N
ăm 1894, một tờ giấy ghi chú bị xé thành nhiều mảnh được tìm thấy trong thùng rác đã khiến cả nước Pháp náo loạn.
Sau khi dán các mảnh giấy lại, người ta phát hiện đó là một bức mật thư được gửi từ một người trong quân đội Pháp đến quan chức của quân đội Đức để tiết lộ những bí mật quân sự quan trọng.
Mọi nghi ngờ đều đổ dồn về Đại úy Alfred Dreyfus, sĩ quan duy nhất trong Bộ tham mưu theo đạo Do Thái. Dreyfus là một trong số ít những sĩ quan có thể tiếp cận thông tin được đề cập trong bức mật thư. Ông cũng được biết đến với những tính cách khó ưa: lạnh lùng, cao ngạo và hay khoe khoang.
Khi cuộc điều tra được mở rộng, những tin đồn bất lợi cho Dreyfus càng thêm chất chồng. Có người báo đã nhìn thấy Dreyfus lảng vảng đâu đó và đang dò la thông tin. Một người khác cho biết đã nghe Dreyfus ca ngợi Đế quốc Đức. Không những thế, một sĩ quan đã điều tra khu vực của giới giang hồ và phát hiện Dreyfus từng xuất hiện ít nhất một lần ở sòng bạc. Chưa hết, ông còn nổi tiếng là có nhiều người tình dù đã kết hôn. Mọi nguồn tin đều cho thấy Dreyfus là một người không đáng tin.
Vì ngày càng nghi ngờ Dreyfus chính là gián điệp nên các sĩ quan đã tìm cách thu thập nét chữ viết tay của Dreyfus để đối chiếu với nét chữ trong bức thư. Kết quả là hai nét chữ khớp nhau - hay ít ra là trông rất giống nhau. Thật ra hai nét chữ đó cũng có vài điểm khác biệt, nhưng các điểm giống nhau nhiều đến thế chắc chắn không thể do trùng hợp.
Tuy nhiên để chắc chắn hơn, các sĩ quan gửi mẫu chữ đến hai chuyên gia giám định chữ viết không thuộc quân đội. Kết quả là chuyên gia thứ nhất khẳng định hai nét chữ hoàn toàn trùng khớp, nhưng chuyên gia thứ hai lại tỏ ý nghi ngờ và cho rằng rất có thể hai mẫu chữ viết ấy là của hai người khác nhau.
Hai kết luận không thống nhất không phải điều các sĩ quan muốn nghe và với họ, kết quả giám định của chuyên gia thứ hai rất đáng ngờ. Suy cho cùng, chuyên gia thứ hai làm việc cho Ngân hàng Trung ương Pháp (Bank of France) và ngành tài chính là lĩnh vực quy tụ rất nhiều nhân vật quyền lực theo đạo Do Thái. Các sĩ quan cho rằng chuyên gia thứ hai không thể nào đưa ra nhận định khách quan nếu điều đó ảnh hưởng đến lợi ích nghề nghiệp của ông.
Các sĩ quan khẳng định Dreyfus chính là thủ phạm. Để tăng tính thuyết phục và đảm bảo tòa án cũng có nhận định tương tự, vài sĩ quan đã làm giả chứng cứ bằng cách bổ sung những bức thư có nội dung khiến tội của Dreyfus càng thêm nặng.
Dreyfus một mực khẳng định mình vô tội, nhưng vô ích. Ngày 22 tháng 12 năm 1894, ông bị tòa án binh kết tội phản quốc.
Dreyfus bàng hoàng trước phán quyết của tòa. Khi bị tống giam, ông đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng rồi ông nhận ra làm vậy chỉ khiến mọi người càng nghĩ rằng ông có tội. Dreyfus bị kết án khổ sai chung thân trên Đảo Quỷ, một hòn đảo ở ngoài khơi vùng French Guiana, thuộc địa của nước Pháp nằm ở Nam Mỹ.
Trước khi đày Dreyfus đi, quân đội đã thực hiện nghi thức tước quân hàm - còn được biết đến với tên gọi “Buổi giáng chức Dreyfus” - trước sự chứng kiến của công chúng. Khi viên chỉ huy giật dây tua khỏi quân phục của Dreyfus, một sĩ quan đứng trong hàng ngũ đã quay sang đùa với người bên cạnh: “Ông ta là người Do Thái đấy. Hẳn ông ta đã tính toán giá trị của dây tua vàng đó rồi”.
