C
âu hỏi : Tại sao ông nói về sự tĩnh lặng của tâm trí, và sự tĩnh lặng này là gì?
Krishnamurti : Chẳng phải nếu chúng ta muốn hiểu bất cứ điều gì thì tâm trí cần phải tĩnh lặng sao? Khi gặp vấn đề, ta sẽ lo lắng về nó, đúng không? Ta thâm nhập vào nó, phân tích nó, chia nhỏ nó ra với hy vọng hiểu nó. Nhưng sự hiểu có thông qua nỗ lực, thông qua việc phân tích, thông qua sự so sánh, thông qua bất cứ dạng đấu tranh tư tưởng nào không? Chắc chắn rằng việc hiểu biết chỉ xuất hiện khi tâm trí rất tĩnh lặng. Chúng ta nói rằng càng chống chọi với vấn đề nạn đói, chiến tranh, hoặc bất cứ vấn đề nào khác của nhân loại, càng xung đột với nó, thì chúng ta sẽ càng hiểu nó. Nhưng điều đó có đúng không? Chiến tranh đã tiếp diễn trong hàng thế kỷ, xung đột giữa những cá nhân, giữa các xã hội cũng vậy. Chiến tranh, cả trong nội tại và ngoại giới, vẫn luôn ở đó. Ta định giải quyết chiến cuộc đó, xung đột đó bằng xung đột thêm nữa, bằng sự tranh đấu thêm nữa, bằng nỗ lực xảo quyệt sao? Hay ta chỉ hiểu vấn đề khi trực tiếp đối diện với nó, với sự thật? Chúng ta chỉ có thể đối diện với sự việc nếu không có tâm trạng lo âu ngáng giữa tâm trí và sự việc. Vì vậy, nếu ta muốn hiểu, chẳng phải quan trọng là tâm trí cần tĩnh lặng sao?
Bạn sẽ không thể tránh khỏi việc đặt câu hỏi: “Làm sao có thể khiến cho tâm trí tĩnh lặng?”. Đó là một phản ứng tức thời, đúng không? Bạn hỏi: “Tâm trí của tôi bị kích động, vậy làm sao tôi có thể giữ nó tĩnh lặng?”. Có một hệ thống nào làm cho tâm trí tĩnh lặng không? Có công thức, phương pháp, kỷ luật nào khiến tâm trí tĩnh lặng không? Có thể chứ. Song khi tâm trí bị ép phải tĩnh lặng thì đó có phải là tĩnh lặng, đó có phải là thanh tịnh không? Hay tâm trí chỉ bị gói trong một ý niệm, trong một công thức, phương pháp, trong một cụm từ nào đó? Chẳng phải đó là tâm trí tê liệt sao? Đó là lý do tại sao hầu hết những người cố gắng tu hành, cố theo cái gọi là tâm linh, đều tắt ngấm – bởi vì họ đã luyện cho tâm trí của họ tĩnh lặng, họ đã gói chính họ trong một công thức, phương pháp để tĩnh lặng. Rõ ràng một tâm trí như vậy thì không bao giờ thanh tịnh được. Nó chỉ bị kiềm chế, ngăn cản mà thôi.
Tâm trí tĩnh lặng khi nó nhìn thấy sự thật rằng sự hiểu chỉ đến khi tâm trí thanh tịnh, rằng nếu tôi muốn hiểu bạn, thì tôi phải tĩnh lặng, tôi không thể có những phản ứng chống lại bạn, tôi không được có thiên kiến, tôi phải dẹp các kết luận của mình, kinh nghiệm của mình và tiếp xúc trực diện với bạn. Chỉ khi tâm trí được giải thoát khỏi sự quy định của tôi, thì tôi mới hiểu được. Khi tôi hiểu sự thật đó, thì tâm trí trở nên tĩnh lặng – và lúc đó không có vấn đề nào về việc làm sao để tâm trí thanh tịnh nữa. Chỉ sự thật mới giải thoát tâm trí khỏi sự tưởng tượng của riêng nó. Để thấy sự thật, tâm trí phải nhận ra rằng chừng nào nó vẫn bị kích động thì nó không thể có hiểu biết. Sự tĩnh lặng của tâm trí, sự thanh tịnh của tâm trí không thể được sinh ra bởi sức mạnh ý chí, bởi bất cứ hành động mang tính mong muốn nào. Nếu sự thanh tịnh hình thành theo cách đó thì tâm trí chỉ đang bị bó buộc, bị cách ly, nó là tâm trí bị tê liệt, và do đó không có khả năng thích nghi, uyển chuyển, linh động. Một tâm trí như vậy không thể sáng tạo.
