H
ãy cùng xem xét về tư duy – với những suy tính thận trọng, hợp lý và đúng đắn, trong công việc chẳng hạn, cũng như các ý nghĩ vụn vặt kém phần quan trọng. Để có thể lĩnh hội những gì sâu xa hơn mọi điều suy nghĩ có thể chạm đến, hãy cố gắng hiểu về toàn bộ cơ cấu phức tạp của tư duy và ký ức, cội nguồn của suy nghĩ, cách nó áp đặt chính mình lên hành động,… Khi đã hiểu thấu tất cả những vấn đề này, có lẽ ta sẽ bắt gặp điều mà suy nghĩ chưa bao giờ khám phá ra và tư duy chưa bao giờ mở được cánh cửa để đi đến.
Tại sao suy nghĩ – các ý tưởng, phản ứng đối với ký ức được tích lũy trong tế bào não – trở nên quan trọng đến vậy trong cuộc sống của chúng ta? Có lẽ bạn chưa từng đặt ra câu hỏi đó, hoặc nếu có, bạn dễ dàng kết luận rằng nó chẳng hề quan trọng so với cảm xúc. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tách rời hai thứ ấy, nếu không được suy nghĩ kéo dài, cảm xúc sẽ nhanh chóng tan biến.
Vậy tại sao trong cuộc sống đầy áp lực, nhạt nhẽo và đáng sợ này, suy nghĩ lại có tầm quan trọng lạ thường? Tại sao người ta làm nô lệ cho suy nghĩ? Cái suy nghĩ ranh mãnh và khôn khéo đã tổ chức, khởi đầu, phát kiến ra nhiều thứ; kích động, gây xung đột, gieo rắc lo âu, sợ hãi; mắc kẹt trong vấn đề với những hình ảnh do chính nó tạo ra; tận hưởng sự thỏa mãn từ quá khứ và kéo dài lạc thú đó đến hiện tại và cả tương lai; vận động, dịch chuyển, dựng xây, tước đoạt, bổ sung, giả định,…
Đối với chúng ta, các ý niệm quan trọng hơn rất nhiều so với hành động; có vô số ý tưởng được trình bày một cách thông thái, những cuốn sách chấp bút bởi các học giả rành rẽ ở mọi lĩnh vực. Ý tưởng càng khôn ngoan và tinh tế, sự tôn sùng dành cho chúng càng mãnh liệt; chúng ta không khác gì những cuốn sách, ý niệm đó, nên mới bị tác động mạnh mẽ đến vậy. Mọi người chưa khi nào ngừng thảo luận về những khái niệm, lý tưởng và đưa ra các ý kiến biện chứng. Mọi tôn giáo đều đặt ra quy định, khuôn thước, luật lệ riêng trên bước đường tiếp cận những vị thánh. Khi đi vào tìm hiểu quá trình khởi lên suy nghĩ, chúng ta đặt câu hỏi về tầm quan trọng của những tháp ngà ý niệm này, tách rời ý niệm khỏi hành động. Ý niệm thuộc về quá khứ, còn hành động – tức sự sống – thì luôn ở hiện tại. Chúng ta đều lo lắng về cuộc sống, vậy nên quá khứ cũng như ý niệm trở nên vô cùng quan trọng.
Theo dõi hoạt động tư tưởng của con người là một việc thú vị, từ chuyện quan sát cách họ suy nghĩ đến quá trình truy lại nguồn gốc của ý niệm, có vẻ là nằm trong ký ức,… Suy nghĩ có khởi đầu hay không? Nếu có, liệu chúng ta có thể tìm đến khởi điểm của nó – tức là nơi ký ức bắt đầu? Bởi nếu không có ký ức thì không tồn tại suy nghĩ, phải không?
Chúng ta đã thấy cách tư duy bám víu vào khoái lạc của ngày hôm qua như thế nào, đồng thời kéo dài mặt trái của nó – sợ hãi và khổ não – ra sao. Vì vậy, với người trải nghiệm, hay người suy nghĩ, lạc thú đi cùng khổ đau, và họ cũng là thực thể dung dưỡng cho chúng. Người suy nghĩ vốn dĩ tách biệt khoái lạc với đau khổ nên không thấy được rằng đòi hỏi lạc thú tức là mời gọi khổ đau và sợ hãi. Trong các mối quan hệ, suy nghĩ không ngừng đòi hỏi sự thỏa mãn, được che đậy bằng nhiều mỹ từ khác nhau – trung thành, nâng đỡ, dâng hiến, bảo tồn và phụng sự. Nếu ở trạm xăng, khách hàng được hưởng dịch vụ tốt thì đó mới là hỗ trợ, trao gửi, phục vụ. Có bông hoa đẹp thanh thoát và yêu kiều nào lại nói: “Em đang dâng hiến, giúp đỡ, phụng sự mọi người đây” hay không? Thực chất đúng là như vậy, nhưng vì nó sẵn lòng chia sẻ vẻ đẹp của mình với tất cả, không nỗ lực hay cố gắng cho bất cứ mục đích gì, nên quang cảnh tự nhiên trên Trái đất xưa nay mới là hoa cỏ đầy đồng, trải dài tít tắp đến tận chân trời, chính vì lẽ đó.
Suy nghĩ vốn luôn khôn khéo bóp méo mọi thứ vì lợi ích riêng; nhưng trong quá trình đòi hỏi và tìm kiếm lạc thú, chính nó thành ra bị lệ thuộc. Suy nghĩ là tác nhân dẫn đến tính nhị nguyên trong tất cả các mối tương quan của chúng ta – hành vi bạo lực làm ta thỏa mãn, song song đó ta cũng khao khát bình an, muốn hành xử tử tế và lịch thiệp. Đây là điều luôn tiếp diễn trong cuộc sống của chúng ta, suy nghĩ vừa dung dưỡng tính hai mặt này và gây mâu thuẫn, vừa tích lũy vô số ký ức về lạc thú cũng như đau khổ để tái sinh từ đó – suy nghĩ thuộc về quá khứ và luôn cũ kỹ.
