C
húng ta thấy mâu thuẫn trong chính mình và xung quanh mình. Bởi vì đang mâu thuẫn, nên bên trong chúng ta không có bình an, và do đó, bên ngoài cũng không có bình an. Trong chúng ta có tình trạng phủ nhận và khẳng định không ngừng – chúng ta muốn trở thành gì và chúng ta đang là gì. Tình trạng mâu thuẫn gây ra xung đột và sự xung đột này không mang lại bình an – đó là sự thật quá đơn giản và hiển nhiên. Không nên diễn giải sự mâu thuẫn nội tại ấy thành trạng thái nhị nguyên về triết lý, bởi vì làm vậy là sự trốn chạy quá dễ dàng. Tức là bằng cách nói rằng mâu thuẫn là một trạng thái nhị nguyên, chúng ta nghĩ mình đã giải quyết được nó – điều này hiển nhiên chỉ là một thỏa thuận ngầm, một sự góp phần đào thoát khỏi thực tại mà thôi.
Vậy thì đối với chúng ta, xung đột, mâu thuẫn có nghĩa là gì? Tại sao lại có xung đột trong tôi? Tức là sự vật lộn không ngừng nhằm trở thành gì đó cách xa hiện trạng của tôi. Tôi là thế này, nên tôi muốn trở thành thế kia. Sự mâu thuẫn nội tại này là một sự việc, chứ không phải trạng thái nhị nguyên siêu hình. Và siêu hình học chẳng có ý nghĩa gì trong việc thấu triệt hiện trạng. Chẳng hạn, chúng ta có thể thảo luận về thuyết nhị nguyên, nó là gì, liệu nó có tồn tại không, vân vân. Song liệu có ích gì nếu chúng ta không biết bên trong ta đang có sự mâu thuẫn, những mong muốn đối chọi nhau, các mối quan tâm tương phản nhau, những sự mưu cầu nghịch đảo nhau? Tôi muốn trở thành một người tốt nhưng tôi không thể. Cần hiểu rõ sự mâu thuẫn, đối lập bên trong chúng ta bởi vì nó gây ra xung đột. Và trong tình trạng xung đột, tranh đấu, mỗi người chúng ta chẳng thể nào sáng tạo được. Hãy để chúng ta thấu triệt hiện trạng của mình. Có mâu thuẫn, thì phải có tranh đấu. Và tranh đấu là hủy hoại, phí phạm. Trong trạng thái đó, chúng ta chẳng thể sản sinh thứ gì khác ngoại trừ sự đối kháng, tranh chấp và nhiều cay đắng, phiền não hơn. Nếu có thể hiểu trọn vẹn điều này và nhờ đó thoát khỏi tình trạng mâu thuẫn, thì chúng ta sẽ có được sự bình an nội tâm, giúp chúng ta hiểu nhau. Vấn đề là ở chỗ này. Nếu thấy rằng xung đột là hủy hoại, phí phạm, thì tại sao trong mỗi chúng ta vẫn tồn tại mâu thuẫn? Để hiểu được điều đó, chúng ta phải đi xa thêm chút nữa. Tại sao lại có cảm giác về những khao khát đối lập nhau? Tôi không biết liệu chúng ta có nhận thức được điều đó trong bản thân mình hay không – tức là sự mâu thuẫn, cảm giác muốn và không muốn, nhớ điều gì đó nhưng cố gắng quên nó để có thể tìm ra một điều mới mẻ. Hãy quan sát điều đó thôi nhé. Nó rất đơn giản và rất bình thường. Không có gì là khác thường đâu. Sự thật là có mâu thuẫn. Vậy thì tại sao sự mâu thuẫn này lại xuất hiện?
Sự mâu thuẫn có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chẳng phải nó ám chỉ một tình trạng tạm thời đang đối chọi với một tình trạng tạm thời khác sao? Tôi nghĩ mình có một khao khát trường cửu. Tôi đặt trong tâm trí mình một khao khát trường cửu, và rồi một khao khát khác xuất hiện, mâu thuẫn với nó. Sự mâu thuẫn này gây ra xung đột, tức là hoang phí. Hay nói chính xác hơn, luôn có một khao khát khước từ một khao khát khác, một sự mưu cầu bỏ qua một sự mưu cầu khác. Vậy thì liệu còn có cái gọi là khao khát trường cửu nữa không? Chắc chắn rằng tất cả những khao khát đều mang tính tạm thời – không phải về mặt siêu hình, mà thực sự là như vậy. Tôi muốn một công việc. Tức là tôi tìm kiếm một công việc nào đó như một phương tiện để có được hạnh phúc. Tuy nhiên, khi nhận việc rồi, tôi lại thấy không hài lòng. Ban đầu tôi muốn trở thành quản lý, nhưng sau đó muốn thành chủ nhân, vân vân và vân vân. Điều đó không chỉ diễn ra trong cuộc sống thế tục, mà cả trong cái gọi là thế giới tâm linh – giảng sư muốn thành hiệu trưởng, linh mục muốn thành giám mục, đệ tử muốn thành sư phụ.
