V
ới đa số chúng ta, toàn bộ cuộc sống đều dựa trên nỗ lực, tức là một loại ý chí nào đó. Chúng ta không thể tạo nên một hành động mà không có ý chí, không có nỗ lực; cuộc sống của chúng ta dựa trên điều đó. Đời sống xã hội, kinh tế và cái gọi là đời sống tâm linh là một chuỗi các nỗ lực và luôn luôn kết thúc với một kết quả nào đó. Do đó, chúng ta nghĩ nỗ lực là cần thiết, thiết yếu.
Tại sao chúng ta cần nỗ lực? Nói một cách đơn giản, không phải là để đạt được một kết quả, trở nên điều gì đó, vươn tới một mục tiêu hay sao? Còn nếu không nỗ lực, chúng ta nghĩ mình sẽ bị đình trệ. Chúng ta có một ý niệm về mục tiêu và vì nó, chúng ta đang cố gắng không ngừng. Sự cố gắng này trở thành một phần của cuộc đời chúng ta. Nếu muốn thay đổi chính mình, nếu muốn mang lại sự biến đổi triệt để, hoàn toàn trong bản thân, thì chúng ta phải nỗ lực dữ dội để diệt trừ các thói quen cũ, chống lại những tác động của môi trường theo thói thường,… Vì vậy, chúng ta quen với một chuỗi nỗ lực tìm thấy hoặc đạt tới điều gì đó, nhằm tồn tại được.
Không phải tất cả nỗ lực như vậy đều là hoạt động của bản ngã hay sao? Không phải nỗ lực là hoạt động vị kỷ ư? Nếu chúng ta thực hiện một nỗ lực xuất phát từ trung tâm của bản ngã, thì không thể tránh khỏi sản sinh thêm xung đột, thêm tình trạng hỗn loạn, thêm đau khổ. Nhưng rồi chúng ta cứ tiếp tục thực hiện hết nỗ lực này tới nỗ lực khác. Rất ít người trong chúng ta nhận ra rằng hoạt động vị kỷ của nỗ lực không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của chúng ta. Ngược lại, nó chỉ làm tăng thêm sự rối loạn, nỗi đau khổ và phiền não của chúng ta mà thôi. Chúng ta biết rõ điều này mà, nhưng chúng ta cứ tiếp tục hy vọng sẽ phần nào phá vỡ được hoạt động vị kỷ của nỗ lực ấy, tức là hành động của ý chí.
Tôi cho rằng chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc đời nếu hiểu được nỗ lực có nghĩa là gì. Có phải hạnh phúc có được là nhờ nỗ lực không? Bạn đã từng cố gắng để đạt được hạnh phúc chưa? Điều đó là bất khả thi, không phải sao? Bạn vẫy vùng, vật lộn để có hạnh phúc, nhưng rồi vẫn không có hạnh phúc, đúng không? Niềm vui không thể có được bằng cách đàn áp, bằng cách kiểm soát hay buông thả bản thân. Bạn có thể buông thả bản thân nhưng rồi cuối cùng sẽ gặp cay đắng. Bạn có thể đàn áp hoặc điều khiển, nhưng luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Do đó, hạnh phúc không thể có được bằng nỗ lực, cũng như niềm vui không thể có được bằng cách điều khiển và đàn áp. Thế nhưng cả cuộc đời chúng ta vẫn là một chuỗi những đàn áp, kiểm soát, một chuỗi những sự buông thả đầy hối tiếc. Ở đâu người ta cũng không ngừng tìm cách vượt qua, không ngừng vật lộn với những si mê, lòng tham và sự ngu muội. Vậy thì có phải việc chúng ta không cố gắng, tranh đấu, nỗ lực với hy vọng tìm thấy được hạnh phúc, thấy được điều gì đó sẽ cho chúng ta cảm giác bình an, cảm giác yêu thương không? Nhưng có phải tình thương hay sự hiểu biết có được là nhờ tranh đấu? Tôi cho rằng điều vô cùng quan trọng là phải hiểu được tranh đấu, vật lộn hay nỗ lực có ý nghĩa gì.
Chẳng phải nỗ lực nghĩa là đấu tranh để thay đổi cái đang là thành cái khác, hoặc thành cái nên là/nên trở thành hay sao? Tức là chúng ta không ngừng tranh đấu để tránh đương đầu với cái đang là, hoặc chúng ta đang cố gắng thoát khỏi nó, hoặc biến chuyển, sửa đổi nó. Một người thực sự hài lòng là người hiểu được cái đang là, gán đúng ý nghĩa cho cái đang là. Đó mới là hài lòng chân chính. Nó không liên quan đến việc sở hữu ít hay nhiều, mà liên quan đến việc hiểu được toàn bộ ý nghĩa của cái đang là. Và điều đó chỉ có thể xuất hiện khi bạn công nhận cái đang là, khi bạn nhận thức được nó, chứ không phải khi bạn đang cố gắng cải đổi hoặc thay đổi nó.
