C
ác cuộc hội thảo mang tính học thuật có thể khá khô khan. Trước khi đồng ý để bản thân mình phải ngồi ghi chép nguệch ngoạc và chuyển trọng lượng hết từ mông bên này sang mông bên kia suốt hai tiếng đồng hồ, tốt nhất hãy tìm hiểu đôi chút về cái mà bạn sẽ tham dự. Thông thường người ta giới thiệu bản tóm tắt nội dung hội thảo trước khi cuộc hội thảo diễn ra. Dưới đây là một ví dụ:
Ở bài phát biểu chủ yếu đề cập tới vở “Câu chuyện mùa đông”, Harald Fawkner khảo sát các mô tả mang tính hiện tượng học về sự đứt quãng có thể nhận thấy giữa tính dễ xúc động và tính nhạy cảm. Ông cho rằng, trong lúc đi từ những bi kịch khủng khiếp đến cái gọi là những truyện tình, kịch Shakespeare ngày càng bận tâm tìm hiểu tình cảm con người ta khi nó, dường như về mặt thẩm mỹ, bị tách khỏi tính tầm thường rõ ràng là có điều kiện của nguyên nhân và hệ quả, của tính đại diện và tính văn cảnh mang ý nghĩa quyết định.8
8 Tôi đọc được ví dụ này - ví dụ hoàn toàn chẳng hiếm gặp trong những nhóm học thuật nhất định - ở mục “Góc cho đám huênh hoang” của tạp chí Thám tử tư, số 4-11 tháng Tư năm 2003. Không phải nhờ 10 bảng (mua tờ tạp chí) mà đúng hơn là nhờ các sinh viên đã phát hiện ra nó. (TG)
Ngôn ngữ của bản toát yếu này có cái gì đó không ổn. Các câu tuân thủ chặt chẽ ngữ pháp và tất cả các từ đều là từ tiếng Anh, nhưng gần như chẳng thể hiểu được. Bạn có thể bảo rằng giáo sư Fawkner sẽ nói về kịch Shakespeare, tuy nhiên ông ta phải nói gì thì vẫn là một bí ẩn. Ví dụ, có thể chờ đợi gì ở một người “khảo sát các mô tả mang tính hiện tượng học về sự đứt quãng có thể nhận thấy”? Tôi nên mặc áo mưa đến hội thảo chăng? Liệu quan điểm của một người cho rằng “tình cảm, dường như về mặt thẩm mỹ, bị tách khỏi” cái gì đó - dù là tính tầm thường rõ ràng là có điều kiện của nguyên nhân và hệ quả hay là bất cứ cái gì khác - thì không giống quan điểm của một người cho rằng sự tách bạch này đích thực là về mặt thẩm mỹ ra sao?
Hoặc có lẽ không có gì không ổn trong ngôn ngữ ở đây. Có lẽ tác dụng chủ yếu của thứ ngôn ngữ như vậy không phải để chuyển tải ý tưởng của bạn đến độc giả mà đơn giản để tạo ấn tượng về thứ ngôn ngữ uyên bác mặc dù chẳng diễn đạt được điều gì. Có lẽ toàn bộ những lời lẽ dông dài khó hiểu ấy cốt để che khuất tính chất tầm thường của ý tưởng.
Ai biết giáo sư Fawkner? Có lẽ bài phát biểu của ông ta, không giống bản toát yếu, là khuôn mẫu cho sự rõ ràng, đầy ắp các ý tưởng lớn lao về kịch tác gia Shakespeare. Tôi mãi mãi mù tịt trước vấn đề này, bởi tôi nay đã có chính sách đừng bao giờ đi dự những buổi hội thảo văn học. Hầu hết độc giả các bạn cũng sẽ họa hoằn mới đi dự, thậm chí nếu chẳng phải vì các bạn đề ra chính sách đó. Nhưng như thế chưa khiến bạn thoát khỏi nhiều dạng tối nghĩa phổ biến của ngôn ngữ được sử dụng nhằm che khuất cái thông điệp hay cái thực tế là chẳng có gì đáng nói cả. Thứ ngôn ngữ ấy xuất hiện nhan nhản trong các lĩnh vực kinh doanh, chính trị, và học thuật - bất cứ chỗ nào mà người ta thích tỏ ra thông minh và đầy ắp các hiểu biết, các ý tưởng hay ho hơn thực tế ở họ.
Giống như đối với nguy cơ của các hành động khủng bố tàn bạo, muốn loại trừ sự che giấu kia đòi hỏi những cái đầu giống như những tên lửa chống tăng có điều khiển. Chương này nhằm mục đích hỗ trợ cuộc chiến đấu bằng cách hướng dẫn nhận diện dạng ngôn ngữ cố ý làm mù mờ vấn đề. Các ví dụ ở đây không thể nào bao quát hết các dạng - bản thân chúng sẽ cần đến hẳn một cuốn sách - tuy nhiên chúng cho phép bạn nhận diện những trường hợp mang tính đe dọa lớn nhất. Dù đang trên tàu điện ngầm, tại một đại hội đảng chính trị, hay trong phòng họp ban giám đốc, bạn sẽ biết lúc nào phải báo động cho bạn bè và đồng nghiệp, và sơ tán khỏi khu vực tri thức kia.
BIỆT NGỮ
Biệt ngữ có thể giúp diễn đạt được rõ ràng. Khi đó, mọi thứ mang ít tính chỉ trích hơn, nó thường được gọi là thuật ngữ. Ví dụ, các thuật ngữ đặc biệt của kinh tế học - giá trị hiện tại thuần, độ co giãn theo giá, v.v… - là không thể thiếu đối với môn này. Bởi, khác đám bà con vẫn gặp hàng ngày của chúng - giá trị, sự hoang phí, v.v… - người ta có thể đánh giá chúng với mức độ chính xác nào đấy. Bằng việc quy định ý nghĩa chính xác cho những thuật ngữ như vậy, và đặc biệt bằng việc lượng hóa chúng, các ý tưởng về kinh tế có thể được trình bày và kiểm nghiệm một cách rõ ràng hơn.
