Mở rộng cơ hội thành công của bạn
Đến đây, có lẽ cần phải khẳng định rằng Tư duy Đột phá đòi hỏi một phương pháp tiếp cận vấn đề hoàn toàn mới – một lối tư duy mới để xóa bỏ khoảng cách giữa tri thức sẵn có của mỗi chúng ta và việc vận dụng một cách có hệ thống các tri thức đó để phát triển các công trình nhân tạo (sản phẩm hàng hóa, nhà cửa, đường sá, cầu cống…) và các hệ thống khác nhằm hoàn thành các mục đích, mục tiêu, giá trị và niềm tin của chúng ta.
Một ý tưởng đột phá hiếm khi xuất hiện như một tiếng sét mà xuất hiện thông qua sự chuẩn bị của ý thức. Tư duy Đột phá được xem là một cách chuẩn bị ý thức để nâng cao khả năng đạt được một tư tưởng "chất lượng" hoặc một ý tưởng "bừng sáng", khả năng thực hiện ý tưởng, khả năng tốn ít thời gian và ít chi phí hơn. Đó là cách để xóa bỏ mọi rào cản để tiến xa hơn trên thực tế.
Đưa ra một lối tư duy khác là điều khó dung nạp với tư duy truyền thống của phương Tây. Từ lâu, người phương Tây đã quen với lối tư duy "khoa học" - tư duy lý tính, phân tích, mổ xẻ và định tính. Lối tư duy này ăn sâu đến mức hầu hết mọi người sinh ra đều biết nó là cách tiếp cận duy nhất để giải quyết vấn đề.
Mỗi tôn giáo phương Tây - Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo - đều khẳng định rằng họ có lời giải đáp duy nhất cho các vấn đề phức tạp của cuộc sống. Sự vững bền của các niềm tin của mỗi tôn giáo xuyên suốt quá trình lịch sử lâu dài được minh họa thông qua sự lý giải của họ về các quan điểm khác nhau đó.
Ngược lại, các tôn giáo phương Đông không cho rằng họ có lời giải đáp duy nhất. Họ hình dung những khả năng và viễn cảnh khác nhau về các mối quan hệ tương thuộc đương đại. Các quan niệm linh hoạt này chiếm ưu thế hơn những lời tiên tri của các tôn giáo phương Tây. Cụ thể, ở Nhật Bản, vì không có một lời giải đáp đơn lẻ, nên việc duy trì đồng thời các tư tưởng hợp nhất và niềm tin giữa hai tôn giáo hoặc nhiều hơn là rất phổ biến.
Ngày nay, khoa học đã phát triển vượt ra ngoài định hướng của phương Tây nhằm tìm kiếm lời giải đáp cho các câu hỏi đa dạng mà tôn giáo không phản ánh hết.
Phương pháp nghiên cứu khoa học được phát triển để đạt được mục đích tìm kiếm vấn đề tổng quát hóa của khoa học. Thậm chí khi một vấn đề tổng quát hóa mới được chứng minh, khoa học thay đổi chân lý phổ biến chỉ là điều bất đắc dĩ. Đến lúc này cần có một phương pháp khác để sáng tạo hoặc tái tạo các hệ thống mà không cần thiết phải có một và chỉ một câu trả lời.
Các phương pháp giải quyết vấn đề
Trên thực tế, có nhiều cách giải quyết vấn đề. Nhưng tất cả đều dựa vào bốn phương pháp cơ bản: không làm gì cả, ngẫu nhiên, cảm tính và lý tính.
Chúng ta sẽ loại bỏ phương pháp đầu tiên, không làm gì cả, vì con người luôn muốn giải quyết mọi vấn đề của mình. Phương pháp ngẫu nhiên tập trung vào tính chất quan trọng của sự tình cờ trong việc giải quyết vấn đề và cuộc sống nói chung. Phương pháp cảm tính thiên về trực giác, ý thức, tình cảm và các suy nghĩ khác nhau. Phương pháp lý tính thiên về các quá trình khoa học, có phương pháp luận, có hệ thống và có cấu trúc.
Ba phương pháp sau vừa có ý nghĩa vừa có những thiếu sót nghiêm trọng. Mỗi phương pháp chỉ áp dụng thích hợp cho những loại vấn đề cụ thể nào đó. Nhưng Tư duy Đột phá sẽ hòa hợp cả ba phương pháp này để đề xuất một cách tư duy hoàn toàn mới.
Mỗi người có một cách giải quyết vấn đề khác nhau. Điều quan trọng cần nhớ là mỗi cách trong bốn cách trên có thể đưa đến các giải pháp khác nhau nếu sử dụng các loại thông tin khác nhau.
Phương pháp "Không làm gì cả" (Do-Nothing Approach)
Ngay tên gọi của phương pháp này đã phản ánh giá trị gần như không được chú ý của nó, nhưng vẫn có nhiều người tin theo. Niềm tin đặc trưng của phương pháp này là loài người không thể hoặc không nên kiểm soát các sự vật hiện tượng bởi đó là định mệnh, là ý trời. Từng có những nền văn minh lớn không khuyến khích việc giải quyết vấn đề bởi vì theo họ, mất mát, đói nghèo, lũ lụt và tai họa xảy ra trên thế giới là những khổ ải con người phải trải qua trên con đường hướng đến sự viên mãn của kiếp sau.
Tuy nhiên, người theo phương pháp này vẫn không bị giới hạn hoàn toàn bởi những niềm tin tôn giáo đó. Dù việc chủ động giải quyết vấn đề được xem là một hành động trái với đạo lý. Ngay cả khi một người dám quyết định điều gì tốt cho người khác cũng bị xem là trái với luân lý. Nhưng chúng ta cũng đều thừa nhận rằng chủ động tìm kiếm giải pháp để nhận thức rõ các giá trị xã hội là điều hoàn toàn đúng đắn.
Phương pháp Ngẫu nhiên (Chance Approach)
Có lẽ ngay từ thời sơ khai, con người đã bắt đầu phát hiện các giải pháp cho vấn đề của mình, dù rất tình cờ, chẳng hạn như sự ra đời của nông nghiệp và việc tìm ra lửa.
Giả thuyết của phương pháp này là yếu tố ngẫu nhiên chi phối mọi năng lực của con người. Tuy nhiên, ý nghĩa phương pháp luận lại tách thành hai hướng khác nhau.
Cách thứ nhất – cách bị động – hoàn toàn dựa vào các ý tưởng chợt lóe lên hoặc tình cờ gặp câu trả lời đúng. Einstein gọi đó là "những phát hiện không cần tìm kiếm".
Cách thứ hai gần giống như phương pháp lý tính, hoàn toàn dựa vào sự can thiệp thường xuyên của các yếu tố ngẫu nhiên và bất ngờ trong các vấn đề của con người. Mong đợi những điều bất ngờ xảy ra dẫn đến một cách tiếp cận linh hoạt nhưng vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ - chẳng hạn như vấn đề hoạch định đối phó với những sự cố bất ngờ.
Phương pháp Cảm tính (Affective Approach)
Suy luận cảm tính chịu sự chi phối của tình cảm, cảm xúc, trực giác và linh cảm - những đặc điểm của bản chất con người. Người giải quyết vấn đề theo cảm tính có xu hướng làm bất cứ điều gì nảy ra trong đầu họ, thay vì theo một cách có hệ thống và được xếp đặt trước.
Nguyên tắc cơ bản và cách thức tiếp cận cảm tính của mỗi người là khác nhau và rất khó xác định. Tuy nhiên, nó vẫn có thể được mô tả bằng những hình thức cụ thể.