Khi bị áp giải ngang qua đồng đội cũ, phóng viên và đám đông quần chúng, Dreyfus đã hô to: “Tôi vô tội!”. Trong khi đó, đám đông không ngừng sỉ vả và hét lớn: “Xử tử tên Do Thái!”.
Trên Đảo Quỷ, Dreyfus bị nhốt trong buồng giam chật hẹp bằng đá, không được tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài lính gác - những người từ chối nói chuyện với ông. Ban đêm ông bị xích vào giường. Ban ngày ông viết thư xin được tái xét xử. Nhưng với nước Pháp lúc bấy giờ, vụ án của Dreyfus xem như đã kết thúc.
TƯ DUY CHIẾN BINH
Một số người cho rằng Dreyfus đã bị gài ngay từ đầu.
Tuy nhiên theo các nhà sử học, đồng đội của Dreyfus thật sự tin rằng ông chính là gián điệp của Đức. Họ làm giả bằng chứng chống lại Dreyfus chỉ vì họ thật sự nghĩ ông có tội và muốn đảm bảo công lý phải được thực thi. (Người ta cũng không rõ các bằng chứng giả đã ảnh hưởng thế nào đến phán quyết của tòa án.)
Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao các sĩ quan kia lại tin chắc Dreyfus có tội?”.
Vụ án Dreyfus là ví dụ điển hình cho hiện tượng nhận thức hoặc lập luận “bị động cơ chi phối”; khi đó dù bạn chủ động hay không, nhận định của bạn đã bị mong muốn làm sai lệch để đi đến một kết luận nhất định.
Ngay khi cuộc điều tra bắt đầu, ác cảm của các sĩ quan đối với Dreyfus (dù không thể khẳng định nhưng có lẽ vì ông theo đạo Do Thái) đã tạo cho họ động cơ muốn chứng minh ông chính là gián điệp. Khi cuộc điều tra được mở rộng, một động cơ khác hình thành. Lúc này các sĩ quan phải chứng minh quyết định của họ là đúng để tránh mất thể diện, và đề phòng nguy cơ mất việc nếu lỡ vu oan cho người vô tội.
Nhận định xuất phát từ nhận thức bị động cơ chi phối là một nhận định phản sự thật vì khi đó, bạn sẽ áp dụng các phương pháp lập luận, quan điểm và chuẩn chứng cứ khác với những gì lẽ ra bạn sẽ làm nếu bạn được thúc đẩy bởi một động lực khác.
Nhà tâm lý học Thomas Gilovich giải thích về nhận thức bị chi phối bởi động cơ như sau: Khi mong điều gì đó là đúng, chúng ta thường tự hỏi “Mình có thể chấp nhận điều này không?” rồi cố tìm những cái cớ dù nhỏ nhất để chấp nhận điều đó. Ngược lại, khi không muốn điều gì đó là đúng, chúng ta lại hỏi “Mình có phải chấp nhận điều này không?” và tìm kiếm những cái cớ dù nhỏ nhất để phản bác nó.
“Có thể chấp nhận” là một tiêu chuẩn dễ đáp ứng. Bạn sẽ dễ dàng tìm được ít nhất vài ví dụ phù hợp với một sự việc nhất định; đối với bất kỳ học thuyết nào, bạn sẽ tìm được vài nhà khoa học có uy tín từng biện luận cho nó.
“Có phải chấp nhận” là một yêu cầu khó thỏa mãn hơn nhiều. Hầu như với mọi giả thuyết bạn đều có thể tìm được vài ví dụ không phù hợp với nó, hoặc luôn tìm được lý do để không tin tưởng nhận định của một nhà khoa học có uy tín bất kỳ.
Do vậy tôi gọi nhận thức bị động cơ chi phối là “tư duy chiến binh”, vì mọi khía cạnh trong lập luận của chúng ta về một bằng chứng nào đó sẽ phụ thuộc vào việc bằng chứng đó đến từ “phe” nào.
Và cũng bởi vì nhận thức bị động cơ chi phối thường vô thức nhìn nhận một số ý kiến như “đồng minh” cần bảo vệ, đồng thời xem một số ý kiến khác như những “mối đe dọa” cần né tránh hay công kích, nên tôi đặt tên cho nhận thức này là “tư duy chiến binh”.
