C
ó thể là tình huống hơi tế nhị một chút khi bạn đã trình bày một vấn đề khá kỹ lưỡng nhưng, cuối cùng, tất cả mọi người đều thấy rằng quan điểm của bạn không dựa trên những cơ sở xác đáng - hoặc, tệ hơn, rằng lý lẽ của bạn thậm chí còn không rõ ràng. Bạn phải, hoặc là từ bỏ lý lẽ đó, hoặc là kiên trì giữ lấy nó và chung sống với việc tất cả mọi người đều biết nó chỉ là định kiến của bạn.
Nếu không thì sao? Có lẽ sẽ có cách thứ ba. Bạn có thể cố gắng khẳng định rằng những người bình thường chẳng thể hiểu nổi bản chất của vấn đề mà bạn nói tới. Hoặc nêu lên rằng có nhiều điều chưa giải thích được bằng phương pháp duy lý hạn hẹp của khoa học, mà chỉ cảm nhận được bằng trực giác.
Được cải trang như thế, định kiến của bạn bây giờ có vẻ khá đẹp đẽ. Có lẽ đủ đẹp đẽ để không ai nhận ra rằng nó vẫn hoàn toàn thiếu cơ sở.
Nếu thực hiện một cách hoàn hảo, trò nghi binh ấy sẽ tạo ra cho bạn tiếng tăm, không phải như một người cố chấp, mà như một người có trí tuệ. Hãy suy nghĩ về việc khoác thêm lên những ngôn từ hoa mỹ của bạn bộ đồ giả trang tầm thường. Choàng một chiếc áo dài xuềnh xoàng hay quấn một cái khăn tắm xung quanh đầu; sẽ chẳng ai yêu cầu một người ăn mặc như vậy cung cấp luận cứ chứng tỏ điều gì cả. Dép guốc, râu ria và một âm sắc nhất định trong giọng nói cũng có thể hữu ích trong việc giành ưu thế cho bạn.
Người đi tìm kiếm sự thật thân mến ơi, bạn sẽ không bao giờ buông thả mình vào cái việc lừa dối kia. Nhưng nhiều kẻ xung quanh bạn lại chẳng ngần ngại, và ánh hào quang lộng lẫy của họ đôi khi có thể dọa dẫm hoặc gây hoang mang cho những người vốn vẫn suy nghĩ một cách trong sáng bình thường. Chương này sẽ phơi bày các mánh khóe mà những kẻ mang định kiến sử dụng nhằm lấy vẻ cao đạo hoặc những thứ rất không phù hợp khác để thay thế bằng chứng. Ở đây tôi đề cập tới năm mánh khóe. Chắc chắn là còn nhiều hơn nữa, nhưng những ví dụ được xem xét chỉ cần đủ để kích thích hệ thống miễn dịch trí tuệ của bạn, từ đó bạn sẽ có thể phát hiện và đề kháng lại những mánh khóe khác.
SỰ BÍ ẨN
Tôi thấy loài cá thật bí ẩn, đặc biệt là khả năng thở được dưới nước của chúng. Tôi biết rằng có điều gì đó diễn ra khi nước chảy qua mang chúng, nhưng tìm hiểu sâu hơn nữa thì tôi bắt đầu mơ hồ.
Việc tôi phát hiện ra loài cá thật bí ẩn chẳng cung cấp thêm cho bạn kiến thức về cá, cũng chẳng khiến bạn nghĩ tôi giỏi giang gì. Bạn sẽ kết luận một cách đúng đắn rằng tôi chưa nghiên cứu vấn đề đó thấu đáo. Tôi chắc chắn bạn sẽ không kết luận rằng loài cá về bản chất là bí ẩn - rằng sự thiếu hiểu biết của tôi chẳng phải là sự thiếu hiểu biết mà đúng hơn là sự đánh giá thích đáng đối với những bí ẩn ở loài cá.
