C
on người là động vật lưỡng cư vì sống đồng thời ở hai thế giới – thế giới có sẵn và thế giới tự tạo; thế giới của vật chất, đời sống và ý thức, và thế giới của các biểu tượng. Trong tư duy của mình, chúng ta sử dụng nhiều hệ thống biểu tượng – ngôn ngữ học, toán học, hình ảnh, âm nhạc, nghi thức. Nếu không có những hệ thống biểu tượng như vậy, chúng ta hẳn đã không có nghệ thuật, khoa học, luật pháp, triết học, thậm chí không có cả những nguyên tắc cơ sở cho nền văn minh: Hay nói cách khác, chúng ta có thể vẫn chỉ là những con vật mà thôi.
Vậy thì các biểu tượng là không thể thiếu được. Song những biểu tượng cũng có thể là hiểm họa – như lịch sử của thời đại riêng chúng ta và mọi thời kỳ khác đều thể hiện rất rõ. Chẳng hạn, một mặt hãy xem xét lĩnh vực khoa học, mặt khác xem lĩnh vực chính trị và tôn giáo. Khi nghĩ đến và hành động phản ứng theo một tập hợp các biểu tượng, chúng ta tiến tới việc hiểu và điều khiển những sức mạnh cơ bản của tự nhiên ở mức độ nhỏ nào đó. Còn khi nghĩ đến và hành động phản ứng theo một tập hợp các biểu tượng khác, chúng ta sẽ sử dụng những sức mạnh này như là phương tiện để thảm sát hàng loạt và tự tử tập thể. Trong trường hợp thứ nhất, các biểu tượng có tính cách giải thích đã được chọn lựa tốt, phân tích cẩn thận và ngày càng thích ứng với những vấn đề nổi bật trong sự hiện hữu vật chất. Trong trường hợp thứ hai, ban đầu, các biểu tượng được lựa chọn không đúng đã không bao giờ được đưa ra để phân tích thấu đáo và không bao giờ được trình bày lại cho rõ ràng để hài hòa với các vấn đề nổi bật trong sự hiện hữu của con người. Và tồi tệ hơn nữa, những biểu tượng sai lầm này đã được khắp nơi tôn trọng một cách hoàn toàn tùy tiện, như thể chúng thì xác thực hơn theo cách bí ẩn nào đó so với những thực tế mà chúng đề cập đến. Trong bối cảnh tôn giáo và chính trị, hơi kém thỏa đáng, ngôn từ không được coi là đại diện cho các sự việc và sự kiện. Ngược lại, những sự việc và sự kiện được coi là những minh họa cụ thể cho ngôn từ.
Cho tới nay, các biểu tượng chỉ được sử dụng một cách thực tế trong những lĩnh vực mà chúng ta cảm thấy không quá quan trọng. Tuy nhiên, trong mọi tình huống liên quan đến những xung động ngày càng sâu xa hơn, chúng ta cứ khăng khăng sử dụng các biểu tượng, không chỉ một cách phi hiện thực, mà còn sùng bái, thậm chí điên rồ. Và hậu quả là chúng ta có thể phạm phải, một cách nhẫn tâm và trong một khoảng thời gian dài, các hành động mà những kẻ vũ phu chỉ có thể mắc phải trong các khoảnh khắc ngắn và ở đỉnh điểm điên cuồng của cơn thịnh nộ, khao khát hoặc sợ hãi. Bởi vì con người sử dụng và tôn bái các biểu tượng, nên họ có thể trở thành những người hay lý tưởng hóa. Và là những người hay lý tưởng hóa, họ có thể biến thói tham lam thỉnh thoảng mới có ở thú vật thành chủ nghĩa đế quốc đồ sộ của một Rhodes hoặc một J. P. Morgan; biến thú vui bắt nạt thỉnh thoảng mới có ở loài thú thành Tòa án dị giáo Tây Ban Nha; biến sự gắn bó thỉnh thoảng mới có ở thú vật đối với lãnh thổ của chúng thành những sự cuồng loạn có tính toán của chủ nghĩa dân tộc. May thay, họ cũng có thể biến chuyển lòng tốt thỉnh thoảng mới có ở loài vật thành lòng nhân đức suốt đời của một Elizabeth Fry hay một Vincent de Paul; biến sự tận tụy thỉnh thoảng mới có của thú vật với bạn tình và con cái của chúng thành sự cộng tác hợp lý và kiên trì, mà cho tới nay đã chứng minh là đủ mạnh mẽ để cứu thế giới khỏi những hậu quả của kẻ kia, khỏi kiểu chủ nghĩa lý tưởng tai hại. Liệu nó có thể tiếp tục cứu rỗi thế gian không? Câu hỏi này không thể có đáp án. Với những kẻ lý tưởng hóa về chủ nghĩa dân tộc đang nắm giữ vũ khí hạt nhân, tất cả những gì chúng ta có thể nói là những xung đột nhằm ủng hộ những người lý tưởng hóa sự cộng tác và lòng nhân hậu đã sụt giảm dữ dội.
