K
hi em gái tôi mười lăm tuổi, nó nghĩ rằng nó có cặp đùi quá mập. Thi thoảng, nó lại muốn biết: “Có phải đùi con mập quá không?”
“Không, cưng ạ”, bố mẹ tôi sẽ trả lời vậy. “Con có cặp đùi đẹp. Con là một cô bé xinh xắn.”
Chà, câu trả lời ấy đã khẳng định. “Bố mẹ chỉ nói thế thôi!” là điệp khúc bất tận của đứa em gái khi nó nghe bố mẹ tôi xác nhận điều trái ngược để khẳng định toàn bộ những nỗi lo lắng nhất mà nó đang mang trong lòng.
Em gái tôi mắc phải lỗi suy diễn động cơ. Nó nghĩ rằng bằng việc phơi bày động cơ phát biểu ý kiến của bố mẹ tôi - nhằm làm nó cảm thấy dễ chịu hơn và đừng léo nhéo nữa - nó đã chứng tỏ được ý kiến đó là sai.
Nhưng thực tế nó không chứng tỏ được điều này. Hoàn toàn có thể là người ta có lợi ích nào đấy khi phát biểu một ý kiến và hoàn toàn có thể là ý kiến ấy cũng đúng đắn. Một ông chồng có thể hưởng sự bình yên, êm ả vô cùng từ việc nói với vợ là yêu vợ. Tuy nhiên ông ta cũng có thể yêu vợ thật. Phần lớn mọi người thích nghĩ rằng mình có hình thức trên trung bình, và thực tế thì 55% của số 90% này đúng là có hình thức trên trung bình. Cặp đùi em gái tôi không mập. Nói cách khác, bạn chẳng cho thấy được ý kiến của ai đấy là sai chỉ bằng việc cho thấy người ta có động cơ để phát biểu ý kiến ấy.
Điều này phải là hiển nhiên ngay sau khi được trình bày, nhưng phòng trường hợp không phải vậy xin hãy xem xét hệ thống pháp luật của chúng ta. Cả hai luật sư trong một vụ án hình sự, luật sư bên nguyên và luật sư bên bị, đều là những tay súng bắn thuê. Họ hành động thay mặt cho bất kể ai trả tiền họ. Vậy nó thậm chí còn tệ hơn chuyện “chỉ nói thế thôi”. Họ thực tế đã được trả tiền để nói điều này điều nọ. Bên này nói bị cáo đã làm việc đó, trong khi bên kia nói anh ta không làm. Tức là một bên chắc chắn đang nói sự thật, dù động cơ cá nhân của bên ấy có thế nào. Để biết được bên này hay bên kia đang nói sự thật, và từ đó xác định được liệu bị cáo có tội hay không, bồi thẩm đoàn phải chú ý đến các chứng cứ hai luật sư đưa ra, chứ không đơn giản là động cơ để họ đưa ra các chứng cứ ấy. (Nếu chúng ta đi theo phương pháp Suy diễn Động cơ trong những vụ xét xử hình sự, công việc sẽ khá dễ dàng. Hãy chống lại luật sư được trả công cao hơn: anh ta có động cơ để gian dối nhiều hơn.)
Động cơ có liên quan trong vấn đề quyết định tin hay không tin một người chỉ khi chúng ta lắng nghe lời khai làm chứng. Giả sử em gái bạn đã khiến bạn thất vọng với việc lấy một kẻ vốn vẫn thích thú bịa ra những chuyện đầy kịch tính để mọi người phải nháo nhác lên. Một hôm, thằng cha gọi điện bảo rằng em gái bạn vừa chơi xổ số trúng 5 triệu bảng. Bạn có nên tin không? Không, vì khả năng thằng cha đang gạt bạn lớn hơn khả năng em gái bạn trúng xổ số - xác suất khoảng chừng 1/15.000.000. Ngược lại, nếu em gái bạn đã khiến bạn thất vọng với việc lấy một tay Thanh giáo trung thực đến cứng nhắc, khả năng trí trá nhỏ hơn 1/15.000.000, thì bạn hãy bắt đầu ăn mừng đi (ít nhất là về chuyện trúng xổ số).
Nhưng hãn hữu người ta mới xem xét tới động cơ khi đánh giá lời khai làm chứng. Thông thường, việc thảo luận diễn ra, chứng cứ được cung cấp, vụ án được lập. Và rồi, bất chợt, một bên bắt đầu phỏng đoán những động cơ của bên kia.