Sự trở thành không ngừng, tức là đi từ hết trạng thái này tới trạng thái khác như vậy sẽ gây ra mâu thuẫn, không phải vậy sao? Do đó, tại sao không nhìn cuộc đời không phải như một khao khát trường cửu, mà như một chuỗi những khao khát thoáng qua luôn luôn đối lập lẫn nhau? Có như vậy thì tâm trí mới không cần phải sống trong trạng thái mâu thuẫn. Nếu tôi không coi cuộc đời là một khao khát trường cửu, mà là một chuỗi các khao khát nhất thời biến đổi không ngừng, thì lúc đó mới không còn mâu thuẫn nữa.
Mâu thuẫn chỉ phát sinh khi tâm trí có một điểm khao khát cố định. Tức là khi tâm trí không coi mọi khao khát là nhất thời, biến chuyển không ngừng, mà lại nắm chặt lấy một khao khát và biến nó thành trường cửu – chỉ lúc đó, khi các khao khát khác phát sinh, thì mới có mâu thuẫn. Nhưng tất cả khao khát đều biến chuyển không ngừng, không có khao khát nào là cố định. Không có điểm cố định nào trong khao khát, nhưng tâm trí lại thiết lập một điểm cố định bởi vì nó coi mọi thứ là phương tiện để tới nơi, để thu thập. Và chừng nào người ta còn đang hướng tới một điểm nào đó thì phải có mâu thuẫn, xung đột. Bạn muốn tới nơi, bạn muốn thành công, bạn muốn tìm thấy một Thượng Đế tối hậu hoặc một chân lý nào đó giúp bạn vĩnh viễn thỏa mãn. Vì vậy, bạn không tìm kiếm chân lý, bạn cũng không tìm kiếm Thượng Đế, bạn đang tìm kiếm sự hài lòng trường tồn, và bạn che phủ sự hài lòng đó bằng một ý niệm, một từ ngữ nghe đầy vẻ tôn kính, chẳng hạn Thượng Đế hay chân lý. Nhưng thực ra chúng ta đều đang tìm kiếm sự hài lòng, và chúng ta đặt sự hài lòng đó, sự thỏa mãn đó lên một điểm tối thượng – gọi là Thượng Đế – và điểm thấp nhất là say xỉn. Nhưng chừng nào tâm trí còn đang tìm kiếm sự hài lòng, thì chẳng có gì khác biệt giữa Thượng Đế và say xỉn. Về mặt xã hội, say xỉn có thể là xấu, nhưng khao khát thỏa mãn, khao khát sở đắc của nội tâm chẳng phải còn có hại hơn sao? Nếu thực sự muốn tìm thấy chân lý, thì bạn phải vô cùng trung thực, không chỉ ở cấp độ lời nói, mà phải trung thực trên mọi phương diện. Bạn phải minh bạch một cách phi thường, mà bạn không thể minh bạch nếu không sẵn lòng đối diện với những sự kiện.
Vậy thì điều gì đã gây ra mâu thuẫn trong mỗi chúng ta? Chắc chắn đó là sự khao khát muốn trở thành điều gì đó, không phải vậy sao? Tất cả chúng ta đều muốn trở thành điều gì đó: trở nên thành công trên thế giới này và đạt được một thành tựu nào đó trong thâm tâm. Chừng nào chúng ta còn suy nghĩ liên quan tới thời gian, liên quan tới thành tựu, liên quan tới địa vị, thì còn phải có mâu thuẫn. Suy cho cùng, tâm trí là sản phẩm của thời gian. Và tư duy thì dựa trên ngày hôm qua, dựa trên quá khứ. Do đó, chừng nào tư duy đang hoạt động trong phạm trù thời gian, suy nghĩ còn liên quan tới tương lai, tới việc trở thành, sở đắc, đạt tới thành tựu, thì vẫn phải có mâu thuẫn, bởi vì lúc đó chúng ta không có khả năng đương đầu một cách đúng đắn với cái đang là. Chỉ khi nhận ra, khi thấu hiểu, khi nhận thức mà không chọn lựa về cái đang là, thì mới có khả năng thoát khỏi yếu tố gây phân hóa, tức là sự mâu thuẫn.
Do đó, chẳng phải việc tìm hiểu toàn bộ quá trình tư duy của chúng ta là rất cần thiết hay sao? Vì chính trong quá trình đó, chúng ta tìm thấy mâu thuẫn. Bản thân tư duy đã trở thành một mâu thuẫn bởi vì chúng ta không hiểu được toàn bộ quá trình của chính mình. Và ta chỉ có thể hiểu được khi nhận thức trọn vẹn về tư duy của chúng ta, không phải như một người quan sát đang tác động lên tư duy của mình, mà phải nhận thức một cách trọn vẹn và không chọn lựa, đây là điều vô cùng khó khăn. Nhưng chỉ lúc đó, mâu thuẫn vốn dĩ rất tai hại và đau đớn mới biến mất.
