C
âu hỏi : Tâm trí nên bận rộn về điều gì?
Krishnamurti : Một ví dụ rất tốt về việc làm sao xung đột hình thành là: xung đột giữa cái nên là và cái đang là. Ban đầu, chúng ta thiết lập cái nên là - điều lý tưởng - và sau đó cố gắng sống theo khuôn mẫu đó. Chúng ta nói rằng tâm trí nên bận tâm về những điều cao quý, tính vị tha, sự rộng lượng, lòng hảo tâm, tình thương. Đó là khuôn mẫu, niềm tin, cái nên là, điều bắt buộc, và chúng ta cố gắng sống theo đó. Thế là xung đột xảy ra giữa sự phóng chiếu ra bên ngoài của cái nên là với thực tế, với cái đang là, và thông qua xung đột đó, chúng ta hy vọng được biến chuyển. Khi vật lộn với cái nên là, chúng ta cảm thấy mình có đạo đức, chúng ta cảm thấy tốt đẹp. Song cái nào là quan trọng: cái nên là hay cái đang là? Về mặt thực tế, mà không phải về ý thức hệ, tâm trí của chúng ta bận rộn với cái gì? Với những điều tầm thường, không phải sao? Với vẻ bề ngoài, với tham vọng, với thói tham lam, với sự đố kỵ, với chuyện tầm phào, với tính tàn nhẫn. Tâm trí sống trong thế giới của những thứ tầm thường, và một tâm trí tầm thường tạo nên một khuôn mẫu cao quý thì vẫn là tầm thường, không phải vậy sao? Vấn đề không phải là tâm trí nên bận rộn với điều gì, mà là liệu tâm trí có thể giải thoát chính nó khỏi những thứ tầm thường hay không? Nếu chúng ta biết nhận thức, biết thắc mắc dù chỉ một chút, thì ta sẽ biết được những thứ tầm thường của riêng mình: nói chuyện không ngừng, sự huyên thuyên không dứt của tâm trí, sự lo lắng về chuyện này chuyện kia, sự tò mò về những gì người ta đang làm hoặc không làm, sự cố gắng đạt được kết quả, theo đuổi việc phóng đại về riêng mình, vân vân. Chúng ta bận rộn với những chuyện đó và chúng ta biết rất rõ là vậy. Liệu có thể biến chuyển được không? Vấn đề là vậy , không phải sao? Do đó, hỏi tâm trí nên bận rộn với điều gì chỉ là một câu hỏi ấu trĩ mà thôi.
Giờ đây khi đã nhận thức được rằng tâm trí ta là tầm thường và nó bận rộn với những thứ tầm thường, thì liệu nó có thể tự giải thoát chính mình khỏi tình trạng này không? Không phải chính bản chất của tâm trí là tầm thường hay sao? Tâm trí là gì nếu không phải là kết quả của ký ức? Ký ức về cái gì? Về việc làm sao để tồn tại, không những về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần, thông qua việc phát triển những đặc tính, phẩm hạnh nào đó, việc lưu giữ các kinh nghiệm, việc ổn định chính nó qua các hoạt động của riêng nó. Không phải đó là tầm thường hay sao? Là kết quả của ký ức, của thời gian, tâm trí tự nó là tầm thường. Do đó, liệu nó có thể làm bất cứ điều gì không? Xin hãy xem xét tầm quan trọng của vấn đề này. Liệu tâm trí, tức là hoạt động vị kỷ, có thể giải thoát chính nó khỏi hoạt động đó không? Hiển nhiên là nó không thể. Dù nó làm gì nó vẫn tầm thường. Nó có thể suy ngẫm về Thượng Đế, nó có thể nghĩ ra những hệ thống chính trị, nó có thể đưa ra những tín ngưỡng. Nhưng nó vẫn thuộc phạm trù thời gian, sự thay đổi của nó vẫn là từ ký ức tới ký ức, nó vẫn bị ràng buộc bởi sự hạn chế của riêng nó. Nó có phá vỡ được hạn chế đó không? Hay sự giới hạn đó sẽ sụp đổ khi tâm trí tĩnh lặng, khi nó không chủ động, khi nó nhận ra những thứ tầm thường của riêng nó - dù những thứ đó nó cho là to tát đến đâu? Khi đã nhận ra những thứ tầm thường của mình, tâm trí nhận thức trọn vẹn về chúng và vì vậy nó trở nên thực sự tĩnh lặng – chỉ lúc đó nó mới có khả năng bỏ qua những thứ tầm thường. Khi bạn còn thắc mắc rằng tâm trí nên bận rộn với điều gì, thì nó sẽ còn bận tâm với những thứ tầm thường, dù nó có xây nhà thờ, cầu nguyện hay đi tới đền thờ. Tâm trí nhỏ nhen, lặt vặt, và nếu bạn chỉ biết nói là nó nhỏ nhen thôi thì bạn vẫn chưa triệt tiêu được tính nhỏ nhen của nó. Bạn phải hiểu nó, tâm trí phải nhận ra những hoạt động của chính mình, và trong quá trình nhận ra đó, trong sự nhận thức về những thứ tầm thường mà nó đã xây dựng, dù hữu thức hay vô thức, tâm trí trở nên tĩnh lặng. Trong sự thanh tịnh đó có trạng thái sáng tạo, và đây là yếu tố mang lại biến chuyển.