T
ương giao với người khác là điều vô cùng khó khăn, cho dù chúng ta rất hiểu nhau đi nữa. Tôi có thể sử dụng những ngôn từ mà có thể đối với bạn mang ý nghĩa khác với tôi. Sự hiểu biết xuất hiện khi chúng ta, bạn và tôi, gặp nhau ở cùng trình độ tại cùng thời điểm. Điều đó xảy ra chỉ khi có lòng thương mến thực sự giữa người với người, giữa chồng với vợ, giữa những người bạn thân thiết, thâm giao. Đó là sự tương giao đích thực. Sự hiểu biết tức thời xuất hiện khi chúng ta gặp nhau ở cùng trình độ tại cùng thời điểm.
Rất khó tương giao với người khác một cách dễ dàng, hữu hiệu và với hành động dứt khoát. Tôi đang sử dụng những ngôn từ đơn giản, không mang tính chuyên môn, bởi vì tôi không nghĩ rằng bất cứ sự diễn tả mang tính chuyên môn nào sẽ có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề nan giải của mình. Vì vậy, tôi không dùng bất cứ thuật ngữ tâm lý học hoặc khoa học nào cả. Thật may mắn, tôi cũng chưa đọc bất cứ cuốn sách tâm lý học hoặc tôn giáo nào. Tôi thích truyền đạt ý nghĩa sâu sắc bằng những ngôn từ rất đơn giản mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Song điều đó sẽ rất khó nếu bạn không biết cách lắng nghe.
Lắng nghe là một nghệ thuật. Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên từ bỏ hoặc gạt qua một bên tất cả thiên kiến, định kiến và các hoạt động hằng ngày. Khi bạn đang ở trong tâm trạng dễ tiếp thu thì mọi thứ có thể được hiểu một cách dễ dàng; bạn đang lắng nghe chỉ khi bạn thật sự chú ý đến điều gì đó. Nhưng rủi thay, đa số chúng ta lại lắng nghe thông qua một bức màn kháng cự. Chúng ta bị che mắt bởi những thiên kiến, dù là về tôn giáo hay tâm linh, tâm lý học hay khoa học, hoặc bởi những phiền não, mong muốn và sợ hãi hằng ngày của mình. Và với một bức màn che được dệt nên từ những thứ này, chúng ta lắng nghe. Do đó, chúng ta thật ra chỉ đang lắng nghe những ồn ã của riêng mình, những tiếng động của riêng mình, chứ không phải những gì đang được nói. Thật vô cùng khó khăn khi gạt qua một bên quá trình rèn luyện của chúng ta, bỏ qua những thành kiến, thiên vị, kháng cự và vượt qua sự diễn tả bằng lời, để lắng nghe mà hiểu ngay lập tức. Đó sẽ là một trong những khó khăn của chúng ta.
Trong suốt quá trình tôi nói đây, nếu có bất cứ điều gì đối lập với cách suy nghĩ và niềm tin của bạn, hãy cứ lắng nghe, đừng phản bác. Bạn có thể đúng và tôi có thể sai, nhưng bằng cách lắng nghe và cùng nhau xem xét, chúng ta sẽ tìm ra đâu là sự thật. Không ai có thể trao cho bạn sự thật. Bạn phải khám phá ra nó. Và để khám phá được, bạn phải có thái độ nhận thức trực tiếp. Khi có sự kháng cự, đề phòng, bảo vệ, thì không có nhận thức trực tiếp. Hiểu biết xuất hiện thông qua việc nhận thức về hiện trạng. Hiểu chính xác hiện trạng, sự thật, thực tại, mà không diễn dịch nó, không chỉ trích hoặc bào chữa, thanh minh cho nó, thì chắc chắn là sự khởi đầu của trí tuệ. Chỉ khi nào bắt đầu diễn dịch, giải thích theo quy định trói buộc cuộc sống của mình, theo thiên kiến của mình, thì chúng ta mới bỏ lỡ sự thật. Suy cho cùng, nó giống như việc nghiên cứu. Muốn biết điều gì đó chính xác là gì, đòi hỏi phải nghiên cứu – bạn không thể diễn dịch nó tùy theo tâm trạng. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thể nhìn, quan sát, lắng nghe, nhận thức về cái đang là một cách chính xác, thì vấn đề sẽ được giải quyết. Và đó là việc chúng ta sẽ thực hiện trong tất cả các cuộc đối thoại này. Tôi sắp chỉ ra cho bạn cái đang là, và không diễn dịch nó theo sự võ đoán của tôi. Và bạn cũng không nên hiểu nó hoặc diễn dịch nó theo hoàn cảnh hay quá trình rèn luyện của mình.
