K
hi tôi xây dựng một hình ảnh về bạn hoặc bất cứ thứ gì, tôi xem xét hình ảnh đó, tức là có hình ảnh lẫn người quan sát hình ảnh. Chẳng hạn như, tôi thấy ai đó mặc chiếc áo màu đỏ và phản ứng tức thời của tôi là tôi thích hoặc không thích nó. Thích hoặc không thích là nhận định đến từ nền văn hóa, giáo dục, liên tưởng, khuynh hướng, tri kiến được tích lũy và kế thừa của tôi. Chính từ tâm điểm đó mà tôi quan sát và đưa ra phán xét; vì vậy, người quan sát tách rời khỏi đối tượng được quan sát.
Nhưng người quan sát có khả năng nhận thức về nhiều hơn một hình ảnh, thực chất là có hàng ngàn hình ảnh được tạo ra. Dù vậy, người quan sát khác biệt ra sao so với những hình ảnh này, chẳng phải họ cũng chỉ là một hình ảnh khác hay sao? Người quan sát không ngừng bổ sung vào và lược bớt đi những gì thuộc về mình; người ấy là một chủ thể linh hoạt, liên tục cân nhắc, so sánh, phán xét, bổ sung và thay đổi tùy thuộc theo những tác động bên trong và bên ngoài – hoạt động diễn ra trong tâm thức, cũng chính là những kiến thức, ảnh hưởng và vô số tính toán riêng tư. Khi nhìn vào người quan sát, tức chính mình, chúng ta thấy toàn bộ là những ký ức, kinh nghiệm, ảnh hưởng, truyền thống… – một cảnh tượng hoang tàn, cứ như thể ta hoàn toàn nằm lại trong quá khứ. Người quan sát, vì vậy, là cả quá khứ và hiện tại, thậm chí ngày mai đang chờ đợi cũng là một phần trong đó. Với một nửa của mình sống động, còn nửa kia chết lặng, người ta quan sát những chiếc lá khô lìa cành và lá còn xanh. Trong dòng thời gian, bạn – người quan sát – nhìn vào nỗi sợ hãi, sự ganh tỵ, tranh chấp và nỗ lực giải quyết vấn đề về đối tượng được quan sát – sự thách thức, điều mới mẻ; chính vì luôn tìm cách hiểu điều mới mẻ dựa trên những dữ kiện cũ kỹ nên bạn mãi vướng kẹt lại với xung đột.
Một hình ảnh, cũng trong vai trò là người quan sát, nhìn vào những hình ảnh khác xung quanh và bên trong nó, nhận xét: “Tôi thích và sẽ giữ lại hình ảnh này” hoặc “Tôi không thích và sẽ tống khứ hình ảnh đó”, nhưng chính người quan sát này cũng được ghép lại từ nhiều hình ảnh khác nhau, tất cả chúng tồn tại thông qua các mối liên hệ với nhau. Giờ đây ta có thể kết luận rằng: Người quan sát cũng là một hình ảnh, chẳng qua hình ảnh đó tự tách biệt nó để quan sát nhưng lại cho rằng giữa mình và các hình ảnh khác có một sự ngăn cách về thời gian. Vì cho rằng hình ảnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất an của mình, người quan sát muốn tống khứ chúng để loại trừ xung đột; nhưng bản thân ý định đó lại tạo thêm một hình ảnh khác nữa.
Việc nhận thức được về tất cả những điều này – trong sự tĩnh tâm – hé lộ ra một hình ảnh trung tâm được kết hợp lại từ tất cả các hình ảnh khác; đó chính là người quan sát – cơ chế kiểm duyệt, thể nghiệm, đánh giá, và phán xét. Hình ảnh trung tâm ấy muốn cầm quyền để chế ngự, sắp xếp, hoặc xóa bỏ tất cả những hình ảnh khác – vốn dĩ là hệ quả của sự phán xét, ý kiến và kết luận chủ quan đến từ chính hình ảnh trung tâm kia. Vậy chẳng phải người quan sát cũng chính là đối tượng được quan sát đấy sao?
