D
ù không ngừng tìm hiểu về bản chất của thương yêu, nhưng chúng ta vẫn chưa thấm nhuần nhận thức về vấn đề này. Chúng ta khám phá ra rằng đối với hầu hết mọi người, yêu thương là nguồn an ủi, bình yên, một cách bảo đảm cảm xúc được thỏa mãn trong suốt phần đời còn lại. Nếu có ai đó, chẳng hạn như tôi, bước đến và hỏi: “Đó có thật là yêu thương không?” rồi yêu cầu bạn soi rọi tâm trí mình, thì bạn sẽ cố để không nhìn thẳng vào đó, bởi tâm trí bạn đang rất lao xao, loạn động. Bạn thà thảo luận về các vấn đề tâm linh, tình hình kinh tế, chính trị còn hơn là nhìn thẳng vào tâm trí, bởi khi đó có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng điều bạn cho là tình thương yêu, thật ra chỉ là sự ve vuốt cho cái tôi của nhau – một cách trục lợi không hơn không kém.
Khi tôi nói: “Tình thương yêu không thuộc về ngày mai hay hôm qua” hoặc “Trong trạng thái phi tâm điểm có tình thương yêu”, thì tôi nắm bắt được thực tại, còn bạn thì không; bạn có thể trích dẫn lại hay thuộc làu nó như châm ngôn sống, cũng vô ích. Chính bạn phải tự mình thấy được nó, để làm vậy, bạn cần có tự do để quan sát mà không chỉ trích, phán xét, chấp nhận hay khước từ.
Quan sát và lắng nghe, đối với chúng ta là những chuyện khó khăn nhất trên đời. Nếu bị tâm trạng lo lắng che mắt, bạn không sao thấy được vẻ đẹp của chiều hoàng hôn. Hầu hết chúng ta đều đánh mất mối liên hệ với thiên nhiên khi nền văn minh có khuynh hướng ngày càng tập trung về những thành phố lớn. Chúng ta quen dần với đời sống đô thị trong những căn hộ vuông vắn chật chội; khó mà có đủ không gian, dù chỉ để ngắm trời đêm hay bình minh lên. Mối giao hòa giữa chúng ta với vẻ đẹp tự nhiên ngày càng phai nhạt, tôi không ngạc nhiên nếu bạn chẳng bao giờ ngồi ngắm bình minh và hoàng hôn yên ả, hay chiêm ngưỡng ánh trăng soi mình lên mặt nước lung linh, lấp loáng.
Khi mất đi sự liên hệ với tự nhiên, chúng ta chuyển sang quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển trí năng, kỹ thuật. Chúng ta đọc nhiều sách, đến các viện bảo tàng và nhà hát, rạp chiếu phim,… chúng ta trích dẫn những ý kiến của người khác, suy nghĩ và bàn luận nhiều về nghệ thuật. Sự phụ thuộc của chúng ta vào nghệ thuật có phải cũng là một dạng đào thoát, một sự kích thích? Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với tự nhiên, bạn quan sát cử động cánh chim, vẻ đẹp của từng thay đổi nhỏ trên nền trời, những ngọn đồi xanh,… bạn có còn phải đi tham quan bảo tàng để ngắm nhìn đủ mọi bức tranh nữa không? Có lẽ vì không biết cách quan sát nên bạn mới phải viện đến các tác nhân kích thích để giúp mình nhìn tốt hơn.
Có vị đạo sư nọ mỗi ngày đều thuyết giảng giáo pháp cho các đồ đệ của mình. Một hôm, ông vừa bước lên pháp tòa thì bỗng từ đâu chú chim nhỏ bay đến, đậu trên bục cửa và say sưa hót vang. Sau khi chờ cho chú chim kết thúc khúc ca của mình và tung cánh bay đi, vị đạo sư bèn bảo: “Bài giảng sáng nay của chúng ta, đến đây là kết thúc”.
