nhất 30 trận mỗi người ở Premier League mùa giải 1995/96.
Trong số các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu ở Villa Park, O'Kane đã không có cơ hội thứ hai trở lại thi đấu Premier League cho Manchester United. Scholes chỉ đá chính 15 trận, còn Phil Neville đá 21 trận trong cả mùa giải 1995/96. Vì thế, xét trên một khía cạnh nào đó, những gì Hansen nói cũng không hoàn toàn sai. Ferguson không thể hy vọng cùng Manchester United vô địch chỉ bằng những cầu thủ do họ tự đào tạo.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2012, khi nhắc lại chuyện cũ, Hansen tâm sự: “Thắng làm vua, thua làm giặc. Họ đã thắng và tôi buộc phải thừa nhận rằng mình đã sai. Nhưng tôi cho rằng, mình chỉ nói sai thời điểm. Nếu ở mùa giải đó, Manchester United không giành cú đúp, chắc chắn nhiều người cũng có những phát ngôn giống như tôi. Tôi cho rằng nghìn năm may ra mới có một đội bóng có thể dễ dàng gặt hái thành công như lứa trẻ của ông Ferguson.”
Những lời tự bào chữa của Hansen rất đáng được ghi nhận. Bởi từ mùa giải 1995/96, sau lứa trẻ của Manchester United, quả thực người ta không thể tìm thấy một đội bóng nào ở Anh với đội hình non trẻ mà có thể nhanh chóng gặt hái được thành công như thế. Với ngân sách mua sắm ngày càng lớn, trong khi niềm tin đặt vào các huấn luyện viên (đặc biệt ở các đội bóng lớn) ngày càng giảm sút, lựa chọn an toàn nhất đối với các huấn luyện viên là mua cầu thủ để tăng cường lực lượng, thay vì tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ do đội nhà tự đào tạo. Cũng dễ hiểu thôi, người trẻ thường hay mắc sai lầm. Mà sai lầm nhiều khi khiến các huấn luyện viên phải trả những cái giá rất đắt.
Sai lầm lớn nhất của Hansen cũng như nhiều người khác là đã đánh giá thấp đám trẻ của huấn luyện viên Ferguson năm đó. Sau chức vô địch FA Cup tại giải trẻ năm 1992, “Thế hệ 92” (Giggs, Butt, Scholes, Garry Neville, Phil Neville, Beckham) đã cùng nhau cống hiến cho Manchester United trong suốt một quãng thời gian rất dài, đặc biệt đã giúp “Quỷ đỏ” giành cú ăn ba lịch sử trong mùa giải 1998/99. Nếu cộng tất cả số lần đăng quang cùng Manchester United tại Premier League của mỗi cầu thủ trong lứa trẻ đó lại với nhau, chúng ta sẽ có tới 54 chức vô địch.
Ferguson tin tưởng rằng ông được tiếp quản một lứa cầu thủ trẻ vô cùng tài năng từ huấn luyện viên đội trẻ Eric Harrison. Họ đã giúp Manchester United vô địch giải trẻ FA Cup lần đầu tiên sau 28 năm một cách vô cùng ấn tượng. Nhưng ngay từ trước khi diễn ra hai trận đấu chung kết FA Cup lượt đi và về năm 1992, ông đã nung nấu ý định sẽ đôn một số cầu thủ lên đội 1 ở mùa giải 1995/96. Và sau khi xem họ chơi ở chung kết FA Cup một năm sau đó, dù các cầu thủ trẻ của Manchester United thua sát nút, ông vẫn thốt lên: “Tôi chưa từng thấy lứa trẻ nào hay đến như vậy!”
“Thực lòng tôi không muốn đề cao đám nhóc này quá. Nhưng họ thực sự rất hay”, ông Ferguson chia sẻ. “Với tài năng và khát vọng của tuổi trẻ, họ sẽ còn tiến xa. Giành chức vô địch FA Cup giải trẻ có thể là cột mốc quan trọng để mở ra cánh cửa tương lai đầy tươi sáng đối với họ. Tôi vẫn nhớ khi Manchester United vô địch năm 1964 cũng tại giải trẻ FA Cup, đó cũng là bước ngoặt để Manchester United tìm lại ánh hào quang sau thảm họa rơi máy bay ở Munich.”
