S
ự mập mờ đôi khi vô hại, miễn rằng chúng ta rõ ràng về nghĩa mình sử dụng. Rắc rối nảy sinh khi chúng ta trượt giữa hai nghĩa (mặc dù nếu muốn lý lẽ có giá trị chúng ta phải nhất quán theo một nghĩa thôi): đó là khi chúng ta nói năng lập lờ.
CÁI NGHÈO VÀ CÁI NGHÈO
Những lời lẽ lập lờ được sử dụng vì các mục đích khác nhau. Chúng ta đều biết bọn con trai sẽ cứ là bọn con trai. Câu tục ngữ ấy lợi dụng hai nghĩa của từ “con trai” để biến cái trông bên ngoài là một phép lặp thừa thành một câu mang thông tin đáng kể. Bọn con trai (nam giới dưới một độ tuổi nhất định) sẽ cứ là bọn con trai (những thằng ôn ngỗ ngược gây rắc rối triền miên cho tất cả mọi người xung quanh).
Tuy nhiên, thông thường hơn, sự mập mờ được sử dụng để, khi không có sự giúp đỡ của bất kỳ lý lẽ ủng hộ nào, chuyển từ một khẳng định rõ ràng, căn cứ trên sự việc sang một khẳng định đầy tính đánh giá về đạo đức. Ví dụ từ chính phủ Công đảng sẽ minh họa cho thủ thuật này.
Chẳng bao lâu sau khi lên cầm quyền năm 1997, chính phủ Công đảng mới thông báo thực tế gây sửng sốt là 35% trẻ em Anh sống trong cảnh nghèo khổ. Sao lại vậy được chứ, ở một nước giàu như nước Anh? Trước chuyện này, chắc chắn sẽ phải làm một việc gì đó!
Có những người sẽ tin bất cứ chuyện tồi tệ nào, nhưng chuyện này thực sự cần đến tính nhẹ dạ. Những người thất nghiệp là những người bần cùng nhất ở nước Anh. Con cái họ được nhà ở, được chăm sóc sức khỏe và đến trường không mất tiền. Họ được trợ cấp một khoản tiền mặt khiêm tốn để ăn, mặc, đi lại.25 Hầu hết những người bần cùng nhất ở nước Anh đều sở hữu hoặc thuê được điện thoại, ti-vi, tủ lạnh, lò nướng, máy stereo, và thậm chí cả ô-tô nữa. Cái ý tưởng rằng 35% trẻ em Anh sống trong cảnh nghèo khổ thật không thể tưởng tượng nổi.
25 Nhà ở, dịch vụ y tế và giáo dục không bao giờ thực sự miễn phí. Những người làm nghề xây dựng, các y tá, giáo viên, hết thảy đều phải được trả lương, và ai đó phải chi tiền. Điều này hay bị quên đi bởi những người cứ một mực rằng, ví dụ, giáo dục “nên miễn phí cho tất cả”. Đây đơn giản là việc bất khả thi. Chắc chắn sẽ có người nào đó trả tiền, vấn đề chỉ là ai trả tiền. “Không phải tôi” là câu trả lời phổ biến, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều được phép trả lời vậy. (TG)
Rồi thì hóa ra là khi chính phủ nói “nghèo khổ”, họ muốn nói một điều hoàn toàn riêng biệt. Khi bạn nghe tới từ “nghèo khổ”, hẳn bạn hình dung thấy những gia đình phải vật lộn kiếm miếng ăn, mặc các thứ quần áo đã sờn mòn, sống trong các tòa nhà xập xệ, nguy hiểm, không thể cho con cái đến trường, không thể có bác sĩ chữa chạy cho con cái lúc đau ốm. Nhưng đấy là cách nhìn nhận khá cổ lỗ về cái nghèo và không hề là cách tiếp cận vấn đề của một đảng chính trị hiện đại như Công đảng. Không, khi Công đảng nói một người nào đó nghèo khổ, họ muốn nói thu nhập tính theo hộ gia đình của người này thấp hơn 60% thu nhập quốc dân trung bình. 35% trẻ em sống trong cảnh nghèo khổ vì chúng sống trong những gia đình mà thu nhập thấp hơn 60% thu nhập quốc dân trung bình.