Thế giới đầy rẫy những điều bí ẩn thực sự. Hầu hết chúng khá cục bộ. Ví dụ, việc cá thở dưới nước bằng cách nào chỉ bí ẩn đối với tôi và đối với những ai cùng thiếu hiểu biết về cá như tôi. Nhưng đối với những người được trang bị kiến thức tốt hơn, thì chẳng có bí ẩn nào cả. Tuy nhiên, một số bí ẩn lại mang tính phổ quát. Điều gì đã xảy ra tại thời điểm vài phần tỷ giây đầu tiên sau vụ nổ Big Bang, nếu quả thật thế giới hình thành từ một vụ nổ, đó là bí ẩn đối với hết thảy mọi người, kể cả người chuyên nghiên cứu về vấn đề ấy. Trọng lượng trung bình một sợi tóc của Napoleon vào năm 1815, tuy là vấn đề hầu hết người ta chẳng buồn quan tâm, vẫn và có lẽ sẽ luôn luôn nằm trong vòng bí ẩn.
Một số người bị sự bí ẩn gây ấn tượng đặc biệt. Nó đem đến cho họ cảm giác hồi hộp trước những điều li kỳ của vũ trụ. Nhưng mọi bí ẩn, dù cục bộ hay phổ quát, dù tầm thường hay quan trọng, đều đơn thuần là vấn đề thiếu hiểu biết. Không có gì là bí ẩn về bản chất. Thấy một thứ gì đó là bí ẩn chẳng cung cấp thêm kiến thức về nó, cũng ngang với việc khám phá ra nó màu xanh lá cây và nặng hai ki-lô-gram mà thôi. Điều này chỉ bộc lộ thực tế rằng người ta đã thất bại trong quá trình tìm hiểu. Chẳng có gì cao quý ở sự thất bại ấy, thậm chí nếu sự thất bại ấy cũng chẳng có gì đáng xấu hổ. Phản ứng đúng đắn là tiếp tục nghiên cứu, hoặc có thể dừng lại và đầu hàng, nhưng tất nhiên đừng kết luận rằng, vì vấn đề vẫn còn bí ẩn, bạn sẽ tin tưởng theo bất cứ cách nào bạn muốn.
NIỀM TIN
Sự bí ẩn có thể giúp xây dựng uy tín cho bạn. Tuy nhiên, bạn phải thận trọng đối với những gì bạn cho là bí ẩn. Khả năng vươn ra bên ngoài vũ trụ của khoa học, hay quan hệ giữa Chúa trời và loài người - đó là những bí ẩn. Bạn không bao giờ muốn làm chính mình phải bối rối với việc thú nhận rằng bạn thấy việc khinh khí cầu bay lơ lửng trên cao hay thủy triều lên xuống theo các kỳ trăng là những bí ẩn. Nhưng hãy tiếp tục những chủ đề thích hợp và một chút bí ẩn được gợi lên có thể tỏa thành một chút hương uyên thâm, đủ khiến đầu óc người khác choáng váng.
Và bạn còn có thể làm hơn thế nữa. Thay vì cố gắng che đậy định kiến của mình, hãy mạnh dạn tuyên bố rằng đó là một phẩm chất trong bạn. Bạn chẳng có lý do để tin vào những gì bạn làm, chẳng có bằng chứng, chẳng có lập luận. Tất nhiên là chẳng có rồi. Đây là vấn đề niềm tin!
Bây giờ bạn đã giành được ưu thế. Hãy nói bằng giọng cầu khẩn và nhẹ nhàng. Hãy biểu hiện nỗi đau của sự chân thành qua chút nhăn nhó, khi bạn tiếp tục trình bày. Liệu ai, ngoài những kẻ phàm tục vô thần và xem thường niềm tin sâu sắc của bạn, còn chờ đợi bạn đưa ra bằng chứng?
Có niềm tin mới tuyệt vời làm sao! Nhưng thái độ đó hoàn toàn không liên quan tới việc ý kiến đang bàn đúng hay sai. Dù gắn với niềm tin là những tình cảm tốt đẹp hơn như thế nào, dù những người buông thả mình vào niềm tin cao quý đến mấy, thì từ quan điểm về sự thật và bằng chứng, niềm tin cũng hoàn toàn không khác gì định kiến. Tuyên bố một quan điểm là vấn đề niềm tin chẳng cung cấp bằng chứng ủng hộ mới mẻ nào, chẳng đưa ra lý do mới mẻ nào để nghĩ rằng quan điểm đó đúng. Nó chỉ đơn thuần thừa nhận rằng bạn chẳng nắm trong tay cái gì cả.
