C
húng ta ngưng bạo lực, không có nghĩa là nội tâm ta bình an, và nhờ đó mà bình an trong tất cả các mối tương quan.
Các mối tương quan giữa con người với nhau được xây dựng dựa trên hình tượng và sự phòng thủ. Trong mối quan hệ của mình, mỗi người tự dựng lên một hình tượng về người còn lại và hai hình tượng này tương tác với nhau, thay vì chính những con người đó. Người vợ có một hình tượng về chồng mình – có thể là trong vô thức – và người chồng cũng có một hình tượng về vợ mình. Một người cũng có thể sở hữu một hình tượng về quốc gia của mình, hay về bản thân, và chúng ta luôn củng cố sức mạnh cho những hình tượng này, dần dần bổ sung cho chúng. Mối tương quan thật sự giữa hai người hoặc giữa nhiều người hoàn toàn kết thúc khi các hình tượng này xuất hiện.
Mối quan hệ dựa trên hình tượng không bao giờ có thể tạo nên sự bình an, chúng là hư cấu, và người ta không thể sống trong sự trừu tượng, mơ hồ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều đang sống trong ý niệm, lý thuyết, biểu tượng, hình ảnh được chúng ta tạo dựng về chính mình cũng như người khác – chúng không thực tế chút nào. Tất cả các mối quan hệ của chúng ta, dù với tài sản, ý tưởng hay con người, đều dựa trên việc xây dựng hình tượng này, đó là nguyên do của sự xung khắc.
Vậy làm sao để có thể hoàn toàn bình an, tự tại trong chính mình và trong tất cả các mối quan hệ với người khác? Suy cho cùng, cuộc đời là sự vận động trong mối tương quan và nếu cuộc đời đó được đặt nền tảng dựa trên sự trừu tượng, ý niệm hoặc giả định mang tính suy đoán, thì cuộc sống ấy chắc chắn sẽ mang lại mối quan hệ không khác gì một chiến trường. Liệu con người có thể sống một cuộc đời nội tâm hoàn toàn có trật tự, không gượng ép, giả tạm, ức chế hoặc hóa giải không? Liệu họ có thể tạo nên trật tự như vậy trong chính mình – một chuẩn mực sống không bị hạn chế trong khuôn khổ ý tưởng, sự bình an nội tại vượt trên mọi khoảnh khắc náo động – không phải trong thế giới tuyệt diệu, thần thoại hay trừu tượng nào đó, mà là trong cuộc sống thực tế hằng ngày?
Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét câu hỏi này thật cẩn thận, không có nơi nào trong ý thức mà xung đột không chạm đến. Trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta – với gia đình, thân quyến, hàng xóm hay cộng đồng – mâu thuẫn luôn tồn tại, gây va chạm, chia rẽ và phân ly. Khi quan sát chính mình và mối quan hệ giữa mình với xã hội, chúng ta thấy rằng, ở mọi cấp độ hiện hữu đều có sự xung khắc – những nỗi bất hòa từ nhỏ đến lớn mang lại phản ứng giả tạo bề mặt và hậu quả khôn lường.
Cho đến nay, người đời điềm nhiên xem xung đột là một phần tất yếu của cuộc sống hằng ngày, họ chấp nhận sự cạnh tranh, ganh tỵ, tham lam, hám lợi và hung bạo như lẽ tự nhiên. Khi đồng thuận với lối sống đó, chúng ta tiếp nhận cơ cấu xã hội hiện tại và sống trong khuôn mẫu của sự tôn kính. Hầu hết chúng ta mắc kẹt trong đó với mong muốn được nể trọng. Khi xem xét tâm thức cùng trái tim mình, với suy nghĩ, cảm nhận và phương thức hành động trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy rằng chừng nào ta còn tuân thủ khuôn mẫu của xã hội, cuộc sống chẳng khác nào chiến trường. Nếu chúng ta không chấp nhận nó – không một người có đạo tâm nào chấp nhận một xã hội như vậy – thì chúng ta sẽ hoàn toàn được tự do khỏi cơ cấu tâm lý của xã hội.