Sự suy diễn động cơ sẽ chấm dứt một cuộc tranh cãi, nhưng không phải vì nó phản bác thích đáng một trong số các quan điểm, mà đơn giản vì nó làm thay đổi chủ đề. Đầu tiên, bạn tranh luận một việc gì đó, ví dụ như liệu cặp đùi em gái tôi có quá mập không, và rồi, sau khi mắc phải sự suy diễn kia, bạn thấy mình nói tới những động cơ của mấy nhân vật có liên quan đến cuộc tranh luận. Hẳn đây là lý do tại sao sự lầm lẫn kia lại phổ biến tới mức ấy. Nó biến tất cả các cuộc tranh luận - cho dù về chính sách kinh tế, tôn giáo, hay các cặp đùi - trở thành các cuộc tranh luận về cái được gọi là động cơ hay động lực thầm kín bên trong chúng ta. Bất cứ ai từng xem ti-vi ban ngày đều biết sức quyến rũ ngon ngọt của việc phỏng đoán về suy nghĩ của bản thân mình hoặc của người khác.
Chàng khai báo với Oprah13 rằng vợ chàng rời bỏ chàng vì nàng không thể chịu đựng được cái thực tế là mọi phụ nữ đều ham muốn chàng. Nằm trong số vô khối phụ nữ chẳng ham muốn chàng, nàng bỏ qua lý lẽ bác bỏ hiển nhiên này và chuyển ngay sang giả thuyết tại sao chàng lại nổ như thế. Cô tuyên bố từ giữa đám khán giả trong trường quay là “cậu nhỏ” của chàng thực ra có kích thước khiêm tốn bất thường. Đây là kiểu đùa bỡn mua vui cho hàng triệu người xem truyền hình hàng ngày. Nó trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều với việc tập trung vào động cơ ẩn chứa đằng sau các lời phát biểu thay vì chuyện đúng hay sai của các lời phát biểu ấy, bởi chuyện đúng hay sai của các lời phát biểu ấy thông thường đã quá rõ ràng chẳng còn gì thú vị nữa. Nhưng suy diễn động cơ sẽ tạo ra sự chệch hướng tức phát điên lên khi đề tài ban đầu là đề tài quan trọng và một ý kiến chính xác là vấn đề tranh cãi giữa những người có vốn kiến thức rộng - ví dụ như trong lĩnh vực chính trị.
13 Oprah Gail Winfrey, nữ hoàng dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình Mỹ. (ND)
ĐỘNG CƠ CHÍNH TRỊ
Suy diễn động cơ phổ biến trong lĩnh vực chính trị tới mức các cuộc tranh cãi nghiêm túc về chính sách hầu như không tồn tại. Người ta chào đón thông báo về một chính sách mới, chẳng phải bằng việc thảo luận về những điểm được cho là ưu việt của nó, mà bằng những phỏng đoán bùng lên từ phía báo chí và phe đối lập về động cơ ban hành chính sách đó. Họ muốn xoa dịu những nhân vật cánh tả thuộc đảng mình, hay muốn lấy lòng khu vực miền Trung nước Anh, hay chịu khuất phục giọng điệu gào thét phân biệt chủng tộc của đám báo chí lá cải, hay đại loại vậy. Nếu quan tâm theo dõi chuyện chính trị, bạn sẽ không xa lạ gì với đủ thứ động cơ thông thường vẫn được quy cho các nhà chính trị.
Và bạn sẽ không xa lạ gì với hệ quả của điều đó. Không cần phải tranh luận xem liệu chính sách kia có khả năng đạt được mục tiêu hay không, cũng không cần phải tranh luận xem liệu mục tiêu ấy có thích đáng hay không, hoặc bất cứ điều gì khác liên quan đến đặc điểm của bản thân chính sách.
