V
ào thập niên 1980, tờ báo sinh viên trường Đại học Tổng hợp Auckland có một mục hàng tuần do vị giáo sĩ của trường phụ trách. “Trò chuyện cùng giáo sĩ” là cái tên chứa đựng tính khuyên giải được đặt cho mục này, và nội dung cũng phù hợp. Năm 1984, một mục mới xuất hiện song song với mục “Trò chuyện cùng giáo sĩ” - mục “Trò chuyện cùng giáo sĩ Ai Cập” - mà người phụ trách mục này mỗi tuần sẽ có một bài viết mô tả sơ lược đặc điểm một vị thần Ai Cập cổ đại: thần mặt trời Amon Ra và các thần khác.
Mục mới ấy không được Hội theo phái Phúc Âm trong trường hoan nghênh. Đây là hội tập trung những sinh viên Cơ Đốc giáo sùng đạo nhất. Họ viết thư gửi biên tập viên của tờ báo, yêu cầu chấm dứt cái mà họ coi như một liều thuốc báng bổ đưa ra hàng tuần.
Chàng biên tập viên kia đã không đáp ứng yêu cầu của họ. Thay vào đó, chàng ta cho đăng bài xã luận nhận xét rằng Hội theo phái Phúc Âm thiếu tính khoan dung. Bài xã luận kết thúc với câu khẩu hiệu: “Hãy tin tưởng những gì bạn tin tưởng, nhưng hãy biết chấp nhận đức tin của người khác”.
Chàng ta hẳn hài lòng với lời nhận xét dí dỏm ấy: khoan dung, phải, nhưng kiên định trước sự cuồng tín nguy hiểm. Không may thay, làm sao có thể tuân thủ sắc lệnh này khi bạn nghĩ đức tin của người khác là chẳng tài nào chịu đựng nổi. Và đấy chính xác là trường hợp với những người theo phái Phúc Âm đã bị xúc phạm.
Chàng biên tập viên tưởng sẽ giải quyết được mối bất hòa giữa tờ báo của chàng ta và những tín đồ Cơ Đốc giáo mà chẳng phải dính líu vào chuyện tranh cãi với lý lẽ thần học. Một đề nghị chung chung về tính khoan dung có thể là thủ thuật để đạt được điều đó. Tuy nhiên chàng ta đâu thực sự đạt được điều đó. Vì bạn sẽ chỉ chịu đựng nổi mục “Trò chuyện cùng giáo sĩ Ai Cập” trong trường hợp bạn không đồng ý với những người theo phái Phúc Âm rằng hình thức trò chuyện về các vị thần Ai Cập này sẽ dẫn tới ngọn lửa thiêu đời đời dưới Địa ngục. Hoàn toàn bỏ qua việc đáp ứng yêu cầu của những người theo phái Phúc Âm, chàng biên tập viên đơn giản cho là họ đã sai lầm về việc ấy. Cái đề nghị của chàng ta về lòng khoan dung chỉ là kiểu lý luận luẩn quẩn.
Lỗi lý luận luẩn quẩn chủ yếu nằm ở chỗ coi chính xác cái điều đang gây ra tranh luận là đương nhiên: mạo nhận là lý lẽ cái thực sự chỉ là một lời khẳng định về quan điểm của bạn.
Một ví dụ minh họa nữa sẽ hữu ích, vì lỗi lập luận này không dễ dàng nhận ra ngay như những lỗi lập luận được đề cập ở các chương trước.
Giả dụ chàng là người tán thành Chủ nghĩa Tự do, thuộc loại cho rằng chính sách mà chính phủ đưa ra phải tôn trọng quyền sở hữu tuyệt đối của từng cá nhân đối với thu nhập và mọi tài sản khác của họ, dù hệ quả liên quan đến tổng phúc lợi xã hội có như thế nào chăng nữa. Chàng cho rằng nên xóa bỏ việc thu thuế và phân phối lại của cải. Chàng cũng cho rằng những chức năng nhà nước tối thiểu - tư pháp và quốc phòng - nên được chi ngân sách bằng xổ số nhà nước, tiền phạt những kẻ tội phạm và chiến lợi phẩm từ các cuộc viễn chinh.
