C
ông việc ban ngày khiến tôi hay phải tiếp xúc với những người kiểm soát tài chính ngân hàng. Chán chết, bạn có thể nghĩ vậy. Đúng, thường xuyên. Nhưng thỉnh thoảng họ cũng nói những điều đáng chú ý. Vừa tháng trước, tôi mắc sai lầm khi bảo một người rằng có lẽ các sự kiện mà chúng tôi đang thảo luận chỉ đơn thuần là sự trùng khớp nhẫu nhiên. Anh ta nhìn tôi với vẻ nửa thương hại nửa khinh miệt và tuyên bố: “Tôi không tin tưởng gì vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên.”
Điều này thật thú vị. Đây là người kiểm soát tài chính, nhiệm vụ của anh ta là quản lý an ninh tài chính cho một ngân hàng, và anh ta tuyên bố không tin tưởng gì vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên. Nó giống như viên cảnh sát trưởng tuyên bố không tin vào chuyện trộm cắp, hay anh lính cứu hỏa bày tỏ nghi ngờ về việc có khói bốc lên.
Bất cứ ngân hàng nào cũng đều đối diện với các nguy cơ mất an ninh tài chính. Những người ngân hàng cho vay tiền có thể không trả nợ được, giá trị cổ phiếu và trái phiếu của ngân hàng có thể sụt, hay một nhân viên có thể làm tiêu tan cả cơ nghiệp ngân hàng thông qua kiểu “kinh doanh lừa đảo”, như vụ Nick Leeson ở ngân hàng Barings. Và, chỉ vì trùng khớp ngẫu nhiên, mọi chuyện đều có thể đến cùng một lúc, khiến tình hình đã tồi tệ càng tồi tệ thêm. Bởi một người kiểm soát tài chính có nhiệm vụ tính toán xem ngân hàng mình phải tích lũy vốn bằng nào để đề phòng những sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy, tốt nhất anh ta nên tin vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên.
Không tin vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên là một phần của cái tư thế đàn ông bộc lộ ở nhiều người tự phụ cho rằng mình hiểu biết. Họ không trông cậy kẻ xa lạ, họ không ngồi bên bàn đếm tiền, và họ không tin vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên. Thật đáng tiếc, vì những sự trùng khớp ngẫu nhiên vốn vẫn luôn luôn xảy ra: chúng được chính các con số thống kê đảm bảo. Và việc không tin vào chúng khiến bạn tin vào những cái không thực sự tồn tại: những sức mạnh mà người ta tưởng có thể rũ bỏ được sự trùng khớp ngẫu nhiên.
Chương này tập trung phân tích những sai lầm mà người ta mắc phải khi không thừa nhận sự trùng khớp ngẫu nhiên rất dễ hiểu.
ĐIỀU BẠN CHO RẰNG SẼ XẢY RA
Bạn nghĩ tại sao các cầu thủ cricket hay bị đuổi ra nhất khi không ghi được điểm? Tôi từng nghe một nhóm cầu thủ cricket chuyên nghiệp trao đổi về vấn đề này trên kênh Radio 4. Đa số đồng tình với hai cách giải thích. Cách giải thích thứ nhất là khi một cầu thủ vừa vào đánh bóng mà lại không ghi được điểm, anh ta sẽ không có thời gian “theo dõi đường đi của bóng” (thích ứng với vận tốc và độ bạt của cú phát bóng, sức nảy của sân, vân vân và vân vân). Cách giải thích thứ hai là chừng nào một cầu thủ còn chưa ghi được điểm, anh ta sẽ có tâm trạng căng thẳng. Cả hai cách giải thích đều cố gắng cho thấy tại sao khả năng một cầu thủ bị đuổi ra khi không ghi được điểm cao hơn khi đã ghi được điểm.
Nhưng không cần thiết phải sử dụng những điều này để giải thích cho lý do tại sao ở điểm số 0 các cầu thủ cricket hay bị đuổi ra nhất. Cách tính điểm trong môn cricket nghĩa là, ngay cả mỗi lần phát bóng một cầu thủ đều đối diện với khả năng bị đuổi ra như nhau, bất kể điểm số anh ta ghi được, thì ở điểm số 0 anh ta vẫn hay bị đuổi ra nhất. Một cầu thủ bao giờ cũng bắt đầu ở điểm số 0 và mỗi lần phát bóng anh ta có thể hoặc bị đuổi ra hoặc ghi được điểm số nằm trong khoảng từ 0 đến 6. Điều này nghĩa là 0 là điểm số các cầu thủ hay gặp phải nhất. Vậy bạn nên cho rằng 0 cũng là điểm số mà các cầu thủ hay bị đuổi ra nhất. Không cần thiết phải công nhận thêm bất cứ cách giải thích nào về chuyện thích nghi điều kiện sân bãi hoặc tâm trạng căng thẳng hoặc bất kỳ điều gì khác.
