"V
ì theo bố mẹ phải vậy” là câu mà hầu hết chúng ta lúc này hay lúc khác vẫn nghe bố mẹ nói. Thường thì đó đơn giản là một lời đe dọa. Ví dụ, để trả lời thắc mắc “Tại sao con phải ăn món đậu này?”, câu nói trên lịch sự hơn rất nhiều và vì thế được tán thành hơn câu “Vì nếu không bố mẹ sẽ đánh con”. Tuy nhiên, bọn trẻ cũng có thể nhận được câu trả lời như thế đối với những băn khoăn về một số vấn đề của cuộc sống, giả như: “Tại sao con phải tin vào việc Chúa Jesus do Đức mẹ Đồng trinh sinh ra?”. Trong trường hợp đó, những ông bố bà mẹ đã mắc một sai lầm nghiêm trọng, ngụy biện sử dụng thẩm quyền của mình.
Sự ngụy biện nằm trong sự nhầm lẫn hai thứ thẩm quyền hoàn toàn khác nhau. Có thứ thẩm quyền thuộc về những ông bố bà mẹ, những trọng tài bóng đá và các nhân viên ghi vé phạt xe đỗ sai luật: quyền quyết một số vấn đề nhất định. Ví dụ, bố mẹ có quyền quyết khi nào con cái phải đi ngủ. Vì thế, để đáp lại câu hỏi “Tại sao con phải đi ngủ lúc tám giờ?” thì câu trả lời “Vì theo bố mẹ phải vậy” là hoàn toàn chính xác - vì bố mẹ chính là người lập ra, đúng với nghĩa đen của từ này, giờ đi ngủ cho con cái. Nhưng việc Chúa Jesus có được sinh ra mà chẳng nhờ đến quan hệ tình dục hay không lại không phụ thuộc vào các bậc phụ huynh. Việc Đức mẹ Mary vẫn còn đồng trinh khi Chúa Jesus ra đời là nằm ngoài ý chí của họ, và thực tế là nằm ngoài ý chí của bất cứ ai khác. “Vì theo bố mẹ phải vậy” là câu trả lời hoàn toàn sai lầm cho câu hỏi “Tại sao con phải tin vào việc Chúa Jesus do Đức mẹ Đồng trinh sinh ra?”. Vấn đề này vượt quá phạm vi thẩm quyền của bố mẹ.
Tuy nhiên, còn một ý nghĩa nữa, ý nghĩa ẩn dụ của khái niệm “thẩm quyền” mà dựa vào đó câu trả lời “Vì theo bố mẹ phải vậy” đôi lúc hợp lý, ngay cả khi thẩm quyền nghĩa đen không tồn tại: nói cụ thể là thẩm quyền của các chuyên gia. Nếu một người là chuyên gia về lĩnh vực nào đó (hay thông thường vẫn được gọi là người có uy tín cao trong lĩnh vực ấy), thì kiến của người này có nhiều khả năng đúng - hoặc, ít nhất, có nhiều khả năng đúng hơn ý kiến của người ngoài chuyên môn. Vì vậy hoàn toàn chấp nhận được việc viện dẫn ý kiến của một người có uy tín cao trong một lĩnh vực - tức, một chuyên gia - để xác nhận quan điểm của bạn. Đó là bằng chứng gián tiếp cho ý kiến của bạn.
Chúng ta không thể là chuyên gia trên mọi lĩnh vực. Khi những người ngoài chuyên môn ngồi bàn về sinh học tiến hóa, vật lý lượng tử, biến đổi khí hậu, khía cạnh kinh tế của quá trình phát triển ở các nước nghèo, v.v… thì một trong những bằng chứng tốt nhất có thể được đưa ra sẽ đơn giản là “Vì theo Giáo sư đoạt giải Nobel X, nó phải vậy”. Và nếu bản thân Giáo sư X không may đả động đến một lĩnh vực khác, câu nói của ông “Vì theo tôi, nó phải vậy” cũng sẽ chả có tác dụng gì, tức là chỉ nhận được một thái độ khinh thường đáng khó chịu.
Sự ngụy biện liên quan tới thẩm quyền đến đây hẳn đã rõ ràng. Nó xảy ra khi khía cạnh thứ nhất, theo nghĩa đen, của thẩm quyền (một người có quyền quyết một số vấn đề nhất định) bị nhầm lẫn với khía cạnh thứ hai, theo nghĩa ẩn dụ (một người là một chuyên gia và vì thế có khả năng đúng về những vấn đề thuộc lĩnh vực mình am hiểu).
