L
oài người muôn đời nay vẫn luôn tìm kiếm điều gì đó vượt khỏi phạm vi của chính mình cũng như các giá trị vật chất hữu hình – điều gì đó được gọi là chân lý, Thượng Đế hay thực tại – cái trạng thái vô tận mà mọi hoàn cảnh, suy nghĩ và lỗi lầm trần thế đều khó lòng chạm đến.
Người ta không ngừng tự vấn về cuộc đời và ý nghĩa cuộc đời. Trong cuộc sống, ta chứng kiến tình trạng hỗn loạn khủng khiếp, tính hung bạo, nổi loạn, chiến tranh và sự phân hóa bất tận của tôn giáo, ý thức hệ, chủ nghĩa dân tộc. Mang trong mình nỗi thất vọng sâu sắc, chúng ta băn khoăn về việc cần làm, cũng như liệu có còn điều gì khác nằm bên ngoài cái gọi là cuộc sống hay không. Thế rồi sau khi lướt qua hàng ngàn thứ nhưng vẫn không bắt gặp điều mong mỏi khó gọi tên ấy, ta đành bồi đắp dần cho niềm tin vào một Đấng Cứu Thế hoặc một lý tưởng nào đó; niềm tin này cũng chính là mầm mống cho sự quá khích, bạo lực.
Giữa chiến trường mênh mông gọi tên là cuộc sống, chúng ta cố gắng thiết lập nên một chuẩn mực đạo đức dựa trên chính xã hội đang nuôi dưỡng, giáo hóa mình, dù nó tuân theo bất cứ thể chế chính trị nào. Chúng ta chấp nhận hệ tiêu chuẩn hành vi như một phần truyền thống hoặc tôn giáo. Chúng ta nghe theo người chỉ dẫn mình hòng nhận ra đâu là hành vi đúng hoặc sai, tư tưởng hướng thiện hay bất thiện. Và khi phỏng theo khuôn mẫu đó, cách cư xử cũng như tư tưởng và phản ứng của chúng ta trở nên máy móc, thiếu ý thức; chúng ta có thể dễ dàng nhận biết về tình trạng này.
Trong nhiều thế kỷ, tư tưởng của ta bị nhồi nhét bởi các bậc đạo sư, thánh nhân, sách vở và nhà chức trách. Chẳng hạn như chúng ta hỏi: “Điều gì ở phía sau những ngọn đồi, dãy núi và cả Trái đất này?” và rồi hài lòng luôn với câu trả lời nhận được; vì chỉ nghe theo người khác nên tâm hồn ta cạn cợt và trống rỗng. Nếu chúng ta hoàn toàn sống với những điều được truyền đạt, bị dẫn dắt bởi thiên kiến, hoặc để hoàn cảnh và môi trường xung quanh áp đặt, chúng ta chỉ là hạng người thứ phẩm. Vì phải hứng chịu đủ mọi tác động, ảnh hưởng nên bản thân ta chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì do ta đích thân khám phá hoặc bảo toàn được tính nguyên thủy, ban sơ và độc đáo.
Xuyên suốt lịch sử thần học, các vị lãnh tụ tôn giáo luôn cam đoan rằng: Nếu chúng ta kiên trì thực hiện các nghi thức, tụng kinh niệm chú đều đặn, tuân thủ giáo quy, kiềm chế vọng niệm, kiểm soát tư tưởng, chế ngự cảm xúc, ăn uống kham khổ và đè nén ham muốn tình dục, thì sau một quá trình giày vò nhất định cả về tinh thần lẫn thể xác, chúng ta sẽ tìm ra thứ gì đó vượt lên trên giới hạn của cuộc đời. Đó chính là điều mà hàng triệu người mộ đạo đã làm suốt nhiều năm qua, trong tình trạng viễn ly khi họ ẩn cư nơi sa mạc, núi sâu, hang động hoặc lang thang khắp các làng mạc với bình bát trên tay, hoặc họ sống cùng tập thể những người mộ đạo khác tại các tu viện, ép buộc tâm trí mình tuân theo những khuôn mẫu sẵn có. Nhưng khi một tâm thức khổ não trốn chạy khỏi sự náo động trong việc khước từ thế giới bên ngoài, rồi cũng trở nên vô minh, tăm tối vì tuân phục và kỷ luật, một thần trí như vậy có tìm kiếm bao lâu đi chăng nữa cũng chỉ thấy được sự việc trong cái nhìn biến dạng, méo mó của chính nó mà thôi.