Việc giải thích chỉ đòi hỏi một cơ sở nào đấy ngoài phạm vi cách tính điểm cho các cầu thủ nếu tần suất các cầu thủ bị đuổi ra ở điểm số 0 cao hơn mức người ta nghĩ khi xem xét riêng cách tính điểm. (Điều ấy chẳng hề được xác minh trong chương trình radio tôi nghe.)
Nhìn chung có thể áp dụng bài học từ môn cricket vào cuộc sống. Việc giải thích những thực tế biểu hiện qua các số liệu cần đến cái gì, nếu nó có cần đến cái gì đó, đầu tiên phụ thuộc vào cái bạn cho rằng sẽ xảy ra - cái bạn cho rằng sẽ xảy ra nếu mọi điều đều diễn biến tuân theo số liệu nọ. Điều này đúng không chỉ khi chúng ta xem xét một kết quả điển hình hay một kết quả trung bình, ví dụ như điểm số mà các cầu thủ cricket hay bị đuổi ra nhất, nó cũng đúng khi chúng ta xem xét những sự kiện đặc biệt. Những sự kiện đặc biệt chính là cái bạn nên cho rằng sẽ xảy ra, ít nhất là thi thoảng sẽ xảy ra.
Hãy xem xét trường hợp những người môi giới trái phiếu làm việc cho các ngân hàng đầu tư. Một số họ đơn giản chỉ thực hiện các lệnh mua và bán trái phiếu thay mặt khách hàng của mình, tuy nhiên một số khác thay mặt chính ngân hàng mình làm việc: những người này được gọi là nhân viên tự doanh. Một số nhân viên tự doanh có khả năng kiếm những khoản tiền khổng lồ cho các ngân hàng thuê họ. Đây là những “ngôi sao trái phiếu” mà các ngân hàng phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để thuê về làm, miếng mồi lôi kéo là lương và thưởng hết sức hậu hĩnh. Nhưng không có lý do gì khiến người ta tin tưởng rằng họ sở hữu bất cứ kỹ năng nào xứng đáng được trả tiền. Việc môi giới mang lại lợi nhuận phi thường của họ, nhờ đó họ được đánh giá là những ngôi sao, có thể chẳng là gì khác ngoài sự may mắn.
Để đi sâu hơn vào vấn đề này, nên tìm hiểu kiểu chơi bài May rủi một chút cái đã. Luật chơi May rủi cũng đơn giản. Trước mặt bạn là một cỗ bài tráo cẩn thận, đặt sấp. Bạn chơi bằng cách rút một quân bài bất kỳ. Nếu nó là một quân 7, bạn không ăn điểm. Nếu nó là một quân lớn hơn 7, bạn được số điểm bằng giá trị của quân bài trừ đi 7 (ví dụ, với một quân đầm, bạn được 5 điểm). Nếu quân bài nhỏ hơn 7, bạn mất số điểm bằng 7 trừ đi giá trị của quân bài (ví dụ, rút phải quân 5, bạn mất 2 điểm). Sau mỗi lượt, quân bài rút ra lại được đặt trả về cỗ bài, và cỗ bài lại được tráo. Người thắng là người được điểm cao nhất sau số lượt rút bài do các người chơi thỏa thuận.
Nếu chơi lâu, bạn nên cho rằng số điểm trung bình của bạn sẽ có xu hướng tiến tới 0, vì xác suất mức điểm bạn mất và được ở mỗi lượt rút bài là ngang nhau. Nhưng không phải không tồn tại khả năng bạn liên tục gặp vận đỏ và tích lũy được một số điểm dương đáng kể. Nói ngược lại thì hoàn toàn có thể trông mong vào khả năng bạn liên tục gặp vận đỏ như thế.
Ví dụ, xác suất gặp năm lượt ăn điểm liên tục (tức rút được quân lớn hơn 7) là 2%, và cơ hội gặp 5 lượt ăn điểm to liên tục (rút được từ quân bồi trở lên) là 0,065%.29 Điều này nghĩa là nếu nhiều người ngồi chơi một ván May rủi với 5 lượt rút bài, bạn sẽ chờ đợi 2% số họ rút được toàn quân ăn điểm và 0,065% số họ (1 trong 1.500) rút được toàn quân ăn điểm to. Những người chiến thắng này không hơn những người chơi khác kỹ năng nào cả, cuộc chơi chẳng tạo điều kiện cho kỹ năng nào ảnh hưởng được tới kết quả. Những người chiến thắng chỉ gặp may mắn thôi, như từ đầu chúng ta đã biết một số người sẽ gặp may mắn. Luật chơi May rủi đảm bảo rằng, với số người chơi và lượt chơi đủ để làm các phép thống kê, số điểm trung bình sẽ là 0, chính vì vậy nó cũng đảm bảo rằng một số người chơi sẽ chiến thắng lớn.