Người giải quyết vấn đề theo cảm tính thường không giải thích được tại sao họ có thể tìm ra được giải pháp, có lẽ vì quá trình quá phức tạp, khó diễn tả bằng lời. Thông thường, một người tư duy cảm tính, như Albert Einstein, kết nối thông tin thông qua sự hình dung trong ý thức nhưng vượt ra ngoài tầm diễn đạt của ngôn ngữ.
Các yếu tố của phương pháp này gồm sự liên hệ tự do, sự liên tưởng, dựa vào cách "dò đường" (heuristics), sự thấu hiểu, trực giác, và đi tìm mối liên hệ kỳ lạ giữa các thông tin vốn chẳng có liên hệ gì với nhau. Chẳng hạn, Carl Jung(*) kể lại rằng một nhà hóa học đã phát minh ra cấu trúc phân tử của ben- zen khi nhìn thấy một biểu tượng cổ đại với hình con rắn ngậm đuôi, trực giác mách bảo ông rằng cấu trúc của ben-zen là một vòng các-bon khép kín.
(*) Carl Gustav Jung (1875 - 1961): Nhà tâm thần học người Thụy Sĩ, nhà tư tưởng lớn và là người sáng lập ra ngành phân tâm học.
Sự sáng tạo có thể được học hỏi và được nâng cao. Adams nhấn mạnh rằng: "Có lẽ hạn chế lớn nhất đối với sự sáng tạo là do niềm tin của chúng ta vào các phương pháp giải quyết vấn đề quen thuộc và lẽ ra chúng ta nên nghĩ rằng việc giải quyết vấn đề sáng tạo là dễ dàng thì chúng ta lại nghĩ nó khó khăn hơn."
Ông đã đưa ra 4 nguyên tắc phát huy tính sáng tạo:
1. Khi giải quyết vấn đề, hãy nhớ rằng thông tin bạn có trong đầu là không đầy đủ và không giống với thông tin của những người quanh bạn.
2. Hãy ý thức rằng lý trí của bạn luôn tư duy theo cách quen thuộc – đơn giản hóa cuộc sống của bạn bằng cách áp dụng các giải pháp có tiền lệ. Hãy trân trọng điều đó, nhưng cũng cần phải hiểu rằng sự sáng tạo mà bạn đang tìm kiếm có thể sẽ không xuất hiện một cách ngẫu nhiên.
3. Trí não phát huy tác dụng tốt nhất trong các tình huống như thường lệ, khi đó kinh nghiệm sẽ được vận dụng một cách nhanh chóng và vô thức. Tuy nhiên, trí não lại thiếu nhanh nhạy trong các tình huống mới.
4. Nỗ lực có ý thức là yếu tố cần thiết giúp chúng ta theo đuổi những định hướng mới. Quả thật, những giọt mồ hôi khó nhọc luôn là sự đầu tư tuyệt vời.
Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn quản lý và đào tạo sự sáng tạo, Ted Coulson và Alison Strickland đã đề xuất ba cách phát huy tính sáng tạo và kích thích sự đổi mới.
Thứ nhất, ai cũng có thể nhận thức được khả năng sáng tạo bên trong hoặc xung quanh mình. Thứ hai, để vượt qua các hạn chế và các e ngại về sự sáng tạo, một người nên tự xem mình là người sáng tạo bởi vì chính điều này sẽ giúp họ thể hiện sự sáng tạo. Thứ ba, sự sáng tạo có thể được phát triển một cách có mục đích và có hệ thống vì nó xuất phát từ những kỹ năng có thể rèn luyện được, như kỹ năng tư duy, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Phương pháp cảm tính có thể dẫn đến những giải pháp sáng tạo và cải tiến. Tuy nhiên, nó lại làm phát sinh thêm một số vấn đề khác.
1. Nó đặc biệt không phát huy tác dụng trong việc trình bày chi tiết các giải pháp – điều rất cần thiết để thực hiện giải pháp. Việc thực hiện cũng bị cản trở bởi những thất vọng do cách làm việc cảm tính gây ra giữa các thành viên trong nhóm. Người đề xuất không thể giải thích được họ tìm ra giải pháp như thế nào, vì vậy người khác có lý do để nói rằng giải pháp đó không đúng hoặc vô lý.
2. Các tiêu chí đánh giá nhằm đưa ra quyết định là ngẫu nhiên và thay đổi bất thường. Điều này sẽ gây ra một số nguy cơ nào đó.
3. Phương pháp cảm tính có thể trở nên rất tiến bộ, nhưng thiếu các tiêu chí nên không thể kiểm tra và cân đối. Các nhà lãnh đạo có uy tín nhưng thiếu nguyên tắc thường có những cách làm việc cảm tính rất nguy hiểm và kỳ quặc.
Phương pháp Lý tính (Rational Approach)
Phương pháp lý tính ra đời cách đây khoảng 400 năm, cùng với sự phát triển của khoa học.
Nhu cầu về các khái niệm tổng quát hóa đáng tin cậy đã thúc đẩy sự xuất hiện của các phương pháp mà cả phương pháp ngẫu nhiên và cảm tính đều không thể đáp ứng được. Thành công phi thường của phương pháp lý tính trong khoa học đã khiến tất cả các lĩnh vực khác về tiềm năng con người cũng áp dụng nó và loại bỏ các phương pháp giải quyết vấn đề khác.
Suy luận đơn hướng và đơn nhân tố, tính khách quan, ra quyết định có căn cứ, phân tích hệ thống và logic là những đặc điểm phân biệt của phương pháp lý tính. Một vài đặc điểm cơ bản của phương pháp này là:
Chủ nghĩa thực chứng (Positivism). Niềm tin vững chắc rằng khoa học có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề - và là cách duy nhất để giải quyết vấn đề - là quan điểm chủ đạo của phương pháp lý tính. "Nếu chúng ta có thể đáp xuống mặt trăng thì chúng ta cũng có khả năng xóa bỏ đói nghèo", là những biến tấu có thể rút ra từ luận điểm trên. Sự tuyệt đối này là một bước chuyển biến từ thời buổi ban đầu khi lý lẽ mạnh mẽ của chủ nghĩa thực chứng có thể chống lại những phương pháp dựa trên niềm tin và vũ trụ quan đang thịnh hành.
Giản hóa luận (Reductionism). Phương pháp lý tính có đặc điểm là thu thập và phân tích thông tin mở rộng và mổ xẻ vấn đề thành các đơn vị nhỏ hơn. Giải quyết tất cả các vấn đề "con" để cuối cùng kết luận rằng vấn đề "lớn" đã được giải quyết.
Dữ liệu định tính và khách quan – những dữ liệu "cứng" – được tìm kiếm. Thông tin chủ quan, không định lượng được, chẳng hạn như sự thay đổi về số người sẽ thực hiện giải pháp và họ sẽ thực sự bắt tay thực hiện như thế nào, không bị loại bỏ nhưng được xếp vào loại "những nhân tố bên ngoài không quan trọng".
Niềm tin vào các chuyên gia (Cult of the Expert). Các chuyên gia thường thu thập dữ liệu ở tất cả các lĩnh vực. Người ta cho rằng chỉ có các chuyên gia sở hữu những thông tin cần thiết mới có thể đưa ra những giải pháp có chất lượng. Và, mặc dù các nhà khoa học xã hội và khoa học tự nhiên phản đối, nhưng việc thu thập dữ liệu vẫn được xem là không ảnh hưởng đến sự vật, hiện tượng được đánh giá. Hơn thế nữa, các chuyên gia nghĩ rằng một mình họ cũng đủ khả năng biết được điều gì đúng hoặc biết được hệ quả và rủi ro của các giải pháp. Họ cho rằng công chúng nói chung không có khả năng đánh giá những vấn đề quan trọng như vậy.
