N
ỗi sợ hãi, khoái lạc, phiền não, suy nghĩ và bạo lực đều liên quan mật thiết với nhau. Nhiều người tìm được sự thỏa mãn trong bạo lực, trong việc ghét bỏ ai đó, bài xích một chủng tộc hay cộng đồng, hoặc đưa ra quan điểm đối nghịch với mọi người; đó là khoái lạc khởi phát từ bạo lực, xung đột, thù hận và sợ hãi. Trái lại, an lạc chỉ đến với một tâm trí vắng bóng bạo lực.
Nếu không thể đi đến tận cùng cội rễ của bạo lực để được giải thoát khỏi nó, chúng ta sẽ mãi sống trong sự tranh chấp. Nếu bạn nói rằng chúng ta không thể chấm dứt bạo lực, thì quá trình giao tiếp của chúng ta có thể chấm dứt tại đây, bạn đã tự mình kết thúc cuộc trò chuyện. Nhưng khi bạn có lòng tin vào một lối sống khác, chúng ta sẽ cùng xem xét và thảo luận về cách thức – dù có hiệu quả hay không – chấm dứt hoàn toàn mọi hình thức bạo lực. Nếu tôi muốn tâm hồn mình không mảy may vướng bận sự ghen ghét, đố kỵ, lo âu hoặc sợ hãi, điều đó không có nghĩa là tôi muốn chết. Tôi vẫn muốn sống trên Trái đất kỳ diệu này, thật đủ đầy, phong phú và xinh đẹp. Tôi muốn ngắm nhìn rặng cây, khóm hoa, dòng sông, đồng cỏ, các cô gái, những đứa trẻ, và cùng lúc đó sống trọn vẹn trong bình an với chính mình và với thế giới.
Nếu chúng ta có thể quan sát bạo lực, không chỉ trong xã hội náo loạn – với những cuộc chiến tranh, phân biệt chủng tộc và xung đột giai cấp – mà cả trong tâm khảm mình, có lẽ chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề phức tạp này. Nhiều thế kỷ qua, nhân loại sống trong bạo lực và cho đến nay, các tôn giáo vẫn luôn cố gắng kiềm chế con người trong vô vọng. Vì vậy, chúng ta cần đi vào vấn đề một cách hết sức nghiêm túc, nếu chỉ bàn luận như một thú tiêu khiển, chúng ta sẽ chẳng đi được bao xa.
Bạn có thể cảm thấy rằng nếu bản thân mình vô cùng nghiêm túc trong vấn đề này, nhưng người đời không nghiêm túc và sẵn sàng hành động, thì phỏng có ích gì? Tôi không quan tâm đến họ, tôi không chịu trách nhiệm cho hành vi của người khác nhưng chính tôi cảm nhận rất rõ ràng, mãnh liệt về vấn đề bạo lực này, vì vậy tôi nhận thấy rằng trong thâm tâm mình không bạo lực. Nhưng nếu tôi kêu gọi bạn hoặc bất cứ ai ngừng bạo lực, thì điều đó chẳng có nghĩa lý gì, trừ phi chính bạn hoặc chính họ muốn điều đó. Vì vậy, nếu bạn thật sự muốn hiểu về bạo lực, hãy tiếp tục hành trình khám phá cùng nhau.
Vấn đề bạo lực nằm ở đâu, ngoài thế giới hay ở ngay trong bạn? Nếu không bạo lực, bạn sẽ thường xuyên thắc mắc rằng: “Làm sao tôi sống trong một thế giới đầy bạo lực, hám lợi, tham lam, đố kỵ, hung bạo mà không bị cuốn vào đó?”. Khi bạn hỏi vậy, dường như bạn đang không thật sự sống trong bình an, bởi nếu vậy, bạn sẽ không gặp phải những khó khăn ấy. Bạn có thể bị tống vào tù hoặc bị bắn bỏ, khi trốn tránh quân ngũ hoặc khước từ tham chiến – chuyện đó không thành vấn đề, đằng nào thì bạn cũng sẽ khốn khổ.
Chúng ta đang cố gắng hiểu về bạo lực trong thực tại, không phải như một ý niệm, vì sự thật đó tồn tại trong con người – bản thân chúng ta. Để đi vào vấn đề đó, tôi phải hoàn toàn cởi mở và không phòng vệ, tôi phải tự phơi bày chính mình, trong trạng thái tâm trí đòi hỏi đi đến tận cùng, không bao giờ dừng lại và kết luận rằng mình sẽ không đi được đến đâu.