Có thể bạn cho rằng tôi cường điệu thái quá khi nói về việc lập luận như thể ta đang tham gia một cuộc chiến, nhưng tôi không phải người duy nhất chỉ ra mối liên hệ giữa ngôn ngữ và chiến tranh. Như nhà ngôn ngữ học George Lakoff đã chứng minh, ngôn ngữ mà chúng ta dùng để phản bác, biện giải hay tranh cãi cho ta thấy cùng một hình ảnh ẩn dụ cụ thể, đó là “tranh luận là chiến tranh”.
Những nhận định của chúng ta có thể “mạnh”, “yếu” hoặc “có nhiều sơ hở”, hệt như một thế cờ trong quân sự. Chúng ta “bày binh bố trận” các luận điểm của mình như thể đó là những người lính. Chứng cứ có thể được dùng để “bọc lót” hoặc “hỗ trợ” một nhận định, giống như quân tiếp viện được cử đến một vị trí nào đó trên chiến trận. Chúng ta có thể dùng từ “thế” (position) để chỉ thế của một đội quân trong quân đội hoặc lập trường của ai đó về một vấn đề nào đó. Khi phát hiện một nhận định nào đó có kẽ hở, chúng ta sẽ tìm cách “tiêu diệt” nó.
Hình ảnh ẩn dụ “tranh luận là chiến tranh” được Lakoff dùng cho những cuộc tranh luận giữa hai hoặc nhiều người với nhau, nhưng hình ảnh này cũng mô tả rõ nét về cách ta lý luận với chính mình:
Tất cả những từ ngữ ẩn dụ như chọc thủng, tiêu diệt, không có kẽ hở đều rất khó nhận ra nếu bạn không chủ tâm để ý đến chúng. Nguyên nhân là vì những từ này đã quá tự nhiên và quen thuộc. Tâm trí chúng ta được thiết lập để nhìn nhận các cuộc tranh luận theo hướng này.
TƯ DUY CHIẾN BINH VÀ THIÊN KIẾN XÁC NHẬN
Sau khi đã giải thích tư duy chiến binh là gì, để tránh nhầm lẫn, tôi sẽ chỉ ra tư duy chiến binh không phải là gì.
Có thể bạn đã từng nghe qua thuật ngữ “thiên kiến xác nhận”, khái niệm chỉ khuynh hướng nhận thức khiến ta ủng hộ những thông tin xác nhận điều mà chúng ta tin tưởng. Nếu tin Đảng Dân chủ có chính sách nhập cư hợp lý, tôi sẽ tìm kiếm và tin những bài viết ủng hộ ý kiến đó. Nếu tin rằng hôm nay cung hoàng đạo của mình sẽ mang đến cơ hội mới, tôi sẽ chú ý hơn đến các cơ hội mà thường ngày tôi không để tâm đến.
Tư duy chiến binh là khuynh hướng nhận thức có phạm vi rộng hơn. Tư duy chiến binh là cách chúng ta vô thức quyết định ngay từ đầu rằng chúng ta muốn tiếp thu hay bác bỏ một niềm tin nào đó. Thiên kiến xác nhận không thể tác động đến cách bạn đánh giá một nhận định khi biết đến nó lần đầu tiên; thiên kiến xác nhận chỉ khiến bạn thiên vị những lập luận ủng hộ một nhận định mà bạn đã tin tưởng từ trước.
Trong Chương 2 và Chương 4, chúng ta sẽ tìm hiểu về những động cơ khiến chúng ta nghiêng về một số ý kiến nhất định và phản bác những ý kiến khác ngay từ đầu. Mỗi khi nghe một ý kiến nào đó mới, tôi thường vô thức đánh giá xem ý kiến đó có phục vụ cho lợi ích của tôi hay không, và điều đó ảnh hưởng đến quyết định tôi có tiếp nhận nó hay không.
Giữa tư duy chiến binh và thiên kiến xác nhận còn một điểm khác biệt nữa, đó là thiên kiến xác nhận không xuất phát từ động cơ. Khi tin rằng một cô bạn nào đó đang giận mình (bất kể vì lý do gì), tôi sẽ chú ý đến những bằng chứng xác nhận niềm tin đó nhiều hơn so với những bằng chứng phủ nhận. Đây là biểu hiện của thiên kiến xác nhận chứ không phải tư duy chiến binh, vì tôi không có động cơ để tin rằng cô bạn đó đang giận tôi.