Xã hội đã nhồi nhét vào ta đủ điều – sự tham lam, đố kỵ, giận dữ, thù hận, ganh tỵ, lo âu,… – vì vậy, đời sống ta trở nên phức tạp. Cho đến nay, nhiều tôn giáo trên khắp thế giới thuyết giảng liên hồi về sự khổ hạnh. Tu sĩ cạo bỏ râu tóc, khoác y trang đơn giản hết mực, tuyên thệ sống đời thanh bạch và đạm bạc, tất cả chúng ta tôn trọng điều đó. Thế nhưng, trong thâm tâm, con người vẫn phức tạp và đầy vướng bận. Họ chưa ngừng tìm kiếm địa vị và thanh thế, họ vẫn sống trong sự phân hóa của văn minh và truyền thống. Sống đơn giản thật sự là thoát ly hoàn toàn khỏi xã hội, kể cả khi người ta có hơn vài bộ quần áo, hay ăn thêm vài bữa trong ngày – Thượng Đế vốn nhân từ, người đâu màng đến những chuyện này, phải không – nhưng thật không may, hầu hết mọi người có nhu cầu phô trương, khoe mẽ. Để tâm thức được tự do, người ta phải trở nên dung dị trong tâm khảm, khi đó không còn quá trình tìm kiếm, đòi hỏi hay ham muốn. Với một tâm trí giản đơn, chúng ta có thể thấy được sự thật về cuộc sống mà không vướng phải xung đột. Cuộc đời đó là phước lành được trao tặng, không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu.
Vậy, làm thế nào để từ bỏ cơ cấu tâm lý xã hội, tức là thoát khỏi bản chất của xung đột? Giảm thiểu xung khắc là điều khả thi, nhưng cái chúng ta mong muốn là được sống với sự bình tâm trọn vẹn và theo đó cuộc đời trở nên an hòa. Điều đó không đồng nghĩa với sự đơn điệu, vô vị hoặc trì trệ; ngược lại, chúng ta sẽ thật năng động, tràn đầy nghị lực và sức sống. Để thấu hiểu và giải quyết vấn đề, chúng ta cần có đam mê lớn lao và năng lượng bền bỉ – sức lực tinh thần, không phải trí lực hay thể lực – không lệ thuộc vào ngoại lực hay kích thích bất kỳ, điều đó lấy đi sự minh mẫn và tinh nhạy của tâm trí. Mọi hình thức kích thích đều hỗ trợ để chúng ta tạm thời thấy được mọi sự một cách rõ ràng, tình trạng cũ sẽ quay lại ngay khi chất kích thích mất đi tác dụng. Càng ngày, chúng ta càng thiếu độc lập, việc lệ thuộc vào các tác nhân kích thích – rượu, bia, thuốc kích thích, ngôn từ động viên,… – ngăn không cho chúng ta sở hữu năng lượng thiết yếu. Thật không may, về mặt tâm lý, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào điều gì đó. Nếu cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân của sự lệ thuộc, chúng ta có thể tự mình khám phá về bản thân, xét cho cùng, đó mới là điều tạo nên sinh khí.
Tôi, với tư cách một diễn giả, khám phá ra rằng tôi phụ thuộc vào khán thính giả của mình. Tôi được tiếp thêm sinh lực từ họ, việc hướng đến một nhóm người nghe đông đảo là một dạng tìm kiếm năng lượng cho tôi. Vì vậy, tôi phụ thuộc vào những khán thính giả đó, dù họ có thuận ý với bài diễn thuyết của tôi hay không; thậm chí, càng bất đồng, họ càng kích thích tôi. Nếu họ đồng ý với tất cả, mọi thứ đâm ra thật nông cạn, hời hợt và trống rỗng. Vì vậy, tôi thấy được sự lệ thuộc của mình vào các vị khán thính giả; bởi thẳm sâu trong lòng, tôi cạn cợt, trống rỗng, đơn điệu và thiếu sức sống. Nhưng liệu khám phá đó có giúp tôi tự do khỏi tình trạng bị lệ thuộc? Phát hiện thuần tính lý trí hiển nhiên không giúp ích được trong trường hợp này; nhưng một cái nhìn toàn diện – nhận biết về toàn bộ cơ cấu và bản chất của sự kích thích, phụ thuộc đã khiến tâm trí trở nên vô minh, tăm tối và trì trệ – sẽ có khả năng giải thoát cho tâm trí.
