N
iềm tin và kiến thức đều có mối tương giao rất gần với lòng khao khát. Và có lẽ, nếu hiểu hai vấn đề này, chúng ta có thể hiểu lòng khao khát diễn ra như thế nào và hiểu được những phức tạp của nó.
Đối với tôi, một trong những thứ đa phần chúng ta dễ chấp nhận và coi là đúng mà không hề thắc mắc chính là niềm tin. Tôi không hề công kích niềm tin. Điều mà chúng ta đang cố gắng thực hiện là tìm hiểu tại sao ta lại chấp nhận nó. Và nếu có thể hiểu những động cơ, nguyên nhân của sự chấp nhận đó, thì có lẽ chúng ta không chỉ hiểu được lý do tại sao mình làm như vậy, mà còn được giải thoát khỏi nó. Người ta có thể thấy những niềm tin chính trị và tôn giáo tín ngưỡng, các niềm tin về quốc gia, dân tộc và nhiều loại niềm tin khác gây chia rẽ con người, kích động xung đột, hỗn loạn và tình trạng đối kháng – điều này là một sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng ta chưa sẵn lòng từ bỏ chúng. Chúng ta có Hindu giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo – vô số niềm tin vào các giáo phái và quốc gia, dân tộc, vô số ý thức hệ chính trị – tất cả đều tranh giành với nhau, cố gắng thay đổi đối phương. Hiển nhiên rằng người ta có thể thấy rằng niềm tin, tín ngưỡng đang gây chia rẽ con người, gây ra thái độ bất dung thứ. Vậy thì có thể nào sống mà không có niềm tin, tín ngưỡng không? Người ta có thể tìm ra cách sống đó chỉ khi họ có thể nghiên cứu chính mình trong mối tương giao với một niềm tin. Liệu có thể sống trong thế giới này mà không có niềm tin – giữ vững niềm tin, không thay niềm tin này bằng niềm tin khác – hoàn toàn thoát khỏi tất cả niềm tin, để người ta nhìn cuộc sống bằng một cách khác trong từng khoảnh khắc? Suy cho cùng, điều này là sự thật: Có khả năng nhìn mọi thứ bằng cách khác trong từng khoảnh khắc, mà không chịu ảnh hưởng của quá khứ để không có tác động tích lũy gây ra trở ngại giữa chính mình và điều hiện hữu.
Nếu cân nhắc, xem xét kỹ, thì bạn sẽ thấy rằng một trong những lý do của việc mong muốn chấp nhận niềm tin là nỗi sợ hãi. Và nếu chúng ta không có niềm tin, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Không phải là chúng ta rất sợ chuyện có thể xảy ra hay sao? Nếu chúng ta không có khuôn mẫu hành động nào, dựa trên niềm tin hay tín ngưỡng – vào Thượng Đế, hoặc vào một chủ nghĩa nào đó, hoặc vào một dạng thức tôn giáo, một giáo điều nào đó – thì không phải chúng ta sẽ hoàn toàn lạc lối sao? Và chẳng phải việc chấp nhận niềm tin này là sự che đậy nỗi khiếp sợ – lo sợ mình thực ra chẳng là gì cả, chỉ là trống rỗng? Suy cho cùng, một cái tách chỉ hữu dụng khi nó trống không *. Và một cái tâm đầy ắp những niềm tin, tín ngưỡng, giáo điều, những lời xác quyết, trích dẫn thì thực sự là tâm không sáng tạo. Nó thuần túy là tâm lặp lại. Thoát khỏi sự sợ hãi đó – nỗi sợ trống rỗng, nỗi sợ cô đơn, nỗi sợ đình trệ, không tới nơi tới chốn, không thành công, không thành tựu, không là gì cả, không trở thành gì đó – chắc chắn là một trong những lý do khiến chúng ta rất hăm hở và thèm khát chấp nhận niềm tin hay tín ngưỡng, không phải vậy sao? Và khi có niềm tin rồi, chúng ta sẽ hiểu được chính mình chăng? Hoàn toàn ngược lại. Một niềm tin hay tín ngưỡng về tôn giáo hoặc chính trị rõ ràng sẽ cản trở việc hiểu chính mình. Nó như một tấm màn che trước mắt chúng ta khi ta nhìn vào chính mình. Và liệu chúng ta có thể nhìn vào chính mình mà không có niềm tin, tín ngưỡng không? Nếu từ bỏ những niềm tin đó, nhiều niềm tin mà người ta đã có, thì còn lại gì để nhìn vào? Nếu chúng ta không có những niềm tin để tâm trí lấy làm căn cứ đồng nhất hóa với chính nó, thì tâm trí không bị đồng nhất sẽ có khả năng nhìn vào nó đúng như hiện trạng – và đó chắc chắn là khởi đầu để hiểu được chính mình.