TƯ DUY CHIẾN BINH VÀ TƯ DUY NHANH VÀ CHẬM
Có thể bạn đã nghe qua về “tư duy nhanh” (còn gọi là Hệ thống 1) bao gồm những nhận định mang tính vô thức hay dựa vào trực giác, và “tư duy chậm” (còn gọi là Hệ thống 2) bao gồm những lập luận được suy xét một cách chủ động và thận trọng. Đây là sự phân chia theo nhà tâm lý học đoạt giải Nobel, ông Daniel Kahneman, trong quyển sách bán chạy Thinking, Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm).
Có lẽ vì cho rằng cả “tư duy chiến binh” và “tư duy nhanh” đều là khái niệm chỉ lối tư duy không dựa trên sự suy xét cẩn trọng, nên đôi khi người ta nghĩ tư duy chiến binh chính là tư duy nhanh.
Thật ra tư duy chiến binh có thể tác động đến cả tư duy nhanh và tư duy chậm.
Nhận định của chúng ta được hình thành thông qua một quá trình diễn ra nhanh chóng và không có chủ ý trong nhận thức của chúng ta. Khi tiếp xúc với Dreyfus, các sĩ quan nhận thấy ông là một người không đáng tin, lạnh lùng và khó gần - cách nhìn nhận được hình thành và củng cố bởi tinh thần bài Do Thái của họ. Khi đối chiếu nét chữ của Dreyfus với nét chữ trong bức mật thư, các sĩ quan nhận thấy hai mẫu chữ đó giống nhau - và họ càng thêm chắc chắn về nhận định này khi bị mong muốn kết tội Dreyfus tác động. Đây chính là tư duy chiến binh tác động đến Hệ thống 1 trong nhận thức của chúng ta.
Lý luận là một quá trình chậm rãi, có chủ ý và ý thức trong nhận thức của chúng ta. Khi một trong hai chuyên gia giám định chữ viết nhận định hai mẫu chữ không giống nhau, các sĩ quan lập luận: “Ông ta làm việc cho Ngân hàng Trung ương Pháp nên đương nhiên phải nói vậy rồi, có rất nhiều người Do Thái làm việc ở đó, và Dreyfus cũng là người Do Thái”. Đây chính là tư duy chiến binh tác động đến Hệ thống 2 trong nhận thức của chúng ta.
Trong chương sau chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao tư duy chiến binh lại ngày càng phát triển và nó thao túng suy nghĩ vô thức và suy nghĩ có ý thức của chúng ta như thế nào. Nhưng trước tiên, tôi muốn kể tiếp cho bạn nghe về câu chuyện của Dreyfus đáng thương.
PICQUART LẬT LẠI HỒ SƠ VỤ ÁN
Đại tá Picquart là một người đàn ông có vẻ ngoài bình thường, hoàn toàn không giống kiểu người mang tới cho bạn cảm giác là ông có thể làm đảo lộn cả xã hội Pháp lúc bấy giờ.
Picquart sinh năm 1854 tại Thành phố Strasbourg, trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong chính phủ và quân đội Pháp. Ông tiến thân rất nhanh và nắm giữ chức vụ trọng yếu trong quân đội từ khi còn rất trẻ. Cũng như nhiều người khác, Picquart là một người yêu nước, theo đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa bài Do Thái.
Tuy nhiên, Picquart không phải là một người bài Do Thái đến mức cực đoan. Ông là người trí thức và lịch thiệp. Ông không ủng hộ việc tuyên truyền bài xích người Do Thái bằng những bài viết đả kích trên các tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc ở Pháp. Nhưng sinh ra và lớn lên vào cái thời khắp nơi đều hằn sâu chủ nghĩa bài Do Thái đã khiến Picquart hình thành thái độ khinh thường đối với dân tộc này.
Thế nên năm 1894, Picquart không chút nghi ngờ khi biết tin thành viên người Do Thái duy nhất trong Bộ tham mưu Pháp chính là gián điệp. Khi Dreyfus bị tước quân hàm, Picquart chính là viên sĩ quan đã buông câu nói đùa đầy tính kỳ thị: “Ông ta là người Do Thái đấy. Hẳn ông ta đã tính toán giá trị của dây tua vàng đó rồi”.