Ở khía cạnh này, kinh tế học chẳng phải trường hợp đặc biệt. Vai trò của thuật ngữ trong việc trình bày rành mạch và kiểm nghiệm các lý thuyết là dấu hiệu của khoa học khắt khe. Điều ấy có lẽ giải thích lý do tại sao những người muốn trình bày ý kiến của mình mà không đánh mất tính nghiêm ngặt của khoa học thường tận dụng biệt ngữ một cách triệt để - ví dụ, những chuyên gia tư vấn quản lý.
Những chuyên gia tư vấn quản lý bán lời khuyên lấy những món tiền lớn. Lời khuyên của họ có thể hữu ích. Hy vọng điều ấy giải thích được cho những món tiền lớn kia. Nhưng một sự bất an nào đấy xuất hiện trong những nhân viên trẻ tuổi tại các công ty tư vấn quản lý đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị các bản thuyết trình. Lời khuyên, dù hay ho đến đâu, thông thường vẫn có vẻ quá đơn giản. Hãng của bạn làm ra nhiều sản phẩm quá. Thế thì bạn phải tăng doanh số bán hàng hoặc giảm công suất nhà máy. Bạn có thể tăng doanh số bán hàng bằng cách nào? Hạ giá bán sản phẩm, hoặc mở các điểm bán hàng mới, hoặc một cách nào đấy khác. Những sự lựa chọn này sẽ có tác dụng ra sao? Mở các điểm bán hàng mới quá tốn kém, nhưng khách hàng mua loại sản phẩm của bạn lại rất nhạy cảm về giá. Vậy, hạ giá bán sản phẩm là phương án tốt nhất.
Vấn đề là thế thôi. Hay đấy, nhưng… nghe chưa đủ thông minh đối với các cô cậu cử tốt nghiệp Oxford, Cambridge và các trường kinh doanh danh tiếng khác, lấy của người ta 3.000 bảng mỗi ngày. Cần phải tạo sự phức tạp bằng một số biệt ngữ.
Biệt ngữ trong lĩnh vực tư vấn quản lý liên quan đến việc thay thế các từ bình thường, gần gũi, dễ hiểu, bằng các từ khó hiểu, kỳ quặc, đao to búa lớn. Chẳng có gì hơn. Chúng chẳng làm tăng thêm sự nghiêm ngặt, sự chính xác mà những từ ngữ bình thường thiếu. Nếu thuật ngữ trong các môn khoa học giúp diễn đạt được rõ ràng hơn, biệt ngữ trong lĩnh vực tư vấn phủ lên những ý tưởng giản dị bằng những lời lẽ dông dài rối rắm.
Mặc dù rất ít độc giả trong số các bạn sẽ trở thành chuyên gia tư vấn quản lý, nhưng nhiều người sẽ phải tiếp xúc với thứ ngôn ngữ này, vì nó bây giờ đã thấm vào giới kinh doanh và càng ngày càng thấm sâu hơn vào giới báo chí, chính trị. Có những từ phải được đưa vào bất cứ chỗ nào mà ngữ pháp cho phép, và đôi lúc thậm chí cả chỗ ngữ pháp không cho phép. Thời trang thì luôn luôn thay đổi, chứ những từ ngữ như “tác dụng đòn bẩy” , “vốn tri thức”, “kiểm chuẩn”, “tiềm năng”... mãi mãi là những từ ngữ được ưa thích. Chẳng hạn, giả sử rằng ở công ty bạn, ban giám đốc luôn luôn lắng nghe các ý tưởng thú vị từ nhân viên, và những công ty khác kém ưu việt hơn trong vấn đề này. Vấn đề này sẽ được phát biểu theo cách sau:
Kiểm chuẩn với những đối tượng cùng loại, tác dụng đòn bẩy của vốn tri thức bộc lộ tiềm năng tăng trưởng hết sức to lớn trong lộ trình dài hạn.
Một số độc giả sẽ cần được dịch câu bên trên. “Kiểm chuẩn với” tương đương “so sánh với”. Nếu bạn so sánh chiều cao của bạn với chiều cao của ba người ở gần bạn nhất trong đám đông và thấy rằng mình cao nhất, bạn nói: “Kiểm chuẩn với những người thuộc khu vực địa lý lân cận nhất, tôi là người thể hiện chiều cao đứng đầu trong một nhóm tứ phân vị.”
“Những đối tượng cùng loại” là những ví dụ phù hợp về cái gì đó tương tự như đối tượng phân tích. Chẳng hạn, nếu bạn là một người Hà Lan đứng trong một đám đông ở Barcelona, có lẽ sẽ hấp tấp khi tuyên bố bạn là người thể hiện chiều cao đứng đầu trong một nhóm tứ phân vị. Bạn có thể cao hơn tất cả những người Tây Ban Nha này một cái đầu, nhưng lại thấp hơn người cao nhất trong một nhóm bốn người Hà Lan một cái đầu. Nghĩa là, bạn có thể trở thành người thấp nhất khi được kiểm chuẩn với những đối tượng cùng loại.
“Vốn tri thức” là thứ bạn biết rằng có thể hữu ích cho doanh nghiệp. Ví dụ, khả năng làm các phép tính số học và sự am hiểu về luật thuế là một phần trong vốn tri thức của một công ty kế toán. Đây là cách sử dụng từ “vốn” khá kỳ quặc, vì những thứ một công ty sở hữu, những thứ công ty có thể dùng hoặc không dùng cho các hoạt động của mình, thông thường được gọi là tài sản. Vốn là cái còn lại sau khi bạn khấu trừ những nghĩa vụ tài chính vào tài sản. Vậy cụm từ “tài sản tri thức” xem chừng thích đáng hơn. Nhưng, tôi đồ rằng, khó mà giải thích được lý do tồn tại những biệt ngữ vô dụng.