Những chức vô địch Premier League liên tiếp của Manchester United sau đó chính là nhờ vào niềm tin mà huấn luyện viên Ferguson đã đặt vào “Thế hệ 92”. Ông rất lạc quan rằng, với đám trẻ tài năng đó, nếu được phát triển đúng hướng, họ sẽ trở thành lứa cầu thủ tiếp nối thế hệ Busby Babes. Manchester United sẽ không bao giờ quên được thảm họa Munich. Nhưng cách tốt nhất để nhớ về Busby Babes chính là tạo nên một triều đại mới với những đứa trẻ ở Manchester lớn lên cùng nhau, ăn tập cùng nhau.
Tuy “Thế hệ 92” rất có tiềm năng, nhưng Ferguson cũng hiểu rằng, chỉ với sự dạy bảo của ông, chưa chắc họ đã có thể vươn tầm thành những ngôi sao. Họ còn cần một người trực tiếp dẫn dắt, bảo ban ở trên sân - một người có khả năng trở thành chất xúc tác để tài năng của “Thế hệ 92” có thể nở rộ. Cầu thủ đó không nhất thiết phải kề vai sát cánh cùng “Thế hệ 92” trong các trận đấu chính thức, nhưng phải hằng ngày tham gia vào các buổi tập cùng họ và đóng vai trò như một gia sư cho đám trẻ. Đó là lý do giải thích tại sao huấn luyện viên Ferguson phải cất công sang tận Pháp để đưa Cantona về Old Trafford cho bằng được.
Tài năng thiên phú và sức lan tỏa của Cantona lập tức biến anh thành thần tượng của “Thế hệ 92”. Có một giai thoại về ngày đầu tiên trở lại tập luyện tại Manchester United của Cantona, trong bối cảnh nhiều trụ cột của Manchester United có vẻ thận trọng với Cantona sau vụ anh được gia hạn hợp đồng với mức lương ngất ngưởng. Cantona đã tiến đến đám cầu thủ trẻ. Anh biểu diễn kỹ thuật bằng cách tự sút bóng vào tường, đón trái bóng nảy ra, rồi liên tiếp lặp lại những động tác như thế, giống như thể bức tường đó là một con người bằng xương bằng thịt đang ban bật bóng với mình. Anh khiến đám trẻ tròn xoe mắt ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
Scholes và Beckham là 2 trong số những đứa trẻ đã được hội ngộ cùng Cantona trong buổi tập hôm đó. Cầu thủ người Pháp đã thực sự truyền được cảm hứng cho các đàn em, để rồi họ sau đó cũng “lây nhiễm” tài năng của anh. “Một khi đám trẻ đã coi Cantona là thần tượng, những gì cậu ấy cố gắng làm thì chúng cũng muốn noi theo”, huấn luyện viên Ferguson chia sẻ. “Đó là cách mà Manchester United hiện đang chơi bóng, thứ bóng đá mà đến cả những người trung tuổi cũng có thể nhảy cẫng lên một cách vui sướng giống như những đứa trẻ 2 tuổi.”
Nói một cách chính xác, huấn luyện viên Ferguson đã sử dụng Cantona như một công cụ truyền cảm hứng cho “Thế hệ 92”. Trong một trận thắng của Manchester United trên sân của Southampton năm 1993, khi chứng kiến Cantona tung ra một đường kiến tạo bóng dọn cỗ cho đồng đội, huấn luyện viên người Scotland quay sang nói với Ryan Giggs - cầu thủ vừa được thay ra khỏi sân: “Khi nào cậu đạt đến sự chuẩn xác mẫu mực đó, cậu mới có thể tự vỗ ngực gọi mình là một cầu thủ. Nhớ đấy, cậu đang có vinh dự được xem kiệt tác của một kỹ thuật gia bậc thầy.”
Tất nhiên, một khi đã là tài năng thiên bẩm thì không ai có thể truyền dạy được. Cantona chỉ là người truyền cảm hứng, còn quan trọng hơn cả là các cầu thủ trẻ cần phải tự nỗ lực hết mình. Huấn luyện viên Ferguson cũng chẳng hề mong “Thế hệ 92” sẽ trở thành những bản sao của Cantona. Tập luyện với cầu thủ người Pháp giúp “Thế hệ 92” cải thiện được nhiều kỹ năng, nhưng chẳng ai trong số họ sở hữu những phẩm chất kỹ thuật giống như Cantona. Những đứa trẻ của ông Ferguson trở nên nổi tiếng sau này chủ yếu là do họ đã tự biết cách phát huy tài năng của riêng mình để liên tục nâng bản thân lên những tầm cao mới.
