N
ếu bạn cho rằng hiểu biết về chính mình là cần thiết chỉ vì tôi hoặc ai đó nói bạn nghe về tầm quan trọng của điều này, e rằng cuộc thảo luận của chúng ta đã đến hồi kết thúc. Nhưng nếu chúng ta đồng thuận rằng điều thiết yếu là hiểu được mình một cách trọn vẹn, thì bạn và tôi có thể cùng nhau khám phá thông qua việc truy vấn, tìm hiểu một cách thông thái, cẩn trọng và tràn ngập niềm vui.
Tôi không mong có được niềm tin của bạn, tôi không có quyền tác động vào bạn, tôi chẳng có gì để dạy cho bạn cả – không có triết lý, phương pháp hay con đường nào giúp bạn chạm đến thực tại. Chân lý là vùng đất không lối vào, mọi tác động dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là trong tư tưởng, đều xấu xa và tiêu cực. Người dẫn đường hủy hoại người nối bước và người theo đuôi phương hại đến người đưa lối. Bạn là thầy, đồng thời cũng là học trò của chính mình. Hãy truy vấn, thắc mắc về những điều vẫn được loài người chấp nhận như lẽ đương nhiên.
Nếu không theo sau ai đó thì bạn cảm thấy cô đơn, vậy bạn cứ cô đơn đi, sao bạn lại sợ mình đơn độc? Phải chăng là vì khi đó bạn buộc phải đối diện với bản chất của mình và nhận thấy rằng bạn trống rỗng, tăm tối, vô minh, ngốc nghếch, xấu xí, tội lỗi, đớn hèn – một thực thể chỉ sống với những mối tương quan gián tiếp, một thực thể nhỏ nhen và tồi tệ. Hãy đương đầu với sự thật, nhìn vào nó và đừng chạy trốn nữa, cứ hễ bạn tìm cách đào thoát thì nỗi sợ hãi lại phát sinh.
Khi cố gắng khám phá chính mình, chúng ta không cách ly bản thân với phần còn lại của thế giới. Con người muôn nơi cũng đang chìm ngập trong khó khăn, khổ ải với vô số vấn đề hằng ngày như chúng ta; vốn dĩ không có sự khác biệt giữa cá thể và tập thể. Đó là hiện thực – cá nhân ta góp phần kiến tạo thế giới hiện tại, đúng như ta là. Vì vậy, chúng ta đừng lạc lối trong cuộc vật lộn giữa cái bộ phận và cái toàn thể này. Nhận thức được toàn bộ phạm trù của bản ngã tức là ý thức trọn vẹn về cá nhân và về xã hội. Tâm trí, khi đã vượt thoát khỏi ý thức phân ly cá nhân và xã hội này, sẽ trở thành nguồn sáng thường hằng soi rọi cho chính nó.
Chúng ta bắt đầu tìm hiểu về chính mình từ đâu? Làm sao để nghiên cứu, quan sát và nhìn nhận về điều đang thật sự diễn ra ở nội tâm? Tôi có thể quan sát chính mình chỉ trong các mối tương quan bởi đó cũng chính là toàn bộ cuộc sống. Thật vô ích khi ngồi một góc mà nghiền ngẫm, tôi và bạn chỉ tồn tại trong mối tương quan với mọi người, mọi vật. Thông qua đó, chúng ta bắt đầu hiểu được chính mình, mọi cách hiểu khác đều rất mơ hồ, trong khi bạn và tôi đâu phải là những thực thể trừu tượng. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu bản thân trong thực tại, với điều ta là, không phải điều ta muốn là.
Thấu hiểu không phải là một quá trình trí óc, thu thập thông tin và học hỏi về bản thân là hai chuyện khác nhau, kiến thức được tích lũy thì luôn thuộc về quá khứ, tâm trí cũ kỹ là tâm trí chất đầy phiền não. Học hỏi về bản thân không giống như đào luyện ngoại ngữ, kỹ năng, khoa học – khi đó bạn phải tích lũy và ghi nhớ – tiến trình tìm hiểu bản thân chỉ diễn ra ở thực tại, nhưng hầu hết chúng ta náu mình trong quá khứ và hài lòng với nó, kiến thức trở nên quan trọng khác thường còn chúng ta thì hết lòng khâm phục những học giả tinh thông, uyên bác. Thế nhưng, nếu trong từng phút giây, bạn chuyên chú theo dõi và lắng nghe, quan sát thực tế, đó mới là học hỏi – một chuyển dịch bất tận không cần đến quá khứ.