Nếu nàng giống như phần lớn những người chống quan điểm này, nàng sẽ phản đối rằng chính sách “phi thuế” của chàng sẽ dẫn tới nghèo khổ hàng loạt. Với lập luận ấy, nàng thừa nhận chính xác cái điều chàng phủ nhận: rằng hệ quả của việc đó chắc chắn khiến quyền sở hữu bị vi phạm. Nói cách khác, sự phản đối của nàng là lý luận luẩn quẩn. Nàng coi vấn đề họ đang tranh cãi là đương nhiên. Để phản bác chính sách “phi thuế” của chàng, nàng sẽ phải chứng tỏ rằng những quyền sở hữu không bao giờ thực sự tuyệt đối, rằng các hệ quả nào đấy, ví dụ tình trạng nghèo khổ hàng loạt, chắc chắn quan trọng hơn những quyền này.
Lý luận luẩn quẩn xuất hiện khi người ta không chạm tới được gốc rễ của sự bất đồng. Điều ấy có lẽ giải thích cho việc tại sao nó rất phổ biến. Để chạm tới được gốc rễ của sự bất đồng thông thường bạn sẽ phải xem xét tỉ mỉ những giả định cơ bản bạn có, vì thông thường thì sự bất đồng nằm ở đó. Nhưng đây có thể là một chuyện đáng khó chịu. Nhìn chung những giả định cơ bản này nảy ra mà chẳng cần một khoảnh khắc suy nghĩ nào cả và những suy nghĩ nghiêm túc về chúng rất có khả năng gây ra các cơn rung chuyển dữ dội về hệ tư tưởng. Tại sao bạn tin tưởng rằng người ta có những quyền sở hữu tuyệt đối? Hoặc không có? Hầu hết người ta thà bị vặn răng còn hơn đương đầu với các câu hỏi đại loại như vậy. Vì thế họ chẳng bao giờ đi đương đầu. Họ đơn giản coi câu trả lời hợp ý họ là đương nhiên, và nói xưng xưng qua mặt những ai không tán thành họ.
Dù nguyên nhân dẫn đến kiểu lý luận luẩn quẩn là gì, sự phổ biến của nó cũng có nghĩa nó thường xuyên không bị phát hiện. Nhưng hãy quan sát kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy nó ở hầu hết mọi cuộc tranh cãi. Các ví dụ được nêu ra đây chỉ là cái chóp của một núi băng trôi khổng lồ.
SỰ KHOAN DUNG
Lý luận luẩn quẩn đặc biệt hay xuất hiện trong các cuộc tranh cãi về những điều bị cấm đoán, từ cả hai phía. Như ở ví dụ về Giáo sĩ Ai Cập, những người thuộc phe tự do tư tưởng hay kêu gọi một nguyên tắc chung nào đấy về tính khoan dung, bất chấp quan điểm của phe đối nghịch chính xác cho là hành vi đang gây ra tranh cãi thật không thể chịu đựng nổi. Ví dụ đáng chú ý nhất là cuộc tranh cãi về việc phá thai, mà trong cuộc tranh cãi này đòn đáp trả nhằm vào những ai muốn luật pháp nghiêm cấm việc phá thai là: “Nếu bạn nghĩ việc phá thai là sai, tốt thôi, đừng phá thai của bạn. Nhưng hãy tỏ lòng khoan dung đối với người nào không chia sẻ ý nghĩ với bạn”. Chắc chắn tất cả, dù quan điểm riêng ra sao, cũng bắt buộc phải ủng hộ hợp pháp hóa việc phá thai.
Bất cứ ai từng thực sự lắng nghe một người chống phá thai đều chẳng thể đáp trả lại như vậy. Những người chống phá thai không coi việc phá thai là thứ lỗi lầm nào đấy trong phong cách sống, kiểu như phục vụ rượu vang trắng với món thịt bò hay lái xe SUV mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy vùng nông thôn. Họ coi đấy là giết người. Họ coi việc bỏ một cái thai về mặt đạo đức chẳng khác việc sát hại một người trưởng thành. Nếu quan điểm cấm phá thai của họ là sai thì không phải vì họ không đủ khoan dung đối với hành động giết người. Mà vì bỏ một cái thai không thực sự là giết người.