Trên thực tế, ngay cả cuốn sách dạy nấu ăn hay nhất cũng không thể thay thế cho một bữa ăn tệ nhất. Mọi chuyện có vẻ đã đủ rõ rồi. Tuy nhiên, qua các thời kỳ, những triết gia lỗi lạc nhất, các nhà thần học uyên bác và sắc sảo nhất vẫn cứ mắc sai lầm trong việc đồng nhất hóa những diễn dịch hoặc giải thích thuần túy bằng lời nói của họ với sự thật, hoặc phạm sai lầm còn nghiêm trọng khi tưởng tượng rằng các biểu tượng thì có phần thật hơn là thứ mà chúng đại diện. Và việc sùng bái ngôn từ của họ không phải không bị phản bác. Thánh Paul nói: “Chỉ tinh thần mới ban sự sống, còn từ ngữ thì giết chết nó”. Còn Eckhart thì đặt câu hỏi: “Và tại sao, tại sao bạn cứ huyên thuyên về Thiên Chúa? Dù bạn có nói gì về Thiên Chúa thì cũng đều không đúng”. Còn ở phía bên kia địa cầu, tác giả của một trong những cuốn kinh Phật giáo Đại thừa khẳng định: “Đức Phật không bao giờ thuyết giảng về chân lý, bởi vì bạn phải nhận ra nó từ bên trong mình”. Những phát biểu như vậy đã được cảm nhận để rồi bị bác bỏ hoàn toàn, và những người đứng đắn chẳng bao giờ để ý đến chúng. Thế nhưng sự ngưỡng vọng ngôn từ và biểu tượng cao đến mức kỳ lạ vẫn cứ tiếp tục không cách nào kiềm chế được. Các tôn giáo đã thoái trào, nhưng thói quen công thức hóa các tín điều và áp đặt niềm tin trong giáo điều vẫn còn dai dẳng ngay cả ở những người vô thần.
Trong những năm gần đây, các nhà logic học và nhà ngữ nghĩa học đã tiến hành một phân tích rất kỹ càng về những biểu tượng mà con người dùng để suy nghĩ. Ngôn ngữ học đã trở thành một môn khoa học, thậm chí người ta có thể nghiên cứu một môn học mà Benjamin Whorf quá cố đã đặt cho cái tên là siêu ngôn ngữ học. Điều đó thì tốt thôi, song vẫn chưa đủ. Logic học và ngữ nghĩa học, ngôn ngữ học và siêu ngôn ngữ học – đó thuần túy là các môn học sử dụng trí óc. Chúng phân tích những cách khác nhau, đúng và không đúng, có nghĩa và vô nghĩa, mà ngôn từ có thể liên quan tới những sự vật, quá trình và sự kiện. Nhưng chúng không đưa ra hướng dẫn gì đối với vấn đề mang tính nền tảng hơn nhiều là về mối quan hệ của con người trong tổng thể tâm sinh lý, ở một mặt, và với hai thế giới của họ, thế giới dữ kiện và thế giới biểu tượng, ở mặt kia.