“Tác dụng đòn bẩy” phải đợi tới cuối cùng, bởi nó để lại dư vị mạnh mẽ nhất.
“Bộc lộ tiềm năng tăng trưởng” có nghĩa là “có thể trở nên tốt hơn”. Tuy nhiên cụm từ “bộc lộ tiềm năng tăng trưởng” ám chỉ sự đo đếm chính xác về số lượng (còn cụm từ “có thể trở nên tốt hơn” thì không), và bởi vậy nó luôn luôn được ưa thích hơn, thậm chí khi một sự đo đếm chính xác như thế là bất khả, ví dụ trong trường hợp này.
Cụm từ bổ nghĩa “hết sức to lớn” ở đây tương đương với “nhiều”. Cái gì đó bộc lộ tiềm năng tăng trưởng hết sức to lớn tức là cái có thể trở nên tốt hơn nhiều. Nhưng “nhiều” đâu phải thứ ngôn ngữ được nói ra bởi những con người bán lời khuyên của mình lấy những món tiền hết sức to lớn.
“Trong lộ trình dài hạn” tương đương với “trong tương lai”. Việc sử dụng ý “trong tương lai” trong câu chúng ta đang xem xét là thừa, vì câu này nói tới tiềm năng, cái luôn luôn được hiểu sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, cụm từ “trong lộ trình dài hạn” là sự bổ sung hữu ích, vì nhìn chung càng dùng nhiều lời lẽ càng tốt, thậm chí nếu những lời lẽ đó chẳng cung cấp thêm thông tin gì, và vì nó bao trùm một quan điểm tích cực lên sự việc - bạn sẽ ghi nhớ là chúng ta không thụt lùi về phía sau.
Bây giờ, xin hãy quay lại với kiệt tác của biệt ngữ tư vấn: “tác dụng đòn bẩy”. Chẳng có gì tiêu biểu cho việc nhại cách sử dụng các thuật ngữ khoa học trong lĩnh vực tư vấn hơn cụm từ ấy. Thông thường, tác dụng đòn bẩy là cái bạn đạt được khi dùng đòn bẩy tác dụng lực vào một vật. Cánh tay đòn nằm trên một trục đứng và mức độ lực tính theo tỷ lệ giữa cánh tay đòn phía bên này với cánh tay đòn phía bên kia trục. Ý tưởng về tác dụng đòn bẩy này có sự mở rộng hết sức tự nhiên sang lĩnh vực tài chính, thường thì người ta gọi nó là tỷ trọng vốn vay. Nếu bạn bỏ ra 30.000 bảng bằng tiền của chính mình và vay phần còn lại để mua một ngôi nhà trị giá 300.000 bảng, chỉ số đòn bẩy (hay tỷ trọng vốn vay) của bạn là 9:1 - số nợ của bạn gấp chín lần số tài sản. Điều khiến sự mở rộng ấy hợp lý là vấn đề tài chính kia, cũng giống như chiếc đòn bẩy trong lĩnh vực vật lý, liên quan đến một tỷ lệ chính xác.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư vấn, “tác dụng đòn bẩy” chỉ có nghĩa là “việc sử dụng”. “Tác dụng đòn bẩy” được cung cấp sức mạnh đòn bẩy ở những câu không liên quan gì đến tỷ lệ, chẳng hạn chính câu này hay câu ví dụ mà chúng ta đang xem xét. Các chuyên gia tư vấn quản lý thậm chí còn nói tới khái niệm tác dụng lực đòn bẩy lên nhau. Nếu tôi là sếp và tôi nhận thấy rằng mình phải nai lưng làm quá nhiều, vậy thì những nhân viên thuộc nhóm tôi phụ trách chưa tác dụng lực đòn bẩy lên tôi một cách thích hợp. (Tôi không bịa đặt chuyện này.) Tóm lại, các chuyên gia tư vấn đã lấy một thuật ngữ đích thực, mang ý nghĩa dựa trên sự đo đếm chính xác, và sử dụng nó như từ đồng nghĩa của một từ mang ý nghĩa phổ thông hơn. Họ biến cái chính xác trở thành mơ hồ, bằng cách đó biến việc sử dụng thích đáng các thuật ngữ trở thành không thích đáng.
Tại sao xảy ra điều này? Chà, “tác dụng đòn bẩy” nghe có vẻ mang tính chuyên môn một cách ấn tượng và, cũng giống như “trong quá trình tiến lên phía trước”, nó bao trùm sự việc bằng quan điểm tích cực. Khi bạn tác dụng lực đòn bẩy vào các vật, lực tạo ra lớn hơn lực bạn tác dụng vào. Đừng chỉ sử dụng cái gì đó, hãy đặt vào nó “tác dụng đòn bẩy”!
Thật chẳng thỏa đáng lắm, tuy nhiên hiện tượng ấy là phổ biến. Và bạn có thể thông cảm. Ai mà thấy thoải mái cho được khi lấy của người ta 100.000 bảng chỉ để kết luận rằng:
Các công ty tương tự như công ty của ngài sử dụng kiến thức của nhân viên tốt hơn các công ty khác.