Vì vậy, để khám phá rằng thật sự có cái gì đó nằm ngoài sự hiện hữu đầy bon chen, lo âu, sợ hãi và tội lỗi này, đối với tôi dường như người ta phải có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Cách tiếp cận ngoại biên truyền thống – thông qua thời gian, thực hành và luyện tập – hứa hẹn giúp cho người ta thấy được tinh hoa ở nội tâm mình. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là để sở hữu vẻ đẹp và lòng từ bi, người ta sẵn lòng làm mọi thứ khiến họ trở nên nhỏ hẹp, tầm thường, xấu xí và hao mòn đi từng chút một theo thời gian – tiếp tục cho đến ngày mai và đến tận kiếp sau. Cuối cùng, khi chạm đến tâm điểm, người ta chẳng thấy gì ở đó cả, tại thời điểm đó tâm trí họ đã quá bất lực, vô minh, trì độn và thiếu tinh nhạy.
Khi biết được về quá trình này, người ta tự hỏi rằng: Chẳng lẽ không có cách tiếp cận nào hoàn toàn khác? Tức là, liệu ta có thể tạo ra sự thay đổi to lớn từ nội tâm hướng ra bên ngoài hay không?
Gần như hầu hết mọi người chấp nhận phương cách tiếp cận truyền thống trên. Căn nguyên của sự rối loạn trong ta là hy vọng tìm kiếm sự thật từ lời hứa hẹn của người khác. Chúng ta nghe theo ai đó một cách máy móc để bảo đảm cho mình một đời sống tinh thần an lạc. Thật kỳ lạ, mặc dù hầu hết chúng ta đều phản đối sự độc tài, chuyên chế về chính trị; nhưng trong thâm tâm, chúng ta lại dễ dàng chấp nhận tác động và sự bạo ngược, áp đặt của người khác lên tâm thức và phương cách sống của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta hoàn toàn khước từ – không phải trong tư tưởng mà trên thực tế – mọi tác động về tinh thần, cùng tất cả lễ nghi và giáo điều, thì ngay lập tức chúng ta trở thành kẻ lập dị, khác thường và đối nghịch với xã hội đương thời. Nói cách khác, chúng ta không còn là người đứng đắn và được kính trọng trong xã hội nữa. Ngược lại, một người được coi trọng có lẽ cũng không thể tiếp cận với biển cả sự thật mênh mông và vô hạn, không gì đong đếm được.
Giờ đây, chúng ta bắt đầu bằng cách khước từ những điều sai lạc – theo cách tiếp cận truyền thống – và nếu chối bỏ như một phản ứng, chúng ta tiếp tục tạo ra một khuôn mẫu khác để rồi lại mắc kẹt trong đó. Nếu tự nhủ rằng có lẽ mình nên khước từ những thứ sai trái này song sau đó chẳng làm gì cả, bạn không thể tiến bộ chút nào. Tuy nhiên, nếu khước từ nó vì bạn hiểu rằng nó rất ấu trĩ và thiếu chín chắn, bạn từ bỏ nó với một trí huệ lớn lao khi không còn lệ thuộc hay sợ hãi, hẳn nhiên bạn sẽ gây xáo trộn đáng kể trong chính mình và ở môi trường xung quanh, nhưng bạn cũng thoát được khỏi cái bẫy đứng đắn. Lúc đó, bạn không còn tìm kiếm nữa, đó là bước đầu tiên để học hỏi – khi mải mê tìm kiếm, bạn chẳng khác gì một người chỉ có thể đứng xem hàng hóa qua ô kính cửa hiệu.