Nhận thức đã vén bức màn tâm trạng, chỉ ra các hình ảnh cùng mâu thuẫn giữa chúng, tình trạng xung đột, nỗi thất vọng vì không thể giải quyết vấn đề cũng như vô số nỗ lực đào thoát. Tất cả những điều này trở nên rõ ràng thông qua một nhận thức thận trọng – cho đến thời điểm này, không hề tồn tại một thực thể vượt trội, hay bản ngã ở tầm cao hơn; chỉ có nhận thức hé lộ cho ta về người quan sát và cái được quan sát.
Nếu bạn đặt ra cho mình một câu hỏi: Đâu là thực thể được trả lời, đâu là thực thể tìm hiểu, truy vấn thông tin? Nếu thực thể đó là một phần của ý thức, suy nghĩ, thì điều mà nó có thể khám phá ra chỉ là một trạng thái của nhận thức. Nếu trong trạng thái nhận thức đó, có một thực thể nói rằng: “Tôi phải trở nên tỉnh táo, tôi phải rèn luyện nhận thức của mình”, thì ý muốn đó cũng lại là một hình ảnh khác.
Sự nhận thức, rằng người quan sát và cái được quan sát là một, không phải là một quá trình đồng hóa với cái được quan sát. Tự đồng hóa với điều gì đó là một việc khá dễ dàng; trên thực tế, hầu hết chúng ta đồng hóa mình với gia đình, vợ hay chồng, quốc gia của mình,… điều đó dẫn đến cơn quằn quại thống khổ và xung đột lớn. Chúng ta đang xem xét điều gì đó khác biệt hoàn toàn và chúng ta phải hiểu – không chỉ bằng lời nói, mà ngay trong thâm tâm, từ tận cội rễ sự hiện hữu của mình. Người Trung Hoa xưa, khi bắt đầu họa một bức tranh có thể ngồi trước vật định vẽ, cái cây chẳng hạn, mà nhìn ngắm cả ngày liền, thậm chí là trong nhiều tháng hay cả năm trời – thời gian bao lâu không thành vấn đề – cho đến khi họ hóa thân vào đó, không phải là họ xem mình tựa cái cây, mà họ chính là cái cây đó. Không có khoảng cách giữa họ, người quan sát, và cái cây được quan sát; cũng không có người thể nghiệm vẻ đẹp, chuyển động, bóng đổ, độ sâu và các vệt màu của những chiếc lá – cây và người tuy hai mà một, chỉ trong trạng thái này họa sĩ mới có thể đặt bút vẽ.
Bất cứ động thái nào từ phía người quan sát, trong khi chưa nhận ra rằng mình cũng là đối tượng được quan sát, sẽ chỉ tạo thêm một chuỗi những hình ảnh nữa. Điều duy nhất giúp ích ở đây là người quan sát nhận thức được về sự đồng nhất giữa mình và cái được quan sát, khi đó họ không hành động. Người quan sát thường nói: “Tôi phải làm gì đó với những hình ảnh này” và liên tục phản ứng lại với từng điều quan sát được, một cách sôi nổi bất thường. Phản ứng đó được xem là một hành vi tích cực – giữ lại điều tốt đẹp và loại bỏ thứ không đáng. Nhưng khi người quan sát nhận ra rằng đối tượng mà nó đang tác động vào là chính nó, thì không còn mâu thuẫn đôi bên, không còn sự tách rời giữa người quan sát và cái được quan sát, không còn kết luận thích hay không, và xung đột chấm dứt.
Vậy người quan sát nên làm gì? Bạn không thể chống lại, hoặc chạy trốn khỏi chính mình, thậm chí bạn còn không thể chấp nhận, hãy cứ biết là nó ở đó, vậy thôi; và rồi mọi hệ quả của phản ứng thích hoặc không thích sẽ chấm dứt. Khi đó, nhận thức vô cùng sống động, nó không bị ràng buộc với bất cứ vấn đề hoặc hình ảnh trung tâm nào; nhận thức mạnh mẽ này dẫn đến sự chuyên chú, khiến tâm thức trở nên tinh nhạy, đồng thời minh mẫn, sáng suốt lạ thường.