Khi bị truy vấn, các tín đồ ngoan đạo thường khẳng định rằng cần có niềm tin bởi con người không thể hiểu biết về lĩnh vực này lĩnh vực nọ. Đây là hành động tự hạ phẩm giá một cách tuyệt vời: Ôi Chúa, Người thật vĩ đại, con thật nhỏ bé, tất cả chỉ có vậy. Nhưng hành động tự hạ phẩm giá này cũng đồng thời là sự tự làm mình thất bại. Nói rằng không thể hiểu biết về một vấn đề có nghĩa là nói rằng, về vấn đề đó, mọi quan điểm chắc chắn đều chỉ mang tính định kiến. Bạn sẽ chẳng cải thiện được tình hình khi gọi định kiến của bạn là niềm tin.
Thực tế, việc viện dẫn đến niềm tin nhìn chung là giải pháp tự chuốc lấy thất bại. Người ta chỉ viện dẫn đến nó khi không thể bảo vệ nổi ý kiến của mình. Chẳng ai đi tuyên bố cỡ giày của mình là vấn đề niềm tin, hay giới tính của mẹ anh ta, hay nguyên tử lượng của vàng. Khi một người tuyên bố rằng một quan điểm nào đó là vấn đề niềm tin, bạn biết nên suy nghĩ gì về việc này.
KHOA HỌC KÌ QUÁI
Giả thuyết y học mới nhất của chàng cho rằng bệnh tật có thể chữa được bằng cách xoa thật nhiều thứ bùn ở lưu vực sông Thames vào ngực và vai. Nàng phê phán chàng thiếu các dữ liệu cần thiết để chứng minh giả thuyết ấy. Chàng, cũng như bất cứ ai khác, chưa từng tiến hành những thí nghiệm lặp lại trên các nhóm nghiên cứu thích hợp - những thí nghiệm khẳng định giả thuyết của chàng. Chàng trả lời rằng cái gọi là phương pháp khoa học không có quyền hành đặc biệt gì để phổ biến kiến thức và, thêm vào đó, chàng còn nêu một số ví dụ về những vấn đề mà khoa học vẫn chưa giải đáp được, cùng danh mục liệt kê các tác hại khoa học đã gây ra cho con người và môi trường.
Hãy tạm công nhận quan điểm lờ mờ về khoa học của chàng. Làm như vậy chúng ta ít nhất cũng đúng mốt. Hãy đồng ý rằng các nhà khoa học thật cẩu thả nhếch nhác, các phương pháp của họ chẳng đáng tin cậy và ý đồ của họ thì bẩn thỉu. Điều này có thể khiến chàng hài lòng nhưng nó không thực sự hữu ích đối với giả thuyết y học kia. Vì có thể khoa học là tệ hại đấy, nhưng đồng thời việc xoa bùn lên người, trên thực tế, cũng có thể sẽ không chữa được bệnh ung thư.
Nếu các phương pháp khoa học chẳng đáng tin cậy thì rất nhiều quan điểm mà hiện tại chúng ta cho là xác đáng - Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, vận tốc ánh sáng lớn hơn vận tốc âm thanh, v.v… - rốt cuộc cũng không thực sự xác đáng. Tuy nhiên, sự xác đáng bị mất đi bởi ý kiến sai lầm này không vì thế được chuyển sang cho những giả thuyết thiếu bằng chứng chứng minh của những kẻ chẳng ưa khoa học. Chàng có thể hoàn toàn đúng về sự thất bại của khoa học, nhưng giả thuyết của chàng về phương pháp chữa bệnh ung thư bằng bùn vẫn chỉ đơn thuần là giả thuyết.
Hơn nữa, thực tế đã cho thấy rõ ràng rằng mánh khóe phản khoa học có thể được sử dụng để bảo vệ bất cứ ý kiến nào. Chàng khẳng định là văn minh nhân loại được đạp khởi động bởi người ngoài Trái Đất, những người dạy tổ tiên chúng ta tạo ra lửa, bánh xe và nhiều thứ khác. Nàng lại khẳng định là chúng ta học những thứ đó từ một giống lừa biết nói đã tuyệt chủng. Cả chàng và nàng đều có thể xỉ vả sự chuyên chế của khoa học, nhưng cả hai đều không thể đúng về lịch sử nền văn minh nhân loại.