Đây thực sự là vấn đề rất thú vị, vấn đề về niềm tin và kiến thức. Nó đóng một vai trò thật khác biệt trong cuộc sống chúng ta! Chúng ta có biết bao nhiêu niềm tin hay tín ngưỡng! Chắc chắn rằng một người càng trí thức, càng có văn hóa, càng “tâm linh”, nếu tôi có thể sử dụng từ đó, thì họ càng ít có khả năng hiểu biết. Những người man rợ đó có vô số điều mê tín, ngay cả trên thế giới hiện đại này. Và người càng suy nghĩ chín chắn, thận trọng, càng tỉnh thức, càng cảnh giác, thì có lẽ càng ít tin tưởng. Đó là vì niềm tin trói buộc, tín ngưỡng gây tách biệt. Và chúng ta thấy điều đó hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, ở thế giới kinh tế và thế giới chính trị, và cả ở cái gọi là thế giới tâm linh nữa. Bạn tin rằng có Thượng Đế, và có lẽ tôi tin rằng không có Thượng Đế. Hoặc bạn tin cậy vào sự quản lý trọn vẹn của chính phủ ở mọi việc và mọi cá nhân, còn tôi thì tin tưởng vào tổ chức tư nhân và những thứ đại loại như vậy. Bạn tin rằng chỉ có một Đấng Cứu Thế và thông qua Ngài, bạn có thể đạt được mục đích của mình, còn tôi thì không tin như vậy. Do đó, bạn với niềm của bạn và tôi với niềm tin của tôi, cả hai đều đang tự mình quả quyết. Tuy nhiên, cả hai chúng ta đều nói về tình thương, về hòa bình, về sự đoàn kết của nhân loại, về cuộc đời hợp nhất – điều này thì tuyệt đối vô nghĩa, bởi vì thực sự chính niềm tin là một quá trình cô lập. Bạn là người Bà la môn, còn tôi thì không phải là người Bà la môn. Bạn là tín đồ Thiên Chúa giáo, còn tôi là người Hồi giáo,… Bạn nói về tình huynh đệ và tôi cũng bàn về tình huynh đệ, tình thương và hòa bình như vậy. Song trên thực tế, chúng ta tách biệt với nhau, chúng ta đang tự chia rẽ chính mình. Một người muốn hòa bình và muốn kiến tạo một thế giới mới, một thế giới hạnh phúc, thì chắc chắn không thể tự cách ly mình bằng bất cứ dạng thức niềm tin nào. Điều đó có rõ ràng không? Nghe thì có vẻ chỉ là lời nói suông, nhưng nếu bạn thấy được ý nghĩa, giá trị, và sự thật trong nó, thì nó sẽ bắt đầu có tác dụng.
