T
ôi muốn thảo luận vấn đề về hành động. Ban đầu, vấn đề này có thể tương đối khó hiểu và phức tạp. Nhưng tôi hy vọng sau khi suy nghĩ kỹ càng về nó, chúng ta sẽ có thể thấy được vấn đề một cách rõ ràng, bởi vì toàn bộ sự hiện hữu, toàn bộ cuộc đời của chúng ta là một quá trình hành động.
Đa phần chúng ta sống trong một chuỗi những hành động có vẻ như không liên quan và rời rạc, nên dẫn tới sự phân rã, thất bại. Đó là vấn đề có liên quan tới mỗi người trong chúng ta, bởi vì chúng ta sống bằng cách hành động, không có hành động thì không có cuộc sống, không có trải nghiệm, không có tư duy. Tư tưởng là hành động. Và đơn thuần theo đuổi hành động ở một cấp độ ý thức cụ thể nào đó, tức là lớp bên ngoài của ý thức, đơn thuần bị mắc kẹt trong hành động bên ngoài đó mà không hiểu được toàn bộ bản thân quá trình hành động, thì không thể tránh khỏi dẫn tới sự thất vọng, nỗi đau khổ.
Cuộc đời chúng ta là một chuỗi hành động hay là một quá trình hành động với những cấp độ ý thức khác nhau. Ý thức là sự trải nghiệm, gọi tên và ghi nhận. Hay nói cách khác, ý thức là thách thức và phản ứng – trước tiên là trải nghiệm, sau đó gọi tên hoặc định danh, rồi ghi nhận, tức là ký ức. Quá trình này là hành động, không phải vậy sao? Ý thức là hành động. Và không có thách thức, phản ứng, không có trải nghiệm, gọi tên hoặc định danh, không có ghi nhận – tức là ký ức – thì không có hành động.
Vậy, chính hành động tạo nên người hành động. Tức là người hành động bắt đầu hiện hữu khi hành động có một kết quả, có một mục đích rõ ràng. Nếu hành động không có kết quả thì không có người hành động. Nhưng nếu có mục đích hoặc kết quả rõ ràng, thì hành động tạo nên người hành động. Do đó, người hành động, hành động, mục đích hoặc kết quả là một quá trình nhất quán, một quá trình duy nhất, bắt đầu hiện hữu khi hành động có mục đích rõ ràng. Hành động hướng tới một kết quả chính là ý chí. Và ngược lại thì không có ý chí, phải vậy không? Mong muốn đạt được mục đích tạo ra ý chí, tức là người hành động: Tôi muốn thành công, tôi muốn viết sách, tôi muốn giàu có, tôi muốn vẽ tranh.
Chúng ta quen thuộc với ba trạng thái này: người hành động, hành động và mục đích. Đó là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và tôi chỉ đang giải thích về hiện trạng. Nhưng chúng ta sẽ chỉ bắt đầu hiểu cách để biến chuyển hiện trạng khi nào xem xét nó một cách rõ ràng, thấu đáo để không có ảo tưởng hoặc thiên kiến, không có thành kiến về nó. Bây giờ, ba trạng thái tạo nên trải nghiệm này – người hành động, hành động và mục đích – chắc chắn là một quá trình trở thành, phải vậy không? Nếu không có người hành động, và nếu không có hành động hướng tới mục đích, thì không có sự trở thành. Nhưng cuộc đời như chúng ta biết, tức là cuộc sống thường nhật của chúng ta, là một quá trình trở thành. Tôi nghèo nên tôi hành động với mục đích rõ ràng là trở nên giàu có. Tôi xấu nên tôi muốn trở nên đẹp đẽ. Do đó, cuộc đời của tôi là một quá trình trở thành thứ gì đó. Ý chí tồn tại là ý chí để trở thành, ở những cấp độ ý thức khác nhau, trong các trạng thái khác nhau, mà trong đó có sự thách thức, phản ứng, gọi tên và ghi nhận. Vậy sự trở thành này là xung đột, là nỗi đau khổ, chẳng phải sao? Đó là sự tranh đấu không ngừng: Tôi là thế này, nên tôi muốn trở thành thế kia.
Vậy thì lúc này vấn đề là: Liệu có hay không hành động mà không có sự trở thành này? Có hay không hành động mà không có nỗi đau khổ này, không có đấu tranh không ngừng này? Nếu không có mục đích, thì không có người hành động bởi vì hành động với một mục đích rõ ràng tạo nên người hành động. Nhưng liệu có thể có hành động mà không có mục đích rõ ràng, và do đó, không có người hành động – tức là không mong muốn một kết quả nào không? Hành động như vậy không phải là sự trở thành, và vì vậy, không có sự tranh chấp. Có một trạng thái hành động, một trạng thái trải nghiệm, mà không có người trải nghiệm và sự trải nghiệm. Điều này nghe có vẻ triết lý nhưng nó thực sự rất đơn giản.