Vậy thì không thể hiểu mọi thứ đúng như nó là hay sao? Chắc chắn rằng bắt đầu từ đó, có thể có sự hiểu biết. Chấp nhận, biết là có được cái đang là sẽ đặt dấu chấm hết cho sự vật lộn. Nếu tôi biết mình là kẻ dối trá và đó là sự thật mà tôi nhận ra, thì cuộc vật lộn đó chấm dứt. Chấp nhận, biết được mình là ai đã là khởi đầu của trí tuệ, cội nguồn của hiểu biết, sẽ giải thoát bạn khỏi ràng buộc của thời gian. Phẩm chất của thời gian – không phải theo nghĩa niên đại, mà theo nghĩa phương tiện, theo nghĩa quá trình tâm lý, quá trình của tâm trí – là tính hủy hoại và gây ra sự bối rối, hỗn loạn.
Vì vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu về cái đang là khi chúng ta công nhận nó mà không chỉ trích, không bào chữa, không đồng nhất hóa nó. Biết được mình đang ở tình trạng cụ thể nào, ở trạng thái cụ thể nào đã là một quá trình giải thoát rồi. Song một người không nhận thức được tình trạng của mình, về cuộc vật lộn bên trong của mình, mà cố gắng trở thành thứ gì đó khác với bản thân anh ta, thì điều này sẽ tạo nên thói quen. Vậy thì khi ấy, hãy ghi nhớ rằng chúng ta muốn xem xét cái đang là, để quan sát và nhận thức chính xác về thực tại, mà không gán cho nó bất cứ thành kiến nào, không gán cho nó một sự diễn dịch nào. Cần có một tâm trí sắc sảo phi thường, một trái tim uyển chuyển lạ thường để nhận thức và theo dõi cái đang là. Bởi vì cái đang là đó không ngừng thay đổi, không ngừng trải qua sự biến chuyển, nên nếu tâm trí bị trói buộc vào tín ngưỡng, vào kiến thức, thì nó sẽ ngừng đeo bám, nó sẽ ngừng theo đuổi sự biến chuyển nhanh chóng của cái đang là. Chắc chắn cái đang là sẽ không tĩnh tại – nó di chuyển không ngừng, như bạn sẽ nhận ra nếu quan sát nó cẩn thận. Để theo dõi nó, bạn cần một tâm trí rất nhanh nhạy và một trái tim mềm dẻo – điều này sẽ bị khước từ khi tâm trí tĩnh tại, gắn chặt vào tín ngưỡng, vào thiên kiến, vào sự đồng nhất hóa. Một tâm trí và trái tim khô khan không thể theo dõi một cách dễ dàng, nhanh chóng cái đang là.
Tôi nghĩ người ta nhận thức được, mà không cần quá nhiều thảo luận, quá nhiều sự diễn tả bằng lời, rằng hiện có sự hỗn loạn, lộn xộn và nỗi đau khổ riêng cũng như chung. Điều đó không chỉ xảy ra ở Ấn Độ, mà còn xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Đức, trên khắp địa cầu, đều có sự hỗn loạn, khổ sở ngày càng tăng. Nó không chỉ xảy ra ở phạm vi quốc gia, nó không phải là trường hợp cá biệt ở đây, mà là trên khắp thế giới. Có nỗi khổ đau kịch liệt lạ thường, và nó không chỉ là nỗi đau của cá nhân mà còn là nỗi đau chung. Vậy, đó là thảm họa của thế gian nên việc giới hạn nó chỉ trong một khu vực địa lý, một vùng được tô màu trên bản đồ là ngớ ngẩn; bởi vì lúc ấy, chúng ta sẽ không hiểu đầy đủ ý nghĩa của nỗi đau mang tính phổ quát cũng như riêng tư này. Khi nhận thức được tình trạng rối loạn ấy, phản ứng hiện nay của chúng ta là gì? Chúng ta hồi đáp ra sao?