Tính khoan dung không liên quan gì trong cuộc tranh cãi về việc phá thai. Nếu phá thai không phải là giết người, không cần kêu gọi lòng khoan dung ở đây. Nếu phá thai là giết người, lòng khoan dung đối với nó là vô đạo đức.
Tất cả mọi người đều ủng hộ sự khoan dung - nhưng, dĩ nhiên, chỉ đối với cái gì đáng được khoan dung. Xác định điều này là việc không dễ dàng, nó có xu hướng làm nảy sinh bất đồng ý kiến. Và khi đã nảy sinh bất đồng ý kiến, việc tán dương lòng khoan dung chẳng ích gì, vì nó chẳng thể bảo cho chúng ta biết cái gì nên được khoan dung và cái gì không nên được. Giống như hầu hết các kiểu thuyết giáo, hành động này vừa sáo rỗng vừa khoa trương.
SỰ KHÔNG KHOAN DUNG
Không riêng phe tự do tư tưởng có xu hướng lý luận luẩn quẩn trong những cuộc tranh cãi về việc phá thai. Hãy xem xét những cuộc tranh cãi về ma túy. Ví dụ, tại sao pháp luật nên cấm hít cocaine? Một câu trả lời phổ biến là nếu được hợp pháp hóa người ta sẽ hít ác hơn.
Chà, phải! Đấy chính xác là lý do tại sao những người ủng hộ hợp pháp hóa việc hít cocaine sẽ ủng hộ hợp pháp hóa việc hít cocaine. Theo họ, ai muốn hít cocaine thì nhất định phải được hít mà không bị nhà nước ngăn cản. Quan điểm cho rằng hợp pháp hóa sẽ dẫn đến tình trạng hít cocaine ác hơn thừa nhận điều đang gây bất đồng: có lý do nào đấy khiến những người muốn hít cocaine không được hít.
“Nó sẽ diễn ra tràn lan hơn” là lập luận của những người ủng hộ việc cấm đoán một hoạt động, bất kể là hoạt động gì. Tôi từng nghe câu đó được viện dẫn chống lại hầu như mọi loại tội phạm không nạn nhân: từ sử dụng ma túy đến loạn luân do cả đôi bên ưng thuận. Nhưng nó là lập luận sai lầm, vì nó lôi kéo sự chú ý tới cái mà bạn nghĩ chắc chắn sẽ diễn ra với phe tự do tư tưởng: rằng họ sẽ thích được xả láng. Trong khi phận sự của những người ủng hộ việc cấm đoán một hoạt động là cho thấy tại sao hoạt động ấy phải bị cấm đoán. Nếu không, ý kiến phản đối chỉ đơn thuần là lý luận luẩn quẩn.
Cách biện luận phổ biến nhất của những người ủng hộ việc cấm đoán một hoạt động, những người cảm thấy nhu cầu chỉ ra cho người khác thấy tại sao lại không nên thực hiện hoạt động ấy, là khẳng định rằng nó có hại đối với chính bản thân người thực hiện, nó không thực sự là không nạn nhân. Cách biện luận này thông thường cũng luẩn quẩn, bởi những người theo Chủ nghĩa Tự do có xu hướng đồng tình với ông John Stuart Mill rằng không nên cấm đoán điều gì dựa trên cơ sở là nó có hại đối với người tự nguyện tham gia vào: làm hại người khác luôn luôn phải là yếu tố bắt buộc để điều gì đó bị cấm đoán.28 Tuy nhiên, thậm chí nếu chúng ta chấp nhận tính gia trưởng của những người ủng hộ việc cấm đoán, lập luận của họ rốt cuộc vẫn chưa trả lời đúng cái câu hỏi quyết định.
28 John Stuart Mill, “Bàn về quyền tự do”, tái bản trong cuốn Thuyết vị lợi (Glasgow, Fount, 1978), trang 126 - 250. (TG)
Lại xem xét chuyện hít cocaine. Chúng ta hãy công nhận mọi tác hại do hít cocaine gây ra. Nó có thể tàn phá bên trong mũi bạn. Sau một đêm liên tục hít chất ma túy này, bạn có thể cảm thấy phần nào mệt mỏi và dễ cáu bẳn. Nếu sử dụng các liều mạnh và thường xuyên, hiệu suất làm việc của bạn nơi công sở hay chốn phòng the sẽ sút giảm. Đây chắc chắn là những cái giá phải trả cho chuyện bạn hít cocaine, chưa kể khoản tiền 50 bảng một gram. Nhưng nếu người ta muốn cấm đoán điều gì đó dựa trên cơ sở mang tính gia trưởng, người ta cần cân nhắc không chỉ những cái giá phải trả, mà cả những lợi ích nữa.