Việc quá tin tưởng vào các chuyên gia sẽ dẫn đến một cái nhìn giới hạn về vấn đề, dẫn đến chức năng hoạt động cứng nhắc, hay tính phòng thủ và lảng tránh của một số người trước các giải pháp của chuyên gia, và một loạt những khó khăn khác nữa.
Thuyết tiền định (Determinism). Theo phương pháp lý tính, khi thực tế được thu thập và dữ liệu được phân tích thì giải pháp sẽ xuất hiện với sự nhất trí của tất cả "những người hiểu biết". Một khi giải pháp được tìm thấy, vấn đề sẽ được xóa sổ và giải pháp đưa ra là luôn luôn hợp lý.
Rõ ràng, thuyết tiền định đã được áp dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Các kiến trúc sư xây dựng những tòa nhà như thể nhu cầu ngày nay sẽ là nhu cầu của tương lai, các nhà quản lý cho rằng phương pháp quản lý nhân sự của 25 năm trước có thể áp dụng vào ngày nay, và các nhà quy hoạch đô thị dựa vào sự hình dung nhanh về tương lai được suy diễn từ quá khứ.
Việc suy diễn từ hiện tại đến tương lai là một cách làm nguy hiểm. Trên tất cả, nó khiến cho hầu hết mọi người vào những năm 1960 và đầu những năm 1970 phản đối những dự đoán của một số người cảnh báo về cuộc khủng hoảng năng lượng và ảnh hưởng của nó lên tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội. Thuyết tiền định, được hầu hết mọi người ở những năm 1980 tin theo, đã loại bỏ những dự đoán về sự báo động toàn cầu, như hiệu ứng nhà kính. Mặc dù đã xuất hiện những mô hình khác tốt hơn nhưng thuyết tiền định vẫn khiến các nhà quản trị những năm 1990 say mê với phương pháp "thử và đúng" và cơ cấu kiểm soát quản lý của 100 năm trước.
Mặc dù phương pháp lý tính rất hữu ích trong việc phát triển những lý thuyết khái quát hóa và hoạt động nghiên cứu, đặc biệt trong khoa học tự nhiên, nhưng nó lại không phù hợp cho các lĩnh vực giải quyết vấn đề khác. Nó hạn chế trầm trọng khả năng tìm được lời giải đáp cho các vấn đề mà chúng ta gặp phải ngày nay. Chẳng hạn, các nhà máy tự động hóa và nhà máy năng lượng hạt nhân phải được thiết kế dựa trên một nền tảng kiến thức rộng lớn và sâu sắc về vai trò và hành vi con người - mà thực ra là những hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội.
Các phương pháp và tính cách
Bốn phương pháp cơ bản để giải quyết vấn đề - không làm gì cả, ngẫu nhiên, cảm tính và lý tính – phản ánh sự tồn tại của các loại tính cách khác nhau, được biểu lộ rõ qua các quá trình lịch sử nhân loại.
Trong thời hiện đại, Sigmund Freud, ông tổ của ngành phân tâm học, đã xác định có hai dạng thức tư duy rõ rệt. Thứ nhất, tư duy "sơ cấp", được Freud gọi là dạng thức tư duy thứ nhất, xuất hiện vì sự thất vọng do thiếu hơi ấm của người mẹ. Nhà tâm lý học người Thụy Điển, Eva Bach-Kahre giải thích rằng biểu hiện đầu tiên của dạng tư duy này xuất hiện ở tuổi đứa trẻ còn ẵm ngửa, "khi mà trẻ bị ảo giác với sự hài lòng về mong muốn của mình, đó là sự có mặt của mẹ. Từ biểu hiện đầu tiên này, quá trình tư duy sơ cấp phát triển".
Dạng thức tư duy thứ hai là tư duy "thứ cấp", được Freud gọi là ngôn ngữ của tư duy có ý thức và tiền ý thức. Theo Kahre, nó có các đặc điểm là mang tính logic, có khái niệm về thời gian và nơi chốn, và biểu thị bằng lời nói. Đây là dạng tư duy của những người trưởng thành bình thường.
Carl Jung, học trò của Freud, đã đề xuất một quan điểm hoàn toàn khác về tư duy. Vào năm 1923, Jung phát biểu rằng bốn chức năng tâm lý – cảm giác, trực giác, tư duy và tình cảm – là những yếu tố căn bản tác động đến hành vi có ý thức của con người.
Theo Jung, người ta ưu tiên cho những loại dữ liệu nào đó trong suy nghĩ của mình, hoặc thiên về cảm giác hoặc trực giác. Những người thiên về cảm giác thích loại dữ liệu cụ thể và chính xác; họ xem chính mình là người có óc thực tế về các vấn đề cấp bách. Ngược lại, những người thiên về trực giác lại tìm kiếm những thông tin tổng thể ẩn chứa các triển vọng; quyết định của họ dựa trên nhiều thông tin chung hơn.
Jung cũng phát hiện có hai cách đi đến quyết định: tư duy hoặc tình cảm. Những người có đầu óc tư duy luôn theo những phương pháp suy luận logic và chính thức; họ tiến hành khái quát và trừu tượng hóa vấn đề. Những người thiên về tình cảm hình thành quan niệm về giá trị cá nhân; họ giải thích sự việc dưới góc độ con người và ra quyết định dựa vào sự đánh giá cảm tính của cá nhân.
Trên nền tảng bốn xu hướng mà con người thu thập và đánh giá dữ liệu, Jung đã đề ra bốn loại cá tính của con người: (1) Tư duy – Cảm giác; (2) Tư duy – Trực giác; (3) Tình cảm – Cảm giác; (4) Tình cảm – Trực giác. Trong việc lĩnh hội và suy luận, nhiều người lại biểu lộ tất cả bốn loại cá tính ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có một cá tính đặc trưng. Đây là loại cá tính ảnh hưởng thường xuyên đến họ ở nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt ở các tình huống hay biến động và không cố định.
Người Tư duy – Cảm giác thường ra quyết định có hệ thống và quan tâm đến dữ liệu "cứng". Họ cố gắng thiết lập trật tự, sự kiểm soát và sự ổn định. Họ tập trung vào nhiệm vụ và các thông tin có hệ thống. Họ gặp ít rủi ro hơn những kiểu người khác.
Người Tư duy – Trực giác không quan tâm đến thông tin chi tiết và cụ thể. Họ thích nghiên cứu các dạng thức trong dữ liệu. Suy nghĩ của họ là những bước nhảy táo bạo về những điều chưa biết. Họ quan tâm đến những kế hoạch có tầm nhìn xa và khả năng mới.
Người Tình cảm – Cảm giác xem trọng sự giao tiếp cá nhân, hòa thuận, và quan điểm của người khác. Những thực tế về con người đối với họ quan trọng hơn thực tế về sự việc hiện tượng. Họ tập trung vào những vấn đề ngắn hạn liên quan đến con người.
Người Tình cảm – Trực giác tin vào phán đoán và kinh nghiệm của chính họ. Họ thường xem quan điểm cá nhân là thực tiễn. Họ dựa vào nhận thức trực giác và tổng thể vấn đề hơn là các quy tắc khi ra quyết định. Họ tập trung vào các chủ đề rộng lớn và các mục tiêu dài hạn.
Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người kết hợp sử dụng bốn phương pháp cùng lúc. Không có phương pháp nào có thể đáp ứng được các chỉ tiêu của một phương pháp tổng hợp. Phương pháp ngẫu nhiên căn cứ vào thuyết tiền định hoặc chỉ đơn thuần là sự phản ứng lại. Phương pháp cảm tính, mặc dù có tính chất sáng tạo, nhưng không thể đảm bảo việc thực hiện giải pháp. Phương pháp lý tính, đề cao vai trò của các chuyên gia, các thước đo và kỹ thuật, nhưng lại không bắt nguồn từ mục đích, quan điểm và nhu cầu của con người - vốn là nền tảng cho những giải pháp hiệu quả.
Như vậy, cần có sự tổng hợp những ưu điểm của tất cả các phương pháp – một sự thừa nhận rằng mỗi phương pháp giải quyết vấn đề và mỗi cách tư duy phải biểu thị một cách đúng đắn về sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người. Thực tế đòi hỏi phải có một phương pháp giải quyết vấn đề mà trước hết chúng ta phải xác định đúng mục đích và sau đó (và chỉ khi đó) định rõ phương cách hành động để đạt mục đích đó. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới của Tư duy Đột phá.
Hướng đến một phương pháp tổng hợp
Quan điểm triết học của Tư duy Đột phá dựa trên những bằng chứng khoa học đáng tin cậy từ những phát hiện gần đây của ngành thần kinh học về bán cầu não trái và bán cầu não phải. Theo ghi nhận đầu tiên của Roger Sperry, nhà sinh vật học đoạt giải Nobel, có "hai cách tư duy, bằng lời và không bằng lời, được thực hiện khá tách biệt lần lượt ở bán cầu não phải và bán cầu não trái".
Bán cầu não trái "có nhiệm vụ thực hiện tư duy logic và phân tích như một máy tính. Ngôn ngữ của nó không tương xứng với sự tổng hợp phức tạp ở bán cầu não phải." Thùy não trước giữ nhiệm vụ kết hợp hai cách tư duy vào quá trình ra quyết định.
Cùng với những quan điểm triết học và khoa học này, một số phương pháp "tổng hợp" đã được đưa ra. Thế nhưng, hầu hết các phương pháp "tổng hợp" này chẳng đi tới đâu, hoặc chúng chỉ được áp dụng ở những tình huống giải quyết vấn đề có quy mô rất khiêm tốn. Thậm chí khi nghiên cứu về vấn đề kiểm soát xung đột và hòa bình thế giới – tức là khi chúng ta nỗ lực tối đa để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng và cấp bách của loài người – chúng ta vẫn cứ tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp tư duy truyền thống. Chúng ta đặt sự tin tưởng quá mức vào những thói quen phân tích khoa học theo một quy trình nhiều bước như: (1) Xác định vấn đề, (2) Định nghĩa vấn đề, (3) Phân tích vấn đề, (4) Thu thập thông tin, (5) Phân tích thông tin…
Đa phần các nhà kiến tạo hòa bình kiên quyết đi theo mô hình này và đã lãng phí rất nhiều thời gian và các nguồn lực của mình. Họ ngập chìm trong dữ liệu, dữ liệu, và dữ liệu và điều đó thực sự làm cản trở tiến trình hòa bình. Quả thật, không có điểm nào trong phương pháp này chủ động xem xét các mục tiêu.
Ngược lại, Tư duy Đột phá sử dụng kết hợp hai lý thuyết trò chơi – nghi ngờ và tin tưởng (doubting game và believing game) – trong mối tương quan mật thiết với nhau, mặc dù việc giải quyết vấn đề đòi hỏi cả hai cách, nhưng chúng không được áp dụng đồng thời.
Đây chính là một điểm quan trọng của phương pháp giải quyết vấn đề độc đáo như Tư duy Đột phá. Chẳng hạn, để phát triển các khái niệm tổng quát hóa trong nghiên cứu đòi hỏi phải áp dụng thuật nghi ngờ. Nhưng để sáng tạo hoặc tái tạo các giải pháp cho hầu hết các vấn đề thì đòi hỏi thuật tin tưởng, có như vậy chúng ta mới tìm ra các giải pháp mang tính đột phá.
Thay đổi tư duy cần có
Một sự thay đổi cơ bản về mặt tư duy là điều tối cần thiết để bạn có thể tiếp thu và áp dụng Tư duy Đột phá.
Trước hết, bạn cần nhận thức rằng có nhiều hơn một cách tư duy (Chương 1), nhiều hơn một loại vấn đề (Chương 2) và mỗi cách tư duy chỉ giải quyết hiệu quả nhất một loại vấn đề nào đó mà thôi.
Thứ hai, đối với một loại vấn đề nào đó, mỗi giai đoạn khác nhau trong quá trình tìm kiếm giải pháp cần một cách tư duy khác nhau. Và, đây là điều rất quan trọng: để giải quyết vấn đề thành công, sự tin tưởng, hay nói cách khác là không nghi ngờ, phải được đặt lên hàng đầu.
Walt Disney, "Hoàng đế" của "Vương quốc" Disneyland, một doanh nhân lớn và là nghệ sĩ tiên phong, người đã giải quyết nhiều vấn đề hơn hầu hết bất kỳ ai trong chúng ta. Khi được đề nghị chia sẻ bí quyết thành công của mình, Disney nói có bốn yếu tố mang đến thành công. Đó là: biết tư duy, biết tin tưởng, biết ước mơ và dám hành động.
Bạn sẽ thấy từ Chương 4 đến Chương 10, bí quyết thành công của Walt Disney gần như luôn song hành cùng 7 Nguyên tắc của Tư duy Đột phá.
Những người thành đạt đã làm như thế nào?
Để đưa ra một phương pháp giải quyết vấn đề độc đáo và hiệu quả, chúng tôi không lao vào nghiên cứu vấn đề để rồi chôn vùi chính mình trong mớ dữ liệu mênh mông nhưng vô ích, chúng tôi dùng phương pháp trực tiếp và chỉ phỏng vấn một vài người giải quyết vấn đề hiệu quả và thành công nhất rằng họ đã xử lý vấn đề của mình như thế nào.
Và chúng tôi phát hiện ra rằng, nhưng không ngạc nhiên lắm, nhiều người trong số họ là những người rất tự tin và có trực giác nhạy bén. Họ thường xuyên sử dụng phương pháp cảm tính. Vì thế, họ không thể nói rõ ràng và chính xác cho chúng tôi biết họ đã bắt đầu như thế nào để tìm giải pháp cho vấn đề của mình.
Tuy nhiên, từ quan sát của mình, chúng tôi nhận thấy có năm yếu tố sau đây luôn có mặt mọi lúc mọi nơi trong hành vi ứng xử của người giải quyết vấn đề thành công:
1. Theo đuổi chiến lược Triển khai Mục đích và Giải pháp tiếp theo.
2. Xác định và trình bày các ý tưởng và giải pháp trên cơ sở hệ thống – và tất cả các yếu tố cần thiết để vận hành hiệu quả hệ thống đó.
3. Liên kết những người trực tiếp sử dụng giải pháp, cũng như những người có liên quan trong phạm vi vấn đề, bao gồm cả khách hàng là đối tượng tiếp nhận cuối cùng của sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp.
4. Sử dụng thông tin và kiến thức đa dạng.
5. Sẵn sàng thay đổi và cải tiến liên tục.
Phương pháp giải quyết vấn đề toàn diện của Tư duy Đột phá cũng bao gồm năm yếu tố đặc trưng nói trên. Vì thế, chúng ta cần thay đổi cách bắt đầu quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Sự thay đổi ý thức về cách giải quyết vấn đề không đảm bảo rằng bạn sẽ tìm được một giải pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc Tư duy Đột phá sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cũng như số lượng giải pháp.
