N
ếu an lạc hoàn toàn khác với khoái lạc, liệu chúng ta có thể sống trên thế gian không có lạc thú, nhưng vẫn tận hưởng sự an lạc và niềm hạnh phúc vô biên? Thật ra chúng ta đều tìm kiếm khoái lạc dưới nhiều hình thức – niềm vui tinh thần hoặc thể xác; sự thỏa mãn trong việc cải cách, quyền hành đối với người khác và cộng đồng; sự hài lòng khi làm việc thiện và giảm thiểu điều xấu trong xã hội; khai mở trí tuệ, tích góp kinh nghiệm, hiểu biết về cuộc đời; lạc thú từ những chiêu trò ranh mãnh của trí óc, sự đủ đầy vật chất; niềm vui tột đỉnh khi có Thượng Đế bên mình.
Xã hội của chúng ta luôn đề cao khoái lạc, từ trẻ thơ đến người già đều theo đuổi khoái lạc một cách công khai hoặc khôn khéo, kín đáo. Mọi hình thức lạc thú đều cần được nghiên cứu kỹ càng bởi nó dẫn dắt và định hình cuộc sống của chúng ta. Việc khám phá, duy trì và vun đắp niềm vui là một nhu cầu sống cơ bản; thiếu nó thì cuộc đời sẽ thật buồn tẻ, đơn điệu và vô nghĩa. Thế nhưng ta không nên để lạc thú dẫn dắt đời mình, khoái lạc và niềm vui sướng chắc chắn mang lại sự thất vọng, phiền não và nỗi sợ hãi. Nếu bạn thật lòng muốn sống như vậy, chẳng điều gì ngăn nổi bạn, thậm chí đa phần mọi người sẵn sàng sống cuộc đời đó cùng bạn. Nhưng để không phiền não, bạn phải hiểu thật rõ về khoái lạc. Chúng ta không thể khước từ lạc thú, cũng không nên chỉ trích hoặc gắn nhãn đúng hay sai cho nó. Nhưng nếu theo đuổi nó, bạn sẽ nhận thấy cái tâm mong mỏi niềm vui chắc chắn cũng bị che phủ bởi bóng đêm muộn phiền; chúng không tách rời nhau, mặc dù chúng ta hướng về lạc thú và tránh né khổ não.
Vì sao tâm trí luôn đòi hỏi khoái cảm? Tại sao chúng ta làm những điều cao thượng và bỉ ổi dưới dòng chảy của lạc thú, hy sinh và chịu đau khổ trên sợi chỉ mong manh của khoái lạc? Liệu có ai trong số chúng ta đã tự vấn về điều đó và tìm kiếm câu trả lời đến cùng chưa?
Khoái lạc trong ta trải qua bốn giai đoạn – nhận thức, cảm giác, tiếp xúc và mong muốn. Nếu nhìn thấy một chiếc xe hơi hào nhoáng, tôi phản ứng bằng cách ngắm nhìn nó rồi chạm vào chiếc xe hoặc hình dung về sự tiếp xúc đó, sau cùng tôi muốn chiếc xe đó là của mình; tương tự như vậy, khi tôi bắt gặp đám mây trôi, ngọn núi hùng vĩ, nhành lá xanh non, thung lũng tráng lệ, hoàng hôn lộng lẫy, gương mặt yêu kiều. Với niềm vui sướng mãnh liệt, tôi nhìn không phải như một người quan sát, mà như một khán giả đang thưởng lãm cái hay, cái đẹp tựa tình yêu thương. Trong khoảnh khắc đối diện với cảnh tượng kỳ vĩ, tôi không còn lo âu, đau khổ, nhưng ngay sau đó tâm thức bắt đầu can thiệp và gây ra vấn đề. Tâm trí tôi nghiền ngẫm vẻ đẹp đã thấy, muốn ngắm nhìn nó nhiều lần nữa; khi đó, suy nghĩ khởi lên để so sánh, phán xét và mong muốn duy trì cái trải nghiệm sướng vui đó.
Khát khao và phản ứng của ta đối với dục vọng hoặc bất cứ hình thức ham muốn nào là rất tự nhiên, chỉ khi suy nghĩ biến niềm vui sướng thành khoái lạc thì mới nảy sinh vấn đề. Trải nghiệm được lặp đi lặp lại bởi suy nghĩ và trong quá trình đó, nó trở nên máy móc, càng nghĩ ngợi ta càng khiến khoái lạc trở nên mạnh mẽ. Phản ứng tự nhiên của khao khát đối với cái đẹp bị suy nghĩ làm sai lạc, suy nghĩ tạo nên ký ức từ ham muốn và không ngừng nuôi dưỡng nó. Ký ức đóng vai trò tương đối quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, giúp chúng ta sinh hoạt và hành động; mặt khác, chỉ khi tâm trí không bị kìm kẹp bởi ký ức thì chúng ta mới có thể đạt đến trạng thái tự tại đích thực.