Ví dụ, ăn cũng có khi cần đến nỗ lực và có khi khiến người ta gặp rủi ro. Tuy nhiên, chẳng kẻ đầu óc gia trưởng nào lại tính chuyện cấm ăn, vì lợi ích của nó lớn hơn những cái giá phải trả. Sự cấm đoán mang tính gia trưởng đúng đắn đòi hỏi không chỉ một danh sách những cái giá phải trả mà cả một bản phân tích cái hại - cái lợi. Cái hại phải lấn át cái lợi. Hành động bị cấm đoán phải là cái giá phải trả sau khi đã khấu trừ hết các lợi ích rồi.
Lợi ích chính của việc hít cocaine, có lẽ là lợi ích duy nhất, là khoái lạc mà nó mang lại cho người hít. Những người ủng hộ cấm hít cocaine không bao giờ xem xét tới lợi ích này. Họ sẽ thừa nhận vài lợi ích của việc hợp pháp hóa, ví dụ như việc hợp pháp hóa loại bỏ yếu tố tội phạm khỏi hành động buôn bán các chất ma túy, nhưng không bao giờ họ coi khoái lạc tăng lên do tăng cường hít cocaine là một lợi ích cả. Tuy nhiên, đó là toàn bộ ý nghĩa của việc hợp pháp hóa. Nếu bạn không xem xét tới nguyên nhân khiến người ta muốn làm điều gì đó, cái hại sẽ luôn luôn lấn át cái lợi. Hãy nhìn chuyện hôn nhau đấy. Nếu gạt đi cái thực tế là người ta thích thú việc ấy, những người ủng hộ nó chẳng có mấy lý lẽ để nói - nó chính xác là cách làm lan truyền mầm bệnh rất tốt. Cấm nó đi!
Những kẻ đầu óc gia trưởng, những kẻ nghĩ rằng hành động sử dụng cocaine là một cái giá phải trả sau khi đã khấu trừ hết các lợi ích rồi, ắt tin tưởng rằng khoái lạc không đủ bù đắp cho những cái giá phải trả. Nhưng đây chỉ là giả định đơn thuần, vì họ không thể biết những người khác coi khoái lạc có giá trị như thế nào. Và vì điều họ giả định chính xác là điều đang được tranh cãi, họ đã sa vào lý luận luẩn quẩn.
Tệ hơn. Điều họ giả định còn chắc chắn sai lầm. Những người thích hít cocaine sau khi cân nhắc tất cả những cái giá phải trả ắt càng coi trọng hơn khoái lạc mà họ được hưởng do hít cocaine. Bởi nếu không họ sẽ không thích hít cocaine nữa. Theo các nguyên tắc của họ, hành động hít cocaine là một lợi ích sau khi đã khấu trừ hết những cái giá phải trả rồi.
LÝ LUẬN LUẨN QUẨN TRONG CHÍNH TRỊ
Giống như nhiều lỗi khác, lỗi này chẳng phổ biến ở đâu bằng ở các cuộc tranh cãi chính trị. Điều này không đơn giản bởi chính trị gia là những con người bình thường tuy nhiên hay tranh cãi hơn số chúng ta còn lại. Mà bởi lý luận luẩn quẩn được động lực của chính trị hiện đại cực kỳ khuyến khích.
Như đã đề cập, nhằm tránh lý luận luẩn quẩn, bạn cần đưa đối thủ đi thẳng vào vấn đề đích thực của mối bất đồng và việc ấy đòi hỏi bạn trình bày rõ ràng quan điểm. Nhưng chính trị gia hiện đại, thông hiểu giới truyền thông nào sẽ muốn hành động như vậy? Điều này đặc biệt đúng khi vấn đề đích thực của mối bất đồng là cái có thể được gọi chung là hệ tư tưởng: học thuyết kinh tế, nguyên tắc tư pháp, vân vân và vân vân. Cử tri Anh nổi tiếng hay nghi ngờ những người thích nói chuyện hệ tư tưởng.