Ở mọi nơi và mọi giai đoạn lịch sử, bản thân mỗi người cứ phải giải quyết vấn đề đó hết lần này sang lần khác. Ngay cả khi họ nói hoặc viết, những cá nhân này cũng không tạo nên những hệ thống – bởi vì họ biết rằng mọi hệ thống đều là sự cám dỗ thường xuyên để khiến các biểu tượng trở nên quá nghiêm túc, để chú ý quá nhiều vào ngôn từ hơn là vào những thực tế mà chúng được coi là đại diện. Mục đích của họ là không bao giờ đưa ra những lời giải thích và phương thuốc trị bá bệnh có sẵn nào, mà mục đích là để kích thích người ta tự chẩn đoán và chữa trị những căn bệnh của chính mình, đưa họ đến đúng nơi vấn đề của con người và giải pháp cho nó tự thể hiện một cách trực tiếp để trải nghiệm.
Trong tuyển tập hình thành từ các bài viết và buổi nói chuyện được thu âm này của Krishnamurti, độc giả sẽ tìm thấy một tuyên bố rất hiện đại và rõ ràng về vấn đề nền tảng đó của con người, cùng với đó là lời mời giải quyết nó bằng giải pháp duy nhất khả dĩ – cho họ và bởi chính họ. Các giải pháp chung chung mà rất nhiều người liều lĩnh đặt niềm tin vào thì không bao giờ thích hợp. “Để hiểu nỗi đau khổ và hỗn loạn hiện hữu trong chính mình, và do đó trên thế giới này, chúng ta trước tiên phải tìm thấy sự rõ ràng trong bản thân, và sự rõ ràng chỉ xuất hiện thông qua tư duy đúng đắn. Sự rõ ràng này không thể được tổ chức, bởi vì nó không thể được trao đổi với người khác. Còn tư tưởng theo nhóm có tổ chức thì đơn thuần mang tính lặp lại. Và sự rõ ràng không phải là kết quả của việc khẳng định bằng lời nói, mà của việc tự nhận thức và tư duy đúng đắn. Tư duy đúng đắn không phải là kết quả của sự trau dồi trí năng đơn thuần, cũng không phải là sự tuân theo khuôn mẫu, dù khuôn mẫu đó có đáng tôn trọng và cao quý đến đâu đi nữa. Tư duy đúng phải đi kèm với sự tự biết mình. Khi không hiểu chính mình, bạn sẽ không có cơ sở để suy nghĩ chính xác. Khi không tự biết mình, điều bạn nghĩ là không đúng”.