Dường như một trong những khó khăn lớn nhất là việc quan sát thật rõ ràng, cả ngoại hình và nội tâm. Khi nói rằng chúng ta thấy một cái cây, bông hoa hoặc ai đó, liệu chúng ta có thật sự nhìn thấy chúng không? Hay ta chỉ thấy hình ảnh liên tưởng của chúng, do ngôn từ tạo nên? Khi bạn nhìn vào cây cối hoặc mây trời, bạn có thật sự thấy, không chỉ bằng mắt mà bằng cả trí tuệ, tâm hồn một cách trọn vẹn, toàn diện?
Bạn có từng trải nghiệm việc nhìn vào một vật khách quan như cái cây mà không liên tưởng, không để cho tri kiến, thiên kiến, ngôn luận tạo ra một bức màn ngăn cách giữa bạn và cái được quan sát, làm lệch lạc hiện trạng của nó? Hãy thể nghiệm việc quan sát cái cây với toàn bộ sự hiện hữu và năng lượng của bạn mà xem, trong xúc cảm mãnh liệt đó, bạn không thấy người quan sát nào cả. Đó là vì lúc đó bạn chú tâm, chỉ khi chúng ta lơ đãng thì người quan sát và cái được quan sát mới xuất hiện. Sự chú tâm trọn vẹn sẽ khiến mọi khái niệm, khuôn đúc và ký ức tiêu tan. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, vì những bước đi sắp tới sẽ đòi hỏi ở ta sự khảo sát vô cùng cẩn trọng.
Nếu tâm thức ngắm nhìn cội cây, những vì sao hoặc dòng sông với sự miệt mài, mải mê hoàn toàn, nó sẽ nhận thấy vẻ đẹp ấy; khi thật sự ngắm nhìn, chúng ta ở trong trạng thái thương yêu. Nói chung, chúng ta thường nhận biết về vẻ đẹp thông qua sự so sánh hoặc ý kiến được người đời đúc kết và truyền thụ; tức là chúng ta quy vẻ đẹp về một chuẩn mực nào đó. Tôi thấy một ngôi nhà đẹp, là do tôi dựa vào những hiểu biết về kiến trúc của mình, đồng thời so sánh nó với nhiều tòa nhà khác mà tôi từng thấy. Giờ đây tôi tự hỏi: “Liệu có tồn tại vẻ đẹp không dựa trên chuẩn mực nào hết?”. Khi có người quan sát – cơ chế kiểm duyệt, chủ thể suy nghĩ – thì không còn vẻ đẹp nào nữa; vẻ đẹp là điều thuộc về thế giới bên ngoài, là thứ mà người quan sát nhìn vào và phán xét. Nhưng khi không còn người quan sát nào – đòi hỏi sự tĩnh tâm, thông hiểu để đạt đến điều này – thì lúc đó, tồn tại vẻ đẹp không bị giới hạn bởi bất kỳ chuẩn mực hay nguyên tắc nào.
Vẻ đẹp nằm trong trạng thái hoàn toàn tự do của người quan sát và cái được quan sát, điều đó đến từ sự mộc mạc, chân phương – không phải quá trình tôi luyện với những hình phạt, quy tắc và mệnh lệnh; cũng không phải đời sống khắc khổ, bị giới hạn từ y trang, thực phẩm đến hành vi – chỉ là tâm tính đơn giản, khiêm hạ. Không có thành tựu hay nấc thang nào khiến chúng ta phải trèo lên và tranh đoạt; chỉ có một bước đi đầu tiên và kéo dài mãi.