Không phải tất cả những người thích học đòi nêu giả thuyết này nọ đều muốn tỏ ra phản khoa học. Đối với họ, luôn luôn tồn tại môn vật lý lượng tử. Chẳng ai có thể nghi ngờ việc vật lý lượng tử là môn khoa học; người ta thậm chí còn nhận giải thưởng Nobel về nó. Nhưng hãy nhìn xem! Môn này hoàn toàn điên rồ. Bởi vậy, bạn thấy đấy, những ý nghĩ điên rồ như của tôi chính là những ý nghĩ mang tính khoa học một cách hoàn hảo.
Đó là sự thâm nhập chớp nhoáng hiếm có vào việc sử dụng những lời lẽ vô nghĩa rất thiếu tôn trọng đối với vật lý lượng tử. Ví dụ, Lyall Watson bắt đầu cuốn Siêu nhiên của ông ta như sau:
Khoa học chẳng còn nắm giữ bất cứ sự thật tuyệt đối nào. Thậm chí vật lý, lĩnh vực mà những định luật của nó từng không hề bị nghi ngờ gì, cũng đã phải ô nhục phục tùng Nguyên lý Bất định. Trong không khí đầy hoài nghi này, chúng ta bắt đầu ngờ vực cả những định đề cơ bản, và sự khác biệt xưa kia giữa tự nhiên và siêu nhiên trở nên vô nghĩa3.
3 L. Watson, Siêu nhiên (Nhà xuất bản Hodder and Stoughton, London, 1973). (TG)
Chúng ta chẳng được biết về sự khác biệt xưa kia giữa tự nhiên và siêu nhiên; nhưng, vì nó đã trở nên vô nghĩa trong cái không khí mới đầy hoài nghi này, tôi phỏng đoán nó là sự khác biệt giữa cái mà chúng ta có lý do để tin và cái mà chúng ta không có lý do để tin. Một khi sự khác biệt đó đã trở nên vô nghĩa, chà… nhóc, hãy thắt chặt dây an toàn!
Trước khi xem xét mối liên quan thực sự giữa vật lý lượng tử và lập luận khoa học, thiết nghĩ cũng nên chú ý một chút đến đoạn mở đầu cuốn Siêu nhiên, bởi đây là ví dụ rất thú vị về phong cách thường thấy những người thích đùa giỡn với các ý kiến của họ.
Hãy bắt đầu (cũng có nghĩa là tiếp tục): hãy bắt đầu với phát biểu kỳ quặc và sai lầm rành rành: “Khoa học chẳng còn nắm giữ bất cứ sự thật tuyệt đối nào.” Thế điều này thì sao? Vận tốc ánh sáng lớn hơn vận tốc âm thanh. Đây là một phát hiện khoa học, và nó là sự thật. Sẽ vô ích nếu nói thêm rằng nó là sự thật tuyệt đối, bởi sự thật luôn luôn là tuyệt đối. Không giống như những người hói, trong số đó có những người hói nhiều hơn những người khác, sự thật không thể nào lại khác nhau ở mức độ xác thực được. Một phát biểu hoặc không đúng hoặc là đúng tuyệt đối.4 Hãy xem xét ví dụ của chúng ta. Làm sao mà nó có thể đúng một phần? Vận tốc ánh sáng lớn hơn, nhỏ hơn hay bằng vận tốc âm thanh. Trong bất cứ tình huống nào, câu khẳng định vận tốc ánh sáng lớn hơn vận tốc âm thanh cũng không chỉ đúng một phần. Nó hoặc là sai hoặc là tuyệt đối đúng.
4 Tuy nhiên, sự sai lầm lại có mức độ. Nếu bạn có một con chó và tôi nói rằng bạn có hai con chó thì mặc dù câu nói của tôi là sai, nó cũng không sai nhiều như câu nói rằng bạn có một vạn con chó. Nhưng duy nhất một ý kiến đúng về vấn đề này: cụ thể là bạn có một con chó. Ngoài ra, xin lưu ý rằng một tập hợp các mệnh đề có thể chỉ đúng một phần - khi một số mệnh đề trong tập hợp là đúng và những mệnh đề khác là sai. Còn những mệnh đề riêng rẽ bất kỳ sẽ rơi vào trường hợp hoặc hoàn toàn đúng hoặc sai (tùy mức độ). (TG)
Chữ “tuyệt đối” bổ sung một chút nhầm lẫn đáng yêu vào sự sai lầm, nhưng nhầm lẫn không dừng lại ở đó. Với câu “khoa học chẳng còn nắm giữ những sự thật tuyệt đối”, Tiến sĩ Watson muốn ám chỉ rằng khoa học đã từng nắm giữ những sự thật tuyệt đối. Làm sao lại như vậy được? Cái gì đã là sự thật tuyệt đối thì chắc chắn không thể sai. Chẳng tài nào hiểu nổi nữa. Phải chăng quy luật của tự nhiên đã thay đổi kể từ thời kỳ khoa học còn nắm giữ những sự thật tuyệt đối?
