C
húng ta có biết mình muốn nói gì khi nói về bản ngã không? Khi nói về bản ngã, tôi muốn nói đến ý tưởng, ký ức, kết luận, kinh nghiệm, nhiều dạng khác nhau của những ý định có thể và không thể gọi tên, nỗ lực có ý thức để hiện hữu hoặc không hiện hữu, ký ức được tích lũy của vô thức, của chủng tộc, phe phái, cá nhân, và toàn bộ những điều đó được phóng chiếu ra bên ngoài bằng hành động, hoặc phóng chiếu trong tinh thần ở dạng đức hạnh. Sự nỗ lực tranh đấu đằng sau tất cả điều này chính là bản ngã. Trong đó cũng bao gồm sự cạnh tranh, khao khát được hiện hữu. Toàn bộ quá trình vừa nói chính là bản ngã. Và khi chúng ta đương đầu với bản ngã, chúng ta thực sự biết rằng nó là một thứ xấu xa. Tôi đang dùng từ “xấu xa” một cách cố ý, bởi vì bản ngã luôn gây chia rẽ: Bản ngã tự đóng khung khép kín; các hoạt động của nó, dù có cao quý đi nữa, cũng mang tính tách biệt và cô lập. Chúng ta đều biết điều này. Và chúng ta cũng biết những khoảnh khắc phi thường khi bản ngã không hiện diện. Khi đó, không có cảm giác nỗ lực, gắng sức và trạng thái này chỉ xuất hiện khi có tình thương.
Đối với tôi, việc hiểu được kinh nghiệm củng cố bản ngã ra sao thực sự rất quan trọng. Nếu có thái độ nghiêm túc, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề này. Vậy, chúng ta muốn nói gì khi nói đến kinh nghiệm? Trên thực tế, chúng ta lúc nào cũng trải qua kinh nghiệm, đó là những ấn tượng. Chúng ta diễn dịch các ấn tượng đó, rồi phản ứng hoặc hành động theo chúng. Chúng ta đầy tính toán, khôn khéo, vân vân. Có sự tác động tương hỗ không ngừng giữa những gì chúng ta nhìn thấy một cách khách quan và phản ứng của chúng ta đối với chúng, cùng với tác động tương hỗ giữa ý thức và những ký ức của vô thức.
Theo các ký ức của tôi, tôi phản ứng với bất cứ điều gì tôi nhìn thấy, bất cứ điều gì tôi cảm nhận được. Trong quá trình phản ứng với điều tôi thấy, điều tôi cảm nhận, điều tôi biết, điều tôi tin, chẳng phải kinh nghiệm đang diễn ra đó sao? Phản ứng – tức là sự hồi đáp với điều đã thấy – chính là kinh nghiệm. Khi tôi thấy bạn, tôi phản ứng. Việc gọi tên được phản ứng đó chính là kinh nghiệm. Nếu tôi không gọi tên được phản ứng đó, thì nó không phải là một kinh nghiệm. Hãy quan sát các phản ứng của riêng bạn và những gì đang xảy ra quanh bạn. Sẽ không có kinh nghiệm nếu không có một quá trình định danh diễn ra đồng thời. Nếu tôi không nhận ra bạn, thì làm sao tôi có kinh nghiệm về việc gặp bạn chứ? Điều này thật đơn giản và đúng đắn. Nếu tôi không phản ứng theo ký ức của mình, theo những điều kiện, thành kiến của mình, thì làm sao tôi có thể biết rằng tôi đã có một kinh nghiệm? Chẳng phải sự thật là vậy sao?
Vậy thì những khao khát đa dạng đã phóng chiếu ra bên ngoài. Tôi khao khát được bảo vệ, có được bình an trong tâm hồn. Hoặc tôi khao khát có được một bậc đạo sư, một bậc thầy, một Thượng Đế để nương tựa. Và tôi trải nghiệm điều mà tôi đã phóng chiếu đó. Tức là tôi đã phóng chiếu một khao khát có một hình thức mà tôi đã định danh. Và tôi phản ứng theo hình thức đã có tên đó. Đó là sự phóng chiếu ra bên ngoài của tôi. Đó là sự định danh của tôi. Lòng khao khát đã cho tôi thể nghiệm đó giờ đây khiến tôi nói: “Tôi có kinh nghiệm”, “Tôi đã diện kiến bậc đạo sư”, hoặc “Tôi chưa diện kiến bậc đạo sư”. Bạn hiểu được toàn bộ quá trình gọi tên một kinh nghiệm. Và cái mà bạn gọi là kinh nghiệm chính là khao khát, chẳng phải vậy sao?
