"H
ãy biết các quyền của bạn!” Tất cả những người có thiện chí đều khuyên chúng ta điều này. Khi tôi còn là sinh viên, các nhà hoạt động xã hội muốn tôi biết về các quyền sẽ bảo vệ tôi khỏi sự quấy rầy của cảnh sát. Nghe theo lời họ, tôi tìm hiểu về các quyền đó và thất vọng vì chẳng bao giờ gặp phải sự quấy rầy kia. Bây giờ thì tôi nhận được những tờ rơi nói rằng tôi có thể được hưởng sự hỗ trợ của chính phủ dưới nhiều hình thức, bao gồm cả sự hỗ trợ tiền bạc. Chao ôi, kết quả tìm hiểu luôn luôn là tôi chưa đủ tiêu chuẩn cần thiết. Giống như với hàng không giá rẻ, áp dụng những điều kiện nhất định, và dường như tôi thỏa mãn những điều kiện của một công dân muốn bay sang Sydney vào dịp lễ Giáng sinh vậy.
Chuyến trở về đầy tội nghiệp của tôi từ cái chỗ biết được các quyền của mình không nên làm phiền bạn. Biết được các quyền của mình thông thường là điều hữu ích. Ví dụ, có bao nhiêu công dân Anh biết rằng họ được quyền ngon giấc ban đêm? Chà, họ được quyền đó.15 Nay mai, khi đứa con gái mới sinh của tôi rốt cuộc đã có nghề nghiệp tử tế, tôi sẽ đâm đơn kiện nó ra tòa.
15 Tòa án châu Âu về nhân quyền khẳng định quyền này vào tháng Mười năm 2001. Tòa ủng hộ kiến nghị của những người sống xung quanh khu vực đường băng sân bay Heathrow bị các chuyến bay lúc sáng sớm vi phạm. (TG)
Tìm hiểu về các quyền của mình cũng có nghĩa là phát hiện ra bạn không thực sự được hưởng những quyền mà bạn tưởng rằng bạn được hưởng. Điều này cũng có thể hữu ích. Ví dụ, giả sử bạn tưởng rằng bạn được quyền làm bất cứ việc gì bạn thích đối với cơ thể bạn, miễn là bạn đừng làm hại đến cơ thể người khác. Ảo tưởng như thế có thể đưa bạn vào nhà tù với tội danh sử dụng ma túy hoặc bạo hành.16
16 Tháng Mười hai năm 1990, một nhóm nam giới, để tìm kiếm khoái lạc, tình nguyện để cắt bộ phận sinh dục của nhau, đã bị buộc nhiều tội danh, bao gồm cả tội gây thương tích thực sự cho cơ thể. (TG)
Theo tinh thần này, ở đây tôi nhằm mục đích khiến bạn thôi tin tưởng vào một quyền khác mà bạn không thực sự được hưởng; cụ thể là, quyền có quan điểm riêng.
Có thể bạn không cho rằng mình có quyền này, vậy thì tôi xin lỗi đã hành động không cần thiết. Nhưng bạn sẽ là người đầu tiên tôi gặp không tin tưởng vào quyền này. Người ta nhắc lại câu khẩu hiệu “Bạn được quyền có quan điểm riêng” thường xuyên tới mức bộ não một người phương Tây hiện đại hầu như không thể nào không hấp thụ nó.
Tuy nhiên, tương tự nhiều ý kiến khác thi thoảng vẫn được tất cả mọi người tán thành, nó không đúng sự thực. Bạn không thực sự được quyền có quan điểm riêng. Và cái ý tưởng rằng bạn được quyền đó, ngoài việc không đúng sự thực, còn luôn luôn được viện dẫn khi không phù hợp, thậm chí nếu nó có thật như thế chăng nữa.
MỘT QUYỀN KHÔNG THỎA ĐÁNG
Trước khi chỉ ra rằng câu sáo mòn kia không đúng sự thực, trước hết chúng ta hãy thấy rõ ràng là việc nó xuất hiện phổ biến trong bàn bạc hoặc tranh cãi rốt cuộc là một lỗi lập luận. Nó thông thường được sử dụng như một đòn đánh chặn, khi lời khẳng định mở đầu bằng sự thừa nhận rằng: “Tất nhiên, anh được quyền có quan điểm riêng, nhưng…” Dù sao, một cách cơ bản hơn, nó cũng mang tính chất tự vệ.