Điều mà Tiến sĩ Watson hẳn muốn ám chỉ là có những điều các nhà khoa học đã từng cho là đúng thì bây giờ họ cho là sai. Thật đáng tiếc ông ta không nói đơn giản như vậy, nhưng tôi nghĩ một tác giả viết sách về sự siêu nhiên lại đi bắt đầu bằng câu bình phẩm vô vị rằng các nhà khoa học vốn vẫn hay thay đổi quan niệm của mình.
Một sự sai lầm rõ ràng và hai sự nhầm lẫn nghiêm trọng, đấy là chúng ta mới chỉ xem xét câu đầu tiên. Bây giờ đến câu thứ hai: “Thậm chí vật lý, lĩnh vực mà những định luật của nó từng không hề bị nghi ngờ gì, cũng đã phải ô nhục phục tùng Nguyên lý Bất định”. Lời khẳng định rằng những định luật vật lý từng hưởng quãng thời gian không hề bị nghi ngờ gì sẽ làm hài lòng hầu hết các nhà nghiên cứu về lịch sử khoa học, nhưng nó chẳng đáng quan tâm lắm so với việc dùng sai khái niệm Nguyên lý Bất định của Tiến sĩ Watson. Đây đâu phải nguyên lý cho rằng những định luật vật lý là thiếu chắc chắn, như Tiến sĩ Watson rất dứt khoát nêu lên. Đúng hơn, đây là nguyên lý cho rằng bạn chẳng cùng một lúc xác định được những thuộc tính nhất định nào đấy của một hạt hạ nguyên tử: ví dụ như vị trí và vận tốc của nó. Một trong những thuộc tính này phải luôn luôn là ẩn số.
Làm sao mà cái nguyên lý ấy lại có thể cho thấy khoa học không nắm giữ sự thật hoặc khoa học khiến sự khác biệt giữa tự nhiên và siêu nhiên trở thành vô nghĩa - điều này là sự bí ẩn hoàn toàn đối với tôi. Nếu những người đưa ra cái nguyên lý ấy gọi nó khác đi - ví dụ, Nguyên lý Loại trừ Đo lường - thì có lẽ Tiến sĩ Watson đã không đi đến lời phát biểu thiếu nhất quán và vô lý kia. Đó là sự chơi chữ khá rẻ tiền đối với từ “bất định”. Nhưng những ai nuốt xong viên thuốc này rồi thì phần còn lại của Siêu nhiên chắc chắn sẽ trôi tuột xuống họng.
Sự đề cập hời hợt tới Nguyên lý Bất định của Tiến sĩ Watson cố gắng dựa vào cái ý kiến mơ hồ nhưng phổ biến cho rằng, tuy xa lạ mà đúng đắn, môn vật lý lượng tử đã chỉ ra là những tiêu chuẩn thông thường về tính chặt chẽ và bằng chứng trực quan nay chẳng còn được sử dụng trong khoa học. Chúng ta đã lưu ý rằng sự lỗi thời của một tiêu chuẩn không mang lại chỗ dựa cho các quan điểm không thỏa mãn nó. Dù sao, vẫn đáng lưu ý rằng môn vật lý lượng tử chưa thực sự có bất cứ ảnh hưởng nào đối với những tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học.
Nguyên lý Bất định, cái nguyên lý kích động những kẻ thích nói bằng những lời lẽ khó hiểu rối rắm, là một phần của trường phái Copenhagen trong vật lý lượng tử. Nguyên lý Bất định cùng với các yếu tố khác thuộc trường phái này đi ngược lại một số quan điểm thông thường, ít nhất là những quan điểm về thế giới các vật thể có kích thước trung bình chúng ta vốn vẫn quan sát được bằng các giác quan. Sự chồng lấn (luận điểm cho rằng các vật thể lượng tử cùng một lúc ở nhiều trạng thái mà chúng ta thông thường sẽ tách các trạng thái ấy khỏi nhau) và vai trò của quá trình quan sát đối với việc dẫn đến cái gọi là sự rơi vào chỉ một trong những trạng thái ấy, là những điều khó hiểu nhất. Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, trường phái Copenhagen thực sự rất kỳ quặc.