Bạn đã từng đáp lại điều gì đó với trọn con tim chưa, có phải khi đó ký ức chẳng hề quan trọng? Nếu bạn không phản hồi với toàn bộ sự hiện hữu của mình thì sẽ có xung đột và tranh chấp, điều này dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong cả lạc thú lẫn khổ não. Sự tranh chấp nuôi dưỡng ký ức, ký ức đó được bồi đắp theo thời gian và tiếp tục phản ứng. Mọi điều bắt nguồn từ ký ức đều cũ kỹ và bị kìm kẹp, thế nên suy nghĩ không bao giờ tự do.
Suy nghĩ cũ kỹ – sự hồi đáp của ký ức, kinh nghiệm, kiến thức – khiến cho đối tượng làm bạn cảm thấy vui sướng lạ thường trở nên cũ kỹ theo, vậy, khoái lạc cũng xuất phát từ sự cũ kỹ. Vì vậy, nếu bạn không để lạc thú xen vào cái nhìn của mình – vào vẻ đẹp của một gương mặt, cánh chim, chiếc áo, dải nước lấp loáng dưới nắng,... – nếu bạn có thể nhìn vào điều khiến lòng mình rộn ràng mà không cần lặp lại trải nghiệm đó, thì đau khổ và sợ hãi bỗng chốc tiêu tan, thay vào đó là niềm an lạc vô biên.
Nỗ lực tái diễn và kéo dài khoái lạc gây nên đau khổ, bởi niềm vui thì vô thường. Bạn chật vật để kéo dài niềm vui đã qua, thì điều đó gây tổn thương, hụt hẫng cho cảm thức thẩm mỹ cùng giá trị tâm hồn của bạn.
Mỗi khi không đạt được điều mình muốn hoặc không thấy thỏa mãn, chúng ta lo âu, ganh tỵ và tức tối. Nếu bị tước đi lạc thú rượu chè, chất kích thích, tình dục,... ta vật vã, khổ sở; dường như điều đó biểu hiện nỗi sợ về việc để vuột mất điều ta mong mỏi lẫn cái ta đang nắm trong tay. Bạn không thấy lẻ loi sao, khi niềm tin cùng ý thức hệ của mình bị lung lay hoặc phá vỡ bởi luận lý và cuộc đời? Bao năm qua, niềm tin đó mang đến sự thỏa mãn và niềm vui nên khi nó mất đi, bạn cảm thấy bị bỏ mặc cho tự xoay xở, run rẩy sợ hãi đến tận khi một lạc thú mới, một niềm tin khác xuất hiện.
Đối với tôi, điều này vô cùng đơn giản, nhưng có lẽ vì quá đơn giản nên nó bị bỏ qua; con người vốn thích phức tạp hóa mọi thứ. Khi vợ ngoảnh mặt đi, chẳng lẽ bạn không ganh tỵ hay giận dữ? Bạn không căm ghét kẻ đã quyến rũ vợ mình sao? Tất cả những xúc cảm này chỉ thể hiện rằng bạn đang sợ mất đi người mang đến cho mình khoái lạc, tình thân, cảm giác an bình và sự thỏa mãn của việc chiếm hữu.
Nơi nào có mưu cầu khoái lạc, nơi đó đầy ắp khổ đau, bạn có thể sống theo cách mình muốn nhưng đừng sa lầy vào đó. Mặt khác, nếu muốn chấm dứt lạc thú, tức là chấm dứt đau khổ, bạn phải hoàn toàn chú tâm vào khoái lạc trong tổng thể – không phải diệt trừ nó như các tu sĩ, những người không bao giờ nhìn vào phụ nữ vì cho rằng điều đó là tội lỗi, thế nên họ tự hủy hoại khả năng thấu hiểu của mình đối với toàn bộ ý nghĩa và vai trò của khoái lạc. Lúc đó, bạn sẽ có được sự an lạc bao la trong cuộc đời. An lạc là cái tức thời, trước mắt và bạn không nên nghĩ về nó nếu không muốn biến an lạc thành khoái lạc. Sống cho phút giây hiện tại là nhận thức tức thời về vẻ đẹp và niềm an lạc to lớn trong nó, mà không tìm kiếm lạc thú từ nó.