Chàng đưa ra một ý kiến nào đó mà nàng, bạn chàng, không đồng tình. Nàng đưa ra một số lý do cho việc bảo ý kiến của chàng là sai lầm và sau vài câu đối đáp thất bại, chàng nóng nảy vặc lại rằng chàng được quyền có quan điểm riêng.
Chàng ảo tưởng rằng câu vặc lại ấy là câu đáp trả thỏa đáng trước những lý do phản đối nàng đưa ra, trong khi, thực tế là nó hoàn toàn không phù hợp. Chàng và nàng bất đồng về vấn đề đó, và nàng đưa ra những lý do để cho là chàng sai. Nàng đâu nói chàng không được quyền giữ ý kiến sai này. Với việc khẳng định mình được quyền giữ quan điểm riêng, chàng đơn giản đã làm thay đổi chủ đề tranh luận, nếu thế thì liên quan đến vấn đề đó, chàng cũng có thể nêu lên rằng cá voi là loài máu nóng hay ở Tây Ban Nha, mưa chủ yếu trút xuống vùng đồng bằng.
Giống như đối với hầu hết các lỗi lập luận, một khi đã được nhìn nhận, nó rất rõ ràng. Đây là một cách nói đơn giản về nó. Nếu quan điểm mà chúng ta được quyền có dù sao cũng chưa chắc đúng, cái quyền đó sẽ không thể được viện dẫn một cách thích đáng nhằm giải quyết tranh luận. Vì nó chẳng cung cấp thêm thông tin mới mẻ nào cho vấn đề ban đầu, nó chẳng làm gì để chứng tỏ sự đúng đắn trong quan điểm ấy.
Việc diễn giải câu sáo rỗng kia để loại trừ khả năng sai lầm - tức là để nói rằng chúng ta được quyền có mọi quan điểm riêng của mình là đúng - gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất, nó lố bịch. Thứ hai, thực tế nó không làm cho cái quyền đó liên quan đến chuyện quyết định xem ai đúng ai sai trong bất cứ cuộc tranh cãi nào. Bởi, nếu chàng có quyền giữ quan điểm đúng đắn của mình thì nàng cũng vậy. Nhưng, vì chàng và nàng bất đồng quan điểm, một người phải chấp nhận quyền của mình bị vi phạm: một người ắt đã có niềm tin sai lầm. Trong bất cứ cuộc tranh cãi nào, để biết quyền của ai bị vi phạm, chúng ta trước hết cần tìm hiểu xem ai đang giữ niềm tin sai lầm. Tức là, chúng ta cần giải quyết sự tranh cãi ban đầu. Và sự chệch hướng sang vấn đề các quyền mà chúng ta có sẽ chẳng đưa chàng hay nàng đến gần hơn câu trả lời.
Vậy, thậm chí với cách giải thích chắc chắn nhất và hoàn toàn chẳng thể tin được về quyền có quan điểm riêng, cái quyền đó cũng lạc lõng trước bất cứ vấn đề gì khác mà chúng ta đang tranh cãi. Thế thì tại sao vẫn còn khăng khăng bám lấy nó như là một mánh khóe lập luận?
Nó phần nào được khuyến khích bởi tính lưỡng nghĩa của từ “có quyền”. Nó có cách giải thích mang tính chính trị hoặc luật pháp, mà theo đó tất cả chúng ta đều có quyền giữ bất cứ quan điểm nào, dù thiếu cơ sở xác đáng đến đâu chăng nữa. Nhưng nó cũng có cách giải thích mang tính tri thức, tức là cách giải thích liên quan, hoặc đề cập, tới các chân lý hay sự hiểu biết. Bạn có quyền giữ quan điểm riêng, với khía cạnh mang tính tri thức này, chỉ khi bạn có lý do xác đáng: bằng chứng, lập luận vững vàng, vân vân và vân vân. Chẳng những đúng với tất cả mọi người, nó còn là một quyền bạn xứng đáng được hưởng. Nó cũng tương tự quyền được kiêu hãnh, cái quyền phụ thuộc vào việc bạn đã làm gì để được kiêu hãnh.