29 2% = (24/52)5 và 0,065 = (12/52)5. 24 là số quân bài từ 7 trở lên, là số quân bài từ 10 trở lên, và 52 là tổng số quân bài của một cỗ bài. (TG)
Bây giờ trở lại với hoạt động môi giới trái phiếu. Việc nó và trò May rủi giống nhau như thế nào vốn vẫn được tranh cãi rất sôi nổi. Những người môi giới “ăn điểm to” sẽ cam đoan rằng đấy là cuộc chơi của kỹ năng, chứ không phải của sự may mắn. Nhưng điều ấy chẳng liên quan gì đến điểm tôi đang muốn nêu ra đây: thậm chí nếu môi giới trái phiếu là cuộc chơi của kỹ năng, bạn vẫn có thể chiến thắng nhờ sự may mắn. Giá trái phiếu lên và xuống, khi ít khi nhiều. Thậm chí nếu một người môi giới quyết định mua và bán bằng cách tung đồng xu mà đủ may mắn, anh ta vẫn có thể trúng đậm.
Thế thì, hãy giả sử bạn sở hữu hoặc quản lý một ngân hàng đầu tư. Một trong số các nhân viên tự doanh của bạn ăn to 5 lần liên tiếp và kiếm được một khoản kếch xù về cho ngân hàng. Deutsche Bank biết tới kỳ tích không thể tin nổi này và cố gắng dụ dỗ anh ta rời khỏi bạn bằng mức lương hứa hẹn là 750.000 bảng và mức thưởng tối thiểu là 2.000.000 bảng. Liệu bạn sẽ đưa ra mức lương và mức thưởng hậu hĩnh hơn nhằm giữ ngôi sao ấy ở lại hay sẽ vui vẻ nói tạm biệt với một người vừa liên tục gặp vận đỏ và vì vậy không có lý do gì để tin tưởng rằng điều đó sẽ lặp lại?
Có hai cách để trả lời câu hỏi kỹ năng hay may mắn này. Một cách đã được gợi ý ngay bên trên. Nếu đấy là kỹ năng chứ không phải may mắn, chuyện kinh doanh thắng lợi sẽ tiếp tục. Hãy quan sát nhân viên của bạn trong công việc. Nếu anh ta đạt được thành công qua rất nhiều vụ giao dịch và với những điều kiện thị trường khác nhau (ổn định, không ổn định, v.v...), xác suất đấy chỉ là may mắn tiến tới 0: anh ta rõ ràng là một tay cự phách về tài chính.
Cách thứ hai là suy nghĩ xem nhân viên của bạn tiếp cận được những thông tin gì và anh ta ra các quyết định như thế nào. Phải chăng anh ta đã có thể dự đoán được sự thay đổi giá trái phiếu hay đã tuân theo một chiến lược kinh doanh hết sức chắc ăn?
Việc trả lời câu hỏi kỹ năng hay may mắn không dễ dàng. Sự phân bố ngẫu nhiên các lần thắng thua trong kinh doanh trái phiếu không dễ dàng tính toán như sự phân bố điểm trong trò May rủi: thị trường trái phiếu phức tạp hơn lối chơi bài đơn giản này. Bởi vậy, sẽ khó trả lời hơn câu hỏi liệu có thể, một cách hợp lý, quy thành tích của một người môi giới cho vận may hay không. Và vì sự phức tạp ấy, cũng khó mà biết được liệu quá trình suy nghĩ để đi đến quyết định của một người môi giới có khả năng mang lại lợi thế nào cho anh ta hay không. Tuy nhiên, nếu bạn quản lý một ngân hàng đầu tư, bạn phải cố gắng trả lời các câu hỏi hóc búa này. Nếu không, như bạn thấy đấy, bạn sẽ trả những mức lương cao ngất ngưởng cho người ta chỉ bởi người ta đã gặp may mắn.
Đáng chú ý là, các ngân hàng đầu tư chưa bao giờ nghiêm túc thử trả lời câu hỏi kỹ năng hay may mắn này. Họ cứ đơn giản coi một loạt thành công là bằng chứng của năng lực tài chính phi thường, ngay cả khi thành công đó chẳng đòi hỏi gì ngoài sự may mắn vừa phải. Trong trường hợp liên quan tới những món tiền lớn, thậm chí một hay hai lần ăn to là có tác dụng rồi.
“Xem này, cô ta vừa kiếm cho chúng ta 500 triệu bảng. Đó không thể là chuyện gặp may!” Đây chính xác là lời nhận xét về khá nhiều tay môi giới trái phiếu ở London trong những thị trường trái phiếu nhà nước đang nổi lên hồi cuối thập niên 1990 - chỉ vài ngày trước khi họ làm cho các ngân hàng của họ mất hàng triệu đô-la vào thời điểm Chính phủ Nga vỡ nợ.