Các chính sách được đối xử chỉ như là các bước di chuyển mang tính chiến thuật trong cuộc chơi chính trị thôi. Chúng có thể giúp bạn vượt lên dẫn trước hay khiến bạn rơi vào thế yếu so với đối thủ. Nhưng hệ quả chúng có thể gây ra bên ngoài cuộc chơi - ví dụ, đối với tình trạng thất nghiệp, tiêu chuẩn giáo dục, v.v... - xem chừng không có bất cứ người chơi hay người bình luận nào mảy may đoái hoài tới. Thi thoảng, một chính trị gia quả quyết cái nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi cuộc chơi kinh khủng và “sẽ dành những quan tâm thực sự cho người dân đất nước này”. Tuy nhiên, vấn đề thông thường kết thúc với câu phát biểu đầy tha thiết ấy. Lời hứa hẹn chẳng bao giờ hoàn toàn trở thành hiện thực. Và tại sao lại phải trở thành hiện thực chứ? Lời tuyên bố về ý định tự nó sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi muốn các chính trị gia nghiêm túc trước các vấn đề, tất nhiên. Nhưng, vì lòng thương xót, đừng lôi kéo chúng tôi vào tất cả các chi tiết nhạt nhẽo.
Đám nhà báo và chính trị gia giờ đây dành toàn bộ sức lực điều tra các nguyên nhân có thể thay vì các hệ quả có thể của các chính sách do phe đối lập đưa ra. Nếu họ tìm thấy được một nhân vật quyên tiền ủng hộ đảng hoặc một người bạn gia đình hưởng lợi ích từ chính sách nào đấy, họ kể như chiến thắng. Chính sách kia rõ ràng là thứ rác rưởi.
Một ví dụ điển hình là bối cảnh chính trị ở New Zealand năm 1984 khi một đảng mới xuất hiện. Đảng New Zealand, ủng hộ một sự tự do hóa mạnh mẽ nền kinh tế New Zealand lúc đó phần lớn còn bị nhà nước kiểm soát, bao gồm việc giảm đáng kể tỷ lệ thuế thu nhập, đến năm 1984 là loại thuế đã đạt mức 66%. Thủ tướng đương nhiệm, Robert Muldoon, phong cho chính đảng mới mẻ này danh hiệu “Những kẻ tham lam”. Cái danh hiệu thật dễ hiểu, vì Đảng New Zealand được sáng lập bởi một nhà triệu phú nổi tiếng, người tất nhiên sẽ hưởng lợi ích to lớn từ việc giảm thuế thu nhập. Và thế là câu chuyện về cái Đảng New Zealand chẳng mấy chốc đã biến mất. Đâu cần bàn bạc tới những sự ưu việt của việc giảm thuế thu nhập hoặc nói khái quát hơn là việc tự do hóa nền kinh tế, họ đơn giản là những kẻ tham lam. Rốt cuộc thì Đảng Lao động giành chiến thắng trong bầu cử mà không công bố tuyên ngôn gì và rồi thực hiện đúng các bước cải cách nền kinh tế như Đảng New Zealand lúc trước nêu. Nhưng điều ấy tất nhiên chẳng sao, khi tất cả chúng ta đều biết động cơ của Đảng Lao động là mối quan tâm đến những người nghèo, chứ không phải là thói tham lam.
Phải công nhận là đâu đâu cũng thấy than vãn về xu hướng gán các động cơ cá nhân cho các nhà chính trị. Chúng ta được bảo rằng có quá nhiều nỗi hoài nghi. Xét một cách toàn diện, chính trị gia là những con người đứng đắn cố gắng hết sức mình phục vụ đất nước. Nếu họ công bố các chính sách nào đấy, chúng ta nên tin họ có động cơ xứng đáng để công bố các chính sách ấy.
Có lẽ họ có. Tôi không biết chắc chắn. Tôi chưa từng đọc được nghiên cứu kỹ lưỡng nào về động cơ của các nhà chính trị và cũng quen quá ít các nhà chính trị để tự mình đưa ra bất cứ đánh giá mang tính thống kê đáng tin cậy nào. Nhưng lời cầu khẩn kia là sai lầm trong mọi tình huống, vì nó ngầm tán đồng cái lỗi cơ bản: gộp động cơ và vấn đề vào làm một. Một ý tưởng có thể xuất phát từ những nguyên nhân hay ho nhất nhưng vẫn có thể là ý tưởng ngu ngốc nhất. Những kẻ khuyên chúng ta rũ bỏ niềm sung sướng hiện tại để đổi lấy sự cứu rỗi về sau này cung cấp một ví dụ tốt. Họ có ý giúp đỡ nhưng lại đưa ra lời khuyên chẳng đâu vào đâu do họ đã sai lầm tin vào đời sống sau khi chết. Suy diễn động cơ là một lỗi lập luận cho dù nó thể hiện dưới hình thức hoài nghi hay ngây thơ: cho dù nó nghĩ đã là thánh thì bao giờ cũng tốt đẹp hay đã là kẻ có tội thì bao giờ cũng xấu xa.