Nếu nói rằng quá trình học hỏi về bản thân là tiệm tiến, dần dần thì hiện tại bạn không đang tìm hiểu về bản thân mà chỉ đơn thuần thu thập thông tin; còn việc học thì đòi hỏi một sự tinh nhạy cao độ. Chúng ta không thể học hỏi nếu hiện tại còn bị chi phối bởi ý niệm thuộc về quá khứ; khi đó, tâm trí không còn nhạy bén, linh hoạt và tỉnh giác. Hầu hết chúng ta đều không tinh nhạy cả về mặt tâm lý lẫn thể lý – chúng ta ăn uống quá độ, không bận tâm đến việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chúng ta thường xuyên hút thuốc và say xỉn đến mức cơ thể trở nên bệ rạc, trì độn, lơ đễnh và ngơ ngáo. Làm sao một tâm trí tỉnh giác, tinh nhạy và sáng rõ có thể tồn tại trong một cơ thể chậm chạp, nặng nề? Chúng ta có khả năng cảm nhận khi tiếp xúc trực tiếp với một vật nào đó, nhưng để hoàn toàn trở nên tinh nhạy với tất cả những ẩn ý kỳ diệu của cuộc đời, đòi hỏi sự đồng điệu giữa tinh thần và thể xác; đó là sự chuyển dịch của cái toàn thể.
Để hiểu về một điều bất kỳ, bạn phải sống, quan sát và nắm bắt nội dung, bản chất, cơ cấu cũng như sự vận động của nó; bạn đã từng sống như vậy chưa? Bản thân ta luôn sống động và tươi mới, để gắn kết hài hòa với nó, tâm trí bạn cũng phải minh mẫn, tinh nhạy; không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến và các nguyên tắc.
Nếu muốn quan sát sự vận động của tâm thức, trái tim và toàn cuộc tồn sinh, bạn phải giữ một tinh thần cởi mở, phóng khoáng; không phải để tán thành hay bất đồng, thị phi hay chia bè kết phái, xung đột hay gây gổ bằng lời mà là để đồng hành với thành ý thấu hiểu. Điều này khó lòng thực hiện được, vì hầu hết chúng ta không biết cách nhìn nhận và lắng nghe sự hiện diện của bản thân mình; tương tự như khi chúng ta ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông hoặc thưởng thức giai điệu của cơn gió nhẹ giữa tán cây.
Khi chỉ trích, biện minh, hoặc lúc tâm trí xao động liên miên, chúng ta không thể nhìn nhận sự việc một cách sáng rõ và cũng không quan sát được cái đang là. Chúng ta chỉ nhìn thấy những ý muốn của mình được phóng chiếu ra mà thôi. Mỗi người đều sở hữu một hình tượng mà chúng ta tưởng mình là hoặc mình nên là; chính hình tượng trong tâm thức đó đã ngăn cản chúng ta nhìn vào cái ta là.
Nhìn mọi sự một cách dung dị là một trong những điều gian truân nhất trần đời. Chính vì tâm trí vốn rất phức tạp, nên chúng ta không nắm bắt được cái hay của sự đơn giản. Tôi không bàn đến sự đơn giản trong y phục hoặc thực phẩm – đóng độc một cái khố, nhịn ăn nhịn uống hay bất cứ hành vi vô nghĩa, ấu trĩ nào mà người ta cố gắng tu luyện – tôi đang nói về sự đơn sơ trong cái nhìn của chúng ta vào mọi thứ; trong đó không có nỗi sợ, chúng ta nhìn vào bản thân một cách thẳng thắn, đúng đắn; từ đó ta có thể ngẫm ra khi nào ta không thành thực, đồng thời không che đậy hoặc trốn chạy khỏi sự dối trá.
Hơn nữa, quá trình hiểu thấu bản thân cũng cần lắm cái tâm khiêm nhường. Nếu bạn khởi đầu từ: “Tôi hiểu bản thân rồi”, quá trình tìm hiểu chính mình xem như đã kết thúc. Còn nếu nói: “Chẳng có gì đáng để tìm hiểu, tôi chẳng qua chỉ là một tập hợp các ký ức, ý niệm, kinh nghiệm và truyền thống”, thì bạn cũng vừa ngừng học hỏi về bản thân. Ngay tại khoảnh khắc chinh phục được mục tiêu, bạn không còn hồn nhiên và khiêm hạ. Khi bắt đầu dùng kiến thức, kinh nghiệm để xem xét sự việc, bạn đang nhìn nhận những điều sống động, tươi mới với nhãn quan cũ kỹ, già cỗi. Trái lại, nếu không có chỗ bám trụ, không tin chắc vào đâu, không ôm khư khư lấy thành tựu, thì bạn tự do và thoải mái để quan sát. Trong tâm trạng tự tại, mọi sự đều mới mẻ. Người quá tin tưởng vào mớ tri kiến mình tích lũy được là người không tinh nhạy.