Vài tháng sau khi Dreyfus bị chuyển ra Đảo Quỷ, Đại tá Picquart được thăng chức và trở thành chỉ huy của cơ quan phản gián - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vụ điều tra Dreyfus. Chính bởi bản chất công việc đó mà vào năm 1896 - hơn một năm sau khi Dreyfus bị kết án - Picquart phát hiện những bức mật thư mới cho thấy vẫn còn gián điệp của Đức trong quân đội Pháp. Ông bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn, nhất là về tội trạng của Dreyfus, người chắc chắn không thể làm nội gián khi đang bị biệt giam trên một hòn đảo xa xôi. Nhưng cũng có thể có đến hai gián điệp lắm chứ?
Picquart đẩy mạnh điều tra và tìm được chứng cứ rõ ràng cho thấy viên sĩ quan người Pháp tên Esterhazy mới là người đã câu kết với người Đức. Khác với Dreyfus, Esterhazy có lý lịch không mấy “sạch sẽ”. Hắn nghiện rượu, cờ bạc và nợ ngập đầu; do đó, hắn hoàn toàn có động cơ để bán tin tình báo cho Đức. Khi đối chiếu nét chữ của Esterhazy với thư tình báo được cho là do Dreyfus viết, Picquart ngỡ ngàng đến sững người. Nét chữ của Dreyfus chỉ tương tự nét chữ trong bức mật thư, còn nét chữ của Esterhazy thì hoàn toàn trùng khớp.
Picquart lập tức chia sẻ quan điểm của mình với các sĩ quan khác, những người từng tham gia kết tội Dreyfus. Nhưng ông vô cùng ngỡ ngàng và thất vọng khi thấy chẳng ai quan tâm. Vài người thậm chí còn cảm thấy phiền và hỏi tại sao ông lại muốn khơi lại một vụ án đã kết thúc. “Nhưng nếu Dreyfus vô tội thì sao?”, Picquart băn khoăn. Những sĩ quan kia hỏi lại: “Sao anh lại quá bận tâm đến số phận của một gã Do Thái vậy?”.
Nhiều sĩ quan khác bác bỏ chứng cứ mới mà Picquart vừa tìm được, cũng bằng cái cách mà họ đã làm khi buộc tội Dreyfus. Picquart chuyển thư tình báo của Esterhazy cho chuyên gia phân tích chữ viết trong quân đội, người từng khẳng định trước tòa rằng nét chữ của Dreyfus khớp với nét chữ trong bức mật thư.
Sau khi thẩm định, vị chuyên gia đồng tình: “Đúng là nét chữ trong những bức thư này giống với nét chữ trong bức mật thư năm đó”.
Picquart liền hỏi: “Nếu tôi nói những bức thư này mới được viết trong khoảng thời gian gần đây thì ông nghĩ sao?”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia bác bỏ lập luận rằng những lá thư của Esterhazy là bằng chứng cho thấy họ đã buộc tội nhầm người. Ông nói những lá thư đó chỉ chứng minh một điều, đó là suốt năm vừa qua, “người Do Thái” đã đào tạo một người có thể bắt chước nét chữ của Dreyfus.
Sự phủ nhận của các sĩ quan cũng như việc họ sẵn sàng để một người vô tội phải mục ruỗng trong tù khiến Picquart vô cùng phẫn nộ. Suốt những năm tiếp theo, ông dốc sức điều tra, cố gắng tìm ra toàn bộ sự thật theo cách rõ ràng nhất có thể. Trước tình hình đó, các sĩ quan nhanh chóng thay đổi thái độ, từ không đồng tình chuyển sang công khai đối nghịch. Quân đội thậm chí còn giao cho Picquart những nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, âm mưu đẩy ông vào con đường chết. Khi âm mưu bất thành, họ ngụy tạo chứng cứ, buộc tội ông làm rò rỉ thông tin và tống giam ông một năm.
Dù vậy, sau mười năm nỗ lực và trải qua nhiều phiên tòa tái thẩm, Picquart đã thành công: Dreyfus được phóng thích và phục chức.
