T
rong những ngày trước khi tôi rời New Zealand sang Anh, các cuộc trò chuyện trong bữa tối của cha tôi bắt đầu có một chủ đề mới. Tối nào ông cũng mời tôi thưởng thức các món ăn bằng câu nói: “Con sẽ không được ăn món này bên Anh đâu. Tất cả những gì người Anh họ ăn chỉ là…”. Tối hôm nay thì là thịt bò quay, tối ngày mai thì là bít tết và bánh nướng nhân bít tết bằm trộn với cật lợn, rồi thì là thịt hầm cả tảng, vân vân và vân vân: mỗi tối lại một món là kiểu người ta ăn bên Anh.
Sau vài ngày, mẹ tôi bắt đầu cáu tiết với chủ đề trò chuyện này và quyết định từ chỗ khó chịu đảo mắt chuyển sang phản bác thích đáng. Một buổi tối, cha tôi khẳng định rằng tất cả những gì người Anh họ ăn chỉ là cá tẩm bột rán giòn kèm khoai tây chiên.
“Thế món xốt thịt Bisto thì sao?” Mẹ tôi sắc bén can thiệp vào.
“Thì sao?” Ông chủ gia đình can đảm đáp trả.
“Món xốt thịt Bisto xuất xứ từ nước Anh đấy”, bà bảo ông.
“Đúng, nhưng người ta đâu có cho xốt thịt lên trên món cá và khoai tây chiên!”
Nhớ lại cuộc đối thoại bên bàn ăn tối này, tôi không rõ lúc đó cha tôi bắt đầu lẩm cẩm vì tuổi già hay cha tôi chỉ đang thích thú được chọc tức chúng tôi thôi. Dù thế nào, bạn cũng sẽ thừa nhận rằng mẹ tôi mới giành phần thắng. Câu tuyên bố là ở Anh người ta có dùng món xốt thịt Bisto không nhất quán với câu khẳng định là ở Anh người ta xơi độc món cá tẩm bột rán giòn kèm khoai tây chiên. Cả hai điều này chẳng thể nào đều đúng được. Và vì quả thật người Anh có dùng món xốt thịt Bisto, câu nói là người Anh xơi độc món cá tẩm bột rán giòn kèm khoai tây chiên phải sai chứ. Câu đáp trả của cha tôi, rằng thậm chí người Anh cũng không cho món xốt thịt lên trên cá và khoai tây chiên, mặc dù được đưa ra một cách đắc thắng, đơn giản đã khẳng định câu phản luận.
Phản ứng của cha tôi trước vấn đề xốt thịt Bisto là sự thiếu nhất quán cố ý. Ông khó mà phủ nhận nổi cái thực tế là Bisto xuất xứ từ nước Anh.
Nhưng ông không chịu để những lời khái quát hóa của mình bị bác bỏ. Ông đơn giản đã duy trì một quan điểm thiếu nhất quán: rằng người Anh xơi độc món cá tẩm bột rán giòn kèm khoai tây chiên, đồng thời người Anh còn dùng món xốt thịt Bisto nữa. Tình thế của ông thật vô vọng, tuy nhiên nếu bạn từng trải qua thời kỳ suy thoái, Thế chiến thứ hai và thuế suất doanh nghiệp nhỏ 66%, một chút tự mâu thuẫn thì đáng sợ gì?