Khi tôi khao khát sự tĩnh lặng trong tâm trí, thì điều gì diễn ra? Chuyện gì xảy đến? Tôi thấy có một tâm trí tĩnh lặng, một tâm trí thanh tịnh thật quan trọng vì nhiều lý do khác nhau. Bởi vì kinh Upanishad đã nói như vậy, các kinh điển tôn giáo đã nói như vậy, các thánh đã nói điều đó, và chính tôi đôi khi cũng cảm thấy tĩnh lặng thì tốt biết bao, do tâm của tôi đã quá lao xao suốt cả ngày rồi. Thỉnh thoảng tôi cảm nhận rằng thật tốt biết bao, vui biết bao khi có tâm trí bình an, tâm trí thanh tịnh. Lòng khao khát đó là trải nghiệm sự tĩnh lặng. Tôi muốn có một tâm trí tĩnh lặng, vì vậy, tôi tự hỏi “Làm sao đạt được điều đó?”. Tôi biết được những cuốn sách nói về thiền định và những dạng thức rèn luyện khác nhau. Vì vậy, thông qua rèn luyện, tôi mong cầu trải nghiệm sự tĩnh lặng. Thế là bản ngã, tức là “tôi”, đã tự củng cố, cố định mình trong kinh nghiệm về tĩnh lặng.
Tôi muốn hiểu chân lý là gì: Đó là ao ước của tôi, khao khát của tôi; rồi tiếp theo là sự phóng chiếu ra ngoài của tôi về điều mà tôi coi là chân lý đó, bởi vì tôi đã đọc nhiều về nó, tôi đã nghe nhiều người nói về nó, các kinh điển tôn giáo đã mô tả về nó. Tôi muốn tất cả điều đó. Và chuyện gì xảy ra? Chính lòng mong muốn đó, chính niềm khao khát đó được phóng chiếu ra, và tôi trải nghiệm bởi vì tôi nhận ra trạng thái phóng chiếu đó. Nếu không nhận ra trạng thái đó thì tôi sẽ không gọi nó là chân lý. Tôi nhận ra nó và tôi thể nghiệm nó. Kinh nghiệm đó tạo sức mạnh cho bản ngã, cho cái “tôi”, không phải vậy sao? Vì vậy, bản ngã bị bao vây khép kín trong kinh nghiệm. Lúc đó, bạn sẽ nói rằng “Tôi biết”, “Vị đạo sư xuất hiện”, “Có Thượng Đế”, hoặc “Không có Thượng Đế”. Bạn sẽ nói rằng một hệ thống chính trị nào đó là đúng và tất cả những hệ thống khác thì không.
Vậy là kinh nghiệm luôn luôn làm tăng sức mạnh cho cái “tôi”. Bạn càng bị vây kín trong kinh nghiệm, thì bản ngã càng được củng cố. Và hậu quả là bạn, tính cách của bạn, kiến thức và niềm tin của bạn trở nên cứng nhắc ở một mức độ nào đó, bạn phô trương cho người khác thấy điều đó bởi vì bạn biết rằng họ không thông minh như bạn, và vì bạn có năng khiếu viết lách hoặc ăn nói nên bạn khôn ranh hơn họ. Bởi vì bản ngã vẫn đang hoạt động, nên những niềm tin, bậc đạo sư của bạn, các giai cấp, hệ thống kinh tế của bạn đều là quá trình cô lập, cách ly, và do đó, chúng gây tranh chấp, bất đồng. Nếu thực sự nghiêm túc hoặc tha thiết với điều này, thì bạn phải hóa giải hoàn toàn tâm điểm này mà không tìm cách biện minh gì cả. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hiểu quá trình kinh nghiệm.