Thay vì chỉ ra các mục đích, chúng ta thường theo phương pháp giải quyết vấn đề cổ điển và đặt câu hỏi: Có chuyện gì sai sót ở đây? Vấn đề thực sự là gì? Chắc chắn câu trả lời của bạn sẽ tạo ra một mớ vấn đề khác.
Lý do chúng ta cần tập trung vào mục đích trong việc giải quyết vấn đề là thời đại đã thay đổi. Thế giới hôm nay và ngày mai đòi hỏi chúng ta phải hướng đến khách hàng, đề cao chất lượng, tập trung cải tiến năng suất, phản ứng của tổ chức cần nhanh chóng và linh hoạt; chúng ta phải chú ý đến vấn đề cạnh tranh toàn cầu và tinh thần vươn đến sự xuất sắc. Những yếu tố này sẽ định hình cách sống hiện tại và tương lai của chúng ta.
Lối tư duy truyền thống từng rất thành công trong việc sáng tạo hoặc tái tạo giải pháp thời chúng ta có nhiều nguồn lực phong phú, có quỹ thời gian lớn và sự cạnh tranh khi đó chỉ phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Ngày nay, lối phân tích tỉ mỉ mọi vấn đề tồn tại là mầm mống phát sinh của tư tưởng chủ bại. Nếu chúng ta sử dụng những cách tiếp cận quen thuộc này trong tình hình mới, chúng ta sẽ không thành công. Đơn giản vì thành công không còn là vấn đề của sự chăm chỉ. Thành công ngày nay đòi hỏi sự cần mẫn cùng một phương pháp suy luận có thể tạo ra những giải pháp đột phá mang lại những cải tiến tối đa và những thay đổi liên tục, thay vì chỉ những cải tiến rất nhỏ của lối tư duy cũ.
Lester Thurow, một tác giả kinh tế nổi tiếng, ghi nhận rằng theo chiều dài lịch sử, một trong bốn yếu tố sau thường tạo ra ưu thế về kinh tế của các quốc gia: tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính, công nghệ và năng lực con người. Ví dụ, Anh quốc chiếm ưu thế về than đá và tư bản (vốn) ở đầu thế kỷ 19. Mỹ chiếm ưu thế về tài nguyên thiên nhiên và công nghệ vào đầu và giữa thế kỷ 20. Nhật Bản chiếm ưu thế về công nghệ và năng lực con người vào cuối thế kỷ 20.
Cũng theo Thurow, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính và công nghệ luôn sẵn có cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia trên thế giới. Chỉ có năng lực con người mới là yếu tố chính mang lại sự thành công về kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai.
Khoảng cách giữa Tri thức và Kết quả
Xã hội, tổ chức và cá nhân luôn phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: đó là làm sao để biến lượng thông tin khổng lồ và liên tục phát sinh, tri thức (công nghệ), các nguồn lực sẵn có thành những giải pháp tiên tiến, khả thi, hiệu quả và đúng lúc thành câu trả lời cho mọi vấn đề.
Nhiệm vụ này đã không được người Nhật thực hiện tốt. Chất lượng và tốc độ cải tiến năng suất chậm; sản phẩm và hệ thống sáng tạo không được phát triển; thời gian và chi phí của việc tìm kiếm một giải pháp dù rất đỗi bình thường cũng cao hơn các đối thủ người Mỹ; và, các mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội cũng ngày càng phức tạp hơn. Thậm chí các ý tưởng hay, mới lạ, và các chương trình hấp dẫn cũng không được thực hiện vì lối tư duy lạc hậu.
Chẳng hạn, vào những năm 1980 của thế kỷ 20, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng máy tính và công nghệ truyền thông mới mẻ sẽ mang đến lời giải đáp mà chúng ta đang cần: gia tăng mạnh mẽ năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất. Thế nhưng những kết quả mong đợi này không xảy ra. Rõ ràng giờ đây để đạt được những đột phá về tất cả ba yếu tố này, chúng ta cần phải tự đặt ra những câu hỏi mới và khó hơn.
Nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng hài hòa vốn tri thức với nhu cầu, giá trị, niềm tin và mục đích của con người để đưa ra các giải pháp được mong đợi (công trình nhân tạo, các hệ thống và tác phẩm sáng tạo). Quá trình chuyển từ tri thức và nhu cầu đến giải pháp và kết quả là một khoảng cách cần được rút ngắn hơn.
Quả thật, chúng tôi không nghĩ rằng mình đang phóng đại khi tuyên bố rằng để gặt hái thành công với một cách sống có nhiều thay đổi to lớn, để giải quyết vấn đề chúng ta gặp phải, và vì sự tiến bộ loài người – cũng có thể là vì sự sống còn – chúng tôi kêu gọi thay đổi tinh thần một cách triệt để, tức thay đổi cách tư duy và nhìn nhận vấn đề, để rút ngắn khoảng cách giữa tri thức và các giá trị của chúng ta.
Nói cách khác, chúng ta phải nhận thức rõ giá trị của phương châm: "Tri thức là sức mạnh". Và hơn thế nữa, Tư duy Đột phá đề ra phương châm mới: Biết cách sử dụng tri thức là sức mạnh!
Phương châm cũ phù hợp với thời kỳ phương pháp nghiên cứu quen thuộc được áp dụng cho tất cả các loại vấn đề. Phương châm mới áp dụng trong mọi xã hội ngày nay bởi mỗi xã hội đòi hỏi phải tìm được giải pháp hiệu quả nhất, khả thi nhất và sử dụng hiệu quả nhất mọi vốn tri thức và nguồn lực sẵn có.
Hình 3.1 minh họa khoảng cách được kết nối bởi phương châm mới.
Những giả định và giá trị con người là mối quan tâm cơ bản của cá nhân bởi chúng luôn xuất hiện trong quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định. Chúng dẫn đến sự ra đời của các hoạt động có mục đích mà tất cả chúng ta cam kết thực hiện. Nói cách khác, chúng định hình quan điểm về thành quả và thước đo thành quả mà mỗi người đóng góp trong các hoạt động và tổ chức của họ.
Quy trình Tư duy Đột phá đóng vai trò là chiếc cầu hữu hiệu nối liền các khoảng cách, đồng thời thực hiện nhiệm vụ biến tri thức thành thực tiễn. Dưới góc nhìn khác, đó là phương pháp tốt nhất để biến công nghệ và kết quả nghiên cứu thành những ứng dụng cho sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp trên thị trường.
Tư duy cần có để xóa bỏ khoảng cách
Việc quá tin tưởng vào các cơ chế "khoa học" rõ ràng đã làm thất bại mọi nỗ lực biến tri thức thành các công cụ và giải pháp hiệu quả.
Kỹ sư hệ thống kiêm nhà khoa học xã hội C. West Churchman giải thích như sau: "Nhiều người trong chúng ta đã và đang hét vào đồng nghiệp của mình rằng giả định của họ hoặc sai hoặc không là gì cả so với những lựa chọn có ý thức từ các hệ thống thực tế (đó là con người)".
Các nhà khoa học xã hội đang bắt đầu nhận ra rằng những phân tích về các hiện tượng xã hội được cho là "khách quan" và riêng biệt trên thực tế không thể xem là trung lập và công bằng. Nỗ lực khám phá các khái niệm tồn tại vĩnh cửu hoặc những quy luật bất biến về tự nhiên trong lĩnh vực xã hội không thể hiện hết bản chất thay đổi của loài người, vì nó chỉ tìm ra được các khái niệm tổng quát nhất thời mà thôi. Trong các ngành khoa học xã hội, chúng ta không thể tìm một câu trả lời "chính xác", riêng biệt theo cách giống như trong các ngành khoa học tự nhiên.