Sự mâu thuẫn trắng trợn như vậy khiến người ta chú ý. Khi những câu khẳng định thiếu nhất quán được đưa ra quá lộ liễu, hầu hết người ta cảm thấy cần phải bác bỏ ít nhất lấy một câu. Chỉ người nào điên rồ hay say rượu mới thẳng thừng tuyên bố những điều mà tất cả mọi người đều thấy là không thể: những điều mà, vì chứa đựng sự mâu thuẫn nội tại, chắc chắn chứa đựng sự không chính xác.18
18 Nên lưu ý hai kiểu mâu thuẫn. Hai câu tuyên bố có thể trái ngược nhau, và ít nhất một trong hai câu phải sai hoặc có thể cả hai cùng sai. “Jack ra đời ở Jamaica” và “Jack ra đời ở Barbados” là kiểu mâu thuẫn thứ nhất, còn “Jack ra đời ở Jamaica” và “Jack không ra đời ở Jamaica” là kiểu mâu thuẫn thứ hai. (TG)
Nhận ra được mọi hệ quả mang tính logic của mọi điều chúng ta tin vào vượt quá năng lực trí tuệ, cũng như ý chí, con người.
Chỉ với vài câu đơn giản dễ hiểu (các tiên đề Peano19), có thể vạch ra được mọi sự thật về dãy số tự nhiên. Nhưng phần lớn chúng ta không có khả năng làm việc này. Và thậm chí những nhà toán học có khả năng làm việc này chắc chắn cũng sẽ thất bại ở việc khác: trong những ngóc ngách của đầu óc họ luôn luôn tồn tại những niềm tin mâu thuẫn nhau.
19 Tiên đề Peano: I. Có một số tự nhiên 0, II. Với mọi số tự nhiên a, tồn tại một số tự nhiên liền sau, ký hiệu là S(a), III. Không có số tự nhiên nào mà số liền sau của nó là 0, IV. Hai số tự nhiên khác nhau thì phải có hai số liền sau tương ứng khác nhau: nếu a ≠ b thì S(a) ≠ S(b), V. Nếu một tập hợp các số S chứa số 0 và cũng chứa số kế tiếp của tất cả các số thì tập hợp S chứa tất cả các số. (TG)
Đòi hỏi sự nhất quán hoàn toàn là vô ích. Nhưng không thể toàn vẹn không có nghĩa chúng ta không nên trông chờ gì. Chỉ cần những nỗ lực nhỏ nhất cũng xác định và loại được hầu hết các mâu thuẫn vốn vẫn đầu độc các cuộc tranh cãi phổ biến. Ví dụ, chẳng khó khăn lắm mới xác định được sự mâu thuẫn trong hai niềm tin thông thường đi đôi với nhau - chính phủ nên cắt giảm thuế và chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn.20
20 Các câu này không mâu thuẫn một cách trực tiếp, vì chính phủ có hai nguồn ngân quỹ khác ngoài thuế: lợi nhuận từ nhóm doanh nghiệp nhà nước và những khoản vay. Tuy nhiên, hầu như không ai ủng hộ việc quay lại cái thời nhà nước còn sở hữu nhiều doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp này thông thường chỉ đem đến thua lỗ chứ chẳng phải lợi nhuận. Và vay để chi tiêu, mặc dù là nên trong thời kỳ suy thoái, không thể duy trì về lâu về dài, ít nhất nếu lãi suất vay cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Về lâu về dài, việc chi tiêu phải lấy từ thuế. Quan điểm đó, nằm trong tư tưởng hầu hết các cử tri, kết hợp với những niềm tin rằng chính phủ cần cắt giảm thuế đồng thời lại cần chi tiêu nhiều hơn làm thành bộ ba mâu thuẫn. (TG)
Yêu cầu cử tri điều này chắc chắn không phải là quá đáng. Đặc biệt một khi sự mâu thuẫn đã được nhận ra.
Đây là chương giúp độc giả xác định hai kiểu mâu thuẫn thông thường không được nhận ra. Còn có vô số các kiểu mâu thuẫn khác nữa, tuy nhiên tôi chưa thể sắp xếp chúng theo từng nhóm nhất định.