Nhưng điều này hẳn không khiến cho những kẻ ngoan cố theo đuổi các ý tưởng kỳ quặc cảm thấy thoải mái. Những yếu tố lạ lùng của trường phái Copenhagen là những yếu tố mà giới nghiên cứu vật lý, nếu có chấp nhận, thì cũng vì bị cưỡng ép mà chấp nhận. Và sự cưỡng ép là dấu hiệu có thể quan sát thấy được. Trường phái Copenhagen không cố ý lập dị. Nó là nỗ lực nhằm giải thích cái dấu hiệu có thể quan sát thấy kia.
Sự kỳ quặc của vật lý lượng tử chẳng phải là ví dụ cho thứ tri thức tất-cả-được-dùng-miễn-phí, mà là ví dụ về tính chuyên chế của phương pháp khoa học. Quan trọng hơn, mặc dù nó có thể hàm chứa những gì chúng ta thấy khó hiểu, trường phái đúng đắn về vật lý lượng tử không liên quan đến các nghịch lý, tức là các phát biểu hoặc tập hợp các phát biểu mâu thuẫn nhau. Nó không thể liên quan đến các nghịch lý, vì các nghịch lý là không thể tồn tại, dù chúng ta có xem xét những vấn đề nhỏ đến thế nào chăng nữa.
Môn vật lý lượng tử cũng đòi hỏi tính nhất quán nội tại và chứng cứ rõ ràng không kém các môn khoa học khác. Chỉ vì chúng ta tiếp tục quan tâm tới tính nhất quán và chứng cứ mà đã xuất hiện vấn đề trong cách hiểu về vật lý lượng tử.
Bất cứ ai nghĩ rằng những ý tưởng kỳ quặc mình vốn vẫn yêu thích - về sự đầu thai, chuyện linh hồn rời khỏi thể xác, hoặc những gì gì đi chăng nữa - có liên quan chặt chẽ với vật lý lượng tử thì sẽ phải đọc thêm về môn này. Họ sẽ thấy điều đó là hoang đường.5
5 Nhiều độc giả có thể thấy chủ đề này rất thú vị. Nó cực kỳ khó, và để quan tâm đến nó một cách thích đáng cần kiến thức tốt về thống kê. Đối với những độc giả có quyết tâm tìm hiểu, tôi xin giới thiệu cuốn Sự thiếu hụt, Phi vị trí và Chủ nghĩa Hiện thực: Bàn luận sơ bộ về triết lý của vật lý lượng tử của Michael Redhead (Nhà xuất bản Clarendon, Oxford, 1987). (TG)
TUY VẬY
Tiếp cận thật gần đến chứng cứ của quan điểm đối lập, gật đầu tán thưởng khi nó được trình bày, thậm chí có thể bổ sung bằng chứng của chính bạn, và rồi thì thốt ra hai từ màu nhiệm: “Tuy vậy”.
Vâng, ông sếp của bạn cho bạn cơ hội học tập thêm, thi thoảng lại hỏi bạn có cần nghỉ ngơi không, vốn vẫn hay khuyên bạn điều này điều khác. Tuy vậy, ông ta vẫn đuổi việc bạn, đồ chết tiệt.
“Tuy vậy” là công cụ đảo ngược logic, là hình ảnh trong gương của từ “vì thế”. Khi người nào đó có bằng chứng để nói “Vì thế cỏ màu xanh”, bạn có thể nói “Tuy vậy, cỏ màu đỏ”. Có hai chữ “tuy vậy” trong kho vũ khí logic, bạn chẳng phải sợ bất cứ bằng chứng nào.Nếu phù hợp với giả thuyết của bạn, bạn có “vì thế”. Còn nếu không, bạn có “tuy vậy”.
Và như thường lệ, với những mánh khóe bảo vệ định kiến của chúng ta, từ “tuy vậy” được áp dụng cho mọi thứ. Chứng cứ cho thấy cỏ màu xanh lá cây. Tốt. Tuy vậy, cỏ màu đỏ, hoặc màu xanh da trời, hoặc là bất cứ màu nào bạn thích.
