Đ
ầu năm 2015, những cải cách của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Toàn cầu, thuộc trường Đại học Thanh Hoa bước đầu đạt được kết quả khả quan, nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Viện đã đưa ra ba chiến lược phát triển trong tương lai là: sinh thái hóa, cộng đồng hóa và toàn cầu hóa. Vào thời điểm đó, mô hình mới của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Toàn cầu đã bắt đầu hình thành. Tôi khá tin tưởng vào cấu trúc của hệ sinh thái và cũng đã tìm hiểu, thực hành hướng đi toàn cầu hóa, chỉ có từ cộng đồng là tôi chưa thể hình dung rõ ràng, hoàn chỉnh. Tôi giải thích nó bằng các từ như chuyển tiếp, chia sẻ, cùng thắng.
Đầu tháng 9 năm 2016, Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc, thảo luận về chủ đề xây dựng nền kinh tế toàn cầu sáng tạo, năng động, liên kết, đổi cộng đồng hóa thành liên kết hóa, với ý nghĩa phối hợp bên trong, hợp tác bên ngoài. Ngày 12 tháng 9, nhận lời mời của Dương Thủ Bân, tôi cùng với hơn hai mươi nhà đầu tư thiên thần lên đường băng qua sa mạc Badain Jaran. Lúc nghỉ ngơi dọc đường, Phó Nham chuyển cho tôi bản thảo cuốn Tư duy cộng đồng và nhờ tôi góp ý. Tôi lướt thấy phần mục lục có một mục nhỏ là: “Định nghĩa chính xác về cộng đồng”, nên tìm luôn đến mục đó: “Cộng đồng là một nhóm liên minh tinh thần có chung lợi ích và giá trị quan.” Câu định nghĩa đơn giản này giúp tôi lờ mờ hiểu ra điều gì đó, sau đó tôi lại nhìn thấy cụm từ “kinh doanh tinh thần”, nên lại càng bừng hiểu.
Tôi thích đọc sách, nhưng mấy năm gần đây, tôi không dám nhận là mình “đã đọc”, dùng từ “xem” có lẽ đúng hơn. Tuy nhiên, tôi lại không thể rời mắt khỏi cuốn sách này. Bản thảo khoảng mấy chục ngàn chữ, nhưng tôi mất gần hai tuần mới đọc xong một lượt. Có thể nói, tôi không muốn bỏ qua một chữ nào, có những đoạn tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Đã lâu tôi mới đọc sách kiểu này.
Tôi nghĩ mình không cần nói nhiều về những điểm hay và giá trị của cuốn sách. Tôi tin rằng sau khi bạn đọc nó, bạn sẽ tự có đánh giá riêng, và chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn nguồn cảm hứng và cảm ngộ tuyệt vời.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm, Phó Nham tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, tôi học Đại học Thanh Hoa, xét về tuổi tác anh ấy nhỏ hơn tôi chục ngày. Sau khi đọc cuốn sách, ngoài những thu hoạch cho mình, tôi còn phải thốt lên rằng: “Một tài năng tuyệt vời của Đại học Bắc Kinh”, đúng là hậu sinh khả úy.
Viện Nghiên cứu Công nghiệp Toàn cầu chắc chắn sẽ không thay đổi một trong ba chiến lược của họ là cộng đồng hóa.
Từ Tỉnh Hoằng
Phó Hội trưởng Liên đoàn Doanh nghiệp Trung Quốc, Phó Trưởng Khoa Quản trị Viện Đổi mới Sáng tạo, Đại học Thanh Hoa