Chủ đề nền tảng này được Krishnamurti phát triển qua từng đoạn văn. “Niềm hy vọng nằm ở con người, không phải ở xã hội, không phải trong các hệ thống, các hệ thống tôn giáo có tổ chức, mà ở bạn và ở tôi”. Trên thực tế, các tôn giáo có tổ chức, cùng với những người trung gian, kinh sách, giáo điều, các hệ thống cấp bậc và nghi lễ của họ cũng chỉ đưa ra giải pháp sai lầm cho vấn đề cơ bản. “Khi trích dẫn Bhagavad Gita, Kinh thánh , hoặc một cuốn sách thiêng nào đó của Trung Hoa, thì chắc chắn bạn chỉ đơn thuần đang lặp lại, không phải vậy sao? Và điều mà bạn đang lặp lại đó không phải là sự thật. Đó là dối trá, bởi vì chân lý không thể lặp lại được”. Sự dối trá có thể được lan truyền, nói ra và lặp lại, nhưng sự thật thì không. Và khi bạn lặp lại sự thật, thì nó không còn là sự thật nữa, do đó, các kinh sách chẳng có gì quan trọng. Chính nhờ việc tự biết mình, chứ không phải nhờ tin vào những biểu tượng của người khác, người ta mới đến được với sự thật vĩnh cửu, mà trong đó, sự hiện hữu của họ có cơ sở vững chắc. Niềm tin vào sự hoàn hảo và giá trị tột bậc của bất cứ hệ thống biểu tượng có sẵn nào không dẫn tới sự tự do, mà dẫn về lịch sử, đưa tới những thảm họa còn trầm trọng hơn những thảm họa đã từng xảy ra. “Niềm tin chắc chắn sẽ gây phân cách. Nếu có niềm tin, hoặc khi tìm kiếm sự đảm bảo trong đức tin cụ thể của mình, bạn sẽ trở nên tách biệt với những ai mưu cầu sự an lành ở dạng niềm tin khác. Tất cả niềm tin có tổ chức đều dựa trên sự chia cách, mặc dù họ có thể thuyết giảng về tình huynh đệ đi nữa”. Người giải quyết được vấn đề ẩn trong mối quan hệ của họ với hai thế giới dữ kiện và biểu tượng là người không có niềm tin nào. Về những vấn đề của cuộc sống thực tế, người đó sẽ nuôi dưỡng một loạt các giả thuyết có thể chấp nhận, phục vụ cho những mục đích của anh ta, song không coi trọng hơn bất cứ dạng công cụ hoặc phương tiện nào khác. Còn về bạn bè của anh ta và về thực tại mà họ dựa vào, thì anh ta có những trải nghiệm trực tiếp về tình thương và sự thấu hiểu. Chính vì để bảo vệ mình khỏi những niềm tin mà Krishnamurti đã “không đọc bất cứ kinh sách nào, cả Bhagavad Gita và bộ Upanishad cũng không”. Có những người trong số chúng ta thậm chí không đọc các kinh sách, mà chỉ đọc báo chí và những cuốn truyện trinh thám ưa thích. Điều này có nghĩa rằng chúng ta tiếp cận sự khủng hoảng trong thời đại chúng ta không phải bằng tình thương và sự thấu hiểu, mà “bằng những công thức, bằng những hệ thống” – và những công thức, hệ thống ấy cũng tương đối nghèo nàn. Nhưng “người có thiện tâm không nên có những công thức”. Bởi vì các công thức tất yếu sẽ dẫn tới kiểu “tư duy mù quáng”. Thói nghiện công thức hầu như ở đâu cũng có. Chắc chắn là vậy, bởi vì “hệ thống giáo dục của chúng ta hiện dựa trên việc suy nghĩ về cái gì , chứ không phải suy nghĩ như thế nào ”. Chúng ta được giáo dục để trở thành những thành viên có niềm tin và hoạt động trong một tổ chức nào đó – tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Hindu giáo, Phật giáo, người theo học thuyết Freud. Hậu quả là “bạn phản ứng với những thách thức luôn luôn mới mẻ bằng một khuôn mẫu cũ kỹ. Và do đó, phản ứng của bạn không có giá trị, sự mới mẻ, tươi sáng tương xứng. Nếu phản ứng như một tín đồ Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, thì bạn đang phản ứng theo một tư duy trong khuôn khổ – chẳng phải sao? Vì vậy, phản ứng của bạn chẳng có ý nghĩa gì cả. Và không phải tín đồ Hindu giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng đã tạo ra vấn đề này hay sao? Nếu tôn giáo mới là sự sùng bái chính thể, thì tôn giáo cũ là sự tôn sùng ý niệm”. Nếu phản ứng với một thách thức theo kiểu ước định cũ, thì phản ứng của bạn sẽ không thể cho phép bạn hiểu được thách thức mới đó. Do vậy, “nhằm đáp ứng với thách thức mới, điều mà một người phải làm là cởi bỏ chính mình triệt để, tự mình bỏ đi hoàn toàn hoàn cảnh và đối đầu với thách thức theo cách khác”. Hay nói khác đi, các biểu tượng không bao giờ nên được nâng lên tới mức độ của giáo điều, và bất cứ hệ thống nào cũng chỉ nên xem là một giải pháp tiện lợi tạm thời. Niềm tin vào các công thức và hành động tương xứng với những niềm tin này không thể đưa chúng ta tới một giải pháp cho vấn đề của mình. “Chỉ thông qua sự hiểu biết mang tính sáng tạo của chính chúng ta mới có thể có một thế giới sáng tạo, một thế giới hạnh phúc, một thế giới mà trong đó các ý niệm không tồn tại”. Một thế giới mà trong đó các ý niệm không tồn tại sẽ là một thế giới hạnh phúc, bởi vì đó sẽ là thế giới không bị những thế lực tạo ra ước định đầy quyền lực ép buộc con người phải thực hiện những hành động không thích hợp, một thế giới không có các giáo điều được coi là thiêng liêng mà dựa vào nó, những tội ác tồi tệ nhất được bào chữa, những thứ điên rồ nhất được hợp lý hóa một cách tinh vi.