Ngay cả trước khi tái xuất thi đấu trận đầu tiên cho Manchester United, thái độ chuyên nghiệp của Cantona đã khiến huấn luyện viên Ferguson rất hài lòng. Sau một buổi sáng tập luyện, Cantona nói với ông thầy rằng, anh muốn mượn hai cầu thủ thêm một giờ đồng hồ. Cầu thủ người Pháp quyết định tạm gác bữa trưa lại để tập thêm. Ferguson không có lý do để từ chối. Ông cũng ở lại xem cậu học trò cưng tập luyện các kỹ năng đi bóng và dứt điểm. Các cầu thủ khác trong đội thấy vậy cũng sẵn sàng ở lại để cùng huấn luyện viên Ferguson xem Cantona tập.
Buổi tập thêm đó của Cantona làm bật lên một thông điệp: Tài năng của một cầu thủ không chỉ hoàn toàn là thiên phú, mà có một phần lớn từ thái độ chịu khó tập luyện, rèn giũa.
“Eric là mẫu cầu thủ chẳng bao giờ nói gì khi tập luyện”, Ferguson viết trong cuốn tự truyện A Year in the Life. “Cậu ấy chỉ cắm đầu vào tập và tập, bằng thái độ chuyên nghiệp đáng ngưỡng mộ. Cantona luôn là người đến sân sớm nhất và gần như là rời sân muộn nhất đội.”
Tinh thần của Cantona đã nhanh chóng lan tỏa. Huấn luyện viên Ferguson nhớ lại rằng, đã có rất nhiều cầu thủ khác của Manchester United sau đó cũng thường xuyên xin tập thêm giờ, ban đầu là các cầu thủ trẻ, sau đó lan ra gần như cả đội. Chỉ có một vài cầu thủ lão tướng như Bruce từ chối tập thêm với lý do thể lực không đảm bảo. “Vào ngày thứ Sáu, tôi thậm chí đã phải yêu cầu họ rời sân tập sớm”, Ferguson kể lại với giọng đầy tự hào. Công việc đối với một huấn luyện viên sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều một khi tự bản thân các cầu thủ đều tự tạo động lực phấn đấu cho chính họ.
Kể từ sau mùa giải 1994/95, Ferguson vẫn thường xuyên dành những lời khen ngợi cho Cantona: “Cậu ấy luôn là cầu thủ tự giác tập luyện nhất mà tôi từng dẫn dắt. Cậu ấy luôn xuất hiện đầu tiên trong những buổi tập. Cậu ấy tự khởi động trước, rồi sau đó tiếp tục khởi động cùng cả đội. Cậu ấy tập luyện rất có phương pháp. Đó là một hình mẫu về sự chuyên nghiệp, một mẫu cầu thủ đáng mơ ước đối với bất kỳ huấn luyện viên nào.”
Cantona đã cho các cầu thủ trẻ thấy rằng, dù tài năng đến đâu, thì sự tập luyện chăm chỉ vẫn là điều cực kỳ cần thiết. Tập luyện nhiều không chỉ giúp cầu thủ cải thiện các kỹ năng mà còn giúp họ tăng cường sức chịu đựng để vượt qua những giới hạn của bản thân. Trong bối cảnh văn hóa la cà ăn uống đang thịnh hành ở Manchester United nói riêng và ở các đội bóng khác của Anh trong thập niên 90 nói chung, Cantona là người tiên phong tạo ra một thứ văn hóa mới. Đó là văn hóa vui hết mình, mà làm việc cũng hết mình.
Hậu vệ Gary Neville nhớ về Cantona như là một hình mẫu hoàn hảo trên sân tập. Anh đã được cầu thủ người Pháp bảo ban rất nhiều để có những tiến bộ lớn. Neville cũng kể lại rằng, một sai lầm khi khởi động, một cú vào bóng hỏng hay một đường chuyền sai của các anh đều được Cantona điều chỉnh bằng cách thuyết phục họ tập luyện gấp đôi, gấp ba lần những động tác đó để tránh tái phạm.
Cantona đã dạy dỗ các đàn em rất nghiêm khắc như thế.