Bố bạn có thể quyết việc bạn phải đi ngủ lúc mấy giờ, bạn phải ăn gì vào bữa tối, bạn phải học trường nào. Nhưng thứ thẩm quyền theo nghĩa đen đó không khiến ông trở thành chuyên gia về quá trình sinh sản của con người (hoặc của thần thánh). Bởi vậy, bạn hoàn toàn được phép tỏ ra hoài nghi khi ông nói với bạn rằng bạn phải tin vào việc Chúa Jesus do Đức mẹ Đồng trinh sinh ra vì, theo ông, chuyện đó phải vậy. Câu chuyện Chúa Jesus do Đức mẹ Đồng trinh sinh ra đi ngược lại tất cả những gì bạn từng học trong các tiết khoa học ở nhà trường và bố bạn là một đại diện bán hàng của hãng Xerox, chứ không phải là nhà sinh vật học hay nhà khảo cổ học giám định. Tất nhiên, ông có thể chỉ đang dọa nạt bạn, giống như khi bạn hỏi ông tại sao bạn phải ăn món đậu. Có điều cách dọa nạt ấy chẳng đâu vào đâu. Nó có thể thúc ép bạn tin vào việc Chúa Jesus do Đức mẹ Đồng trinh sinh ra - hay, ít nhất, thúc ép bạn nói rằng bạn tin1- chứ chẳng đưa ra được bằng chứng cho sự thật của vấn đề. Đối với những người chỉ tin vào sự thật, các ý kiến thiếu bằng chứng xác nhận chẳng ích lợi gì, mà chúng cũng chẳng khá khẩm hơn lên khi được đưa ra cùng sự dọa nạt.
1 Bạn chẳng thể đơn giản cứ quyết định tin là sẽ tin được một điều gì đó, thậm chí nếu có ai đe dọa, bắt buộc bạn làm vậy. Bạn có thể tự kiểm tra điều này. Hãy cố gắng tin vào một điều mà hiện tại bạn không tin: ví dụ, bạn sẽ là người thừa kế ngai vàng của Croatia, hoặc bạn sẽ không hề hấn gì cho dù bị xe hơi cán phải. Tôi dám cá bạn không thể. Để tin được một điều gì đó, nói chung bạn cần lý do để nghĩ nó là sự thực. (Chú thích của tác giả - TG)
NHÂN DÂN
Ở cái quá khứ huyền hoặc chẳng còn ai nhớ nữa, cách đây khoảng hơn mười năm, công chúng dành sự tôn trọng lớn lao cho những nhân vật có uy tín trong xã hội. Và nếu những cuốn sách giáo khoa cũ kỹ dạy các bài mở đầu về logic được tham khảo, người ta sẽ thấy điều này đã tạo ra một vấn đề rất tồi tệ - vấn đề ngụy biện liên quan tới thẩm quyền. Ý kiến của bố mẹ, cảnh sát, giáo hoàng, thầy tu và các chính trị gia được viện dẫn bất tận, như thể chúng chứa sức mạnh của ý kiến do các nhà chuyên môn đưa ra, mặc dù ai nấy đều biết họ đều có khả năng mắc sai lầm.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và vị trí của những nhân vật này đang xuống dốc thê thảm. Bạn hãn hữu mới thấy người ta giải quyết được một cuộc tranh cãi chỉ với câu “Vì theo ngài Thủ tướng phải vậy”. Bố mẹ bị con cái cho là cổ hủ, còn cảnh sát hay thầy tu, chà, hãy nói một cách độ lượng rằng họ không đến nỗi rặt là những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em hoặc cuồng tín.
Bởi vậy, chúng ta có thể hy vọng vấn đề ngụy biện liên quan tới thẩm quyền sẽ giảm đáng kể. Nhưng thực tế nó vẫn phát triển mạnh mẽ. Những nhân vật có uy tín mới nổi lên, thay thế những nhân vật cũ và, nhờ những cuốn sách loại này, họ cũng đáng ngờ vực chẳng kém.
Ví dụ điển hình nhất là Nhân Dân: tầng lớp chiếm đa số trong xã hội, hoặc, đôi khi, nhóm thiểu số lớn nhất.