Nền giáo dục dạy chúng ta không phải suy nghĩ như thế nào mà suy nghĩ cái gì là nền giáo dục kêu gọi một giai cấp thống trị của các giáo sĩ và những vị thầy. Nhưng “chính ý niệm dẫn dắt ai đó lại là phản xã hội và phản tinh thần”. Đối với người cầm quyền, sự lãnh đạo giúp thỏa mãn ham muốn quyền lực. Còn đối với người được dẫn dắt, nó giúp thỏa mãn ham muốn được đảm bảo và an toàn. Vị thầy sẽ cung cấp một dạng thuốc kích thích. Nhưng, người ta có thể hỏi Krishnamurti: “ Ngài đang làm gì vậy? Chẳng phải ngài đang hành động với tư cách vị thầy của chúng tôi sao?”. Và Krishnamurti trả lời: “Chắc chắn tôi không hành động với tư cách vị thầy của các bạn, bởi vì trước tiên, tôi không cho bạn bất cứ sự thỏa mãn nào cả. Tôi không khuyên bạn nên làm gì vào mỗi lúc, hoặc mỗi ngày, mà tôi đơn giản là chỉ ra điều gì đó cho bạn mà thôi. Bạn có thể tiếp nhận hoặc bỏ ngoài tai, điều đó phụ thuộc vào bạn, chứ không phải tôi. Tôi không đòi hỏi một thứ gì từ bạn, không đòi bạn sùng bái, không đòi bạn nịnh bợ, không đòi bạn lăng mạ, cũng không đòi những vị thần thánh của bạn. Tôi nói: ‘Đây là sự thật. Hãy nhận lấy hoặc từ bỏ nó’. Và đa phần các bạn sẽ bỏ qua, bởi vì lý do hiển nhiên là bạn không tìm thấy sự thỏa mãn trong đó”.
Vậy thì chính xác Krishnamurti đưa ra điều gì? Thứ chúng ta có thể tiếp nhận nếu muốn, nhưng hầu hết sẽ thích bỏ qua hơn là gì? Như chúng ta thấy, đó không phải là một hệ thống đức tin, một danh mục các giáo điều, một tập hợp những khái niệm và lý tưởng được thiết lập sẵn. Đó cũng không phải là sự lãnh đạo, không phải là sự điều đình, không phải là sự hướng dẫn về mặt tinh thần, thậm chí không phải là ví dụ. Đó không phải là nghi thức, không phải nhà thờ, không phải quy tắc, không kích thích hoặc bất cứ dạng truyền cảm hứng lăng nhăng, nhảm nhí nào.