Chúng ta thấy rằng nơi nào có khao khát, thì nơi đó phải có quá trình cô lập thông qua niềm tin, bởi vì rõ ràng bạn tin tưởng là để có sự bảo đảm về mặt kinh tế, tâm linh và cả bên trong con người nữa. Tôi không bàn về những ai theo tín ngưỡng vì lý do kinh tế, bởi vì họ sống nhờ vào công việc của mình, và do đó, họ trở thành tín đồ của Thiên Chúa giáo, Hindu giáo – hoặc bất cứ tôn giáo nào khác – miễn là có một công việc cho họ kiếm sống. Chúng ta cũng không thảo luận về những ai bám víu vào niềm tin vì lợi ích vật chất. Có lẽ đó cũng là trường hợp tương tự với đa số chúng ta. Vì lợi ích, chúng ta sẽ tin vào những điều nào đó. Gạt qua một bên các lý do kinh tế, chúng ta phải thâm nhập vào vấn đề này sâu hơn. Lấy ví dụ những người tin tưởng mãnh liệt vào điều gì đó: kinh tế, xã hội hoặc tâm linh. Quá trình đằng sau nó là tâm lý khao khát được an toàn, không phải vậy sao? Và rồi có khao khát được tiếp tục. Ở đây, chúng ta không thảo luận liệu có hay không sự tiếp tục. Chúng ta chỉ thảo luận về sự thúc đẩy, thôi thúc không ngừng phải tin tưởng. Liệu có phải một người có tinh thần hòa bình, một người sẽ thực sự hiểu toàn bộ quá trình hiện hữu của con người, thì không thể bị một niềm tin nào đó ràng buộc không? Họ xem sự khao khát bên trong mình như là phương tiện để bảo đảm. Xin đừng đứng trên phương diện khác mà cho rằng tôi đang thuyết giảng về phi tôn giáo nhé. Đó không hề là quan điểm của tôi. Quan điểm của tôi là chừng nào chúng ta còn chưa hiểu về quá trình hoạt động của lòng khao khát dưới dạng thức niềm tin, thì phải có tranh luận, phải có sự xung đột, phải có phiền não, và con người sẽ chống đối lẫn nhau – đây là điều chúng ta vẫn chứng kiến mỗi ngày. Vì vậy, nếu tôi hiểu và nhận thức được rằng quá trình này có dạng của niềm tin – một cách biểu lộ của sự khao khát bình an nội tâm – thì vấn đề của tôi không phải là tôi nên tin điều này hay điều kia, mà là tôi nên giải thoát chính mình khỏi ham muốn đó để có được bình an. Liệu có thể giải thoát tâm trí khỏi dục vọng để được bình an không? Đó mới là vấn đề – chứ không phải tin cái gì và tin bao nhiêu. Đây chỉ đơn thuần là những cách thể hiện sự khao khát nội tâm để có được bình an về tâm lý, để được bảo đảm về điều gì đó, khi mà mọi thứ trên thế giới này đều rất vô định.
Liệu có thể nào giải thoát một tâm trí, một ý thức, hay một nhân cách khỏi dục vọng để được bình an không? Chúng ta muốn an toàn và do đó cần sự trợ giúp của tài sản, của bất động sản và gia đình mình. Ta muốn được bình an về mặt nội tại, cũng như về mặt tâm linh, bằng cách dựng lên những bức tường niềm tin, dấu hiệu cho thấy sự khao khát được bảo đảm. Với tư cách là một cá nhân, liệu bạn có thể thoát khỏi sự thôi thúc, sự khao khát được an toàn – tự thể hiện bằng mong muốn tin tưởng vào thứ gì đó – hay không? Nếu không thoát khỏi tất cả những thứ này, chúng ta sẽ là nguồn gây xung đột. Chúng ta không tạo nên hòa bình. Chúng ta không có tình thương trong tim. Niềm tin chỉ gây hủy hoại. Và điều này hiển hiện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Liệu tôi có thể tự thấy mình trong khi bị mắc kẹt vào quá trình khao khát này, thể hiện bằng việc bám víu vào một niềm tin nào đó, hay không? Liệu tâm trí có thể tự giải thoát khỏi niềm tin, không phải tìm một giải pháp thay thế mà là hoàn toàn thoát khỏi nó, hay không? Với câu hỏi này, bạn không thể trả lời suông là “có” hoặc “không”. Bạn chỉ có thể trả lời một cách dứt khoát nếu muốn được giải thoát khỏi niềm tin. Lúc đó, bạn không thể tránh khỏi đi đến chỗ tìm kiếm phương tiện giải thoát chính mình khỏi sự thôi thúc có được sự bảo đảm. Hiển nhiên chẳng có sự bình an nội tâm nào, như bạn muốn tin, tiếp diễn cả. Bạn muốn tin rằng có một Thượng Đế đang chăm lo chu đáo những việc nhỏ nhặt, tầm thường của bạn, báo cho bạn biết bạn nên gặp ai, nên làm gì và nên làm như thế nào. Đây là kiểu suy nghĩ ấu trĩ và non nớt. Bạn nghĩ rằng Cha Lành Vĩ Đại đang dõi theo mỗi người chúng ta. Đó chỉ là sự phóng chiếu ước muốn của chính bạn mà thôi. Đương nhiên nó không đúng. Chân lý phải là điều gì đó hoàn toàn khác biệt.