Không dễ dàng nhận ra biệt ngữ. Dấu hiệu đầu tiên là bạn không hiểu người ta nói gì. Nhưng điều đó có thể vì những thuật ngữ hoàn toàn đúng đắn đã được sử dụng và bạn không biết nghĩa của chúng. Có thể vì bạn dốt nát chứ chẳng phải vì người ta nói bằng thứ ngôn ngữ dớ dẩn. Đấy chính là nỗi sợ hãi, lẩn khuất đằng sau suy nghĩ của hầu hết các doanh nhân, khiến họ cứ gật gà gật gù tán thưởng khi hàng tràng những lời xì xồ tuôn ra trước những bảng biểu trong bản thuyết trình của đám chuyên gia tư vấn cho họ. Không ai muốn bị ê mặt. Tất cả chúng ta đều đang tăng tốc trong môn khoa học kinh doanh mới mẻ nhất này!
Cần có vốn hiểu biết chắc chắn về lĩnh vực được nói tới - dù là lĩnh vực kinh doanh, chính sách chính trị hay nghiên cứu văn học - để nhận ra sự khác nhau giữa thuật ngữ và biệt ngữ, để bảo rằng khi nào thì những từ ngữ lạ lẫm không làm tăng thêm tính chính xác mà chỉ đơn thuần đang đánh lừa người nghe, thay thế cho những từ ngữ thông thường, gần gũi. Đấy là lý do tại sao những chuyên gia về một lĩnh vực nào đó là những người ở vị trí thích hợp nhất để tuýt còi ngăn chặn các biệt ngữ lại. Than ôi, họ cũng rất có thể là những người muốn cái còi đừng kêu nhất, điều có thể giải thích tại sao thảng hoặc mới thấy tiếng tuýt còi.
CÁC TỪ NGỮ NÉ TRÁNH
Đưa ra một lời khẳng định rõ ràng là một việc nguy hiểm. Phát biểu rõ ràng chuyện gì đó và một cách rõ ràng y như thế bạn có thể bị chứng minh là sai. Nếu chàng tuyên bố giá vàng tuần sau tăng, thế thì tất cả chúng ta đều biết rằng chàng tuyên bố sai trong trường hợp giá vàng giảm. Muốn tránh bị ê mặt, chàng sẽ diễn đạt sự phỏng đoán của mình bằng ngôn ngữ của nghề tư vấn tài chính, chẳng hạn như:
Nếu các mức lãi suất ở Mỹ duy trì dưới mốc 3% và tâm lý thị trường vẫn theo chiều hướng tích cực, giá vàng có thể hồi phục, đạt những ngưỡng cao trong thời gian tới.
Ý điều kiện của lời tuyên bố này rất hữu ích. Ai sẽ nhớ nổi, khi giá vàng giảm, chính xác những điều kiện ấy là gì? Dù cho chúng là gì đi nữa, hiển nhiên chúng đã không được thỏa mãn. Trong trường hợp này, chúng chắc chắn không được thỏa mãn nếu giá vàng giảm. Bởi chúng bao gồm việc tâm lý thị trường vẫn theo chiều hướng tích cực, mà phép thử duy nhất để biết tâm lý thị trường đang theo chiều hướng tích cực chính là giá vàng phải tăng. Vậy phỏng đoán của chàng chỉ đơn giản là nếu giá vàng tăng, nó sẽ tăng. Cái điều ít nhất cũng đúng. Những điều kiện kiểu đó, mặc dù thể hiện sự lặp thừa vô giá trị, gần như luôn luôn hiện diện trong các dự đoán được đưa ra bởi các chuyên gia tư vấn tài chính.
“Trong thời gian tới” cũng hữu ích, bởi nó có nghĩa là thời gian để dự đoán của bạn trở thành hiện thực không bao giờ được đạt đến. Thậm chí nếu tuần sau giá vàng giảm, tuần sau nữa nó có thể tăng, và đấy vẫn là “thời gian tới”, phải không nhỉ?
Nhưng hay nhất là từ “có thể”. Thay “sẽ” bằng “có thể sẽ”, hay thay “là” bằng “có thể là”, bạn không bao giờ sai được. Suy cho cùng, mọi điều đều có thể. Giá vàng giảm, chàng vẫn đúng: chàng chỉ phỏng đoán nó có thể tăng.
“Được tin tưởng là” cũng làm thành sự thay thế hữu ích cho “là”. Chàng có thể tuyên bố rằng vàng được tin tưởng là một hình thức đầu tư tốt mà không sợ bị phản bác bởi tình hình giá vàng giảm. Chàng chẳng nói ai tin tưởng và chắc chắn chàng chẳng nói niềm tin ấy đúng hay sai.
Cái giá của việc phát biểu những câu luôn luôn đúng bằng cách thêm vào các từ ngữ né tránh này - “có thể là”, “được tin tưởng là”, và đại loại vậy - là những câu đó khá vô nghĩa. Chừng nào mà chúng ta coi các từ ngữ này là nghiêm chỉnh, lời phát biểu chẳng còn cung cấp mấy thông tin. Tất nhiên giá vàng có thể sẽ tăng. Nhưng chúng ta muốn biết liệu nó sẽ tăng hay không. Tôi biết một số người tin tưởng vàng là hình thức đầu tư tốt. Mọi cái, dù ngớ ngẩn chừng nào, đều có ai đấy tin tưởng. Vấn đề là niềm tin về giá vàng đúng hay sai.
Hy vọng ở những kẻ sử dụng các từ ngữ né tránh là người nghe sẽ bỏ qua chúng cho tới lúc tình hình diễn biến xấu đi. Chúng là thứ chính sách bảo hiểm. Nếu giá vàng tăng, tốt: chàng đã nói giá vàng sẽ tăng. Nếu giá vàng không tăng, chà, chẳng sao cả: chàng chỉ nói giá vàng có thể sẽ tăng thôi mà.