NHỮNG CÂU KHÁI QUÁT HÓA BÓNG GIÓ
Các nhà khoa học và đám người vui chuyện mồm miệng mạnh bạo hay lộ liễu nêu những câu khái quát hóa. Họ xuất hiện và cứ nói một cách đơn giản những điều đại loại như: “Mọi vật không có lực tác dụng vào sẽ vẫn đứng yên một chỗ” hoặc “Ở Anh, người ta xơi độc món cá tẩm bột rán giòn kèm khoai tây chiên”. Sự rõ ràng này khiến chúng ta không khó khăn gì mới chỉ ra được thực tế mâu thuẫn với những câu khái quát hóa đó: một vật chuyển động mà không có lực tác dụng vào hoặc một món ăn Anh mà không phải món cá rán kèm khoai tây chiên, ví dụ như món xốt thịt Bisto chẳng hạn.
Tuy nhiên, sự rõ ràng như vậy rất ít gặp trong các cuộc tranh cãi giữa chốn công cộng cũng như riêng tư. Thông thường hơn, các câu khái quát hóa chỉ là bóng gió. Và lúc này, sẽ khó khăn hơn để nhìn thấy điều gì đó mâu thuẫn với chúng. Sự mâu thuẫn, tương tự sự khái quát hóa, chỉ là ngấm ngầm.
Bạn có thể nghĩ rằng việc tự mâu thuẫn với bản thân trước công chúng sẽ giúp cho bạn hùng biện thành công chỉ khi bạn là một giáo sĩ phái Phúc Âm diễn thuyết trước những con chiên hay là một nhân vật nào đấy cũng không bị chú ý bởi những người có óc phê phán. Chao ôi, không. Tony Blair được công nhận là bậc thầy về các bài phát biểu mang tính chính trị hiện đại, và để có thể tỏ ra ôn hòa, ông ta sẽ tự mâu thuẫn với bản thân trước công chúng chẳng do dự. Quan điểm của ông ta về vấn đề săn cáo là một ví dụ.
Tháng Chín năm 1999, ông Thủ tướng cố gắng làm các tay say mê môn thể thao gây đổ máu này thấy rằng ông ta không thuộc loại cuồng tín. Ông ta viết một bài trên tờ Điện tín hàng ngày nhấn mạnh, mặc dù phản đối việc săn cáo và sẽ bỏ phiếu ủng hộ luật quy định việc săn cáo là phạm tội, ông ta là người bảo vệ kiên cường các môn săn bắn hay câu cá:
Sẽ không có lệnh cấm các hoạt động săn bắn hay câu cá. Xin cho phép tôi diễn đạt thật rõ ràng. Chừng nào tôi còn là Thủ tướng, tôi cam đoan rằng Chính phủ sẽ không ban hành bất cứ lệnh cấm nào.21
21 Ở đây, ông Blair dường như khẳng định những quyền mà ông không có. Làm sao Thủ tướng cam đoan được rằng Quốc hội sẽ không bỏ phiếu ủng hộ một lệnh cấm săn bắn và câu cá? Ông không có độc quyền trình bày các dự luật trước Quốc hội, cũng không có quyền phủ quyết như của Tổng thống. (TG)
Trong bài viết ấy, ông Blair khẳng định những lo ngại về mối đe dọa luật pháp đối với các hoạt động săn bắn và câu cá đã bị kích động bởi các thành viên của nhóm vận động hành lang ủng hộ môn săn cáo, muốn cường điệu hóa mối đe dọa đối với lối sống nông thôn. Có thể như vậy. Nhưng hành vi vu cáo duy nhất chống lại ông Blair mà bè lũ tung tin đồn nhảm kia cần đến là buộc tội ông ta vì sự nhất quán.
Lấy chuẩn mực nào để coi việc săn cáo là đáng ghét mà không lên án một cách tương tự việc săn bắn hay câu cá? Phần lớn những nhà hoạt động chống săn cáo cho rằng việc săn cáo phải bị cấm vì nó tàn bạo. Vậy săn bắn hay câu cá lại chẳng tàn bạo sao? Một cái móc ở mồm cá hoặc một viên đạn ở bụng con thú nào đấy thì tử tế hơn nhiều so với hàm răng chó ngoạm yết hầu cáo? Điều gì làm thành sự khác biệt giữa săn cáo và săn bắn khiến cho săn cáo thì bị cấm còn săn bắn thì được bảo vệ bằng mọi giá?