Vì vậy, tôi phải hiểu được ý nghĩa lớn lao của việc nhận biết trọn vẹn, toàn diện. Nếu tôi còn nhìn nhận cuộc đời từ một quan điểm, trải nghiệm được ấp ủ, hoặc kiến thức được thu thập – tức là học vấn, kiến thức, kinh nghiệm, cũng là cái tôi – thì tôi không thể nào thấy một cách toàn diện. Thông qua sự phân tích, tôi vừa khám phá bằng lý lẽ về nguyên nhân của sự phụ thuộc, nhưng bất cứ khám phá nào có liên quan đến suy nghĩ đều không tránh khỏi tình trạng rời rạc, phân tán. Tôi có thể thấy vấn đề một cách toàn diện chỉ khi suy nghĩ không can dự vào đó.
Khi ấy, tôi nhìn ra sự thật về tình trạng lệ thuộc của mình, tôi thấy cái đang là mà không khởi lên nhận xét yêu thích hoặc ghét bỏ – tôi không muốn tống khứ sự phụ thuộc cùng những nguyên nhân của nó. Tôi quan sát và thấy được cái toàn bộ, không chỉ một phần bức tranh, khi đó tự do đến với tôi. Ngay lúc này đây, tôi nhận ra rằng có sự hoang phí sức lực trong tình trạng rời rạc, phân tán, tức là tôi vừa tìm đến tận cội rễ của sự tiêu hao năng lượng.
Bạn có thể nghĩ rằng thật không phí sức khi chấp nhận tác động, hoặc nghe theo một vị tu sĩ, nghi thức, giáo điều, chính đảng hay ý thức hệ nào đó – tốt hay xấu, thiêng liêng hay trần tục – nhưng chúng đều là những hoạt động rời rạc, phân tán, do đó là nguyên nhân của xung đột. Mâu thuẫn phát sinh ngay tại thời điểm ta phân biệt cái nên là với cái đang là và sự xung khắc gây hao tổn nội lực.
Nếu bạn tự hỏi về cách thức thoát khỏi xung đột, bạn đang tạo ra một vấn đề khác và theo đó xung đột gia tăng. Trái lại, nếu bạn nhìn vào nó như đang quan sát sự thật, một cách khách quan, rõ ràng, trực tiếp, thì bạn sẽ hiểu được về chân lý cuộc đời, trong đó không tồn tại xung đột. Hãy đặt vấn đề vào một hoàn cảnh khác, chúng ta luôn so sánh điều đang là với điều nên là – sự phóng chiếu của điều chúng ta nghĩ mình phải trở thành. Mâu thuẫn tồn tại khi có sự so sánh, không chỉ với cái gì đó hoặc với ai đó, mà còn với nguyên trạng của bạn trong ngày hôm qua; do đó, có sự xung đột giữa tình trạng từ trước đến giờ và hiện trạng. Hiện trạng chỉ toàn vẹn khi không bị so sánh, sống với điều đang là mang đến sự bình an và chú tâm trọn vẹn, không chút xao lãng. Hãy luôn sống trọn vẹn – dù là với nỗi tuyệt vọng, nguy cơ, sự hung bạo, sợ hãi, lo âu, cô đơn,… – bạn sẽ thấy mâu thuẫn và xung đột tức khắc tiêu tan.
Nhưng chúng ta không làm vậy, lúc nào ta cũng so kè với những người giàu có, tài năng, mưu trí, quyền năng, nổi tiếng hơn,… cái hơn đó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời chúng ta, và là một trong những nguyên do dẫn đến xung đột. Từ thuở ấu thơ, chúng ta đã chứng kiến sự so sánh trong trường học, khi học sinh A bị so sánh với học sinh B, em ấy đã tổn thương ra sao khi phải nỗ lực để trở nên giống với bạn B. Khi không so sánh, không bị đè nặng bởi lý tưởng, sự đối lập, tính nhị nguyên, bạn không còn chật vật để thay đổi hiện trạng, thì điều gì xảy ra đối với tâm trí? Tâm trí bạn sẽ ngừng tạo ra sự đối kháng và trở nên sáng suốt, nhạy bén cao độ, chứa đựng đam mê lớn lao – nguồn năng lượng quan trọng giúp bạn hiện thực hóa những mong muốn của mình.