Và vấn đề kế tiếp của chúng ta là về kiến thức. Có phải cần có kiến thức để hiểu được sự thật không? Khi nói “Tôi biết”, thì tôi ngụ ý rằng mình có kiến thức. Liệu một tâm trí như vậy có thể nghiên cứu và tìm ra thực tại là gì không? Ngoài ra, chúng ta biết được gì về nó mà tỏ vẻ hãnh diện? Thực sự thì chúng ta biết được gì về nó? Chúng ta biết thông tin. Chúng ta có đầy thông tin và trải nghiệm nhờ quá trình giáo dục của mình, ký ức và khả năng của mình. Khi nói “Tôi biết”, thì bạn muốn nói điều gì? Đó là sự công nhận rằng bạn biết về một sự kiện, thông tin nào đó, hoặc một trải nghiệm mà bạn có. Không ngừng tích lũy thông tin, thu thập những dạng kiến thức khác nhau, tất cả việc đó tạo nên lời xác quyết “Tôi biết”, và rồi bạn bắt đầu diễn dịch những gì đã đọc, tùy theo bối cảnh của mình, tùy theo sự mong muốn và kinh nghiệm của mình. Trong kiến thức của bạn, có một quá trình tương tự với quá trình khao khát đang hoạt động. Và thay vì niềm tin, ta có kiến thức. “Tôi biết, tôi có kinh nghiệm. Điều đó không thể phủ nhận. Kinh nghiệm của tôi là vậy, tôi hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của mình”. Đây là những dấu hiệu của kiến thức. Nhưng khi thâm nhập vào nó, phân tích nó, nhìn vào nó một cách khôn ngoan và cẩn thận hơn, thì bạn sẽ thấy rằng chính câu xác quyết “Tôi biết” là một bức tường nữa phân cách bạn và tôi. Đằng sau bức tường đó, bạn trú ẩn, tìm kiếm sự an toàn, thoải mái. Do đó, khi càng bị chất chồng, đè nặng bởi kiến thức, thì tâm trí càng ít có khả năng hiểu biết.
Tôi không biết liệu bạn có từng nghĩ về vấn đề thu thập kiến thức hay chưa – liệu kiến thức sau cùng có giúp chúng ta thương yêu, giải thoát khỏi những đặc tính gây xung đột trong chính bản thân chúng ta và với những người quanh chúng ta được hay không; liệu kiến thức có bao giờ giải thoát cái tâm tham vọng được hay không? Suy cho cùng, do tham vọng là một trong những tác nhân hủy hoại mối quan hệ, khiến con người chống lại con người, nên nếu chúng ta cùng nhau chung sống hòa bình, thì chắc chắn tham vọng sẽ phải chấm dứt hoàn toàn – không chỉ tham vọng về chính trị, kinh tế, xã hội, mà còn cả tham vọng tinh vi và nguy hiểm hơn, tham vọng về tâm linh – muốn trở thành gì đó. Tâm trí đã từng được giải thoát khỏi quá trình tích lũy kiến thức, khỏi khao khát hiểu biết này hay chưa?
Sẽ rất thú vị nếu bạn quan sát xem trong cuộc sống chúng ta, hai yếu tố này – kiến thức và niềm tin – đóng một vai trò mạnh mẽ phi thường đến thế nào. Hãy nhìn xem chúng ta tôn sùng những người có kiến thức bao la, uyên bác ra sao! Bạn có thể nào hiểu được ý nghĩa của việc này không? Nếu muốn tìm thấy điều gì mới mẻ, trải nghiệm thứ gì đó không phải do trí tưởng tượng của bạn phóng chiếu ra, thì tâm của bạn phải tự do, không phải vậy sao? Nó phải có khả năng nhìn thấy điều mới mẻ. Nhưng thật không may, mỗi khi thấy được thứ gì mới, bạn lại đưa vào đó tất cả thông tin đã biết, cùng tất cả kiến thức, tất cả ký ức trước đây của mình. Và hiển nhiên bạn trở nên mất khả năng thấy, mất khả năng tiếp thu bất cứ thứ gì mới mẻ, thứ gì không cũ kỹ. Vui lòng đừng diễn dịch điều này thành chi tiết ngay lập tức nhé. Nếu không biết cách làm sao để trở về nhà, tôi sẽ lạc đường. Nếu không biết làm sao để vận hành một cỗ máy, tôi sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên, đó là vấn đề hoàn toàn khác. Ở đây chúng ta không bàn về nó. Chúng ta đang thảo luận về những kiến thức được sử dụng làm phương tiện để dẫn đến sự an toàn, khao khát tâm lý bên trong để trở thành điều gì đó. Bạn có được gì nhờ kiến thức? Uy quyền của kiến thức, trọng lượng của kiến thức, cảm giác quan trọng và phẩm giá, cảm giác về sinh khí và những thứ linh tinh khác? Một người nói “Tôi biết”, “Có…” hay “Không có…” thì chắc chắn đã ngừng suy nghĩ, ngừng theo dõi toàn bộ tiến trình của khao khát này.