Tiếng Anh thông tục có nhiều từ thay thế từ “tuy vậy”, tạo điều kiện cho cho những người ưa lờ đi bằng chứng. Bạn vừa nghe được một bằng chứng kinh khủng chứng tỏ rằng quan điểm của bạn sai. Chao ôi, bạn đã “tuy vậy” hai lần sáng nay rồi. Vậy hãy thử câu này: “Vâng, vâng, tất nhiên, nhưng đến cuối ngày, khi tất cả đã được nói và làm xong, anh phải thừa nhận với tôi rằng… (chèn quan điểm của bạn vào đây nhé)”.
Bên cạnh sự đảo ngược trực tiếp, hãy cẩn thận với sự loại trừ. Kỹ thuật này được nhại lại trong cuốn Cuộc đời của Brian của Monty Python. Reg, đứng đầu Mặt trận Nhân dân Judea, hỏi các chiến hữu của anh ta rằng: “Người La Mã đã làm được gì cho chúng ta?”, chờ đợi câu trả lời đồng thanh vang dội: “Chẳng làm được gì!”. Thế nhưng, một trong số các chiến hữu cách mạng lại nhắc đến những con đường bằng phẳng do người La Mã làm. “À, đúng rồi, có những con đường đấy”, Reg thừa nhận. “Nhưng ngoài cái đó ra, người La Mã đã làm được gì cho chúng ta?”. “Hệ thống vệ sinh”, một người khác xướng lên, và những người khác nữa thì liệt kê thêm các ích lợi mà người La Mã mang đến cho cuộc sống của họ. Reg vẫn không đầu hàng: “Được, nhưng ngoài hệ thống vệ sinh, thuốc men, giáo dục, rượu, trật tự công cộng, đường sá, hệ thống nước sạch, sức khỏe cộng đồng, người La Mã đã làm được gì cho chúng ta?”.
Bạn thường xuyên bắt gặp điều này bên ngoài phim ảnh, khi những nhà doanh nghiệp và chính trị gia muốn loại trừ những thứ có thể tự nhiên dẫn tới các kết luận mà họ bất cần, những thứ không thuận lợi cho công việc của họ. “Bỏ qua khoản lỗ kỷ lục 200 triệu bảng đối với khoản đầu tư vào mặt hàng thịt lợn thăn thì lợi nhuận năm trước là 100 triệu bảng”.
Nhưng 200 triệu bảng đã mất đi theo mặt hàng thịt lợn thăn, vậy kết quả cuối năm phải là lỗ 100 triệu, chứ đâu phải là lời 100 triệu. Tại sao cổ đông chúng ta không tính toán đến điều đó? Thực sự là khác thường. Và hết sức tồi tệ! Chẳng có lý do nào để loại trừ khoản đó khi đánh giá hiệu quả quản lý. Liệu thành tích tốt có bị loại trừ theo kiểu ấy chăng? “Bỏ qua 200 triệu lợi nhuận thu được từ việc nuôi lạc đà không bướu ở Devon, kết quả chúng ta lỗ 100 triệu”, đó không phải là câu người ta hay nói.
Bằng chứng có thể bị lẫn lộn. Một số bằng chứng chứng tỏ theo một hướng, một số khác lại chứng tỏ theo một hướng khác. Trong hoàn cảnh như vậy, việc rút ra một kết luận vẫn hợp lý: đặt lên cân, thì chứng cứ nghiêng về kết luận này. Nhưng sẽ là lừa dối nếu làm lệch cán cân bằng việc lờ đi những chứng cứ không phù hợp. Chứng cứ chỉ nên được bỏ qua khi không đáng tin cậy. Một nhà khoa học thu được kết quả dương tính, nhưng sau đấy phát hiện ra rằng thiết bị trong phòng thí nghiệm của mình bị lỗi. Bởi vậy ông ta hủy kết quả. Đó là một hành động tốt. Hoàn toàn khác với việc thừa nhận một điều, và rồi lờ nó đi chẳng vì lý do gì cả, ngoài cái lý do là bạn muốn rút ra một kết luận khác.