Tất nhiên, có các nguyên tắc là điểm quan trọng, chúng ta không muốn những chính trị gia vô nguyên tắc. Nhưng các nguyên tắc này phải được giữ ở nơi sâu kín tới nỗi chúng chẳng bao giờ nổi lên trên bề mặt. Cái giây phút một chính trị gia để lộ là chúng liên quan đến việc quyết định chính sách của mình… chà, anh ta có dáng vẻ một tay cuồng tín nguy hiểm.
Ví dụ, một ông thủ tướng nổi tiếng sùng đạo trong vài cuộc phỏng vấn, ông được hỏi điều này ảnh hưởng tới việc quyết định chính sách của ông như thế nào. Ông luôn luôn khăng khăng rằng nó là chuyện hoàn toàn riêng tư, không liên quan gì đến vai trò thủ tướng. Bạn thấy đấy: có nguyên tắc, nhưng không phải một tay cuồng tín nguy hiểm.
Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ một chút, quan điểm của ông thủ tướng khiến người ta phải bối rối. Ông ắt hẳn tin tưởng rằng linh hồn nhiều công dân đang lâm nguy, họ, suy cho cùng, đã thay thế việc cầu nguyện và đi lễ nhà thờ bằng thông dâm và sử dụng ma túy. Những linh hồn lầm lạc này có nguy cơ nghiêm trọng bị thiêu đốt đời đời bởi ngọn lửa Địa ngục hoặc ít nhất cũng mất cơ hội lên Thiên đàng. Chẳng kỳ quặc sao khi điều ấy không khiến ông thủ tướng quan tâm, và ông hiến dâng sức lực của mình vào ba cái chuyện lặt vặt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong quãng thời gian ngắn ngủi chúng ta ở trên Trái Đất - giao thông công cộng, giáo dục đại học cho người nghèo và thay khớp hông cho các ông lão, bà lão thọ bát tuần? Cái hông bằng chất dẻo ấy đâu ích lợi gì cho bạn dưới Địa ngục!
Ông ta có thể có sự kết hợp giữa các niềm tin tôn giáo và chính trị giải thích cho thái độ chán chường của ông trước những công dân Anh đang bị quăng vào lãng quên. Nhưng, nếu ông có, ông cũng không bảo với chúng ta sự kết hợp đó là gì. Ông chẳng cần bảo, bởi việc chúng ta ghét nói chuyện hệ tư tưởng có nghĩa sẽ không ai theo đuổi vấn đề này. Bất cứ ai theo đuổi vấn đề này sẽ mang dáng vẻ một tay cuồng tín nguy hiểm.
Những chính trị gia Anh khôn ngoan giữ hệ tư tưởng của họ cho riêng họ thôi. Nhưng họ phải bất đồng quan điểm với các đối thủ. Và vì vậy tranh cãi chính trị trở thành một bãi lầy lý luận luẩn quẩn, mà ở đó, những cơ sở đích thực của mối bất đồng, những điểm của nguyên tắc chung khiến các chính trị gia phản đối hoặc tán thành một chính sách, chỉ được nêu lên mơ hồ bằng các phát biểu của họ trước công chúng.
Hãy lấy một ví dụ có tính thời sự. Liệu chính phủ có nên tăng thuế để chi thêm ngân sách cho Cơ quan Y tế Quốc dân (NHS), như mới đây đã tiến hành không? Điều ấy phụ thuộc vào các câu trả lời cho các câu hỏi tổng quát hơn: về vai trò thích đáng của nhà nước đối với sức khỏe công dân, về những ảnh hưởng mang tính kinh tế của hệ thống thuế, về hiệu quả tương đối của dự trữ nhà nước so với dự trữ tư nhân, vân vân và vân vân. Nhưng không vấn đề nào trong số này được các chính trị gia tranh luận một cách rõ ràng cả. Bạn biết rằng họ có quan điểm về những vấn đề này, ít nhất là ở dạng sơ lược, nhưng chỉ thông qua các phát biểu khác của họ. Và vì họ không đi thẳng vào những điểm đích thực của mối bất đồng, những gì họ nói thông thường là kiểu lý luận vòng vo, luẩn quẩn.