Nỗi đau khổ xuất hiện ở cả lĩnh vực chính trị, xã hội, tôn giáo. Toàn bộ bản chất tâm lý của chúng ta đều trở nên rối loạn, và tất cả lãnh tụ chính trị cũng như tôn giáo khiến chúng ta thất vọng. Tất cả kinh sách đều mất đi ý nghĩa. Bạn có thể đọc Bhagavad Gita , Kinh thánh hoặc luận án mới nhất về chính trị hay tâm lý học, và bạn sẽ thấy rằng chúng đã mất đi ý nghĩa, mất đi phẩm chất của sự thật. Chúng trở nên thuần túy chỉ là từ ngữ. Và bạn, người cứ lặp đi lặp lại những từ ngữ đó, bị bối rối và mơ hồ, và chỉ lặp lại ngôn từ thì chẳng truyền đạt được điều gì. Do đó, ngôn từ và sách vở đã mất đi giá trị của chúng. Tức là nếu bạn trích dẫn Kinh thánh , Marx, hoặc Bhagavad Gita – khi bạn là người trích dẫn mà chính bạn lại thấy mơ hồ, bối rối, thì sự lặp lại của bạn trở thành sự dối trá. Lý do là những gì được viết ra chỉ trở thành tài liệu tuyên truyền, mà tài liệu tuyên truyền thì không phải là sự thật. Vì vậy, khi lặp lại, bạn đã ngừng hiểu biết trạng thái hiện hữu của riêng mình. Bạn thuần túy đang giấu giếm sự bối rối của riêng bạn bằng những ngôn từ có sức tác động. Nhưng điều mà chúng ta đang cố gắng làm là hiểu sự rối loạn này và không che đậy nó bằng những lời trích dẫn. Thế thì, bạn phản ứng với nó ra sao? Bạn phản ứng thế nào đối với sự hỗn loạn lạ thường này, sự bối rối này, sự mơ hồ về cuộc sống này? Hãy nhận thức về nó như tôi đã thảo luận: Hãy theo dõi, không phải những lời lẽ của tôi, mà là tư tưởng hiện đang hoạt động trong bạn. Đa phần chúng ta đã quen với việc là khán giả đứng ngoài thay vì tham dự vào trò chơi đó. Chúng ta đọc sách, nhưng không bao giờ viết sách. Nó đã trở thành truyền thống của chúng ta, thói quen của quốc gia và thế giới chúng ta, chỉ là những khán giả đứng ngoài, theo dõi một trận bóng đá, quan sát các chính trị gia và diễn giả trình bày trước công chúng. Chúng ta thuần túy là những kẻ ngoài cuộc, chỉ đang theo dõi, nên chúng ta mất năng lực sáng tạo. Do đó, chúng ta muốn hấp thụ và cùng tham gia.
Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy quan sát, nếu thuần túy làm khán giả, thì bạn sẽ đánh mất toàn bộ ý nghĩa của cuộc trao đổi này, bởi vì đây không phải là bài diễn thuyết để bạn lắng nghe như một thói quen. Tôi sẽ không cung cấp cho bạn thông tin mà bạn có thể tra được trong bộ bách khoa toàn thư. Điều mà chúng ta đang cố gắng làm là theo dõi tư tưởng của nhau, theo đuổi xa hết mức có thể, sâu hết mức có thể những gợi ý, những phản ứng của cảm giác riêng mình. Vì vậy, xin hãy khám phá cho ra phản ứng của bạn thế nào với nguyên nhân này, với nỗi đau khổ này; không phải người khác nói gì, mà là bản thân bạn phản ứng như thế nào. Phản ứng của bạn sẽ là một sự thờ ơ lãnh đạm nếu bạn lợi dụng nỗi đau khổ, sự hỗn loạn, nếu bạn hưởng lợi từ sự rối loạn đó về mặt kinh tế, xã hội, chính trị hoặc tâm lý. Do đó, bạn sẽ không bận tâm liệu tình trạng hỗn loạn này có tiếp diễn hay không. Chắc chắn rằng thế giới càng xảy ra nhiều vấn đề, hỗn loạn càng nhiều hơn, thì người ta càng mưu cầu sự an toàn. Bạn không để ý điều đó hay sao? Khi có sự hỗn độn trên thế giới, về mặt tâm lý và trên mọi phương diện, thì bạn sẽ bao bọc bản thân trong một dạng bảo vệ nào đó: một khoản tiền gửi ngân hàng hoặc ý thức hệ, hay bạn chuyển sang cầu nguyện, đi đền chùa – thực sự là chạy trốn khỏi những gì đang diễn ra trên thế giới. Ngày càng có nhiều môn phái được thành lập, ngày càng có nhiều “chủ nghĩa” nổi lên trên toàn thế giới. Bởi vì càng có nhiều sự hỗn loạn, bạn càng muốn một nhà lãnh đạo, ai đó sẽ hướng dẫn bạn thoát khỏi tình trạng lộn xộn này, thế là bạn cầu viện những cuốn sách tôn giáo, hoặc nhờ tới một trong những vị đạo sư mới nhất. Hoặc bạn sẽ hành động và phản ứng theo một hệ thống có vẻ như sẽ giải quyết được vấn đề, một hệ thống không theo cánh tả thì theo cánh hữu. Và đó chính xác là điều đang xảy ra.
