K
hông có sự kiềm chế hoặc nguyên tắc khắt khe nào trong việc tuân thủ khuôn mẫu có thể dẫn chúng ta đến với sự thật. Để nhìn ra sự thật, tâm trí phải hoàn toàn tự do, tự tại.
Trước tiên, liệu chúng ta có thật sự muốn được tự do hay không? Khi chúng ta nói về điều này, đó là sự giải thoát hoàn toàn hay chỉ là sự giải thoát khỏi những điều khó chịu, bất tiện hoặc không như mong muốn? Chúng ta muốn trốn tránh những ký ức đau buồn, trải nghiệm bất hạnh; đồng thời vẫn bám víu vào các ý niệm, cách thức và những mối quan hệ thích thú, đầy thỏa mãn. Đó là chuyện không thể, vì lạc thú không thể tách rời khỏi khổ đau. Vậy, điều tiên quyết là chúng ta muốn được giải thoát hoàn toàn, sau đó bạn và tôi sẽ cùng tìm hiểu thấu đáo về bản chất và cơ cấu của sự tự do.
Tự do có phải là khi bạn trốn thoát khỏi cái gì đó, chẳng hạn như đau khổ, lo âu? Hay tự do là điều gì đó hoàn toàn khác biệt? Chẳng hạn, bạn có thể không còn ganh tỵ, nhưng chẳng phải đó cũng là một kiểu phản ứng hay sao, do đó bạn không tự do chút nào. Bằng cách phân tích và khước từ, bạn có thể dễ dàng từ bỏ giáo điều, nhưng động cơ cho điều đó có thể là vì bạn không thấy giáo điều ấy hợp thời hoặc mang lại ích lợi nữa. Bạn cũng có thể không còn lệ thuộc vào chủ nghĩa dân tộc bởi bạn tin tưởng hơn vào chủ nghĩa quốc tế, hoặc bởi bạn cảm thấy rằng về mặt kinh tế, chủ nghĩa dân tộc mang lại ít giá trị hơn so với mong đợi. Hơn thế nữa, bạn có thể chống đối lại vị lãnh tụ tinh thần hoặc chính khách đã hứa hẹn với bạn về trạng thái tự do bắt nguồn sự tuân thủ kỷ luật hoặc nổi loạn. Nhưng liệu những quyết định, kết luận thuần túy dựa trên lý trí ấy, có liên quan gì đến tự do hay không?
Nếu bạn nói mình không lệ thuộc vào điều gì cả, thì đó là một phản ứng, nó sẽ trở thành một phản ứng khác, tiếp đó dẫn đến sự tuân phục – cũng là một dạng chi phối. Trong chuỗi những phản ứng đó, bạn xem từng phản ứng là sự tự do. Nhưng không phải vậy, đó chẳng qua chỉ là sự nối tiếp của quá khứ được điều chỉnh, mà tâm trí luôn bám víu vào.
Ở giới trẻ thường tồn tại khuynh hướng nổi loạn, đi ngược lại với xã hội; sự nổi loạn đó không phải là tự do, mà chỉ là phản ứng đơn thuần, dần dà nó tạo nên khuôn mẫu riêng và họ sẽ lại mắc kẹt trong đó. Nó chẳng hề khác biệt, chỉ là bình cũ rượu mới mà thôi. Mọi hình thức nổi loạn về mặt xã hội hoặc chính trị đều sẽ quay lại với trạng thái tâm lý xã hội quen thuộc.
Tự do chỉ xuất hiện khi bạn hành động với sự hiểu biết, bạn vốn có khả năng hành động đúng đắn, nhất là khi bất chợt gặp họa chí tử. Khi đó bạn không suy tính, thảo luận hay do dự; tình thế ngặt nghèo thúc đẩy bạn hành động tức khắc, vậy nên nhìn nhận cũng chính là hành động để tự giải thoát. Tự do là một trạng thái tâm trí mà trong đó, chúng ta không e dè nghi ngờ và chất vấn về mọi thứ; sự độc lập đó mãnh liệt, sống động và sôi nổi đến mức nó quét sạch tình trạng phụ thuộc, ách nô lệ và sự tuân phục. Tự do mang hàm ý về sự đơn độc tuyệt đối; vậy, liệu một tâm thức đã quen lệ thuộc vào môi trường xung quanh và khuynh hướng sẵn có, có thể nào tìm đến vùng đất tự do vốn tĩnh mịch, quạnh quẽ, vắng bóng sự dẫn dắt, truyền thống và uy quyền?