Như tôi thấy, lúc đó, vấn đề của chúng ta là chúng ta bị ràng buộc, bị trì kéo bởi niềm tin, bởi kiến thức. Và liệu một tâm trí có thể thoát khỏi ngày hôm qua và khỏi những niềm tin có được qua tiến trình của ngày hôm qua? Bạn có hiểu vấn đề này không? Liệu tôi, với tư cách một cá nhân, và bạn, cũng với tư cách một cá nhân, có thể sống trong xã hội này nhưng thoát khỏi những niềm tin đã giáo dục chúng ta từ nhỏ? Liệu tâm trí có thể thoát khỏi tất cả những kiến thức đó, tất cả uy quyền đó được không? Chúng ta đọc nhiều kinh điển, nhiều sách tôn giáo khác nhau. Những cuốn sách đó mô tả rất cẩn thận phải làm gì, không được làm gì, làm sao đạt được mục tiêu, mục tiêu là gì và Thượng Đế là gì. Tất cả các bạn đều thuộc lòng điều đó và theo đuổi nó. Đó là kiến thức của bạn, đó là những gì bạn thu thập được, đó là những gì bạn đã học được. Bạn theo đuổi lộ trình đó. Rõ ràng điều bạn theo đuổi và tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy. Song nó có phải là thực tại không? Chẳng phải nó là sự phóng chiếu từ kiến thức của riêng bạn hay sao? Nó không phải là thực tại. Có thể nào nhận ra điều đó ngay bây giờ – không phải ngày mai, mà là lúc này – và nói “Tôi thấy được sự thật của nó”, rồi để yên như vậy, để tâm trí của bạn không bị hủy hoại bởi tiến trình tưởng tượng, phóng chiếu ra bên ngoài?
Liệu tâm trí có thể thoát khỏi niềm tin hay không? Bạn chỉ có thể thoát khỏi nó khi hiểu được bản chất nội tại của những nguyên nhân khiến bạn cố chấp, bám víu vào nó – không chỉ các động cơ có ý thức mà cả các động cơ vô thức – và khiến bạn tin tưởng. Suy cho cùng, chúng ta không chỉ là thực thể nông cạn, hoạt động trên cấp độ ý thức. Có thể tìm ra các hoạt động hữu thức và vô thức sâu sắc hơn nếu chúng ta cho vô thức một cơ hội, bởi vì nó phản ứng nhanh hơn nhiều so với ý thức. Trong khi ý thức đang thinh lặng suy nghĩ, lắng nghe và theo dõi, thì vô thức hoạt động tích cực, tỉnh giác và dễ lĩnh hội hơn nhiều. Do đó, nó có thể có câu trả lời. Liệu tâm trí có thể bị khuất phục, đe dọa, bắt buộc, thúc ép phải tin tưởng không, và liệu cái tâm như vậy có thể tự do suy nghĩ không? Nó có thể nào nhìn sự việc theo cách khác và loại trừ quá trình cô lập bạn với người khác không? Xin đừng nói rằng niềm tin kéo người ta lại với nhau. Không hề. Điều đó quá rõ ràng rồi. Không có tổ chức tôn giáo nào từng làm được điều đó cả. Hãy nhìn vào chính đất nước của mình đi. Các bạn đều là những người có tín ngưỡng, nhưng có phải tất cả các bạn đều đồng tâm, nhất trí không? Có phải tất cả các bạn đều đoàn kết không? Chính các bạn cũng biết là không phải mà. Trên thực tế, các bạn bị chia ra thành rất nhiều đảng phái, giai cấp nhỏ nhặt. Bạn biết rằng có vô số sự phân hóa. Quá trình đó xảy ra y hệt trên khắp thế giới – dù ở Đông phương hay Tây phương – người Thiên Chúa giáo đang giết hại người Thiên Chúa giáo, giết nhau vì những thứ nhỏ nhen, tầm thường, chia bè kết phái,… gây ra toàn bộ nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Do đó, niềm tin không đoàn kết con người. Điều đó thì quá rõ ràng rồi. Nếu điều đó đã rõ ràng và đúng