Một ví dụ sinh động khác về cách tư duy hạn hẹp do không nắm rõ mục đích và sự khác nhau độc đáo của vấn đề là cuộc chạy đua toàn cầu để được ứng dụng những công nghệ mới nhất về trí tuệ nhân tạo. Tình trạng cạnh tranh gay gắt đã đưa đến giả thiết rằng một công ty hoặc một tổ chức muốn trở nên hiện đại và thành công phải đi tìm lời giải đáp cho bài toán công nghệ mới nhất.
Tiếc thay, niềm tin này xuất phát từ quan điểm của các nhà khoa học cho rằng con người xử lý và vận dụng thông tin và hình ảnh giống như cách máy tính xử lý các thuật toán. Trong điều kiện tốt nhất, trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta ra quyết định, nhưng công nghệ chắc chắn không thể hiện hết các mục đích, khát khao và cảm xúc của con người – vốn là những yếu tố rất quan trọng trong việc ra quyết định.
Vì thế, nhiệm vụ còn lại: Làm thế nào để biến tri thức (và công nghệ) thành thực tiễn? Bạn sẽ theo quá trình nào? Làm thế nào để vượt qua các khoảng cách?
Dù làm việc ở môi trường tổ chức nào, cá nhân đều bị vây hãm bởi ba khó khăn chủ yếu:
Thứ nhất, họ phải đối mặt với những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược mà họ chưa bao giờ gặp phải.
Thứ hai, các vấn đề mà họ đang vật lộn không chỉ mới mẻ mà còn xuất hiện dồn dập hơn trước. Họ chỉ có vừa đủ thời gian để xử lý một vấn đề trước khi có mười vấn đề mới sắp hạ gục họ từ mọi phía.
Thứ ba, cũng là thực tế kinh hoàng nhất, các kỹ thuật và công cụ mà họ đã từng sử dụng khá thành công trong quá khứ không còn phát huy tác dụng nữa. Tệ hơn nữa, những công cụ này không những không giải quyết được vấn đề hiện tại mà còn làm cho mọi chuyện thêm phức tạp hơn.
Một trong những lý do tại sao nền văn hóa của chúng ta đang gặp khó khăn với việc chuyển biến từ những ngành chuẩn hóa và lỗi thời sang những ngành công nghệ cao và mới là bởi vì sự chuyển biến không chỉ đơn giản là một sự thay đổi trong nền tảng công nghệ và kỹ thuật, mà là một sự chuyển biến sâu sắc về cách tư duy của chúng ta về bản chất của thế giới.
Tránh những ảo tưởng trong việc giải quyết vấn đề
Ở khía cạnh này, điều quan trọng là bạn không được rơi vào tuyệt vọng. Từ Chương 4 đến Chương 10, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn không chỉ cách ngăn chặn và giải quyết vấn đề mà còn giới thiệu cho bạn cách thoát khỏi cạm bẫy do đi tìm một giải pháp xuất sắc một cách ảo tưởng cho những vấn đề bị xác định sai, bằng cách áp dụng 7 Nguyên tắc Tư duy Đột phá.
Chỉ khi nào thống kê học tìm ra cách tối thiểu hóa khả năng những thông tin cần được ghi nhận nhưng lại bị loại bỏ, và những thông tin đáng bị loại ra nhưng lại được chấp nhận, bạn mới học được cách tối ưu hóa khả năng giải quyết những vấn đề bị nhìn nhận sai lệch. Quả thật, một khi bạn học cách hướng tới những giải pháp khả thi nhất, bạn sẽ bắt đầu thấy vấn đề của bạn không phải là trở ngại mà là những sự kiện đánh dấu sự tiến triển trên con đường đi đến thành công của bạn. Bạn sẽ tránh được các ảo tưởng sau đây:
Ảo tưởng về sự bác ái: Các chương trình cải thiện môi trường làm việc là vì phúc lợi xã hội dành cho người lao động. Quản lý thành công là nhờ vào thiện chí. Thực tế, người ta không thích bị xem là kẻ chèn ép; thiện chí chỉ là một "sản phẩm phụ" của chương trình cải thiện môi trường làm việc. Lợi ích trực tiếp từ công việc được thiết kế tốt giúp cho việc quản lý tận dụng triệt để nguồn lực quan trọng nhất của công ty: chất xám của nhân viên.
Ảo tưởng về sự thấu hiểu mọi việc: Chất lượng môi trường làm việc là một môn khoa học định tính mà chúng ta có thể giao phó cho các chuyên gia. Họ là người biết nên áp dụng các kỹ thuật về chất-lượng-môi-trường-làm-việc ở đâu và cần thu thập dữ liệu gì để có thể dự đoán một kết quả chính xác. Nhưng trên thực tế, cần phải chú ý đến sự cân đối giữa việc biết quá ít và việc cố gắng biết tất cả. Các phương pháp thích hợp nhất trong nghiên cứu khoa học lại không thích hợp trong các vấn đề về hoạch định và thiết kế. Hơn nữa, các giải pháp được đề xuất bởi các chuyên gia thường bị giới hạn trong kiến thức chuyên môn của họ.
Khoa học đòi hỏi dữ liệu phải khách quan và không mang tính cảm tính, và các vấn đề trong nghiên cứu, thử nghiệm phải được tiến hành theo một phương pháp nhất quán. Đây không phải là cách tốt nhất để thực hiện các thiết kế của tổ chức. Sử dụng con người tham gia vào việc hoạch định và thiết kế thường được ưu tiên hơn các nguồn dữ liệu. Điều đó không chỉ làm họ cảm thấy an tâm hơn mà còn đảm bảo thông tin thu thập không bị chệch hướng.
Ảo tưởng kiểu "bức ảnh chụp nhanh": Thực hiện giải pháp (chương trình cải thiện môi trường làm việc) là một quá trình phi thể thức và không cần phải hoạch định nhiều. Mong đợi một viễn cảnh không tưởng để hướng đến sự hoàn thiện của chính giải pháp cho thấy giải pháp đó sẽ thất bại. Bất kỳ khi nào chúng ta nỗ lực làm điều gì đó mới mẻ, đặc biệt là một chương trình hoặc ý đồ "sửa chữa" nhanh, chúng ta không nên làm lại những điều đã lỗi thời. Điều này chỉ khiến các mục tiêu khó trở thành hiện thực.
Quá đề cao giải pháp tức thời sẽ làm hạn hẹp trọng tâm chú ý vào sự xác định sai hoặc lệch lạc vấn đề. Vì sức lực mọi người tập trung vào vấn đề không đúng sẽ dẫn đến một tia ý tưởng bất chợt lóe sáng rằng vấn đề đúng là một điều gì đó không thể nhìn thấy được trong một bức ảnh chụp nhanh.
Ảo tưởng về sự hài lòng ngay lập tức: Khi kế hoạch cải thiện môi trường làm việc được thông qua và thực thi, người ta sẽ nhanh chóng tiến hành nó, ngoại trừ vài sự phản đối vô lý. Thái độ chấp nhận, hoặc ít nhất sẵn sàng tiếp thu cái mới, của những người có liên quan trong một kế hoạch mới là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thành công dự án. Và, hoàn toàn hợp lý khi người ta phản đối điều gì đó trong một dự án mà họ không đánh giá cao.