Vậy hai cách hiểu về sự có quyền rõ ràng quá khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người rất thích lẫn lộn chúng. Lập luận của những kẻ thích lẫn lộn chúng diễn ra như sau:
1. Nếu ai đó được quyền có quan điểm như thế nào đấy, quan điểm của họ ắt đã được ủng hộ vững vàng bởi các bằng chứng (đây chính xác là ý nghĩa của câu “được quyền có quan điểm như thế nào đấy”).
2. Tôi được quyền có quan điểm riêng (giống như tất cả mọi người sống trong một xã hội dân chủ!).
3. Vì vậy, quan điểm của tôi được ủng hộ vững vàng bởi các bằng chứng.
Đây là ví dụ tuyệt vời về sự sai lầm trước những lời lẽ nước đôi, tức là lọt giữa các nghĩa khác nhau của một từ trong một luận cứ mà luận cứ ấy chỉ có giá trị khi từ đó được sử dụng với cùng một nghĩa xuyên suốt.
Một khi đã được chỉ ra, chúng ta dễ dàng thấy sự lẫn lộn giữa khái niệm “có quyền” mang tính chính trị và khái niệm “có quyền” mang tính tri thức là một sai lầm nặng nề. Tuy nhiên, tôi chưa muốn dừng vấn đề ở đây. Bởi thậm chí nếu câu nói sáo mòn rằng chúng ta có quyền giữ quan điểm riêng không bị sử dụng theo cái cách quá đáng như bên trên đề cập, nó cũng là một phần của thứ tư duy càng ngày càng cản trở những luồng tư tưởng tự do và sức đánh giá mạnh mẽ của những luồng tư tưởng này. Nhiều người dường như cảm thấy các quan điểm của họ chẳng biết tại sao mà lại thiêng liêng, và vì vậy tất cả những người khác phải xem xét các quan điểm ấy hết sức thận trọng. Trước mọi lý lẽ phản bác, họ chẳng thèm dừng lại tự hỏi liệu rốt cuộc họ có thể sai chăng. Thay vào đấy, họ bao giờ cũng mếch lòng.
Cái văn hóa thận trọng do thái độ đó gây ra là trở ngại lớn đối với những người mong muốn đạt được sự thật. Bởi thế, việc quan trọng là lột bỏ bất cứ ý kiến rởm nào ủng hộ thái độ đó, ví dụ ý kiến cho rằng tất cả chúng ta đều được quyền có quan điểm riêng (theo cách giải thích mang tính chính trị).
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ
Để thấy cái ý kiến là chúng ta được quyền có quan điểm riêng thực sự sáo mòn, chỉ cần hiểu một điểm cơ bản về các quyền; cụ thể là: các quyền thì kéo theo các nghĩa vụ. Tôi không định ủng hộ câu khẩu hiệu của Đảng Lao động “Quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ”, câu khẩu hiệu hẳn được sử dụng nhằm biện hộ cho các chính sách mà theo đó chính phủ bắt buộc người ta phải có những hành động xứng đáng để được nhận phúc lợi xã hội. Tôi muốn nói một điều mang tính chủ yếu hơn về các quyền: chúng được xác định bằng các nghĩa vụ chúng kéo theo.17
17 Đối với những ai muốn tìm hiểu đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, xin xem tác phẩm Quyền của P. Jones, Nhà xuất bản McMillan, Basingstoke, 1994. (TG)
Tại Vương quốc Anh, luật pháp trao cho tất cả chúng ta quyền được sống. Quyền được sống của bạn có nghĩa là tất cả những người khác phải có nghĩa vụ không giết chết bạn. Đây chẳng phải một điều mà chính phủ có thể quyết định hay không quyết định gắn kết với quyền được sống của bạn, nó chính là cái quyền đó. Một bộ luật không đặt ra cho những người khác nghĩa vụ không giết chết bạn thì không thể xác lập quyền được sống của bạn. Liệu quyền được sống của bạn có nghĩa là những người khác phải có nghĩa vụ cho bạn ăn, cho bạn ở, cung cấp các dịch vụ y tế cho bạn không? Đây là những câu hỏi được tranh luận sôi nổi, nhưng chẳng ai nghi ngờ việc câu trả lời cho những câu hỏi về nghĩa vụ của người khác này là cái chỉ ra và quy định phạm vi quyền được sống.