Có hay không một Thượng Đế, chân lý, một thực tại cao đẹp? Sách vở, các tu sĩ, triết gia và Đấng Cứu Thế đều không giải đáp được câu hỏi này, không một ai và không điều gì, ngoại trừ chính bạn có thể tìm cho mình câu trả lời. Vậy, bạn phải hiểu được chính mình và tỉnh táo nhận biết về bản ngã; đó là khởi điểm của minh triết, sáng suốt. Vậy thì cá nhân bạn nên được hiểu như thế nào? Đâu là điểm khác biệt giữa con người và cá nhân? Cá nhân là một thực thể cục bộ, thuộc về một quốc gia, nền văn minh, xã hội riêng biệt. Trái lại, con người không phải là một thực thể cục bộ, mà hiện diện ở khắp nơi. Nếu cá nhân chỉ hành động theo một khuynh hướng đặc thù nào đó trong phạm vi rộng lớn của cuộc đời, hành động của họ hoàn toàn tách rời khỏi cái toàn thể. Vì vậy, người ta phải ghi nhớ rằng chúng ta đang bàn đến cái toàn thể, trong cái lớn thì có cái nhỏ hơn, chứ không phải ngược lại. Thế nên, cá nhân là thực thể bé nhỏ bị tác động, mê muội tự đưa mình ra để thánh thần, truyền thống làm cho khốn khổ, thất vọng; trong khi đó con người thì quan tâm đến toàn bộ quyền lợi, bên cạnh nỗi thống khổ và sự hỗn loạn của cả thế gian này.
Chúng ta, hôm nay cũng như hàng triệu năm trước, lòng đầy tham lam, ganh tỵ, hung hãn, đố kỵ, lo âu và thất vọng; lẩn khuất trong đó đôi chút an vui và thương yêu. Chúng ta là sự pha trộn kỳ lạ giữa lòng thù hận, nỗi sợ hãi và tính hòa đồng – chúng ta bạo lực mà cũng ôn hòa. Trên thế giới, nhân loại đã đạt được những thành tựu đáng kể trong các phát minh phục vụ cho giao thông vận chuyển, từ xe bò đến máy bay phản lực; nhưng dường như chẳng có chút tiến triển nào về mặt tâm lý cá nhân. Trong khi đó, cơ cấu xã hội thì được tạo nên từ mỗi cá nhân; nó là hệ quả của cơ cấu tâm lý trong các mối tương quan giữa người với người, mà cá nhân lại chịu ảnh hưởng từ kinh nghiệm, kiến thức và đạo lý của nhân loại. Mỗi chúng ta dường như đều mang trong mình cả quá khứ trải dài, đại diện cho toàn thể nhân loại.
Hãy quan sát hiện trạng trong nội tâm mình cũng như trong cộng đồng cạnh tranh gay gắt của bạn, ai cũng khao khát quyền lực, địa vị, danh vọng, thành tựu,... Hãy quan sát sự hãnh diện của mình khi chinh phục được mục tiêu mới, cùng toàn bộ chiến trường mà bạn gọi là cuộc sống này. Phải chăng trong đó chỉ toàn là xung đột ở mọi dạng thức, lòng căm thù, sự phản kháng, hung bạo và những cuộc chiến kéo dài bất tận. Chiến trận này, hay cuộc đời này, là tất cả những gì ta biết; nếu không hiểu được về cuộc đấu tranh sinh tồn bao la và khốc liệt, chúng ta đâm ra e sợ và tìm đủ mọi cách tránh né. Song song đó, chúng ta cũng kinh hãi trước những điều chưa biết – cái chết và tương lai. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta gói gọn trong nỗi sợ những điều đã biết và chưa biết; vậy thì các triết lý hay khái niệm thần học chẳng qua cũng chỉ là một cách thức tránh né thực tại.
Tất cả những hình thức thay đổi bề mặt bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh, cách mạng, cải tổ, luật pháp và ý thức hệ đều cơ bản thất bại khi chúng không thể thay đổi bản chất con người và do đó không thể thay đổi bản chất xã hội. Liệu một xã hội đầy tính cạnh tranh, hung hãn, xấu xa, tàn khốc có thể được chấm dứt cùng nỗi sợ hãi hay không? Chúng ta không theo sau mớ lý thuyết hay niềm hy vọng, mà chủ ý tìm kiếm một giải pháp thực tế giúp tâm trí trở nên tươi tắn, mới mẻ, hồn nhiên và vô tư để kiến tạo một thế giới hoàn toàn khác. Chúng ta với tư cách là những cá nhân, con người sinh sống khắp nơi, sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tình trạng của thế giới mà trong đó chúng ta sinh tồn.