Dreyfus qua đời ba mươi năm sau đó. Theo những gì gia đình ông kể lại, Dreyfus không hề than thở về những sóng gió đã qua, dù sức khỏe của ông đã suy giảm khá nhiều sau quãng thời gian bị giam cầm trên Đảo Quỷ. Tên gián điệp thật sự - Esterhazy - đã trốn khỏi nước Pháp và chết trong đói khổ. Trong quân ngũ, dù vẫn bị công kích bởi những kẻ chống đối, nhưng Picquart lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh bởi Thủ tướng Pháp - người đánh giá cao những nỗ lực của Picquart trong vụ án mà sau này được mọi người gọi là “Vụ Dreyfus”.
Mỗi khi có người hỏi Picquart tại sao ông làm vậy - lý do gì khiến ông không ngừng nỗ lực, mạo hiểm cả tính mạng lẫn sự nghiệp để tìm kiếm sự thật nhằm trả lại sự trong sạch cho Dreyfus - ông luôn trả lời: “Vì đó là nhiệm vụ của tôi”.
TƯ DUY TRINH SÁT
Vụ Dreyfus đã chia nước Pháp thành hai phe đối lập, thu hút dư luận toàn thế giới và tạo tiền đề nghiên cứu cho một số trí thức hàng đầu của thế kỷ 20. Một số sử gia cho rằng những hậu quả và sự chia rẽ mà Vụ Dreyfus gây ra đã phần nào làm suy yếu khả năng phòng thủ của quân đội Pháp khi Thế chiến II nổ ra. Nhưng theo tôi, yếu tố đáng chú ý nhất trong Vụ Dreyfus chính là chuyển biến tâm lý của Đại tá Picquart - người hùng không ai ngờ tới.
Hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều người không ủng hộ việc gọi một người bài Do Thái như Picquart cũng như bất kỳ người bài Do Thái nào là “người hùng”. Tuy nhiên, tôi không thể không ngưỡng mộ Picquart dù bản thân tôi là một người Do Thái.
Tư tưởng bài Do Thái của Picquart không có gì đáng ngưỡng mộ, nhưng nó đã khiến “hành trình” minh oan cho Dreyfus càng thêm ấn tượng. Tương tự các đồng nghiệp của mình, Picquart cũng có nhiều định kiến về Dreyfus. Ông không tin người Do Thái và bản thân ông cũng không ưa Dreyfus.
Hơn nữa, Picquart biết nếu ông chứng minh Dreyfus vô tội thì cái giá phải trả là rất đắt: quân đội sẽ bị tai tiếng và bản thân ông sẽ gặp nhiều bất lợi trong sự nghiệp của mình. Không có gì ngạc nhiên khi Picquart dùng từ “bàng hoàng” để nói về cảm nhận của ông khi phát hiện mẫu chữ viết trên bức mật thư giống với nét chữ của Esterhazy hơn nét chữ của Dreyfus.
Dù vậy, Picquart không phớt lờ phát hiện của mình hay cố biện giải bằng cách lập luận có một tên gián điệp mới đã bắt chước được nét chữ của Dreyfus. Picquart cũng không tự trấn an rằng ông không cần phải theo đuổi vụ này vì Dreyfus “chỉ là” một tên Do Thái.
Đó là vì Picquart có một động cơ thúc đẩy ông hành động, điều mà các đồng nghiệp của ông không có: mong muốn tìm kiếm sự thật. Động cơ đó trong ông đủ mạnh để chiến thắng tất cả các động cơ khác vốn có thể khiến ông chối bỏ, phớt lờ hoặc biện minh cho những gì ông đã phát hiện.
Picquart là ví dụ điển hình cho trường hợp mà các nhà khoa học nhận thức gọi là “nhận thức bị chi phối bởi sự chính xác”, trái ngược với “nhận thức bị chi phối bởi động cơ”. Nhưng tôi lại thích gọi đó là “tư duy trinh sát”: lối tư duy muốn có được bức tranh chính xác về thực tế, bất kể bức tranh đó có được mọi người công nhận hay có phù hợp hay không.
Hãy nghĩ về hình ảnh lính trinh sát mà tôi đã đề cập trong phần Giới thiệu. Có thể người lính đó mong muốn tìm được một cây cầu để đồng đội của anh qua sông dễ dàng hơn. Nếu tìm được thì anh rất may mắn, và đồng đội của anh có thể tận dụng cây cầu đó để có được lợi thế; còn nếu không thì anh cần tìm một lối đi khác cho đoàn của mình. Dù sao đi nữa, những gì lính trinh sát mong muốn sẽ không ảnh hưởng đến tính chính xác của tấm bản đồ mà anh vẽ ra cho các đồng đội của mình.