Chẳng riêng gì các dự đoán mới được phát biểu kiểu nước đôi với các từ ngữ né tránh. Tất cả các loại tài liệu phát hiện đều sử dụng đến các từ ngữ này. Dưới đây là một ví dụ điển hình lấy từ một bài báo đăng trên tờ Điện tín hàng ngày (2/5/2003) dường như cho biết về những phát hiện gần đây liên quan tới tác động của cần sa đối với sức khỏe. Tựa đề của bài báo là: “Cần sa có thể gây ra 30.000 cái chết mỗi năm”. Bài báo trích lời Giáo sư John Henry:
Ngay cả khi số người tử vong chỉ chiếm một phần của con số 30.000, con số mà chúng tôi cho là có thể, việc hút cần sa vẫn bị coi như một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thứ nhất, hãy lưu ý cách diễn đạt “con số 30.000 [người tử vong], con số mà chúng tôi cho là có thể”. Giáo sư Henry không thể có ý nói vậy. Bởi ai chả biết 30.000 người tử vong là có thể, trước khi bất cứ nghiên cứu nào được tiến hành. Bất cứ con số nào cũng đều có thể hết. Nó chỉ đáng đưa tin nếu từng tồn tại lý do để nghi ngờ rằng con số đó là không thể. Tuy nhiên từng có cái gì khiến con số đó là không thể chứ?
Với câu nói rằng theo ông ta thì 30.000 trường hợp tử vong do hút cần sa là có thể, Giáo sư Henry hẳn muốn nói rằng theo ông ta thì 30.000 là con số thực tế, nhưng ông ta không chắc chắn lắm. Các bằng chứng của ông ta, mặc dù chưa hoàn toàn thuyết phục, khiến con số 30.000 trở thành con số ước tính hợp lý nhất.
Có những phương pháp thống kê tiêu chuẩn về độ chắc chắn mà chúng ta nên xác định đối với một giả thuyết dưới ánh sáng của các phát hiện nhờ thực nghiệm. Không thể cho rằng những người ngoài chuyên môn lại hiểu biết được những phương pháp thống kê này và bởi vậy thông thường các bài báo không trích lời họ. Tuy nhiên, thêm từ “có thể” để chỉ ra rằng độ chắc chắn đối với giả thuyết nhỏ hơn một (tức là không chắc chắn gì) là việc làm vô giá trị. Từ “có thể” không thể chỉ ra sự khác biệt giữa những giả thuyết có và những giả thuyết không có bằng chứng rõ ràng.
Tệ hơn. Nếu các bằng chứng đã có khiến con số 30.000 trở thành con số ước tính hợp lý nhất cho những trường hợp tử vong do hút cần sa - một con số đáng đăng báo - thì việc nói rằng đây là con số “rất có khả năng đúng” sẽ mang tính biểu đạt mạnh mẽ hơn. Mặt khác, “rất có khả năng đúng” sẽ mạo hiểm hơn hẳn “có thể”. Nếu, sau khi tiếp tục nghiên cứu, con số thực tế hóa ra là 5.000, lúc đó con số 30.000, mặc dù vẫn là “có thể”, chẳng còn “rất có khả năng đúng nữa”. Tại sao lại gây rắc rối về sau bằng việc phát biểu quá dứt khoát?
Hay có lẽ Giáo sư Henry đang phát biểu quá dứt khoát. Có lẽ nghiên cứu của ông ta cũng chẳng đảm bảo độ tin cậy ở con số 30.000 hơn câu nói rằng nó đơn thuần là có thể. Bạn tự hỏi vậy tất cả sự ồn ào này là thế nào. Tại sao ai đấy lại phải quan tâm đọc cái thứ chẳng có gì là phát hiện này trên tờ báo ấy?9
9 Giáo sư Henry không đưa ra bằng chứng mới mẻ nào về tác động của cần sa đối với sức khỏe (xem bài xã luận của ông ta trên Tạp chí Y tế Anh, số 326, tháng 5 năm 2003, trang 942 - 943). Đúng hơn, ông ta đi đến con số 30.000 bằng cách cho rằng việc hút thuốc lá và cần sa làm tăng khả năng tử vong giống nhau. Rồi ông ta áp dụng tỷ lệ tử vong hàng năm do hút thuốc lá là 0,9% lên con số 3,5 triệu người hút cần sa để đi đến con số 30.000 kia. Lập luận của ông ta có hai vấn đề. Thứ nhất, con số 3,5 triệu người hút cần sa dựa trên cơ sở dữ liệu nghèo nàn, chẳng hạn người ta sẽ liên hệ tới việc dùng cần sa khi xảy ra một hoạt động tội phạm. Thứ hai, không có sự xem xét các thói quen sử dụng khác nhau giữa những người sử dụng cần sa và sử dụng thuốc lá. Điểm đặc trưng ở những người hút cần sa là hút ít hơn mỗi ngày và thói quen này được duy trì trong khoảng thời gian ngắn hơn của cuộc đời. Giáo sư Henry đã khôn ngoan khi nói rằng 30.000 chỉ là con số có thể những trường hợp tử vong do hút cần sa. (TG)
Nhưng chúng ta không cần quá lo lắng đến con số tử vong do dùng cần sa đâu. Vì người ta cho là nó không liên quan tới kết luận của Giáo sư Henry rằng việc sử dụng cần sa là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng ở Anh: “Ngay cả khi số người tử vong chỉ chiếm một phần của con số 30.000, cần sa vẫn là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe.”
Ý kiến này thật lạ lùng. Hãy giả sử cái một phần đó là 1/100. Tức là hãy giả sử tỷ lệ tử vong hàng năm chỉ là 1/100 của 0,9% mà Giáo sư Henry đưa ra: tương đương 0,009%. Thế thì khả năng bạn tử vong trong năm nay do hút cần sa cũng chẳng lớn hơn khả năng chính phủ Mỹ sẽ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính.10 Khó có thể là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Không giới hạn được những phân số kia, Giáo sư Henry đã khiến lời khẳng định của mình trở nên hiển nhiên không đúng.