Sự đơn độc là một trạng thái tâm lý hướng nội, trong đó, ta tự do khỏi mọi tác nhân kích thích, kiến thức, kinh nghiệm và kết luận. Dường như nội tâm chúng ta không bao giờ đơn độc. Đơn độc khác với tách biệt, tách biệt là dựng lên những bức tường quanh mình để tránh bị tổn thương, để tự ngăn cách bản thân khỏi mọi thứ – cũng là một nỗi khổ đau, hoặc để mê đắm với cái tháp ngà của ý thức hệ nào đó. Còn đơn độc là điều gì đó hoàn toàn khác biệt.
Bạn không bao giờ đơn độc vì tâm trí luôn bị đè nặng bởi những ký ức, tác động, kinh nghiệm mà nó góp nhặt từ quá khứ. Để đơn độc, bạn phải đoạn tuyệt với quá khứ. Khi hoàn toàn đơn độc và không thuộc vào gia đình, quốc gia, nền văn minh, lục địa nào, bạn có cảm giác mình là người ngoài cuộc. Một người như thế thì hồn nhiên và vô tư tuyệt đối; chính sự trong sáng này sẽ giải thoát cho tâm trí khỏi phiền não.
Chúng ta mang trên mình gánh nặng của hàng nghìn lời răn từ người đời cùng mọi ký ức về những điều không hay đã xảy đến với mình. Đơn độc là từ bỏ tất cả những điều đó, một tâm thức đơn độc không những hồn nhiên mà còn tươi mới – không phải về mặt thời gian, tuổi tác, mà là trẻ trung, trong sáng, sống động ở mọi độ tuổi – chỉ tâm trí đó mới có thể nhận ra chân lý, điều không thể được đo đạc, đánh giá qua ngôn từ.
Trong sự cô tịch, bạn bắt đầu hiểu được sự cần thiết của việc sống với chính mình, như bạn là, không phải như bạn nên là, hay như bạn đã là. Hãy xem liệu bạn có thể nhìn vào chính mình mà không hoảng hốt, khiêm hạ giả tạo, sợ hãi, bào chữa hoặc chỉ trích. Chỉ khi bạn sống với cái gì đó thật ân cần, bạn mới hiểu được nó; trong khoảnh khắc đó, khi bạn đã thân quen với nó – chẳng hạn như sự lo âu hoặc ganh tỵ – bạn không còn sống với nó nữa. Nếu bạn chuyển đến sống cạnh một con sông, thì sau vài ngày, bạn không còn nhận ra thanh âm dòng chảy của nó nữa. Điều tương tự xảy ra với một bức tranh mới trong phòng, những dãy núi, thung lũng, cây cối, gia đình, vợ hay chồng bạn,... Nhưng để sống với bất kỳ điều gì như sự ganh tỵ, đố kỵ hoặc lo âu, bạn không bao giờ được quen với nó hay chấp nhận nó. Bạn phải quan tâm đến nó như cái cây con vừa trồng xuống đất, bảo vệ nó khỏi ánh nắng chói chang và mưa bão, bạn chăm sóc nó mà không trách móc hoặc lấp liếm cho nó. Nhờ vậy, bạn bắt đầu thương yêu qua quá trình chăm sóc nó. Đó là sự dõi theo, không phải dạng tình yêu biểu hiện thành sự ghen tức hoặc lo âu thường thấy.
Vì vậy, liệu bạn và tôi có thể sống với con người thật, cùng sự vô minh, u tối, đố kỵ, âu sầu của mình; cũng như tin tưởng rằng tình thương bao la sẽ hiện diện khi chúng ta không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự tổn thương, tâng bốc hoặc nỗi chán chường? Liệu chúng ta có thể sống với tất cả những điều đó, không chấp nhận và cũng không khước từ chúng, chỉ quan sát mà không trở nên yếu hèn, muộn phiền hay nhu nhược?
Sâu xa hơn, có phải sự tự do, đơn độc và quá trình tiếp xúc với toàn bộ bản chất của chúng ta bất chợt xuất hiện? Hay nói cách khác, có phải chúng ta đạt đến tự do thông qua một quá trình tiệm tiến? Hẳn nhiên là không, bởi thời gian khiến bạn trở thành nô lệ, chứ nào mang đến tự do. Bạn không thể dần dần trở nên tự do, nó không liên quan gì đến thời gian cả.
Tiếp đến, liệu bạn có nhận thức được về sự tự do? Nếu nói rằng mình tự do, bạn chẳng tự do chút nào; cũng như khi một người nói họ hạnh phúc, thật ra họ vẫn đang sống trong ký ức vui vẻ đã qua. Tự do chỉ đến một cách tự nhiên, bạn có mơ ước, mong cầu hay giục giã thì cũng không tìm được nó. Hãy để tâm trí mình học cách nhìn vào cuộc sống, vốn là một sự chuyển dịch vĩ đại, không bị trói buộc bởi thời gian; tự do thật sự nằm ngoài mọi phạm trù của ý thức.