Bằng việc ủng hộ săn bắn và câu cá, ông Blair ngầm đồng ý rằng hành vi tàn bạo đối với các loài vật là chưa đủ cơ sở để hình sự hóa. Nhưng thế thì ông phản đối săn cáo vì lý do gì?
Chắc chắn săn cáo khác săn bắn và câu cá ở một số mặt. Ví dụ, những người thích săn cáo trên lưng ngựa chủ yếu là những cử tri giàu có không ủng hộ Công đảng, còn những người căm ghét môn săn cáo thì là những thành viên cánh hữu của Công đảng - những đối tượng thường xuyên cảm thấy rằng ông Blair đã làm quá ít cho họ. Nhưng những điều này dường như chẳng liên quan đến vấn đề liệu một việc gì đó có bất hợp pháp hay không. Nếu ông Blair chưa phát biểu quan điểm của mình rành mạch hơn, chưa chỉ ra được một nguyên tắc luật học cho thấy tại sao săn cáo phải bị nghiêm cấm còn săn bắn hay câu cá thì vô tư, có vẻ như quan điểm của ông đối với các môn thể thao săn bắn, ngoài cái sự ôn hòa, chỉ là sự tùy tiện và thiếu nhất quán.
Không, có người sẽ nói, đó đơn giản là tính thực dụng. Tính thực dụng là phẩm chất đáng đem khoe khoang của các chính trị gia nhưng nó chẳng đòi hỏi tính nhất quán. Hãy giả dụ ông Blair không thiếu nhất quán như ta thấy và thực sự muốn cấm mọi môn thể thao săn bắn. Tuy nhiên, ông biết rằng ông không thể cấm câu cá và săn bắn do chúng quá phổ thông. Nhưng ông có thể ra một lệnh cấm săn cáo, với điều kiện cam kết bảo vệ việc săn bắn, câu cá. Đây chính là điều ông nên làm, vì sẽ đạt được một số tiến bộ - cáo sẽ thoát khỏi những cái chết nhục nhã bởi răng chó săn (chúng bây giờ sẽ bị hạ bằng đạn) - còn nếu cứ khăng khăng yêu cầu một lệnh cấm không thể đạt được đối với tất cả các môn thể thao săn bắn thì cũng không thể đạt được tiến bộ gì.
Tính thực dụng này chẳng chứa đựng bất kỳ yếu tố nhất quán nào. Quan điểm đối với các môn thể thao săn bắn là nhất quán và sự thỏa hiệp về mặt lập pháp là hoàn toàn sáng suốt trong hoàn cảnh này. Tính thiếu nhất quán chỉ xuất hiện khi ông Blair khẳng định, không phải là ông sẵn sàng bảo vệ việc săn bắn hay câu cá như một phần của cuộc mặc cả, mà là ông tin tưởng rằng không có cơ sở nào để hình sự hóa các môn thể thao săn bắn. Đây là nỗ lực nhằm che giấu tính thực dụng (nếu đó là điều đang diễn ra) làm nảy sinh tính thiếu nhất quán. Tất nhiên, có thể là thực tế khi che đậy tính thực dụng của bạn; đây là vấn đề tôi phải phục tùng ý kiến các chuyên gia như ông Blair. Nhưng nếu vậy, cái giá của Chủ nghĩa Thực dụng đậm màu thực tế đó là sự lừa gạt và không rành mạch - một cái giá xem chừng quá đắt.22
22 Mỉa mai thay, đó lại là mong muốn thể hiện rằng các hành động của ông Thủ tướng là sự tuân thủ nguyên tắc thuần túy chứ không phải là sự thỏa hiệp tốt nhất có thể. Điều này làm cho các quan điểm của ông Blair có vẻ rất hay vô nguyên tắc. (TG)
NHỮNG TƯ TƯỞNG KỲ QUẶC
Mặc dù có sự suy giảm của các tôn giáo có tổ chức, những tư tưởng kỳ quặc vẫn còn phổ biến ở phương Tây. Bạn có thể hỏi, tôi nói “kỳ quặc” nghĩa là thế nào? Nhưng ngay cả khi bạn hỏi vậy, bạn cũng biết tôi muốn nói tới cái gì. Tất cả những sản phẩm của thời đại mới. Thuyết Luân hồi, thuật Chiêm tinh, giải đoán vận mệnh bằng thần số học, liệu pháp vi lượng đồng căn và những thứ tương tự: thảy đều là những tư tưởng kỳ quặc.