Khi dạo quanh giữa thiên nhiên tĩnh lặng, không còn nghe chó sủa hay động cơ xe ồn ã, đến tiếng chim vỗ cánh cũng rì rầm xa xăm, bên trong bạn hoàn toàn tĩnh lặng và môi trường xung quanh cũng thế. Trong trạng thái tĩnh lặng đó – người quan sát không diễn dịch cái quan sát được vào suy nghĩ – vẻ đẹp mang một phẩm chất khác biệt và không còn sự phân định giữa tự nhiên và người quan sát, trạng thái tâm trí ấy mang lại một sự độc lập toàn vẹn. Đó là sự đơn độc – không phải do bị cách ly, mà là để được một mình trong thinh lặng. Trạng thái yên tĩnh ấy cũng chính là vẻ đẹp. Khi bạn thương yêu, liệu trong đó có người quan sát nào không? Khi yêu thương không nhập nhằng với khoái lạc và ham muốn, tình cảm đó là rất mãnh liệt; cũng giống như vẻ đẹp, nó luôn tươi mới và khác biệt mỗi ngày.
Chỉ khi nhìn mà không có bất cứ định kiến hay hình ảnh liên tưởng nào, chúng ta mới có thể tiếp xúc trực tiếp với mọi thứ trong cuộc sống. Mọi mối quan hệ của chúng ta thật sự chỉ là sự tưởng tượng – dựa trên một hình dung do tư duy tạo nên. Nếu tôi và bạn có một hình tượng về nhau, đương nhiên chúng ta không thể hiểu được con người thực của mình. Chúng ta chỉ thấy được những hình ảnh của người kia và chúng ngăn ta chạm đến nhau, vì thế nên các mối quan hệ trở nên tồi tệ.
Tôi biết bạn, trong ngày hôm qua chứ không phải ở thực tại, tất cả những điều tôi biết là hình tượng của bạn, được kết hợp từ những lời bạn nói – ca ngợi hoặc hạ nhục tôi – và những ký ức về bạn… Dựa trên hình tượng đó mà chúng ta kết giao, vậy làm sao chúng ta thật sự cảm thông với nhau cho được.
Trong một mối quan hệ chỉ dựa trên hình tượng – hình ảnh, biểu tượng và khái niệm – mọi người không thể tương tác, hòa hợp với nhau. Chỉ khi chúng ta hiểu về mối quan hệ thật sự giữa người và người, ở đó mới có tình thương yêu. Vậy điều quan trọng là thấu hiểu, không phải trong tư duy mà trong chính đời sống hằng ngày, rằng vì sao và bằng cách nào mà bạn dựng lên những hình ảnh về người bạn đời, con cái, hàng xóm, quốc gia, nhà lãnh đạo, chính trị gia và các vị thánh thần của mình – thật vậy, cuộc sống của bạn chỉ chất đầy những hình tượng. Và những hình tượng này tạo nên khoảng cách giữa bạn và điều bạn quan sát được, trong đó có xung đột. Vậy, chúng ta có thể nào thoát khỏi khoảng cách ấy – ngoài mặt và trong tâm – để từ đó, loại bỏ đi điều gây chia rẽ mọi người trong các mối quan hệ?
Sự chuyên chú vào một vấn đề cũng chính là nguồn năng lượng giúp giải quyết vấn đề ấy. Khi bạn chú tâm hoàn toàn, không còn người quan sát nào cả, chỉ có sự tập trung trọn vẹn, đồng thời là toàn bộ năng lượng với sức mạnh vượt trên mọi sự hiểu biết. Một cách tự nhiên, tâm trí khi đó hoàn toàn tĩnh lặng – không phải về mặt thanh âm mà là sự bình lặng khi không còn người quan sát và cái được quan sát, là dạng cao nhất của đạo tâm. Mọi điều diễn ra trong trạng thái này đều không thể được diễn tả hay kể lại bằng ngôn từ, vì từ ngữ đơn thuần không tài nào biểu hiện được sự thật, hãy tự mình thể nghiệm để hiểu về điều này.
