K
hi nhận biết được tình trạng bị khuôn định của mình, bạn sẽ hiểu về tâm thức. Tâm thức bao hàm hoạt động của tư duy và các mối tương quan, cùng với những động cơ, ý định, ham muốn; những nỗi sợ hãi, thỏa mãn, hứng thú, khát khao, hy vọng, phiền não và niềm vui. Chúng ta chia tâm trí thành phần chủ động và phần tiềm tàng – một phần thuộc bề nổi với các suy nghĩ, cảm nhận, hoạt động hằng ngày và phần tiềm thức ẩn tàng với những điều khác lạ mà đôi khi chúng ta cảm nhận được thông qua điềm báo, trực giác và giấc mơ.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta thường chỉ sử dụng một góc nhỏ tâm thức. Đối với phần tiềm thức còn lại – bao gồm những động cơ, nỗi sợ, các đặc điểm chủng tộc và kế thừa – chúng ta thậm chí không biết làm sao để tiếp cận. Chúng ta thường sử dụng từ này một cách dễ dãi, chúng ta mặc nhiên chấp nhận các lối diễn đạt và biệt ngữ đến từ những nhà tâm lý học hay phân tích viên. Tiềm thức dần trở nên quen thuộc trong ngôn ngữ của chúng ta, nhưng liệu nó có thật sự tồn tại, và tại sao nó đóng vai trò quan trọng đến vậy? Với tôi, nó tầm thường, xoàng xĩnh không khác gì ý thức; chúng đều hẹp hòi, mù quáng, giả tạo, đầy lo âu và luôn bị thao túng.
Liệu chúng ta có thể nhận biết về ý thức trong tổng thể, thay vì chỉ một phân mảnh của nó? Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ luôn hành động với sự chú tâm trọn vẹn và loại trừ được những va chạm, xung đột. Chỉ khi ý thức – cùng với những suy nghĩ, cảm nhận và hành động – phân mảnh rời rạc thì mâu thuẫn mới nảy sinh; đáng buồn thay, chúng ta vẫn luôn sống trong tình trạng phân tán này. Khi ở văn phòng làm việc, bạn hành xử khác với khi ở nhà; bạn bàn về dân chủ với sự chuyên quyền, độc đoán ngự trị trong tâm khảm; ngoài miệng bạn quý mến những người hàng xóm nhưng bạn cạnh tranh đến cùng với họ. Có một phần trong bạn hoàn toàn độc lập với những phần khác, bạn có biết về sự rời rạc, phân mảnh trong chính mình không? Não bộ có thể tách rời hoạt động và suy nghĩ của chính nó không? Bộ não đó có nhận biết được về toàn bộ ý thức không? Liệu chúng ta có thể nhìn nhận tâm thức mình một cách bao quát và đầy đủ, để từ đó chúng ta trở thành con người toàn diện hơn hay không?
Trong quá trình tìm hiểu về cơ cấu phức tạp của cái tôi, bạn đi từng bước, bóc tách từng lớp, xem xét từng suy nghĩ, cảm nhận và động cơ một. Bạn sẽ phải mất vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm cho quá trình phân tích này; một khi thời gian xen vào quá trình tìm hiểu bản thân, nó kéo theo cả sự méo mó, sai lạc vì bản ngã là một thực thể phức tạp và vô cùng sống động. Nó liên tục di chuyển, tranh đấu, đòi hỏi, khước từ và chịu ảnh hưởng từ đủ mọi tác động, áp lực, căng thẳng đè nén. Sau cùng, bạn sẽ khám phá ra rằng cách duy nhất để soi rọi chính mình là ngay lập tức quan sát bản thân một cách trọn vẹn, tức là không để thời gian xen vào quá trình quan sát đó. Khi tâm trí không bị gián đoạn, bạn có thể nhìn ra chính mình trong cái toàn thể, đó chính là sự thật.
Trên thực tế, hầu hết chúng ta không thể làm vậy vì chúng ta chưa từng tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc. Do không thật sự soi rọi chính mình, chúng ta có thói quen đùn đẩy trách nhiệm, tự bào chữa và ngoảnh mặt làm ngơ. Nếu có thể nhìn nhận với toàn bộ sự hiện hữu cùng mọi giác quan của mình, bạn sẽ bước vào trạng thái miệt mài, chú tâm hoàn toàn; trong đó không còn chỗ cho nỗi sợ hãi hay mâu thuẫn, thế nên xung đột chấm dứt.