đắn, và nếu bạn thấy được, thì nó phải được chấp nhận. Song điều khó là đa phần chúng ta lại không thấy được chuyện đó, bởi vì chúng ta không thể đối mặt với sự bất an trong thâm tâm, với cảm giác cô đơn từ nội tâm. Chúng ta muốn có thứ gì đó để dựa dẫm, dù đó là nhà nước, là đẳng cấp, hay chủ nghĩa dân tộc, dù đó là bậc đạo sư hay đấng cứu thế, hoặc bất cứ thứ gì khác đi nữa. Và khi chúng ta thấy được sai lầm trong tất cả điều này, thì tâm trí lúc đó có khả năng – có thể chỉ nhất thời trong giây phút – nhìn thấy sự thật của nó. Dù có vượt quá mức đi nữa, thì nó cũng sẽ quay trở về. Song chỉ nhìn thấy trong thoáng chốc là quá đủ. Có thể thấy nó trong một khắc là đủ rồi. Bởi vì lúc đó bạn sẽ thấy một điều phi thường diễn ra. Vô thức đang hoạt động, dù ý thức có thể bác bỏ. Đây không phải là giây phút tiến bộ. Nhưng giây phút đó là thời khắc duy nhất, và nó sẽ có kết quả của riêng nó, ngay cả khi ý thức đang vật lộn chống lại nó.
Vì vậy, câu hỏi của chúng ta là: Liệu tâm trí có thể thoát khỏi kiến thức và niềm tin không? Chẳng phải tâm trí được hình thành từ kiến thức và niềm tin sao? Không phải cấu trúc của tâm trí là niềm tin và kiến thức à? Niềm tin và kiến thức là những quá trình thừa nhận, là trung tâm của tâm trí. Quá trình này khép kín, quá trình này vừa hữu thức vừa vô thức. Liệu tâm trí có thể thoát khỏi cấu trúc của riêng nó không? Và tâm trí có thể ngừng tồn tại không? Đó là vấn đề. Như chúng ta biết, tâm trí có niềm tin đằng sau nó, có khao khát, thôi thúc được an toàn, có kiến thức và sự tích lũy sức mạnh. Với tất cả quyền lực và tính ưu việt của tâm trí như vậy, nếu người ta vẫn không thể nghĩ cho chính mình, thì không thể có hòa bình trên thế giới. Bạn có thể nói về hòa bình, bạn có thể tổ chức các chính đảng, bạn có thể la hét trên các mái nhà. Song bạn không thể có bình an, bởi vì tâm trí mới chính là nền tảng tạo nên mâu thuẫn, và điều đó gây ra cô lập và tách biệt. Một người có tinh thần hòa bình, một người nghiêm chỉnh thì không thể tự cô lập mình rồi lại nói về tình huynh đệ và hòa bình. Đó chỉ là một trò chơi về chính trị hoặc tôn giáo, một cảm giác về thành tựu và tham vọng. Một người thực sự nghiêm chỉnh và muốn khám phá về điều này thì cần đương đầu với vấn đề kiến thức và niềm tin. Họ phải ủng hộ nó, phải khám phá toàn bộ quá trình khao khát đang hoạt động, khao khát được an toàn, khao khát được chắc chắn.
Một tâm trí muốn đạt tới trạng thái mà điều mới mẻ có thể diễn ra – dù đó là chân lý, dù đó là Thượng Đế, hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn – cũng chắc chắn phải ngừng thu thập, gặt hái. Nó phải gạt qua một bên tất cả kiến thức có được. Và không nghi ngờ gì nữa, một cái tâm chất chồng nặng trĩu kiến thức thì không thể thấu hiểu thực tại, vì thực tại vốn dĩ mênh mông, vô hạn.
* Chúng tôi có sự phân biệt trong việc dùng từ ngữ giữa “trống rỗng” và “trống không”. “Trống rỗng” được sử dụng ở ngữ cảnh tiêu cực, còn “trống không” là không chứa gì cả và được dùng trong ngữ cảnh hữu ích, tích cực. “Trống không” có thể xem như tương đồng với tính Không của Phật giáo. – ND