Liệu tâm trí cùng bản ngã có thể không phóng chiếu ra ngoài, không khao khát, không trải nghiệm? Chúng ta thấy rằng tất cả kinh nghiệm của bản ngã đều là một sự phủ định, hủy hoại. Vậy mà chúng ta lại gọi chúng là hành động tích cực, không phải vậy sao? Và đó là điều mà chúng ta gọi là lối sống tích cực. Đối với bạn, xóa bỏ toàn bộ quá trình này mới là tiêu cực. Trong chuyện này bạn có đúng không? Liệu chúng ta, tức là bạn và tôi với tư cách những cá nhân, có thể đi tới gốc rễ của quá trình của bản ngã và thấu triệt nó không? Vậy thì cái gì gây tan rã bản ngã? Chẳng phải các nhóm tôn giáo cũng như những nhóm khác đã tạo cơ hội cho sự đồng nhất hóa sao? Họ kêu gọi: “Hãy đồng nhất hóa ngươi với một thực thể lớn hơn, khi đó bản ngã sẽ biến mất”. Nhưng chắc chắn đồng nhất hóa vẫn là quá trình của bản ngã thôi. Còn thực thể lớn hơn thì đơn giản chỉ là sự phóng chiếu ra bên ngoài của cái “tôi”, mà tôi thể nghiệm, và do đó, nó càng tăng sức mạnh cho cái “tôi”.
Tất cả các dạng thức khác nhau của kỷ luật, niềm tin và kiến thức chắc chắn sẽ chỉ củng cố thêm cho bản ngã. Chúng ta có thể tìm thấy một yếu tố nào đủ khả năng tiêu diệt bản ngã không? Hay đây chỉ là một câu hỏi sai lầm? Điều chúng ta muốn rất cơ bản thôi mà. Chúng ta muốn tìm ra cách nào đó để tiêu diệt cái “tôi”, chẳng phải vậy sao? Chúng ta nghĩ có nhiều phương tiện khác nhau, đó là sự đồng nhất hóa, niềm tin, tín ngưỡng,… Nhưng tất cả chúng đều ở mức độ ngang nhau. Không có phương tiện nào cao hơn phương tiện nào, bởi vì tất cả đều có sức mạnh ngang bằng trong việc củng cố bản ngã, cái “tôi”. Thế thì liệu tôi có thể thấy cái “tôi” ở bất cứ nơi nào nó tác động, và thấy được các thế lực và năng lượng phá hoại của nó không? Dù gọi là gì đi nữa thì nó vẫn là một thế lực chia cách, nó là sức mạnh phá hoại, nên tôi muốn tìm cách tiêu diệt nó. Bạn lẽ ra nên tự hỏi điều này: “Tôi thấy cái ‘tôi’ lúc nào cũng hoạt động và luôn luôn gây ra lo âu, sợ hãi, thất vọng, tuyệt vọng, đau khổ, không chỉ cho chính tôi, mà còn cho những người xung quanh. Liệu có thể tiêu diệt bản ngã đó, không phải một phần, mà là toàn bộ không?”. Chúng ta có thể đi tới gốc rễ của nó và phá hủy nó luôn không? Chẳng phải đó là cách duy nhất thật sự hiệu nghiệm hay sao? Tôi không muốn thông minh một cách phiến diện, mà muốn thông minh một cách toàn diện hợp nhất. Đa phần chúng ta thông minh theo từng tầng từng lớp, bạn có thể thông minh ở khía cạnh này, còn tôi ở khía cạnh khác. Một số người khôn ngoan trong công việc kinh doanh, một số khác lại thông minh trong công việc văn phòng, vân vân. Người ta khôn ngoan theo những cách khác nhau, nhưng lại không khôn ngoan toàn diện. Thông minh toàn diện hợp nhất nghĩa là không có bản ngã nữa . Liệu có thể không?
Có thể nào làm cho bản ngã vắng mặt hoàn toàn ngay bây giờ không? Bạn biết là điều đó có thể. Vậy những thành phần, yêu cầu cần thiết là gì? Yếu tố nào tạo nên điều đó? Liệu tôi có tìm được yếu tố đó không? Và khi đặt câu hỏi: “Liệu tôi có tìm được yếu tố đó không?”, thì chắc chắn tôi tin rằng điều đó là khả dĩ. Thế là tôi đã tạo ra một kinh nghiệm củng cố bản ngã, không phải vậy sao? Hiểu biết về bản ngã đòi hỏi rất nhiều khôn khéo, rất nhiều thận trọng, tỉnh giác, phải liên tục trông chừng để nó không trôi đi. Là người rất nghiêm túc, tôi muốn tiêu diệt bản ngã. Khi nói điều đó, tôi biết là có thể tiêu diệt bản ngã. Khi tôi nói: “Tôi muốn tiêu diệt điều này”, thì trong câu nói đó đã hàm chứa sự đang trải nghiệm của bản ngã, và vì vậy, bản ngã vẫn được củng cố. Vậy thì làm sao có thể khiến cho bản ngã không thể nghiệm? Người ta có thể thấy rằng trạng thái sáng tạo chẳng có chút kinh nghiệm nào của bản ngã. Sáng tạo là khi bản ngã không hiện hữu, bởi vì sáng tạo không thuộc về trí tuệ, không thuộc về tâm trí, không phải do tự phóng chiếu ra bên ngoài, mà nó là thứ gì đó vượt thoát mọi trải nghiệm. Vì vậy, liệu tâm trí có thể hoàn toàn tĩnh lặng, ở trong trạng thái không nhận thức, hoặc không trải nghiệm, ở trong một trạng thái mà sáng tạo có thể diễn ra – nghĩa là khi bản ngã không còn hiện diện nữa, khi bản ngã biến mất không? Đây mới chính là vấn đề, chẳng phải vậy sao? Bất cứ động thái nào của tâm trí, dù tích cực hay tiêu cực, cũng là một trải nghiệm và nó thực sự củng cố cho cái “tôi”. Liệu tâm trí có thể không nhận ra chăng? Rằng điều đó chỉ có thể xảy ra khi tĩnh lặng hoàn toàn, nhưng không phải trạng thái tĩnh lặng vốn là một kinh nghiệm của bản ngã, và do đó sẽ củng cố bản ngã.