Bằng chứng mạnh mẽ nhất của việc các ngân hàng đầu tư cho rằng thắng lợi có được là nhờ kỹ năng thể hiện ở thói quen lôi kéo các tay môi giới thành công từ các ngân hàng cạnh tranh với mình bằng những khoản tiền cực kỳ lớn. Chiến thuật các tay môi giới này áp dụng là một bí ẩn đối với các ngân hàng đang cố gắng giành họ. Có lẽ khi tung đồng xu, ngửa thì họ mua và sấp thì họ bán. Chủ mới của họ không biết mà, xem chừng, cũng chẳng buồn quan tâm.
Giám đốc các ngân hàng đầu tư dường như cũng quan niệm giống những người nguyên thủy rằng mọi vận may hay rủi xảy ra với một người đều do điểm đặc biệt nào đấy ở người ấy quyết định - tức thực sự hoàn toàn không có cái gì gọi là may hay rủi cả. Theo tinh thần đó, tôi xin gợi ý một đường lối kinh doanh mới với họ. Các ngân hàng đầu tư nên thuê những người từng trúng xổ số đi mua vé xổ số cho mình. Không mức lương nào là quá cao cho những thiên tài về việc lựa chọn vé số ấy.
NGẪU NHIÊN LÀNH BỆNH
Tôi có người bạn tin tưởng vào liệu pháp vi lượng đồng căn. Anh ta từng cố gắng thuyết phục tôi rằng tác dụng của nó không phải ở sự trấn an, bằng cách kể chuyện một con chó bị ốm đã phản ứng tích cực lại với những liều thuốc này. Đó không phải một lập luận tồi về tác dụng trấn an của liệu pháp vi lượng đồng căn. Vì chó thì chẳng biết mình được cho uống thuốc, việc chúng lành bệnh chẳng thể đổ cho tác dụng tâm lý. Nhưng bạn tôi đã xác định nhầm vấn đề tôi quan tâm. Tôi không nghĩ liệu pháp vi lượng đồng căn có tác dụng thông qua cái tác dụng trấn an, mà thực tế là tôi hoàn toàn không nghĩ nó có tác dụng.
Làm sao tôi có thể giữ mối hoài nghi này bất chấp chuyện con chó đã được chữa lành bệnh? Và bất chấp bạn tôi, người đã được liệu pháp vi lượng đồng căn chữa lành một căn bệnh vài lần? Khá dễ dàng. Con chó và bạn tôi hẳn đã tự lành bệnh. Sự hồi phục xảy ra sau những liều thuốc vi lượng đồng căn, những điều ấy không đồng nghĩa với việc nó là hệ quả của những liều thuốc này. Đây chỉ là trùng khớp ngẫu nhiên mà thôi.
Nếu bạn nghĩ điều xảy ra sau một chuyện gì đó chắc chắn là hệ quả của chuyện gì đó ấy, bạn phạm một lỗi hay tới nỗi nó có một cái tên Latin: post hoc ergo propter hoc (vì xảy ra sau cái này nên là hệ quả của cái này). Các sự kiện có thể xảy ra theo chuỗi trước - sau, và thậm chí xảy ra rất sát nhau, nhưng không phải là nguyên nhân - hệ quả gì của nhau. Giống y như khi tôi vừa ngồi xuống thì bóng đèn nổ. Điều ấy đâu có nghĩa việc tôi ngồi xuống khiến bóng đèn nổ.
Sự kiện A dẫn đến sự kiện B chỉ khi sự xuất hiện của B phụ thuộc vào sự xuất hiện của A: tức là chỉ khi B sẽ không xảy ra nếu A không xảy ra. Điều kiện này không được đáp ứng trong trường hợp cái bóng đèn. Việc bóng đèn nổ không phụ thuộc vào việc tôi ngồi xuống: cho dù tôi chẳng ngồi xuống nó cũng vẫn nổ. B có thể xảy ra sau A mà không phụ thuộc vào A.
Không ai lại nghĩ việc ngồi xuống gây ra việc nổ bóng đèn, vì ai nấy đều biết đấy đâu phải cách thế giới này hoạt động: việc ngồi xuống đâu phải thứ khiến bóng đèn nổ. Kiến thức chúng ta có được về cách thế giới này hoạt động - kiến thức về những sự vật, sự việc loại gì thì dẫn đến cái gì - phụ thuộc vào thực tế chúng ta quan sát thấy cái gì xảy ra sau cái gì, nhưng không phải chỉ phụ thuộc vào một nhúm những điều chúng ta quan sát thấy. Duy nhất một con chó lành bệnh sau khi uống thuốc vi lượng đồng căn không thể chứng minh tác dụng điều trị mà người ta bảo là nó có.
Vậy chúng ta khẳng định được các nguyên nhân như thế bằng cách nào?