Vậy, khi một người khẳng định một quyền nào đấy, câu hỏi đầu tiên sẽ là quyền ấy phải đặt ra nghĩa vụ gì cho những người khác, nó sẽ nói với bạn phạm vi của quyền này. Và nó cũng cung cấp một phép thử đáng tin cậy để xem quyền này có, hay có nên, tồn tại không.
Vì thông thường chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng chẳng ai thực sự phải có các nghĩa vụ kia cả, hoặc thật vô lý khi khẳng định họ phải có.
Mary Robinson, khi còn giữ chức Chủ tịch Tổ chức Y tế Thế giới, khẳng định là trong các quyền con người thì chúng ta có quyền được khỏe mạnh. Tuy nhiên, khó có thể hiểu bà đã muốn nói điều gì. Vì, theo tổ chức này:
Sức khỏe là một trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về thể chất, tinh thần, xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là không bị bệnh tật hay đau yếu.
Dù sao, tất cả mọi người cũng đều sẽ già và chết đi. Và khi đó, họ sẽ chẳng còn hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần, xã hội... được nữa. Thế thì cái thực tế đơn giản là các bước “sinh, lão, bệnh, tử” ở con người ta có nghĩa là quyền được khỏe mạnh của tất cả mọi người đều bị vi phạm, trong đó thì bước “tử” là sự vi phạm tột bực, và ai đấy đã không làm tròn nghĩa vụ đặt ra cho mình. Nhưng nghĩa vụ ấy có thể là gì? Hẳn là nghĩa vụ tìm kiếm một bài thuốc trường sinh bất lão. Nhưng ai có thể gánh lấy cái gánh nặng này? Chắc chắn không phải ai đấy trong số chúng ta, những kẻ hầu như mù tịt về cơ chế già đi ở con người.
Tất nhiên, không có một quyền tuyệt đối đối với sức khỏe, chẳng tiệm cận tuyệt đối hơn quyền đối với những thứ tốt đẹp khác - ví dụ đôi hàng lông mi dài hay những tấm lụa mịn - nhưng không ai có nghĩa vụ phải cung cấp. Nếu muốn mọi người hiểu câu nói của mình, Mary Robinson nên bắt đầu với nghĩa vụ hơn là với quyền. Mỗi chúng ta có nghĩa vụ gì đối với sức khỏe của người khác, hay chính phủ có nghĩa vụ gì đối với sức khỏe của nhân dân? Thế thì chúng ta sẽ biết quyền được khỏe mạnh rốt cuộc là gì.
NGHĨA VỤ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN ĐƯỢC CÓ QUAN ĐIỂM RIÊNG
Vậy các nghĩa vụ mà quyền được có quan điểm riêng có thể kéo theo là gì? Tôi phải có trách nhiệm làm gì để tôn trọng quyền ấy? Chúng ta hãy đi từ những đòi hỏi táo bạo nhất tới những đòi hỏi khiêm nhường hơn.
Liệu quyền được có quan điểm riêng của bạn có bắt buộc tôi phải đồng tình với bạn không?
Không. Tôi cũng được quyền có quan điểm riêng của tôi mà, và quan điểm đó có thể trái ngược quan điểm của bạn. Thế thì chẳng thể nào cả hai chúng ta lại làm tròn được nghĩa vụ đối với nhau. Đồng thời, hãy suy nghĩ về hệ quả mang tính thực tiễn. Hết thảy mọi người sẽ phải thay đổi ý kiến của mình mỗi khi gặp một người có ý kiến khác, thay đổi tôn giáo, tư tưởng chính trị, thói quen ăn uống, xe hơi… Các kỳ nghỉ ở nước ngoài sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn đúng như những quyển quảng cáo nói.
Liệu quyền được có quan điểm riêng của bạn có bắt buộc tôi phải lắng nghe bạn không?
Không. Tôi không có thời gian. Có biết bao nhiêu người có biết bao nhiêu quan điểm về biết bao nhiêu vấn đề. Bạn không thể đi bộ qua khu Tây London mà không bắt gặp một kẻ hăng hái nào đấy đang trình bày quan điểm về Jesus Đấng cứu thế hay về âm mưu của người Do Thái hay về các chủ đề bất kỳ khác. Việc lắng nghe tất cả trên thực tế là bất khả thi và do đó không phải là nghĩa vụ.