Bạo lực không chỉ là chuyện động tay động chân, sự hung hãn còn thể hiện thông qua lời nói gay gắt, từ chối lắng nghe người khác, mặt khác lại tuân phục trong sợ hãi. Vì vậy, bạo lực không thuần túy là sự tàn sát có tổ chức – nhân danh thần thánh, xã hội hoặc quốc gia – mà tinh vi hơn thế nhiều, chúng ta cần tìm hiểu thật sâu xa về bạo lực.
Trong tư tưởng hiện tồn về bạo lực, có trường phái cho rằng bạo lực là bẩm sinh trong con người và trường phái khác cho rằng bạo lực là hệ lụy của di sản văn hóa xã hội. Một trong những biểu hiện thường thấy nhất của bạo lực là giận dữ. Khi vợ hoặc em gái tôi bị tấn công; khi quốc gia, ý tưởng, nguyên tắc và lối sống của tôi bị công kích; khi những ý kiến nhỏ nhặt của tôi bị chỉ trích;... tôi nổi giận một cách chính đáng. Khi bạn xen vào chuyện của tôi, chỉ trích, hạ nhục tôi, tôi tức giận. Nếu bạn chạy trốn với vợ tôi và tôi nổi đóa, sự ghen tuông đó là hợp lý vì cô ấy thuộc về tôi. Tất cả những cơn giận này đều hợp đạo lý, thậm chí việc tàn sát nhân danh lợi ích quốc gia cũng được bào chữa. Vì vậy, khi chúng ta nói về cơn giận – một phần của bạo lực – chúng ta nhìn nhận theo hướng cơn giận hợp lý hoặc phi lý, dựa theo thiên kiến và tác động từ bên ngoài; hay là chúng ta chỉ nhìn vào cơn giận thuần túy mà thôi? Không có ảnh hưởng tốt hoặc ảnh hưởng xấu, chỉ có sự ảnh hưởng, chẳng qua là khi bạn bị ảnh hưởng bởi điều mà tôi xem là không phù hợp, tôi bèn kết luận rằng nó là ảnh hưởng xấu xa.
Khoảnh khắc mà bạn bảo vệ gia đình, quốc gia, niềm tin, ý tưởng,... của mình – những thứ mà bạn mưu cầu gìn giữ, điều đó biểu hiện thành sự giận dữ. Vì vậy, bạn có thể nào nhìn vào cơn giận mà không bào chữa, biện bạch: “Tôi phải bảo vệ tài sản” hoặc “Tôi giận dữ là đúng”? Liệu bạn có thể nhìn nó một cách hoàn toàn khách quan, không phải để bảo vệ nó hay chỉ trích nó? Trước tiên, liệu tôi có thể thật sự quan sát bạn nếu chúng ta hoàn toàn khác biệt, hoặc nếu tôi ngưỡng mộ bạn? Chỉ khi tôi nhìn bạn với tấm lòng quan tâm chân thành, không lồng ghép vào đó sự so sánh hay thán phục, tôi mới hiểu được bạn. Nếu vậy, liệu tôi có thể nhìn vào cơn giận theo cùng một cách? Tức là tôi mở lòng chia sẻ và đón nhận, tôi không chống lại nó, tôi quan sát hiện tượng khác thường này mà không hề phản ứng.
Trên thực tế, thật khó để nhìn vào cơn giận một cách bình thản vì nó là một phần của tôi, nhưng đó là điều mà tôi cố gắng thực hiện. Thoát khỏi bạo lực có ý nghĩa quan trọng hơn cả đối với tôi, trên cả tình dục, thực phẩm hay địa vị bởi nó đang làm tôi mục ruỗng dần đi. Nó hủy hoại cả tôi và thế gian, vậy nên tôi muốn hiểu thấu triệt và vượt lên trên nó. Tôi cần chịu trách nhiệm đối với tình trạng bạo lực hung tàn trên khắp thế giới – đó không chỉ là lời chót lưỡi đầu môi – tôi đau đáu về những việc tôi có thể làm chỉ sau khi đã vượt thoát khỏi sự giận dữ, bạo lực, chủ nghĩa dân tộc của mình. Khi tôi hiểu rằng việc phải làm bằng được là thấu hiểu sự hung bạo trong chính mình, trong tôi tràn đầy sinh khí và xúc cảm để bắt đầu hành trình khám phá.