Mỗi người trong chúng ta phải chịu trách nhiệm cho từng cuộc chiến tranh, xung đột – sự hung hãn, ích kỷ, chủ nghĩa dân tộc, thiên kiến và lý tưởng cá nhân, tất thảy đều gây chia cách. Chỉ khi nào ta nhận ra mình đã mang lại tình trạng hỗn loạn hiện hữu và nỗi thống khổ toàn cầu – thông qua đời sống sinh hoạt mỗi ngày, cũng như vai trò của ta trong xã hội với những cuộc chiến tàn ác, hung bạo và sự háo danh, hám lợi – chỉ trong khoảnh khắc đó, chúng ta mới bắt đầu hành động.
Để tạo nên một xã hội hoàn toàn khác, chúng ta có thể làm gì, như thế nào? Có ai đó chỉ dẫn cho ta không? Có những vị lãnh tụ tôn giáo – những người dường như hiểu thấu đáo các vấn đề này hơn so với chúng ta – cho rằng ta có thể ép mình vào một khuôn mẫu, nhưng điều này không dẫn ta đến đâu. Các học giả tinh thông cũng khó lòng dẫn chúng ta đi xa hơn. Người ta nói với bạn rằng mọi con đường đều dẫn đến chân lý. Vậy thì việc bạn lựa chọn một con đường tín ngưỡng nào đấy, để rồi mọi con đường đều đưa bạn đến cùng một cánh cửa, chẳng phải rất vô nghĩa hay sao? Vẻ đẹp của chân lý nằm ở chỗ chân lý là vùng đất không lối vào, không có con đường nào dẫn đến chân lý, chân lý chính là sự sống. Sẽ có lối đi đến một thứ đã chết vì nó ở trạng thái tĩnh, nhưng chân lý sống động và dịch chuyển không ngừng nghỉ, nên không thể được tìm thấy ở bất cứ đâu; vậy thì làm sao một tín ngưỡng, đạo sư hoặc triết gia nào có thể dẫn dắt bạn đến đó được. Chân lý chính là tự mình thấu hiểu tất cả những nỗi giận hờn, hung tàn, tuyệt vọng, khổ não mà bạn đang phải chịu đựng; sự am hiểu này đến từ việc quan sát thực tế đời sống, bạn không thể nhìn ngắm nó từ xa thông qua ống kính của ý thức hệ, ngôn từ, hy vọng hay sợ hãi.
Vì vậy, bạn không thể lệ thuộc vào bất kỳ đâu – sự chỉ dẫn, đào luyện hay thẩm quyền – ngoại trừ chính bản thân mình trong mối tương quan với mọi người và với thế giới này. Đối diện với sự thật đó, hoặc bạn thất vọng não nề dẫn đến hoài nghi, chối bỏ; hoặc bạn nhận lấy trách nhiệm đối với bản thân và thế giới – thông qua những suy nghĩ, cảm nhận, hành động của mình. Khi ấy, mọi sự tự thán đều tiêu tan và bên trong bạn diễn ra một cuộc cách mạng toàn diện để hóa giải tính hung hãn, bạo lực, bon chen, lo âu, sợ hãi, tham lam, đố kỵ, thị uy – những điều từ bấy lâu nay góp phần làm suy đồi đạo đức xã hội.
Ngay từ đầu, tôi không đưa ra bất cứ triết thuyết, hệ thống, khái niệm nào; ý thức hệ không giúp ích gì cho chúng ta. Điều cốt yếu không phải là luận lý cuộc đời mà là việc quan sát thực trạng đời sống ngoại cảnh và nội tâm của chúng ta. Nếu quan sát và xem xét một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng về sự việc đang diễn ra, chúng ta sẽ thấy nó được đặt trên nền tảng kiến thức. Trí năng chỉ là một phân mảnh của sự hiện hữu, dù được ghép lại khéo léo đến đâu hay bắt nguồn từ truyền thống xa xưa, nó vẫn mang tính cục bộ, trong khi chúng ta phải đối diện với toàn thể cuộc đời. Khi nhìn vào mọi sự đang diễn ra trên khắp thế giới, chúng ta hiểu rằng không có tiến trình bên ngoài hay bên trong, mà chỉ tồn tại tiến trình tổng thể – một chuyển động đồng bộ và trọn vẹn; chuyển dịch bên trong biểu hiện ra bên ngoài và chuyển dịch bên ngoài tác động trở lại vào bên trong. Chỉ vậy là đủ, nếu chúng ta quan sát thì toàn bộ vấn đề tự khắc trở nên sáng rõ, không cần đến triết lý hoặc chỉ dẫn nào. Không cần ai chỉ dạy, bạn cứ tự mình quan sát.