Trong khoảnh khắc trải nghiệm, bạn không nhận ra bản thân mình là người trải nghiệm tách khỏi sự trải nghiệm. Bạn ở trong trạng thái đang trải nghiệm. Lấy một ví dụ đơn giản: Bạn đang tức giận. Trong khoảnh khắc sân hận đó, không có người trải nghiệm, cũng không có sự trải nghiệm. Chỉ có duy nhất việc đang trải nghiệm. Nhưng khoảnh khắc bạn hết giận, chỉ giây lát sau việc đang trải nghiệm đó, thì có người trải nghiệm và sự trải nghiệm, người hành động và hành động với mục đích rõ ràng – đó là tống khứ hoặc kiềm chế cơn giận. Chúng ta thường xuyên ở trong trạng thái này, trong trạng thái đang trải nghiệm. Nhưng chúng ta luôn luôn thoát ra khỏi nó và đặt tên cho nó, định danh và ghi nhận nó, và vì vậy, tiếp tục để trở thành cái gì đó.
Nếu chúng ta có thể hiểu hành động theo ý nghĩa cơ bản của từ này, thì sự hiểu biết căn cơ này cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động bề ngoài của chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta phải hiểu bản chất nền tảng của hành động. Vậy, có phải hành động là do một ý niệm tạo ra không? Có phải trước tiên bạn có một ý niệm rồi hành động theo đó không? Hay hành động xuất hiện trước, rồi sau đó, do hành động gây ra xung đột, bạn xây dựng quanh nó một ý niệm? Hành động tạo nên người hành động hay người hành động có trước hành động?
Điều rất quan trọng là cần phải tìm ra cái nào xuất phát trước. Nếu ý niệm đi trước, thì hành động thuần túy là tuân theo ý niệm, và do đó, nó không còn là hành động, mà chỉ là sự bắt chước, sự ép buộc theo một ý niệm. Và việc nhận ra điều này là vô cùng quan trọng. Bởi vì khi xã hội chúng ta chủ yếu được xây dựng trên cấp độ tri thức hoặc ngôn từ, thì với tất cả chúng ta ý niệm đi trước và hành động theo sau. Lúc đó, hành động là đầy tớ của một ý niệm, và việc xây dựng ý niệm đơn thuần hiển nhiên sẽ gây phương hại cho hành động. Các ý niệm lại sinh ra thêm các ý niệm khác, và khi chỉ đơn thuần có sự ra đời của các ý niệm, thì có tình trạng đối kháng. Và xã hội trở nên nặng nề với quá trình hình thành ý niệm bằng trí óc. Cấu trúc xã hội của chúng ta là dựa trên tri thức. Chúng ta đang trau dồi trí năng với cái giá là phải coi nhẹ mọi yếu tố khác của cuộc sống, và do đó, chúng ta bị ngột ngạt với những ý niệm.
Phải chăng ý niệm bao giờ cũng tạo ra hành động, hay ý niệm thuần túy làm khuôn đúc cho tư tưởng, và do đó hạn chế hành động? Khi hành động bị thúc ép bởi ý niệm, thì hành động có thể không bao giờ giải thoát con người. Chúng ta rất cần phải hiểu điều này. Nếu một ý niệm định hình nên hành động, thì hành động có thể không bao giờ mang lại giải pháp cho những đau khổ, phiền não của chúng ta, bởi vì trước khi nó có thể được thể hiện trong hành động, chúng ta đầu tiên phải khám phá ý niệm bắt đầu hiện hữu như thế nào. Việc khảo sát về sự hình thành tư tưởng, về việc xây dựng ý niệm – dù của những người theo chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Tư bản, chủ nghĩa Cộng sản, hay của các tôn giáo khác nhau – là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi xã hội của chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm, chực chờ trước nguy cơ một thảm họa, một sự phân ly nữa. Và những ai thực sự nghiêm túc với ý định tìm ra giải pháp của nhân loại cho nhiều vấn đề của chúng ta thì trước tiên phải thấu triệt quá trình hình thành ý niệm này.