Nhân dân không chỉ đơn thuần là một nguồn thiếu tính tin cậy nhưng thường xuyên được viện dẫn y như thể họ là những chuyên gia. Hơn thế nữa, lý do đích xác khiến nhân dân được viện dẫn là sự lẫn lộn giữa hai khía cạnh của thẩm quyền.
Trong một nền dân chủ, nhân dân là đối tượng nắm vận mệnh chính trị cao nhất. Nhân dân có quyền bầu chọn chính phủ. Điều này có thể tốt, có thể không.
Các đặc điểm ưu việt của nền dân chủ với tư cách một hệ thống cho phép việc bầu chọn chính phủ chẳng phải điều chúng ta quan tâm lúc này. Chúng ta chỉ cần lưu ý, cho dù nền dân chủ có các đặc điểm ưu việt gì, thì nó cũng không nên được thiết lập với giả định rằng phần lớn nhân dân là chuyên gia về kinh tế, luật học, triết học, quan hệ quốc tế, v.v… bởi đáng tiếc là hầu hết chúng ta đều thiếu hiểu biết về những lĩnh vực ấy. Thẩm quyền theo nghĩa đen đôi khi được dựa trên kiến thức chuyên môn - ví dụ, hầu hết các trọng tài môn bóng bầu dục đều là chuyên gia về luật thi đấu bóng bầu dục - nhưng đâu phải lúc nào cũng như vậy. Và ví dụ rõ ràng nhất của sự tách biệt này là nền dân chủ. Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn không ngừng viện dẫn quan điểm của Nhân Dân nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho quan điểm của mình.
Tùy theo mỗi cuộc thăm dò dư luận, có từ 60% đến 70% công dân Anh phản đối việc chấp nhận đồng Euro làm đồng tiền của Anh. Điều này nghĩa là, nếu cuộc trưng cầu dân ý mà người ta đang hứa hẹn được tổ chức vào ngày mai, nước Anh sẽ không chấp nhận đồng tiền chung châu Âu. Nước Anh cũng không thể chấp nhận, ít nhất nếu bạn cho rằng ý chí của Nhân Dân sẽ quyết định vấn đề. Nhưng như thế không có nghĩa việc chấp nhận đồng Euro là một ý dở. Nhân Dân hiểu quá ít về những hệ quả của việc chấp nhận đồng Euro. Vì vậy thật vớ vẩn khi viện dẫn sự phản đối của đại chúng để ủng hộ cho quan điểm của bạn rằng việc chấp nhận đồng Euro sẽ làm tổn hại đến lợi ích nước Anh. Tuy nhiên, các chính trị gia ngờ vực một châu Âu thống nhất vốn vẫn luôn luôn hành động như vậy.
Tất cả các chính trị gia dân chủ đều đồng ý rằng quyền lực chính trị cao nhất nằm trong tay Nhân Dân. Còn đối với những vấn đề khác, họ có thể bất đồng. Một vị có thể nghĩ các trường tư thục thật tệ hại, rồi vị ấy cố gắng thuyết phục công chúng ủng hộ ý kiến của mình, biết rằng ý kiến của công chúng sẽ quyết định vấn đề. Nhưng “quyết định vấn đề” không có nghĩa quyết định ai sai ai đúng. Nhân Dân không thể làm điều đó - không ai có thể bằng quyết định đơn thuần làm cho nhà nước được độc quyền trong lĩnh vực giáo dục, loại bỏ hệ thống tư nhân, hoặc ngược lại. Quan điểm của công chúng chỉ quyết định vấn cũng có nhiều khả năng lựa chọn những chính sách sẽ áp dụng. Và cũng có nhiều khả năng công chúng sẽ lựa chọn những chính sách không ra sao. Nếu chẳng phải vậy, nếu quan điểm của công chúng bao giờ cũng chính xác, thì các nhà chính trị còn đâu vai trò lãnh đạo quan trọng: khi đó chỉ cần những người tiến hành thăm dò ý kiến và thành phần viên chức là có thể kiểm soát được chính phủ2.