Liệu quyền được có quan điểm riêng của bạn có bắt buộc tôi phải để bạn giữ nó?
Điều này sát nhất với cái ý mà tôi cho rằng hầu hết mọi người muốn nói khi họ khẳng định quyền được có quan điểm riêng. Họ khẳng định đúng tại thời điểm mà nếu không họ sẽ bị bắt buộc phải thừa nhận sai lầm và thay đổi quan điểm. Đây cũng là cách diễn giải yếu ớt nhất về quyền được có quan điểm riêng.
Tuy nhiên, nó vẫn quá mạnh mẽ. Chúng ta đâu có nghĩa vụ phải để người khác giữ quan điểm của họ. Trái lại, chúng ta thông thường có nghĩa vụ cố gắng làm họ thay đổi quan điểm. Hãy xem xét một ví dụ hiển nhiên. Bạn sắp sửa sang đường cùng một người bạn. Một chiếc xe hơi đang đi tới nhưng người bạn vẫn dợm bước xuống đường. Biết bạn mình không định tự tử, bạn mới suy ra rằng quan điểm của cô ấy là không có chiếc xe nào đang đi tới. Liệu bạn có bắt buộc phải để cô ấy giữ quan điểm này không?
Tôi nói không. Bạn phải sử dụng mọi biện pháp thích hợp khiến cho cô ấy thay đổi quan điểm, có thể là lôi kéo sự chú ý của cô ấy về phía chiếc xe, nói điều gì đó đại loại như: “Nhìn kìa, có xe đang đi tới”. Hành động như vậy, bạn đâu có vi phạm đến các quyền của cô ấy. Thực tế, cô ấy có lẽ còn cảm ơn bạn. Trong những vấn đề kiểu như liệu một chiếc xe có sắp sửa đè bẹp bạn không, tất cả mọi người đều muốn tin tưởng cái đúng, họ sẽ cảm ơn việc được nhắc nhở. Điều này đúng với bất cứ vấn đề nào. Nếu một người thích tiếp cận chân lý, anh ta sẽ không coi chuyện đưa ra các lập luận và chứng cứ trái ngược là làm tổn thương tới người khác.
Mỗi tội, đối với một số chủ đề, nhiều người lại không thực sự muốn tin tưởng cái đúng. Họ sẽ sung sướng hơn nếu quan điểm của họ té ra đúng - như thế thì tuyệt vời tựa lớp kem trứng trên mặt bánh ngọt - nhưng dẫu sao sự thật cũng chẳng quá quan trọng. Phần lớn bạn bè tôi, mặc dù không tán thành bất cứ tôn giáo quen thuộc nào, quả quyết là mình tin tưởng vào “trí thông minh đặc biệt” hay “cái gì đó cao siêu hơn chúng ta”. Tuy nhiên, họ sẽ vui vẻ thừa nhận rằng họ không có một chút chứng cứ nào cả. Chẳng thành vấn đề. Cái lỗi ấy không phải trả giá, vì lời khẳng định mơ hồ tới nỗi nó không dẫn đến hệ quả mang tính hành động (không giống trường hợp chiếc xe kia). Họ chỉ thích tin tưởng vào điều đó, có thể vì sẽ thú vị nếu nó là thật, hoặc vì nó giúp họ hòa hợp với những ông bố bà mẹ sùng đạo, hoặc vì lý do nào đấy khác.
Nhưng sự thật quả không phải điểm quan trọng, và rất đáng khó chịu nếu cứ bị thúc ép về vấn đề này. Để biểu lộ thái độ ấy, và để thấy rõ ràng rằng sự thật chẳng ở đây cũng chẳng ở kia, người ta tuyên bố: “Tôi được quyền có quan điểm riêng”. Một khi nghe đến những lời lẽ đó, bạn nên nhận ra là sẽ khiếm nhã nếu cứ tiếp tục tranh luận. Bạn có thể muốn biết quan điểm của họ đúng đắn hay sai lầm, nhưng hãy hiểu lời gợi ý, chúng không đúng đắn gì đâu.