Chúng ta muốn nói gì qua một ý niệm? Một ý niệm bắt đầu hiện hữu ra sao? Liệu ý niệm và hành động có thể kết hợp cùng nhau hay không? Giả sử tôi có một ý niệm và tôi mong muốn thực hiện nó. Vậy là tôi tìm kiếm một phương pháp để tiến hành ý tưởng đó, và chúng ta suy xét, mất thời gian và công sức trong việc tranh cãi về cách thực hiện ý tưởng. Vì vậy, việc tìm hiểu các ý niệm bắt đầu hiện hữu như thế nào thực sự vô cùng quan trọng. Và sau khi khám phá ra sự thật của điều đó, chúng ta có thể thảo luận về vấn đề hành động. Nếu không thảo luận những ý niệm, mà thuần túy tìm hiểu cách hành động thì chẳng có ý nghĩa gì cả.
Giờ đây, làm thế nào bạn có được một ý niệm – một ý niệm thật đơn giản, không cần phải mang tính triết lý, tôn giáo hay kinh tế gì cả? Hiển nhiên đó chính là quá trình tư duy, không phải sao? Ý niệm là kết quả của quá trình tư duy. Nếu không có quá trình tư duy, thì có thể không có ý niệm. Vì vậy, tôi phải hiểu chính quá trình tư duy trước khi có thể hiểu sản phẩm của nó, tức là ý niệm. Chúng ta muốn nói gì khi nói đến tư duy đây? Khi nào thì bạn tư duy? Rõ ràng tư duy là kết quả của một phản ứng về thần kinh hoặc tâm lý, không phải vậy sao? Đó là phản ứng tức thời của các giác quan đối với một cảm giác, hoặc nó là phản ứng tâm lý, phản ứng của ký ức được tích lũy. Có phản ứng tức thời của những dây thần kinh trước cảm giác, và có phản ứng tâm lý của ký ức được tích lũy, sự ảnh hưởng của nòi giống, của phe phái, của người có uy tín, gia đình, truyền thống,… – tất cả những điều đó bạn gọi là tư duy. Vì vậy, quá trình tư duy chẳng phải là phản ứng của ký ức hay sao? Bạn sẽ không có tư duy nếu không có ký ức. Và phản ứng của ký ức đối với một trải nghiệm nào đó sẽ biến quá trình tư duy thành hành động. Chẳng hạn, tôi có những ký ức được tích lũy về chủ nghĩa dân tộc và tự gọi mình là tín đồ Hindu giáo. Nguồn dự trữ các ký ức đó gồm những hành động hồi đáp, hàm ý, truyền thống, phong tục trong quá khứ, phản ứng trước thách thức của một tín đồ Hồi giáo, Phật giáo, hay Thiên Chúa giáo. Và phản ứng của ký ức đối với thách thức đó không thể tránh khỏi tạo nên quá trình tư duy. Hãy theo dõi quá trình tư duy đang hoạt động trong chính mình và bạn có thể kiểm tra một cách trực tiếp sự thật của vấn đề này. Chẳng hạn, bạn bị ai đó sỉ nhục, và sự việc đó vẫn lưu lại trong ký ức của bạn. Nó trở thành một phần bối cảnh của bạn. Và khi bạn gặp người đó, tức là thách thức xuất hiện, thì phản ứng của bạn chính là ký ức của việc sỉ nhục đó. Vì vậy, phản ứng của ký ức, tức là quá trình tư duy, tạo nên một ý niệm. Vì vậy, ý niệm đó luôn luôn bị quy định – và đây là điều quan trọng cần hiểu rõ. Hay nói chính xác hơn, ý niệm là kết quả của quá trình tư duy, và quá trình tư duy là phản ứng của ký ức, mà ký ức thì luôn luôn bị quy định. Ký ức bao giờ cũng thuộc về quá khứ, và ký ức đó được tái hiện trong hiện tại khi gặp thách thức. Về bản chất, ký ức tự nó không có đời sống. Nó tái hiện trong hiện tại khi chạm trán với thách thức. Và tất cả ký ức, dù tiềm tàng hay đang hoạt động, đều bị quy định, không phải vậy sao?
Do đó, phải có một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Bạn phải khám phá chính mình về mặt nội tâm, liệu bạn có đang khởi lên một ý niệm hay không, và liệu có thể có hành động mà không có sự hình thành ý niệm được hay không. Hãy cùng đi tìm hành động không dựa trên một ý niệm nhé.