Để thoát khỏi bạo lực, chúng ta không thể chế ngự, khước từ hay chỉ đơn thuần phát biểu rằng: “Nó sẽ luôn là một phần trong tôi” hoặc “Tôi không muốn có nó”. Hãy quan sát, học hỏi thêm, trở nên thân mật với nó – một điều không thể trở nên thân thuộc nếu chúng ta liên tục chỉ trích hoặc bào chữa cho nó, đó là điều chúng ta thường làm và cần ngừng lại ngay. Nếu bạn muốn bạo lực và chiến tranh chấm dứt, thì bạn có thể dành ra bao nhiêu phần sức lực trong mình? Bạn không cảm thấy gì sao, ngay cả khi những đứa con của bạn tử nạn, hay bị bắt buộc ra chiến trường – nơi mà chúng bị vây hãm bởi bạo lực và hiểm họa khôn lường? Bạn không quan tâm tới điều đó hay sao? Nếu chuyện đó không làm bạn bận lòng, thì bạn quan tâm đến cái gì, chẳng lẽ lại là gom góp gia sản, tận hưởng lạc thú, nghiện ngập bệ rạc? Bạn không nhận ra rằng tính bạo lực trong mình đang góp phần hủy hoại những đứa trẻ sao, hoặc giả bạn thấy nó một cách rất mơ hồ?
Nếu bạn quan tâm, hãy dành trọn trái tim và tâm thức để khám phá, đừng chỉ ngồi và yêu cầu được kể cho nghe về tất cả. Bạn không thể nhìn vào giận dữ và bạo lực bằng con mắt chỉ trích hoặc bào chữa; bạo lực phải là vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng hàng đầu, khi đó bạn mới có thể hành động. Đầu tiên, bạn phải học cách nhìn vào cơn giận, nhìn về phía gia đình, lắng nghe các chính khách, tìm hiểu nguyên do của việc bạn không khách quan, hay phán xét và bào chữa. Có lẽ đó là một phần của cơ cấu xã hội, là ảnh hưởng tất yếu khi bạn mang trong mình một dòng máu, là công dân của một quốc gia, hoặc bất kỳ ảnh hưởng nào khác khi bạn được sinh ra, đã tác động đến tâm trí, khiến nó trở nên vô minh, mê muội. Để học hỏi, khám phá về một điều vô cùng cơ bản, bạn phải có khả năng đi sâu vào vấn đề. Nếu bạn có một khí cụ cùn mục, bạn không thể thăm dò sâu sát được. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là mài sắc khí cụ, phương tiện của mình – chính là tâm trí – tâm trí mờ tối là do tất cả những hành vi chỉ trích, bào chữa này. Bạn có thể thâm nhập vấn đề chỉ khi tâm bạn bén nhọn như đầu kim và cứng rắn tựa kim cương. Bạn phải thấy mình cần điều đó giống như bạn cần bữa ăn bỏ bụng; bạn phải thấy được cái đã khiến tâm trí mình u mê, xuẩn ngốc chính là cảm giác về sự an toàn bất biến của bản thân, nó dựng lên những bức tường quanh mình và nó cũng là một phần của chỉ trích và bào chữa. Nếu tâm trí tống khứ được điều đó, bạn có thể ngắm nhìn, học hỏi, thâm nhập và có lẽ đạt đến trạng thái hoàn toàn tỉnh thức về vấn đề trong tổng thể.
Do đó, hãy trở lại vấn đề cốt lõi – chúng ta có thể diệt trừ bạo lực hay không? Việc bảo bạn ngừng bạo lực cũng là một dạng bạo lực, chẳng nghĩa lý gì khi tôi thuyết phục bạn về bất cứ điều gì nằm trong phạm vi cuộc đời bạn. Tôi chỉ đặt ra câu hỏi, liệu có thể nào một người đang sống trong xã hội giải tỏa được bạo lực khỏi tâm trí họ hay không? Nếu có, chính điều đó sẽ tạo nên một thế giới mới, với phương cách sống hoàn toàn khác biệt.
Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều chấp nhận bạo lực trong đời sống. Hai cuộc thế chiến kinh khủng đã qua chẳng để lại cho chúng ta bài học gì đáng giá, chúng chỉ dựng lên ngày càng nhiều chướng ngại vật giữa người với người, giữa bạn và tôi. Làm sao để tống khứ bạo lực? Tôi không nghĩ phân tích sẽ giúp chúng ta đạt được điều gì, chúng ta có thể thay đổi một chút, sống tĩnh lặng và chan hòa yêu thương hơn một chút; nhưng chuyện đó không mang lại một nhận thức toàn diện. Dù vậy, chúng ta vẫn phải biết phân tích một cách đúng đắn; trong quá trình đó, tâm trí trở nên sắc bén, chú tâm lạ thường và nhờ đó mà ta có được nhận thức toàn diện. Người trần mắt thịt không dễ thấy được toàn bộ vấn đề khi chỉ thoáng nhìn, đôi mắt chỉ tinh tường khi họ thấy đủ mọi chi tiết. Để tống khứ bạo lực, một số người viện đến một khái niệm, lý tưởng gọi là phi bạo lực. Chúng ta nghĩ rằng một lý tưởng đối lập – phi bạo lực – có thể giúp tống khứ hiện thực bạo lực; đã có vô số lý tưởng cao đẹp, với ngàn vạn những cuốn sách viết về chúng, vậy mà chúng ta vẫn hung hãn. Vậy, sao ta không quên đi tất cả những ngôn từ bề nổi đó và trực tiếp đối diện với bạo lực?
Để hiểu thực tế, bạn phải chú tâm trọn vẹn với toàn bộ sức lực của mình. Thế giới lý tưởng đầy hư cấu ngăn cản bạn làm điều đó. Hãy buông bỏ hết mọi lý tưởng, với tinh thần hăng hái khám phá về sự thật và tình thương yêu, người thật sự nghiêm túc không mang trong mình ý niệm nào, họ chỉ sống với cái nó là mà thôi.
Đừng phán xét cơn giận của mình, trong khoảnh khắc bạn chỉ trích mặt trái của nó, tầm nhìn của bạn bị che kín, ngăn bạn thấy được hiện trạng. Việc bạn ghét bỏ người khác, dù điều đó nghe thật khủng khiếp, là sự thật. Nếu bạn nhìn và đi vào nó một cách trọn vẹn, nó ngừng lại. Nhưng nếu bạn cấm mình ghét bỏ, chỉ được yêu thương, thì điều đó ấn chìm bạn vào một thế giới đạo đức giả với các tiêu chuẩn kép. Sống hoàn toàn, trọn vẹn trong khoảnh khắc chính là sống với hiện trạng và sự thật – trong đó không có bất cứ động thái chỉ trích hoặc bào chữa nào – giúp bạn hiểu và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, toàn vẹn đến mức không còn vướng kẹt vào nó. Nếu bạn có thể làm như vậy với bạo lực – không tìm đến một ý thức hệ nhằm tống khứ nó, mà chỉ thấu hiểu nó cả ở ngoài mặt lẫn trong tâm khảm – bạn hoàn toàn được tự do khỏi sự hung tàn. Sự am hiểu này khởi nguồn từ việc trầm tư mặc tưởng, nó không đến từ sự đồng thuận hay tranh cãi bằng lời.
Cho đến thời điểm này, bạn đã đọc qua một loạt nhận định, bạn có thật sự hiểu về chúng không? Khi tâm trí bị tác động cùng với phương cách sống và toàn bộ cơ cấu xã hội, ngăn bạn chạm đến hiện thực, bạn nói: “Tôi sẽ nghĩ về nó. Tôi sẽ xem xét cách thoát khỏi bạo lực. Tôi sẽ cố gắng tự giải thoát”. Đó là một trong những tuyên bố tồi tệ nhất mà bạn có thể đưa ra. Đừng hứa hẹn sẽ làm, bạn làm hoặc không làm – dự định đó chẳng khác gì việc bạn nấn ná, chần chừ khi nhà mình đang cháy. Căn nhà cháy là hệ quả của bạo lực trên khắp thế giới và trong chính bạn, trong khi đó bạn lại nói rằng mình sẽ suy nghĩ về cách tốt nhất để dập tắt ngọn lửa. Khi nhà cháy, liệu bạn có đứng tranh cãi về màu tóc của người mang nước đến dập lửa hay không?