Sự chuyên nghiệp của Cantona đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những trận đấu tập. Huấn luyện viên Arsene Wenger đã rất thành công khi huấn luyện Arsenal, trong đó một nguyên nhân quan trọng là nhờ vị “giáo sư” này đã cải thiện triệt để chế độ dinh dưỡng, áp dụng chế độ ăn kiêng với các cầu thủ. Trên thực tế, bốn năm trước khi Wenger được bổ nhiệm làm huấn luyện viên của Arsenal, Cantona đã làm như thế ở Manchester United. Anh không ăn thịt quá một lần một tuần vì cho rằng nạp quá nhiều protein sẽ sản sinh ra các độc tố trong cơ thể và gây ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe. Đây cũng là cách ăn uống điều độ mà tiền đạo Lionel Messi đang áp dụng hiệu quả, góp phần giúp anh liên tục vươn đến những tầm cao mới.
Cantona có thể ăn mỳ ống mỗi ngày một lần, hạn chế tối đa các loại đường chuyển hóa nhanh để cung cấp lượng glucose vừa đủ nhưng không duy trì và giải phóng năng lượng một cách từ từ. Anh thường xuyên nhắc nhở đồng đội cố gắng uống nhiều nước trái cây và ngủ càng nhiều càng tốt. Cầu thủ người Pháp luôn ngủ tối thiểu 10 tiếng mỗi đêm.
Ở Manchester United khi đó, các cầu thủ thỉnh thoảng vẫn được xả trại. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích, nhưng cần phải hạn chế tối đa sử dụng các chất có cồn. Ngày nay, người ta thấy chế độ ăn kiêng là hoàn toàn hợp lý đối với các vận động viên thể thao, nhưng hồi đó, không phải ai cũng hiểu. Ferguson cấm tiệt các học trò la cà nhậu nhẹt, trào lưu đang hết sức thịnh hành ở Premier League. Tuy nhiên, đôi lúc ông vẫn phải nghe những lời phàn nàn từ các cầu thủ, thậm chí có những người ngấm ngầm chống lệnh. Việc Manchester United có một cầu thủ ăn uống điều độ như Cantona làm tấm gương giúp huấn luyện viên người Scotland có đồng minh và nhờ đó Old Trafford không hề tồn tại những con “sâu rượu”.
Cantona là một cầu thủ chơi bóng gần như theo bản năng và rất nhạy cảm về chiến thuật. Tháng 12/1994, sau khi Manchester United đánh bại Galatasaray 4-0, huấn luyện viên Ferguson bước vào phòng thay đồ và đã mắt thấy tai nghe Cantona đang giảng giải về chiến thuật cho Gary Neville và Beckham qua sa bàn. Trong cuốn tự truyện Leading, chiến lược gia này bày tỏ sự cảm kích dành cho Cantona khi anh đã mách nước cho Manchester United chiến thuật đánh bại Liverpool ở trận chung kết FA Cup năm 1996. Trước trận đấu, cầu thủ người Pháp gợi ý rằng tiền vệ Roy Keane cần phải đá lùi sâu hơn thường lệ để khóa chặt ngòi nổ Steve McManaman. Ferguson ngạc nhiên vì ông không hề nghĩ đến điều đó. Một phần nhờ mách nước của Cantona, Manchester United hôm đó đã giành chiến thắng.
Cuối cùng, Cantona còn truyền cho “Thế hệ 92” của Manchester United cả cách làm thế nào để xuất hiện như một vị Thánh tỏa ánh hào quang. Cantona có sự tự tin ở bản thân lớn đến mức có cảm giác anh là một kẻ bất khả chiến bại. Đó là lý do giải thích tại sao ngay cả khi cầu thủ người Pháp đã rời Old Trafford, Manchester United vẫn luôn xuất hiện và thi đấu một cách tự tin để có thể gặt hái được nhiều thành công rực rỡ.
Dưới triều đại của Ferguson, Manchester United có khá nhiều nhạc trưởng. Năm 1994, sau khi Bryan Robson ra đi, Steve Bruce được chọn đeo băng thủ quân. Thủ môn Peter Schmeichel là một chiến binh thực thụ, còn Roy Keane thay Paul Ince trở thành lá phổi của “Quỷ đỏ” ở khu vực giữa sân. Nhưng không ai trong số họ hội tụ được nhiều phẩm chất tốt như Cantona, từ kỹ năng chơi bóng, sự tự tin đôi lúc thậm chí hơi thái quá, cho đến sự hết mình cho bóng đá.