Kỳ quặc nhưng đúng, những người ủng hộ một lát cắt nào đấy của chiếc bánh ngọt hoa quả này sẽ nói với bạn như vậy: họ có bằng chứng. Hãy xem xét chuyện đầu thai. Bằng chứng được cung cấp là một số người biết về những việc xảy ra trong quá khứ mà, theo lý lẽ biện luận, chỉ có thể có nhờ ký ức về những việc trải qua ở tiền kiếp. Trong một cuộc thôi miên nhằm đưa nàng liên hệ với bản thân mình ở tiền kiếp, nàng nhớ rằng Julius Caesar23 có một nốt ruồi hình trái tim ở mông bên trái.
23 Julius Caesar (100 - 44 TCN): một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã, một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới. (ND)
Thế là kiểm tra nhanh các nguồn tư liệu lịch sử và, lạ chưa kìa! Người chinh phục Ai Cập quả có một nốt ruồi như thế. Nhưng nàng chưa bao giờ nghiên cứu về vấn đề này, chưa bao giờ trông thấy các nguồn tư liệu lịch sử liên quan. Hoàn toàn trung thực đấy. Vậy, bạn có thể công nhận, nàng chính là Nữ hoàng Cleopatra tái sinh.
Điều làm những người bảo vệ thuyết luân hồi rất bực bội là cách giới khoa học bác bỏ loại bằng chứng này. Họ trung thành với giáo lý, với cái gọi là phương pháp khoa học của mình, đến mức không nhìn thấy được sự thật bày ra trước mắt.
Thực tế, việc bác bỏ cái ý kiến kết luận rằng thuyết luân hồi đã giải thích cho chuyện kỳ lạ là nàng biết tới một nốt ruồi của Caesar chỉ cần viện đến tính nhất quán. Thuyết Luân hồi mâu thuẫn với phần lớn những gì mà hầu hết các nhà khoa học hiện đang quan niệm về linh hồn con người. Ví dụ, theo thuyết luân hồi, linh hồn (hoặc ít nhất là ký ức) vẫn tồn tại sau khi cơ thể chết đi, trải qua khoảng thời gian lìa khỏi xác và sau đó sẽ tái sinh ở cơ thể mới. Nhưng chúng ta có lý do xác đáng để tin tưởng rằng linh hồn phụ thuộc vào hoạt động của não, bởi vậy nó chẳng thể tồn tại sau khi cơ thể chết đi. Chấp nhận thuyết Luân hồi là bác bỏ quan điểm linh hồn phụ thuộc vào hoạt động của não.
Tất nhiên, ý kiến này có thể sai lầm. Nhưng bằng chứng ủng hộ nó rất vững chắc. Các giai thoại về những gì người ta khẳng định đã nhớ được trong khi bị thôi miên, trái lại, là các bằng chứng kém thuyết phục. Chúng có thể được diễn giải theo nhiều cách mà không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những lý thuyết có căn cứ xác đáng về mối quan hệ giữa bộ não và linh hồn. Nàng nói dối rằng chưa bao giờ biết tới cái nốt ruồi của Julius Caesar, hoặc nhà thôi miên gợi ý điều đó cho nàng, hoặc thậm chí đây chỉ là một sự phỏng đoán ăn may, những khả năng này luôn luôn cao hơn khả năng sai lầm của môn Thần kinh Tâm lý học hiện đại và nàng đúng là Nữ hoàng Cleopatra tái sinh.