10 Chỉ số tín nhiệm của chính phủ Mỹ là AAA. Chỉ số tín nhiệm đưa ra ước tính về khả năng mà một tổ chức không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính trong một khoảng thời gian nhất định (thông thường là một năm). Những tổ chức có chỉ số tín nhiệm là AAA có 0,01% khả năng không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính. Tỷ lệ này ở mức được giới tài chính gọi là gần như không gặp rủi ro: lãi suất từ các khoản cho chính phủ Mỹ vay được gọi là lãi suất phi rủi ro. (TG)
Nhưng nó không sai nếu bạn nhớ tới các từ ngữ né tránh! Giáo sư Henry thực tế đâu có nói rằng dù con số người chết vì cần sa là bao nhiêu đi nữa, cần sa sẽ vẫn là một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Ông ta chỉ nói rằng dù con số người chết vì cần sa là bao nhiêu đi nữa, cần sa sẽ “vẫn bị coi như” một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Và về điều này thì ông ta có thể đúng. Tôi không coi nguy cơ tử vong ở mức 0,009% là một nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe, tuy nhiên việc ấy chẳng liên quan gì. Giáo sư Henry đâu có nói ai giữ quan điểm đó. Vì bất cứ người nào cũng đều có thể giữ quan điểm đó, kể cả bản thân Giáo sư Henry, xem chừng những lời phát biểu ông ta đưa ra được đảm bảo là tuyệt đối đúng đắn.
Tuy nhiên, ông ta đã đúng với cái giá phải trả là những gì ông ta đã nói chẳng cung cấp mấy thông tin. Cái có vẻ như là một phát hiện mới mẻ thú vị về tác động dẫn đến tử vong của việc hút cần sa hóa ra chỉ là Giáo sư Henry cho chúng ta biết rằng, dù việc hút cần sa gây nên hay không gây nên cái chết ở bao nhiêu người, ông ta sẽ cứ coi nó như mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe - một thực tế thú vị và lạ lùng, nhưng là về Giáo sư Henry chứ không phải là về cần sa.
NHỮNG TỪ NGỮ ĐƯỢC CỔ SÚY
Bạn có ủng hộ sự công bằng không? Tôi đánh cuộc bạn có ủng hộ.
Bạn có nghĩ nó đơn giản là người nào kiếm được nhiều tiền hơn phải bị chính phủ bắt buộc chia một phần thu nhập của mình cho người nào kiếm được ít tiền hơn? Tôi chẳng dám phỏng đoán bạn có nghĩ như thế hay không nữa. Nhiều người nghĩ sự tái phân phối thu nhập này là bản chất một xã hội công bằng. Còn những người khác thì nghĩ đó đơn giản là việc cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Tất cả mọi người đều ủng hộ sự công bằng. Họ chỉ bất đồng ở chỗ cái gì là công bằng, cái gì là không công bằng. Xét theo khía cạnh này, “sự công bằng” là một từ được cổ súy. Hãy tuyên bố rằng bạn ủng hộ sự công bằng và tất cả mọi người sẽ nhiệt liệt tán thành bạn, thậm chí nếu họ có không tán thành bạn trong mọi vấn đề cụ thể liên quan đến định nghĩa về sự công bằng.
Bên cạnh sự công bằng là hòa bình, dân chủ, bình đẳng và vô số các ý tưởng khác mà ai nấy đều ôm ấp, bất kể việc họ nghĩ các ý tưởng ấy bao gồm những gì.
Rồi đến các từ ngữ bị la ó: giết người, độc ác, ích kỷ, v.v... Ai nấy đều nhất trí rằng giết người là sai trái, dù họ có bất đồng tới mức nào trong quan điểm xem xét những trường hợp nào sẽ bị coi là giết người. Nhiều người bị các nhà lập pháp châu Âu phản đối vì việc đánh đập con cái cũng phản đối sự độc ác, và đối với họ sự độc ác là nuôi nấng con cái mà không khép chúng vào kỷ luật bằng roi vọt.
Nếu bạn muốn diễn đạt rõ ràng ý kiến của mình, trước khi sử dụng các từ ngữ được cổ súy hay bị la ó, hãy nói cho người ta biết bạn hiểu chúng như thế nào. Ví dụ, thật vô nghĩa nếu một chính trị gia khẳng định đơn giản rằng, khi xem xét vấn đề phân phối lại của cải xã hội, ông ta ủng hộ một chính sách công bằng. Tất cả chúng ta vốn vẫn ủng hộ. Điều chúng ta muốn biết là ông ta coi chính sách như thế nào là công bằng.
Mặc dù vô nghĩa, đây chính xác là phương pháp nhiều chính trị gia ưa chuộng. Sử dụng các từ ngữ được cổ súy chẳng kèm theo giải thích gì là cách dễ dàng để giành sự tán thành của cử tri. Phát biểu rằng bạn tìm kiếm một xã hội công bằng hơn. Tất cả mọi người lắng nghe sẽ có ý kiến riêng về những chỗ chưa công bằng trong xã hội hiện tại và, nếu người nào thích hàm răng trắng đều đặn hay chiếc sơ mi mở khuy cổ của bạn, người ấy sẽ có xu hướng cho rằng bạn đang nói tới chính cái điều họ suy nghĩ. Bạn ít nhất có thể giành được sự tán thành mà chẳng phải nói điều gì về sau có thể chống lại bạn. Hoặc thậm chí tự bản thân bạn chẳng phải hiểu ý mình muốn nói nữa. Một chính trị gia có thể không có khái niệm cụ thể nào về sự công bằng hay sự bình đẳng hay bất cứ cái gì khác. Anh ta chỉ có các từ ngữ được cổ súy và tìm kiếm sự dẫn dắt chi tiết tiếp theo từ những cuộc phỏng vấn nhóm, những cuộc thăm dò dư luận và quá trình thử nghiệm chính sách hết lần này tới lần khác nếu được bầu.