Vậy thì có lẽ đó là sự tự giác kỷ luật? Không, do thực tế tàn nhẫn, tự giác kỷ luật không phải là cách để giải quyết vấn đề của chúng ta. Để tìm thấy giải pháp, tâm trí phải tự cởi mở với thực tại, phải đương đầu việc bị quy định của thế giới ngoại tại và nội tại mà không có định kiến hay giới hạn. (Phụng sự Thượng Đế là sự tự do tuyệt đối. Ngược lại, sự tự do tuyệt đối là việc phụng sự Thượng Đế). Khi có kỷ luật, tâm trí của chúng ta không trải qua sự thay đổi triệt để nào. Đó vẫn là bản ngã cũ kỹ, nhưng “bị ràng buộc, bị kiềm chế” mà thôi.
Và sự tự giác kỷ luật có mặt trong danh sách những thứ mà Krishnamurti không đề nghị. Vậy thì liệu việc ông đề nghị có phải là cầu nguyện không? Một lần nữa, câu trả lời là không. “Cầu nguyện có thể mang lại câu trả lời mà bạn tìm kiếm. Song đáp án đó có thể đến từ tiềm thức của bạn, hoặc từ nguồn cung cấp chung, kho chứa của tất cả đòi hỏi của bạn. Câu trả lời đó không phải là tiếng nói tĩnh lặng của Thượng Đế”. Cân nhắc một chút, Krishnamurti tiếp tục: “Điều gì xảy ra khi bạn cầu nguyện. Bằng cách tụng niệm không ngừng những cụm từ nào đó, và bằng cách kiểm soát tư tưởng của bạn, tâm trí sẽ trở nên tĩnh lặng, phải vậy không? Ít nhất tầng ý thức của tâm* trở nên tĩnh lặng. Bạn quỳ gối giống như những tín đồ Thiên Chúa giáo, hoặc bạn ngồi như các tín đồ Hindu giáo, rồi bạn tụng niệm và tụng niệm, và thông qua sự lặp đi lặp lại đó, tâm trí trở nên tĩnh lặng. Trong sự an tĩnh này, có sự gợi đến điều gì đó. Và sự gợi đến điều gì đó mà bạn đã cầu nguyện có thể là từ tiềm thức, hoặc nó có thể là phản ứng từ các ký ức của bạn. Song chắc chắn nó không phải là tiếng nói của thực tại, bởi vì tiếng nói của thực tại phải đến với bạn. Nó không thể được thỉnh cầu, và bạn không thể cầu nguyện nó. Bạn không thể dụ dỗ nó chui vào cái lồng nhỏ bé của bạn bằng cách cầu nguyện theo kiểu puja hay hát nhạc bhajan và những thứ đại loại như vậy, bằng cách dâng hoa cho nó, bằng cách xoa dịu nó, bằng cách tự kiềm chế mình hoặc cạnh tranh với người khác. Một khi bạn học được mẹo để làm tâm tĩnh lặng, thông qua việc lặp lại các từ ngữ, và nhận được các sự gợi ý trong trạng thái tĩnh lặng đó, thì mối nguy hiểm là – trừ phi bạn hoàn toàn tỉnh giác nhận ra những gợi ý đó đến từ đâu – bạn sẽ bị mắc kẹt, và lúc đó, việc cầu nguyện trở thành hình thức thay thế cho việc tìm kiếm Sự Thật. Bạn nhận được điều mình mong muốn, nhưng đó không phải là sự thật. Nếu bạn muốn và nếu cầu xin, bạn sẽ nhận được, nhưng cuối cùng, bạn sẽ trả giá cho nó”.