Chính phủ Công đảng không hiểu về “sự nghèo khổ” theo cách chúng ta vốn vẫn hiểu. Nếu điều ấy đối với bạn chưa rõ ràng, hãy xem xét cái thực tế là một chính sách làm giảm thu nhập của bạn sẽ có thể nhấc bạn ra khỏi sự nghèo khổ, miễn sao nó làm giảm thu nhập của những người giàu nhiều hơn. Ngược lại, việc tăng thu nhập của người nghèo sẽ chẳng nhấc được họ ra khỏi cảnh nghèo trừ phi đi kèm tỷ lệ tăng thu nhập thấp hơn ở người giàu. Kể từ năm 1979, thu nhập thực sự của tất cả đều tăng. Nhưng số người nghèo (theo kiểu tính toán Công đảng) cũng tăng, vì có sự khác biệt lớn hơn giữa thu nhập cao và thu nhập thấp.
Công đảng đã đưa một tiêu chuẩn phân loại mới vào thảo luận chính sách: cụ thể là “thu nhập hộ gia đình thấp hơn 60% thu nhập quốc dân trung bình”. Tiêu chuẩn phân loại này có thể hữu ích đối với việc nắm bắt những hiện tượng xã hội nhất định, có lẽ nhóm người này có tỷ lệ phạm tội hay bạo lực gia đình cao bất thường, cho dù mức thu nhập tuyệt đối là như thế nào chăng nữa. Nhưng việc sử dụng cụm từ “sự nghèo khổ” cho tiêu chuẩn phân loại này đơn giản sẽ gây hiểu nhầm. “Sự nghèo khổ” vốn vẫn được hiểu hết sức rõ ràng và theo một nghĩa hoàn toàn khác.
Thuận lợi cho Công đảng khi sử dụng cụm từ này là cái nghèo, như vốn vẫn được hiểu, tạo nên những liên hệ mang tính đánh giá mạnh mẽ, khiến tất cả chúng ta đều đi tới kết luận rằng: “Chắc chắn sẽ phải làm một việc gì đó!” Hãy nói với tôi đơn giản là 35% trẻ em Anh sống trong các gia đình có thu nhập thấp hơn 60% thu nhập quốc dân trung bình và tôi thực sự không chắc sẽ phải làm một việc gì đó, đặc biệt nếu tài sản tuyệt đối của các gia đình kia đủ đảm bảo chăm sóc sức khỏe và cơ hội học tập, phát triển. Để đi từ số liệu này tới kết luận rằng sẽ phải có thay đổi về chính sách đòi hỏi rất nhiều lý lẽ tranh luận. Nhưng lý lẽ tranh luận là thứ tẻ nhạt và trở nên chẳng cần thiết khi tiêu chuẩn thống kê được dán nhãn “sự nghèo khổ”.26
26 Phương pháp đánh giá sự nghèo khổ tương đối của chính phủ được đề cập chi tiết hơn ở phần “Tình trạng nghèo khổ ở Anh”. (TG)
CÁC GIẢI PHÁP BẰNG LỜI LẼ
Những kẻ nói lập lờ nước đôi hay cố gắng thay thế sự lao động vất vả về tri thức bằng trò ảo thuật về ngữ nghĩa học. Định nghĩa lại, hay trượt giữa các nghĩa khác nhau của cùng một từ, không thể nào đem đến bữa trưa tri thức miễn phí, nơi bạn đạt tới các kết luận chứa đựng thông tin bổ ích mà không phải trả tiền dưới dạng những chứng cứ và lý lẽ tranh luận. Và nếu nó không giải quyết được các vấn đề mang tính tri thức, nó cũng không giải quyết được các vấn đề mang tính thực tiễn. Nhưng đánh lừa với câu chữ dễ dàng hơn đương đầu với thực tế nhiều, và thông thường việc này hết sức hấp dẫn đối với các nhà làm chính sách đã mệt mỏi.
Chính phủ gần đây nhất của đảng Bảo thủ tin tưởng rằng nước Anh sẽ nhận được lợi ích từ một nhóm người trình độ học vấn cao hơn. Cụ thể thì họ muốn đào tạo ra nhiều công dân có trình độ đại học hơn. Chẳng cần quan tâm tại sao họ muốn thế; chúng ta hãy cứ đơn giản coi đấy là mục tiêu của họ. Vấn đề nằm ở chỗ đạt được mục tiêu này. Tăng đáng kể số sinh viên đại học đòi hỏi phải tăng đáng kể sức chứa của hệ thống trường đại học Anh - phải lập nhiều trường hơn hay ít nhất cũng phải mở rộng diện tích những trường đã có. Đây hẳn là một viễn cảnh đáng nản lòng, vừa tốn kém vừa mất thời gian, vì sẽ mất nhiều năm để đào tạo các giảng viên đại học mới.