Tony Blair thông báo chính sách giáo dục của Đảng Lao động Anh tại Đại hội Đảng năm 1996 bằng tuyên bố rằng ông sẽ có “ba ưu tiên trong chính phủ là giáo dục, giáo dục, và giáo dục”. Hoan hô! Không phải một lần giáo dục mà những ba lần! Trẻ em đã được cứu vớt!
Ai nấy đều đồng ý giáo dục rất quan trọng. Điều người ta thiếu nhất trí là chính sách nào sẽ đem đến những tiêu chuẩn cao nhất, phù hợp với các nguồn lực được phân bổ thích đáng cho các vấn đề khác, như quốc phòng, tư pháp, giao thông. Giáo dục hoàn toàn có thể là ba ưu tiên của ông Blair, nhưng ông ta đưa ra đề xuất gì cho nó? Đấy là câu hỏi mà bất cứ cử tri nào cũng nên muốn biết câu trả lời.
Phép thử đơn giản giúp nhận ra bản chất các phát biểu chính trị là liệu có ai đầu óc lành mạnh sẽ không tán thành các phát biểu ấy hay không. Nếu một chính trị gia tuyên bố rằng anh ta sẽ cố gắng khiến người dân Anh có sức khỏe tốt và có đời sống khá giả, thì anh ta chẳng nói với bạn bất cứ thông tin nào hữu ích cả. Bạn sử dụng thông tin này ra sao để lựa chọn giữa anh ta và đối thủ của anh ta, người gần như chắc chắn cũng đặt mục tiêu tương tự? Trong một nền dân chủ lành mạnh, nơi cử tri đòi hỏi những thông tin cần thiết để đi đến sự lựa chọn sáng suốt giữa các đảng phái và các ứng viên, việc bàn bạc chính trị sẽ tập trung vào các vấn đề khó khăn, hay gây tranh cãi, mà những con người biết suy nghĩ còn chưa nhất trí ý kiến. Những cam kết về sự công bằng, hòa bình và tất cả các cái đại loại vậy, đều, theo đúng nghĩa đen, chẳng cần nói người ta cũng biết.
DẤU NGOẶC KÉP
Giả sử tôi khẳng định rằng lời bác bỏ của ông bộ trưởng đối với những luận điệu kia thiếu sức mạnh. Thế thì tôi vừa nói một điều rối rắm. Bác bỏ cái gì đó tức là cho thấy nó sai lầm. Nếu ông bộ trưởng trên thực tế đã cho thấy được những luận điệu kia sai lầm, không có chuyện ở đấy thiếu sức mạnh. Tôi nên nói theo cách sau: “lời bác bỏ” của ông bộ trưởng thiếu sức mạnh. Dấu ngặc kép cho các từ “lời bác bỏ” thể hiện rõ ràng rằng tôi chẳng định bảo đó là một lời bác bỏ thật sự. Ông ta không thật sự cho thấy được những luận điệu kia sai lầm, đó chỉ là cái được coi như lời bác bỏ. Nếu tôi đang nói chứ không phải đang viết, tôi có thể biểu đạt sự hoài nghi của mình bằng giọng giễu cợt, hoặc sử dụng cử chỉ mà nhiều người bây giờ ưa thích là vẫy vẫy ngón trỏ và ngón giữa của hai bàn tay ngang mang tai, giống một con thỏ dở hơi vậy.
Thông thường thì không có gì khó hiểu đối với việc dùng dấu ngoặc kép kiểu này. Nó là cách hiệu quả để nói rằng điều ấy điều nọ được mô tả bằng các từ đặt trong dấu ngoặc kép chỉ là được coi như điều ấy điều nọ thôi. Nhưng một số tác giả áp dụng dấu ngoặc kép quá thiếu nhất quán hoặc quá tràn lan khiến người ta chẳng hiểu nổi họ muốn nói gì.
Sau đây là ví dụ về sự thiếu nhất quán lấy từ cuốn sách bán chạy của Tiến sĩ Miriam Stoppard, Cẩm nang chăm sóc em bé. Chương 2 bao gồm phần hướng dẫn quan sát các phản xạ phải có ở trẻ sơ sinh. Một trong số các phản xạ là phản xạ bò, nhờ thế trẻ có xu hướng co đầu gối lên phía ngực khi được đặt nằm sấp. đầu đề của mục này, phản xạ ấy được gọi là phản xạ “bò”. Tôi đồ rằng dấu ngoặc kép nhằm mục đích nói với độc giả là trẻ không thực sự bò - cử động đó chỉ giống như bò thôi. Tuy nhiên, xuống đến đoạn trình bày, Tiến sĩ Stoppard lại viết “phản xạ” ấy sẽ biến mất ngay sau khi hai chân duỗi ra và trẻ nằm xuôi chân. Người ta phân vân chẳng biết phản xạ bò ấy không thực sự là bò hay không thực sự là phản xạ, hay không thực sự là cả hai - nếu vậy thì cách gọi tên hành vi được đề cập tới này thật kỳ quặc.