2 Đây chính xác là hướng đi của nền chính trị hiện đại. Nhưng tôi ngờ lý do không phải ở chỗ các chính trị gia thực sự nghĩ rằng quan điểm của công chúng luôn luôn đúng. Mà có thể nói đó là hệ quả của sự chuyên nghiệp hóa chính trị. Để cho ý kiến công chúng tác động đến việc hoạch định chính sách, mặc dù bạn chẳng có nhiều khả năng mắc ít sai lầm hơn, bạn có nhiều khả năng nhận được lá phiếu bầu chọn hơn hẳn. (TG)
Chương trình Những người Anh vĩ đại trên kênh truyền hình BBC gần đây thật ngu xuẩn, hoàn toàn xuất phát từ sự lẫn lộn về những gì mà quan điểm của công chúng có thể quyết định. Mười luật sư nổi tiếng, mỗi luật sư đề cử một người, lập thành danh sách ngắn mười người Anh vĩ đại nhất từng sống, rồi đưa ra cho công chúng bầu chọn. Nhưng quyết định bỏ lá phiếu nào đây? Ai sẽ chi phối chúng ta? Tượng ai sẽ được dựng lên trên nóc tòa nhà BBC? Chẳng có gì khác ngoài thực tế của vấn đề! Nhưng người ta không thể lựa chọn một thực tế kiểu đó (nếu quả là những thực tế kiểu đó vốn vẫn tồn tại). Việc ai thực sự là người Anh vĩ đại nhất từng sống không phụ thuộc vào quan điểm của bất cứ người nào. Và công chúng cũng chẳng phải một nguồn đáng tin cậy đối với các vấn đề như vậy - thì đấy, kết quả bầu chọn: Công nương Diana đứng thứ ba.
VẤN ĐỀ QUAN ĐIỂM
Thiết tưởng cũng nên đi ra ngoài lề một chút, nói tới vấn đề quan điểm. Một số bạn đọc sẽ nghĩ rằng trên đây tôi đã sai lầm nghiêm trọng khi phát biểu việc ai là người Anh vĩ đại nhất từng sống không phải vấn đề quan điểm. Chắc chắn đây là một ví dụ hoàn hảo về vấn đề quan điểm. Nếu bạn đang nghĩ như vậy, tôi hiểu ý bạn. Nhưng trước tiên tôi phải giải thích cho bạn hiểu ý tôi.
Khi tôi nói điều gì đó không phải vấn đề quan điểm, tôi muốn nói hoàn toàn theo nghĩa đen. Các sự việc thực tế đâu phụ thuộc vào quan điểm của người này hay người khác. Nếu Công nương Diana thực sự là người Anh vĩ đại thứ ba thì đó là vì bà xinh đẹp, tốt bụng, v.v… chứ không phải vì ai đấy cho bà là người vĩ đại thứ ba, cũng không phải vì nhóm người có số lượng đông thứ ba cho bà là người vĩ đại nhất. Chẳng có gì đặc biệt trong cái được gọi là thực tế này. Chẳng có thực tế nào được tạo ra chỉ bằng niềm tin. Bởi vậy, theo nghĩa đen mà tôi hiểu, mọi cái đều không phải vấn đề quan điểm.
Điều bạn (có thể) muốn nói, khi bảo một việc gì đó là một vấn đề quan điểm, chính là chẳng có tiêu chuẩn khách quan nào làm căn cứ để đánh giá sự việc, và như vậy mỗi người đều giữ quan điểm riêng của mình. Một số người cho rằng vẻ đẹp không làm nên cái vĩ đại; họ có thể bầu chọn Churchill là người Anh vĩ đại nhất. Một số người khác lại cho rằng vẻ đẹp hết sức quan trọng; họ có thể bầu chọn Công nương Diana. Rắc rối ở đây là cụm từ “vĩ đại nhất” (áp dụng cho con người) cực kỳ khó giải thích. Có bao nhiêu con người mang trong lòng mình những vị anh hùng khác nhau thì sẽ có bấy nhiêu cách giải thích về nó. Nhưng hãy làm sáng tỏ cụm từ “vĩ đại nhất” - hãy lựa lấy bất cứ cách giải thích nào - và rõ ràng việc ai vĩ đại nhất, ai hội tụ nhiều phẩm chất nhất không phải vấn đề quan điểm, có thể hiểu vậy. Cuộc tranh luận ở chương trình Những người Anh vĩ đại thực sự chỉ toàn xoay quanh những điều làm nên cái vĩ đại, chứ không xoay quanh những đặc điểm khác nhau của các ứng viên.