Chừng nào chúng ta còn đang cố gắng đạt được một kết quả về mặt tâm lý, chừng nào chúng ta còn muốn bình an ở nội tâm, thì chừng đó chúng ta còn phải chịu mâu thuẫn trong cuộc sống của mình. Tôi không nghĩ rằng đa số chúng ta đều nhận ra tình trạng mâu thuẫn này, hoặc nếu có nhận ra đi nữa, thì chúng ta không thấy được ý nghĩa thực sự của nó. Ngược lại, mâu thuẫn lại thôi thúc chúng ta sống. Và chính yếu tố va chạm, xích mích đó cho chúng ta cảm giác rằng mình đang sống. Sự nỗ lực, sự vẫy vùng của mâu thuẫn giúp chúng ta cảm nhận được sinh khí. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu chiến tranh, tại sao chúng ta thích những cuộc chiến vô vọng. Chừng nào còn có mong muốn đạt được một kết quả, tức là khao khát được bảo đảm về mặt tâm lý, thì còn phải có mâu thuẫn. Và nơi nào có mâu thuẫn, thì không thể có tâm trí tĩnh lặng. Cần phải có sự tĩnh lặng trong tâm trí để hiểu được toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời. Và tư duy thì không bao giờ tĩnh lặng được. Là sản phẩm của thời gian, tư duy không bao giờ tìm được điều gì có tính vô tận, không bao giờ biết được điều gì vượt ra ngoài thời gian. Chính bản chất tư duy của chúng ta là một mâu thuẫn, bởi vì chúng ta luôn luôn suy nghĩ liên quan tới quá khứ hoặc tương lai. Do đó, chúng ta không bao giờ hiểu biết trọn vẹn, nhận thức đầy đủ về hiện tại.
Nhận thức trọn vẹn về hiện tại là một nhiệm vụ gian nan khác thường bởi vì tâm trí không có khả năng đương đầu trực tiếp với một sự việc mà không có sự lừa dối. Tư duy là sản phẩm của quá khứ và do đó, nó chỉ có thể suy nghĩ liên quan tới quá khứ hoặc tương lai, nó không thể nhận thức trọn vẹn về một sự việc trong hiện tại. Chừng nào tư duy – sản phẩm của quá khứ – còn cố gắng trừ khử sự mâu thuẫn và tất cả những vấn đề do nó tạo ra, thì nó vẫn chỉ đang theo đuổi một kết quả, cố gắng đạt được mục đích. Và tư duy như vậy chỉ tạo nên nhiều mâu thuẫn hơn, và do đó, gây ra thêm xung đột, đau khổ và sự rối loạn trong chúng ta và xung quanh ta.
Để thoát khỏi mâu thuẫn, người ta phải nhận thức được hiện tại mà không chọn lựa. Làm thế nào có sự chọn lựa khi bạn chạm trán với một sự việc? Chắc chắn bạn chẳng thể nào hiểu được sự việc đó chừng nào tư tưởng còn cố gắng tác động lên sự việc để khiến chúng trở thành, thay đổi, biến đổi. Do đó, tự biết mình là khởi đầu của hiểu biết. Khi không tự biết mình, mâu thuẫn và xung đột sẽ tiếp diễn. Không cần đến một chuyên gia hay một uy quyền nào để hiểu được toàn bộ quá trình, tổng thể bản thân mình. Việc mưu cầu uy quyền sẽ chỉ nuôi dưỡng sợ hãi mà thôi. Không một chuyên gia, không một nhà chuyên môn nào có thể chỉ cho chúng ta biết làm sao để hiểu quá trình của bản ngã. Người ta phải tự mình tìm hiểu nó. Tuy bạn và tôi có thể tương trợ cho nhau bằng cách thảo luận về nó, nhưng không ai có thể hé lộ điều đó cho chúng ta. Không chuyên gia nào, không bậc thầy nào có thể khám phá nó cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nhận thức về nó trong mối quan hệ của chúng ta – trong mối tương giao với những sự vật, với tài sản, với con người và với các ý niệm. Trong mối quan hệ đó, chúng ta sẽ khám phá rằng mâu thuẫn phát sinh khi hành động đang tự làm cho nó giống với một ý niệm. Ý niệm chỉ thuần túy là sự kết tinh của tư tưởng với tư cách một biểu tượng, và nỗ lực để sống theo biểu tượng đó sẽ chỉ mang đến mâu thuẫn mà thôi.
Do đó, chỉ cần vẫn còn có một khuôn mẫu tư duy, thì mâu thuẫn sẽ tiếp diễn. Và muốn chấm dứt khuôn mẫu, cũng là để chấm dứt mâu thuẫn, thì phải tự biết mình. Việc hiểu được bản thân không phải là một quá trình dành riêng cho thiểu số. Ta có thể hiểu được bản thân qua lời nói hằng ngày, qua cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận, qua cách chúng ta nhìn vào người khác. Nếu ý thức được từng tư duy, từng cảm giác trong mỗi giây mỗi phút, chúng ta sẽ thấy rằng có thể hiểu những phương thức của bản ngã trong các mối tương giao. Chỉ lúc đó trạng thái tĩnh lặng của tâm trí mới khả dĩ. Và chỉ trong trạng thái tĩnh lặng đó, thực tại tối thượng mới có thể hiện hữu.