Rồi tới cái khoảnh khắc cất tiếng reo Eureka! Kẻ nào đấy rốt cuộc nảy ra được cái ý tưởng sau đây: hãy gọi các trường cao đẳng kỹ thuật là trường đại học. Thật đáng kinh ngạc! Ngay lập tức xuất hiện hàng chục trường đại học mới mà hầu như chẳng phải tiêu lấy một xu. Thế là, trong thập niên 1990, số trường đại học ở Anh tăng gần gấp đôi.
Vấn đề là chính sách này không có bất cứ tác dụng nào đối với số lượng hay chất lượng giáo dục đang được thực hiện ở Anh. Nên nó chẳng thể đem đến điều người ta mong muốn: một lực lượng có trình độ học vấn cao hơn. Nó chỉ đem đến nhiều người mang danh có trình độ đại học hơn. Sai lầm giống như khi nghĩ rằng bạn sẽ biến được tất cả mọi người thành giàu có bằng cách phá giá đồng nội tệ: hãy xem có bao nhiêu triệu phú ở Thổ Nhĩ Kỳ kìa.
Bạn chẳng thể thay đổi thế giới chỉ bằng cách mô tả nó khác đi, hay sử dụng những từ ngữ mới dễ chịu thay thế cho những từ ngữ cũ khó chịu. Nếu cái chuồng tiêu của bạn bốc mùi, bạn sẽ không khiến nó thơm tho hơn bằng cách gọi nó là nhà vệ sinh công cộng. Bạn cần cọ rửa nó. Và một người què quặt sẽ không đứng lên đi lại được chỉ vì bạn gọi tình trạng ở anh ta là “có sự thay đổi về sức mạnh thể chất”.
Tất nhiên, qua thời gian, từ ngữ có thể dần dần mang những hàm ý xấu, và chỉ người nào thích tán thưởng những hàm ý đó mới tiếp tục sử dụng chúng.
“Nhọ” là một ví dụ điển hình. Nhưng bản thân việc cấm gọi bất cứ ai là “nhọ”, hoặc thậm chí cấm nhắc tới từ “nhọ”, sẽ không loại bỏ được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc cải thiện được địa vị của người Mỹ da đen. Trái lại, nếu Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc vẫn còn tồn tại, các cách gọi khác dành cho người da đen sẽ bắt đầu mang những hàm ý không mong muốn.
Những uyển ngữ có xu hướng tự xuất hiện tính tiêu cực. Cái thực tế là bạn cảm thấy cần phải sử dụng một uyển ngữ chứng tỏ bạn có một quan điểm lờ mờ về cái mà nó ám chỉ. Chẳng bao lâu sau, nếu số người chia sẻ sự chán ghét với bạn đã đủ, uyển ngữ kia sẽ mất đi sức mạnh của nó và tất cả các cách liên tưởng cũ sẽ tự trở về. Ở một nước bị ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc như nước Mỹ, luôn luôn nảy sinh sự cần thiết một tên gọi khác cho người da đen. Và khi có một tên gọi khác rồi, chúng ta sẽ lại hiểu nó theo hàm ý xấu, tất cả lúc nào cũng tìm kiếm một kiểu biểu đạt hay ho tiếp theo. Nhiều người London gần đây thích sử dụng từ “bathroom” của người Mỹ, các từ “toilet” và “lavatory” của người Pháp đã mất đi âm hưởng sạch sẽ kỳ diệu.27
27 Các từ chỉ nhà vệ sinh. (ND)
Uyển ngữ thông thường không gây nên vấn đề nghiêm trọng nào. Chúng thể hiện một thái độ câu nệ nhất định, nhưng người ta vẫn biết chúng muốn nói gì. Tuy nhiên, những lời lẽ lập lờ là sự hư hại về tri thức nghiêm trọng. Dù vô tình hay hữu ý, đó cũng là một kiểu đánh lừa. Hãy cảnh giác với nó khi một đường lối lập luận nghe có vẻ thiếu tính tin cậy - khi, từ định nghĩa đơn giản của các từ, người ta đi đến những kết luận có tác dụng nâng cao kiến thức thực tế, hoặc những kết luận đầy giá trị được rút ra từ những gì thuần túy sự việc. Cả hai kiểu lập luận này đều không logic. Mọi thành công bề ngoài chắc chắn đều nhờ sự hiện diện của những lời lẽ lập lờ nước đôi, mà người ta đưa vào lý lẽ tranh luận ở chỗ nào đấy.