Tặng Mariam Rachel, người cùng tôi ấp ủ cuốn sách này.
T
ất cả những cuốn sách dạy cách rèn luyện bản thân đều bắt đầu bằng một lời thú nhận.Và sau đây là lời thú nhận của tôi: Tôi vẫn thường viết thư cho biên tập viên tờ Thời báo với bút danh “Kẻ bất bình ở Highbury”. Dù sao, tôi cũng đang khá hơn. Tôi không còn thường xuyên gửi thư nữa, và thỉnh thoảng tôi thậm chí chẳng viết gì. Nếu tôi có một bác sĩ trị liệu, thì ông ấy ắt sẽ hài lòng về sự tiến bộ của tôi.
Nhưng cũng phải thú thật là không có sự thay đổi sâu sắc nào trong con người tôi. Tôi vẫn muốn viết những lá thư đó. Chẳng qua vì ba cái điều làm tôi phiền lòng lại dường như không khiến biên tập viên tờ Thời báo mảy may bận tâm. Cũng không khiến đám bạn bè càng ngày càng ít ỏi của tôi chú ý, bọn họ ngáp dài và lơ đễnh đưa ánh mắt đi chỗ khác khi nghe tôi giãi bày những nỗi băn khoăn, trăn trở hay những “lời lẽ hung hăng”, cách nói của số ác khẩu.
Nguyên nhân làm tôi bực bội là gì?
Xin thưa, những sai sót trong lập luận, sự ngụy biện, lối tư duy lộn xộn. Bạn có thể gọi thế nào tùy thích. Bạn biết tôi muốn nói tới cái gì mà.
Khi đã chọn đọc cuốn sách có phụ đề “Phương pháp thần tốc đạt đến sự sáng suôt”, có lẽ bạn sẽ đồng tình với tôi hơn đám bạn bè của tôi hay biên tập viên tờ Thời báo. Và tinh thần cảm thông được kêu gọi. Thế giới hiện đại là một môi trường độc hại đối với những kẻ trong chúng ta, những người cảm thấy bực bội bởi lỗi logic. Nếu ai đấy quan tâm đến những gì chúng ta phải chịu đựng, những chương trình tranh luận trên sóng phát thanh và truyền hình, chương trình Giờ chất vấn chẳng hạn, sẽ bị kiểm duyệt. Thậm chí cả Quốc hội bây giờ cũng lên sóng, như thể không nỗi khổ sở nào là quá to tát.
Tại sao chúng ta - những kẻ phản đối - lại cô đơn? Tại sao những người tiêu thụ khác - những người tiêu thụ toàn bộ thứ tư duy khiếm khuyết này - lại không phàn nàn với các nhà cung cấp, hay với bất cứ ai sẽ lắng nghe họ, giống như họ vốn vẫn làm khi máy giặt của họ bị rò nước hoặc khi xe hơi của họ không khởi động được?
Câu trả lời đơn giản là hầu hết mọi người chẳng nhận ra vấn đề. Khi một chiếc xe hơi gặp trục trặc, ai cũng có thể thấy rằng nó đang gặp trục trặc, ngay cả khi họ chẳng hiểu gì về cơ chế hoạt động của nó. Việc lập luận thì lại khác. Nếu bạn không hiểu về cơ chế dẫn đến sai lầm trong lập luận, bạn sẽ không nhận ra được sự sai lầm. Cuộc nói chuyện không dừng lại, tai người ta không bốc khói, mắt người ta không nhấp nháy đèn đỏ. Biết đâu một ngày nào đó, người ta sẽ chế tạo ra một thiết bị báo động mỗi khi xuất hiện những lỗi logic, và không một chính trị gia, nhà báo hay doanh nhân nào được phép phát ngôn mà chưa lắp thiết bị này. Tuy nhiên, từ nay tới cái ngày hạnh phúc ấy, tất cả chúng ta vẫn phải dựa vào khả năng của chính mình để nhận ra những sai sót trong lập luận.
Than ôi, hầu hết mọi người gần như chẳng hiểu gì về các con đường đi đến sai lầm của lập luận. Nhà trường vốn vẫn gói ghém trí tuệ con người ta trong những thông tin vô giá trị - về chu trình khí nitơ, về nguyên nhân gây ra Chiến tranh Thế giới thứ hai, về nhịp thơ năm âm tiết, về lượng giác - nhưng không làm cho họ có khả năng phát hiện ngay cả những lỗi logic cơ bản. Điều ấy tạo ra vô vàn những kẻ khờ, chẳng thể kháng cự lại thứ lập luận rởm của những kẻ muốn tranh thủ cái gì đó ở họ, phiếu bầu, tiền bạc hay lòng trung thành.
Ngược lại, nhiều người tự bảo vệ mình bằng chủ nghĩa hoài nghi, coi nhẹ mọi điều được nói ra bởi bất cứ ai nắm trong tay quyền lực hoặc ảnh hưởng. Nhưng chủ nghĩa hoài nghi là biện pháp tự bảo vệ tồi, vì nó không giúp phát hiện những lập luận hay bên cạnh những lập luận dở. Chẳng tin tưởng điều gì cũng ngu ngốc hệt khi tin tưởng hết thảy vậy. Sự hoài nghi, giống như sự cả tin, là biểu hiện của tình trạng kém phát triển khả năng phê phán.
Cuốn sách này nhằm mục đích giúp độc giả lấp đầy các lỗ hổng mà hệ thống giáo dục tạo ra. Tuy nhiên, đừng coi nó là một cuốn sách giáo khoa, hãy coi nó là những gợi ý về logic hoặc hãy coi nó là những hướng dẫn khắc phục sự cố trong cuốn sổ tay giới thiệu cách sử dụng xe hơi hay máy vi tính của bạn. Nó hướng tới những người hàng ngày phải lập luận và lắng nghe lập luận, cũng tức là tất cả mọi người, và giải quyết các lỗi lập luận thường gặp, đặc biệt khi bàn bạc, trao đổi về những chủ đề hay gây tranh cãi. Với mười hai chương sách, mỗi chương sẽ đề cập tới một lỗi như vậy.
Khi đã được chỉ ra thì người ta sẽ dễ dàng nhận thấy đấy là sai lầm. Khó khăn là nhận thấy sai lầm trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, hầu hết nội dung cuốn sách cung cấp các ví dụ cụ thể. Có ví dụ chỉ là tưởng tượng thôi, nhưng chúng hết sức quen thuộc và bạn sẽ dễ dàng hình dung đến những tình huống thực tế mà bạn từng gặp. Tuy nhiên, đa số là các ví dụ thực tế xuất hiện trong các lĩnh vực chính trị, thần học, kinh doanh và bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến các cuộc tranh luận.