Đầu tiên, hãy nhìn nhận các nguyên nhân theo quan điểm toán xác suất. Tức là, hãy không nói rằng nếu A không xảy ra thì B sẽ không xảy ra, mà hãy nói rằng nếu A không xảy ra thì cơ hội để B xảy ra sẽ nhỏ hơn. Nói cách khác, nguyên nhân khiến hệ quả có nhiều khả năng xảy ra hơn. Đây là ý nghĩa được hiểu với việc hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến chứng ung thư và chơi xổ số thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến cảnh túng thiếu.30
30 Quan điểm cho là nguyên nhân mang tính xác suất ngày nay được các triết gia và khoa học gia chấp nhận rộng rãi. Mặc dù không phải điều nhất thiết đối với lý lẽ ủng hộ tính xác suất của nguyên nhân, bản chất xác suất của vật lý lượng tử cũng đã được nhiều người tin tưởng. (TG)
Bây giờ, hãy đặt ra giả thuyết là liệu pháp vi lượng đồng căn chữa khỏi bệnh cúm: cơ may khỏi bệnh trong khoảng thời gian bất kỳ sẽ cao hơn nếu bạn sử dụng liệu pháp vi lượng đồng căn. Chúng ta kiểm tra giả thuyết này bằng cách lấy hai nhóm bao gồm số lượng bệnh nhân cúm đủ đông và tất cả đều giống nhau ở các khía cạnh có thể xác định: mỗi nhóm đều phân bố giống nhau về độ tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng sức khỏe chung, v.v... Với một nhóm, chúng ta áp dụng liệu pháp vi lượng đồng căn (nhóm kiểm tra), với nhóm kia, chúng ta không áp dụng (nhóm chứng). Rồi chúng ta xem xét thời gian hồi phục ở mỗi nhóm.
Ở nhóm không uống thuốc, thời gian hồi phục sẽ khác nhau. Một số người khỏi cực kỳ mau, hầu hết mất chừng một tuần (ví dụ vậy), và một số mất mấy tuần.
Kết quả này cho thấy tại sao những trường hợp mau khỏi chẳng chứng tỏ gì tính hiệu quả của liệu pháp vi lượng đồng căn: một số người sẽ mau khỏi mà hoàn toàn không sử dụng đến thuốc. Để chứng tỏ tính hiệu quả của liệu pháp vi lượng đồng căn, sự phân bố thời gian hồi phục ở nhóm uống thuốc phải tích cực hơn đáng kể so với nhóm chứng, như minh họa bằng biểu đồ dưới đây.
Tôi không tin tưởng vào những lời khẳng định về liệu pháp vi lượng đồng căn vì người ta chưa đưa ra các kết quả kiểm tra như vậy.31 Chẳng có gì đặc biệt đối với liệu pháp vi lượng đồng căn ở đây. Mọi thứ thuốc đều phải vượt qua được những cuộc kiểm tra như vậy để chứng tỏ tính hiệu quả của chúng. Thực tế, chẳng có gì đặc biệt đối với thuốc nói chung. Bất cứ lời khẳng định đúng đắn nào về việc cái gì gây ra cái gì đều phải vượt qua được những cuộc kiểm tra như vậy.
31 Jacques Benveniste và cộng sự đăng một bài trên tạp chí Tự nhiên, 1988, đưa ra các kết quả thực nghiệm ủng hộ liệu pháp vi lượng đồng căn. Tuy nhiên, các kết quả này chưa được lặp lại trong những thí nghiệm tiếp theo đó (xem Forbes và cộng sự, tạp chí Tự nhiên, 1993). Tiêu chuẩn của các bằng chứng ủng hộ liệu pháp vi lượng đồng căn phải đặc biệt cao, vì nó yêu cầu chúng ta tin tưởng vào một cái gì đó khác thường: rằng tác dụng của nước không phụ thuộc vào những chất đang ở trong nước, mà phụ thuộc vào những chất từng ở trong nước. (TG)
Những người tin tưởng vào các cách chữa bệnh đáng ngờ sẽ có một câu trả lời sẵn sàng cho các kết quả kiểm tra tiêu cực. Họ sẽ bảo bạn: “Tất nhiên, nó không có tác dụng đối với tất cả mọi người”. Câu trả lời này có thể hợp lý, trong trường hợp người ta nêu rõ loại người nó có tác dụng. Chúng ta khi đó có thể kiểm tra giả thuyết này bằng cách lặp lại thí nghiệm kia, có điều bây giờ với hai nhóm chỉ bao gồm loại người được cho là chịu tác dụng của phương pháp điều trị. Nếu giả thuyết này đúng, chúng ta phải thấy thời gian hồi phục nhóm kiểm tra ngắn hơn nhóm chứng.
Tuy nhiên, thông thường, tiêu chuẩn duy nhất khiến một người được cho là thuộc loại chịu tác dụng của phương pháp điều trị là anh ta hết bệnh trên thực tế. Nhưng thế thì chúng ta lại trở về điểm xuất phát. Mọi người uống thuốc, một số mau khỏi, còn một số lâu khỏi và chúng ta chẳng có lý do gì để tin tưởng rằng không uống thuốc thì tất cả sẽ không khỏi sau một khoảng thời gian như nhau.