Lúc bạn nhận thức được về sự hỗn loạn, về chính xác hiện trạng, là bạn đang cố gắng thoát khỏi nó. Những môn phái nào cung cấp cho bạn một hệ thống để giải quyết nỗi đau khổ về kinh tế, xã hội hoặc tôn giáo, thì đó là những môn phái tồi tệ nhất. Bởi vì lúc ấy, hệ thống, phương pháp lại trở nên quan trọng chứ không phải con người – dù nó là hệ thống tôn giáo, hay hệ thống chính trị của cánh tả hay cánh hữu. Khi đó, hệ thống trở nên quan trọng, triết lý, ý tưởng trở nên quan trọng, chứ không phải là con người. Và vì ý tưởng, vì ý thức hệ, bạn sẵn lòng hy sinh cả nhân loại, đó chính xác là điều đang xảy ra trên thế giới. Đây không thuần túy là sự diễn giải của tôi thôi đâu. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy đó chính xác là điều đang xảy ra. Hệ thống đã trở nên quan trọng. Vì vậy, khi hệ thống trở nên quan trọng, thì con người, bạn và tôi, mất đi tầm quan trọng. Và những người kiểm soát hệ thống đó – dù là tôn giáo hay thế tục, dù cánh tả hay cánh hữu – cầm quyền, nắm được sức mạnh, thế nên họ hy sinh bạn, hy sinh một cá nhân. Đó chính xác là điều đang xảy ra.
Vậy giờ thì nguyên nhân của sự hỗn loạn và đau khổ này là gì? Sự đau khổ này, nỗi bất hạnh không chỉ trong thâm tâm mà còn ở bên ngoài này, nỗi sợ hãi và sự kỳ vọng ở chiến tranh này, cuộc thế chiến thứ ba sắp bùng nổ xảy ra như thế nào? Nguyên nhân của nó là gì? Chắc chắn nó cho thấy sự sụp đổ của tất cả giá trị đạo đức, tinh thần, và sự tuyên dương tất cả giá trị thuộc về cảm giác, giá trị của những thứ được làm bằng tay chân hay trí óc. Điều gì xảy ra khi chúng ta không có giá trị nào khác ngoại trừ giá trị của những thứ thuộc về cảm giác, giá trị của các sản phẩm từ trí óc, từ bàn tay hoặc máy móc? Chúng ta càng coi trọng giá trị thuộc về cảm giác của mọi thứ, thì sự hỗn loạn sẽ càng lớn, không phải vậy sao? Một lần nữa, đây không phải là lý thuyết tôi đưa ra. Bạn không phải trích dẫn những cuốn sách để tìm ra rằng các giá trị của bạn, tài sản của bạn, sự tồn tại về mặt kinh tế và xã hội của bạn đều dựa trên những thứ được làm bằng tay hoặc bằng trí óc. Vì vậy, chúng ta sống, hoạt động và để sự hiện hữu của mình đắm chìm trong các giá trị thuộc về cảm tính, mà điều đó có nghĩa là của cải, tài sản đó, những thứ của trí óc, các sản phẩm của bàn tay và của máy móc, trở nên quan trọng. Và khi vật chất trở nên quan trọng, thì tín ngưỡng trở nên cực kỳ quan trọng – và đó chính xác là điều đang xảy ra trên thế giới này, không phải vậy sao?
Do đó, việc ngày càng xem trọng những giá trị thuộc về cảm tính sẽ gây ra sự hỗn loạn. Và khi sống trong tình trạng hỗn loạn, chúng ta sẽ cố thoát khỏi nó thông qua nhiều hình thức, tôn giáo, kinh tế hay xã hội, hoặc thông qua hoài bão, quyền lực, thông qua việc tìm kiếm sự thật. Nhưng sự thật ở ngay đây, bạn không phải tìm kiếm nó. Nếu tìm kiếm sự thật, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy. Chân lý hay sự thật chỉ nằm ở cái đang là – và đó là vẻ đẹp của nó. Song ngay lúc nghĩ về nó, tìm kiếm nó, thì bạn đã bắt đầu vật lộn, và một người đang vật lộn thì không thể hiểu được. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tĩnh lặng, quan sát, nhận thức một cách thụ động. Chúng ta thấy rằng cuộc sống của mình, hành động của mình luôn luôn nằm trong phạm vi của sự hủy hoại, của sự phiền não. Giống như một làn sóng, sự hỗn độn và rối loạn luôn luôn bất ngờ xảy đến với chúng ta. Tình trạng hỗn loạn của sự hiện hữu không bao giờ ngừng nghỉ.