Nhưng làm sao chúng ta có thể tự do để quan sát và học hỏi, trong khi tâm trí ta suốt từ phút giây chào đời đến khoảnh khắc lìa đời, luôn bị định hình bởi một nền văn hóa đặc thù trong khuôn khổ hạn hẹp của cái tôi? Con người muôn đời nay bị nhồi nhét – từ chủ nghĩa dân tộc, tầng lớp và giai cấp xã hội đến truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, phong tục, tập quán, áp lực kinh tế, thực phẩm, khí hậu, gia đình, bạn bè, kinh nghiệm,... – do đó, phản ứng của chúng ta đối với từng vấn đề đều bị tác động bởi những điều kiện sẵn có trong môi trường sống.
Bạn có nhận thức được về tình trạng bị khuôn định của mình không? Đó là vấn đề đầu tiên, không phải là cách thức thoát khỏi tình trạng bị ảnh hưởng. Bạn có thể không bao giờ thoát khỏi nó, mặt khác, nếu khăng khăng muốn thoát khỏi tình trạng bị ảnh hưởng, bạn có thể rơi vào một cái bẫy khác, tức là một sự ảnh hưởng khác. Bạn có nhận thức được về tình cảnh tù túng của mình? Bạn có biết rằng, ngay cả khi nhìn vào một cái cây và nhận xét: “Đây là cây sồi” hoặc “Đây là cây đa” thì việc gọi tên này – theo kiến thức thực vật học – đã tác động vào tâm thức của bạn đến nỗi tên gọi cây sồi hay cây đa chen vào giữa bạn và quá trình quan sát cái cây đó? Để thật sự tiếp xúc, bạn hãy đặt bàn tay lên thân cây mà cảm nhận, tên gọi đâu giúp bạn hiểu về cội cây.
Khi bạn đói, chẳng phải lý thuyết mà chính cảm nhận thực tế giúp bạn nhận ra cơn đói. Tương tự như vậy, bạn khám phá về tình trạng bị ảnh hưởng của mình thông qua phản ứng đối với một vấn đề, thách thức. Sau khi nhận ra điều này, có phải sự tác động, ảnh hưởng từ chủng tộc, tôn giáo và văn hóa đã tạo nên cảm giác bị cầm tù trong bạn không? Hãy nhận thức một cách nghiêm túc xem bạn chấp nhận hay phản đối nó; nếu phản đối, bạn có muốn phá vỡ tất cả những quy định, điều kiện, trạng thái hiện hành? Còn nếu chấp nhận tình trạng bị kìm kẹp của mình, hiển nhiên, bạn chẳng làm gì cả. Chỉ khi không chấp nhận nó – vì đã nhận thức về nó – bạn sẽ thấy mọi hành động của mình đều tuân theo chủ nghĩa dân tộc; do đó, bạn sống với quá khứ chết lặng. Trên thực tế, bạn có thể thấy mình bị ảnh hưởng, tác động khi có sự xung đột trong mong muốn kéo dài lạc thú hoặc né tránh đau khổ. Nếu xung quanh bạn, mọi thứ đều hoàn hảo – vợ hay chồng yêu thương bạn và bạn cũng yêu thương người ấy, bạn có nhà đẹp, con ngoan và tài chính vững chắc – thì bạn không nhận thức được về tình trạng bị ảnh hưởng của mình. Chỉ khi xáo trộn ập đến – vợ hay chồng bạn có tình ý với người khác, bạn làm ăn thua lỗ, tranh chấp, cãi cọ, khổ sở, lo âu – bạn mới thấy rằng mình bị ảnh hưởng. Khi phải chật vật với những đổi thay, dè chừng các nguy cơ từ bên trong và bên ngoài, bạn chợt nhận ra tình cảnh của mình. Đa phần chúng ta luôn ở trong trạng thái rối ren, trên bề mặt hay sâu trong lòng, thảng hoặc hay day dứt mãi không thôi, đó là biểu hiện của tình trạng ảnh hưởng. Nếu con vật được nựng nịu, cưng chiều, nó sẽ đáp lại tình cảm đó; nhưng ngay khi bị dồn vào đường cùng, nó bộc lộ toàn bộ bản chất hung bạo của mình.
Chúng ta bối rối trước những vấn đề của cuộc sống, chính trị, kinh tế, tình trạng hung bạo, phiền não trên khắp thế giới cũng như trong chính mình; từ đó, chúng ta nhận ra rằng mình bị ảnh hưởng, tác động sâu rộng như thế nào. Vậy chúng ta có nên chấp nhận sự xáo trộn và kiên nhẫn chung sống, chịu đựng nó như hầu hết mọi người, vờ như thể nó là chứng đau lưng kinh niên?