Chẳng có gì để tranh cãi với phần trình bày đã được đơn giản hóa này về việc bằng cách nào kiểm tra các tác dụng mà người ta gán cho một phương pháp chữa bệnh. Nhưng nhiều người lại không nghiêm túc nhìn nhận nó khi nó liên quan đến sức khỏe của chính bản thân họ. Tài liệu ghi chép những chuyện tai tiếng trong y khoa chưa bao giờ thiếu những người khẳng định rằng họ bị ung thư do những cột điện cao thế trên sân sau nhà hay con gái họ tự tử vì thứ thuốc chống suy nhược nó sử dụng, thậm chí khi các thí nghiệm thuộc loại tôi vừa mô tả không chứng tỏ có mối liên quan giữa chứng ung thư và điện cao thế hay giữa thuốc chống suy nhược và ý muốn tự tử.
Tay ký giả gật đầu khuyến khích khi nạn nhân của chứng ung thư cam đoan với chúng ta là anh ta biết nguyên nhân căn bệnh anh ta mắc. Nhưng làm sao anh ta biết điều ấy (cái điều đi ngược lại kết quả các thí nghiệm khoa học) thì không hề được giải thích. Làm sao việc mắc chứng ung thư có thể đem đến sức mạnh thần thông giúp nhận ra nguyên nhân căn bệnh? Tất cả những gì anh ta biết là có một cột điện cao thế trên sân sau nhà và anh ta bị ung thư - cái thực tế không đủ để biết là chiếc cột điện cao thế kia là nguyên nhân dẫn đến chứng ung thư nọ.
CẢM ƠN CHÚA ĐÃ CHO CON TỒN TẠI
Cơ may cho sự tồn tại của mỗi chúng ta trên đời này thật vô cùng mong manh. Nếu mọi việc khác đi thậm chí chút ít thôi - nếu mảnh đạn ấy găm vào ngực ông nội bạn chếch sang bên phải thêm dăm phân, nếu chuyến tàu ấy không chậm giờ và cha mẹ bạn không gặp nhau nơi sân ga, nếu người chủ cửa hiệu thuốc ở đường Tottenham Court không hết bao cao su buổi tối ấy - thì bạn đã không tồn tại trên đời này. Tất cả những điều ấy mới dễ dàng không xảy ra làm sao. Nó khiến người ta đâm suy nghĩ, đúng không nào?
Thực tế, nó khiến người ta đâm suy nghĩ. Và nhiều người đi tới cái kết luận rằng nó rốt cuộc chẳng thể là một sự trùng khớp ngẫu nhiên. Chắc chắn không có gì quan trọng đến thế - sự tồn tại của tôi - lại có thể là tình cờ. Không, đấy là số phận, rằng cha mẹ tôi phải gặp nhau nơi sân ga, rằng người chủ cửa hiệu thuốc phải hết sạch mọi hộp Durex32, và rằng tinh trùng số 203.114 trong số hàng triệu tinh trùng cha tôi sản xuất ra buổi tối quyết định ấy phải là kẻ chiến thắng trong cuộc đua, thụ tinh cho trứng của mẹ tôi.
32 Một nhãn hiệu bao cao su. (ND)
Tính tự phụ ở suy nghĩ này thật hấp dẫn. Nếu mọi việc khác đi - nếu mẹ bạn không gặp cha bạn nơi sân ga, ví dụ thế - thì mặc dù bạn sẽ không tồn tại, một người khác sẽ tồn tại. Mẹ bạn sẽ gặp một người khác và sinh con đẻ cái với ông ta, thay vì với cha bạn. Và nếu mọi việc khác đi theo những cách khác, những người khác - những người bây giờ không tồn tại - sẽ tồn tại: thậm chí một tinh trùng khác từ cha bạn cũng có nghĩa là một con người khác rồi. Nói rằng sự tồn tại của bạn thuộc về số phận tức là nói số phận ưa bạn hơn trong số biết bao nhiêu người đã có thể tồn tại, nhưng bị sự tồn tại của bạn loại trừ. Bạn ắt hẳn thực sự đặc biệt.
Phần lớn những nhà thần học rất nhún nhường và bởi vậy không bao giờ tưởng tượng chuyện tiếp nhận một quan điểm mang tính tự kỷ trung tâm như vậy đối với việc họ xuất hiện trên cõi đời này ra sao. Nhưng nhiều người lại cố gắng sử dụng tới cái cơ may mong manh được tồn tại của con người, nếu chẳng phải là của con người cá nhân họ, để chứng minh cho sự tồn tại của Chúa Trời. Lập luận ấy phát triển theo đúng hướng vừa trình bày bên trên đây. Họ bắt đầu với việc lưu ý rằng nhân loại không chắc đã tồn tại nếu Chúa Trời không tồn tại. Và từ mỗi cái ý kiến đó, họ kết luận rằng Chúa Trời quả có tồn tại.