Ông bộ trưởng tài chính bảo vệ việc tăng thuế dựa trên cơ sở nó sẽ giúp nhiều bệnh nhân được chữa chạy tại các bệnh viện của NHS hơn. Ai nghi ngờ điều này? Trừ phi công tác quản lý của NHS thậm chí còn vụng về hơn hiện nay người ta thấy, khó hình dung nổi hàng tỷ bảng ngân sách chi thêm ấy lại không giúp thêm vài bệnh nhân được chữa chạy. Nhưng, trong bối cảnh cuộc tranh cãi đang diễn ra, lý luận bảo vệ việc tăng thuế ấy là lý luận luẩn quẩn. Vì những người chống chính sách này cho rằng nhà nước nên đóng một vai trò khiêm tốn hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân được chữa chạy tại các bệnh viện của NHS hơn chính xác là điểm mà họ coi là sai lầm ở chính sách này, thậm chí nếu họ không bước ra và phát biểu đơn giản như vậy.
NHỮNG SỰ THỪA NHẬN ĐƯỢC CHE ĐẬY
Xem chừng những câu tuyên bố rõ ràng có thể lại bao hàm những sự thừa nhận gây tranh cãi. Ví dụ, việc mô tả chính sách cắt giảm thuế thu nhập như một kiểu “cho tặng” thừa nhận rằng tổng thu nhập của một công dân không thuộc quyền sở hữu của anh ta mà, đúng hơn, là tài sản của chính phủ. Việc mô tả kế hoạch chi tiêu của ông bộ trưởng tài chính là hào phóng cũng bao hàm sự thừa nhận giống như vậy. Đức hào phóng đâu chứa đựng trong hành động cho đi tiền của người khác: nó đòi hỏi bạn phải cho đi tiền của bạn cơ.
Có thể đúng, tổng thu nhập của mỗi người là tài sản của chính phủ, nhưng nếu bạn chỉ đơn giản thừa nhận điều đó trong một cuộc tranh cãi với một người không đồng quan điểm, bạn sa vào lý luận luẩn quẩn. Điều này có nghĩa bạn cũng vẫn lý luận luẩn quẩn khi sử dụng những lời lẽ ngấm ngầm thừa nhận điều đó, đại loại như mô tả việc chi tiêu của chính phủ là hào phóng.
Chẳng riêng các câu tuyên bố có thể là thứ lý luận luẩn quẩn được che đậy, các câu hỏi cũng có thể. Câu hỏi: “Ông đã thôi đánh đập bà nhà chưa?” là ví dụ tuyệt vời. Dù trả lời “đã” hay “chưa”, bạn xem chừng đều khẳng định mình là kẻ vũ phu. Nhưng nếu vấn đề bạn có phải là kẻ vũ phu hay không đang là vấn đề gây tranh cãi, câu hỏi kia sa vào kiểu vòng vo.
Kể cả các cái tên cũng có thể sa vào kiểu vòng vo, luẩn quẩn. Phong trào Hòa bình trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cung cấp một ví dụ hay. Thành viên Phong trào Hòa bình bao gồm những người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, thậm chí là giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương ở phương Tây. Họ cho rằng việc này sẽ thúc đẩy hòa bình và cứu thế giới khỏi cuộc tận diệt hạt nhân. Những người đối lập quan điểm lại tin tưởng vào sự răn đe hạt nhân. Họ cho rằng nó sẽ thúc đẩy hòa bình và cứu thế giới khỏi cuộc tận diệt hạt nhân. Bạn sẽ công nhận rằng một phe trong cuộc tranh luận này đã quá táo bạo khi tự dán nhãn cho mình là Phong trào Hòa bình.
Phải một kẻ thông thái rởm kinh khủng mới lo lắng về những sự thừa nhận gây tranh cãi ngấm ngầm như vậy, và bản thân vẻ thông thái rởm cũng mang tiếng xấu rồi. Nhưng đừng để điều ấy làm bạn khó chịu. Theo lời Bertrand Russel, một kẻ thông thái rởm chỉ là một kẻ thích được mọi người coi quan điểm của mình là đúng.