Khi nào bạn hành động mà không có sự hình thành ý niệm? Khi nào có hành động mà không phải là kết quả của sự trải nghiệm? Như chúng ta đã nói, một hành động dựa trên trải nghiệm thì có giới hạn, và do đó, là một trở ngại. Hành động không là kết quả của một ý niệm là hành động tự phát khi quá trình tư duy – dựa trên trải nghiệm – không điều khiển hành động. Điều đó có nghĩa rằng có hành động độc lập với sự trải nghiệm khi tâm trí không điều khiển hành động. Đó là trạng thái duy nhất có sự hiểu biết: Khi tâm trí (dựa trên trải nghiệm) không hướng dẫn hành động, khi tư duy (dựa trên trải nghiệm) không định hướng hành động. Vậy thì hành động là gì, khi không có quá trình tư duy? Liệu có thể có hành động mà không cần quá trình tư duy không? Chẳng hạn tôi muốn xây dựng một cây cầu, căn nhà. Tôi biết kỹ thuật xây dựng và công nghệ đó cho tôi biết cách xây dựng nó. Chúng ta gọi đó là hành động. Và có hành động khi làm thơ, vẽ tranh, đảm trách các công việc của chính phủ, các phản ứng về môi trường, xã hội. Tất cả đều dựa trên một ý niệm hoặc trải nghiệm trước đó để định hướng hành động. Nhưng liệu có hành động khi không có sự hình thành ý niệm hay không?
Chắc chắn rằng có hành động như vậy khi ý niệm dừng lại. Và ý niệm đó chỉ dừng khi có tình thương. Tình thương không phải là ký ức. Tình thương không phải là sự trải nghiệm. Tình thương không phải là nghĩ về người mình quý mến, bởi vì khi đó, nó chỉ đơn thuần là tư duy mà thôi. Bạn không thể nghĩ về tình thương. Bạn chỉ có thể nghĩ về người mình quý mến hoặc hết lòng tận tụy vì họ – chẳng hạn vị thầy của bạn, hình ảnh của bạn, vợ hay chồng của bạn. Nhưng tư duy đó, biểu tượng đó không phải là thực tế, tức là tình thương. Do đó, tình thương không phải là một trải nghiệm.
Khi có tình thương thì có hành động, không phải vậy sao? Và có phải hành động đó là không giải thoát? Nó không phải là kết quả của tâm trạng, và không có khoảng cách giữa tình thương và hành động, giống như có sự cách biệt giữa ý niệm và hành động. Ý niệm luôn luôn cũ kỹ, phủ bóng lên hiện tại và chúng ta cứ luôn cố gắng xây dựng một nhịp cầu giữa hành động và ý niệm. Khi có tình thương – không phải tâm trạng, không phải sự hình thành ý niệm, không phải ký ức, không phải kết quả của trải nghiệm, của kỷ luật được thực thi – thì chính tình thương đó là hành động. Và đó là thứ duy nhất tự do. Miễn là có tâm trạng, miễn là có sự định hướng hành động bằng một ý niệm, tức là trải nghiệm, thì không thể có sự giải thoát. Và chỉ cần quá trình đó tiếp tục, thì tất cả hành động đều bị giới hạn. Khi thấy được sự thật của điều này, thì phẩm chất của tình thương – không phải tâm trạng, thứ mà bạn có thể nghĩ tới – bắt đầu hiện hữu.
Người ta phải nhận thức về toàn bộ quá trình này, về việc ý niệm bắt đầu hiện hữu ra sao, hành động phát sinh từ ý niệm như thế nào, làm cách nào ý niệm điều khiển được hành động, và nhờ đó, nó kiềm chế hành động, phụ thuộc vào cảm giác. Ý niệm dù là của ai , cánh tả hay phe cực hữu, cũng không quan trọng. Chỉ cần còn bám chắc vào ý niệm, thì chúng ta còn ở trong trạng thái không thể có trải nghiệm gì cả. Lúc đó, chúng ta đơn thuần đang sống trong khoảng thời gian của quá khứ, vốn tạo thêm cảm giác, hoặc của tương lai, vốn là một dạng cảm giác khác. Chỉ khi tâm trí thoát khỏi ý niệm thì mới có thể có trạng thái đang trải nghiệm.
Ý niệm không phải là sự thật. Sự thật là cái phải được trải nghiệm một cách trực tiếp trong từng khoảnh khắc. Nó không phải kiểu trải nghiệm mà bạn muốn – bất cứ thứ gì bạn thích lúc đó chỉ đơn thuần là cảm giác. Chỉ khi một người có thể vượt qua một mớ những ý niệm – tức là cái “tôi”, là tâm trí, là sự tiếp nối liên tục hoặc một phần – chỉ khi một người có thể vượt qua điều đó, khi tư tưởng tĩnh lặng tuyệt đối, thì lúc đó mới có trạng thái đang trải nghiệm. Khi ấy, người ta sẽ biết được sự thật là gì.