ĐÓ LÀ ĐIỀU HIỂN NHIÊN
Có những điều chỉ được nói ra khi nó không đúng như thế. Biển quảng cáo mà chúng ta thường xuyên bắt gặp “Quán rượu Anh truyền thống đích thực” là một trong số đó. Các quán rượu Anh truyền thống đích thực chẳng trưng biển quảng cáo như thế. Câu “Không cần nói ra người ta vẫn hiểu” cũng vớ vẩn không kém. Điều gì không cần nói ra mà người ta vẫn hiểu thì không cần nói ra. Nếu bạn lại cảm thấy phải nhắc nhở người ta rằng điều gì đó không cần nói ra, có lẽ nó chẳng phải là điều không cần nói ra.
Tương tự, bạn hẳn sẽ nghi ngờ khi ai đấy bảo bạn rằng quan điểm của anh ta tự bản thân nó đã rành rành là đúng. Nếu nó đã rành rành là đúng, tại sao anh ta lại cảm thấy phải bảo nó đã rành rành là đúng? Chỉ cần nêu quan điểm ra thôi. Tính hiển nhiên của nó sẽ tự chứng tỏ. Và nếu nó không thực sự hiển nhiên, việc anh ta khẳng định điều này có thể có nghĩa anh ta đang cố gắng che đậy cái thực tế là anh ta chẳng có tí bằng chứng nào cả - giống một số người tội nghiệp không thể nghĩ ra điều gì hóm hỉnh để viết vào bản tự bạch về mình, mới viết đơn giản rằng họ có khiếu hài hước. Bằng chứng, cũng giống khiếu hài hước, luôn luôn có sức thuyết phục hơn khi được thể hiện cụ thể, chứ không phải bằng lời nói suông.
Những điều có thể được coi là hiển nhiên đúng bao gồm những điều kiểu như “Tôi vừa ngã vào vũng nước”, hoặc “Trà còn nóng quá”. Những nguyên tắc tư pháp to tát ít người từng biết đến và khó có thể hiểu nổi không thuộc về số này. Thực sự, như những triết gia sẽ nói với bạn, thật khó có thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào để chứng tỏ chúng. Thế là người ta chẳng cưỡng lại được việc tuyên bố chúng là những điều hiển nhiên.
Những mánh khóe tôi đề cập tới trong chương này mang một khuyết điểm chung khiến bạn có thể nhận ra đám bà con của chúng. Chúng được áp dụng cho mọi loại quan điểm. Và vì điều ấy, chúng không có giá trị. Cái gì mà ủng hộ tất cả các ý kiến như nhau thì tức là chẳng ủng hộ ý kiến nào cả.
Một phép thử nữa cho sự thiếu vắng vô vọng của chứng cứ có thể được gọi là đòn mang tính đạo đức. Người bảo vệ quan điểm có tỏ ra tha thiết lắm với quan điểm đó không? Có lẽ chưa đến mức độ như mệnh lệnh Hồi giáo, tuy nhiên anh ta có thể bằng những cách tế nhị hơn gợi ý cho mọi người thấy rằng nếu muốn giữ được bạn bè trong xã hội có học thức thì phải biết nhượng bộ. Đẩy vấn đề đi quá xa sẽ dẫn tới phản cảm.
Thái độ như vậy hiếm khi xuất hiện ở những người có thể bảo vệ quan điểm của mình bằng lập luận và chứng cứ vững chắc. Hãy nói với ai đấy rằng bàn chân anh ta xem chừng không phải cỡ số 9 và anh ta sẽ vui vẻ chứng minh rằng bạn sai bằng cách đưa ra cho bạn một hộp giày cũ hoặc ướm bàn chân anh ta vào bàn chân người nào mà bạn thừa nhận là cỡ số 9. Chỉ khi ai đấy chẳng thể bảo vệ quan điểm của mình, và chẳng thích tin tưởng ở sự thật, thì anh ta mới kiểu cách này nọ để dập tắt cuộc tranh luận. Những người có quan điểm tôn giáo, chính trị và tình dục nghiêm túc vốn vẫn bỏ qua sự cấm đoán nói chung trong tranh luận về những vấn đề này. Và họ cũng không mếch lòng khi bị chứng minh là sai.
Trong một cuộc tranh luận, nếu bạn bắt đầu cảm thấy bạn không sai nhiều nhưng lại hay sơ ý thì có thể bạn đang đương đầu với một tay cuồng tín đáng nể. Phải một tên côn đồ hung dữ mới phơi bày được anh ta.