George Schlesinger đưa ra lập luận như sau:
Trong mấy thập kỷ qua, người ta đã khám phá ra con số lớn đến mức như trêu ngươi những trường hợp trùng khớp ngẫu nhiên hết sức hiếm gặp, tối cần thiết cho sự tồn tại của một vũ trụ ổn định ở mức tối thiểu và nếu không có chúng không dạng thức sống nào tồn tại được ở bất cứ đâu… Giả thuyết nêu lên rằng [những nhu cầu về sự sống] được tạo ra bởi một Đấng chí tôn quan tâm tới các hệ thống hữu cơ có tri giác đã giải thích đầy đủ cho cái thực tế đáng kinh ngạc mà, nếu không, không thể giải thích được này.33
33 George Schlesinger, Những triển vọng mới của tôn giáo cổ xưa, (Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp Cambridge, 1988), trang 130 -(TG)
Sự tồn tại của con người thực sự không chắc đã xảy ra. Các quy luật tự nhiên chi phối vũ trụ của chúng ta chỉ là một tập hợp trong số vô vàn những tập hợp các quy luật tự nhiên có thể tồn tại. Và nếu chúng chỉ hơi khác đi thôi, vũ trụ này sẽ chỉ là dòng xoáy các hạt hạ nguyên tử, không bị lệ thuộc vào các vật thuộc kích thước trung bình như đất đá, cây cối và con người. Và, thậm chí với các quy luật tự nhiên thực tế vốn vẫn tồn tại, lịch sử tiến hóa hẳn cũng đã biến đổi theo các cách khác, biết đâu không đem đến sự xuất hiện con người.
Do đó tiền đề của lý lẽ thần học này, rằng sự tồn tại của con người không chắc đã xảy ra, là đúng. Nhưng nó chẳng cung cấp cơ sở nào cho sự tin tưởng vào Chúa Trời. Việc chứng minh tại sao lại vậy sẽ hữu ích, vì việc đó làm sáng tỏ một lỗi phổ biến trong lập luận về xác suất. Tuy nhiên, trước khi nhận diện lỗi này, cũng dễ dàng nhìn ra là cái lý lẽ ấy thiếu căn cứ. Bởi nếu nó có căn cứ vững vàng, chúng ta có thể kết luận, chẳng cần đến bất cứ bằng chứng hỗ trợ nào, rằng tất cả các kiểu xổ số đều lừa lọc. Kết luận mà, tôi hy vọng bạn đồng ý, chúng ta làm sao có thể đưa ra.
Hãy giả sử nàng trúng xổ số. Cơ may đạt được điều này là vô cùng mong manh: chừng 1/15.000.000. Tất nhiên, trừ phi trò xổ số đó có sự gian lận thiên vị nàng. Hay, như George Schlesinger sẽ lập luận, giả thuyết nêu lên một thực tế đáng kinh ngạc rằng trò xổ số đó đã có sự gian lận; nếu không thì không thể giải thích được vì sao nàng trúng xổ số.
Không có gì đặc biệt đối với nàng. Hãy giả sử thay vì nàng, chàng trúng thưởng xổ số. Nếu trò xổ số chẳng gian lận thiên vị chàng, cơ may để chàng trúng thưởng cũng vô cùng mong manh. Vậy, nếu chàng trúng, chúng ta cũng kết luận được rằng trò xổ số tất đã có sự gian lận thiên vị chàng. Trên thực tế, với bất cứ người nào trúng, chúng ta cũng đều kết luận được rằng trò xổ số tất đã có sự gian lận thiên vị người này, vì nếu không còn lâu mới có chuyện người này trúng thưởng.
Cái lập luận độc đáo của các nhà thần học chính xác có cùng hệ quả như vậy. Hãy giả sử quy luật tự nhiên thực tế đã hơi khác đi và do đó nhân loại đã không tồn tại. Thế thì sẽ tồn tại những thứ khác. Và sự tồn tại những thứ khác này cũng không chắc chắn gì hơn chúng ta, vì nếu quy luật tự nhiên lại hơi khác đi, những thứ ấy lại không tồn tại. Tất nhiên, trừ phi Chúa Trời muốn chúng tồn tại. Vậy, bất kể quy luật tự nhiên có như thế nào, và tuân theo đó các thứ sinh vật, sự vật, sự việc tồn tại trong vũ trụ có như thế nào, tính không chắc đã có thể tồn tại của chúng luôn luôn dẫn đến cái kết luận rằng Chúa Trời vốn vẫn tồn tại.