Vì vậy, chúng ta thấy rằng nỗ lực là đấu tranh hoặc vật lộn để biến chuyển cái đang là thành cái mà bạn muốn nó trở thành. Tôi chỉ nói đến tranh đấu về mặt tâm lý, chứ không phải tranh đấu về mặt vật lý, như công nghệ hoặc sự khám phá, biến chuyển nào đó thuần túy về kỹ thuật. Tôi chỉ đang bàn đến việc tranh đấu về mặt tâm lý, và cuộc tranh đấu này luôn luôn vượt qua phương diện kỹ thuật. Với sự quan tâm lớn lao như vậy, bạn có thể xây dựng một xã hội tuyệt diệu, áp dụng kiến thức vô hạn mà khoa học đã trao cho chúng ta. Nhưng chừng nào còn chưa thấu hiểu sự tranh đấu và vật lộn về tâm lý đó, chưa vượt qua được các chiều hướng và ngụ ý tâm lý đó, thì cấu trúc xã hội, dù được xây dựng tuyệt diệu đến đâu đi nữa, cũng nhất định sẽ bị sụp đổ, như đã từng xảy ra nhiều lần.
Trên thực tế, nỗ lực là xao lãng cái đang là. Khoảnh khắc tôi chấp nhận cái đang là thì sẽ không có tranh đấu nữa. Bất cứ dạng thức tranh đấu hay vật lộn nào cũng đều là dấu hiệu của sự xao lãng. Và xao lãng – tức nỗ lực – vẫn phải hiện hữu chừng nào về mặt tâm lý, ta còn mong ước biến cái đang là thành cái khác.
Trước tiên, chúng ta phải thoải mái để thấy rằng niềm vui và hạnh phúc không phải đến từ sự nỗ lực. Có đúng phải nỗ lực mới có sáng tạo, hay chỉ có sáng tạo khi nào ngừng nỗ lực? Bạn viết, vẽ hoặc ca hát lúc nào? Bạn sáng tạo lúc nào? Chắc chắn là khi không có nỗ lực gì cả, khi bạn hoàn toàn cởi mở, khi bạn giao tiếp trọn vẹn, hòa nhập đầy đủ ở mọi mức độ. Khi đó sẽ có niềm vui và khi đó, bạn bắt đầu hát hoặc làm thơ, vẽ tranh, hay tạo hình thứ gì đó. Khoảnh khắc sáng tạo không ra đời trong khi bạn đang vật lộn.
Có lẽ khi hiểu vấn đề sáng tạo, chúng ta sẽ có thể hiểu nỗ lực có ý nghĩa gì. Có phải sáng tạo là kết quả của nỗ lực, và chúng ta có nhận biết trong những khoảnh khắc sáng tạo không? Hay sáng tạo là cảm giác của sự quên mình triệt để, cảm giác khi không có sự rối loạn, khi người ta hoàn toàn không nhận ra sự vận động của tư tưởng, khi có duy nhất một sự hiện hữu trọn vẹn, đầy đủ và phong phú? Có phải trạng thái đó là kết quả của sự nhọc lòng, vật vã, của xung đột và nỗ lực không? Không biết bạn đã từng chú ý rằng khi ta làm điều gì đó một cách dễ dàng, nhanh chóng, thì không có nỗ lực, hoàn toàn không cần đấu tranh vật vã gì cả chưa? Nhưng khi cuộc sống của ta hầu như là một chuỗi bất tận những cuộc chiến đấu, xung đột và tranh chấp, thì chúng ta không thể hình dung ra một cuộc sống, một trạng thái hiện hữu mà trong đó sự xung đột hoàn toàn dừng lại.
Để hiểu trạng thái hiện hữu không có xung đột, trạng thái tồn tại sáng tạo, thì chắc chắn người ta phải tìm hiểu toàn bộ vấn đề nỗ lực. Khi nói đến nỗ lực, chúng ta muốn nói đến sự cố gắng để hoàn thiện bản thân, để trở thành cái gì đó, không phải vậy sao? Tôi là thế này, nên tôi muốn trở thành thế kia. Tôi không là thế kia, nên tôi phải trở thành thế kia. Và khi trở thành “thế kia”, thì có sự xung đột, chiến đấu, vật lộn, mâu thuẫn. Trong sự vật lộn này, tất nhiên chúng ta phải bận tâm tới sự hoàn thiện bằng cách đạt được một mục đích. Chúng ta tìm kiếm sự tự hoàn thiện bản thân trong một đối tượng, một người, một ý niệm, điều đó đòi hỏi phải không ngừng chiến đấu, vật lộn, nỗ lực để trở thành, để hoàn thiện. Vì vậy, chúng ta cho rằng nỗ lực này là điều không thể tránh. Tôi tự hỏi liệu có phải sự tranh đấu để trở thành cái gì đó là bắt buộc không? Tại sao lại có sự tranh đấu này? Nơi nào có mong muốn để hoàn thiện, dù ở bất cứ mức độ nào và bất cứ trình độ nào, thì cũng phải có sự tranh đấu. Và thành công là động lực, động cơ đằng sau nỗ lực. Bên trong bất kỳ một sếp lớn, một bà nội trợ, hay một người nghèo khổ nào thì sự đấu tranh để trở thành, để hoàn thiện này cũng vẫn đang tiếp diễn.