Lúc đó, vấn đề của chúng ta không phải là làm sao để tâm trí tĩnh lặng, mà là làm sao để thấy được sự thật của mỗi vấn đề khi nó xuất hiện trước mắt chúng ta. Cũng như hồ nước trở nên tĩnh lặng khi gió ngừng thổi, tâm trí của chúng ta bị kích động khi ta có những vấn đề. Để tránh các vấn đề đó, chúng ta khiến tâm trí tĩnh lặng. Tâm trí đã tự phóng chiếu những vấn đề này, thực chất không có vấn đề nào nằm ngoài tâm trí cả, và chừng nào còn phóng chiếu quan niệm về tính nhạy cảm ra ngoài hay cố thể hiện bất cứ dạng tĩnh lặng nào, thì nó sẽ không thể thanh tịnh. Khi tâm trí nhận ra rằng phải tĩnh lặng mới hiểu thì nó trở nên rất tĩnh lặng, cái tĩnh lặng hình thành không phải vì bắt buộc, không phải do áp đặt kỷ luật. Đó là sự tĩnh lặng mà một tâm trí bị kích động không thể nào hiểu được.
Nhiều người vì tìm kiếm sự tĩnh lặng của tâm trí mà thoát ly khỏi cuộc sống năng động hằng ngày để ẩn cư trong một ngôi làng, một tu viện, trên núi, hoặc họ thoái lui vào những ý niệm, họ bó buộc bản thân trong một tín ngưỡng, hoặc tránh những kẻ gây phiền toái cho họ. Sự cách ly đó không phải là sự tĩnh lặng của tâm trí. Việc bó buộc tâm trí trong một ý niệm hoặc tránh né những kẻ gây phiền toái trong cuộc sống không mang lại sự tĩnh lặng cho nó. Sự thanh tịnh chỉ xuất hiện khi không có quá trình cách ly bằng cách tích lũy, mà chỉ có sự thấu hiểu trọn vẹn toàn bộ quá trình của mối quan hệ. Sự tích lũy khiến tâm trí cũ kỹ. Chỉ khi tâm trí mới mẻ, tươi tắn, không có quá trình tích lũy, thì mới có khả năng xuất hiện sự tĩnh lặng của tâm trí. Một cái tâm như vậy không tê liệt, mà đó là lúc nó hoạt động tích cực nhất. Tâm trí tĩnh lặng là tâm trí hoạt động tích cực nhất, nhưng nếu bạn thử nghiệm với nó, thâm nhập vào nó, thì bạn sẽ thấy rằng trong sự tĩnh lặng đó, không có sự phóng chiếu tư duy ra bên ngoài. Tư duy, ở mọi cấp độ của nó, hiển nhiên là phản ứng của ký ức và tư duy không bao giờ trong trạng thái sáng tạo. Nó có thể biểu lộ sự sáng tạo, nhưng tự nó không bao giờ sáng tạo. Khi có sự im lặng, sự tĩnh lặng đó của tâm trí mà không phải là một kết quả, thì chúng ta sẽ thấy rằng trong sự thanh tịnh đó, có hoạt động phi thường – một hành động phi thường mà tâm trí bị tư duy kích động không bao giờ biết được. Trong sự thanh tịnh đó, không có công thức, phương pháp, không có ý niệm, không có ký ức. Sự thanh tịnh đó là trạng thái sáng tạo chỉ có thể được trải nghiệm khi có sự hiểu biết trọn vẹn về toàn bộ quá trình của cái “tôi”. Nếu không thì sự tĩnh lặng chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ trong sự tĩnh lặng đó – vốn không có tính chất là kết quả – thì cái bất diệt mới được khám phá, và nó mang tính phi thời gian.