Từ cầu nguyện, chúng ta chuyển qua yoga, và yoga, như chúng ta sẽ thấy, là một thứ nữa trong số những điều mà Krishnamurti không khuyến khích. Bởi vì yoga là sự tập trung tư tưởng và tập trung tư tưởng là sự ngăn chặn. “Bạn xây dựng một bức tường ngăn cách bằng việc tập trung vào một tư tưởng mà bạn chọn, rồi bạn cố gắng tránh né tất cả các tư tưởng khác”. Cái thường được gọi là thiền định chỉ thuần túy là “bồi dưỡng, vun đắp cho sự kháng cự, cho sự tập trung riêng vào một ý niệm chúng ta chọn lựa”. Nhưng bạn lựa chọn gì? “Cái khiến bạn nói rằng đây là điều thiện, đúng, cao quý, còn những cái khác thì không phải? Hiển nhiên, sự chọn lựa dựa trên niềm vui, sự tưởng thưởng hay thành tựu. Hoặc thuần túy là một phản ứng của quá trình giáo dục hay truyền thống của một người. Tại sao bạn chọn như vậy? Tại sao không xem xét mọi tư tưởng? Khi bạn quan tâm tới nhiều, thì tại sao lại chọn một? Tại sao không xem xét mọi mối quan tâm? Thay vì tạo nên sự kháng cự, tại sao không đi vào từng mối quan tâm khi nó khởi lên, chứ không chỉ tập trung vào một ý niệm, một mối quan tâm? Suy cho cùng, bạn là tổng hợp của nhiều mối quan tâm, bạn có nhiều mặt nạ, một cách hữu ý và vô ý. Tại sao lại chọn một và tống khứ tất cả những thứ khác, trong cuộc đọ sức mà bạn dồn tất cả sức lực của mình vào, do đó tạo ra sự kháng cự, xung đột và xích mích. Ngược lại, nếu bạn xem xét mọi tư tưởng khi nó khởi lên – tất cả suy nghĩ, chứ không chỉ vài suy nghĩ – thì sẽ không có sự loại trừ. Tuy nhiên, xem xét mọi tư tưởng là việc rất khó khăn. Bởi vì khi bạn nhìn vào một tư tưởng, thì một tư tưởng khác sẽ lẻn vào. Nhưng nếu bạn nhận thức mà không tìm cách chi phối hoặc bào chữa, bạn sẽ thấy rằng khi chỉ đơn thuần nhìn vào tư tưởng đó, thì không có tư tưởng nào khác can thiệp vào. Chỉ khi nào bạn chỉ trích, so sánh, cố gò ép cho giống, thì các tư tưởng khác mới xâm nhập”.
“Các ngươi đừng xét đoán ai để khỏi bị xét đoán”. Câu giáo huấn trong sách Phúc âm áp dụng cho cách cư xử của chúng ta với chính mình, cũng như đối với những người khác. Nơi nào có sự xét đoán, nơi đó có sự so sánh, phê bình và thiếu vắng sự cởi mở đầu óc. Không thể có tự do từ sự bạo ngược chuyên chế của các biểu tượng và hệ thống, phương pháp; không có sự đào thoát khỏi quá khứ và môi trường. Việc tự xem xét nội tâm với một mục đích được xác định trước, việc tự vấn trong khuôn khổ một quy tắc truyền thống hay một tập hợp các nguyên lý cơ bản được thần thánh hóa nào đó – những điều này không và không thể giúp ích cho chúng ta. Có một sự tự phát siêu việt của cuộc đời, một “Thực tại sáng tạo”, như cách Krishnamurti gọi nó, cái thực tại tự bộc lộ chính nó từ nội tại chỉ khi tâm của người lãnh hội ở trạng thái “thụ động tỉnh giác”, “nhận thức không chọn lựa”. Sự xét đoán và so sánh làm chúng ta dính líu một cách không thể dứt bỏ vào tính nhị nguyên**. Chỉ sự nhận thức không chọn lựa mới có thể dẫn tới tình trạng phi nhị nguyên, tới sự hòa hợp của những tình trạng đối lập trong sự hiểu biết hoàn toàn và tình thương tuyệt đối. Giống như thành ngữ Latinh “Ama et fac quod vis”, nếu thương yêu, bạn có thể