Như vậy thì tại sao lại có khao khát hoàn thiện bản thân? Hiển nhiên khao khát hoàn thiện, trở thành cái gì đó chỉ nảy sinh khi người ta nhận thức rằng mình chẳng là gì cả. Bởi vì tôi chẳng là gì, bởi vì tôi thiếu thốn, trống rỗng, nội tâm nghèo nàn, nên tôi phải vật lộn để trở thành cái gì đó. Dù ở bên ngoài hay bên trong, tôi cũng phải đấu tranh để hoàn thiện chính mình qua một người nào đó, qua một thứ nào đó, qua một ý tưởng nào đó. Và lấp đầy khoảng trống đó là toàn bộ quá trình hiện hữu của chúng ta. Khi nhận thức rằng mình trống rỗng, nội tâm nghèo nàn, thì chúng ta càng đấu tranh để thu thập những thứ bên ngoài, hoặc để trau dồi sự phong phú ở nội tâm. Nỗ lực chỉ có khi chúng ta cố gắng thoát khỏi sự trống rỗng nội tâm bằng hành động, bằng suy ngẫm, bằng của cải có được, bằng thành tựu, bằng quyền lực, vân vân và vân vân. Đó là cách sống thường nhật của chúng ta. Do biết mình thiếu thốn, nội tâm nghèo nàn, nên tôi đấu tranh để thoát khỏi nó hoặc lấp đầy nó. Sự trốn chạy, tránh né, hoặc cố gắng che đậy tình trạng trống rỗng này đòi hỏi phải tranh đấu, vật lộn, nỗ lực.
Vậy thì nếu một người không nỗ lực trốn thoát, thì điều gì sẽ xảy ra? Họ sống với nỗi cô đơn, trống rỗng đó. Và khi chấp nhận sự trống rỗng, người ta sẽ nhận thấy trạng thái sáng tạo xuất hiện, mà chẳng cần phải tranh chấp, nỗ lực gì cả. Nỗ lực chỉ hiện hữu khi nào chúng ta đang cố gắng tránh nỗi cô đơn, tình trạng trống rỗng ở nội tâm. Nhưng khi nhìn vào nó, quan sát nó, khi chấp nhận cái đang là mà không tránh né, chúng ta sẽ thấy một trạng thái hiện hữu xuất hiện, và trong đó, tất cả tranh chấp, xung đột đều dừng lại. Trạng thái hiện hữu đó chính là sự sáng tạo và nó không phải là kết quả của sự xung đột. Nhưng khi hiểu được cái đang là – tức sự trống rỗng, thiếu thốn của nội tâm – khi người ta sống với sự thiếu thốn đó và hiểu biết trọn vẹn nó, thì thực tại sáng tạo, trí tuệ sáng tạo sẽ xuất hiện. Và chỉ riêng điều đó mới mang lại hạnh phúc.
Do đó, hành động như chúng ta biết thật ra chỉ là phản ứng, nó là sự trở thành không ngừng, tức là khước từ, tránh né cái đang là. Nhưng khi nhận thức được sự trống rỗng mà không chọn lựa, không chỉ trích hoặc bào chữa, thì trong sự hiểu biết về cái đang là đó có hành động, và hành động ấy là hiện hữu sáng tạo. Bạn sẽ hiểu điều này nếu tự nhận thức về mình trong hành động. Hãy quan sát bản thân khi bạn đang hành động, không chỉ ở bên ngoài, mà còn nhìn vào sự vận động của tư duy và cảm nhận của bạn. Khi nhận thức về sự vận động này, bạn sẽ thấy rằng quá trình tư duy – cũng là quá trình cảm nhận và hành động – dựa trên ý niệm về sự trở thành. Ý niệm này khởi lên chỉ khi có cảm giác bất an, và cảm giác bất an đó xuất hiện khi người ta nhận thức được tình trạng nội tâm trống rỗng. Nếu nhận thức được quá trình tư duy và cảm nhận đó, bạn sẽ thấy rằng có một trận chiến liên tục đang diễn ra, một nỗ lực để thay đổi, để sửa đổi, để biến đổi hiện trạng. Đây là nỗ lực để trở thành, và sự trở thành rõ ràng là tránh né cái đang là. Nhờ tự biết mình, nhờ nhận thức không ngừng, bạn sẽ nhận thấy rằng đấu tranh, chiến đấu, xung đột để trở thành sẽ dẫn tới đau khổ, phiền não và sự vô minh. Chỉ khi nhận thức được tình trạng thiếu thốn của nội tâm và sống chung với nó mà không trốn tránh, chấp nhận nó hoàn toàn, thì bạn mới khám phá được sự tĩnh lặng phi thường, sự tĩnh lặng không phải do kết hợp, cấu thành, mà là sự tĩnh lặng chỉ có khi hiểu được cái đang là. Và chỉ trong trạng thái tĩnh lặng đó mới xuất hiện sự hiện hữu sáng tạo.