NHẬN RA SỰ SUY DIỄN ĐỘNG CƠ
Không khó khăn để thấy suy diễn động cơ là một lỗi lập luận, nhưng để nhận ra nó trong cuộc sống hàng ngày thì không dễ dàng. Một phần vì nó phổ biến tới mức chúng ta đã mất đi độ nhạy cảm đối với nó, tuy nhiên một phần cũng còn vì nó có thể được thực hiện bằng những cách khéo léo. Ví dụ, hãy xem xét cách giới truyền thông đưa tin về việc xuất bản “sách trắng”14 của một tổ chức nghiên cứu chính sách.
14 Báo cáo về các vấn đề khó khăn và biện pháp giải quyết. (ND)
Những nguyên tắc đưa tin hẳn đã được ghi rõ trong sổ tay các phát thanh viên, vì họ xem chừng đều làm giống nhau cả. Đầu tiên là kết luận được phát biểu không che đậy: “Việc tham gia vào khu vực đồng Euro sẽ khiến 3 triệu người ở Anh thất nghiệp”. Rồi đến tên của tổ chức nghiên cứu chính sách: “Theo nghiên cứu của Hiệp hội Foggian”. Tiếp theo là câu bình luận: “Một tổ chức ngả về cánh hữu”. Bạn phân vân tự hỏi tại sao các tổ chức nghiên cứu chính sách bao giờ cũng ngả về bên trái hoặc bên phải (liệu đôi chân họ có đứng thẳng được hay không?), tuy nhiên câu hỏi thực sự là tại sao đám báo chí cứ đề cập tới chuyện bên trái bên phải này. Thái độ chính trị của họ chỉ liên quan nếu họ đề nghị chúng ta chấp nhận quan điểm của họ đơn giản dựa trên kết luận trần trụi kia. Nhưng họ không làm thế. Sách trắng của họ đầy ắp các bằng chứng và lập luận ủng hộ quan điểm của họ. Để bác bỏ quan điểm của họ, bạn cần cho thấy sai ở đâu.
Nhưng điều ấy đòi hỏi người ta phải đọc sách trắng của họ, và có lẽ cả những tài liệu khác được trích dẫn, thậm chí đòi hỏi người ta phải tư duy chút ít. Mà ai đủ thời gian cũng như sức lực cho các việc ấy cơ chứ? Không phải các nhà báo rồi, những con người phải là chuyên gia về hai mươi chủ đề mới mỗi ngày. Tốt nhất chỉ nêu xu hướng chính trị của tổ chức nghiên cứu kia. Những ai cùng ngả về hướng đó có thể đồng tình với kết luận của họ, những ai không ngả về hướng đó có thể không đồng tình.
Đối với các nhà báo, hạn chế về mặt thời gian và số lượng lớn thông tin cần phải được trình bày nghĩa là, trước những vấn đề gây tranh cãi, lỗi suy diễn động cơ có sức cám dỗ quá mạnh mẽ. Nó xảy ra theo những cách ít nhiều khéo léo, tuy nhiên hãy làm quen với nó và bạn sẽ thấy nó xảy ra hầu như khắp nơi.
Đây là một mẹo để nhận ra nó: hãy cảnh giác với từ “chỉ”, ví dụ như trong câu “Bố mẹ chỉ nói thế thôi”, hay trong câu “Chính sách giáo dục mới của ông ta chỉ là nỗ lực nhằm giành phiếu bầu từ bộ phận sinh viên”. Tại sao từ “chỉ” lại được đưa vào những câu ấy? Tất cả mọi người đều biết khi tôi nói điều gì tức là tôi đang nói điều đó. Bảo rằng tôi chỉ đang nói điều đó có tác dụng như thế nào? Chà, nó có nhiệm vụ cho thấy tôi đang không nói sự thực, hoặc chính sách giáo dục kia, ngoài việc lôi cuốn đám sinh viên, cũng không phải một chính sách tốt. Sự bổ sung đơn thuần từ “chỉ”, tất nhiên, chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ đó - nó không chứa đựng sức mạnh phản bác thần diệu gì. Dù sao, người ta vẫn luôn luôn thử sử dụng đến nó. Hãy coi chừng!