Bất cứ việc gì chúng ta làm ở hiện tại dường như đều dẫn tới sự hỗn loạn, dẫn tới phiền não và sự bất hạnh. Hãy nhìn vào cuộc sống của chính bạn và bạn sẽ thấy rằng cuộc sống của mình luôn luôn ở ngay ranh giới của phiền não. Công việc, sinh hoạt xã hội, hoạt động chính trị của chúng ta, nhiều mối liên kết của các quốc gia là để nhằm chấm dứt chiến tranh, nhưng rồi tất cả điều đó chỉ làm sinh ra thêm chiến tranh. Sự tàn phá theo gót cuộc sống. Bất cứ điều gì chúng ta làm đều dẫn tới cái chết. Đó là điều đang thực sự diễn ra.
Liệu chúng ta có thể chấm dứt ngay nỗi đau khổ này và không phải lúc nào cũng bị nhấn chìm trong làn sóng của tình trạng hỗn loạn và đau khổ không? Đó là lý do vì sao những vị đạo sư vĩ đại, như Đức Phật hay Đức Chúa xuất hiện. Người ta chấp nhận niềm tin giúp họ, có lẽ, thoát được khỏi sự hỗn loạn và đau khổ. Nhưng họ không bao giờ ngăn được đau khổ, họ không bao giờ dứt được hỗn loạn. Và tình trạng rối loạn cứ tiếp tục, đau khổ cứ tiếp diễn. Nếu nhìn vào tình trạng hỗn loạn về xã hội và kinh tế này, sự hỗn độn, nỗi đau khổ này, mà bạn rút lui vào cái gọi là đời sống tôn giáo và từ bỏ thế gian, thì bạn có thể cảm thấy mình đang nối gót những bậc thầy vĩ đại ấy. Nhưng thế giới vẫn cứ tiếp diễn với những hỗn độn, đau khổ và tàn phá, với sự đớn đau không dứt của kẻ giàu người nghèo. Vì vậy, vấn đề của bạn và của tôi là liệu chúng ta có thể thoát khỏi nỗi đau khổ này ngay lập tức được hay không. Nếu đang sống trên thế giới này mà bạn lại chối bỏ nó thì làm sao bạn giúp được người khác thoát ra khỏi sự hỗn loạn – không phải trong tương lai, không phải vào ngày mai, mà là bây giờ. Chắc chắn đó mới là vấn đề của chúng ta. Cuộc chiến tranh sắp tới hẳn sẽ tàn phá nhiều hơn, gây kinh hoàng nhiều hơn nữa. Chắc chắn chúng ta không thể ngăn được nó, bởi vì các vấn đề đã quá mãnh liệt và quá bức bí. Song bạn và tôi có thể nhận thức được sự hỗn loạn và đau khổ này ngay lập tức, phải không? Chúng ta phải nhận thức được chúng rồi mới có thể ở vào vị trí để làm thức tỉnh người khác có cùng cách hiểu về sự thật đó. Nói cách khác, liệu bạn có thể tự do ngay lập tức không? Bởi vì đó là cách duy nhất thoát khỏi nỗi đau khổ này. Sự nhận thức chỉ có thể diễn ra trong hiện tại. Nhưng nếu bạn nói rằng: “Mai tôi sẽ làm việc đó”, thì làn sóng hỗn loạn sẽ chụp lên bạn, và rồi bạn sẽ luôn bị mắc kẹt trong tình trạng rối loạn.