Với một thái độ đồng tình và cởi mở, người ta có thể chào đón cơ hội thử một kế hoạch mới; nhưng điều này không đảm bảo cho sự thành công bởi vì họ chỉ mới dần hiểu được đầy đủ ý nghĩa của kế hoạch mới. Thành công không phải là điều đến trong chốc lát.
Ảo tưởng về sự mô phỏng: Một chương trình cải thiện môi trường làm việc có hiệu quả tốt trong tổ chức này hầu như cũng có hiệu quả trong tổ chức tương tự khác. Hầu hết những đổi mới đều được sửa đổi khi đưa vào một hệ thống. Một mô hình được đề xuất từ sự sao chép chỉ có trong tư tưởng của số ít người chuyên bán giải pháp đề xuất cho những người đang cần đến nó, và nhận thức của những người này có thể khác với chính họ.
Hãy thận trọng với các chương trình trọn gói có sẵn. Mỗi kỹ thuật cải tiến chất lượng môi trường làm việc là một công cụ vô ích, bởi nó chỉ thành công khi được áp dụng vào tình huống đặc biệt của một công ty, một tổ chức riêng biệt.
Ảo tưởng "phân đúng vai" (giao nhiệm vụ phù hợp với tính cách và kinh nghiệm): Phản ứng của con người đối với các chương trình cải thiện môi trường làm việc có thể được dự đoán bằng các nghiên cứu phân loại hoặc khái quát hành vi. Hầu như các nguyên tắc chất lượng môi trường làm việc đều không phù hợp với mọi người hoặc dưới mọi hoàn cảnh. Con người không thể dự đoán phản ứng của mình trước những cam kết mới của tổ chức cho đến khi họ trải nghiệm chúng.
Ảo tưởng về một phòng ban "còn trống": Một phòng ban chịu trách nhiệm quản lý các chương trình cải thiện môi trường làm việc phải được thiết lập để đảm bảo chương trình thành công. Những phòng ban như thế luôn nắm rõ các nguyên tắc về chất lượng môi trường làm việc, được thiết lập và dỡ bỏ khi cần thiết. Điều này cho thấy phương pháp tổ chức sản xuất hiện tại là thỏa đáng và rằng chỉ có lợi ích rất nhỏ có thể đạt thêm nếu sử dụng bộ phận cải tiến mới.
Trách nhiệm về chất lượng môi trường làm việc đáng ra không nên phân cho bộ phận riêng quản lý trước khi các giám đốc tiến hành thảo luận trong một hệ thống tổng thể. Họ phải kết hợp chặt chẽ thành một phương pháp tổng hợp toàn diện để hoạch định và cải thiện cơ cấu công việc trong tổ chức.
Lối tiếp cận toàn diện của Tư duy Đột phá giúp tìm kiếm và thực hiện các giải pháp thành công hơn so với bất kỳ phương pháp quen thuộc nào. Tư duy Đột phá kết hợp chặt chẽ và thay thế cho tất cả ba phương pháp giải quyết vấn đề trước đây: phương pháp ngẫu nhiên, cảm tính và lý tính.
Điều cá nhân hoặc tổ chức tin tưởng (giá trị, mục tiêu, và cách thích nghi với các ảnh hưởng bên ngoài, lịch sử ra đời và phong cách) và điều mà từng cá nhân cho là quan trọng là những điều kiện của một thế giới thực cần được thay đổi để tạo ra giải pháp hiệu quả và thậm chí tạo năng lực cao hơn để thay đổi những điều đó. Các nhà lãnh đạo đều biết rõ điều này. Họ định rõ tầm nhìn của mình, phương pháp điều hành và theo dõi để chi phối những niềm tin và quan điểm đó càng nhanh càng tốt.
Quả thật, trước các vấn đề của thời đại, chúng ta cần phải có sự thay đổi, cũng như sự xuất hiện của các công nghệ mới, phương pháp của chúng ta trong việc sáng tạo và tái tạo các hệ thống – cách thức suy luận, quá trình tư duy – trở thành nhân tố quan trọng nhất để gặt hái thành công.
Nhiều người cho rằng công nghệ là bí quyết để thành công. Đó là sự ứng dụng các kỹ thuật tự động, từ các máy tính cá nhân ở văn phòng đến các thiết bị kiểm soát quá trình lao động. Về mặt lý thuyết, năng suất lao động nhờ đó sẽ tăng lên. Nhưng trên thực tế, triển vọng từ công nghệ đã không đạt được. Có lẽ lý do là những thay đổi trong công nghệ thấp phải đồng hành cùng với sự du nhập của công nghệ cao. Cách công nhân, giám sát viên và giám đốc tác động lẫn nhau cần phải thay đổi đồng thời với hệ thống sản xuất mới được thay thế.
Tờ The New York Times từng lưu ý rằng:
"Các công ty thất bại trong việc giải quyết các vấn đề cải thiện chất lượng sống của người lao động khi áp dụng biện pháp quản lý chất lượng toàn diện hoặc tái cơ cấu, hoặc các chương trình tăng cường năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động hiện đang phổ biến có thể không thu được gì ngoài làn sóng ra đi của những nhân viên tài giỏi nhất để tìm kiếm những ‘vùng đất mới’ thân thiện hơn."
Những người chịu trách nhiệm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của các cơ quan nhà nước, các vấn đề ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, có xu hướng phạm những sai lầm giống như những sai lầm của các đồng nghiệp quản lý trong các doanh nghiệp. Trong khu vực nhà nước, khuynh hướng đầu tiên chỉ đơn giản là vung tiền ra giải quyết vấn đề, vốn chẳng có ý nghĩa gì, mà không bao giờ có một chiến lược đúng đắn dựa trên cơ sở mục đích, được quy hoạch và thiết kế bài bản.
Theo Tạp chí Science, Quốc hội Mỹ quyết định rót hàng tỷ đô la vào "cuộc chiến chống ma túy", nhưng không lập kế hoạch hoặc thiết kế cho một chiến dịch chống ma túy tổng lực, hoặc thậm chí không phân tích tại sao những chương trình trước lại thất bại thảm hại.
"Thậm chí khi chiến dịch sắp nổ ra," một phóng viên cho biết, "một số nhà khoa học xã hội đã tỏ ra lo lắng về hướng đi và sự cầm lái loạng choạng của người đứng đầu chiến dịch. Họ nói rằng chẳng có nỗ lực có ý nghĩa nào để phân tích hồ sơ pháp lý của chính phủ trong quá khứ hoặc thu thập thông tin nhằm giúp đưa ra chính sách trong tương lai mà chỉ tập trung vào hành động chứ không phải phân tích. Các nhà phê bình nói, đã đến lúc đầu tư tìm kiếm chính sách, và lập ngân sách chi tiêu triệt để hơn."
Một vấn đề khác là cạnh tranh. Thuật ngữ này ngày nay đã trở thành một từ thông dụng thay cho năng suất trong lĩnh vực kinh doanh, chính quyền và trên các phương tiện truyền thông. Nó biểu thị tương quan lực lượng của các đối thủ trong việc giành giật khách hàng và thị phần.
Cũng giống như năng suất, cạnh tranh là thước đo của những yếu tố khác, như mức thâm hụt thương mại, tỷ lệ phần trăm tổng sản lượng quốc gia dành cho chăm sóc y tế, các chi phí cần thiết cho chế tạo xe ô tô, và đại loại như thế. Nhưng về cơ bản, đây là những phép đo cho thấy một quốc gia đã thực hiện vai trò kinh tế của mình hiệu quả ra sao, không thỏa đáng chỗ nào. Đó là những động lực để hành động, nhưng bản thân nó không phải là công việc.