Chú tâm khác với tập trung tư tưởng; tập trung là loại trừ, còn chú tâm, tức là toàn bộ nhận thức, thì không loại trừ bất cứ điều gì. Tôi thấy dường như chúng ta đều không chú tâm, không chỉ trong các cuộc trò chuyện, mà trong toàn bộ môi trường và sắc màu đời sống quanh ta; chẳng bao giờ chúng ta để tâm đến mọi người, những rặng cây xanh, mây trời, dòng nước,… Vì chỉ lo nghĩ về những vấn đề tủn mủn, lạc thú, mưu cầu và tham vọng của riêng mình, chúng ta không tài nào nhận biết được một cách khách quan về mọi điều dù chúng ta vẫn thường bàn về sự chú tâm. Một lần nọ ở Ấn Độ, tôi đi chung xe với ba quý ông đang say sưa thảo luận về sự chú tâm; trong khoảnh khắc lơ đễnh, viên tài xế vô tình đụng trúng một con dê. Vậy mà ba quý ông “đầy chú tâm” kia hoàn toàn không biết gì về tai nạn đó, họ vô cùng ngạc nhiên khi chúng tôi kể lại chuyện đã xảy ra.
Hầu hết chúng ta đều như vậy, chúng ta không nhận biết được nhiều điều, trong môi trường xung quanh cũng như trong tâm trí. Để chú tâm và hiểu về vẻ đẹp của chú chim, con ruồi, chiếc lá hoặc ai đó, bạn phải thật lòng quan tâm và mong muốn khám phá mọi thứ với toàn bộ tâm trí và trái tim của mình. Khi đó, bạn tỉnh táo hệt như lúc ở cùng một con rắn trong phòng, bạn quan sát nhất cử nhất động của nó và lắng nghe từng âm thanh khẽ khàng nhất. Trạng thái chú tâm ấy chính là nguồn năng lượng lớn lao để bạn soi rọi chính mình trong sự tỉnh thức.
Khi tôi nói rằng: “Bạn có thể đi xa hơn nữa một khi đã hiểu sâu sắc về bản thân”, tôi không có ý định so sánh xem bên nào sâu sắc, hạnh phúc và bên nào nông cạn, khổ sở hơn. Chúng ta thường tư duy chỉ để so đo và đánh giá – có phải bạn cho rằng tâm trí mình cạn cợt, chật hẹp và đầy giới hạn vì bạn đã so sánh nó với tâm trí sáng rõ, tự do và nhạy bén hơn? Nếu không so sánh, bạn có biết về sự nhỏ nhen của mình không? Khi đói, chúng ta đâu có so sánh cơn đói hiện tại với cơn đói của ngày hôm qua – vốn là một ý niệm, ký ức.
Nếu lúc nào tôi cũng so sánh chính mình với bạn, cố gắng để trở nên giống bạn thì tôi đang khước từ hiện thực và nuôi dưỡng ảo tưởng về bản thân. Mọi hình thức so sánh đều gây ra khổ não – kể cả khi tôi phân tích để tìm hiểu chính mình, hoặc đồng hóa mình với những điều lớn lao như tổ quốc, anh hùng hay hệ tư tưởng thì toàn bộ quá trình đó sẽ trói buộc tôi và đẩy xung đột đến mức gay gắt. Nếu tôi nhận thấy điều này và ngừng mọi hoạt động so sánh thì tâm trí không mò mẫm, tìm kiếm và chất vấn nữa. Điều này không có nghĩa là tâm trí thỏa mãn với hiện trạng, nhưng nó không còn chạy theo ảo tưởng. Đó là khi tâm trí bắt đầu chuyển dịch theo một chiều hướng hoàn toàn khác lạ, trong đó không còn những khổ ải, khoái lạc, nỗi sợ hãi cũng như xung đột và cảm giác cách biệt.
Trong chính chúng ta đã tồn tại toàn bộ thế giới và nếu bạn biết cách quan sát, học hỏi, cánh cửa ở ngay đó và chìa khóa nằm trong tay bạn. Không một ai khác có thể đưa cho bạn chìa khóa hay chỉ cho bạn thấy cánh cửa. Ngôn từ vốn hạn chế nên không thể diễn tả về những vấn đề sâu xa; không có lời dạy bảo hoặc rao giảng nào giúp bạn mở ra cánh cửa bước vào nội tâm, đến chân lý. Điều duy nhất ta có thể làm là tỉnh giác và chú tâm mỗi ngày – nhận thức về mọi điều chúng ta nói, cách chúng ta đi đứng, giao tiếp và suy nghĩ. Cũng như việc dọn dẹp căn phòng, nó quan trọng ở một phương diện nhưng vô giá trị ở phương diện khác; căn phòng ngăn nắp, trật tự không giúp bạn mở được cửa ra vào hoặc cửa sổ. Tuy nhiên, mọi điều bạn cần làm là giữ căn phòng ngăn nắp, vì chính căn phòng đó, không phải vì những gì nó mang lại; lúc đó có thể cửa sổ sẽ mở ra để cơn gió nhẹ lùa vào. Điều đó là tùy thuộc vào tâm trạng của bạn; bạn phải thấu hiểu nó, quan sát và đừng cố nhào nặn nó, cũng không nên chia bè kết phái, ủng hộ hay phản đối, đồng ý hay bào chữa, chỉ trích hay phán xét. Bạn cần có cái nhìn không thiên kiến, nhận thức đơn sơ để mở cánh cửa đến với một chiều hướng khác, trong đó xung đột và thời gian không còn tồn tại.