Mọi vấn đề đều liên quan với nhau, nếu bạn có thể giải quyết một vấn đề – bất luận là vấn đề gì – bạn sẽ thấy rằng mình có khả năng đối mặt với tất cả chúng một cách dễ dàng. Hiển nhiên là chúng ta chỉ đang thảo luận về các vấn đề tâm lý, chúng ta đã nhìn nhận chúng chỉ trong thời gian, tức là chúng ta không giáp mặt với vấn đề một cách trọn vẹn. Không những ta phải nhận thức rõ ràng về cơ cấu và bản chất của vấn đề và nhìn thấu nó, mà còn phải nhanh chóng giải quyết vấn đề, không để nó bắt rễ trong tâm trí. Nếu một vấn đề được kéo dài trong một tháng, một ngày hoặc thậm chí chỉ trong ít phút, tâm thức sẽ bị bóp méo và lưu lại ở đó những ký ức – hình ảnh mà ta mang theo bên mình, cùng với chúng, ta tiếp cận cuộc đời muôn màu, đó là khi mâu thuẫn xuất hiện và dẫn đến xung đột. Cuộc đời rất thật – nó không phải là một khái niệm trừu tượng – thế nên nếu cứ sống với những hình ảnh ấy, ắt hẳn bạn sẽ gặp khó khăn.
Khi đối diện với những thách thức, liệu ta có thể lấp đầy khoảng lặng không gian - thời gian, cũng như chỗ trống giữa mình và đối tượng khiến ta sợ hãi? Phải chăng chuyện đó chỉ xảy ra khi không còn tồn tại người quan sát? Chính người quan sát đã tạo nên những hình ảnh, cũng như góp nhặt vô số ký ức, ý niệm và các quan điểm trừu tượng.
Một đêm nọ, bạn ngước lên bầu trời đầy sao, ngắm nhìn các vì tinh tú tuyệt đẹp và tận hưởng không khí dịu mát; trong khoảnh khắc ấy, bạn – người quan sát, người thể nghiệm, người suy nghĩ – cùng với trái tim đau đớn của mình vẫn không ngừng tạo thêm không gian ngăn cách. Chúng ta khó lòng hiểu về khoảng trống giữa ta và các vì sao, người mình yêu, hoặc bạn bè,… bởi chúng ta chưa từng nhìn họ mà không thông qua các hình tượng. Vậy nên ta không biết yêu thương ra sao và thế nào là cái đẹp; chúng ta có thể nói hoặc viết về nó, nhưng chưa khi nào hiểu nó sâu sắc. Cứ hễ có một tâm điểm tạo nên khoảng cách quanh nó, cả tình thương yêu và vẻ đẹp đều không hiện diện. Có những khoảng lặng hiếm hoi mà bạn miệt mài, quên mình hoàn toàn, thì trong trạng thái phi tâm điểm đó có tình thương yêu. Khi yêu thương, bạn thật đẹp, bạn là vẻ đẹp.
Khi ta có cái nhìn xuất phát từ một tâm điểm, vốn luôn tạo khoảng cách giữa người và người, thì đời sống của chúng ta hẳn sẽ trống rỗng và nhẫn tâm. Bạn không thể vun vén cho tình thương yêu hoặc vẻ đẹp, cũng không thể nghiền ngẫm ra sự thật. Nhưng nếu trong mọi khoảnh khắc, bạn nhận thức rõ ràng về việc mình làm, bạn sẽ bắt đầu thấy được bản chất của khoái lạc, ham muốn, phiền não, sự cô đơn và nỗi chán chường đến cùng cực, cũng như cái được gọi là khoảng cách.
Khi có khoảng trống ngăn cách, không có tình thương yêu và dù cố gắng cải cách – thay đổi thế giới hay mang lại một trật tự xã hội mới – bạn sẽ chỉ tạo nên nỗi thống khổ. Tất cả đều tùy thuộc vào bạn, không một nhà lãnh đạo hay người dẫn đường nào có thể chỉ dẫn cho bạn, bạn hoàn toàn đơn độc giữa thế giới hung bạo và điên cuồng này.