Trong trường hợp của Tiến sĩ Stoppard, sự thiếu nhất quán kia chỉ là sơ suất vô hại. Dấu ngoặc kép đóng vai trò không quan trọng ở cuốn Cẩm nang chăm sóc em bé. Nhưng ở các tác giả khác, việc sử dụng dấu ngoặc kép biểu đạt ý hoài nghi thật chẳng đâu vào đâu và gây khó hiểu. Điều này đặc biệt phổ biến ở các tác giả có thái độ chỉ trích đối với những cái được gọi là thành công về mặt tri thức của các tác giả khác. Ví dụ, các nhà xã hội học thông thường không thích nói rằng một nhà khoa học đã khám phá ra cái gì đó hoặc đã giải quyết được vấn đề gì đó. Họ thích chỉ nói rằng cái gì đó “đã được khám phá” hoặc vấn đề gì đó “đã được giải quyết”. Triết gia và sử gia Imre Lakatos cung cấp một ví dụ thú vị:
Sử dụng một lý thuyết giả mạo làm một lý thuyết mang tính giải thích, người ta có thể - chẳng cần mắc bất cứ “lỗi thực nghiệm” nào - đi đến những xác nhận trái ngược nhau, mâu thuẫn với các kết quả thực nghiệm. Michelson, người đã kiên trì theo đuổi cái môi trường Ether11 đó đến cùng, ban đầu nản lòng trước sự mâu thuẫn của các “thực tế” mà ông đạt được thông qua các phép đo lường cực kỳ chính xác. Thí nghiệm tiến hành năm 1887 “thể hiện” không có gió Ether trên bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên sự sai lệch hình ảnh lại “thể hiện” có gió Ether. Hơn nữa, thí nghiệm do chính ông tiến hành năm 1925 cũng “xác nhận” là có.12
11 Môi trường mà một số nhà khoa học cho là tỏa khắp vũ trụ, không màu, không mùi, không vị, và sóng ánh sáng có thể truyền qua. (ND)
12 I. Lakatos, tác giả bài “Sự giả mạo và phương pháp luận cho các chương trình nghiên cứu khoa học” trong cuốn Sự phê bình và mở rộng kiến thức, Lakatos và Mus- grave (đồng biên tập), Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp Cambridge, 1970, trang 164, chú thích số 12. Tôi mắc nợ David Stove vì đã tìm thấy phần tham khảo này trong tác phẩm ông ta viết Popper và tiếp theo đó: Bốn kẻ phi lý của khoa học, Nhà xuất bản Pergamon, New York, 1982, phần I. Cuốn sách cung cấp một phần trình bày rất buồn cười về sự tối nghĩa trong ngôn ngữ của bốn triết gia lỗi lạc. (TG) (Ở đây có lẽ là Karl Raimund Popper (1902 - 1994), triết gia người Anh gốc Áo. - ND)
Khó khăn gây ra cho độc giả do việc sử dụng dấu ngoặc kép liên tục như thế không phải là khiến họ không thể xác định được điều tác giả không muốn nói với từ nằm trong dấu ngoặc kép, mà là không thể xác định được điều tác giả muốn nói.
Khi Lakatos đặt từ “thể hiện” và từ “xác nhận” vào dấu ngoặc kép, bạn nghĩ là ông ta muốn ám chỉ rằng các thí nghiệm không thực sự thể hiện điều mà người ta cho là chúng thể hiện. Tại sao không? Có lẽ vì chúng ta biết những sự việc được cho là thể hiện ra như thế nào thì không thật như thế. Bạn chẳng thể xác nhận cái không thật tồn tại, bạn chỉ có thể “xác nhận” nó. Nhưng lý thuyết này không giải thích nổi cách Lakatos sử dụng dấu ngoặc kép bởi ông ta đã sử dụng dấu ngoặc kép cho cả các thí nghiệm “thể hiện” không có gió Ether lẫn các thí nghiệm “thể hiện” có gió Ether. Hay có lẽ các thí nghiệm chỉ “thể hiện” những điều đó vì chúng không được tiến hành đúng phương pháp. Tuy nhiên, giả thiết ấy bị Lakatos loại trừ, vì ông nói rằng các phép đo lường của Michelson là cực kỳ chính xác và rằng toàn bộ vấn đề xuất hiện thậm chí khi không mắc lỗi thực nghiệm (ông ta lại một lần nữa khiến chúng ta bối rối với việc đóng dấu ngoặc kép cho cụm từ “lỗi thực nghiệm”).
Đọc vài trang Lakatos viết, bạn bắt đầu có cảm giác rằng không phải là ông ta không thích những khẳng định về bằng chứng cụ thể này, mà là ông ta không thích mọi khẳng định về bằng chứng. Người ta luôn luôn đặt các từ ngữ ngụ ý thứ thành công hay thất bại nào đấy trong lĩnh vực khoa học vào dấu ngoặc kép.
Thế thì tại sao ông ta cứ sử dụng các từ ngữ như vậy? Độc giả biết điều ông ta không muốn nói với các từ “xác nhận” hoặc “thể hiện” - tức là, xác nhận hoặc thể hiện - nhưng ông ta muốn nói điều gì với các từ ấy mới được nhỉ? Tôi thách ai nói, sau khi xem phần trích dẫn bên trên, rằng điều Lakatos suy nghĩ là mối quan hệ logic giữa lý thuyết về môi trường Ether của Michelson và các kết quả thực nghiệm của ông.
Các tác phẩm chủ yếu ra đời vào thập kỷ 1970 của Lakatos đi tiên phong trong việc lạm dụng dấu ngoặc kép biểu đạt ý giễu cợt, hoài nghi. Đến thập kỷ 1980, nó trở thành thông dụng đối với những trí thức muốn lánh xa sự bành trướng văn hóa của Chủ nghĩa Duy lý Khai sáng. Hiện nay, không con người đứng đắn nào lại dùng đến các từ ngữ ám chỉ bất cứ điều gì mang tính đánh giá - như “tốt hơn”, “bình thường, “sai lầm”, v.v... - mà không giấu nỗi ngượng ngùng đằng sau cái dấu ngoặc kép dễ thương, khiêm tốn. Tất nhiên là họ dùng đến các từ ngữ này. Không thể bàn bạc bất cứ điều gì mà không dùng đến chúng được. Nhưng họ không thực sự muốn nói về chúng. Hay, ít nhất, không thực sự muốn nói một cách nghiêm túc.