Lỗi cơ bản ở luận cứ này là sự nhầm lẫn về xác suất. “Giả thuyết nào có khả năng đúng nhiều hơn?” Chúng ta được hỏi. “Con người ngẫu nhiên tồn tại hay Chúa Trời tạo ra con người?” Theo nguyên tắc chung, chúng ta phải tin những giả thuyết có khả năng đúng nhiều hơn. Và giả thuyết nào khiến sự tồn tại của chúng ta chắc chắn hơn? Hiển nhiên là giả thuyết nêu lên rằng Chúa Trời tạo ra chúng ta một cách có chủ ý.
Nếu bạn còn chưa nhận ra sự nhầm lẫn này, hãy xem xét thêm trường hợp khác nữa. Chàng vừa thắng trong một ván bài xì. Sự trợ giúp nào khiến kết quả đó được chắc chắn nhất? Một dây 10 J Q K A. Nếu chàng sở hữu một dây 10 J Q K A, chàng chắc chắn sẽ thắng. Vậy, liệu chúng ta có thể đi tới kết luận rằng chàng đã sở hữu 1 dây 10 J Q K A từ cái thực tế là chàng đã thắng không?
Hiển nhiên không. Vì xác suất nắm được một bộ dây 10 rất nhỏ, và thắng bằng một sự trợ giúp kém đắc lực hơn thì nhiều khả năng hơn. Sự trợ giúp khiến chàng có nhiều khả năng thắng không nhất thiết là một bộ dây 10, mặc dù thực tế một bộ dây 10 là sự trợ giúp mà, nếu chàng nắm được, sẽ đem đến cho chàng xác suất thắng lớn nhất.
Lỗi ngụy biện trong lập luận thần học của chúng ta bây giờ tất đã rõ ràng. Câu phát biểu:
1. Xét tới sự tồn tại của Chúa Trời, sự tồn tại của con người là có thể, không kéo theo câu phát biểu:
2. Xét tới sự tồn tại của con người, sự tồn tại của Chúa Trời là có thể.
Từ (1) suy ra (2) tức là phạm phải cùng một lỗi như khi từ cái thực tế là một bộ dây 10 đem đến khả năng thắng cao nhất suy ra việc chàng thắng khiến xác suất chàng nắm được một bộ dây 10 trở thành lớn nhất. Vậy luận cứ thần học này đã mắc khuyết điểm về cấu trúc.
Nó cũng không có tác dụng thậm chí nếu chúng ta sẵn sàng phạm phải lỗi nguỵ biện mang tính thống kê cần thiết kia. Điều gì khiến các nhà thần học nghĩ sự tồn tại của Chúa Trời khiến sự tồn tại của con người là có thể, theo cái cách một bộ dây 10 khiến việc thắng trong một ván bài xì là có thể? Chúa Trời đó, ngự ở bất cứ chỗ nào ngài ngự, suy ngẫm về tất cả các vũ trụ mà ngài có thể sẽ tạo ra, với các quy luật tự nhiên khác nhau của chúng, các hành tinh, các sinh vật, và mọi thứ chúng ta chẳng thể nào hình dung… và ngài lựa chọn vũ trụ này! Tôi không định buông mình vào kiểu tự hành xác mà những tín đồ Cơ Đốc giáo vốn vẫn ưa thích khi không thử chấp nhận luận cứ thần học này, nhưng tôi muốn nói: liệu đây có thể thực sự là lựa chọn sáng suốt nhất của Chúa Trời hay không?
Thậm chí xét tới sự tồn tại của Chúa Trời, sự tồn tại của chúng ta vẫn hoàn toàn là một vấn đề may rủi, vì nó vẫn hoàn toàn là một vấn đề may rủi rằng ngài thích kiểu vũ trụ này hơn những kiểu vũ trụ khác. Các nhà thần học sẽ giải thích sự trùng khớp ngẫu nhiên phi thường này bằng cách nào? Có lẽ Chúa Trời đã được tạo ra bởi một siêu thánh thích những đức Chúa Trời thích kiểu vụ trũ này hơn những kiểu vũ trụ khác. Tuy nhiên, điều ấy cũng lại là một vấn đề may rủi. Và thế thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có vô số Chúa Trời, mỗi vị giải thích những sở thích thiếu chắc chắn đến lạ thường của vị kế tiếp.
Tôi từng gặp một vài người, mà khi giải thích về độ tuổi quá già hay quá trẻ của cha mẹ mình, đã nói hết sức đơn giản: “Tất nhiên, tôi là cái kết quả của sự tình cờ”. Chà, nếu họ có thể thừa nhận việc đó, tại sao tất cả chúng ta lại không thể? Sự tồn tại của chúng ta chẳng phụ thuộc vào sở thích của Đấng chí tôn huyền thoại nào: nó chỉ là sự may mắn cực kỳ lớn lao. Tôi không biết tại sao người ta phải cảm thấy băn khoăn vì nó. Dù gì thì họ đã trúng tấm vé số cuộc đời!