Tập trung cải thiện các thước đo có thể sinh ra những kết quả tâm lý tình thế - một số cải thiện trong con số, nhưng nó lại ít có tác dụng với những vấn đề căn bản. Điều bất kỳ quốc gia nào cũng cần làm là không nên kiểm tra nhiệt kế mà là xem lại "hệ thống lò nung", là một hệ thống quốc gia về sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Mỗi yếu tố của hệ thống – con người, máy móc, nguyên vật liệu, kiểu dáng sản phẩm, nhu cầu dịch vụ, cơ sở hạ tầng, tiền bạc… – cần phải được thay đổi triệt để.
Để tìm kiếm cho mình một lợi thế cạnh tranh với các công ty Nhật, Tập đoàn Xerox đã kiểm tra "lò nung" của họ thay vì xem xét chiếc "nhiệt kế". Thay vì tập trung vào các hành động trực tiếp tác động đến các thước đo, như mức lợi nhuận hàng quý và tỷ lệ tiền lãi trên giá bán ngắn hạn, họ đã tự cứu mình trước tình trạng mất khả năng cạnh tranh khi tập trung phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường và cải tiến các quy trình sản xuất.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, Nhật Bản đã có những bước tiến vĩ đại trong 40 năm khi công cuộc cải tổ hệ thống kinh tế xã hội của họ được hỗ trợ bởi Tướng Douglas MacArthur cùng nhóm chuyên gia tái thiết chiến tranh của ông. Nhật Bản đã khẳng định được vị thế hàng đầu của mình trong nhiều ngành công nghiệp.
Nhưng nền kinh tế Nhật vẫn có sự mất cân đối nghiêm trọng – dễ nhận thấy nhất là ở lĩnh vực đất đai. Giá cả đất đai ở Nhật Bản đắt vào hàng bậc nhất thế giới. Theo ước tính, diện tích 145.807 dặm vuông của Nhật có giá gấp hai lần toàn bộ diện tích 3,6 triệu dặm vuông của nước Mỹ.
Tuy nhiên, đó là dấu hiệu nguy hiểm chứ không phải là lợi thế. Đất đai và nhà cửa đắt đỏ ở Tokyo trở thành vấn nạn quốc gia, kìm hãm nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân Nhật và đe dọa tăng trưởng kinh tế của họ.
Hơn thế nữa, giá cả cao ngất ở Thị trường Chứng khoán Tokyo cũng chịu ảnh hưởng chủ yếu từ cổ phần bất động sản bị lạm phát của các tập đoàn. Vì vậy, Nhật Bản đang chứng kiến sự suy thoái thị trường chứng khoán và giá cả đất đai. Trên thực tế, cơn suy thoái có thể dự đoán này đã xảy ra vào đầu những năm 1990. Giá cả thị trường chứng khoán Nhật giảm 60%. Đồng thời, các bằng chứng tham nhũng và tầm ảnh hưởng trên quy mô lớn đã dẫn đến sự kết thúc quyền lực thống trị 40 năm của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản.
Mục đích và tinh thần của Tư duy Đột phá – và của quyển sách này – là không loại trừ nhau hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng tất cả mọi người cần giúp đỡ nhau giải quyết các vấn đề của con người và chia sẻ hiểu biết về cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Xét cho cùng, mỗi cá nhân và cách họ suy nghĩ là rất quan trọng. Để thay đổi cuộc sống con người, các nhà lãnh đạo của công ty, tổ chức phải tự mình thay đổi và thể hiện một cách tư duy mới.
Chương này đề cập đến câu hỏi then chốt là tại sao chúng ta nên thiết lập và tuân thủ các nguyên tắc hành động. Bạn phải xem xét điều bạn đang nỗ lực thực hiện và hiểu nguyên do của các hành vi mới. Nó chỉ ra rằng khoảng cách mà chúng ta phải vượt qua cần một khái niệm khác – một nhóm nguyên tắc hoặc giả định và một quy trình suy luận để biến các nguyên tắc thành hành động.
Sau đây là tóm tắt 7 nguyên tắc và quy trình "triển khai" Tư duy Đột phá:
1- Nguyên tắc về Sự Khác Nhau Độc Đáo (The Uniqueness Principle): Nguyên tắc đầu tiên được định nghĩa như sau: Mỗi vấn đề (và mỗi bước nhỏ trong tiến trình giải quyết vấn đề) ngay từ đầu phải được xem là duy nhất, độc đáo nhất.
2- Nguyên tắc thứ hai là Triển Khai Mục đích (The Purposes Principle): Tìm hiểu cặn kẽ mục đích của mục đích của mục đích… là gì và bối cảnh của những giải pháp lớn hơn.
3- Nguyên tắc thứ ba là Giải Pháp Tiếp Theo (The Solution-After-Next Principle). Nguyên tắc này nói rằng việc xác định mục tiêu lý tưởng sẽ dẫn đến những giải pháp đổi mới mạnh mẽ và định hướng cho tiến trình thay đổi thực tế mà bạn sẽ thực hiện.
4- Nguyên tắc thứ tư là Thiết Lập Hệ Thống (The Systems Principle) nhận diện và giải quyết vấn đề. Mọi vấn đề không tồn tại một cách độc lập, riêng lẻ mà có liên quan đến chuỗi các vấn đề khác. Giải pháp cho từng vấn đề phải được xác định rõ trong hệ thống qua mối quan hệ hữu cơ với các vấn đề và giải pháp khác.
5- Nguyên tắc thứ năm khẳng định rằng, ngay từ đầu, bạn phải Đặt Giới Hạn Thu Thập Thông Tin (The Limited Information Collection Principle) để giải quyết vấn đề. Khi tiếp cận một vấn đề, bạn có thể tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách không thu thập thông tin tràn lan và cũng không nên xét lại các nghiên cứu đã được thực hiện đúng đắn.
6- Những người bất đồng quan điểm nhưng cùng mục đích là những người cần được tạo điều kiện để tham gia xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Người giải quyết vấn đề giỏi là người biết Huy Động Những Tiếng Nói Khác Nhau Nhưng Có Cùng Mục Đích (The People Design Principle) trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tối ưu. Đây là cốt lõi của Nguyên tắc thứ sáu.
7- Nguyên tắc thứ bảy nói rằng bạn phải Thay Đổi và Cải Tiến Liên Tục (The Betterment Timeline Principle), bất kể giải pháp trước đó từng được xem là tốt nhất.
Có thể bạn sẽ áp dụng bảy nguyên tắc này theo một trật tự khác thích hợp hơn. Mỗi nguyên tắc sẽ lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau trong bất kỳ nỗ lực giải quyết vấn đề nào. Nguyên tắc này có thể quan trọng với bạn vào lúc này, nhưng nguyên tắc khác lại quan trọng với bạn vào lúc khác. Phần 2 của quyển sách sẽ khai mở khả năng suy luận của bạn với các nguyên tắc của Tư duy Đột phá.
Ở Phần 3, Chương 11 sẽ trình bày cho bạn cách liên kết và hòa hợp 7 nguyên tắc vào quá trình tìm kiếm giải pháp. Cuối cùng, Chương 12 sẽ kiểm chứng một tương lai rộng mở và tươi sáng, một tương lai mà bạn làm chủ, nhưng phải nỗ lực thay đổi, cũng là nguyên tắc cải tiến không ngừng của Tư duy Đột phá – ngôn ngữ mới của sự thay đổi để tiến bộ và thành công.