Tương tự, nếu bạn có tư duy trinh sát, bạn vẫn có thể mong muốn một sự việc nào đó diễn ra theo ý mình, chẳng hạn như bạn muốn chiến lược kinh doanh của mình mang lại những kết quả khả quan, bạn hy vọng mình không phải chịu trách nhiệm cho một vụ rắc rối trong công ty hoặc muốn tạo được ấn tượng tốt với cô gái mà mình đang hẹn hò. Bạn có thể ghét Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ và muốn phe mình ghét thua trong cuộc tranh luận hiện tại, bất kể đó là cuộc tranh luận về vấn đề gì. Nhưng có tư duy trinh sát nghĩa là dù bạn mong muốn điều gì đi chăng nữa thì động cơ thôi thúc bạn tìm hiểu sự thật vẫn luôn mạnh mẽ hơn.
Cuộc điều tra của Picquart là một ví dụ điển hình của tư duy trinh sát, đó là một hành trình tìm kiếm sự thật để công lý được thực thi.
Nhưng tư duy trinh sát vốn dĩ không được phân định là hợp đạo đức hay trái đạo đức. Lối tư duy này có thể được áp dụng cho bất kỳ vấn đề nào, dù đó chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt, mang tính cá nhân hay thậm chí là tiêu cực. Bạn có thể áp dụng tư duy trinh sát cho các câu hỏi như “Làm nghề gì thì mình sẽ thấy hạnh phúc nhất?”, “Ai sẽ đắc cử tổng thống trong cuộc tranh cử này?”, hay “Cách hiệu quả nhất để đè bẹp đối thủ cạnh tranh của mình là gì?”. Tư duy trinh sát chỉ có nghĩa là nỗ lực nhìn nhận chính xác về một vấn đề, bất kể vấn đề đó là gì.
THẾ NÀO LÀ CÓ “NIỀM TIN CHÍNH XÁC”?
Vậy thế nào là nhìn nhận chính xác về một vấn đề, hay nói cách khác là có “niềm tin chính xác”?
Sự chính xác được tạo thành từ hai yếu tố: độ chuẩn xác và độ chắc chắn.
Độ chuẩn xác cho thấy bạn có mức độ tin tưởng hợp lý đối với những nhận định của bản thân về thế giới bên ngoài hay không. Trong những lần bạn nói bạn “tin chắc 90%” điều gì đó là đúng, bạn có thật sự đúng trong 90% đó không?
Đa số chúng ta đều không giỏi lắm trong việc xác định độ chuẩn xác. Phần lớn chúng ta thường tự đánh giá cao những gì mình biết. Chúng ta thường nói những câu như “Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ chiến thắng” hay “Chắc chắn tôi sẽ xong bản báo cáo đó trước thứ Sáu”. Đôi khi chúng ta cũng đúng, nhưng chúng ta không bao giờ đúng 100% so với những gì mình đã tự tin nhận định. Những gì mà chúng ta tin chắc 90% thường chỉ đúng khoảng 70%; những gì chúng ta tin chắc 75% thường chỉ đúng 60%, và tương tự như thế.
Ngược lại, cũng có những lúc chúng ta lại đánh giá thấp nhận định của mình. Đã có những lần tôi ngồi trong các buổi họp và nghĩ: “Kế hoạch này có vẻ sẽ thất bại… Nhưng mình thì biết gì cơ chứ? Biết đâu nhận định của mình là sai. Tốt nhất mình đừng nói gì hết”. Và rồi đúng như dự đoán của tôi, kế hoạch đó thất bại thật. Mặc dù trong đa số các tình huống thì chúng ta vẫn thường tự tin thái quá vào nhận định của mình, nhưng chuyện chúng ta thiếu tự tin cũng thường xuyên xảy ra.
Lý tưởng nhất là bạn không nên quá tự tin hay thiếu tự tin, mà nên hiệu chuẩn hợp lý - nghĩa là bạn biết khi nào cần tin tưởng nhận định của mình, khi nào nên tin người khác, hoặc đơn giản là tránh đặt cược quá cao vào những lĩnh vực mình không hiểu rõ.
Nhưng chỉ xác định độ chuẩn xác thôi thì chưa đủ.
