C
âu hỏi : Làm sao một người hời hợt trở nên nghiêm túc?
Krishnamurti : Trước tiên, chúng ta phải nhận thức rằng mình nông cạn, không phải vậy sao? Nông cạn là gì? Về bản chất, đó là sự phụ thuộc, đúng không? Là phụ thuộc vào sự kích thích, phụ thuộc vào thách thức, lệ thuộc vào người khác, lệ thuộc về mặt tâm lý vào những giá trị nào đó, những trải nghiệm nào đó, những ký ức nào đó – không phải tất cả điều đó tạo thành tính nông cạn hay sao? Khi tôi phụ thuộc vào việc đi nhà thờ mỗi sáng hoặc mỗi tuần để được khích lệ, để được giúp đỡ, thì chẳng phải tôi nông cạn sao? Nếu tôi phải thực hiện những nghi thức nào đó để duy trì đạo đức hoặc để khơi lại một cảm xúc tôi từng có, thì không phải điều đó khiến tôi nông cạn hay sao? Chẳng phải tôi đang trở nên nông cạn khi tôi hiến dâng hết bản thân cho một đất nước, một kế hoạch, hoặc một phe phái chính trị nào đó sao? Chắc chắn toàn bộ quá trình phụ thuộc này là sự thoái thác của chính tôi. Đồng nhất hóa với cái to tát hơn chính là khước từ bản thân mình. Nhưng tôi không thể phủ nhận chính mình. Tôi phải hiểu tôi là gì và không cố gắng đồng nhất hóa mình với vũ trụ, với Thượng Đế, với một chính đảng nào đó hoặc bất cứ thứ gì khác. Tất cả điều này dẫn tới việc suy nghĩ nông cạn và từ tư duy thiển cận đó, người ta không ngừng hành động gây hại, hoặc trên quy mô toàn thế giới hoặc ở mức độ cá nhân.
Trước tiên, chúng ta có thừa nhận rằng mình đang làm những việc được đề cập ở trên không? Chúng ta không nhận. Chúng ta biện hộ cho chúng. Chúng ta nói: “Không làm vậy thì tôi làm gì? Tôi sẽ tồi tệ hơn mà thôi. Tinh thần của tôi sẽ suy sụp. Giờ tôi đang khổ sở nhưng ít nhất là để hướng tới điều tốt đẹp hơn”. Càng vẫy vùng, vật lộn, chúng ta càng thiển cận. Đầu tiên ta phải thấy rõ đã, không đúng sao? Một trong những điều khó nhất là thấy được ta đang là gì, thừa nhận rằng ta ngu muội, ta hời hợt, ta hẹp hòi, ta đố kỵ. Nếu thấy được hiện trạng của mình, nếu ta thừa nhận nó, thì từ đó ta có thể bắt đầu. Rõ ràng, tâm trí thiển cận là tâm trí trốn chạy cái đang là. Và để không trốn chạy đòi hỏi sự nghiên cứu, khảo sát gian nan, sự khước từ tính trì trệ. Ngay khoảnh khắc ta biết mình thiển cận, một quá trình đào sâu đã vận hành rồi – dù ta không phản ứng gì với sự thiển cận đó. Nếu tâm trí nói được rằng: “Tôi nhỏ nhen, và tôi sẽ tìm hiểu sâu về điều này, tôi sẽ hiểu rõ về tính nhỏ nhen này, sự tác động hẹp hòi này”, thì sự biến chuyển có khả năng diễn ra. Nhưng một tâm trí nhỏ nhen dù có thừa nhận rằng nó nhỏ nhen và cố gắng trở nên không nhỏ nhen nữa bằng cách đọc sách, bằng cách tiếp xúc người khác, bằng cách du lịch, bằng cách lăng xăng không ngớt như một con khỉ, thì vẫn là một cái tâm nhỏ nhen.
Một lần nữa, như bạn thấy đó, cuộc cách mạng đích thực chỉ xảy ra nếu chúng ta tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn. Cách tiếp cận vấn đề đúng tạo nên sự tự tin phi thường tới mức tôi cam đoan rằng có thể dời cả núi – những ngọn núi của thiên kiến, quy định cá nhân. Hãy nhận thức về tâm trí thiển cận, đừng cố gắng sâu sắc. Một tâm trí thiển cận sẽ không bao giờ thấu được chiều sâu thăm thẳm. Nó có thể có nhiều kiến thức, thông tin, nó có thể lặp lại các lời nói, ngôn từ – bạn biết đó, toàn bộ những thứ linh tinh của một tâm trí thiển cận đang hoạt động. Nhưng nếu bạn biết mình thiển cận, nông cạn, nếu bạn nhận thức được về tính thiển cận và bạn quan sát tất cả hoạt động của nó mà không phê phán, không chỉ trích, thì chẳng bao lâu bạn sẽ thấy cái nông cạn đó biến mất hoàn toàn, không cần bạn tác động. Điều đó đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự tỉnh giác, thay vì ham muốn kết quả, thành tựu. Chỉ tâm trí thiển cận mới thèm khát thành tích, kết quả.
Càng nhận thức được về toàn bộ quá trình này, bạn sẽ càng khám phá ra những hoạt động của tâm trí. Song bạn phải quan sát mà không cố gắng chấm dứt chúng, bởi vì ngay khi bạn cố kết liễu chúng thì bạn sẽ lại bị kẹt trong tình trạng nhị nguyên của cái “tôi” và cái “không-tôi” – điều kéo dài vấn đề.