Do chúng ta tiếp cận với thách thức mới mẻ bằng góc nhìn của quá khứ, nên phát sinh mâu thuẫn và khổ não. Tâm trí nhỏ hẹp của ta luôn ở trong tình trạng xung đột, dù nó có khao khát, bắt chước, tuân thủ, kiềm chế, chế ngự, tự thúc đẩy mình trở nên rộng lớn hơn hay làm gì đi chăng nữa, đều không ích gì. Trên thực tế, những người suy nghĩ nhiều đều có khuynh hướng xem trọng vật chất – suy nghĩ cũng chính là vật chất, chẳng khác gì sàn nhà, bờ tường, hay cái điện thoại, năng lượng hoạt động theo một khuôn mẫu sẽ trở thành vật chất. Có năng lượng, ắt có vật chất, chúng liên hệ chặt chẽ với nhau; toàn bộ cuộc sống là như vậy. Theo lẽ thường, chúng ta cho rằng suy nghĩ khác với vật chất; thật ra suy nghĩ hay ý thức hệ, đều chứa năng lượng và là vật chất. Mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng càng hài hòa, đồng điệu bao nhiêu, tâm trí càng cân bằng, ổn định bấy nhiêu. Bao năm qua, suy nghĩ đã thiết lập một khuôn mẫu về khoái lạc, đau khổ, sợ hãi và hoạt động theo nó; thế nên không tài nào phá vỡ cái khuôn mẫu do chính nó định hình nên.
Suy nghĩ không nắm bắt một sự việc ngay lần đầu bắt gặp; dù có thể hiểu sơ lược về điều đó qua lời giải thích, thực chất nó không làm sáng tỏ được bất cứ vấn đề tâm lý mới mẻ nào. Dù uyên bác đến đâu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa; thành thạo ra sao với việc bắt ép, kỷ luật; suy nghĩ cũ kỹ không bao giờ trả lời được một câu hỏi khác thường, cũng không có khả năng giải quyết các bài toán bao la, rộng lớn của cuộc sống. Suy nghĩ có thể bị vặn xoắn theo mọi hướng, nó tạo ra mọi tình huống, hình dung về những thứ chưa từng có, thậm chí thực hiện những mánh lới phi thường; do đó, nó không hề đáng tin. Chỉ khi bạn hiểu về toàn bộ cơ cấu của tâm tưởng, nguồn gốc suy nghĩ, ngôn từ, cách hành xử, giao tiếp, đi đứng, ăn uống,… – tức nhận thức rõ ràng về mọi sự – thì tâm trí không thể lừa dối bạn, cũng không còn đòi hỏi và tìm cách chinh phục. Nó tĩnh lặng, linh hoạt, tinh nhạy và độc lập khác thường; trong trạng thái đó không còn chỗ cho sự dối trá.
Bạn có từng nhận thấy rằng trong trạng thái chú tâm hoàn toàn, người quan sát, suy nghĩ, tâm điểm, cái tôi,… tất thảy đều không còn và suy nghĩ giảm thiểu? Nếu muốn thấy một thứ thật rõ ràng, tâm trí người ta phải tịch lặng, rũ bỏ hết mọi thiên kiến, lời nói huyên thuyên, hình dung mộng tưởng. Trong sự tĩnh tại và hiện hữu trọn vẹn, người ta đặt câu hỏi và quan sát về sự khởi lên và định hình suy nghĩ. Khi ấy, chúng ta không cần hoang phí nhiều thời gian và sức lực nhằm cố gắng kiểm soát suy nghĩ, chẳng hạn như: “Đây là suy nghĩ tốt, tôi phải khuyến khích nó. Kia là suy nghĩ tồi, tôi phải chế ngự nó”. Con người lúc nào cũng chật vật cân nhắc về đủ mọi suy nghĩ và mong muốn, cốt là để tìm ra lạc thú vượt trên tất cả. Nếu chúng ta nhận thức được về sự khởi lên của suy nghĩ thì mâu thuẫn trong tư tưởng không còn tồn tại.
Khi nghe ai đó phát biểu rằng: “Suy nghĩ thì luôn cũ kỹ”, hoặc “Thời gian là phiền não”, suy nghĩ của bạn bắt đầu quá trình giải thích dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của ngày hôm qua, nên chắc hẳn sự diễn dịch ấy sẽ bị ảnh hưởng, chủ quan hóa. Chỉ cần chú tâm hoàn toàn, bạn sẽ thấy không có người quan sát và cái được quan sát, hay người suy nghĩ tách biệt với suy nghĩ. “Suy nghĩ nào bắt đầu trước?” là một thắc mắc có phần thú vị nhưng chẳng dẫn đến đâu cả. Không còn suy nghĩ, bạn mới có thể soi rọi chính mình – không có nghĩa là lãng quên hay để đầu óc trống rỗng, mà là chấm dứt suy nghĩ bắt nguồn từ ký ức, kinh nghiệm hoặc kiến thức trong quá khứ, khi đó không còn người suy nghĩ nào. Đây không phải là vấn đề triết lý cao siêu hoặc thần bí gì, chúng ta đang giải quyết những khó khăn trong thực tế và nếu đã đi đến tận đây, bạn sẽ chứng kiến mình phản ứng lại một thách thức, không phải với não bộ cũ kỹ, mà với một tâm trí luôn tươi tắn, mới mẻ.