Khi đó, bạn có nhìn được toàn bộ bức tranh này mà không cần đến sự diễn tả bằng ngôn từ? Cùng lúc đó, bạn có thể tiến hành một diễn trình biến chuyển suôn sẻ trong con người mình? Liệu chúng ta có thể thật sự tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện về mặt tinh thần?
Bạn có thể nói: “Ồ, tôi không muốn thay đổi” và hầu hết mọi người đều như vậy, đặc biệt là những người hiện có một đời sống vững chắc về mặt kinh tế và địa vị xã hội, hoặc những người đã tìm được cho mình niềm tin giáo điều. Trong trường hợp bạn từ chối khéo: “Việc này quá khó, tôi không làm được đâu!”, bạn đã ngăn cản chính mình khi bạn ngưng truy vấn, tìm tòi, có tiến xa hơn cũng chẳng ích gì. Hoặc bạn băn khoăn: “Tôi thấy sự thay đổi mạnh mẽ bên trong là cần thiết, nhưng làm sao để thay đổi đây? Làm ơn chỉ cho tôi cách đạt được điều đó”. Nếu vậy, bạn không quan tâm đúng mức đến việc thay đổi, hay một cuộc cách mạng tận cội rễ; điều khiến bạn bận tâm chỉ là việc tìm kiếm phương pháp thay đổi mà thôi.
Nếu tôi ngây ngô cung cấp một phương pháp để bạn sao chép, bắt chước, tuân thủ theo; tức là bạn để mình bị áp đặt, điều đó dẫn đến mâu thuẫn giữa bạn và tác động này. Bạn nghĩ rằng mình cần làm theo hướng dẫn dù bạn không có khả năng thực hiện điều đó. Những thiên kiến, khuynh hướng và mối quan tâm của riêng bạn xung đột với hệ thống mà bạn phải tuân theo; bạn bị giằng xé giữa hệ tư tưởng của phương pháp đó và thực tại đời sống hằng ngày. Trong khi bạn đè nén, ép mình tuân theo tư tưởng, thì không phải tư tưởng, mà chính điều bạn là mới thật sự đúng đắn. Nếu cố gắng tìm hiểu chính mình dựa theo lời dạy của người khác, bạn sẽ luôn chỉ sống với những cảm nghiệm gián tiếp.
Một người dường như rất tha thiết và nghiêm túc khi nài nỉ: “Tôi muốn thay đổi, hãy chỉ cách cho tôi nhé”, nhưng bản thân họ lại không mảy may động tay. Họ muốn được một quyền lực nào đó thiết lập lại trật tự trong chính họ. Nhưng liệu thẩm quyền có thể mang đến trật tự nội tại? Thường thì ngoại lực chỉ gây ra rối loạn; bằng việc lập luận, bạn có thể hiểu được sự thật này, nhưng liệu bạn có thể khiến tâm trí mình thôi phóng chiếu những tư tưởng góp nhặt được từ sách vở, tài liệu, bài giảng, lời khuyên của người thân, bạn bè hay chuẩn mực xã hội? Vì chúng ta luôn hành động theo khuôn mẫu được định sẵn, cách thức đó trở thành ý thức hệ và uy quyền; nhưng trong khoảnh khắc mà bạn nhận ra rằng các phương cách cũng sẽ tạo ra tình trạng bị ảnh hưởng, kể từ đó bạn được tự do khỏi uy quyền.
Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn từ cội rễ; mọi truyền thống đều đưa đường dẫn lối đến sự thụ động và tuân phục. Tôi không thể trông cậy vào bất kỳ ai hay bất cứ điều gì để giúp tôi thay đổi. Nếu có thể từ khước mọi tác động, tôi không còn lo sợ nữa; sau khi buông bỏ mọi quan niệm sai lạc mà tôi chấp bám suốt bấy lâu nay, trong tôi dồi dào năng lượng, sức mạnh và sinh khí. Chỉ khi trút bỏ hết gánh nặng khủng khiếp của sự tác động và nỗi sợ phạm phải sai lầm, chúng ta mới cảm nhận được trạng thái này. Chính nguồn năng lượng dồi dào trong ta khi đó đã là sự biến đổi; chúng ta thường hao phí sức lực vào việc sợ hãi, nhưng khi không còn tồn tại nỗi sợ dưới bất cứ hình thức nào, năng lượng trong bạn sẽ sản sinh ra một cuộc cách mạng nội tại toàn vẹn.
Bạn cần ngồi lại với chính mình, đó là điều mà bất kỳ ai nghiêm túc về vấn đề này đều phải làm. Trong khoảnh khắc thôi trông chờ vào bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì, bạn được tự do khám phá, không bị trói buộc, nguồn năng lượng trong bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Tự do không phải là nổi loạn, trong tự do không có việc làm đúng hoặc sai; bạn hoàn toàn tự tại và từ tâm điểm đó, bạn hành động. Tâm trí phải không sợ hãi thì mới có được tình thương yêu bao la, rộng lớn để làm mọi điều nó muốn. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là học hỏi về chính mình, không phải dựa theo tôi, một triết gia hoặc một phân tích viên nào đó – bởi học hỏi mà dựa theo người khác tức là ta đang tìm hiểu về họ, không phải về bản thân.
Để có thể mang lại một cuộc cách mạng tinh thần toàn diện, ngừng lệ thuộc vào tác động từ bên ngoài là một chuyện; tuy nhiên, vẫn còn đó những ảnh hưởng nội tại mà chúng ta khó lòng từ khước – bắt nguồn từ những kinh nghiệm cá biệt, kiến thức, ý niệm được tích lũy và lý tưởng cá nhân. Kinh nghiệm, bài học hôm qua tác động lên bạn hôm nay, mà ảnh hưởng từ một ngày hay từ ngàn năm trước thì đều mang tính hủy hoại tiêu cực hệt như nhau. Chúng ta đều là sinh vật sống, di chuyển và vận động không ngừng nghỉ; nếu muốn hiểu về mình, bạn và tôi phải từ bỏ mọi tác động bên trong cũng như bên ngoài, chỉ khi ấy chúng ta mới nhìn thấy vẻ đẹp của sự sống động đó.
Tự tại trước mọi tác động từ nội tâm và từ ngoại cảnh là chết đi cùng mọi thứ của ngày hôm qua, để có thể học hỏi và quan sát với một tâm trí tươi mới, trẻ trung, hồn nhiên, tràn đầy đam mê và sức sống. Nếu bạn nhận thức đầy đủ về vấn đề mà không sửa chữa hoặc áp đặt, tức là tránh tạo ra thêm tác động khác, thì bạn có thể làm được điều đó.
Chúng ta chuẩn bị bắt đầu hành trình khám phá chính mình, không phải tôi đang giảng giải trong khi bạn đọc, tán đồng hoặc phản bác từng con chữ trên trang giấy, mà chúng ta cùng nhau phiêu diêu vào từng ngóc ngách thẳm sâu nhất của tâm trí. Thế thì hành trang của ta phải đơn giản và nhẹ nhàng, chúng ta không thể mang vác theo gánh nặng của những phán xét, thiên kiến và luận lý – gia tài tri kiến cũ kỹ được góp nhặt suốt hai ngàn năm qua. Hãy quên đi mọi điều bạn biết về chính mình và nghĩ về mình, trước khi chúng ta bước đi cùng với nhau.
Đêm qua mưa thật nặng hạt, giờ đây, bầu trời sáng trong đón chào một ngày mới. Hãy cùng nhau bắt đầu hành trình, bỏ lại sau lưng tất cả hồi ức và lần đầu tiên, tìm hiểu về chính mình.