Phải chăng có một thực thể tách biệt khỏi bản ngã, nhìn vào bản ngã và tiêu diệt bản ngã? Phải chăng có một thực thể tâm linh thế chỗ bản ngã và phá hủy nó, gạt nó qua một bên? Chúng ta nghĩ là có, đúng không? Đa phần những người có tôn giáo đều nghĩ có một yếu tố như vậy. Còn những người theo chủ nghĩa duy vật thì nói: “Bản ngã không thể nào phá hủy được. Chỉ có thể tác động và kiềm chế nó về mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng ta có thể giữ chặt nó trong một khuôn mẫu nhất định và chúng ta có thể phá vỡ nó. Do đó, bản ngã có thể được dùng để dẫn tới một cuộc sống cao quý, một đời sống đạo đức, để bản ngã không xen vào bất cứ thứ gì ngoài việc tuân theo khuôn mẫu xã hội, và để bản ngã hoạt động đơn thuần như một cỗ máy”. Điều đó chúng ta thừa biết. Có những người khác, những người gọi là tu hành – thật ra họ chẳng tu hành gì cả, nhưng chúng ta cứ gọi họ là vậy – thì nói: “Về bản chất, có một yếu tố như vậy. Nếu chúng ta có thể chạm đến yếu tố đó, nó sẽ tiêu diệt bản ngã”.
Liệu có một yếu tố tiêu diệt bản ngã thật không? Làm ơn hãy nhìn vào những gì chúng ta đang làm. Chúng ta đang dồn bản ngã vào một góc. Và nếu bạn để cho bản thân mình bị dồn vào một góc, thì bạn sẽ thấy chuyện gì xảy ra. Chúng ta thích một yếu tố phi thời gian, phi bản ngã, và chúng ta hy vọng yếu tố đó sẽ xuất hiện, hóa giải và tiêu diệt bản ngã – yếu tố đó, chúng ta gọi là Thượng Đế. Vậy thì có thứ nào như vậy mà tâm trí có thể hình dung ra không? Có thể có, mà cũng có thể không. Đó không phải là vấn đề. Nhưng khi tâm trí tìm kiếm một trạng thái tinh thần phi thời gian sẽ đi vào hành động để tiêu diệt bản ngã, thì đó chẳng phải là một dạng thức khác của kinh nghiệm đang củng cố cho cái “tôi” hay sao? Khi bạn tin tưởng điều gì đó, thì có phải nó đang thực sự diễn ra? Khi bạn tin rằng có chân lý, Thượng Đế, trạng thái phi thời gian, sự bất tử, thì không phải đó là quá trình củng cố bản ngã hay sao? Bản ngã đã phóng chiếu ra một thứ mà bạn cảm thấy và tin rằng sẽ đi tới và tiêu diệt bản ngã. Vì vậy, khi đã phóng chiếu ý niệm về tính liên tục trong một trạng thái phi thời gian như là một thực thể tâm linh, thì bạn có một kinh nghiệm. Và kinh nghiệm như vậy chỉ củng cố bản ngã mà thôi. Vậy thì bạn đã làm được gì? Bạn không thực sự tiêu hủy bản ngã, mà chỉ đặt cho nó một cái tên khác, một đặc tính khác. Nhưng bản ngã thì còn đó, bởi vì bạn vẫn thể nghiệm nó. Do đó, hành động của chúng ta từ đầu cho tới cuối chỉ là một hành động duy nhất, chỉ có chúng ta nghĩ rằng nó đang tiến hóa, đang phát triển, đang trở nên ngày càng đẹp đẽ hơn. Song, nếu bạn quan sát ở nội tâm, thì nó chỉ là một hành động y hệt đang tiếp diễn, vẫn cái “tôi” như vậy đang hoạt động ở những mức độ khác nhau, với các danh hiệu, danh xưng khác nhau.