làm điều mình muốn. Nhưng nếu bắt đầu bằng cách làm điều mình muốn, hoặc bằng cách làm điều mình không muốn trong khi phục tùng phương pháp truyền thống hoặc những quan niệm, lý tưởng và sự cấm đoán nào đó, thì bạn sẽ không bao giờ biết thương yêu. Quá trình giải thoát phải bắt đầu với nhận thức không chọn lựa đối với bất cứ thứ gì bạn thích và đối với các phản ứng của bạn về hệ thống biểu tượng đã bảo bạn rằng bạn phải, hoặc không phải, muốn nó. Thông qua nhận thức không chọn lựa này, khi nó thâm nhập vào những lớp kế tiếp của bản ngã và tiềm thức gắn liền của nó, thì tình thương và sự hiểu biết sẽ xuất hiện, nhưng với một trật tự khác hẳn so với những gì thông thường chúng ta đã quen thuộc. Sự nhận thức không chọn lựa này – ở mọi khoảnh khắc và trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời – là sự thiền định hữu hiệu duy nhất. Tất cả dạng khác của yoga đều dẫn tới tư duy mù quáng do bắt nguồn từ sự tự giác kỷ luật, hoặc một kiểu trạng thái mê mẩn tự cảm nào đó, một dạng nhập định sai lầm nào đó. Sự giải thoát thực sự là “một sự tự do nội tại của Thực tại sáng tạo”. Đây “không phải là một món quà; nó là để được khám phá và trải nghiệm. Nó không phải là một thành tựu được gom về cho bạn nhằm tôn vinh chính bạn. Nó là một trạng thái hiện hữu, giống như sự yên lặng, trong đó không có việc đang trở thành, mà trong đó có sự toàn vẹn. Sự sáng tạo này có thể không nhất thiết phải tìm cách diễn tả, nó không phải là một tài năng đòi hỏi được phóng chiếu ra bên ngoài. Bạn không cần là một nghệ sĩ vĩ đại hay có khán giả của mình. Nếu tìm kiếm những thứ này, thì bạn sẽ bỏ qua Thực tại bên trong. Nó không phải một món quà, cũng không là kết quả của tài năng. Nó là để được tìm thấy, và chính kho báu bất diệt này là nơi tư duy tự giải thoát mình khỏi tham, sân, si, là nơi tư tưởng tự giải thoát chính nó khỏi sự trần tục và sự khao khát cá nhân để là gì đó. Nó phải được thể nghiệm thông qua tư duy đúng đắn và thiền định”. Sự tự nhận thức không chọn lựa sẽ mang chúng ta đến với Thực tại sáng tạo nằm bên dưới tất cả sự giả vờ mang tính hủy hoại của mình, đến với trí tuệ yên lặng luôn luôn hiện hữu nơi đó, bất chấp sự vô minh, bất chấp hiểu biết mà chỉ thuần túy là sự vô minh ở một dạng khác. Hiểu biết là việc của các biểu tượng và luôn quá thường xuyên là một trở ngại cho trí tuệ trong việc vạch trần bản ngã qua từng khoảnh khắc. Một trí óc vươn tới sự tĩnh lặng của trí tuệ “sẽ biết sự hiện hữu, sẽ biết yêu thương là gì. Yêu thương không mang tính cá nhân, cũng không mang tính phi cá nhân. Yêu thương là yêu thương, không thể định nghĩa hay mô tả bằng tâm trí, dù riêng biệt hay bao hàm. Yêu thương là tính bất diệt của riêng nó. Nó là cái thực tế, cái tối thượng, cái vô hạn”.
- Aldous Huxley
* Theo thuyết của nhà thần kinh học và phân tâm học Sigmund Freud thì tâm thức gồm ba tầng: ý thức, tiền ý thức và vô thức. – ND
** Đây là đặc điểm của học thuyết triết học mang tên thuyết Nhị nguyên hay Nhị nguyên luận. Thuyết này xem xét thực tại bao gồm hai yếu tố hay phương thức tối giản, chẳng hạn vật chất và ý thức (hay tinh thần). – ND