Trong cuốn tự truyện của mình, Schmeichel viết: “Cantona quan trọng đối với Manchester United không chỉ vì những gì anh đã cố gắng thể hiện ở trên sân. Điều đáng nói hơn cả, anh ấy là người truyền cảm hứng và kinh nghiệm thi đấu cho cả đội.” Huấn luyện viên Ferguson cũng đồng quan điểm: “Chúng tôi lúc đó có nhiều cầu thủ trẻ đang trong thời kỳ phát triển tài năng. Sự xuất hiện của Cantona là rất đúng thời điểm đối với họ. Cậu ấy đã dạy cho đám trẻ tư duy đá bóng, cách bao quát trận đấu và đặc biệt là cách phát huy trí tưởng tượng để chơi bóng một cách sáng tạo.”
Rất tình cờ, Cantona đã trở thành một cố vấn, chính xác hơn là một gia sư cho “Thế hệ 92” của Manchester United. Trong thời gian phải lao động công ích, Cantona từng rất thích thú khi được dạy bóng đá cho 700 trẻ em. Nhờ đó, anh đã có cơ hội trở thành thần tượng của lũ trẻ ở Manchester. Đặc biệt, việc ngày qua ngày được tập luyện và bảo ban “Thế hệ 92” của Manchester United tạo ra sự hứng khởi vô cùng lớn đối với cầu thủ người Pháp. Cantona đặc biệt hạnh phúc khi được chứng kiến những ảnh hưởng tích cực mà anh đã truyền được cho các đàn em, để rồi chính những cầu thủ đó về sau lại truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp ở Manchester United nói riêng và cấp đội tuyển quốc gia nói chung.
“Tôi luôn có một cảm giác vô cùng thân thương mỗi khi ngắm nhìn họ, những chàng trai trẻ của Manchester United”, Cantona bồi hồi kể lại. “Khi họ chạm vào tôi, khi họ nói với tôi bằng giọng rất êm ái, tôi đáp lại họ bằng sự chân tình để rồi khi rời đi, đám nhóc đó hiểu được một điều rằng, họ vừa nói chuyện với một cầu thủ yêu thích họ nhiều hơn là họ tưởng.” Đó cũng là cái cách mà Cantona đã “đắc nhân tâm” trong mùa hè dạy bóng đá cho trẻ em ở Manchester năm 1995.
Đó cũng là cơ hội để Cantona đáp lại sự ủng hộ của Manchester United dành cho anh, đặc biệt là từ ông thầy Ferguson. Không được chơi bóng đá đỉnh cao, nhưng được đi làm gia sư cho thế hệ trẻ tài năng là điều tuyệt vời đối với Cantona, giúp cầu thủ người Pháp tạo được một chỗ đứng bất tử ở đội bóng mà anh luôn coi như là nhà.
Những giai thoại về tầm ảnh hưởng của Cantona, trong thời kỳ mới bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp của các cầu thủ “Thế hệ 92”, có thể kể mãi chẳng hết. Mỗi người trong lứa trẻ đó đều có sự cảm nhận và lĩnh hội khác nhau từ cách bảo ban, dạy dỗ của Cantona, cả trong thi đấu cũng như trong quá trình phát triển tính cách.
Một ví dụ điển hình là David Beckham. Tài năng của tiền vệ này nở rộ cũng một phần nhờ vào sự khích lệ tuyệt vời từ Cantona. Noi theo đàn anh, Beckham hồi đó rất chịu khó nán lại sân sau mỗi buổi tập luyện để cùng với ngôi sao người Pháp tập đi tập lại những cú sút phạt hay những cú phất bóng dài. Khoảnh khắc khiến Beckham tự hào nhất là khi anh ghi bàn từ khoảng cách giữa sân vào lưới của Wimbledon trong trận mở màn của mùa giải 1996/97. Chính Cantona cũng đã nói rằng, đó là bàn thắng đẹp nhất trong đời mà anh được trực tiếp chứng kiến.