Nếu không so đo với người khác, bạn sẽ là chính mình. Thông qua các phép so sánh, bạn mong mình phát triển, cải thiện, trở nên thông minh, đẹp đẽ hơn. Nhưng sự thật là bạn vẫn vậy và trong khi so sánh, bạn khiến thực tại bị phân tán rời rạc, sức lực tiêu hao. Bằng việc thật sự nhận thức về bản thân, bạn có được nguồn năng lượng to lớn để quan sát. Khi thấy được chính mình mà không so sánh, bạn vượt khỏi phạm vi so sánh, điều đó không có nghĩa là tâm trí trì trệ, mụ mẫm trong sự mãn nguyện, thỏa hiệp; mà thông qua đó, chúng ta thấy được bản chất của vấn đề – điều vô cùng cần thiết để hiểu trọn vẹn về cuộc sống.
Tôi không muốn biết mình mâu thuẫn với điều gì. Điều tôi muốn biết là tại sao xung đột lại tồn tại, nhờ quan tâm đến vấn đề cốt lõi mà tôi thấy – có lẽ bạn cũng vậy – bản chất của ham muốn bị diễn dịch sai cách, tất yếu dẫn đến xung đột. Tôi khao khát những điều mâu thuẫn với nhau – không có nghĩa là tôi phải triệt tiêu, kiềm chế, điều khiển hoặc hóa giải ham muốn – tôi chỉ thấy rằng lòng khao khát cũng chính là mâu thuẫn. Không chỉ các đối tượng ham muốn mà bản chất sự ham muốn đã là mâu thuẫn; tôi phải hiểu điều đó trước tiên. Trạng thái mâu thuẫn trong mỗi chúng ta là do ham muốn gây ra – trong quá trình theo đuổi khoái lạc và tránh né đau khổ.
Ham muốn là cội rễ của mâu thuẫn – việc muốn và không muốn điều gì đó là một hoạt động mang tính hai mặt. Khi chúng ta hành động một cách vui vẻ, chẳng cần đến nhiều nỗ lực, nhưng khi lạc thú mang lại đau khổ, ta chật vật để tránh né khổ não và một lần nữa, điều đó gây hao tâm tổn trí. Đã từ rất lâu, trong tự nhiên tồn tại tính nhị nguyên – đàn ông và đàn bà, ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm,… – nhưng khái niệm nhị nguyên về mặt tâm lý thì do đâu mà có? Hãy dùng tâm trí để khám phá, lời tôi nói chỉ đơn thuần là tấm gương giúp bạn quan sát chính mình mà thôi. Phải chăng tính nhị nguyên đến từ cách chúng ta được nuôi dưỡng, giáo dục, vốn dựa trên nền tảng so sánh giữa điều đang là và điều nên là? Chúng ta bị nhồi nhét về chuyện đúng và sai, thiện và bất thiện, hợp đạo lý và đồi bại,… Có phải tính hai mặt này xuất hiện cùng với niềm tin của chúng ta về tư duy đối lập – ý niệm về cái trái ngược với sự bạo lực, đố kỵ, ti tiện,… sẽ giúp chúng ta tống khứ những điều đó? Chúng ta đang sử dụng sự đối kháng làm đòn bẩy để tống khứ hiện trạng, như một cách tránh né thực tại? Từ ngàn năm nay, bạn được bảo rằng mình phải có một lý tưởng đối nghịch với điều đang là, để đương đầu với hiện tại, liệu điều đó có thể xảy ra? Dường như bất chấp nỗ lực theo đuổi sự phi bạo lực trong suốt phần đời còn lại, bạn vẫn sẽ luôn gieo rắc mầm mống bạo lực.
Bạn có một ý niệm về điều nên là và hành động nên thực hiện, nhưng trên thực tế, bạn luôn hành động khác đi. Mọi nguyên tắc, niềm tin và lý tưởng dường như chắc chắn dẫn đến lối sống đạo đức giả và thiếu trung thực. Lý tưởng tạo nên sự đối lập với điều đang là; do đó, nếu bạn biết cách sống với điều đang là, sự đối lập đâu còn cần thiết nữa.
Việc cố gắng trở nên giống với người khác, hoặc với lý tưởng của mình, là một trong những căn nguyên của sự xung khắc. Khi tâm trí lao xao, loạn động, thì bất luận nó làm điều gì, ở mức độ nào, hành động đó vẫn phát sinh từ sự bối rối, theo đó tiếp tục dẫn đến tình trạng hỗn độn trầm trọng hơn. Tôi thấy điều này rất rõ ràng, như một hiểm họa ngay trước mắt đối với thân mạng mình. Vậy, tôi phải ngừng hành động khi mình còn đang bối rối; bất động cũng chính là hoạt động.