Những tư tưởng kỳ quặc thực chất chẳng kỳ quặc. Chúng kỳ quặc bởi chúng mâu thuẫn với các quan điểm chính thống về quy luật tự nhiên. Khi bạn chấp nhận chúng, là bạn đã bác bỏ các quan điểm chính thống, hoặc ít nhất bạn đã bác bỏ một phần của nó. Đây đâu phải việc dễ dàng, vì quan điểm kia chính thống do nó có cả núi bằng chứng ủng hộ. Những người bác bỏ nó, qua việc tin tưởng vào thuyết Luân hồi, sự xuất hồn hay môn Chiêm tinh học, đã đi một bước táo bạo. Để bước đi này hợp lý, bằng chứng cho học thuyết được họ ủng hộ phải vững chắc hơn bằng chứng cho quan điểm chính thống đối nghịch. Tuy nhiên, bằng chứng vẫn hầu như không có gì hơn ngoài các giai thoại: về những người có những kiến thức không chắc đã thật, hoặc về những người khỏi cúm cực kỳ nhanh.
Ngoài sự phù phiếm về mặt trí tuệ, những người ủng hộ các tư tưởng kỳ quặc cũng hay mâu thuẫn với chính mình - họ tiếp tục tin tưởng vào quy luật tự nhiên mà các tư tưởng kỳ quặc của họ đối lập lại. Hãy xem xét liệu pháp vi lượng đồng căn.
Đây là lý thuyết cho rằng có thể chữa bệnh bằng cách uống những liều chất nào đó. Chất này, ở người khỏe mạnh, sẽ gây nên bệnh. Vì một liều lớn các chất này sẽ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn, một liều dùng được chia rất nhỏ bằng quá trình pha loãng nhiều lần. Than ôi, việc pha loãng các thứ thuốc của liệu pháp vi lượng đồng căn tuyệt vời tới mức cái chất lỏng để bệnh nhân uống chỉ còn là nước mà chẳng còn dấu vết nào của chất đã được cho vào ban đầu.24
24 Các thứ thuốc của liệu pháp vi lượng đồng căn thông thường ở dạng những viên đường lactose được rỏ lên một giọt duy nhất thuốc đã pha loãng. Nồng độ pha loãng điển hình là từ 6 lần đến 50 lần. Ví dụ, nồng độ pha loãng 20 lần có nghĩa tỷ lệ pha loãng là 1:10 (thuốc với nước) được lặp lại 20 lần. Nồng độ hoạt chất khi đó sẽ bằng 1 trong 10x20, tức 1 trong 1020. 1020 là con số cực kỳ lớn. Đó là 20 số không đứng đằng sau số 1. Để được một phân tử hoạt chất thôi, bạn sẽ cần tới hàng tấn viên đường lactose. (TG)
Những người chữa bệnh bằng liệu pháp vi lượng đồng căn công nhận điều này nhưng khăng khăng rằng hoạt chất được cho vào ban đầu và quá trình pha loãng đem đến khả năng chữa bệnh, chứ nước lã bình thường thì không có khả năng chữa bệnh ấy. Từ lý lẽ này, họ mâu thuẫn với nguyên tắc mà tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ ai nghiêm túc đặt thành vấn đề và tôi chắc chắn rằng thậm chí một người chữa bệnh bằng liệu pháp vi lượng đồng căn cũng không ngay lập tức phủ nhận được: đó là, những gì có cùng thuộc tính sẽ có khả năng mang lại hệ quả như nhau, bất kể chúng có được những thuộc tính ấy bằng cách nào. Ví dụ, nếu chàng và nàng cùng nặng 70 ki-lô-gram, khi đứng trên những chiếc cân hoạt động chính xác sẽ cùng khiến cho cân đạt chỉ số “70 ki- lô-gram”. Không có sự khác biệt dù chàng mới tăng cân và nàng mới giảm cân. Điều này xảy ra với mọi thứ, kể cả những mẫu nước. Chất gì từng có mặt trong nước sẽ không dẫn đến sự khác biệt: nếu hai mẫu đều hoàn toàn là nước chúng sẽ gây tác động hoàn toàn giống nhau đối với sức khỏe người uống.