Gary Neville thì viết rằng, anh đã dành những năm đầu của sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp chỉ để chứng minh cho Cantona thấy mình luôn có động lực phấn đấu. Cantona rất hiếm khi chê bai các cầu thủ trẻ, mà thường cổ vũ họ cố gắng nhiều hơn mỗi khi thấy họ phạm sai lầm. “Chúng tôi luôn cố gắng đến mệt nhoài chỉ để cố chứng tỏ mình với anh ấy”, Neville viết trong cuốn tự truyện của mình. Anh cũng luôn tìm Cantona để xin những lời khuyên nhủ mỗi lúc gặp vấn đề gì đó. Dù là một ngôi sao sáng giá, nhưng Cantona luôn tạo cho người khác cảm giác anh rất gần gũi. Đó là điều hiếm thấy ở các danh thủ thời bấy giờ.
“Eric có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cầu thủ của tôi, kể từ lúc tôi vừa chân ướt chân ráo từ đội trẻ được đôn lên.” Đó là tâm sự của Ryan Giggs - cầu thủ có kỹ thuật và sự tinh tế mà huấn luyện viên Ferguson từng ca ngợi có nhiều nét tương đồng với Cantona. “Chúng tôi đã duy trì mối quan hệ rất tốt trong 5 năm anh ấy ngự trị ở Old Trafford. Chúng tôi đã được xem, được tập luyện và thi đấu cùng với một cầu thủ xuất chúng đến mức không thể tin nổi. Eric Cantona mở ra những chân trời mới trong bóng đá. Không phải bất kỳ điều gì Cantona cũng làm được, nhưng chắc chắn anh ấy có thể làm cho mọi người phải nhớ đến mình với những cú vẩy bóng hay lốp bóng ngoài sức tưởng tượng. Anh ấy khiến những thứ tưởng như rất khó đối với mọi người trở nên đơn giản. Trước khi anh ấy tái xuất, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chinh phục mành lưới của đối phương. Nhưng với Cantona trên sân, các bàn thắng cứ tự nhiên xuất hiện.”
Còn trong mắt của Scholes, Cantona là một bậc thầy về chiến thuật. Scholes rất đa năng. Anh từng khởi nghiệp ở vị trí tiền đạo, nhưng sau đó lại trở thành một tiền vệ công xuất chúng. Anh có thể lùi sâu về phần sân nhà tranh cướp bóng để giúp Manchester United giành lại quyền kiểm soát trận đấu, có thể là cầu nối tuyệt vời giữa hàng tiền vệ và hàng tiền đạo, và luôn biết cách tìm ra những khoảng trống tưởng như không hề tồn tại trên sân. Khi bực bội vì đội nhà để mất thế trận, anh có thể tung ra những cú chuồi bóng quyết liệt. Có lẽ ai cũng đoán được Scholes học được những phẩm chất đó từ ai.
Cantona không chỉ gia sư cho “Thế hệ 92” trong các buổi tập, mà còn chăm sóc họ đúng với vị thế của một người anh lớn. Hồi đó, cả đội Manchester United hay có trò chơi góp “gà” bằng số tiền có được từ các buổi tham dự sự kiện truyền thông của cả đội. Cầu thủ nào không thích tham gia thì được chia tiền ngay, số còn lại sẽ góp tiền vào để chờ đến trận chung kết FA Cup mới rút thăm xem ai là người may mắn ẵm cả giải thưởng đó.
Đa số các cầu thủ trẻ như Gary Neville hay Beckham đều chọn cách chia tiền ngay (do thu nhập thấp, họ xem đó như là một khoản thưởng lớn). Nhưng Scholes và Butt thì chấp nhận góp “gà”. Cantona đã thắng trong trò chơi rút thăm và giành được số tiền lên đến 7.500 bảng Anh, tương đương với khoảng hai tháng lương của Scholes và Butt. Anh quyết định tặng cho hai cầu thủ này mỗi người 3.750 bảng vì cho rằng họ rất có khí chất của đàn ông.
Điều thú vị là trận đấu đầu tiên của Cantona sau án treo giò 8 tháng lại chính là cuộc đối đầu giữa đội nhà với đại kình địch Liverpool. Hôm đó, cả sáu cầu thủ của “Thế hệ 92” đều thi đấu. Manchester United không thực sự chơi tốt và nhiều người có lẽ đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng truyền cảm hứng của Cantona cho đàn em. Nhưng huấn luyện viên Ferguson không vì thế mà đánh giá thấp vai trò của cầu thủ người Pháp.