Đôi lúc, chúng ta có thể làm sáng tỏ ý mình bằng những lời lẽ mập mờ, và bằng cách ấy, giải quyết được một chuyện xem ra là bất đồng - rằng chúng ta trước đấy chỉ hiểu lầm nhau thôi. Đôi lúc, chúng ta lại không thể. Thức ăn này ngon hay thức ăn kia dở là chủ đề tranh luận mà nhiều người trong chúng ta từng gặp, đặc biệt là chủ đề tranh luận với bố mẹ thuở nhỏ. Tôi cho rằng món cải Brussels thật tệ, nhưng mẹ tôi lại khăng khăng bảo món đó ngon. Cả mẹ lẫn tôi đều không thể nêu lên rành mạch bất cứ thang tiêu chuẩn nào về vị ngon để xếp món cải Brussels ở vị trí gần cao nhất hay thấp nhất. Điều này có khiến vị ngon của món cải Brussels trở thành một vấn đề quan điểm không?
Chúng ta đừng kết luận rằng tôi có thể biến món cải Brussels thành món ăn kinh tởm bằng cách nghĩ là nó kinh tởm, cũng đừng kết luận rằng mẹ tôi biến nó thành món ăn ngon lành bằng cách nghĩ là nó ngon lành, vì nếu vậy thì món cải Brussels vừa ngon vừa không ngon - nó vi phạm quy tắc cơ bản nhất của logic, tức quy tắc phi mâu thuẫn. Đúng hơn, chúng ta chỉ nên kết luận rằng tôi ghét món cải Brussels nhưng mẹ tôi lại thích, và rằng tất cả là thế thôi. Chẳng có gì giống như vị ngon của cải Brussels. Thứ rau này chứa các đặc tính khác nhau, tạo nên cảm giác mùi vị trong miệng mẹ tôi, làm mẹ tôi thích, và tạo nên cảm giác mùi vị trong miệng tôi, làm tôi ghét. Ở đây đâu có sự bất đồng nào. Chúng ta thấy xuất hiện bất đồng đơn giản bởi chúng ta hướng phản ứng của mình ngược trở về cái nguyên nhân đã gây ra nó: mẹ tôi thì bảo món đó ngon, tôi lại bảo món đó chán chết. Bạn thích hay ghét món cải Brussels, đó là vấn đề khẩu vị, chứ mùi vị của cải Brussels không phải vấn đề quan điểm (theo nghĩa đen), vì quan điểm của bất cứ ai chắc chắn không phải là căn cứ cho sự tồn tại của bất cứ thứ gì.
Tất nhiên, khái niệm “vấn đề quan điểm”, hiểu một cách thông thường, cũng vô hại. Nó đơn thuần báo hiệu việc thiếu mất các chuẩn mực rõ ràng và bởi vậy có lẽ chẳng có bất đồng thực sự nào, ngoại trừ bất đồng về ý nghĩa của từ ngữ. Tôi vừa trình bày sơ qua điều này cốt để khẳng định rằng quan trọng bạn đừng để tính vô hại của khái niệm “vấn đề quan điểm”, hiểu một cách thông thường, ru bạn vào cái ý nghĩ là một số thực tế nào đấy là vấn đề quan điểm: tức một thứ gì đó có thể là như vậy đơn giản vì có kẻ cho rằng nó như vậy.
NHỮNG NẠN NHÂN
Việc viện dẫn quan điểm luôn luôn đúng của nhân dân là ví dụ rõ ràng nhất về ngụy biện liên quan tới thẩm quyền trong thế giới hiện đại. Tương tự các nhân vật quyền uy trước đây, nhân dân giành được vị trí chuyên gia giả tạo một cách rộng rãi nhờ nỗi lo sợ: trong trường hợp này là nỗi lo sợ người khác thấy mình có vẻ không dân chủ. Không có được sự đồng tình từ phía nhân dân đâu chỉ đơn thuần là vận rủi đối với các chính trị gia đang tranh thủ lá phiếu bầu chọn, mà điều ấy còn bị nhìn nhận như một khuyết điểm đạo đức. Cũng chính nỗi lo sợ kiểu này giúp các nhân vật quyền uy khác của chúng ta ngày nay làm những điều vượt quá sự thiếu hiểu biết vô phương cứu chữa của họ.
Không ai muốn tỏ ra vô tình trước nạn nhân của các bi kịch. Khi bà mẹ một đứa trẻ là nạn nhân của tội hiếp dâm khóc nức nở tại cuộc họp báo đòi kết án tử hình ngay tức khắc kẻ thủ ác vừa bị bắt, chỉ cần một người chuyên nghiên cứu về luật học sẽ có thể giải thích được để bà mẹ hiểu rằng điều bà đề nghị chứa nhiều bất cập. Tuy nhiên, không ai có thể mang đến cho lời lẽ của bà sức mạnh thuộc về ý kiến chuyên gia chỉ vì bà đang đau khổ. Thế mà, chuyện này vẫn luôn luôn xảy ra.