Giờ đây, liệu có thể đạt đến trạng thái chính bạn nhận thức được sự thật ngay lập tức và nhờ đó mà chấm dứt sự hỗn loạn không? Tôi nói rằng có thể và đó là cách khả thi duy nhất. Tôi nói nó có thể thực hiện và phải được thực hiện, mà không dựa trên sự giả định hoặc niềm tin. Sản sinh ra cuộc cách mạng phi thường này, không phải cuộc cách mạng nhằm tống khứ những người tư bản và đưa một nhóm khác lên thay, mà là sản sinh ra một sự biến chuyển kỳ diệu – cuộc cách mạng đúng đắn duy nhất – là cả một vấn đề. Thông thường thì cái gọi là cách mạng chỉ đơn thuần là cánh hữu sẽ tiếp tục hay thay đổi, tùy theo các ý tưởng của cánh tả. Suy cho cùng, cánh tả chính là sự kế tục của cánh hữu ở một dạng thức được thay đổi. Nếu cánh hữu dựa trên các giá trị thuộc về cảm tính, thì cánh tả là sự kế tục của cùng những giá trị thuộc về cảm tính giống hệt như vậy, chỉ khác ở mức độ hoặc cách thể hiện mà thôi. Do đó, cuộc cách mạng đích thực chỉ có thể diễn ra khi bạn, với tư cách cá nhân, nhận thức được mối quan hệ của mình với người khác. Hẳn rồi, mối quan hệ của bạn với người khác, với vợ, con, sếp, láng giềng của bạn chính là xã hội. Tự bản thân xã hội không tồn tại. Xã hội là cái mà bạn và tôi, bằng các mối quan hệ của chúng ta, đã tạo ra. Nó là sự phóng chiếu ra bên ngoài tất cả các trạng thái nội tâm của chính chúng ta. Vì vậy, nếu bạn và tôi không hiểu chính mình, mà chỉ đơn thuần biến chuyển bên ngoài, một sự phóng chiếu của nội tâm, thì dù sao cũng không có ý nghĩa gì cả. Tức là không thể có sự thay đổi hoặc điều chỉnh quan trọng nào trong xã hội nếu như tôi còn chưa hiểu chính mình trong mối quan hệ với bạn. Rối loạn trong mối quan hệ của mình, tôi tạo ra một xã hội là bản sao, sự thể hiện ra bên ngoài trạng thái nội tâm của tôi. Đây là một sự thật hiển nhiên mà chúng ta có thể thảo luận. Chúng ta có thể thảo luận xem liệu xã hội, sự thể hiện ra bên ngoài đã tạo ra tôi, hay chính tôi đã tạo ra xã hội.
Vậy chẳng phải sự thật hiển nhiên là tôi tỏ ra thế nào trong mối quan hệ của tôi với người khác mới tạo nên xã hội và rằng nếu không có sự biến chuyển chính mình một cách triệt để thì không thể có sự biến chuyển của chức năng cần thiết của xã hội hay sao? Khi nhìn vào một hệ thống để biến chuyển xã hội, chúng ta cứ tránh né câu hỏi đó – bởi vì một hệ thống không thể biến chuyển con người, mà con người mới luôn luôn biến chuyển hệ thống đó, và lịch sử đã chứng thực – cho tới khi tôi, trong mối quan hệ với bạn, hiểu rằng chính tôi mới là nguyên nhân của tình trạng hỗn độn, đau khổ, tàn phá, sợ hãi, tàn bạo này. Để hiểu chính mình không dính gì đến thời gian cả. Tôi có thể hiểu chính mình ngay lúc này. Nếu tôi nói: “Mai tôi sẽ hiểu chính mình”, thì tôi đang tạo ra tình trạng hỗn độn và đau khổ, hành động của tôi sẽ mang tính tiêu cực. Khi nói rằng tôi “sẽ” hiểu, tức là tôi đã tạo ra yếu tố thời gian và vì vậy, tôi bị mắc kẹt trong làn sóng của sự hỗn loạn và hủy hoại. Hiểu là ngay lúc này, không phải ngày mai. Ngày mai chỉ dành cho những trí óc lười biếng, uể oải, những trí óc chẳng có gì đáng quan tâm. Trên thực tế, khi quan tâm tới điều gì, bạn thực hiện nó ngay lập tức, khi hiểu được ngay, thì cũng biến chuyển ngay. Nếu bây giờ bạn không thay đổi, thì bạn sẽ không bao giờ thay đổi, bởi vì sự đổi thay mà mai mới diễn ra thì chỉ đơn thuần là sửa đổi chứ không phải chuyển biến. Sự chuyển biến chỉ có thể xảy ra ngay tức thời. Cách mạng là bây giờ chứ không phải ngày mai.
Và khi điều đó xảy ra, bạn hoàn toàn không có vấn đề gì nữa, bởi vì lúc đó, bản ngã không còn lo lắng về chính nó. Lúc ấy, bạn đã vượt qua làn sóng hủy diệt.