“Đó là một liều thuốc tuyệt vời cho các cầu thủ trẻ. Họ luôn cảm thấy an toàn vì có một người cố vấn ở phía sau để tin tưởng”, Ferguson viết trong cuốn tự truyện Leading. “Mối dây liên kết giữa các cầu thủ thường dễ thiết lập hơn là giữa các cầu thủ với ban huấn luyện. Tôi đã nghe nhiều người nói rằng, ‘Thế hệ 92’ sở dĩ có thể vươn tới đỉnh cao vinh quang là nhờ họ đã có được một người thầy tốt như Cantona. Tôi không hề cảm thấy ganh tỵ. Những con người kiệt xuất luôn biết cách làm thay đổi cuộc đời của bạn.”
Nhưng phải về lâu về dài, người ta mới nhìn nhận đúng được vai trò của Cantona trong sự thành công của “Thế hệ 92”. Còn ban đầu, có rất nhiều người - giống như Hansen - đều cho rằng, Manchester United cần phải sớm sửa chữa sai lầm bằng những bản hợp đồng mới.
Manchester United đã lập tức đứng dậy sau cú ngã ngựa ở trận ra quân trên sân của Aston Villa. Ở trận đấu sân nhà đầu tiên tại Premier League mùa giải 1995/96, “Quỷ đỏ” đánh bại West Ham với tỉ số 2-1, trong một ngày Bruce đã biếu không cho đối thủ 1 bàn thắng. Sau đó, họ khuất phục Wimledon với tỉ số 3-1, hòa Blackburn trong trận đấu mà Roy Keane phải nhận thẻ đỏ, rồi đánh bại Everton với tỉ số 3-2. Sau khi đánh bại Bolton 3 bàn không gỡ, đội bóng của ông Ferguson vươn lên vị trí thứ 2 ở Premier League và là đội ghi nhiều bàn thắng nhất mùa giải.
Dù vậy, những lời dè bỉu vẫn hướng về phía Manchester United. Họ ví đội bóng thành phố Manchester như tờ giấy nhàu nát được cố vuốt lại bằng tay cho phẳng. Andy Cole chỉ ghi được 1 bàn sau 6 vòng đấu đầu tiên. Tệ hơn nữa, Manchester United đã thua 0-3 ngay trên sân nhà ở League Cup trước đội bóng hạng Ba York City. Nhưng thất bại bất ngờ đó là có thể thông cảm được khi Ferguson tung ra sân đội hình không phải là mạnh nhất. Đội hình xuất phát của “Quỷ đỏ” hôm đó có Giggs, Phil Neville và Beckham cùng với Lee Sharpe, Gary Neville, Denis Irwin và Paul Parker.
Trong trận đấu cuối cùng của Manchester United trước ngày Cantona tái xuất, họ phải dừng chân tại UEFA Cup ngay từ vòng loại bởi Rotor Volgograd - đội bóng kết thúc giải vô địch quốc gia Nga năm 1995 chỉ với 31 điểm. Trong buổi tối hôm đó, dù thủ môn Peter Schmeichel đã ghi bàn, nhưng vẫn không thể giúp Manchester United lật ngược tình thế. Hai đội hòa 2-2 ở Old Trafford và Manchester United bị loại bởi luật bàn thắng sân khách.
“Manchester United vẫn duy trì kỷ lục bất bại trên sân nhà ở đấu trường châu Âu, nhưng họ đã bị loại ngay ở vòng đầu UEFA Cup”, phóng viên Guy Hodgson của tờ The Independent mỉa mai. “Đó là kết quả mà ngay cả sự tái xuất của Cantona vào ngày Chủ nhật cũng không làm cổ động viên của Manchester United nguôi ngoai được.” Trên tờ The Guardian, phóng viên Cynthia Bateman cũng phũ phàng bình luận: “Manchester United thi đấu rời rạc như thể họ chưa từng chơi bóng cùng nhau.”
Sự trở lại kịp thời của Cantona đã cứu cho huấn luyện viên Ferguson một bàn thua ngoạn mục. Giới truyền thông đếm ngược ngày Cantona tái xuất trong trận gặp Liverpool. Những thông tin liên quan đến cầu thủ người Pháp phủ đầy các mặt báo và do vậy chẳng mấy ai để ý nhiều đến việc Manchester United bị loại khỏi UEFA Cup. Người ta đua nhau tự đặt câu hỏi liệu Manchester United sẽ hồi sinh ra sao sau khi Cantona trở lại thi đấu.
Tất cả đều háo hức chờ đợi Cantona. Cả nước Anh đua nhau đoán già đoán non về sự trở lại của King Eric.