Năm 1995, Leah Betts, một nữ sinh Anh, đã chết trong một bữa tiệc sau khi sử dụng thuốc lắc. Kể từ đó, các bài báo liên quan tới đề nghị nới lỏng những quy định về kiểm soát dược phẩm cũng đã viện dẫn phản ứng căm giận của ông bố cô bé trước ý tưởng này. Tại sao? Bằng cách nào mà cái bi kịch ông Betts phải chịu đựng lại khiến ông ta trở thành chuyên gia đánh giá tác động của luật kiểm soát dược phẩm đối với sức khỏe cộng đồng, đối với tình hình tội phạm, tự do cá nhân, v.v…? Nếu không, tại sao chúng ta cần quan tâm tới ý kiến của ông ta trước vấn đề đó?
Chẳng riêng ông Betts được đề cao sau bi kịch của mình. Các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa Paddington giờ đây được người ta tham vấn về chính sách giao thông công cộng, và đã xuất hiện gợi ý rằng nạn nhân những vụ tội phạm nên được tham gia vào quá trình xét xử, kết án. Có lẽ các nhà báo, các chính trị gia tiếp cận việc xây dựng chính sách theo kiểu này thực sự quan tâm tới các nạn nhân. Nhưng như thế thì không xác đáng. Việc phải gánh chịu tổn thất không làm phát sinh kiến thức chuyên môn. Tin tưởng ở những gì nạn nhân tin tưởng không khiến bạn có nhiều khả năng đúng hơn.
Ngược lại, việc phải gánh chịu tổn thất có thể dẫn đến sai lầm mang tính hệ thống. Người ta có xu thế cá nhân hóa thế giới. Những người bị thương trong một vụ tai nạn tàu hỏa có khuynh hướng đánh giá quá mức xác suất xảy ra tai nạn tàu hỏa. Những người đã có một đứa con bị chết do một căn bệnh hay tưởng tượng thấy triệu chứng của căn bệnh ấy ở những đứa con còn lại. Điều này có thể hiểu được đối với các cá nhân bị ảnh hưởng; tuy nhiên, nó không thể là căn cứ cho việc hoạch định chính sách của chính phủ.
Phát hiện ra ngụy biện liên quan tới thẩm quyền khá dễ dàng. Hãy tự hỏi mình xem liệu nguồn có thẩm quyền có thực sự là chuyên gia trên lĩnh vực được đề cập. Nếu không, bạn không nên đơn thuần chấp nhận ý kiến của họ. Bản thân quan điểm của họ không phải bằng chứng chứng minh điều gì.
Cũng cần thận trọng lưu ý rằng không thể chuyển giao chuyên gia giữa các lĩnh vực. Điều này xảy ra khi một người rõ ràng là chuyên gia trong một lĩnh vực lại được viện dẫn như một nguồn có thẩm quyền trong một lĩnh vực hoàn toàn khác. Mọi ý kiến của Einstein xem chừng đều gây được sự chú ý đặc biệt, cho dù nó cách xa chủ đề vật lý thế nào chăng nữa. Tôi từng nghe nhiều người nói rằng phần lớn chúng ta chỉ sử dụng 10% năng lực trí tuệ của mình. Khi tôi hỏi tại sao tôi phải tin vào điều ấy thì họ trả lời là Einstein đã phát biểu vậy. Họ không thể giải thích làm sao mà Einstein biết được điều này, tuy nhiên ai nấy đều biết sự uyên bác của Einstein.
Chà, đừng để mình bị bắt nạt. Tôi nói thế đấy. Einstein quả thực rất uyên bác, nhưng ông chẳng biết nhiều hơn bạn hoặc tôi về việc tất cả chúng ta sử dụng bao nhiêu phần trăm năng lực trí tuệ của mình. Theo tôi, phần lớn chúng ta sử dụng gần hết. Và nếu tôi có sai, thì việc tôi không đồng quan điểm với Einstein cũng đâu phải bằng chứng.
Rốt cuộc, đối lập lại không phải là con đường dẫn đến sự thật, tuy nhiên luôn luôn nhất trí ý kiến cũng không phải nốt.