Bên trong, tất cả chúng ta có khuynh hướng kiên nhẫn chịu đựng, thỏa hiệp hoặc chỉ trích sự xáo trộn. Chúng ta thường nói: “À, nếu ở trong hoàn cảnh tốt hơn thì tôi đã khác rồi”, “Nếu có cơ hội, tôi sẽ phát huy hết năng lực” hoặc “Tôi hết chịu nổi cuộc đời bất công này rồi”… Chúng ta luôn đổ lỗi lên người khác, môi trường hoặc hoàn cảnh cho sự xáo trộn trong chính mình. Thực chất, khi một người quen với sự xáo trộn thì tâm trí họ đã trở nên mụ mẫm. Cũng như một người vì quá quen với vẻ đẹp quanh mình nên không còn chú ý đến nó nữa; tâm trí càng u mê thì người ta càng lãnh đạm, hờ hững, cứng rắn và nhẫn tâm. Trong trường hợp chúng ta né tránh để không phải đối diện với sự xáo trộn – bằng các thú tiêu khiển, chất kích thích, hoạt động cuồng nhiệt, náu mình viết lách, vã mồ hôi ở sân bóng hoặc lầm rầm cầu nguyện thờ cúng... – thì tại sao chúng ta lại không dám nhìn vào thực trạng đó? Vì sợ chết, chúng ta đưa ra vô số lý thuyết, hy vọng, niềm tin nhằm ngụy trang cho sự thật về cái chết; nhưng sự thật vẫn còn đó và để hiểu rõ về nó, chúng ta phải nhìn vào đó mà không trốn chạy. Hầu hết chúng ta sợ sống cũng như sợ chết. Chúng ta lo chuyện gia đình mình, sợ mọi người đánh giá, sợ thất nghiệp, sợ cả trạng thái bất an và trăm nghìn thứ khác. Sự thật đơn giản chỉ là chúng ta sợ, tại sao ta không thể đương đầu với hiện thực? Nếu luôn tránh né thực tại, bạn không bao giờ có cơ hội chống chọi lại nó. Vì chúng ta quá rành rẽ các phương cách đào thoát, tránh né, chúng ta vướng kẹt lại trong chính thói quen trốn chạy này.
Giờ đây, nếu bạn nhạy và nghiêm túc với vấn đề này, không những bạn nhận thức được tình trạng bị ảnh hưởng, tác động của mình, mà còn ý thức rõ rệt về những nguy cơ mà nó gây ra – sự hung bạo và thù hằn. Vậy sao bạn không hành động, có phải vì bạn lười biếng, thiếu sức lực? Khi phải đối đầu với hiểm họa sinh tử – bắt gặp rắn độc, bị dồn vào vách đá dựng đứng hiểm trở, hoặc ở giữa một đám cháy – bạn không hề chần chừ, trì trệ, bạn cố gắng hết sức vì sự sinh tồn của mình. Vậy tại sao bạn không hành động khi nhận thấy rủi ro to lớn của tình trạng bị ảnh hưởng, hay hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc đối với sự an nguy của chính mình? Đó là vì bạn không thấy được điều đó. Bằng sự phân tích lý trí, bạn có thể thấy rằng chủ nghĩa dân tộc dẫn đến sự tự hủy hoại; nhưng về mặt tình cảm, bạn không bằng lòng với điều đó. Chỉ khi nào bằng lòng, bạn mới trở nên hăng hái, năng động và tìm lại được sức sống đích thực của mình.
Nếu nhìn nhận nguy cơ của tình trạng bị ảnh hưởng, tác động chỉ đơn thuần về mặt ý nghĩa, bạn sẽ không bao giờ hành động. Khi vấn đề còn gói gọn trong phạm vi ý tưởng, tư tưởng và hành động sẽ xung khắc, điều này gây hoang phí năng lượng, sức lực. Thế nên, chỉ khi nào bạn thấy được tình trạng bị ảnh hưởng, tác động đi liền với nguy cơ, hiểm họa; tương tự như những lúc bạn ở trong tình thế quá đỗi ngặt nghèo, thì bạn mới cương quyết phản ứng, hành động ngay lập tức để cứu lấy mình. Vì vậy, nhận thức dẫn đến hành động.
Hầu hết chúng ta đi qua cuộc đời một cách lơ đễnh và phản ứng trong vô thức, dựa theo môi trường nuôi dưỡng, giáo dục của mình – những kiểu phản ứng tạo nên sự bó buộc, ảnh hưởng, tác động nặng nề hơn. Nhưng trong khoảnh khắc chú tâm tuyệt đối vào tình trạng bị ảnh hưởng, bạn sẽ thấy mình hoàn toàn được tách biệt khỏi quá khứ, một cách tự nhiên.