Nếu bạn tin tưởng rằng các thứ thuốc của liệu pháp vi lượng đồng căn có những tác động mà nước lã bình thường không có, bạn đã tự đặt mình vào vị trí thật chẳng đáng mong muốn. Hoặc bạn phải phủ nhận việc các thứ thuốc của liệu pháp vi lượng đồng căn chỉ là nước, mặc dù trên thực tế quá trình pha loãng làm cho hoạt chất không còn tăm hơi. Hoặc bạn phải phủ nhận việc những gì có cùng thuộc tính sẽ có những tác dụng giống nhau. Trừ phi bạn phủ nhận một trong số các ý kiến đáng tin cậy này, bạn tự mâu thuẫn với chính mình khi tin tưởng vào hiệu quả của liệu pháp vi lượng đồng căn.
NHỮNG MÂU THUẪN THỰC SỰ
Hầu hết mọi người đều cảm thấy đau khổ khi phát hiện ra rằng họ tự mâu thuẫn với chính họ. Nhưng chẳng phải tất cả. Một số sẽ tuyên bố là, đúng, quan điểm của họ thiếu nhất quán, tuy nhiên bản thân thế giới không phải là đầy mâu thuẫn sao?
Mặc dù tôi ghét phải nói điều này, tất cả phụ thuộc vào việc bạn có ý gì khi sử dụng từ “mâu thuẫn”. Tôi ghét phải nói điều này, vì nghĩa của từ “mâu thuẫn” hoàn toàn rõ ràng, nên không cần đặt vấn đề bạn có ý gì khi sử dụng từ “mâu thuẫn”, cũng không cần đặt vấn đề về chuyện thế giới đầy mâu thuẫn.
Những tuyên bố sẽ mâu thuẫn nhau khi sự thật của tuyên bố này kéo theo sự dối trá của tuyên bố kia: tức, nếu cái này đúng, thì cái kia phải sai. Hai câu “chàng béo” và “chàng không béo” bởi vậy mâu thuẫn nhau. Đấy chính là nghĩa của từ “mâu thuẫn”. Và vì đấy chính là nghĩa của từ “mâu thuẫn”, không thể có các thực tế mâu thuẫn nhau. Hãy xem xét bất cứ thực tế mâu thuẫn nhau giả định nào mà bạn muốn: gọi là A và B, cho đơn giản và tránh khả năng không đưa ra được một ví dụ thật. Nếu A là một thực tế thì tuyên bố về thực tế này, “A”, là đúng. Cũng giống như thế đối với B và “B”. Nhưng khi đó những tuyên bố “A” và “B” đều đúng và rốt cuộc không có gì là mâu thuẫn. Chính sự tồn tại của các thực tế mâu thuẫn nhau sẽ có nghĩa chúng không thực sự mâu thuẫn.
Quan điểm cho rằng các mâu thuẫn tồn tại trên thực tế, chứ không đơn thuần tồn tại trong niềm tin của chúng ta, chỉ có thể đúng khi từ “mâu thuẫn” được dùng để nói tới cái gì đó khác, chứ không phải để nói tới mâu thuẫn. Việc dùng sai từ thông thường có thể bị gạt đi như đơn giản gạt đi sự mù chữ. Tuy nhiên, nếu những người được coi là những nhà tư tưởng lớn thực hiện việc này một cách có hệ thống, nó sẽ trở thành phổ biến.