Khi bạn thấy toàn bộ quá trình, những sáng tạo khôn ranh phi thường, sự khôn ngoan của bản ngã, cách nó che đậy chính nó bằng sự đồng nhất hóa, bằng phẩm hạnh, bằng kinh nghiệm, niềm tin, kiến thức, và khi bạn thấy rằng tâm trí đang đi luẩn quẩn trong một vòng tròn, trong cái lồng do nó tự tạo ra, thì điều gì xảy ra? Khi nhận thức về nó, hiểu nó trọn vẹn, thì chẳng phải bạn sẽ tĩnh lặng một cách khác thường – mà không cần có sự cưỡng chế hay bất cứ hình thức tưởng thưởng nào, cũng không cần có bất kỳ nỗi sợ hãi nào hay sao? Khi bạn nhận ra rằng mỗi động thái của tâm trí chỉ đơn thuần là một dạng thức để củng cố bản ngã, khi bạn quan sát điều đó, nhìn thấy điều đó, khi bạn hoàn toàn nhận thức được về nó trong hành động, khi bạn đi vào trọng tâm – không phải bằng ý thức hệ, không phải bằng lời nói suông, không phải bằng trải nghiệm được phóng chiếu ra, mà khi bạn thực sự ở trong trạng thái đó – thì bạn sẽ thấy rằng nếu tâm trí đang tuyệt đối tĩnh lặng, nó sẽ không còn khả năng gây rối. Bất cứ điều gì tâm trí tạo ra cũng đều nằm trong một vòng luẩn quẩn, trong phạm vi của bản ngã. Khi tâm trí không rối loạn, thì có sự sáng tạo, mà sáng tạo không phải là một quá trình có thể nhận thức. Chúng ta không thể nhận thức được thực tại, chân lý. Để chân lý xuất hiện, thì phải cắt đứt niềm tin, kiến thức, trải nghiệm, việc mưu cầu đức hạnh – tất cả đều phải chấm dứt. Người đức hạnh mà ý thức rằng mình đang mưu cầu đức hạnh thì không bao giờ có thể tìm thấy thực tại. Họ có thể là một người rất đoan chính, nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc là một con người thấy được chân lý, một con người hiểu biết. Chân lý chỉ hiện hữu với ai thấy được nó. Một con người đức hạnh là người ngay thẳng, nhưng một người ngay thẳng lại không bao giờ có thể hiểu được chân lý là gì, bởi vì đối với họ, đức hạnh là cái đang che đậy bản ngã, cái củng cố bản ngã, do họ đang mưu cầu đức hạnh. Khi họ nói: “Tôi không được tham lam”, thì trạng thái không tham lam mà họ đang trải nghiệm chỉ là một dạng thức củng cố bản ngã. Đó là lý do tại bạn rất cần phải nghèo, không chỉ về vật chất trong đời sống thế tục, mà còn về niềm tin, tín ngưỡng và về kiến thức. Một người giàu có về vật chất hoặc người phong phú về kiến thức và niềm tin, tín ngưỡng sẽ không bao giờ biết bất cứ điều gì ngoại trừ sự tăm tối, và sẽ là trung tâm của tất cả mối nguy hại và đau khổ. Nhưng nếu bạn và tôi, với tư cách những cá nhân, có thể nhìn thấy toàn bộ hoạt động của bản ngã, thì chúng ta sẽ biết yêu thương là gì. Tôi bảo đảm với bạn rằng chỉ sự cải cách ấy mới có thể thay đổi thế giới. Yêu thương không thuộc về bản ngã. Bản ngã không thể nhận ra tình yêu. Bạn nói “Tôi thương yêu”, nhưng ngay khi nói ra câu đó, ngay lúc thể nghiệm tình yêu, thì tình yêu không còn nữa. Nhưng khi bạn hiểu biết yêu thương, thì lập tức không có bản ngã. Khi có yêu thương thì bản ngã không hiện hữu.