Giả sử bạn là người chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên. Và giả sử trong số những nhân viên bạn mới tuyển có 50% đạt kết quả tốt, tức là sau một năm làm việc, họ được đánh giá là “giỏi” hoặc “xuất sắc”. Nếu bạn đề nghị ai đó đoán xem một trong số những nhân viên mới tuyển này có làm tốt không và lần nào người được hỏi cũng trả lời “Tôi tin chắc 50% là anh ấy/cô ấy sẽ làm tốt”, thì người đó đã có câu trả lời với độ chuẩn xác hoàn hảo. Tuy vậy, họ không cung cấp được thêm thông tin bổ sung hay dự báo mang tính chuyên môn nào ngoài những gì chúng ta đã biết từ số liệu bình quân. Thật tốt khi họ có thể hiệu chuẩn hợp lý, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ có thêm khả năng phân biệt nhân viên giỏi và nhân viên dở ngay từ đầu.
Đây là lúc ta cần đến độ chắc chắn. Độ chắc chắn cho thấy những dự đoán của bạn có thể cung cấp nhiều thông tin hoặc cụ thể đến mức nào. Một người chắc chắn về dự đoán của mình sẽ đưa ra những nhận định đại loại như “Tôi chắc chắn 85% rằng nhân viên này sẽ đạt kết quả tốt”, hoặc “Tôi chỉ chắc chắn khoảng 20% là nhân viên kia sẽ đạt kết quả tốt”, hoặc tương tự vậy. Trong trường hợp này, người được hỏi đã đưa ra những dự đoán cụ thể hơn và nhiều thông tin hơn so với người đầu tiên.
Chúng ta không thể dễ dàng theo dõi độ chắc chắn và độ chuẩn xác của mình trong đời sống hằng ngày, vì những gì chúng ta làm không chỉ là đi vòng quanh và ước lượng xác suất của mọi việc - ít nhất là không phải theo một cách cụ thể như thế. Tuy nhiên sự chính xác vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi ta không trực tiếp đo lường sự chính xác, và thậm chí còn không thật sự để tâm đến những dự đoán mà mình đưa ra.
Nếu là người có thể hiệu chuẩn tốt thì bạn sẽ cảm nhận được những dự đoán của mình về thị trường chứng khoán có thường chính xác hay không. Nếu là một trong số ít những người có khả năng dự đoán chính xác về thị trường chứng khoán và biết bản thân có khả năng đó thì bạn có thể kiếm được bộn tiền nhờ việc mua bán cổ phiếu. Ngược lại, nếu bạn biết những dự đoán của mình thường không chính xác thì đơn giản là bạn chỉ cần gửi tiền vào quỹ đầu tư theo chỉ số (index fund) mà vẫn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với những người quá tự tin vào năng lực bản thân và cố giành chiến thắng trên thị trường chứng khoán một cách kém khôn ngoan.
Nếu có độ chắc chắn cao trong một lĩnh vực nào đó thì bạn có thể sẽ dự đoán chính xác hơn về những vấn đề như người nào đáng tin, chế độ ăn nào hiệu quả, lời khuyên kinh doanh nào hữu dụng, sự hy sinh nào sẽ khiến bạn hối tiếc hoặc những vấn đề nào trong các mối quan hệ có thể khắc phục được.
Bạn không thể có những nhận định xác đáng trong mọi lĩnh vực. Nhưng ít nhất, bạn có thể biết được nhận định nào của mình chuẩn xác và nhận định nào thì không.
Nói một cách đơn giản thì độ chắc chắn cho thấy mức độ hiểu biết của bạn, còn độ chuẩn xác cho thấy khả năng của bạn trong việc xác định những gì bản thân bạn biết và không biết.
Như những gì tôi vừa mô tả thì con người chúng ta có mối quan hệ phức tạp với sự thật.
Hầu như không có ai biện hộ rằng quá trình điều tra dẫn đến việc kết tội Dreyfus là đúng. Nhưng dù tư duy chiến binh có thể gây ra hậu quả tồi tệ trong một số trường hợp, nhiều người tin rằng lối tư duy này vẫn có mặt tích cực. Theo đó, khả năng tự thuyết phục bản thân tin vào những kết luận mà mình mong muốn - bất chấp sự thật - có thể mang lại lợi ích cho chính chúng ta và cho thế giới.
Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu xem những lợi ích đó có thể là gì.